Translate

Saturday 31 December 2011

Mọi nhà nô nức tất niên - xót xa Bùi Hằng tuyệt thực lần 2

Sáng nay bố đi gặp hội các chiến hữu nên không ăn cơm nhà. Thấy tôi lễ mễ xách đồ ra cửa từ sớm, bố hỏi thì tôi trả lời: con đi thăm nuôi Bùi Hằng.
Sở dĩ trước đây tôi vẫn im lặng vì vẫn nuôi một chút hy vọng, rằng có thể đi ké thằng con trai để được gặp Bùi Hằng một lần, cốt tiếp thêm lửa cho cô ấy trong những ngày đông giá rét cuối năm này. Chao ôi, tôi cứ hồi hộp nghĩ giây phút chúng tôi được nắm lấy tay nhau qua ô cửa tò vò, có lẽ sẽ rất nhiều nước mắt...  
Lẽ ra tôi phải tỉnh ngộ ngay từ ban đầu, rằng Bùi Hằng là một trại viên đặc biệt được giám sát hết sức chặt chẽ, nên nếu có ai đó muốn “giúp” cũng không dám ra tay “nghĩa hiệp”. Trước khi thằng bé vào gặp mẹ, tôi dặn cháu:
-Con nhớ phải hỏi mẹ thiếu những gì, để lần tới các bác còn mua bổ sung. Sắp Tết âm rồi, hỏi mẹ có ăn bánh chưng không?...Nhớ nói với mẹ, ở ngoài này, các cô chú các bác không ngày nào không nhớ đến mẹ con...
Đến đây tôi bỗng  nghẹn lời, không dám nói tiếp vì sợ sẽ khóc trước mặt mọi người.
Trước đó, lúc phải xuống đi bộ để giảm tải cho xe vì đường đang đổ bê tông nên đầy những đống sỏi đá, mọi người đã tranh thủ dặn dò Bùi Nhân, nói các nhân sĩ trí thức và bạn bè của mẹ, trong đó cao tuổi nhất là cụ thiếu tướng 96 tuổi Nguyễn Trọng Vĩnh, đã viết thư gửi Chủ tịch nước yêu cầu trả tự do cho mẹ. Tôi chen vào: đặc biệt là giáo sư Ngô Đức Thọ thương mẹ con lắm đấy.
Trong cái rét chợt trở nên đậm hơn trong làn mưa bụi, tôi và thằng con to xác của Bùi Hằng rùng mình vì lạnh. Hai bác cháu xách đồ tiếp tế đi qua cái trạm gác chẳng có ma nào trong đó. Vào đến nhà thăm nuôi, qua thái độ của hai công an viên ở đó, tôi hiểu chẳng thể năn nỉ họ” rủ lòng bác ái” cho tôi nán lại chút ít nên cứ tự giác quay ra.
Bốn người chúng tôi gồm cựu bộ đội đặc công, kiêm cựu “tù 5 ngày Hỏa Lò” Phan Trọng Khang, Xuân Diện, T30 và tôi chui tất vào ô tô ngồi đợi. Chuyện trò trên giời dưới bể chán, chúng tôi quay ra hát dân ca cho nhau nghe. Xuân Diện hát bài Nhớ bạn, còn tôi thì hát bài Ngồi tựa mạn thuyền. Hát xong thì vỗ tay tự thưởng cho nhau. Bên trong trại, lúc trước thì chẳng thấy ai, giờ lại có hai anh công an đầu trần lững thững dạo qua dạo lại bên trong cổng.
Sau gần 2 tiếng đồng hồ thì Bùi Nhân ra. Chúng tôi nhao nhao hỏi:
- Mẹ thế nào?
Nó lắc đầu:
- Con không được gặp vì không có sổ thăm nuôi
Cả hội khốn khổ kêu trời. Có trách cứ cũng chẳng để làm gì nữa. Thế là bao nhiêu chờ đợi, hẹn hò nhau mãi mới tổ chức được chuyến đi cuối cùng thành công toi. Chả thế mà mọi người cứ bảo dù gì thì nó vẫn còn là một thằng bé, tuy to xác thế nhưng vốn chưa bao giờ phải lo nghĩ gì. Đùng một cái mẹ bị bắt, tự dưng phải gánh vác mọi chuyện trong nhà nên nó ngơ ngác là phải.
Có vò đầu bứt tai cũng chẳng giải quyết được gì, chúng tôi đành lên xe quay về Hà Nội.
Dọc đường nghe Bùi Nhân kể mẹ nó lại tuyệt thực. Nguyên nhân là vì sau đợt tuyệt thực lần trước, Bùi Hằng không ăn được cơm nên yêu cầu cho ăn cháo nhưng trại vẫn bắt ăn cơm. Lý do nữa là ngay từ lần thăm nuôi trước, Bùi Hằng cho biết cô ấy có viết ba lá thư, một cho Bùi Nhân, một cho Xuân Diện và một cho tôi. Nhưng chỉ có giấy báo phát từ nơi nhận là của Bùi Nhân, còn của Xuân Diện và của tôi cô ấy không nhận được. Cô ấy hiểu như vậy là họ đã không gửi thư đi, và thực tế là chúng tôi không hề nhận được thư của cô ấy. Lần trước Bùi Nhân có kể, khi nghe nó nói có bác Phương Bích đang chờ ở bên ngoài, Bùi Hằng đã bật khóc.
Trong cuộc đời của Bùi Hằng có nhiều bạn bè, nhưng có lẽ tôi là một trong những người bạn thường sát cánh bên cô ấy, xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn trong thời gian qua ở Hà Nội. Cùng là phụ nữ, lại ít nhiều từng đồng cam cộng khổ với nhau, từng nắm tay nhau cùng bước vào Hỏa Lò, cùng nắm tay nhau khi trở về trong vòng tay đồng đội. Nay thì người bên trong kẻ ở ngoài, làm sao không khỏi đau lòng cho được. Đối với chúng tôi thì cái trại này nó chẳng khác gì nhà tù, thậm chí còn tệ hơn nhiều vì họ có thể gia hạn tùy thích, vì nói như công an trả lời Bùi Nhân thì Bùi Hằng chưa cải tạo tốt là vì còn tuyệt thực. Không biết lần này Bùi Hằng sẽ tuyệt thực bao lâu? Thông thường sau một đợt nhịn ăn dài thế, người ta phải ăn đồ loãng mới tiêu hóa được và không bị đau dạ dày. Nay phải ăn cơm, mà cơm trại thì chắc chả khác gì cơm tù. Thế này thì sau khi ra trại, không hỏng tinh thần thì cũng hỏng người mất thôi.
Tất cả chúng tôi đều cảm thấy xót xa. Đến như cựu quân nhân dạn dày như bác Phan Trọng Khang, vốn trước đây có ý cho rằng Bùi Hằng có phần xốc nổi nay cũng cho rằng đây là một sự hy sinh của Bùi Hằng, không xá gì đến cả tính mạng mình cho cuộc đấu tranh chung vì lẽ phải này. Thực sự ngay lúc này, tôi không biết mình có thể làm gì để giúp Bùi Hằng, dù chỉ để trước mắt cho cô ấy được cái quyền ăn cháo. Có lẽ ngay bây giờ, tôi sẽ viết một bức thư gửi Hội chữ thập đỏ các cấp yêu cầu can thiệp ...còn hơn là cứ ngồi tự hỏi phải làm gì bây giờ.


