Translate

Tuesday, 30 April 2013

"Còn một vĩ tuyến 17 trong tâm thức?


VÂNG, THƯA NHÀ CHỊ Pham Tuong Van, NĂM 1982 (TRÒN 08 NĂM SAU 30/4/1975) NHÀ CHÁU LẦN ĐẦU TIÊN VƯỢT VĨ TUYẾN 17 TRÊN THỰC TẾ, VÀO NAM CÔNG TÁC.
Trong đầu nhà cháu HẰN IN những điều được dạy dỗ từ bé, về BỌN NGỤY, bọn tay sai đế quốc, tư bản.
Rồi nhà cháu gặp, làm việc cùng những công chức 'lưu dung'. Họ ăn nói nhỏ nhẹ, cư xử khép nép... Một thằng học trò vừa ra trường như nhà cháu mà cũng luôn được gọi bằng anh, xưng là em, dù họ nhiều tuổi hơn nhiều, trải đời hơn nhiều, có kiến thức hơn nhiều...
"Vì anh ở Hà Nội vào", sau này đã hơi quen, hỏi, họ trả nhời thế.
Nhưng như đã vừa nói: Các anh, các chú ấy rõ ràng CÔNG CHỨC hơn các cán bộ văn hóa từ Bắc vào (và ở các tỉnh phía Bắc; từ đây xin gọi tắt là các CÁN BỘ) mà cháu từng cùng làm việc. Họ 'công chức' đến mức hỏi gì cũng có thể trả nhời cho nhà cháu khá ngọn ngành. Điều gì chưa nói rõ cho nhà cháu được, họ hẹn về nhà đọc sách, tra cứu lại, rồi sẽ trả lời sau.
(Chuyện đó khác hẳn với các CÁN BỘ. Đã không biết, nhưng rất hay rao giảng... chính trị. Các bác này chỉ PHỤC THIỆN khi ngồi bên bàn nhậu. Lúc 'tưng' rồi mới thú thật: "Chuyện mày hỏi tao biết... éo đâu. Mà mày còn hỏi tao, tao biết hỏi ai ?")

Đôi khi để hòa giải, người ta không cần cả những lời xin lỗi hay tha thứ ?

Tôi tặng những dòng tâm tư này cho blogger AnhVu của Vũ Thị Phương Anh. Đọc những ký ức buồn của chị, tôi cảm thấy có chung một niềm đồng cảm sâu sắc với những người ở phía “Thua toàn tập”. Đó là nhân dân chứ chẳng phải một thế lực chính trị nào khác như có người từng nói. Và tôi, chị đều là những người thua cuộc.

 30/4 - Với tôi, từ rất lâu đó chỉ là ngày nghỉ. Không phải tôi lãng quên những người đã chết trong cuộc chiến tranh này, cho dù họ là người lính hay dân thường, miền Nam hay miền Bắc. Hồi còn bé, tôi đọc “Hội chợ phù hoa” và nhớ một đoạn văn đại ý nói rằng, trong một cuộc chiến, khi người lính này đâm lưỡi dao vào ngực đối phương, thì cũng đồng thời đâm lưỡi dao đó vào ngực một người mẹ ở bên kia chiến tuyến. Thế nên tôi sớm có cái nhìn khác về những người ở “phía bên kia”. Thực lòng tôi vui mừng khi người ta nói sẽ không có tắm máu.

Monday, 29 April 2013

Dùng vũ lực để khuất phục luôn đồng nghĩa với sự bất lực về nhân tâm.


Lần đầu tiên tôi biết về nhà tù cộng sản là qua cuốn “Đêm giữa ban ngày”. Khi đó tôi cũng đã 50 tuổi, và người khuyên tôi tìm đọc chính là sếp cao nhất của cơ quan tôi. Ông nói đọc để biết sự tàn ác của cộng sản, mặc dù ông cũng là cộng sản, là bí thư đảng ủy cơ quan. Một sự thức tỉnh quá muộn mằn.

Saturday, 27 April 2013

Hòa giải dân tộc - Cũng là chuyện của người Việt trong nước.



Hôm đọc bài thơ “Đất nước, những năm tháng thật buồn” của bác Nguyễn Khoa Điềm, tôi nghĩ bác ấy đã nói hộ tâm tư của không ít người, trong đó có cả tôi.

