Translate

Friday 30 September 2011

Đau đẻ 19 năm mà giăng chưa sáng

Câu chuyện thứ nhất
Người Việt mấy ai không biết cái câu “đau đẻ chờ sáng giăng”?
Hồi ở phòng tôi có đứa nghỉ đẻ, nhờ tôi làm cái đơn, rồi đem xuống văn phòng “xin phép” hộ nó. Tôi ngồi nghĩ mãi, chả biết vào đề thế nào, gửi ai? Thôi thì đường ở “mồm” mình, tôi bèn xuống gặp ông phó chánh văn phòng để hỏi cách thức. Ai dè ông ấy chu chéo lên bảo: ai bảo làm đơn?
Nhưng đúng là từ trước, tôi vẫn nghe thấy mấy đứa con gái đã từng nghỉ đẻ, bảo phải làm đơn trước khi nghỉ đẻ mà lị. Ông phó chánh là người khá cổ hủ, dính vào mấy cái thứ vặt vãnh này là ông ấy cứ dãy nảy lên. Ông ấy bảo, đã xin thì có thể cho hoặc không cho. Nếu vậy, không đồng ý thì nghĩa là không được đẻ à? Trước đây làm đơn xin ai thì anh không biết, nhưng anh là anh không có ký cọt cái gì sất.
Hơ hơ! Đúng thế thật, nghe có lý quá. Thế mà từ xưa tới nay, chả hiểu ai lại nghĩ ra được cái thủ tục oái oăm đến thế cơ chứ?
Đến cuối tháng, tôi đem bảng chấm công xuống phòng tài chính. Như thường lệ, cô thủ quỹ hỏi:
- Thế đơn nghỉ đẻ của chị ấy đâu ạ?
Tôi bèn thuật lại câu chuyện trên. Nhưng cô ấy vẫn cứ là băn khoăn lắm. Thế ra Bảo hiểm, người ta hỏi thì biết làm thế nào?
Thế chẳng lẽ đây là lần đầu tiên, có người nghỉ đẻ ở Việt Nam chắc? Tôi bảo tôi không biết! Nếu cô ấy muốn, thì đi mà hỏi văn phòng – là nơi từ xưa đến nay, tất tật các kiểu nghỉ phép, nghỉ không lương, nghỉ ma chay, cưới hỏi…đều phải qua đó. Nhưng rồi tôi cũng bảo: thì trong bảng chấm công đã có chấm là nghỉ đẻ rồi, đằng nào chả phải làm chế độ cho nó. Khi nào làm chế độ, khắc có giấy chứng sinh, rồi khai sinh vân vân…Nếu bên bảo hiểm họ vặn vẹo hẵng hay. Mà họ có hỏi thì cứ xin họ hướng dẫn cách làm đơn, có thế thôi.
Mọi chuyện ổn cả. Nghĩa là chẳng cần phải làm đơn xin xỏ. Đến ngày đến tháng, đứa bé khắc chui ra mà chả cần ai cho phép. Và thế là từ đấy, chị em ở cơ quan tôi chẳng ai phải làm đơn xin nghỉ đẻ nữa. Lẽ ra tôi phải bắt chúng nó khao tôi một chầu mới đúng.

Câu chuyện thứ hai
Tôi đang đi trên đường thì gặp đèn đỏ. Thì đương nhiên là tất cả mọi người đứng chờ. Thời gian là vàng bạc. Ai nấy đều chăm chắm nhìn vào cái cột đèn báo hiệu, để sẵn sàng vọt lẹ. Ấy thế mà đèn xanh bật lên rồi, những người đứng phía trước chẳng hiểu tại sao cứ đứng chôn chân tại chỗ. Tôi đứng đằng sau, sốt ruột hét tướng lên:
- Đi đi chứ, làm sao thế?
Vẫn chả ai động đậy gì, bên kia đường xe cộ đang ào ào lao sang. Tôi cáu thực sự, rồi bỗng nhất loạt mọi người rồ ga phóng lên. Hóa ra có một chú công an đứng lơ ngơ ngay ở giữa, bên làn đường của tôi. Chú ấy còn ngoái lại nhìn mọi người đang đứng im phăng phắc, mà chả ra hiệu gì cả. Sau rồi chắc chú ấy cũng đoán được nên lùi lại về phía vỉa hè, thế là mấy vị đi đầu mới dám tiến lên. Tôi lầm bầm chửi rủa suốt dọc đường, làm sao mà khốn khổ thế kia chứ, đèn xanh rồi mà không dám đi. Mà mắc mớ gì cái chú công an kia lại đứng giữa đường (không phải giữa ngã tư nhé), khiến bà con ta hãi thế. Thế mới biết cái nỗi sợ của người ta nó lớn đến mức nào. Lẽ ra chú chỉ cần ngoắc cái tay một cái là bà con ta hiểu ý ngay. Nhưng dù sao thì chú đứng giữa đường thế cũng nguy hiểm lắm. Có bữa tôi thấy có một chú cong hết cả người, để tránh một vị phóng xe qua sát sàn sạt.
Thế cũng có nghĩa là chỉ cần thấy bóng các chú công an, những người nào manh nha có ý đồ vi phạm giao thông chắc cũng sẽ thôi ngay thôi. Nắm bắt được tâm lý đó, một số chú bây giờ không đứng hiên ngang giữa đường nữa, mà chuyển sang đứng cách ngã tư khoảng mươi mét, chỗ rẽ tay phải khi có đèn đỏ. Khối kẻ thiếu ý thức dính bẫy. Phải có biển “Đèn đỏ được phép rẽ phải” thì mới rẽ nhá, không là được chú công an hỏi thăm ngay đấy.

Câu chuyện thứ ba
Tôi không rõ ở nước ta, có bao nhiêu người biết về điều 69 của Hiến pháp năm 1992 ?
Lại nói về chuyện tôi bị công an bắt đưa vào Hỏa Lò, một ông cùng tổ dân phố tỏ vẻ rất thông cảm:
- Chú cũng đã bảo với mọi người rồi, ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần.
Tôi ngạc nhiên nhìn ông ấy, hỏi gặng:
- Dại thế nào hả chú?
- Thì đấy! Nhà nước không cho mình đi biểu tình mà mình vẫn cứ đi, thế là dại chứ còn gì.
A! Vậy là họ cũng biết tôi bị bắt là vì đi biểu tình! Chứ lại bảo tôi bị bắt vì gây rối trật tự công cộng, như cái lệnh bắt giữ tôi nó ghi vậy thì đúng là chả ai tin.
Bình thường trong cuộc sống, mấy ai đi tìm hiểu mình có quyền này quyền nọ hay không đâu. Chỉ khi nào thực sự vướng vào vụ này việc nọ, người ta mới đi tìm thầy tìm thợ để hỏi han. Ví như tôi, hiểu rằng mình có quyền đấy, nhưng giải thích bằng những lập luận chặt chẽ, như bác giáo sư Hoàng Xuân Phú viết trong bài “Quyền biểu tình của công dân” thì chịu. Chắc bác Phú bác ấy giải thích luật theo logic của toán học, cho nên nó cực kỳ rõ ràng và dễ hiểu. Một kẻ trình độ lèng tèng như tôi, đọc vào cứ là thấy sáng rỡ như ban ngày. Và nói thực là khi ở trong trụ sở công an quận Hoàn Kiếm, tôi cũng đã tận dụng ngay cái món võ ấy để thực hành trong cuộc đấu lý với mấy tay điều tra viên. Tôi không biết họ biết rõ dân có cái quyền đó? Hay họ sợ cái oai là viện sĩ hai viện hàn lâm của bác Hoàng Xuân Phú, mà tôi hãnh diện trương ra? Hay vì ngán phải nghe tôi nói về nguyên nhân việc tôi đi “gây rối” - vì tôi hay tranh thủ tố thêm chuyện xã hội lắm? Nên những cuộc làm việc giữa tôi với các điều tra viên thường là kết thúc nhanh chóng, chỉ khoảng nửa tiếng là cùng. Phần lớn thời gian của tôi trong trụ sở công an quận Hoàn Kiếm là chờ đợi.
Năm 1994, tôi có thời gian làm công tác giải phóng mặt bằng ở một Ban quản lý dự án về xây dựng đường xá. Hồi đấy công việc này khá mới mẻ, nên người ta cứ vừa làm vừa lần mò, vừa hoàn thiện dần. Trong quá trình làm, cứ nghe mọi người nói căn cứ vào cái 203 của Hội đồng bộ trưởng mà chả hiểu đó là cái gì. Sau mới biết đó là nghị định về hành lang bảo vệ đường bộ của Hội đồng bộ trưởng – tức là Chính phủ bây giờ - ban hành từ năm 1982. Theo nghị định đó, thì trong phạm vi 20 mét từ chân taluy đường quốc lộ, không được xây xướng nhà cửa, công trình, vật kiến trúc gì sất. Với cầu cống thì hành lang đó tối thiểu là 30 mét.
Tôi thắc mắc với sếp tôi, tại sao nghị định ban hành từ mười mấy năm trước, mà người ta vẫn xây nhà cửa, công sở sát lề đường thế ạ? Và tại sao bây giờ vẫn phải tuyên truyền, thông báo về cái nghị định đã ban hành từ cái đời tám hoánh nào, đến các địa phương nằm trong khu vực Dự án thế ạ?
Hóa ra suốt bao nhiêu năm, chả ai phổ biến cái nghị định ấy xuống đến từng địa phương cả. Hoặc có phổ biến nhưng chẳng ai thi hành. Thế nên không cứ người dân, mà cả trụ sở cơ quan cũng cứ vô tư bám sát các con đường huyết mạch hay không huyết mạch, để mà làm ăn, mà sinh sống. Chính quyền cũng cứ vô tư giải quyết thủ tục cấp đất đai cho dân. Đến bây giờ thì Dự án è cổ ra lấy tiền ngân sách mà đền bù đất đai, nhà cửa ruộng vườn… Tôi tham gia đoàn kiểm kê, đếm từ cây chanh bé tẹo đến bụi chuối mới trồng, tất cả đều là tiền cả đấy. Ôi trời, chuyện về “giải phóng mặt bằng” thì phải viết thành truyện mới kể hết được.
Dần dần tôi mới võ vẽ đôi điều, về cái quy trình đi của các loại văn bản giấy tờ, từ cao nhất là Luật, cho đến nghị định, thông tư, quyết định này nọ. Nhưng cái chính là làm sao người dân biết được những cái luật này, nghị định kia chứ.
Tỷ dụ như ngày trước, khi có luật giao thông, người ta phải tổ chức phổ biến đến tận từng cơ quan, trường học v.v…