Wednesday 28 December 2011

Chị và em

Sự nghiệt ngã của cuộc sống mà tôi đọc trong sách, hay nghe thấy, hay ít nhiều nếm trải trong cuộc đời khiến tôi ít tin vào lòng tốt, sự tử tế của người đời. Ít chứ không phải là không tin. Và mỗi một lần nghe thấy, đọc thấy và được hưởng chút tử tế ấy của cuộc đời, tôi dễ chảy nước mắt lắm. Lần nào đọc bài cô bé 8 tuổi lo hậu sự cho mình của Trang Hạ, tôi cũng khóc sưng cả mắt. Lá thư tôi đọc được dưới đây không làm tôi khóc, nhưng lại khiến tôi thêm yêu cuộc sống khi vẫn còn những con người có những suy nghĩ và tình cảm yêu thương nhau như thế này.

Chị  yêu quý!
Em với chị là 2 chiếc lá trên cùng một cành cây của môt thân cây bị đốn ngã ngay khi vừa trổ hoa. Tuổi thơ áo vá, bạc mầu mất mát và chia ly, mặn chát cà muối, mắm trưng, tím một mầu côi cút, đã lặng lẽ đưa chị em mình qua từng con lạch nhỏ để ra sông lớn. Mỗi kỷ niệm trong từng mảng sáng tối của bức tranh tuổi thơ đều có cả em và chị. Mỗi trưa hè đùa nghịch ở chái nhà, bị ông phạt roi, mỗi đêm đông ôm nhau tìm hơi ấm trong chiếc chăn cũ mỏng, bà lót rơm xuống dưới chiếu, khi trở mình nghe ràn rạt, gió lạnh từ ngoài sân nặng thêm tảng cô đơn trong hồn trẻ. Mỗi sáng sớm tinh mơ luồn lách trong những lùm tre để quét lá, mỗi buổi trưa đi học về ngồi xổm ăn cơm ở cửa buồng, tranh nhau kể chuyện lớp, mỗi bữa ăn nhường phần ngon cho ông bà, những sáng sớm dến trường nhón chân bước nhẹ qua cổng nhà khỏi dẫm lên những bông bưởi rụng trắng, 2 chị em thi nhau hít căng lồng ngực mùi hương bưởi ngọt ngào, những phút giao thừa ông mở rộng cánh cửa gọi 2 chị em dậy đón xuân...Tất cả, tất cả những kỷ niệm nhiều mầu sắc ấy đều lung linh hình ảnh của cả 2 chị em mình. Ta chia nhau từng kỷ niệm, chung nhau mọi nỗi niềm.
Từ khi bà mất em mới bàng hoàng nhận ra đầy đủ rằng người em yêu quý nhất, cần nhất, và cũng là người yêu qúy em nhất chính là bà, điều mà em vẫn vô tư đón nhận nhưng lại không biết, giống như ta hàng ngày uống nước nhưng chỉ đến khi cạn và khát mới biết là không thể không có nó. Từ đó em trở nên chơi vơi tựa thân cây bị đốn mất rễ, lúc nào cũng chực đổ. Nỗi nhớ thương bà, sự ân hận vì đã không biết tận dụng thời gian ở bên bà, chăm sóc bà, luôn làm em chênh vênh, day dứt.
Từ đó em chỉ còn có chị, cái cành cây còn sót lại, cùng gốc với em.
Vậy mà đã bốn mươi mốt năm rồi chị em mình không được gọi bố. Em rất nhớ bố, và luôn cảm nhận có bố dõi theo từng bước đi của mình. Mỗi khi có được chút may mắn em lại tin đó là của bố đem đến, và em luôn thầm hứa với bố rằng em sẽ chăm sóc, sẽ bù đắp cho chị như chị vẫn luôn chăm sóc và bù đắp cho em.
Nhưng em tham lam quá, bao năm qua khi thì mua đất, lúc lại xây nhà, rồi chuyển nhà... khiến em chưa thể thực hiện được nguyện vọng của mình.
Năm nay em lại xây nhà, nhưng lần này là để ở vĩnh viễn. Đây là điều mà em khao khát đã lâu, một ngôi nhà với thiên nhiên bao la, để thờ cúng ông bà và bố.
Nhưng cùng với niềm hoan hỉ sắp có nhà mới, trái tim và tâm trí em lại nung nấu, ấp ủ một dự định khác nữa, đó là, môt món quà có giá trị cho ngày sinh nhật thứ 48 của chị. Và em quyết tâm phấn đấu thực hiện nó bằng được.
Chắc chị sẽ không vui vì cho rằng em đang nợ nần. Nhưng em nghĩ chị hiểu em hơn ai hết, điều gì đã định làm thì em nung nấu làm cho bằng được, điều gì em đã hứa, nhất là hứa trước linh hồn bố thì khó khăn mấy em cũng sẽ thực hiện được, và chỉ có thế em mới có thể an tâm. Từ bé em đã bướng bỉnh như thế khiến ông luôn bực mình, nhưng làm sao em không thể sửa được, hình như nó đã  sinh ra cùng với mỗi giọt máu trong thân thể em. Nếu thương em thì chị ơi, đừng từ chối, nó thuộc về chị, và sử dụng thế nào là quyền của chị.
Em thực sự coi anh P như anh ruột, anh cả trong gia đình, anh ấy thật tốt, thật chân tình và thật hi sinh cho các em. Em rất vui vì chị có được người chồng như thế, và chắc chắn bố cũng rất vui.
Thế này thì em mãn nguyện lắm rồi, có nhà mới để thờ cúng ông bà và bố, có một món quà tặng chị. Đời em còn tiếp tục gặp điều may mắn, chị hãy tin như thế.
Bố sẽ phù hộ cho con cái của chị em mình nên người, hiếu thảo, và biết thương yêu nhau như chị em mình.
Happy Birthday to you!


Monday 26 December 2011

Sau Bùi Hằng sẽ là ai?