Bấy lâu nay tôi cũng như nhiều người chỉ biết than thở với bạn bè, mượn câu trong bài học ngày xưa, rằng chúng ta “sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan”. Những tưởng chiến tranh qua lâu rồi thì đất nước thái bình, yên vui, cuộc đời sẽ ấm no hạnh phúc. Vậy mà hễ cứ “mở mắt” ra là thấy tin cướp, giết, hiếp. Lên mạng nghe toàn chuyện buồn như đâu đâu cũng thấy dân bị cưỡng chế đất sinh nhai, đi kêu oan bị bỏ tù. Chuyện dân bị công an đánh chết cả ngoài đường lẫn trong đồn. Chuyện công an ngang nhiên nhận mãi lộ. Chuyện người ta đua nhau chạy dự án làm công trình thế kỷ này nọ để kiếm lời, bỏ qua chuyện không xa thủ đô, dân vẫn phải qua sông bằng đò kéo dây. Người nghèo ở các vùng sâu nghèo không thể nghèo hơn…Ti tỷ những nỗi buồn.

Wednesday, 24 April 2013

Chúc mừng sinh nhật lần thứ 43 Chú Tễu mến thương.




Loài hoa Tễu yêu thích nhất

Hôm nay là ngày sinh nhật Chú Tễu - Xuân Diện. Cũng ngày này năm trước, trên blog Tễu có tường thuật trực tiếp "Trắng đêm cùng Văn Giang". Đêm đó trong số những người thức cùng Văn Giang, có cả tôi và chú Tễu. Có lúc mệt quá, tôi bảo Tễu chợp mắt để tôi canh cho. Nhưng rốt cục tôi lại là người thiếp đi trước, còn Tễu mới thực sự là trắng đêm.

Tôi nhớ lần đầu tiên gặp Xuân Diện là ở café 36 Điện Biên Phủ, trong khi ngồi chờ đến giờ biểu tình chống Trung Quốc. Trước đó tôi mới chỉ biết Xuân Diện qua blog của cậu ấy, không nghĩ là cậu ấy còn trẻ thế.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Xuân Diện là giọng nói – nhẹ và ấm. Mặc dù lúc ấy chả ai biết nhau, nhưng cứ đi biểu tình là dễ làm quen với nhau lắm. 

Tuy đã quen nhau, nhưng ban đầu tôi đâu dám gửi bài tường thuật chuyện đi biểu tình cho blog Xuân Diện. Hồi đó thấy blog của cậu ấy hơn triệu rưỡi người đọc đã nể lắm rồi. Không thể ngờ mới qua gần 2 năm, lượng người đọc blog Xuân Diện đã lên tới hơn 21 triệu lượt người truy cập (mỗi ngày có tới hàng vạn lượt). Chỉ khi tự mình lập blog, tôi mới thấy đó là một con số rất đáng nể. Không phải vô cớ mà người ta tìm đến trang Xuân Diện nhiều đến thế, cho dù có qua bao nhiêu thăng trầm, điều tiếng này nọ. Nếu có tò mò, người đọc cũng chỉ vào đôi ba lần là cùng. Nhưng tôi nghĩ họ đến với trang Xuân Diện hoàn toàn là vì một niềm tin nào đó.

Nhiều lần chứng kiến Xuân Diện cặm cụi đăng tin, bài trên blog, tôi nhận thấy cậu ta có năng khiếu của một nhà báo hơn là người viết bài. Khi tôi nói với Xuân Diện nhận xét này, cậu ta cười hồn nhiên bảo, mơ ước duy nhất của em ngoài khoa học là làm báo. Nếu nhà nước này cho phép báo tư nhân, em sẽ đứng ra lập một tờ báo.

Làm báo có dăm bảy kiểu. Nhưng tôi tin những người yêu nghề báo một cách đúng nghĩa, là những người khao khát được nói lên sự thật nhất. Nói lên sự thật cũng là một thứ trách nhiệm với xã hội. Chọn nghề làm báo chân chính cũng là chọn con đường chông gai cho mình.