Nói xa nói gần, lại nói về cái quyền biểu tình, không phổ biến rộng rãi thì dân làm sao mà biết được? Tôi dám chắc ngay tại thời điểm này, rất nhiều công chức, hay viên chức đang làm trong các cơ quan nhà nước, cũng chẳng biết Hiến pháp Việt Nam đã cho mình cái quyền biểu tình hẳn hoi. Vậy thì ông chú cùng tổ dân phố với tôi, về hưu hai chục năm có lẻ, không biết được ông ý cũng có quyền biểu tình như tôi cũng phải thôi.
Hôm chủ nhật vừa rồi, ngồi uống nước ở Thủy Tạ, có cả mấy anh công an quận Hoàn Kiếm và công an thành phố ngồi cùng. Tôi tranh thủ hỏi anh công an quận Hoàn Kiếm tên người ký quyết định tạm giữ tôi ngày 21/8 vừa qua, và rằng tôi có được quyền giữ 1 bản quyết định đó không. Sau khi giải thích qua loa chẳng mà cho tôi biết thêm thông tin gì, anh công an ở quận bảo tôi:
- Chị Bích ạ, chị cũng nên thông cảm cho chúng tôi…
Qua 10 cuộc biểu tình, tôi chưa quen mặt anh ấy. Anh ấy nói năng cũng nhẹ nhàng, không hùng hổ, hống hách như mấy anh đi dẹp người biểu tình chúng tôi. Tôi cười lắc đầu:
- Các anh còng tay tôi, giam tôi vào Hỏa Lò như tội phạm rồi nói tôi thông cảm thì nói thực là khó quá. Tôi biết các anh phải làm nhiệm vụ, nhưng làm nhiệm vụ cũng có nhiều cách…
Anh ấy lảng ngay sang chuyện khác, hoặc câu chuyên liên tục bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại. Mỗi khi cuộc nói chuyện có xu hướng đi vào tranh luận như việc tại sao ngăn cản người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, tại sao lại hốt hoảng khi thấy người dân giăng lá cờ Tổ quốc ra là anh ấy né tránh ngay, chỉ cười miễn cưỡng rồi nói sang chuyện khác.
Chả là tôi bị thất lạc mất lá cờ từ cuộc biểu tình ngày 14/8. Thế mà có người nhớ, chủ nhật vừa rồi đem ra Bờ Hồ trả lại cho tôi. Tôi và Mình Hằng mặc áo dài, mỗi người cầm một bên lá cờ giăng ra để chụp ảnh. Thế là ngay lập tức các anh xúm lại, to tiếng có, nhẹ nhàng có, ra sức khuyên chúng tôi cất lá cờ đi, khuyên chúng tôi về đi. Buồn là chừng nào chúng tôi chưa rời khỏi Bờ Hồ là các anh ấy còn phải ở đó trông chừng chúng tôi. Thậm chí chúng tôi đi ăn trưa các anh cũng cho người bám theo chúng tôi. Các anh khổ mà chúng tôi cũng chả sung sướng gì. Tiền người dân chúng tôi đóng thuế, để trả lương cho các anh đi theo dõi chúng tôi thế này thì thực là lãng phí quá?
Rồi khi anh ấy bảo đảng và chính phủ cũng đang rất quan tâm đến vấn đề chủ quyền… tôi lại bảo nhưng dân chúng tôi đâu có biết. Hãy cho dân chúng tôi biết sự quan tâm ấy như thế nào đi. Anh ấy lại bảo đấy là bí mật quốc gia, không phải cái gì cũng nói công khai được. Tôi nói thẳng đó chỉ là ngụy biện, việc đối nội đối ngoại cần phải có sự khôn khéo của người lãnh đạo đất nước. Chính phủ không làm được điều đó thì là chính phủ kém. Chắc anh ấy ngạc nhiên lắm khi một người dân quèn như tôi mà dám nói như vậy, hoặc là anh ấy chả thèm tranh luận với đàn bà…Thế thì làm sao anh ấy hiểu được tại sao tôi đi biểu tình!
Tôi bỗng nhớ đến những câu trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc “Tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như trời hạn trông mưa;”. Dân chúng tôi bây giờ cũng trông chờ nhà nước lên tiếng như trời hạn trông mưa như thế. Nhưng tin tức ngoài biển khơi kia vẫn hàng ngày làm ruột gan con dân nước Việt ta như có lửa đốt, vậy mà nhà nước thì vẫn cứ nhất quyết im lặng giữ bí mật quốc gia….Bí mật cái gì khi trên mạng Trung Quốc báo chí họ công khai hết cả chủ trương đường lối của mình? Thực hư thế nào thì không ai biết. Vậy là dân mình thấy thế chỉ biết tức nổ ruột, thì phải xuống đường biểu tình để mà phản đối chứ!
Cứ cho là Hiến pháp đã cho người dân quyền biểu tình đi, nhưng vẫn cần phải có luật để thực hiện? Nào cần phải học hành cao siêu gì mới hiểu được, mọi nhu cầu của cuộc sống cứ diễn ra theo chiều quay của kim đồng hồ. Đôi khi văn bản này vừa ban hành ra đã bất cập rồi. Lại phải sửa đổi, thay thế cho phù hợp với thực tế. Nói như bác Phú ấy, không có luật thì người ta vẫn cứ phải ăn, phải ngủ, phải sống như thường. Sao họ cứ nói thay người dân chúng tôi là không có nhu cầu biểu tình thế nhỉ?
Thằng Trung Quốc nó xả súng vào những người lính tay không tấc sắt của mình, ngang nhiên cướp bóc tài sản của ngư dân mình, cấm đoán dân mình đi lại trên biển của mình v.v… mà lại bảo dân chúng tôi không có nhu cầu phản đối, đả đảo? Hiến pháp cho dân có quyền biểu tình từ năm 1992. Luật có thể không ra, chứ dân vẫn có nhu cầu biểu tình. Nó khác gì cơn đau đẻ suốt 19 năm nay mà giăng vẫn chửa sáng vậy. Phiên tòa nào có thể kết tội người dân, chỉ vì họ biểu tình phản đối những kẻ xâm lược?