Từ những ngày đầu nghe tin Bùi Hằng vào đồn công an Bến Nghé rồi không trở về, cho đến lúc biết cô ấy bị giam giữ ở trại Thanh Hà với cái án không xét xử là 2 năm, bây giờ tôi mới thực sự có thời gian để suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này.
Ngay từ năm 2010, trong một bài báo đăng trên báo Pháp luật TPHCM với tiêu đề: Giáo dục, giáo dưỡng đang bị lợi dụng - đã làm dấy lên trong công luận một sự thật :
Qua việc “nhóm nghiên cứu của Vụ Pháp luật Hình sự-Hành chính (Bộ Tư pháp) đã khảo sát, đánh giá thực trạng việc áp dụng các biện pháp nói trên, chỉ rõ những bất cập của các quy định hiện hành”, trước mắt tôi quan tâm đến 3 vấn đề chủ yếu mà bài báo đã nêu là:
-     Báo cáo của nhóm nghiên cứu chỉ rõ: Việc lập hồ sơ đưa một người vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng do công an thực hiện, khi hồ sơ sang hội đồng tư vấn thì lãnh đạo cơ quan công an lại là chủ tịch hội đồng. Điều này chưa đảm bảo tính khách quan và chính xác vì công an dường như “độc diễn” trong quá trình này.
-    “hoạt động của hội đồng chủ yếu giới hạn ở việc xét duyệt hồ sơ, tài liệu do các cấp hành chính thu thập, không có thông tin đa chiều, không được nghe nội dung bào chữa, biện hộ từ phía người vi phạm…”
-     “Người bị áp dụng các biện pháp này không có quyền tham gia và phát biểu ý kiến, không được tranh tụng, không có luật sư tham gia…”
Qua ngần ấy thông tin trong bài báo trên, đủ cho thấy việc bắt giam Bùi Hằng thông qua hình thức giáo dục, cải tạo là có động cơ, rõ ràng là thiếu minh bạch của chính quyền thành phố Hà Nội. Ghép Bùi Hằng vào tội gây rối trật tự công cộng, cốt là để hợp thức hóa việc giam giữ và né tránh xét xử Bùi Hằng theo khía cạnh phản đối chính quyền bắt bớ người biểu tình.
Tôi nhớ lại hôm ở Bờ Hồ, tình cờ gặp giáo dân Thái Hà đi nộp đơn ở phòng tiếp dân 34 Lý Thái Tổ, và chứng kiến việc một số giáo dân bị bắt lên xe buýt khi họ đi bộ trên Bờ Hồ. Lúc đó tôi đứng cách đó khá xa, quan sát thấy cảnh bắt bớ đó lại nhớ những ngày mình đi biểu tình cũng từng bị bắt như thế. Rồi đột nhiên có 3  “thanh niên” đi qua vườn hoa, hướng đến chỗ tôi đứng. Bọn họ túm lấy một cậu thanh niên đang đứng cạnh tôi lôi đi, mặc cho cậu ấy bất bình la lên phản đối. Tôi đang bức xúc về cái chuyện, họ cứ ngang nhiên bắt người như thế này thì một viên công an đi đến nói rất to:
-     Ai không có nhiệm vụ giải tán ngay khỏi khu vực này. Không được tụ tập ở đây.
Mọi người xung quanh tôi chạy té đi. Tôi bực mình lắm, cứ đứng yên tại chỗ. Thấy thế, tay công an hất hàm:
-     Chị nữa, không có nhiệm vụ gì, yêu cầu chị giải tán...
-     Đây là vườn hoa. Thế nhiệm vụ gì thì được đứng ở đây?
Tay công an ngớ người nhìn tôi. Hình như anh ta rất ngạc nhiên, khi có người không những không ù té chạy mà còn dám hỏi vặn lại công an. Anh ta không trả lời câu hỏi của tôi, chả lẽ lại bảo vườn hoa Bờ Hồ là nơi chỉ để công an và an ninh làm nhiệm vụ? Nếu khi ấy tôi không đứng đó, làm sao tận mắt chứng kiến sự việc. Chưa cần biết ai đúng sai thế nào, ít nhất là tôi có thể kể lại một cách trung thực khi cần làm chứng. Công an không muốn nhân dân nhìn thấy, nghe thấy là để một mình họ độc diễn chăng? Nếu họ làm đúng, tại sao họ không để cho nhân dân thấy rằng họ đang thực thi pháp luật một cách đúng đắn, và những kẻ gây rối kia đáng bị trừng trị thích đáng, cần được tuyên truyền rộng rãi bằng hình ảnh và clip video cụ thể để làm gương cho thiên hạ?
Viên công an không giải thích được thì trừng mắt nhìn tôi, gằn giọng:
-     Nhớ! Không được tụ tập ở đây nhớ! Đây là khu vực nhạy cảm nhớ!
Tôi cãi ngay:
-    Anh nói lạ nhỉ? Tôi đang đứng có một mình mà anh bảo tụ tập là thế nào? Cái gì nhạy cảm? Tôi chẳng hiểu cái gì gọi là nhạy cảm cả.
Anh ta rút bộ đàm ra, nghe chừng định gọi người đến bắt tôi chắc. Ngay lúc ấy một thanh niên đi đến lôi tay công an đi chỗ khác. Tôi tức giận quay ra nói với những người vừa chạy đi:
-     Làm sao mọi người phải chạy? Đây là vườn hoa, mình đứng giữa thanh niên bạch nhật thế này, phạm pháp cái gì mà phải chạy?
Về đọc tin trên mạng, thấy nói tất cả những người bị bắt lên xe buýt hôm đó đều bị ghép vào tội gây rối trật tự công cộng. Tôi thấy lạ là trong hàng trăm người đang đi trên Bờ Hồ lúc đó, họ lại chỉ bắt một số người? Nói như bản báo cáo của nhóm nghiên cứu Bộ Tư pháp thì đúng là công an hoàn toàn độc diễn trong việc này. Họ muốn lập hồ sơ về ai đó thì chỉ cần vài lần bắt lên xe buýt như thế này, chắc hẳn sau đó sẽ lập được ngay cái hồ sơ để tống bất cứ ai đó vào trại giáo dục và cải tạo.
Điều này khiến nhiều người thực sự lo ngại. Chính quyền có thể còn tiếp tục sử dụng cái chiêu bài đưa đi giáo dục cải tạo, để trấn áp những người tham gia biểu tình thời gian qua, hoặc bất cứ đối tượng nào chính quyền không “ưa” mà không bị một cơ quan nào tuýt còi. Những người biểu tình chúng tôi đùa vui: Nếu vậy, mỗi chúng ta đều là những trại viên dự bị mà Bùi Hằng là người đầu tiên hy sinh. Đùa thế nhưng trong lòng thấy cay đắng làm sao.
Hẳn ai cũng biết việc điều chỉnh hệ thống pháp lý cho phù hợp với cuộc sống ở nước ta là quá chậm chạp (ví dụ như luật biểu tình là 19 năm. Lạc đề đi một chút là 15 năm triển khai việc mua nhà theo nghị định 61 vẫn bế tắc sau nhiều lần gia hạn). Một tay công an nói với tôi: ai kiện cứ việc kiện...! Thật là một câu mang đầy thái độ thách thức, coi thường luật pháp.
Đời người quá ngắn ngủi để mà chờ đợi công lý được thực thi. Có bị tước đoạt tự do dẫu chỉ một ngày mới hiểu được phần nào giá trị của nó. Mặc dù vậy, chính quyền cũng thừa hiểu việc giam giữ dưới hình thức giáo dục, cải tạo này sẽ không bao giờ thay đổi được quan điểm và ý chí của Bùi Hằng.
Việc hôm nay với Bùi Hằng rất có thể sẽ xảy ra với bạn, với tôi hoặc ai đó trong nay mai. Sau Bùi Hằng sẽ còn những ai nữa, trở thành nạn nhân của hệ thống pháp lý mà vốn dĩ còn quá  nhiều sự vô lý, bất cập này?
Trong khi chờ đợi luật sư khiếu nại việc cưỡng bức Bùi Hằng vào trại cải tạo, tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều người lên tiếng đấu tranh cho việc trả tự do cho Bùi Hằng. Mong làm sao ngày được đón cô ấy trở về trong vòng tay người thân và bè bạn.
 