Nhân ngày sinh nhật lần thứ 43, xin gửi lời chúc đến Chú Tễu Xuân Diện lời chúc mừng chân thành nhất. Mong một ngày ước mơ của cậu sẽ trở thành sự thật. Tuy là ngày sinh của cậu, nhưng sẽ là không trọn vẹn nếu như không nhắc đến gia đình nhỏ bé của cậu.- Trang phu nhân và 2 bé Vừng, Mun. Chúc cậu và gia đình hạnh phúc nhé.

Tuesday, 23 April 2013

Chuyện cưỡng chế - Trăm năm đâu chỉ một cuộc bể dâu (phần kết)


Công lý chỉ là một diễn viên hài?

Một sai phạm khó hiểu nữa của các cấp chính quyền Hải Phòng là trong thời điểm cưỡng chế đầm Sép, Tòa án thành phố Hải Phòng đang giải quyết vụ tranh chấp đầm Sép giữa ông Trần Văn Phưởng với ông Nguyễn Đức Tê. Do khó khăn về tài chính, năm 1998, ông Phưởng đã bán quyền sử dụng một phần diện tích đầm Sép cho ông Tê. Nhưng ông Tê không những không trả tiền cho ông Phưởng mà còn định chiếm toàn bộ đầm Sép, dẫn đến việc ông Phưởng kiện ông Tê ra tòa. Vụ kiện đã qua Tòa án tối cao xử phúc thẩm vào 24/9/2003, và ngày 11/7/2003 phòng thi hành án TP Hải Phòng có quyết định thi hành án số 253/THA, buộc ông Tê phải trả lại đầm Sép cho ông Phưởng.

Sunday, 21 April 2013

Chuyện cưỡng chế - Trăm năm đâu chỉ một cuộc bể dâu?

Trong chuyến đi xem phiên tòa công khai, xử anh em Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, tình cờ tôi được nghe một câu chuyện na ná như vụ Đoàn Văn Vươn. Chỉ khác là vụ này không có súng hoa cà hoa cải gì cả. Không ai bị bắt bớ, bị thương, vì người dân mặc dầu thấy mình oan ngút trời, nhưng vẫn ngoan ngoãn chấp hành lệnh cưỡng chế. Rồi sau đó ngoan ngoãn đi gửi đơn đến các cấp từ xã cho đến tận quốc hội, ròng rã 10 năm trời vẫn chưa thấy công lý đâu.

Tôi cũng được đọc “ké” bộ hồ sơ của vụ này. Thú thực, đã nghe nạn nhân kể tóm tắt trước, nhưng đọc đến “hồ sơ” thì tôi không nén được dăm bảy phen chửi thề. Chửi từ cái “thằng” đánh máy cho đến “thằng” ký. Chửi cái tội sai chính tả thì ít, nhưng chửi cái “thằng” đá bóng thì nhiều. Các ban ngành chức năng đã cất công điều tra mấy năm trời. Thành lập hết đoàn này đến ban nọ, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền công tác phí và phong bì phí. Vậy mà chỉ một lời của ông phó chủ tịch thành phố là có thể sổ toẹt vào sự thật, biến không thành có, đổi trắng thành đen. Đây là do sự ngu dốt bẩm sinh hay cố tình giả ngu để ăn tiền? Phó chủ tịch thành phố mà tuyên bố xanh rờn: “ UBND TP sẵn sàng ra tòa” – trích báo Bảo vệ Pháp luật số 30, ngày 26/7/2008. Nói vậy thì ai sẽ là người to gan lớn mật, dám xử UBND thành phố Hải Phòng?

Monday, 15 April 2013

Họ không thể ngồi xổm lên pháp luật mãi, nếu người dân hiểu biết rõ quyền của mình!