Thursday 29 September 2011

Mèo lạc

Tôi, một con người trưởng thành, nặng hơn năm muơi ký. Vậy mà không thể bảo vệ, cưu mang nổi một con mèo nhép không to hơn nắm tay, không hiểu do con mèo mẹ nhẫn tâm hay con người nhẫn tâm quẳng nó ra ngoài đường. Ngồi trong buồng, cứ mỗi lần nghe thấy tiếng con mèo con kêu buồn thảm ngoài cửa là lòng tôi lại thấy nặng trĩu. Tôi cứ cố nghĩ cách làm sao kiếm cho nó một nơi để trú ngụ và tồn tại.
Dạo này cứ sau bữa ăn tối, tôi lại ra công viên gần nhà đi dạo khoảng một tiếng. Một lần, khi đang bách bộ qua cái sân mờ tối giữa hai khu nhà tập thể, tôi nghe có tiếng mèo con kêu thảm thiết ở gần đâu đó. Tiếng kêu quen quen khiến tôi nhớn nhác nhìn quanh, không lẽ là con mèo hôm nọ!
Cách đây ít ra hơn một tuần, cũng ở quãng này, tôi nhìn thấy một con mèo nhép bé xíu chạy trên vỉa hè dãy nhà đối diện, vừa chạy vừa kêu nghèo nghèo. Tôi dừng lại nhìn quanh, xem nó có thể chạy ra từ cánh cửa nhà nào đó không. Nhưng tất cả các cánh cửa tầng một đều đóng im ỉm, và tiếng mèo con kêu côi cút không khiến bất cứ một ai ló đầu ra tìm hiểu xem có chuyện gì. Tôi đứng một lúc lâu, hy vọng sẽ gặp ai đó đi tìm con mèo lạc bởi vì chỉ cần nghe tiếng kêu là biết nó còn nhỏ lắm, còn chưa rời vú mẹ. Tôi vừa gọi meo meo vừa đi lại gần nó, nhưng con mèo con hoảng sợ chạy tọt vào cái gầm cầu thang tối om và càng kêu thảm thiết hơn. Gọi mãi không được, tôi đành lấy miếng cá hồng trong cái cặp lồng cơm đặt xuống đất và bỏ đi - Chả là dạo này, tôi hay lấy thức ăn thừa ở cơ quan cho lũ chó thường xuyên bị bỏ đói của mấy ông bảo vệ ở công viên. -Đi được vài bước, tôi dừng lại nghe ngóng. Chỉ khoảng một hai phút sau, không thấy nó kêu nữa, tiếp đó là tiếng ngau ngau của bọn mèo con khi ăn. Hy vọng miếng cá đủ làm nó có sức để tìm đường về nhà!
Sau một tiếng đồng hồ dạo quanh công viên, tôi lại đi qua quãng sân ban nãy để trở về nhà và có ý nghe ngóng xem con mèo con còn ở đó không. Có tiếng mèo con kêu phía trong một cánh cửa có ánh đèn, và tôi yên tâm là nó đã tìm được chủ. Thế mà bẵng đi một hai hôm, khi qua đó tôi lại thấy con mèo con đứng trước một cánh cửa khác tối om và vẫn kêu như lần trước. Chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì một bà to béo khoảng ngoài sáu mươi từ trong căn hộ cạnh đó chạy ra. Người đàn bà to béo nọ vừa dậm chân thình thịch vừa suỳ to làm con mèo con hết vía, chui tọt vào cái lỗ bên dưới cánh cửa sắt, bên trong nhà tối om! Tôi chẳng hiểu ra làm sao, vậy nhà nào là nhà của nó?
Có nghĩa là lần này là lần thứ 3 tôi gặp nó, nghĩa là từ hôm đó đến nay, chừng hơn một tuần rồi, nó vẫn lạc mẹ, vậy không hiểu làm sao nó vẫn còn sống được? Tôi ngó nghiêng mãi mới xác định được nó đang ở trên gờ cửa cao tít của một cửa hàng, ban ngày họ thuê làm hiệu may vá, cách nhà tôi chừng mươi mét. Trong bóng tối, cái bóng nhỏ xíu của nó cùng với tiếng kêu thương thấy mới thảm làm sao.
Hỏi con bé hiệu làm đầu bên cạnh vừa ló đầu ra. mới biết căn hộ tối om hôm nó chui vào khi bị bà già nọ đuổi. đã bốn năm nay không có người ở. Bấy giờ tôi mới hiểu rằng, bấy lâu nay chẳng hề có ai đi tìm nó cả, và hiện giờ nó đang đói khát. Tôi chạy về nhà, đổ thức ăn sẵn của con mèo nhà mình ra cái đĩa, bê theo cái ghế vẫn dùng để trèo lên thắp hương bàn thờ. Vậy mà tôi cố kiễng chân hết cỡ vẫn không thể với tới cái gờ cửa ấy. Thấy một người cao lớn đi qua, tôi nhờ họ để hộ đĩa thức ăn cùng bát nước lên đó.
Lúc đầu thấy người, con mèo sợ trốn vào sau tấm biển hiệu. Lát sau thấy yên ắng, nó mới lò dò chui ra. Thay vì tiếng kêu nghèo nghèo là tiếng ngau ngau, trong giây lát tôi thấy nhẹ cả lòng: nó đang ăn!
Hàng ngày, cứ bẩy giờ sáng là tôi phải đi làm. Mỗi lần dắt xe ra, tôi lại ngó nghiêng nghe ngóng xem con mèo con đang ở đâu. Giờ đây nó đã leo qua cái mái nhà tạm cạnh đó, để sang nóc nhà tầng một, đồng thời cũng là sân liền kề với hành lang trước cửa nhà tôi, chỉ cách có hàng lan can. Hôm đầu thấy nó xuất hiện, cả đống người trong đó có cả bà mẹ quí hoá của tôi, nhâu nhâu đổ ra đuổi con mèo đi, trong khi tôi cố dụ nó lại gần để cho nó ăn. Mọi người kêu gào bảo nó kêu điếc tai, không ngủ được.
Khốn nạn! nó kêu vì nó đói, vậy thôi! Mọi ngưòi muốn đuổi nó lắm, nhưng nó bé quá nên thoáng thấy bóng đám người thù địch, nó liền chui tọt vào dưới gầm mấy cái bể tôn chứa nước đặt ở đó, nên chẳng ai làm gì được. Yên ắng được một lát, nó lại chui ra kêu nghèo nghèo, bắt chấp mọi nguy hiểm rình rập. Đơn giản chỉ vì nó đói, nó khát! Sao đám người béo tốt kia lại không thể sẻ cho nó chút cơm thừa canh cặn, chỉ để nó có cơ hội sống sót? Mà một con mèo to không hơn nắm tay, mong manh như chiếc lá như nó nào có ăn nhiều, uống nhiều?
Mặc cho mọi người đuổi đánh nó, cứ thấy nó kêu là tôi lại chạy ra dử đĩa thức ăn cho nó. Nó khá khôn, thấy tôi nó không bỏ chạy mà mon men lại gần. Thậm chí nó còn dám bò qua cái khe dưới lan can để vào hành lang nhà tôi. Thấy tôi đứng yên, nó lại len lén bò vào nhà tôi qua cái cánh cửa mở rộng. Tôi vừa mừng vì nó đã tin cậy tôi, vừa lo lắng chờ đợi sự phản ứng của những người trong gia đình. Y như như rằng, nghe thấy tiếng con mèo con, mẹ tôi chạy ra kêu la ầm ỹ và tôi đành phải nhẹ nhàng bế nó ra thả xuống cái sân trước nhà. Mẹ tôi còn chưa vừa lòng, bắt tôi phải quẳng nó xuống đưòng. Thật không thể tưởng tượng được! Khó khăn lắm tôi mới dụ được nó lại gần, vậy mà ngay sau đó tôi lại nhẫn tâm quẳng nó ra khỏi nhà. Tôi cứ dằn vặt mãi vì hành động bất nhẫn ấy của mình. Trời trừng phạt tôi và sự độc ác của con người.
Tôi cứ nhớ mãi cái dáng vẻ hèn mọn của nó khi len lén bò qua cánh cửa nhà tôi. Một con mèo bé tí, còn chưa rời vú mẹ, không có khả năng tự vệ đã biết xu nịnh để tồn tại, khiến tôi cảm thấy quá đỗi xót xa. Có gì đâu, chẳng qua vì nó quen bị xua đuổi nên mới thế, đến con người khi nghèo đói còn trở nên hèn mọn nữa là một sinh linh mong manh như nó. Đêm đến, tôi hình dung ra con mèo con côi cút run rẩy vì đói khát, vì hoảng sợ trong đêm tối dày đặc mênh mông đầy những bất trắc, và nhớ về quãng thời gian còn yên ấm trong lòng mẹ, được mẹ nó âu yếm, che trở…
Cho đến giờ tôi vẫn đang cố tìm cho nó một người chủ nhân hậu để cưu mang nó. Trong khi đó tôi mừng là nó đã tin cậy tôi, để tôi có thể cho nó ăn mặc dù những người khác vẫn tìm cách xua đuổi nó, đặc biệt là bà mẹ quí hoá của tôi. Tôi hết sức lo lắng nếu trong khi tôi đi làm vắng, bà mẹ tôi mà tóm được nó thì hết đời mèo con lạc mẹ. Mỗi buổi chiều đi làm về, tôi hy vọng nghe thấy tiếng kêu của nó vẫn còn đó, và vô cùng mừng rỡ khi nghe thấy cái tiếng nghèo nghèo của nó cất lên. Con mèo thật khôn, ăn no rồi thì không kêu nữa và đi kiếm chỗ ngủ. Sáng nay khi đi làm, nhìn thấy cái cơ thể bé bỏng còm cõi trơ cả xương sườn của nó, đang vô tư nhảy vờn bắt một con côn trùng sau khi đã no bụng, khiến tôi vừa buồn cười vừa thương xót. Nom nó giống hệt một đứa trẻ, còn chưa hề biết lo nghĩ …
A! Mọi người có thể sẽ nghĩ tôi vô công rồi nghề, thừa hơi lo cho một con mèo hoang. Bất cứ một sinh linh nào dù đó là con người hay con vật cũng đều do tạo hoá sinh ra, cũng là một cơ thể sống mà không một kẻ có chút lương tri nào có thể nhẫn tâm hành hạ, hay ngoảnh mặt làm ngơ trước sự bất hạnh của nó. Tôi biết ở đâu đó nhiều người còn đang đói khát cần được giúp đỡ. Nhưng làm được đến đâu, giúp được cái gì thì dù là một việc nhỏ nhất thì tôi luôn sẵn lòng. Tôi không thể để một sinh vật, dù chỉ là một con mèo bị bỏ rơi, phải chết vì đói khát.
Tôi đem câu chuyện này kể với bạn bè ở cơ quan, với bất cứ ai làm quen được khi đi dạo ở công viên, hy vọng có ai đó nhận nuôi con mèo con. Mặc dù nghe xong ai cũng thương xót mèo con như tôi, nhưng phần lớn người nào cũng đã nuôi ít nhất là một con trong nhà. Có cô bạn hứa sẽ hỏi hộ ông già bơm xe gần nhà, vì theo cô bạn, ông già quý súc vật lắm. Trong khi chờ cô bạn hỏi hộ, tôi cứ dặn trước bà mẹ tôi đừng đuổi nó vì có người nhận nuôi rồi. Nghe chừng con mèo con có nhiều cơ hội hơn, vì sáng ra khi nó kêu xin ăn, mẹ tôi không đuổi nó nữa, bà hàng xóm thậm chí còn cho nó ăn. Bất kể thứ gì từ cháo loãng đến cơm trộn thịt bò xào, nó ăn tất.
Chiều qua đi làm về không nghe thấy tiếng kêu của con mèo. Tôi hỏi bà hàng xóm, bà ấy bảo chắc nó nằm ở dưới gầm bể nước. Cho đến tối mịt vẫn không thấy nó, tôi cảm thấy rất lo lắng. Thêm nữa trời lại đổ mưa to. Tôi ngó cái hộp xốp tôi để cạnh bể nước, để nếu nó lạnh không chừng nó sẽ chui vào đó, nhưng cái hộp trống trơn! Tôi rầu lòng không thể tưởng được. Khi mưa tạnh, tôi đi quanh đó thử gọi, nhưng không thấy tiếng kêu của nó đâu. Hy vọng sáng mai đói nó sẽ mò về! Nhưng sáng nay tôi dậy sớm, trộn sẵn cơm cho nó mà vẫn không thấy nó. Tôi sang hỏi có phải mẹ tôi đuổi nó không, mẹ tôi bảo không! Tôi rầu rĩ chờ nó cho đến giờ đi làm vẫn không thấy, lại nuôi hy vọng chiều về sẽ gặp nó. Con mèo con bé bỏng tội nghiệp, mày ở đâu được chứ.? Có ai đó gặp con mèo con có cái nơ đỏ buộc quanh cổ, có cái đầu chỉ nhỉnh hơn quả bóng bàn một chút kia không?
Kết thúc có hậu:
Giá như mọi câu chuyện bất hạnh, đều kết thúc có hậu như thế này. Tôi đã tìm được con mèo con. Chiều hôm ấy đi làm về, tôi xuống hỏi mấy nhà dưới tầng một. Hoá ra con mèo không trú dưói gầm bể nước, mà chui vào trú ngụ dưới cái mái nhà tạm của ông thợ mộc. Chắc sau khi bà hàng xóm cho nó ăn, nó chui vào đó ngủ nên ông thợ mộc tóm được. Phúc tổ bảy mươi đời con mèo con, có người xin nó về nuôi. Sau khi hỏi rõ ràng, tôi chạy một mạch lên tầng năm dãy nhà đối diện. Gõ cửa một căn hộ trông có vẻ sáng sủa nhất cái cầu thang tối om và sập xệ, một cô bé xinh xắn chừng mười bốn tuổi ra mở cửa. Tôi hỏi thăm và xin vào ngó con mèo cho thật yên tâm. Cô bé con dẫn tôi vào một căn phòng sạch sẽ, tôi nghe có nhiều tiếng mèo kêu nhưng em đây rồi, con mèo con có cái nơ đỏ buộc quanh cổ! Tôi sung sướng ngồi sụp xuống nền nhà, vuốt ve nó. Tuy nó gầy nhưng vẫn mềm mượt như bông, và không rõ con mèo con nhận ra tôi hay nó thèm được vuốt ve, nên trèo vào lòng tôi không chút e ngại. Tiếng kêu của nó giờ đây dường như không còn vẻ côi cút như trước nữa. Ở phía ngoài ban công còn xích một con mèo khác rất to, dù sao tôi cũng rất tin cậy vào những người chủ mới nhân hậu của con mèo con.
Bây giờ tôi không còn phải dậy sớm mỗi ngày, và chiều cũng không còn vội vã ra về để cho con mèo ăn nữa. Cái khoảng sân trước nhà dưòng như trở nên trống vắng hơn. Tuy nhiên điều may mắn chưa trọn vẹn, vì ở trong căn nhà đó, cả hai con mèo đều bị xích. Tôi là người yêu tự do nên không bao giờ xích ,dù là lũ chó hay mèo. Con mèo cái nhà tôi lúc 8 tháng tuổi đã đi triệt sản tại bệnh viện thú y. Lũ bạn tôi bảo tôi dã man.  Nhưng tôi nghĩ còn dã man hơn, nếu để nó phải kêu gào hết đời trong vòng dây xích, vì không được tự do tìm bạn tình.