Tư liệu tham khảo: những đoạn chữ đỏ in nghiêng được dùng để trích dẫn
(Bài đăng trên Báo pháp luật TP HCM - Giáo dục, giáo dưỡng đang bị lạm dụng)
Bộ Tư pháp đang nghiên cứu để tư pháp hóa thủ tục đưa người vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng.
Việc đưa người vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục… bằng quyết định hành chính ít nhiều liên quan đến quyền tự do cá nhân của người vi phạm pháp luật trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục cũng như việc tổ chức, thực hiện loại “quyết định hành chính khác” này còn nhiều bất cập.
Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam”, ngày 13 và 14-12, Bộ Tư pháp và Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo bàn hướng hoàn thiện pháp luật về các biện pháp xử lý hành chính này.
Xích mích gia đình: Đưa vào cơ sở giáo dục
Trước đó, nhóm nghiên cứu của Vụ Pháp luật Hình sự-Hành chính (Bộ Tư pháp) đã khảo sát, đánh giá thực trạng việc áp dụng các biện pháp nói trên, chỉ rõ những bất cập của các quy định hiện hành.
Theo quy định, chủ tịch UBND cấp huyện, tỉnh là người trực tiếp ban hành quyết định hành chính để đưa một người vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hay trường giáo dưỡng. Ngoài ra, một số chủ thể khác như công an, tư pháp, nhà trường, tổ dân phố… tham gia vào quá trình đề nghị, xác minh, lập hồ sơ, tư vấn giúp chủ tịch UBND ra quyết định.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu chỉ rõ: Việc lập hồ sơ đưa một người vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng do công an thực hiện, khi hồ sơ sang hội đồng tư vấn thì lãnh đạo cơ quan công an lại là chủ tịch hội đồng. Điều này chưa đảm bảo tính khách quan và chính xác vì công an dường như “độc diễn” trong quá trình này.
Đành rằng chủ tịch UBND là người quyết nhưng Hội đồng tư vấn có vai trò rất lớn, có thể nói là quan trọng nhất với việc có áp dụng biện pháp đưa người vi phạm vào trường, cơ sở hay không. Thế nhưng hoạt động của hội đồng chủ yếu giới hạn ở việc xét duyệt hồ sơ, tài liệu do các cấp hành chính thu thập, không có thông tin đa chiều, không được nghe nội dung bào chữa, biện hộ từ phía người vi phạm…
“Việc ra quyết định áp dụng biện pháp liên quan đến hạn chế tự do của đối tượng vi phạm theo pháp luật hiện hành chưa thật sự đảm bảo tuân theo nguyên tắc công khai, minh bạch và công bằng, tranh luận và biện hộ. Người bị áp dụng các biện pháp này không có quyền tham gia và phát biểu ý kiến, không được tranh tụng, không có luật sư tham gia…” - nhóm chuyên gia bình luận.
Vì những thủ tục “khép kín”, đôi khi áp đặt, chủ quan của cơ quan có thẩm quyền nên không ít người bị đưa vào trường, cơ sở chưa đúng theo quy định. Nhóm chuyên gia dẫn chứng, tại Cơ sở giáo dục Bến Giá (Trà Vinh) có 6% người được đưa vào đây do thực hiện các hành vi cãi nhau, đánh nhau giữa những người thân trong gia đình (không thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục).
Thời gian “cao su”
Theo quy định, thời hạn người vi phạm ở trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh từ ba tháng đến hai năm. Tuy nhiên, thực tế khảo sát tại các cơ sở giáo dục tập trung, hầu hết người vi phạm đều bị áp dụng ở mức tối đa. Báo cáo của Cơ sở giáo dục Thanh Hà cho thấy trong năm năm (từ 2004 đến tháng 6-2008), chỉ có một người được áp dụng thời hạn tối thiểu. Đến tháng 9-2009, Trường Giáo dưỡng số 4 ở Đồng Nai có ba người được áp dụng thời hạn tối thiểu!
Để hạn chế “án cao su”, ngay từ Pháp lệnh Xử lý VPHC năm 1995, sau đó là pháp lệnh năm 2002 đều không quy định việc gia hạn thời hạn ở trường, cơ sở… Tuy nhiên, một số văn bản hướng dẫn (nghị định, thông tư) đã mở rộng quy định của pháp lệnh, cho phép trường hợp “… đã được giáo dục và bị kỷ luật nhiều lần, đến khi hết thời hạn giáo dục tại cơ sở giáo dục mà vẫn không chịu sửa chữa, không tiến bộ thì giám đốc cơ sở giáo dục lập hồ sơ báo cáo chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi cơ sở giáo dục đóng xem xét, quyết định việc đưa người đó vào cơ sở giáo dục…”. Quy định trên thực chất là kéo dài thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, trái với tinh thần của pháp lệnh.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu cho biết có 13 trường hợp ở Cơ sở giáo dục Xuân Hà (Hà Tĩnh), 16 trường hợp ở Cơ sở giáo dục Hoàn Cát (Quảng Trị) kéo dài thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục với thời hạn từ sáu tháng đến 24 tháng. Cá biệt, có người hết thời hạn 18 tháng ở trường giáo dưỡng tại Hà Nội lại tiếp tục bị đưa tiếp vào Cơ sở giáo dục Hoàn Cát (Quảng Trị) với thời hạn 24 tháng.
Sẽ “tư pháp hóa” thủ tục
Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo dự kiến bỏ biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh ra khỏi dự thảo luật.
Về biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, ban soạn thảo dự kiến xây dựng hai phương án xin ý kiến Quốc hội. Phương án một: Chuyển cho tòa xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục tố tụng. Phương án hai là vẫn giao cơ quan hành chính nhưng “mượn” một số thủ tục tư pháp như cho luật sư, người đại diện, giám hộ… giải thích, biện hộ với cơ quan áp dụng biện pháp hành chính khác.
+ Kiện vì không nghiện mà phải vào cơ sở chữa bệnh. Năm 2008, anh Nguyễn Văn Sơn (được về trước thời hạn ba năm) đã kiện UBND huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh) vì ra quyết định đưa anh vào cơ sở chữa bệnh hai năm trời, trong khi bản thân anh không sử dụng ma túy. Tại phiên sơ thẩm lần hai năm 2009, tòa buộc UBND huyện Châu Thành bồi thường vật chất, tinh thần cho anh Sơn trong thời gian bị đưa đi cai nghiện…
+ Tàn phế sau khi được đưa đi giáo dục. Cuối tháng 9-2009, thấy chồng là anh Nguyễn Minh Hà (ở Phú Thọ) hay rượu chè, đánh đập vợ con nên người vợ nộp đơn đề nghị công an đưa chồng đi cải tạo, giáo dục. Sau đó, anh Hà bị kiểm điểm tại UBND xã trước sự chứng kiến của làng xóm. Ba tháng sau, nghi ngờ con trai anh Hà ăn trộm, các cán bộ đã mời thằng bé và anh Hà đến trụ sở công an và anh bị giữ lại, đưa đến Cơ sở giáo dục Thanh Hà thuộc V26 - Bộ Công an. Bốn ngày sau, một công an đến nhà báo cho vợ anh là anh Hà bị cảm nặng, tới gặp ngay kẻo không kịp. Đến nơi, người vợ thấy chồng mê man, trên người đầy vết bầm. Hộp sọ bên trái của anh bị vỡ một miếng, gãy xương hông, xương cánh tay…
ĐỨC MINH


Thursday 22 December 2011

Nhân đọc bài "chuyện nhỏ hậu biểu tình"