Trong bình luận trên facebook của một trong hai người đàn ông, cùng bị công an phường Bách Khoa kiểm tra hành chính, khi họ đang đứng yên lành bên lề đường (bài Tự do gấp vạn lần thằng giãy chết là đây chứ đâu?), có đoạn công an hỏi, tại sao anh ấy chưa kết bạn với luật sư Nguyễn Văn Đài trên facebook? Tâm trạng trong tôi khá phức tạp, buồn cười có, phẫn nộ có, khinh thường có…
Hết theo dõi ngoài đời, giờ công an lại theo dõi cả chuyện ai kết bạn với ai trên mạng. Giờ tôi rút kinh nghiệm rồi. Ai hỏi thì tôi còn trả lời, chứ công an có cảnh phục hay không cảnh phục mà hỏi tôi bất kỳ cái gì là nhất định tôi sẽ không trả lời, chờ tham vấn luật sư xem nghĩa vụ của tôi phải cung cấp những thông tin nào cho nhà chức trách.
Nói vậy tôi lại nhớ tôi cũng chưa kết bạn với LS Đài trên mạng, mặc dù tôi đã đôi lần gặp gỡ, chuyện trò ngoài đời với hai vợ chồng Đài. Lý do rất đơn giản, cậu ấy là người nổi tiếng. Mà tôi thì rất ngại làm phiền những người nổi tiếng, sợ rằng bị cho là bon chen, ra điều ta đây cũng có quen biết vậy.

Đảng đâu ? Giai cấp CÔNG NHÂN của các ông đang bị đánh vỡ đầu kìa!

Bảo vệ đập vỡ đầu công nhân đòi tăng lương

(ĐVO) - Sự việc xảy ra vào sáng ngày 13/4 tại trước cổng Công ty TNHH Bình Tiên Đồng Nai (DONA Bitis, thường gọi Bitis Đồng Nai, đường Phạm Văn Thuận, TP Biên Hòa-Đồng Nai). Nạn nhân là anh Nguyễn Minh Nhã (27 tuổi, quê Tiền Giang), làm việc tại xưởng giày.

Được biết, hàng trăm công nhân này đang đứng trước cổng công ty để đòi tăng lương cơ bản lên mức 2,9 triệu đồng/tháng (mức lương cơ bản hiện tại là 2,4 triệu đồng/ tháng). Ngoài ra, công nhân cũng yêu cầu giảm giờ tăng ca, nếu tăng ca 2 giờ/1 ngày thì phải tính công bằng 2,5 giờ. Đồng thời, tiền ăn nhẹ trong giờ tăng ca cũng phải tăng lên 4.000 đồng. thì có xảy ra xô xát với đám bảo vệ của công ty.

Một nhân chứng cho biết:  “Tôi chứng kiến bảo vệ dùng gậy quật mạnh vào đầu Nhã, máu chảy nhiều khiến anh gục xuống ngay tại chỗ”.

Saturday, 13 April 2013

Tự do gấp vạn lần thằng giãy chết là đây chứ đâu?



Xong việc nhà đã 13 giờ 5 phút. Vào mạng đọc được tin, 2 giờ chiều nay sứ quán Hoa Kỳ sẽ đến đón luật sư Nguyễn Văn Đài, để phỏng vấn trước cuộc đối thoại về nhân quyền giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Chả nghĩ ngợi gì nhiều, tôi nhét điện thoại và chứng minh thư nhân dân vào túi với mấy chục ngàn, bắt xe buýt đến phố Tạ Quang Bửu. Đến nơi là 13 giờ 54 phút. Mất mấy phút ngó nghiêng, xác định vị trí rồi cứ đường hoàng tiến vào ngõ.
Ngõ vắng. Vào đến hơn 100 mét mới nhìn thấy bóng áo công an, dân phòng. Thêm dăm bảy bà phụ nữ tóc hoa râm, kê ghế ngồi dọc vỉa hè. Một bà dân phòng già còn cầm ve vẩy cái dùi cui, nom rất oách.
Bên trong trụ sở cụm dân cư cạnh đó đầy nhóc người, mà thoạt đầu tôi cứ tưởng có đám cưới. Chắn ngang cái ngõ nhỏ tiếp theo (hẳn là lối vào nhà LS Đài) là 3 cái biển cấm. Một biển cấm quay phim chụp ảnh. Hai biển cấm vào khu vực bảo vệ bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Tôi dừng lại đọc đàng hoàng, rồi tìm chỗ đứng để quan sát mà không vướng víu đường đi lối lại, dễ bị họ kiếm cớ để đuổi. Đương nhiên, những con mắt soi mói bắt đầu tập trung vào tôi. Nhưng cứ hễ ai nhìn tôi là tôi lại nhìn thẳng vào mắt họ. Đương nhiên họ lại quay đi. Áng chừng khoảng gần năm chục người đủ thành phần, đứng đầy cả ngõ.