Hà Nội năm 2006

* Câu chuyện đưa lên vào thời gian này có vẻ không phù hợp.Nhưng vừa rồi đọc mấy bài viết về nạn  cướp chó đang hoành hành ở các làng quê, thấy nhức nhối trong lòng quá. Sao giờ đây cái ác lại ngang nhiên đến như vậy? Liệu có phải vì đói kém không?

Monday 19 September 2011

Bao giờ tôi mới hết nhớ...


Mấy hôm vừa rồi, cư dân mạng lên tiếng gọi nhau tiếp tục xuống đường vào chủ nhật. Lý do là thông tin Trung Quốc bất chấp cái tình hữu hảo như đài báo ta vẫn nói, ồ ạt đưa tàu cá vào khu vực đảo Trường Sa, thậm chí có cả tàu lớn tới cả nghìn tấn – tàu cá thông thường chắc chỉ vài tấn – nên cư dân mạng nghi đó là tàu quân sự giả dạng.
Có mấy người cứ gọi điện hỏi tôi: có gặp nhau để bàn bạc xem biểu tình như thế nào cho hiệu quả không? Tôi hơi bực mình, nhưng không tiện phản ứng làm họ mếch lòng, chỉ bảo: cái thứ đàn bà như em thì bàn với ai hả bác. Cẩn thận không chính quyền họ lại quy cho cái tội rủ rê, lôi kéo, cưỡng ép… rồi lại tống giam như chơi đấy bác ạ. Thôi thì em cứ bàn với chính em, rằng mình có đi hay không. Em chỉ huy em, cái đầu em nó ra lệnh được cho mỗi mình em thôi bác ạ.
Cả ngày thứ bẩy, cũng như sáng chủ nhật, chả thấy anh công an khu vực gọi điện hỏi lịch như mọi khi. Thì tôi cứ tà tà, chuẩn bị cơm nước cho bố già xong xuôi, rồi 8 giờ sáng lên đường ra Hồ Gươm. Trong khi tôi chưa làm rõ được cái vụ bắt giữ tôi vô cớ ngày 21/8, thì là tôi cứ phải cẩn thận. Đã có lời nhắn nhe, chỉ cần tôi có mặt trong đoàn biểu tình là họ sẽ bắt tôi ngay đấy, đúng sai hậu xét. Thế là rõ rồi.! Vậy thì tôi đi xem, chụp ảnh đoàn biểu tình, hoặc uống cà phê, nhìn đồng đội tôi từ xa vậy, chẳng lẽ tôi lại không được cả cái quyền đó nữa hay sao?
Ra đến Hồ Gươm, gọi điện loạn lên mới xác định được Minh Hằng đang ngồi uống cà phê ở gần nhà hát múa rối, cùng với một cô công an thành phố, người trong nhóm áp tải tôi từ Mỹ Đình về Hoàn Kiếm. Tôi vốn là người kém quan sát cũng nhận ra ngay, mấy bàn bên cạnh toàn công an cả chìm lẫn nổi. Cô công an ngồi cùng Minh Hằng cũng xác nhận điều đó.
Trước đó, Minh Hằng có nhắn tin, nhờ tôi đem cho hắn cái nón lá lần trước tôi cầm hộ. Trên cái nón có ghi sơn đỏ: TS-HS-VN, Xóm 8 (tám chuyện) yêu nước xuống đường, Đả đảo Trung Quốc xâm lược. Những dòng chữ viết vòng quanh chiếc nón, nên cũng phải cầm nó lên chăm chú đọc mới biết nội dung. Thế mà lúc vừa tôi dừng lại ở Hồ Gươm, có một ông đi xe máy dừng lại ngay bên cạnh, nhìn vào cái nón tôi treo trên tay lái hỏi giọng rất hách:
- Viết linh tinh cái gì thế?
- Sao thế? Đây là nón của tôi, tôi viết gì là quyền của tôi. Hả? Bác là ai? Bác muốn gì?
Tôi đoán đối tượng nào đang “gây sự nên tôi chả việc gì phải tỏ ra nhũn nhặn. Gớm, dân thường lo ăn không xọng, rỗi hơi mà đi quan tâm đến người đi đường viết gì, mặc gì. Thấy tôi tỏ ra “rắn”, cao giọng hỏi ngược lại nên ông ta nhìn tôi hơi phân vân một tý rồi bỏ đi. Hê hê, trước khi đi lại còn chỉ đường cho tôi khi thấy tôi hỏi người đi đường nhà hát múa rối ở chỗ nào.
Giá mà dân ta ai cũng quan tâm như thế, về cái chuyện lao động  bất hợp pháp của Trung Quốc đang có mặt nhan nhản trên nhiều vùng miền của đất nước – trong khi dân ta thất nghiệp dài cổ ra -  thì tốt biết mấy. Giá mà họ quan tâm đến cái con đường chi chít ổ trâu ổ gà lõng võng nước, đoạn qua bệnh viện nhi với bệnh viện phụ sản, khiến chiếc xe máy của tôi cứ nhảy lên chồm chồm, giữa dòng người đông như kiến như thế này thì tốt biết mấy.
*
Ôi chao, hôm nay Minh Hằng mặc áo dài, kim tuyến xanh lóng lánh, mái tóc dày bồng bềnh không búi ngược lên như mọi khi mà để xõa trên vai... Chặc! Như bác Gốc Sậy nói - đẹp một cách dã man. Cả tôi và cô công an cùng ghen tỵ nhìn hắn đội nón, ưỡn ẹo lượn qua lượn lại trên hè phố tạo dáng…
Ngồi uống cà phê, quan sát quang cảnh Hồ Gươm, thấy ắng lặng buồn bã khác thường. Nhà văn nào đó tả cảnh Hồ Gươm thanh bình, thơ mộng…..trong khi tin tức nóng hổi ngoài Trường Sa đang làm bao con tim thắt lại vì lo âu và căm phẫn. Thấy thiếu vắng những hình ảnh máu lửa, sục sôi với những băng rôn, biểu ngữ và màu đỏ của lá cờ Tổ quốc hôm nào, thiếu vắng những tiếng hô hào hùng của hàng trăm con người, mà ông giám đốc công an thành phố cũng như ông bí thư thành ủy công nhận đó là những người biểu tình yêu nước.
Không có biểu tình! Một số người quen đi qua cũng chỉ vui vẻ chào hỏi nhau rồi lại đi tiếp. Xuân Diện đi qua cũng ghé lại chào hỏi, chụp ảnh chung với tôi và Minh Hằng cùng một chị mới quen tên là Hồng Phi. Tôi muốn đi bộ 1 vòng quanh Hồ Gươm quá mà vướng cái xe máy, chả gửi được chỗ nào gần hồ. Thôi thì đằng nào cũng chả có biểu tình, mà tôi lại chả có hứng thú ngắm những người tản bộ an nhàn quanh Hồ Gươm. Hơn nữa mấy bữa trước, bố anh Khang – một đồng đội chưa quen biết của tôi – quy tiên. Chúng tôi đã đến viếng cụ và chia buồn cùng gia đình. Bởi vậy, từ hôm qua anh ấy đã nhắn tin, tỏ ý sáng chủ nhật này, mời mọi người ra uống cà phê ở phố Trấn Vũ để có lời cảm ơn.
Thế là tôi và Minh Hằng cùng chia tay cô công an. Tạm biệt Hồ Gươm, chúng tôi thẳng hướng Trấn Vũ mà tiến.
Đến nơi, gặp lại rất nhiều người đã lâu không gặp. Cả mấy bác lớn tuổi như bác tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, bác đại tá Nguyễn Đăng Quang – người bị bắt lên xe buýt cùng tôi ngày 21/8, bác Tô Oanh lặn lội từ Bắc Giang lên…tất cả ai nấy đều hoan hỉ chào đón, bắt tay nhau rối rít.
Nơi gặp gỡ giản dị chỉ là quán nước vỉa hè. Bấy giờ tôi mới thực sự biết anh Khang. Nghe anh ấy kể lại chuyện cùng bị bắt vào Hỏa Lò như tôi, chỉ vì cái nghĩa cử với đồng đội bị bắt hôm 21/8. Anh ấy bình thản kể lại chuyện bị một công an viên tát vào mặt, bị cạo trọc đầu, bị lột quần áo… Bọn họ đã hỏi khi thấy trên người anh ấy rất nhiều sẹo. Và anh ấy cho họ biết, anh từng là lính chiến đấu trên chiến trường miền Nam thời chống Mỹ, những vết sẹo là do bị thương trong chiến tranh. Anh Khang nói sau đó, bọn họ cũng có vẻ xấu hổ. Thoạt đầu anh ấy bị giam chung với người đã có tiền án tiền sự. Đám tù cũ bắt anh ấy ngồi bó gối, úp mặt xuống…định đánh phủ đầu anh ấy. Nhưng trước lời lẽ và thái độ bình thản của anh Khang, biết anh từng là lính chiến đấu thời chiến, đám thủ lĩnh thay đổi hẳn thái độ, lập tức mời ngay anh ấy lên “chiếu trên”…
Mới chỉ kịp nghe anh ấy kể qua như vậy, tôi còn chưa kịp uống cái gì thì xe cảnh sát 113 đã xuất hiện. Ban đầu họ yêu cầu nhân viên quán dẹp xe máy. Sau thấy mọi người vẫn vui vẻ chuyện trò, họ lại yêu cầu  tiếp: dẹp bàn ghế trên vỉa hè.
Ui cha, giá như lúc nào họ cũng tỏ ra mẫn cán như vậy. Sống ở Hà Nội ngần ấy năm, ai còn lạ gì các quán vỉa hè. Vỉa hè dành cho người đi bộ là khá xa xỉ đối với dân thủ đô. Thậm chí người ta còn cho rằng quán vỉa hè là một nét ẩm thực riêng của Hà Nội, tuyệt nhất thế giới! Quán vỉa hè còn đi vào cả trong thơ ca: “quán cóc liêu xiêu một câu thơ, Hồ Tây tím mờ…”, ai mà chả biết bài hát này. Tôi vừa thử gõ vào google: ẩm thực vỉa hè Hà Nội, có mà ra cả đống
Đương nhiên tất thảy chúng tôi đều biết, lý do chính của sự mẫn cán ấy là gì. Tự mình thấy thương mình quá. Lại bắt tay nhau tạm biệt, hẹn một dịp khác gặp lại. Một số người còn thích quay lại Hồ Gươm.
Vì cũng đã gần hết buổi sáng, tôi với Tiến Nam về cùng đường, tính rủ thêm mấy anh em đi ăn trưa. Hai chị em cố vòng qua đại sứ quán Trung Quốc, phun đại một bãi nước miếng cho bõ tức, rồi khoái chí cười hi hí với nhau như trẻ con.
Vào quán rồi, gọi được thêm mấy vị nữa đến cho vui, mấy khi được gặp nhau?
Trong lúc ăn, mọi người vui vẻ kể chuyện đi dạo, vòng qua vòng lại đến 8 lượt quanh Hồ Gươm! Khiếp quá, đi thế có mà bằng đi bộ marathon à? Đã thế lại còn không đi một hơi liền tù tì, cứ lấy chỗ đối diện với Ủy ban làm mốc để lộn đi lộn lại, khiến mấy vị bất đắc dĩ đi theo tháp tùng phải càu nhàu: chóng hết cả mặt!!!
Tiếc quá! Thế mà tôi cứ ngồi một chỗ thẩn thơ ngậm ống hút. Minh Hằng mặc áo dài đẹp thế cũng chả lượn được vòng nào. Nhất định tôi sẽ ép cân, để còn được mặc áo dài, để cùng với Minh Hằng đi dạo Hồ Gươm nữa chứ.