“Nâng cao quan điểm” - lâu lắm mới nghe thấy cái từ này. Lần trước là nghe bà kế toán trưởng bức xúc xổ ra khi không được tái bổ nghiệm lại. Nay đọc bài “Chuyện nhỏ hậu biểu tình” của Trí Đức lại gặp cái câu “nâng cao quan điểm” trong đó. Hình như cụm từ này chỉ dùng trong nội bộ bên đảng, chứ không thông dụng ngoài đời thường thì phải.
Thường xuyên gặp Trí Đức trong những cuộc biểu tình, rất thích thú khi biết cậu ta là đảng viên, lại càng thán phục hơn khi biết cậu ta đi biểu tình từ năm 2007. Tuy không thân với Trí Đức nhưng chị em nói chung khi gặp nhau là đều vui vẻ. Cũng láng máng hiểu sơ sơ về quan điểm của cậu ấy, nhưng vì tôn trọng quyền của cậu ta nên tôi không bao giờ tranh luận, cũng không chỉ trích.
Không biết đó có phải là lối suy nghĩ theo kiểu thỏa hiệp không. Lắm lúc thấy cậu ta say sưa nhắc đến cái từ “chi bộ”, tôi ngạc nhiên lắm. Sao trong một con người lại có thể tồn tại hai thứ tình cảm trái ngược nhau như thế nhỉ. Tôi giận một đứa ở cơ quan cũng vì thế. Hai chị em vốn khá thân nhau. Thấy nó làm lý lịch vào đảng, tôi đã ngạc nhiên nhưng cũng kệ, vì hiểu cái động cơ vào đảng của nó. Thôi thì vì miếng cơm manh áo, nó có giả dối cũng được, miễn là thực chất nó không nghĩ thế, thậm chí nó còn tai quái hơn tôi nhiều. Cũng chỉ vì chuyện đi biểu tình mà tôi với nó giận nhau hàng tháng trời. Khi Trung Quốc nó cắt cáp của tầu mình, ở cơ quan tôi đứa nào đứa nấy phẫn nộ lắm, chửi đù mẹ đù cha loạn lên. Nhưng khi thấy nói xuống đường biểu tình phản đối thì lại gàn – thôi! Đi làm gì. Tôi ghét lắm. Hôm sau đi làm, nó cười cười ra hỏi tôi: hôm qua đi thế nào. Mặc dù buổi đầu tiên tôi bị lỡ, tôi không gặp đoàn biểu tình, nhưng không muốn để nó biến chuyện nghiêm túc của tôi thành trò cười, tôi chỉ mặt nó cảnh cáo ngay, rằng nếu nó không tham gia thì đừng có quan tâm đến làm gì. Nó ngớ người trước thái độ gay gắt của tôi. Khi nó phân bua rằng mỗi người có một cách quan tâm, thì tôi nói thẳng toẹt cái điều mọi khi tôi vẫn tránh:
- Mày còn đang phấn đấu vào đảng thì quan tâm cái gì?
Có lẽ tôi nói trúng vào tim đen của nó nên nó tự ái, không cố làm lành nữa. Mọi khi tôi giận mấy nó cũng biết cách làm tôi cười chỉ sau ít phút, và cũng chỉ khi nào cáu lắm tôi mới xưng mày tao với nó. Hôm liên hoan chia tay, nó vào ngồi cạnh tôi mà tôi nhất định đuổi nó ra chỗ khác, bảo anh ngồi cạnh làm tôi ăn mất ngon. Mặc dù trong lòng tôi cũng muốn làm lành với nó rồi, nhưng chả hiểu sao tôi vẫn cố chấp thế. Nó vốn là đứa rất thông minh, cũng rất ga lăng với phụ nữ. Vậy mà chỉ vì cái chuyện vào đảng của nó lại khiến chị em tôi giận nhau thế. Nhưng hôm vừa rồi đến cơ quan để lấy nốt mấy thứ lặt vặt, trông thấy tôi, nó hồ hởi hỏi chuyện. Tôi cũng đã hết giận nên hai chị em lại vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra, tôi cho nó số điện thoại mới, hẹn sẽ nói chuyện sau.
Nhưng khác với thằng em ở cơ quan tôi, Trí Đức vẫn rất “hồng và chuyên”. Ngay cả khi bị “đồng chí” của mình đạp vào mặt, cậu ấy vẫn sẵn sàng bỏ qua vì danh dự của đảng. Nếu là chuyện hai thằng đàn ông,  khi khúc mắc có xảy ra xô xát, lỡ đạp vào mặt nhau thì là một chuyện. Nhưng ở đây không còn là vấn đề cá nhân nữa, bởi nó xảy ra khi người biểu tình đang bị trấn áp. Nhiều người cho rằng đây không phải là cú đạp vào mặt cá nhân cái tay Trí Đức nào đó, mà là đạp vào mặt những người biểu tình. Mặc dầu Trí Đức cũng bày tỏ sự thất vọng của mình khi trả lời phỏng vấn của đài BBC, nhưng cậu ấy vẫn không muốn làm rõ vấn đề cho tới cùng. Tôi hiểu cậu ấy bị nhiều sức ép ghê gớm. Nhưng thà rằng vì là như thế, thà là chỉ do vấn đề giữ thể diện cho tổ chức, rất khó nói... Nhưng đến bây giờ mà cậu ấy vẫn cứ loay hoay với mấy cái danh hiệu đảng viên loại mấy thì tôi thấy chán thật sự.
Nói đến cái ý cuối cùng của “hậu biểu tình”, tôi lại nhớ đến vụ bác Tô Oanh phải viết thư xin rút tên ra khỏi hai danh sách kiến nghị mà bác ấy đã ký tên, thậm chí đóng cả blog của mình. Một ông giáo già gần bảy mươi tuổi, từng đạp xe hơn năm chục cây số vào những ngày hè đổ lửa, để về Hà Nội tham gia biểu tình, rốt cuộc phải đầu hàng trước cái võ ép của công an. Ơ! Sao cái cục gì đó bỗng dưng lại chồi lên, chặn ngang họng tôi thế này? Mẹ kiếp! Bỗng dưng tôi muốn văng tục quá.
Chuyện râu ria, năm ngoái dân chúng tôi lên quận biểu tình, yêu cầu chính quyền ra văn bản yêu cầu Chủ đầu tư ngừng thi công cái dự án cải tạo chung cư cũ, khi chưa thỏa thuận đền bù với người dân. Một ông trong nhóm đại diện rỉ tai tôi bảo: chú là đảng viên nên không tiện ra mặt đấu tranh. Ông bí thư chi bộ vừa gọi điện cho chú đề nghị chú tránh đi, vậy nên chú đứng đằng sau hậu thuẫn thôi nhé. Tôi bực mình bảo: bây giờ chú về hưu rồi, đảng có cho chú được cái nhà nữa không mà chú phải né tránh. Đảng viên hay không thì cũng là con người, không được quyền bảo vệ lợi ích tối thiểu của mình à?
Tôi thề là về hưu rồi, tôi sẽ không tham gia bất cứ một tổ chức nào ở địa phương hết. Nào là hội hưu trí, hội phụ nữ, hội những người cao tuổi vân vân. Bắt chước Trí Đức, tôi cứ tự nhận luôn mình là một công dân hoạt động xã hội kém cho rồi, để mọi người khỏi phải mất thì giờ chỉ trích tôi.