Tuesday, 9 April 2013

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Đoàn Văn Vươn không nổ súng?

Trong cuốn 17 khoảnh khắc của mùa xuân (tác giả Yulian Semyonovich Semyonov), có đoạn viết về suy nghĩ của một sĩ quan ghetapo như sau: “không có gì làm con chó săn điên tiết bằng sự chạy trốn của con thỏ. Nhưng quả thật hắn không biết điều gì sẽ xảy ra, nếu con thỏ nằm xuống và chổng bốn vó lên trời?”

Giả thiết trên khiến tôi liên tưởng đến trường hợp nổ súng tự vệ của anh em Đoàn Văn Vươn. Nhiều người cho rằng hành động chống lại việc cưỡng chế là đúng, nhưng chống lại bằng việc nổ súng lại là sai. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu Đoàn Văn Vươn không nổ súng mà hành động giống như con thỏ kia? Hoặc điều gì sẽ đến nếu cả Đoàn gia lấy thân mình dàn hàng ngang, để ngăn cản cảnh sát cơ động cùng chó becgie?

Sunday, 7 April 2013

ĐIỆN 10 PHA HAY BÌNH DƯƠNG CHƠI ĐỂU QUỐC HỘI


Bài không thêm, nhưng có lược bớt.


Sau khi đọc bản tin “Bình Dương nhận được hơn 44 triệu ý kiến đóng góp Dự thảo Hiến Pháp 1992”. Bản tin được đưa trang trọng trên website của Tỉnh Bình Dương, trên báo Thanh Niên và các báo nhà nước khác cũng hào hứng đưa bản tin về nội dung này.

Thử làm một phép tính đơn giản:

Tin trên báo Thanh Niên: Đến tháng 9/2013 mới hết thời hạn góp ý sửa đổi Hiến Pháp, đến nay còn 6 tháng mà Bình Dương đã đóng góp tới hơn 44 triệu ý kiến, chính xác là 44.459.628 ý kiến. Dân số Bình Dương theo con số hiện nay công bố là 1.497.177 người.

Như vậy:

-     Kể cả trẻ sơ sinh, kể cả người nằm chờ xuống huyệt, trung bình mỗi người dân Bình Dương đã đóng góp 29,696 ý kiến cho Sửa đổi Hiến Pháp.

Saturday, 6 April 2013

VỤ ÁN ĐẦM VƯƠN


(Kính tặng anh Đoàn Văn Vươn, cùng mọi người của Đoàn Gia, chút chân tình đạm bạc của Lão Nông)


1
Trả áo lính chàng về quê gốc
Rồi theo đòi tu học canh nông
Nào mong quan nghiệp hanh thông
Mà duyên gắn bó ruộng đồng bấy lâu

5.
Được trời phú sáng đầu liệu tính
Cộng mấy năm bản lĩnh phong trần
Đời trai phỉ chí lập thân
Chàng Vươn đã quyết một lần ra tay

9.
Đây Cống Rộc, đất này đầu sóng
Cả một vùng vắng bóng người qua
Biển lấn vào, đất trôi ra
Đê xa lác đác chừng ba đôi chòm

13.
Buổi mới đến cảnh nom mà hãi
Người thổ cư cũng phải âu lo
Kẻ kia có ngã tay đò?
Những trông sóng cả mà so cả người!

Vươn à! Bao lần trắng tay, biển còn thua anh, cớ gì lần này phải cúi đầu trước cái ác?


Từ Hải Phòng về chưa được bao lâu, đầu giờ chiều ngày nghị án, chúng tôi lại quày quả quay lại. Lần này có cả chị Trần Thanh Vân, cụ bà Lê Hiền Đức cùng về. Cuối tuần đường đông, xe chạy như rùa bò. Dọc đường thì nghe tòa đã tuyên: 5 năm!

Chúng tôi không ngạc nhiên. Lúc trước mấy anh chị em bảo nhau: khôn ngoan và tử tế thì tuyên án bằng đúng thời gian đã giam giữ, rồi thả ngay tại tòa (không hy vọng nó nhận sai hoàn toàn đâu). Rốt cục ngu dại vẫn hoàn ngu dại.