Friday 16 September 2011

Nhân chi sơ tính bản thiên hay tính bản ác?

Tôi chẳng thể nhớ lần đầu tiên biết đến câu – Nhân chi sơ, tính bản thiện  - là từ khi nào, do đọc trong sách, hay hóng hớt nghe người lớn nói? Nhưng chắc hẳn là lâu lắm rồi, từ khi tôi còn học cấp 1 kia. Hồi ấy không phải ai cũng có sách mà đọc, nên thường xuyên bị bố mẹ đánh chí chết, cũng bởi ham đọc quá mà bỏ bê việc học hành. Lớn lên vẫn chứng nào tật đấy, ngồi trong lớp mà đầu óc tôi vẩn vơ trên những ngọn xoan trụi lá sau cửa sổ, nhìn những chùm quả nâu thẫm héo quắt đang rung rinh trong hơi thở của gió mùa đông bắc, mà tưởng tượng ra bao nhiêu chuyện trên trời dưới bể.
Sau này lại đọc được câu – Nhân chi sơ, tính bản ác – trong một bài báo mạng, phân tích thấy có lý lắm. Nhưng cuộc sống của tôi dù chẳng nhung lụa tý nào, cũng khá là bình yên để mà phải trăn trở với những câu  triết lý đó. Những điều nhìn thấy, nghe thấy có khiến mình đau lòng cũng không nói ra được, cảm thấy sự phản kháng của mình trở thành lạc lõng và bị chìm nghỉm, bị cuốn phăng đi trong dòng thác nghiệt ngã của cuộc sống .
Vừa rồi, khi đóng hộp thư trên mạng, tôi nhìn thấy tiêu đề một bài viết, có kèm theo ảnh trên trang chủ của yahoo: Tiếng chim kêu xé lòng
Cái tiêu đề này nó khơi lại câu chuyện cũ. Cách đây rất lâu, trong một lần đi chợ, tôi cảm thấy có cái gì cứ động đậy phía dưới khiến tôi phải đưa mắt tìm kiếm. Bên trên vỉa hè, bàn chân to lớn của người đàn bà bán chim đang dẫm lên toàn bộ phần đầu một con chim cút, chỉ còn chừa cái thân hình trần trụi, đỏ bầm, bé nhỏ của nó đang vật vã, giãy giụa liên hồi một cách tuyệt vọng dưới chân người đàn bà, trong khi chị ta thản nhiên ngồi vặt sống lông một con chim khác. Bên cạnh đó là một cái lồng nhốt những con chim cút đang đứng run rẩy.
Tim tôi lúc ấy như bị bóp nghẹt, tôi muốn khóc quá mà không thể khóc được. Tôi cứ ước giá như mình chưa bao giờ nhìn thấy cái cảnh đó.
Có lẽ những gì họ viết ở trên, hay những điều tôi nghĩ đều chẳng hề xa lạ trong cuộc sống hàng ngày, có kể ngày này qua ngày khác cũng chẳng hết được. Trong một bữa ăn có tính chất “liên hoan” nội bộ phòng, cánh đàn ông say sưa kể những món ăn độc, cực kỳ ngon và bổ. Những con chim chỉ bé bằng ngón tay cái, không cắt tiết mà chỉ bóp chết. Không mổ ruột mà chỉ bóp đủ mạnh để lôi ruột ra qua đường hậu môn, rồi đem tẩm ướp và chiên giòn. Hay người ta bắt những con nhái, đào một cái hố rồi nhốt chúng vào đó, bỏ đói mấy ngày cho sạch ruột. Con nào yếu, chết thì đem bỏ. Con nào sống thì đem chế biến thành một món ăn cực ngon. Tôi chỉ cười buồn, bảo những kiểu đó dã man quá. Một cậu gục gặc cái đầu: thì con người là động vật ác nhất hành tinh mà lị.
Cái đáng buồn là người ta cho sự độc ác ấy là chuyện hết sức đương nhiên. Sự sống hay cái chết của muôn loài trên trái đất đều tuân theo quy luật. Nhưng sống có nhiều cách sống và chết cũng vậy.
Trong cái chết, có cái chết thanh thản, chết ngay tức khắc (chết bất đắc kỳ tử) – không cảm thấy đau đớn – có cái chết từ từ, có cái chết đau đớn vật vã và có cái chết thì tức tưởi…
Chết vì ốm đau, bệnh tật thì chẳng tránh được số giời. Nhưng đau đớn và buồn thảm nhất là cái chết từ từ, chết trông thấy do bị hành hạ, bị dồn vào bước đường cùng, bị bất lực nhìn cái chết đang đến với mình…
Thôi thì chết là hết, dẫu có để lại hay không để lại cái gì cho đời. Sống được mới là khó.
Một lần ra bưu điện chợ Mơ, tôi gặp hai bà cụ trên 70 tuổi. Cái tuổi 70 của người lao động trông già nua và lam lũ, tội lắm. Thấy hai cụ cứ loay hoay với hai kiện hàng, tôi hỏi có giúp gì được các cụ không. Tôi viết địa chỉ lên kiện hàng giúp các cụ, thấy nơi nhận là một trại giam nào đó. Một cụ bảo:
- Chúng tôi gửi đồ tiếp tế cho mấy thằng con cô ạ, chúng nó nghiện ma túy….Khổ thế đấy, muốn chết quá mà không chết được, chết thì ai tiếp tế cho chúng nó? Chả biết sau này thì thế nào, bây giờ còn sống ngày nào thì vẫn cứ phải lo ngày ấy cô ạ…
Khi nghe tôi kể lại chi tiết 5 ngày bị giam giữ, thấy được sự khao khát tự do của những kẻ bị giam giữ trong 4 bức tường, nhiều người khóc. Ngay bố tôi cũng ngậm ngùi thương cảm, bảo việc con bị giam cũng có cái được, nếu không làm sao biết ở đấy họ sống thế nào.
Tôi từng ngạc nhiên khi nghe cô bạn tù ở công an quận Hoàn Kiếm, nói muốn được chuyển sang Hỏa Lò. Đối với những người cả đời chả bao giờ dính dáng đến pháp luật,  thì Hỏa Lò là một cái tên đáng sợ lắm theo nhiều nghĩa. Cô ấy giải thích, sang đó rộng rãi, được gặp nhiều người. Lúc đó tôi không hiểu. Khi tôi được gọi ra, cô ấy cứ tưởng tôi được thả, có biết đâu tôi được đưa đến nơi cô ấy đang ao ước.
Vào đến Hỏa Lò, tôi lại ngạc nhiên lần nữa khi nghe bạn tù nói chỉ mong được đi trại lao động cải tạo. Phòng giam chính còn cách hành lang một gian đệm. Gần đến giờ ăn cơm trưa – 10 giờ sáng, các quản giáo đến mở cửa trong thì tất cả bọn ùa ra. Hai phòng giam cạnh nhau cách có một bức tường, họ thò tay qua chấn song cửa trao đổi với nhau từng gói mỳ tôm, hộp sữa hay chỉ là cái ghẻ lau. Không nhìn thấy mặt nhau, họ í ới hỏi vọng sang. Thỉnh thoảng thấy họ bám lấy những chấn song hình ô vuông, cố trèo lên nơi cao nhất để nghển cổ, nghé mắt nhìn ra bên ngoài. Tôi chỉ nghe mơ hồ tiếng lao xao ngoài đó, nơi những người tù đang đi lao động. Vậy mà họ thính tai lắm, nghe được hết. Họ gọi nhau ời ời, cùng giới nhưng lại xưng anh em cho nó đời một tý. Người đứng dưới thì khao khát hỏi người ở trên:
- Có thấy gì không?
- Có, thấy cái nón…
Rồi chợt họ rầm rầm nhảy ào xuống, cười bẽn lẽn như bị bắt quả tang làm điều xấu. Hóa ra các quản giáo vừa lên tiếng quát. Nếu vi phạm, có thể họ sẽ bị phạt giam riêng. Đến lúc đó tôi mới hiểu điều mong ước kia của họ.
Thông thường thời hạn tạm giữ tối đa là 9 ngày. Hết 9 ngày mà chưa được thả thì chuyển sang tạm giam. Trong thời gian tạm giam chỉ được nhận tiếp tế, chứ không được gặp người thân. Xử rồi, kết án rồi mới được đi trại, đi lao động ngoài trời, được gặp người thân.
Thế nghĩa là trong những người cùng phòng tôi, có người đã gần 4 năm nay không được bước chân ra khỏi 4 bức tường này – trừ những lần đi cung, không được gặp người thân, không được gửi thư từ gì…tôi đã nhìn thấy họ ngồi chăm chú nhìn vào miếng giấy bạc cắt ra từ hộp sữa, đọc như trẻ đánh vần. Hóa ra họ giao lưu với những bạn tù khác buồng bằng cách viết thư lên miếng giấy bạc đó.
Trong một cái clip trên youtube, người ta thu gọn lại 4 mùa chỉ trong vòng 24 giây. Còn trong 4 bức tường của nhà tù, thì 4 mùa Xuân, hạ, Thu, Đông trong một năm, 4 năm trời là bao nhiêu giây trong một đời người?
Nói vậy để hiểu cái giá phải trả cho những lỗi lầm nếu không bị oan khuất. Thậm chí nếu con người ta làm việc tận tâm hơn, có trách nhiệm hơn, chắc cũng có thể rút ngắn những ngày tháng đau khổ cho mỗi kẻ phạm tội, để thay vì khiến họ uất hận trước những bất công là sự thành tâm hối cải của họ. Nếu những người có trách nhiệm hiểu rằng, mỗi một giây lơ đễnh của họ, mỗi một sai lầm nhỏ nhất của họ cũng sẽ phải trả bằng nỗi thống khổ lớn lao của người tù, mà không có một thứ tiền bạc hay vật chất nào trên đời có thể bù đắp nổi.
Bởi thế tôi cho rằng, những người thực thi pháp luật, bên cạnh sự nghiêm khắc, không dung thứ với cái ác, còn phải có cái tâm thực sự, một tấm lòng rất đỗi bao dung, mới có tác dụng giáo dục và cải tạo, nâng đỡ những con người lầm đường lạc lối.
Vậy mà mỗi ngày tôi vẫn đọc được trên cả báo in lẫn báo mạng, những điều chắc hẳn không ai muốn thấy. Cái ác vẫn xảy ra hàng ngày hàng giờ, mỗi ngày một nhiều hơn. Sự ổn định của xã hội là gì? Là sự yên lặng, làm ngơ trước cái ác, trước sự bất hạnh của đồng loại hay sao? Thế mà trên tivi nhà hàng xóm, tôi vẫn thường nghe thấy câu hát : Em có là người Việt Nam, dòng máu đỏ da vàng, biết yêu thương nồng nàn…thế là người Việt Nam.
Hy vọng đây là bài viết cuối cùng tôi nhắc đến 5 ngày trong tù của mình. 5 Ngày so với 1 năm, hay 10 năm, hay cả một đời người trong tù của những người đã từng nếm trải thì quá ư là vô nghĩa.