Saturday 17 December 2011

Giọt nước mắt của lề phải

Trong suy nghĩ của nhiều người ngoài ngành, qua phản ánh của phim ảnh, nghề báo đẹp như được một phủ lớp hào quang.
Nhà báo được tiếp xúc với số lượng người cực lớn, trong đó có nhiều quan chức cao cấp, văn nghệ sĩ nổi tiếng. Nhà báo có thể “dồn” một ông cốp tới lúc phải đắng họng, có thể vạch trần những âm mưu xấu xa, có thể bá vai bá cổ một nhà văn chụp ảnh, hay ôm hoa đứng bên các nghệ sĩ. Nhà báo có xu hướng là người quảng giao, rất hiểu biết, nói chuyện hay ho, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, giữa biết đủ ngóc ngách của xã hội. Nhà báo có xu hướng thông minh, hài hước, dũng cảm, biết chụp ảnh. Nghề báo là nghề đầy vinh quang và có cả sự phiêu lưu mạo hiểm…
Đó là suy nghĩ của nhiều người ngoài ngành về nghề báo và nhà báo. Tất nhiên, không phải 100% ý kiến đánh giá đều như vậy. Ở thái cực kia, người ta lại nghĩ nhà báo Việt Nam là cái lũ đầu rỗng, nỏ mồm chém gió và nói phét, đã thế lại đểu, chỉ giỏi vặt tiền doanh nghiệp, nói tục chửi bậy kinh khiếp mà viết lách thì không bài nào sạch lỗi.
Người ta cũng có thể nghĩ nhà báo Việt Nam là một lũ cừu, cứ sểnh ra là viết sai, viết láo, viết không có lợi cho tình hình chung, làm phương hại tới quan hệ giữa Việt Nam và một quốc gia nào đó.
Người ta còn nghĩ nhà báo Việt Nam là một bọn bồi bút, bọn lưỡi gỗ tuyên truyền phản dân hại nước, ngậm miệng ăn tiền. Không đếm được có bao nhiêu lời mạt sát “lề phải” trên mạng: “não nhẵn”, “óc phẳng”, “hèn hạ”, “ngu xuẩn”, “vô lương tâm”…
Tuy nhiên, không thể tóm gọn diện mạo của cả làng báo Việt Nam trong một vài tính từ tích cực hay tiêu cực nào. Vì họ có tất cả những gương mặt ấy, khía cạnh ấy. Và dù thế nào đi nữa, trong đội ngũ các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa-tư tưởng (cách gọi khác của từ “đàn cừu”), vẫn luôn có những nhà báo lề phải ngày đêm lặng lẽ mang những gì tốt đẹp nhất mình có thể tìm được đến cho độc giả.
Tôi kính phục họ – những nhà báo trung thực, giấu sự phản kháng vào trong thầm lặng. Thật tiếc là, dẫu vô cùng muốn viết về họ, nhưng ngay cả lúc này, tôi vẫn cứ phải giấu tên các nhà báo ấy, để họ ở yên trong trận tuyến của họ – vì lẽ mọi lời nói ám chỉ đến họ đều có thể trở thành thông tin chỉ điểm.
“Nhưng chúng ta không thể bỏ mặc thế giới này…”
Họ trước hết là những người rất thông minh, sắc sảo. Và chúng ta đều hiểu là, một người có đầu óc thông minh, sắc sảo, biết xét đoán và biết phản biện, sẽ không bao giờ chấp nhận sự định hướng, lừa mị, bưng bít. Không thể che mắt họ bằng lối nhồi sọ của thế kỷ trước.
Họ cũng “phản động” chẳng kém bất kỳ nhà báo tự do, blogger lề trái nào. Nhưng trong hoàn cảnh của họ, họ không thể thoải mái viết bài phê phán, chỉ trích rồi đưa lên mạng tùy thích. Họ im lặng, cố gắng mang đến cho độc giả những thông tin tốt nhất có thể có được, thông qua một lối diễn đạt nhẹ nhàng nhất, và chỉ thầm ước mong: rồi độc giả sẽ hiểu.
Không có họ, ai là người đưa những thông tin đầu tiên về đại dự án bauxite 2009 ở Tây Nguyên ra công luận?
Không có họ, ai đưa những phát ngôn “đỉnh cao trí tuệ” trong chính trường Việt Nam lên mặt báo? Ai ghi lại những câu nói “bất hủ”, phản ánh trình độ (ít nhất là khả năng tư duy logic, khả năng diễn đạt) đáng báo động của một bộ phận không nhỏ quan chức nước nhà?
Không có họ, ai phản ánh về những vụ dân thường chết trong đồn công an một cách bí hiểm? Cho dù nhiều sự việc đau lòng như thế có thể chẳng đi về đâu, nhưng ít nhất, cũng nhờ có họ mà chuyện đã được đưa ra công luận.
Không có họ, ai viết về mãi lộ? về lũ lụt, tai nạn, tiền cứu trợ bị bớt xén hay hàng cứu trợ toàn bột giặt? về những tai nạn thảm khốc – cho thấy một xã hội đầy rủi ro, tỷ lệ tử chắc chắn là cao hơn mức 6/1.000 người dân/năm rất nhiều? về những bê bối trong trường học, bệnh viện? về một Vinashin vỡ nợ? Tất nhiên, việc báo chí viết về Vinashin hay các bê bối tương tự rất có thể chỉ là kết quả của những đấu đá nội bộ “trên thiên đình”, trong đó báo chí được sử dụng làm công cụ, vũ khí để bắn giết nhau, nhà báo chỉ là những con tốt mà thôi. Nhưng dù sao thì lũ tốt đen ấy cũng đã làm được công việc đưa một phần sự thật ra ánh sáng.
Cũng có những lúc lề trái và lề phải “phối hợp tác chiến” một cách rất hoàn hảo. Hình ảnh những người dân đi đầu trong đoàn biểu tình mùa hè năm 2011, giương cao tờ báo Thanh Niên với hàng chữ nổi bật trên trang nhất: “Không chủ trương trấn áp người biểu tình yêu nước”, có đủ nói lên sự ủng hộ ngấm ngầm của lề phải cho lề trái chăng? Tôi nhớ ở đâu đó, một độc giả bình luận: “Báo Thanh Niên đã góp sức để người dân thể hiện lòng yêu nước một cách an toàn – và quý báo cũng… an toàn!”.
Họ cũng ra đi. Ra đi nhiều lắm. Cứ sau mỗi vụ tờ báo nào đó bị xử lý, rất có thể là lại có hàng loạt người “bay”. Nhất là với cái thứ văn hóa đổ vấy của người Việt Nam, khi một loạt bài được “trên” biểu dương, thì lãnh đạo tòa báo hưởng, mà khi loạt bài bị “đánh” thì chỉ có thằng đánh máy, con sửa mo-rát là chết, mà lại là chết trong âm thầm, không ai hay biết.
Cũng nhiều người tự động bỏ đi, vì chán ngán, vì bế tắc. Một trong những người ấy đã gửi tôi một dòng tin nhắn mà không bao giờ tôi quên được: “Nhưng chúng ta không thể bỏ mặc thế giới này cho những kẻ mà ta khinh bỉ”. (1)
Vì nhân dân