Thursday, 4 April 2013

Kết tội họ Đoàn là "vả vào mồm" thủ tướng?

Xin được đổi lại tên bài tường thuật này. Vì vội khi đăng bài nên chưa nghĩ ra được cái tên mà trong nhiều cuộc tranh luận, tôi vẫn thường nói đến.

Thứ 3, mồng 2/4 mới xử vụ án nhà họ Đoàn ở Tiên Lãng, nhưng từ thứ 6 tuần trước đó, công an khu vực đã đến nhà. Tôi đang nấu cơm nên anh ấy không vào, cứ đứng nói chuyện qua cửa sổ bếp.

Sau câu rào trước đón sau, bày tỏ về sự ủng hộ Đoàn Văn Vươn khiến tôi bất ngờ, đương nhiên là anh ta hỏi tôi có đi Hải Phòng xem xử án không? Chừng như cũng ngượng ngịu vì việc tôi đi Hải Phòng hay không chả liên quan gì đến phường tôi đang ở mà hỏi, anh ấy bẽn lẽn cười, bảo biết tôi hay quan tâm viết bài bênh vực nông dân, như với bà con bên Văn Giang chẳng hạn nên mới hỏi thế. Anh ấy bảo thôi thì người địa phương nào thì cứ để địa phương ấy lo, rằng ở đó đông người rồi, ý bảo tôi nên ở nhà. Tôi mới chớp mắt, chưa kịp lên tiếng “ơ hay” thì chắc anh ấy cũng đoán được tôi định nói gì – hiểu nhau quá mà – nên gục gặc cái đầu bảo ngay, rằng đi hay không là quyền của chị, rằng là tôi cũng hỏi vậy thôi, chứ biết chị thể nào cũng đi.
Tưởng thế là xong, tối thứ bẩy, tổ trưởng dân phố gõ cửa, ra mở cửa thì lại thấy công an đứng đằng sau. Bực lắm nhưng vẫn cố không cáu gắt, vì tôi ghét cứ phải nhiều lời. Lại gì nữa đây?
Đứng nói chuyện ngay ở cửa. Chả có gì khác, chỉ là ở dưới ấy đông lắm… không nói toạc được ra thì là làm sao nên cứ loanh quanh mãi. Tôi bảo tôi muốn mắt thấy tai nghe người dân Hải Phòng nói gì, nghĩ gì, chứ không muốn nghe qua người khác kể lại. Rằng chẳng phải vì tôi đàn bà chậm chạp, yếu ớt mà tôi vốn chủ trương bất bạo động, nên sẽ không có màn giằng co hay đấu võ mồm đâu. Anh công an bật cười nhìn tôi bảo:
-     Chị thì sức mấy mà giằng co được?
-     Đấy nhé, chính anh cũng thấy thế nhé. Vậy mà anh biết không? Tôi đang đứng chụp ảnh công an lao vào bắt người đi bộ trên Bờ Hồ, gây ra cảnh hết sức lộn xộn thì họ ra chộp lấy tay tôi, đưa tôi về Lộc Hà và vu khống tôi gây rối trật tự công cộng, rồi bắt các anh giáo dục tôi. Nhưng tôi nói thật, lần này mà các anh chặn tôi là tôi không để yên đâu đấy.
Thấy có vẻ lại sa đà vào việc bị “tố” lại, anh công an lảng ngay sang chuyện khác rồi cáo từ. Tổ trưởng dân phố chỉ đứng cười ruồi, từ đầu đến cuối đóng vai người làm chứng.
Lên facebook, thấy một số người bá cáo chuyện bị canh me dữ lắm, tôi nghĩ đau cả đầu về việc đi Hải Phòng như thế nào cho trót lọt, liệu có bị cản trở như trước đây không? Thái độ của công an phường chả ra quyết liệt, cũng chả ra không quan tâm. Nhưng mấy người quen ở Hải Phòng thì bảo, các bến xe đầy mật vụ (tên mới chỉ lực lượng an ninh). Các khách sạn và nhà nghỉ dường như đều được viếng thăm với những lời dặn dò?