Thursday 15 September 2011

Vô đề

Hồi bé, tôi đọc một câu chuyện trong cuốn Văn nghệ quân đội hàng tuần, nói về cuộc gặp gỡ dọc đường Trường Sơn của một chiến sĩ lái xe với chị Võ Thị Tần, một trong 10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc.
Câu chuyện thời chiến như bao câu chuyện khác, chỉ giống như một trang hồi ký, kể lại chuyện bom rơi đạn nổ, chuyện con người miền Bắc Việt Nam ngày ấy sống như thế nào trong chiến tranh. Nhưng suốt cuốn truyện, tôi chỉ nhớ đau đáu một câu viết: “Chúng ta hãy sống với nhau như thế nào đây, để đến khi anh hay là tôi ngã xuống, chúng ta có thể khóc thương nhau một cách chân thành”
Bởi cuộc sống thời chiến nó khắc nghiệt quá, nên chẳng ai dám nói chuyện xa xôi là đến hết chiến tranh, người ta còn có thể gặp lại nhau, mà chỉ dám nói: đến khi anh hay là tôi ngã xuống…
Bây giờ hết chiến tranh rồi. Đi làm đến tuổi thì về hưu. Lúc đi làm thì có quyền lực, được thiên hạ nhờ cậy, có quân cán để mà hô hét. Khi về hưu rồi, trở thành dân. Không có cấp dưới thưa gửi, thì nay có nhu cầu giao lưu bạn bè, hàng xóm láng giềng. Quan to mấy cũng phải có hàng xóm láng giềng chứ, phải có tổ dân phố chứ. Tôi nghe bố tôi nói một ông bạn kể rằng, có một ông bộ trưởng khi về hưu, buổi sáng ra hồ đi dạo, dân tình chỉ trỏ, nói tướng lên cốt để cho ông ấy nghe thấy: trùm tham nhũng đấy! Từ hôm ấy tiệt không thấy ông ấy bén mảng ra hồ đi dạo nữa. Mọi người bảo nhau: chắc là sợ rồi! Khổ thật, đến đi dạo cũng không yên thân.
Ngay cả trong lớp các quan về hưu với nhau, khi giao lưu ở câu lạc bộ Ba Đình, có cụ lớp đàn anh bạo miệng chẳng kiêng nể gì, chửi vỗ mặt rằng: đ.mẹ cái thằng A… kia, mày không đội trôn thằng này thằng nọ mới ngoi được lên thứ trưởng… khiến người bị chửi cũng lặn một hơi, không tái xuất lần nào nữa.
Làm sao tôi lại nói đến những chuyện này thế nhỉ?
Chỉ tại vì tôi buồn quá. Tôi nghe thấy cháu Phương (người đọc tuyên cáo) nói về nguy cơ mất việc từ hôm 17/7. Sau này tình cờ biết được sếp tổng của Phương là bạn học cũ của tôi. Tôi mừng lắm, nghĩ thế là phen này có cơ hội ra tay nghĩa hiệp, “Giúp một người phúc đẳng hằng sa” mà. Nhưng Phương nói rằng hiện tại công ty vẫn chưa biết cháu đi biểu tình, khi nào cần cháu sẽ nhờ tôi nói giúp.
Bẵng đi một thời gian, đến hôm vừa rồi tôi nghe thấy người khác chứ không phải là Phương, nói với tôi rằng Phương sắp bị đuổi việc. Ngay lập tức tôi gọi cho anh bạn học cũ.
Chuyện tưởng đơn giản, chỉ cần cháu Phương viết giấy cam kết không đi biểu tình nữa là xong. Nay mai có khi nhà nước khuyến khích hô hào, giống như việc sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng thì cũng chả đi nữa – chán rồi.
Ngồi nói chuyện hơn tiếng đồng hồ, biết cháu Phương là phó phòng kinh doanh, làm việc tốt, được anh em quý mến. Anh bạn tôi bật loa điện thoại khi nói chuyện với cậu trưởng phòng của cháu Phương, để cho tôi cùng nghe.
Tôi không tranh luận với cậu bạn quan điểm về chuyện biểu tình, người ta là dân làm ăn, né tránh chuyện bị làm phiền phức là điều dễ hiểu. Nhưng tay giám đốc dưới quyền thì cứ khăng khăng là Phương vẫn có mặt trên facebook thì chứng tỏ cháu nó vẫn giao du với cái nhóm biểu tình. Ô hay, thế lý do chính của các ông là gì? Hay là còn cần thêm cả cái máy đọc ý nghĩ để cấm luôn thể?
Nhưng nói chung là cậu bạn tôi vẫn tỏ ý ủng hộ, người làm kinh doanh bao giờ cũng muốn sử dụng những người có năng lực. Tôi tin tưởng lắm, và cũng cảm thấy oách khi mình có một thằng bạn học làm to, có quyền này quyền nọ…
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, ngày hôm sau khi vào facebook, tôi đọc thấy thông tin cháu Phương vẫn sẽ bị thôi việc. Thế là thế nào?
Tôi nhắn một tin ngắn cho cậu bạn. Cậu ta trả lời hôm nay làm việc rất quyết liệt với các bộ phận. Hóa ra việc của cháu Phương phức tạp lắm, từ công an phường đến công an quận, thành phố suốt ngày làm việc với bên tổ chức, yêu cầu cung cấp thông tin về Phương hàng ngày, hàng giờ. Rồi đối thủ cạnh tranh sẽ nhân đó làm ảnh hưởng đến uy tín của công ty. Vì vậy cậu ta nói cứ để Phương nghỉ một thời gian rồi hãy quay lại làm.
Tôi hỏi cháu Phương sự thể thế nào. Cháu nói họ không đuổi việc, nhưng thuyết phục (hay ép cũng vậy thôi) cháu tự viết đơn xin thôi việc.
Tôi thấy xấu hổ quá, hóa ra cái oai của tôi là oai hão. Nhưng cái chính làm tôi buồn nhất là không giúp được cháu Phương. Nếu thâm tâm họ đã e ngại thì cố đấm ăn xôi cũng chẳng để làm gì, thế mà tôi cứ tưởng họ phải bảo vệ bằng được người mà họ cho là tốt.
Giống như ông tổ phó tổ dân phố chỗ tôi ở - người trả lời phỏng vấn của báo ANTĐ đòi kiên quyết nghiệm trị tôi, khi tôi bị bắt vì đi biểu tình chống TQ - trông thấy tôi cứ cười cầu hòa. Ông ấy bản chất thì tốt, trước chú cháu vẫn quý hóa nhau lắm. Chỉ mỗi tội ông ấy nhận thức không đầy đủ, cái gì cũng sợ, chỉ được mỗi cái nhiệt tình. Ông ấy vốn không có lương hưu, nên phần nào bà con cũng muốn bầu ông ấy vào tổ dân phố để tạo điều kiện cho ông ấy có chút thu nhập. Nhưng người ta vẫn bảo ngu dốt cộng với nhiệt tình thành ra phá hoại. Gặp tôi, ông ấy cứ loay hoay không biết nói thế nào, chỉ nói tôi hãy thông cảm cho ông ấy. Tôi chỉ bảo ông ấy nên nói đúng sự thật, nói đúng với lương tâm mình, chứ đừng nói để đẹp lòng ai đó. Tôi sẽ in bài thơ “Lời mẹ dặn” của cố nhà thơ Phùng Quán tặng ông ấy, hy vọng ông ấy hiểu được phần nào chủ ý của bài thơ.
Nghe tin những người biểu tình yêu nước lần lượt bị ép thôi việc, bị chủ nhà trọ từ chối không cho thuê, anh em, bạn bè đều hết sức phẫn nộ. Trước đó là Trịnh Hữu Long, Nguyễn Tiến Nam đều đã bị ép thôi việc và chuyển chỗ ở không biết đã mấy lần.
Trong khi chúng tôi, những người có công ăn việc làm, chỗ ở ổn định và chẳng có thế lực nào gây khó dễ được cho chúng tôi, bức xúc đùng đùng thì những chàng trai này lại tỏ ra thản nhiên. Họ nói cũng đã lường trước được sẽ bị mất việc làm khi tham gia biểu tình chống TQ, nhưng điều đó đã không thể cản trở họ làm cái điều mà họ cho là phải làm, theo lương tâm và trách nhiệm đối với đất nước.
Mỗi người rồi cũng đều sẽ đến lúc nghỉ ngơi, trở về với cuộc sống đời thường. Sẽ có lúc mọi người nhìn lại quãng đường mình đi, nhớ lại những gì mình đã làm. Chắc chắn rằng những điều tốt đẹp họ đã làm sẽ khiến lương tâm họ thanh thản, để phúc để đức lại cho muôn đời con cháu sau này… Còn bằng không thì ngược lại…
Thời chiến tranh, cái gần nhất là cái chết, cái xa xôi nhất là ngày trở về. Thời bình, cái người ta không tính đến trước mắt là cái chết. Trừ ốm đau bệnh tật, không thì phần lớn ai cũng còn một quãng đời dài vài chục năm để sống như một người bình thường, sau khi hết nghĩa vụ lao động (theo luật), đó là cái trước mắt.
Vậy thì chúng ta hãy sống với nhau thế nào đây, để đến khi tôi hay là anh lúc vô tình gặp lại nhau, vẫn còn có thể ngẩng mặt nhìn nhau mà không phải né tránh.
Phải sống thế nào để khi nhìn lại quãng đường đã đi của mình, không bị cắn rứt lương tâm vì đã ngoảnh mặt làm ngơ, không cứu giúp người gặp nạn, chứ đừng nói gì đến việc còn có dã tâm đẩy họ vào bước đường cùng.