Năm 2009, trong một bài về “Chuyện làm báo ở Sài Gòn trước 1975”, tôi đã viết: “… nghề báo thì bao giờ cũng vậy, là niềm vui, là nỗi buồn, là lòng nhiệt tình của tuổi trẻ và cả những giọt nước mắt”. Đó thực chất là điều tôi muốn nói về báo chí Việt Nam sau năm 1975. Tôi không biết trong cuộc chiến thầm lặng chống lại sự bưng bít, bóc trần cái xấu, thúc đẩy sự minh bạch, bao nhiêu nhà báo đã lau nước mắt.
Chiều 2/8/2011. Ngày ấy, ở Hà Nội diễn ra hai sự kiện: phiên xử phúc thẩm TS. Luật Cù Huy Hà Vũ và cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, với nội dung thông báo kết quả điều tra vụ “đạp mặt người biểu tình”.
Cảm giác “lạnh người” khi nghe tin ấy: Bộ Công an tổ chức họp báo ngay tại Thành ủy Hà Nội (giữa trung tâm thủ đô) để thông báo kết quả điều tra, và trước đó, tin đồn ít nhiều rằng đã có những cuộc tiếp xúc, điều đình giữa công an và người biểu tình bị đạp mặt – anh Nguyễn Chí Đức. Chúng tôi đều hiểu rằng, không có lý gì mà công an tự tin đến thế. Chắc là sẽ có một diễn biến gì đó…
3 giờ chiều, từ ngoài đường, tôi gọi điện cho bạn (vừa ở cuộc họp báo ra):
- Tình hình sao rồi mày?
- Xong rồi. Họ bảo tay Đức chống đối, ngồi bệt xuống đất, nên công an phải khiêng lên xe đưa về đồn. Ông Đức cũng bảo không bị ai đánh, viết tường trình nói rõ thế rồi.
- Còn cái clip kia?
- Không xác định được có phải là giả không.
- Thế bây giờ mày định…?
- Thì về viết bài, có thế nào viết như thế chứ còn định gì. So what? (thế thì sao)
- So what cái cục cứt! – chưa bao giờ tôi thô lỗ như thế trên điện thoại di động. – Mày định thế nào? Mày muốn cứ thế mà tương vào bài à? Mày không hỏi Chí Đức lấy một câu à?
- Mày muốn gì? Có giỏi thì mày viết đi, viết xem có đăng được không?
Hai người chửi nhau một trận nảy lửa trên điện thoại.
- Đừng có vô lý thế. Mày phải hiểu là không thể khác được. Trong trường hợp này tao chỉ có thể làm hết sức mình là phản ánh lại đúng sự việc qua lời của công an, và sẽ ghi rõ là “theo kết luận điều tra”. Thông tin được chừng nào tới người đọc tốt chừng ấy. Mày viết theo kiểu đa chiều, lấy ý kiến Chí Đức, xem có đăng được không? Sao cáu kỉnh vô lý thế? Có phải lỗi của tao không?
Đến lượt tôi ngồi bệt xuống đất, tay run bắn lên vì giận. Phải, chính tôi mới là kẻ vô lý. Tại sao tôi lại gầm lên trên điện thoại, lại văng tục với bạn tôi – nhà báo mà tôi nể phục, quý trọng, nhà báo mà tôi vẫn thường yêu mến bảo: “Như John Lennon và Paul McCartney, hai ta song kiếm hợp bích”. Tại sao tôi lại nói bạn như thế, trong khi cả hai đều hiểu ai là những kẻ phải chịu trách nhiệm về tất cả chuyện này.
Bất cứ người làm báo chuyên nghiệp nào cũng hiểu quá rõ rằng, “trung thực, khách quan, công bằng” là các nguyên tắc đạo đức hàng đầu; và nếu ở một nền truyền thông đa chiều như phương Tây, thì sau khi dự một cuộc họp báo của cơ quan công an như thế, việc tiếp theo phóng viên phải làm là phỏng vấn “phía bên kia”, tức là nạn nhân Nguyễn Chí Đức, để xem anh có ý kiến như thế nào, có thực anh đã viết tường trình khẳng định mình không bị đạp mặt hay không.
Nhưng báo chí nước mình nó khác, khác ghê lắm. Mà chẳng riêng báo chí, nói chung là cái nước mình nó khác. Video clip ghi lại hình ảnh vụ đạp mặt không được thừa nhận một cách thản nhiên. Cuộc họp báo của cơ quan công an, tổ chức tại Thành ủy Hà Nội, không có mặt Nguyễn Chí Đức, cũng không mời bất cứ một ai trong số những người đã ký kiến nghị đề nghị xử lý nghiêm vụ đạp mặt công dân. Kết luận chỉ hàm ý đơn giản là Nguyễn Chí Đức ăn vạ. Hỡi ôi, cả một hệ thống xông vào vùi dập một công dân! Và chúng tôi đã chẳng thể làm gì để bảo vệ công dân ấy.
Nhưng bạn tôi nói đúng. Chúng tôi không làm khác được. Trong một nền báo chí được định hướng chặt chẽ, sát sao. Trong một nền truyền thông nơi “quyền bình luận” của nhà báo bị triệt tiêu sạch sẽ – đừng hỏi vì sao báo chí (lề phải) Việt Nam bao năm qua không có nổi một cây viết bình luận cho ra hồn; phóng viên, nhà báo đâu có cái quyền ấy; nó là quyền của lực lượng “chống âm mưu diễn biến hòa bình” kia. Trong một nền truyền thông nơi báo chí bị coi như công cụ, nhà báo không khác gì con chó, khi nào bảo sủa thì sủa, bảo im thì im. Thì người làm báo phải lựa chọn. Hoặc là im lặng để cố gắng đưa được thông tin tới bạn đọc chừng nào tốt chừng ấy. Hoặc ra đi.
Và trong cuộc chiến lặng thầm đưa thông tin tới bạn đọc, nhiều nhà báo chỉ còn biết gạt nước mắt, thở dài mỗi khi bị hiểu nhầm, bị nghe chửi (oan) là “lưỡi gỗ”, “chó lợn”, “ngu xuẩn”… Đôi khi, họ làm tôi nhớ đến một câu hát buồn:
“Many times I’ve been alone,
and many times I’ve cried.
Many ways you’ve never known,
but many ways I’ve tried…” (2)
Ngước mắt nhìn trời…
Năm 2011 khép lại bằng một vài sự kiện, trong đó có chuyến về nước của GS. Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc Việt. Một trong những nhà báo thầm lặng mà tôi cũng rất yêu mến, khi tôi hỏi “có theo sự kiện này không”, đã trả lời: “Khi thất vọng với mặt đất thì là lúc nên nhìn lên trời”.
Dẫu là một câu nói đùa, nhưng nó đúng. Nhìn lên trời cũng là một cách để bớt ức chế với mặt đất. Nếu không ngước mắt nhìn trời, họ – những nhà báo vẫn cố gắng bám trụ với nghề, chấp nhận cay đắng, chấp nhận sự định hướng của một lực lượng mà năng lực truyền thông hẳn nhiên là thua xa họ – sẽ không chịu nổi bao nhiêu bụi bặm, rác rưởi.
Thôi thì chúng ta có thể hy vọng rằng, mọi việc được làm trên thế giới này đã được tiến hành bằng hy vọng.
Đoan Trang 15-12-2011
Ghi chú:
1. Tiểu thuyết “Suối nguồn” (The Fountainhead, 1943) của Ayn Rand.
2. Ca khúc “Con đường dài và khúc khuỷu” (The Long and Winding Road, 1970) của “The Beatles”.
3. “Everything that is done in the world is done by hope” (Martin Luther).