Sunday 11 September 2011

Giá trị của sự thật.


Từ một nhân viên văn phòng bình thường, khi đi tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, tôi vinh dự trở thành “Trí thức” dưới cái nhìn của một trong những người có trọng trách trong nhà giam Hỏa Lò. Vốn là người ưa sống khép kín, chọn lối sống “An bần lạc đạo”, xa lạ với việc thể hiện mình giữa chốn đông người, tôi “xông” vào đời, cảm thấy hạnh phúc khi được góp một phần nhỏ bé vào một việc mà tôi cho là có ích. Tôi chỉ làm một cái việc hết sức đơn giản, là kể lại những gì tôi được mắt thấy tai nghe cho bà con lối xóm, được nhiều người ủng hộ và ngợi khen, vì giờ đây ngay cả việc kể lại sự thật dường như cũng cần phải có một sự dũng cảm nào đó.
Giá như mọi sự luôn luôn đúng với giá trị thực của nó. Qua sự tán đồng hay phản đối, tôi biết được quan điểm của mọi người, cảm thấy mừng vui khi thấy có nhiều người không thờ ơ, vô cảm.
Nhưng việc khiến tôi e ngại, thậm chí hoảng sợ là từ khi sự ủng hộ bằng lòng mến mộ và lời khen bắt đầu có xu hướng đề cao hơi quá đà. Cái gì tung hô quá mức thì lại có tác dụng ngược lại. Nói như cụ Nguyễn Trọng Vĩnh là - quá lố! Rốt cuộc, người được tung hô sẽ trở thành mục tiêu bị ném đá. Ngay cả một số người vốn ủng hộ họ, cũng sẽ trở nên khó chịu với việc thổi phồng quá mức sự việc.
Dù vô tình hay hữu ý, một số người bỗng dưng trở thành nổi tiếng một cách bất đắc dĩ, thậm chí bị đưa vào thế rất khó xử. Nếu cư xử không khéo léo, họ dễ bị coi là kênh kiệu, chảnh v.v…  Ông già Ozon thì gọi điện cho tôi mắng thẳng thừng: con gái hư lắm nhé…ý nói tôi không gọi điện cho ông. Tôi xin lỗi ông rối rít, định bụng hôm nào gặp ông trực tiếp mới phải đạo. Hôm đi biểu tình, ông say sưa hát một bài hát xa xưa, có lẽ chỉ lứa tuổi chúng tôi mới biết: Làng quê tôi ven bờ cát trắng dài, biển mênh mông sóng vờn hàng dừa xanh…nhanh tay lưới, chắc tay súng, ta sẵn sàng từng giờ…
Có một điều an ủi tôi rằng, qua sự việc tôi bị bắt, rồi lên mạng kể lể chuyện những ngày bị giam trong Hỏa Lò. Mặc dù mới bị tạm giam nhưng cũng từng bị còng, từng bắt buộc phải mặc áo tù, có số hẳn hoi như một tù nhân. Tất cả những điều này khiến cho nhiều người vốn trước đây thờ ơ và bàng quan trước những gì đang diễn ra, nay họ tò mò đi tìm hiểu. Họ vào mạng tìm đọc tất cả những gì có liên quan đến biểu tình chống Trung Quốc. Ít nhiều trong số họ đã có cái nhìn khác trước.
Bên cạnh những lời khen, chê, có người cho rằng tất cả những gì mà tôi, hay một số những người tham gia biểu tình trong thời gian qua chỉ cốt để đánh bóng tên tuổi, để nổi danh…
Có ai thích vào tù để được nổi danh? Có ai muốn làm kẻ “đốt đền”* để được ghi vào sử sách như một kẻ tội đồ?
Cũng như việc có người bảo đi biểu tình được tiền, tôi bảo có tiền thì thiên hạ chả tranh nhau đi hết, đâu đến lượt tôi.

24 giờ 02 phút ngày 10/9/2011
Phương Bích
Ban nãy anh công an khu vực vừa gọi điện hỏi tôi, mai chủ nhật tôi có đi đâu không? Anh ấy cười có vẻ cũng biết hỏi vậy hơi kỳ cục, nhưng vì nhiệm vụ mà. Tôi cũng vui vẻ trả lời ngay, mai tôi có việc nên không ra Bờ Hồ.


Giọt máu đào và ao nước lã


Tối thứ bảy, ngày 2/9, anh công an khu vực lại ghé qua nhà. Qua vài lần tiếp xúc, anh ấy cũng ít nhiều hiểu tính tôi nên hỏi luôn:
-     Mai chị có đi không?
Tôi trả lời là nếu có đi thì tôi sẽ chỉ đi uống cà phê cho đỡ nhớ Bờ Hồ, sẽ đèo chị tổ phó tổ dân phố đi cùng cho chị ấy chứng kiến là tôi không làm gì “gây rối”. Anh công an khu vực yên tâm lắm, tin tôi là kẻ nói sao làm vậy. Anh ấy ân cần bắt mạch cho cụ nhà tôi, khen cụ khỏe. Đang lúc thì điện thoại có tin nhắn, tôi nói với anh công an:
-     Chúng tôi đang rủ nhau đi Đường Lâm dã ngoại đây này, thế là không ra Bờ Hồ nữa, anh yên tâm chưa?
-     Ừ đúng rồi, chị đi Đường Lâm đi.
Tôi tủm tỉm cười:
-     Tôi nói thật nhé, vì anh rất tốt với gia đình tôi nên tôi mới nói chân thành thế này: làm sao mà chính quyền sợ dân chúng tôi đến thế? Chủ nhật trước có hơn 10 người uống cà phê ở Thủy Tạ, mà công an chìm nổi đông đặc cả trong lẫn ngoài nhà hàng, huy động cả xe cảnh sát lẫn sẽ thùng chờ sẵn dưới đường. Dân tình đi đường người ta chẳng hiểu gì, chính thế trông vào nó phản cảm lắm, người uống cà phê cũng thấy mất ngon.
Anh ấy cũng chỉ cười. Đương nhiên tôi biết anh ấy hỏi tôi là vì nhiệm vụ. Thế là anh yên tâm rồi nhé, mai chúng tôi đi thăm đất hai vua, nơi mà tôi mới chỉ được nghe kể lại.
Tin tưởng là nhau thế, vậy mà sáng chủ nhật, đang ngồi ăn bún cá ở gần Big C với cả nhóm “phượt”, anh công an khu vực lại gọi điện hỏi:
-     Chị đang ở đâu đấy?
Tôi không nhận ra anh ấy ngay vì không lưu số:
-     Đang ở cà phê.
-     Cà phê Bờ Hồ á?
-     Ơ ai đấy?
-     Tôi công an khu vực đây mà.
-     Ôi không, tôi đã bảo hôm nay tôi đi Đường Lâm, đang ăn sáng ở cà phê gần Big C đây.
-     Vâng vâng, thế thì chị đi đi.
Khổ thân anh ấy không. Sau này chị tổ phó tổ dân phố kể có gặp anh ấy, được anh ấy dặn, nếu có đi ra Bờ Hồ cùng tôi, thấy tôi hăng quá thì “chị phải kéo nó lại cho em nhé”. Quả là anh ấy tốt thật, bởi vì khi tôi ra đến Bờ Hồ rồi thì hình như anh ấy đã hết phận sự. Vậy mà anh ấy vẫn cứ lo cho tôi, và tôi tin là anh ấy thật lòng. Anh ấy lớn hơn tôi hai tuổi, nhưng nhất mực gọi chị xưng tôi, thái độ rất lịch sự và cả chân tình nữa. Thế thì tôi làm khó anh ấy làm gì?
Nhóm chúng tôi ban đầu có 12 người, đi 2 xe ô tô. Vì chùng chình chờ nhau hơi lâu nên hơn 9 giờ mới xuất phát. Thời tiết khá lý tưởng, mát dịu. Mới ra đến ngoại thành đã thấy mê mẩn vì không thấy bóng những tòa nhà cao tầng đâu, chỉ toàn là màu xanh ngăn ngắt của ngút ngàn những cây lá và ruộng vườn.
Đám chúng tôi đang phàn nàn rằng, bây giờ bọn biểu tình yêu nước không khéo bây giờ lại quay ra yêu lẫn nhau mất. Một tuần không được gặp nhau như mọi khi là thấy nhớ nhau lắm, cứ phải có cái cớ gì để mà được gặp nhau một tý. Chuyện trò trên xe như pháo rang nên chả mấy chốc xe đã đến nơi. Chờ một chốc thì Xuân Diện, bác Ức Trai, Trí Đức, Nguyễn Vỹ, Quách Đạt, Dũng Aduku, đến bằng xe máy, Minh Hằng và Lee Nguyễn đến bằng taxi. Cả bọn lần lượt chào hỏi bằng cách… ôm nhau cho đỡ nhớ. Gặp lại Dũng Aduku, tôi phải xin lỗi ngay lập tức vì đã hiểu nhầm thái độ rụt rè của cậu ấy khi ở trong Hỏa Lò. Dũng vẫn thế, cười hiền lành nhỏ nhẹ như mọi khi. Một chốc nữa thì có thêm cặp vợ chồng son Nguyễn Lân Thắng, đi xe máy từ Hà Nội đuổi theo đoàn.
Cả buổi sáng, chúng tôi đi thăm các di tích về hai vua Ngô Quyền và Phùng Hưng, thăm làng cổ Đường Lâm, nghe kể chuyện về cụ Thám hoa Giang Văn Minh đi “sứ” Tàu ngày xưa. Cảnh vùng bán sơn địa đẹp như trong tranh. Con đường dẫn vào làng Đường Lâm một bên là ao sen, một bên là ruộng lúa, tưởng đâu như đang trong mơ đối với đám dân thị thành, vốn quanh năm sống trong khói bụi công nghiệp và những bức tường bê tông. Điều ấn tượng nhất ở đây là các di tích đều rất giản dị, chưa bị thương mại hóa mấy.
Xuân Diện đóng vai hướng dẫn viên, thuyết minh tường tận, rất chuyên nghiệp cho cả đoàn nghe về lịch sử của các di tích.
Khi đến giếng sữa, theo tương truyền thì những người phụ nữ sinh con bị tắc sữa, hoặc không có sữa, sau khi dâng lễ vật và uống nước ở giếng này đều có sữa hoặc thông được sữa. “Hướng dẫn viên” nói các nhà khoa học nước ngoài cũng rất làm lạ trước hiện tượng này, nên đã lấy các mẫu nước về nghiên cứu. Thì ra, nước ở vùng này có chứa một loại khoáng chất kích thích tuyến sữa. Hàm lượng khoáng chất này ở giếng sữa là cao nhất. Tuy nhiên riêng đối với dân ở trong vùng, do đã quá “quen” với khoáng chất quý giá này qua việc sử dụng nó hàng ngày, nên không còn hiệu nghiệm nữa.
Giếng sữa nằm cao hơn mặt ao bên dưới cách chừng hơn 1 mét. Miệng giếng rộng chừng hơn  40 cm, sâu khoảng hơn 1 mét. Trong khi nước dưới ao cạnh đó đục, thì nước giếng lại trong vắt, khi uống thấy thoang thoảng vị ngọt đậm (hay là cảm giác vì có khoáng chất thế không biết?).
Khuôn viên của giếng chỉ rộng chừng 4 mét vuông. Bên trên có bóng cây che phủ, bên cạnh là một miếu nhỏ để khách dâng lễ vật. Khi chúng tôi đến, thấy người ta mới đang xây bậc lên xuống cho khách, vữa xây còn chưa khô hẳn. Xuân Diện giơ tay trỏ, ý muốn tôi ngồi xuống bên cạnh, trên một cái bệ gạch, bảo muốn dành tặng tôi một bài hát văn.
Tôi đã biết tài hát văn của chàng tiến sĩ nên rất hào hứng. Ngoài giọng hát truyền cảm của “ca sĩ”, lời ca da diết của bài hát mỗi lúc lại khiến tôi cảm động hơn. Tất cả mọi người đứng xung quanh, yên lặng lắng nghe. Dư vị của những ngày bị giam giữ cách biệt vẫn còn chưa nguôi ngoai trong tất cả mỗi chúng tôi, kể cả kẻ ở trong lẫn người ở ngoài, nên sự thương cảm qua lời bài hát “…đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu….ru hời hời hỡi…ấy mấy ru tình ru…” làm tôi đang vui bỗng ứa nước mắt.
Người ta vẫn bảo, “một giọt máu đào còn hơn cả ao nước lã”, hay “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Ngày nay, trên các mặt báo nhan nhản những thông tin về chuyện cha con, vợ chồng, anh em ruột thịt tranh giành của cải, lừa lọc, đánh chửi, thậm chí giết nhau. Một cái nhìn bị cho là nhìn “đểu” cũng dẫn đến án mạng, một cái giẻ lau vắt lên tường rào giữa hai nhà chung vách cũng xảy ra án mạng, va chạm nhỏ ngoài đường cũng lao vào đánh nhau, người ngoài bu lại đứng nhìn, không một ai đứng ra can ngăn…Tất cả những cái đó được gọi là tình trạng xuống cấp trầm trọng về đạo đức xã hội.
Vậy mà khi tôi bước ra khỏi cái vỏ ốc của mình – vốn vì quá chán ngán cuộc sống bon chen, đầy ắp những muộn phiền về chuyện nhân tình thế thái – để tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, tôi như được thấy lại cái tình người nó vẫn còn chan chứa trong mỗi con người nơi đây. Không có ai vụ lợi, tranh giành kiếm chác cái gì ở chốn này. Chỉ là đổ những giọt mồ hôi, là đầu trần dưới nắng hè gay gắt, là đứng sát lại che trở cho nhau khi thấy hiểm nguy, là lăn xả vào để bảo vệ cho nhau…hình ảnh một ông bố quên cả bảo vệ 2 đứa con và chính bản thân mình, lao vào đám đông để giành lại đồng đội. Hoặc có người đã bị bắt lên xe buýt rồi, vẫn che trở cho nhau (sự kiện ngày 17/7) là một trong những minh chứng cho điều tôi muốn nói *.
Trong những ngày bị giam giữ, tôi không chút nghi ngờ khi nói với những người bạn tù, về sự tin tưởng rằng những người bạn của tôi ở bên ngoài đang hết lòng vì chúng tôi, dẫu đó chỉ là sự chờ đợi ngày chúng tôi trở về. Sau này về đọc trên mạng, tôi mới biết ngày nào một số anh chị em cũng chầu chực bên ngoài từ  công an Quận Hoàn Kiếm đến nhà tù Hỏa Lò để ngóng tin. Có người sau cuộc “săn lùng” tin tức không có kết quả, đến 2 giờ sáng mới trở về nhà,. Trong khi tôi lo lắng không biết làm sao báo tin cho bạn bè tôi biết về việc tôi được thả, thì họ đã chờ sẵn chúng tôi ở cửa trại giam trước hàng tiếng đồng hồ. Chẳng phải là “giọt máu đào”, chẳng phải là “láng giềng gần”, mà là ao nước lã đấy. Là ao nước lã!
”…Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu…”, câu hát bên giếng cổ, trong không gian xanh mướt và êm đềm, tĩnh lặng, đâu phải chỉ dành riêng cho một ai.
Ai đó bình luận rất hay khi tôi kể về lòng tốt của những người bạn tù: “bất cứ vị Thánh nào cũng có một quá khứ, và bất cứ người tù nào cũng có một tương lai”.

Hà Nội ngày 11/9/2011
Phương Bích
Xin dành những lời tâm sự trên cho tất cả những người dẫu quen hay chưa quen, đã gặp hay chưa gặp trong đời, nhưng ít nhiều có chung chí hướng.




Saturday 10 September 2011

Nhớ bạn, nhớ Hồ Gươm.

 Hai tuần thôi biểu tình, nhớ bà con quá, chủ nhật cứ đi ra đi vào như là dân nghiện cà phê mà chưa được uống.
 Chả hiểu mọi người ra sao chứ tôi chỉ mong Quốc hội sớm ra luật biểu tình để bà con hẹn nhau gặp gỡ, cùng nhau thực hiện quyền ngoại giao Nhân dân của mình.
 Đúng rồi, phải gửi thư cho mấy bác Nghị  thôi, kiểu ngồi chờ cầm tay chỉ việc là chả bao giờ làm nổi chuyện đại sự gì sất. Thế nhưng bảo bấm nút là vừa quệt lại thỏi son trên môi, vừa nhắm mắt vào bấm, bụng dạ còn đang để ở mấy cái khu công nghiệp của mình dạo này ít khách thuê quá, không lừa bán cho chủ khác nhỡ ra cuối năm khủng hoảng lại chả thành bãi đất trống.
 Vâng, phải gọi bà con gặp nhau ca fe xem sao đã, mai lại ra bờ Hồ chơi cho vui, tạo công ăn việc làm cho nhiều người nữa chứ.