Bận rộn vào những chuyện không đâu. Đến lúc vào nhà bác Basam thấy bài này, đọc rồi thấy thích và phục tác giả trẻ tuổi này quá.

Tuesday 13 December 2011

Hoan hô Bão đã về


Mình rất thích giọng văn của cả hai anh em bác Nguyễn Quang Lập và Nguyễn Quang Vinh. Mạn phép lấy về từ blog của bác Nguyễn Quang Lập
 
Cuộc họp của lãnh đạo huyện Con Cò chìm xuống trong một không khí quá thê thảm.
Chủ tịch huyện Con Cò nhướn mắt nhìn khắp hội nghị, mặt ông đỏ lừ.
Một cánh tay đưa lên.
-Mời.
-Dạ báo cáo. Gần hết năm rồi, mà tình hình kinh tế huyện nhà rõ ràng là đang gặp muôn vàn khó khăn.
-Biết rõ rồi. Nói cái khác.
-Dạ. Thu ngân sách không đạt.
-Thôi đi. Nói cái khác.
-Nợ nần của văn phòng ở nhiều nhà hàng không thanh toán được.
-Thôi đi.
-Dạ.
-Tết nhất đến, vấn dề thăm hỏi, đối ngoại sẽ vô cùng khó khăn…
Im lặng.
Tiếng đập bàn của ông chủ tịch huyện:
-Nhưng vấn đề là nguyên nhân? Nguyên nhân? Cuộc họp này là để tìm ra nguyên nhân vì sao huyện ta năm nay lại khó khăn thê thảm như vậy. Trong khi thằng Con Vạc bên cạnh ta, nó giỏi hơn gì ta, thế mà năm nay nó lên ti vi nó gào lên: huyện Con Vạc bội thu, vượt thu, tiền vào như nước. Nguyên nhân???
Mọi người nhìn nhau.
Bất chợt, ông chánh văn phòng huyện xô cửa lao vào, suýt bổ sấp ở bàn chủ tịch huyện.
-Bá,…cáo các đồng chí…
-Sao? Tai nạn à?
-Dạ không.
Rồi tay chánh văn phòng cười he he. Hội nghị ngơ ngác.
Ông chủ tịch huyện túm cổ áo tay chánh văn phòng:
-Đéo mẹ…Thằng này điên…
-Dạ không…He he…Bá cáo hội nghị…Em vừa nhận điện khẩn, khờ ân khân là khân hỏi khẩn…Bão số 5 đang vào huyện ta.
Ồ lên một tiếng. Rồi ồn ào náo động. Chủ tịch huyện gào lên:
-Đó là nguyên nhân.
Tất cả:
-Vâng. Đó là nguyên nhân
-Đó là lý do.
-Vâng.
-Đó là lý do.
-Bão không vào thì làm sao nhận được tiền hỗ trợ, giúp đỡ của cấp trên, làm sao tăng ngân sách địa phương, lấy cái quái gì thanh toán nợ nần, quà cáp lễ tết. Tóm lại, từ đầu năm đến nay, huỵện Con Vạc bão vào 3 cơn, thắng lớn. Huyện ta chưa hề…Nhục thế. Mà chúng ta có thua gì huyện Con Vạc. Chúng ta cũng đối nhân xử thế đàng hoàng. Cư xử đàng hoàng. Thậm chí còn hơn huyện Con Vạc. Nhưng tại sao bão vẫn không vào?
Cháng văn phòng giật tay áo ông chủ tịch huyện:
-Nhưng thưa anh. Bão đang vào.
Ông chủ tịch hả hê, vung tay:
-Đúng. Bây giờ thì bão đang vào. ( Quay lại  chánh văn phòng ) Chắc không? Lúc nào?
-Dạ. Chính xác. Một ngày nữa. Bão vô cùng lớn.
-Viết báo cáo thiệt hại ngay, lên đường ngay.
Mọi người ngơ ngác:
-Sao các đồng chí kém năng động thế nhỉ? Bão lớn vào thì chắc chắn thiệt hại. Viết báo cáo trước. Thằng huyện Con Vạc nó nhanh hơn ta cái khoản này, nên ta phải học nó. Bão chưa vào, nó đã viết báo cáo thiệt hại xong, Bão vào, báo cáo của nó đã được cấp trên duyệt chi tiền hỗ trợ. Bão chưa tan, tiền đã về. Hiểu cả chưa?
Máy chữ ở văn phòng vang lên rào rào. Bên ngoài nắng như đổ lửa. Xa xa, phía chân trời, vẫn vụ những đám mây đen. Xe ô tô chờ đưa chánh văn phòng lên cấp trên để nộp báo cáo thiệt hại bão lụt đã nổ máy. Chánh văn phòng đọc, cô nhân viên chân dài đánh máy rào rào:
-Huyện Con cò chúng tôi mặc dù đã vô cùng cố gắng phẩy gồng mình chống bão số 5 phẩy một tấc không đi một ly không rời phẩy nhưng trước sức công phá của cơn bão quá lớn nên toàn huyện đã thiệt hại vô cùng đau xót hai chấm. 6000 ngôi nhà bị sập hoàn toàn chấm phẩy 50 000 ngàn ngôi nhà tốc mái chấm phẩy hàng ngàn trâu bò chết chấm phẩy đường sá bị sạt lở gần 1,2 triệu mét khối đất đá chấm phẩy 500 hécta lúa bị ngập chìm trong nước chấm phẩy 80% người dân trong huyện bị thiếu đói nghiêm trọng ba chấm. Ước tính thiệt hại lên tới 100 tỷ đồng chấm. Huyện chúng tôi tha thiết đề nghị cấp trên hỗ trợ 50 tỷ đồng chấm. Số còn lại chúng tôi sẽ động viên nhân dân đùm bọc nhau vượt qua khó khăn. Chấm.
Ký. Đóng dấu. Lên đường.
Từ xa, chánh văn phòng điện về cho ông chủ tịch:
-Báo cáo anh! Em đã sẵn sàng mang tài liệu báo cáo thiệt hại vào báo cáo cấp trên. Em đang đứng ở cửa phòng của Sếp.  Anh cho phép.
-Khoan.
-Sao ạ.
-Bão chưa vào.
-Sao ạ.
-Nó không vào huyện ta nữa.
-Sao ạ?
-Nó… đã vào huyện Con Vạc…
Ông chủ tịch nói xong, ngồi rũ xuống. Tiếng chuông điện thoại.
-A ha…Chủ tịch huyện Con Cò đấy à. Chào thân ái. Tôi, chủ tịch huyện Con Vạc đây. Bão đã vào huyện chúng tôi. Anh biết chưa. Bão đã vào chúng tôi rồi…Hoan hô lần  thứ 4 trong năm bão đã vào huyện chúng tôi. Anh nghe rõ không?
Chủ tịch huyện Con Cò cố gắng nói từng lời nhưng cổ họng nghẹn đắng:
-Vâng. Chúng tôi biết rồi. Bão đã vào huyện Con Vạc của các ông. Chúc…chúc…mừng nhé…Vâng…Xin cám ơn…
Chủ tịch huyện Con Cò đặt máy, thở dài:
- Huyện Con Vạc sao mà may thế, tiên sư đời!
He he.

Monday 12 December 2011

Gió rét về

Gió rét về. Buổi sáng ngó qua cửa sổ, thấy bầu trời xám xịt, gió ù ù thổi. Ngồi trong buồng cũng vẫn thấy lạnh, tôi phải lấy thêm cái áo len khoác vào người. Thấy nhói lòng khi nghĩ về một vùng khuất nẻo xa xôi, có một người đang bị giam giữ ở đó mà tất cả bạn bè, người thân đều không biết lý do tại sao.
Chuyện tưởng chừng như vô cùng đơn giản. Thấy người thân quen bị công an bắt giữ, thì vào đồn hỏi tin tức, thế là bị giữ lại luôn không cho ra nữa. Sau hơn chục ngày biệt tăm, mới biết người đã bị đưa đi cải tạo 2 năm. Bạn bè, người thân ngã ngửa ra. “Không tin được, dù đó là sự thật”.
Tôi nhớ lại buổi đầu tiên gặp cô ấy, ở trước quán cà phê Cột cờ vào ngày 12 tháng 6. Một phụ nữ khá đẹp, cao lớn, đang đi ngang qua thì dừng lại trước mặt tôi. Cô ấy nhìn thẳng vào mắt tôi, hỏi nghe nói ở đây có biểu tình chống Trung Quốc phải không. Tôi ngạc nhiên khi thấy một người đàn bà son phấn, đeo kính mát, trông khá tay chơi lại quan tâm đến chuyện này. Sau khi tôi trả lời, cô ấy à há, ra vẻ thủng chuyện rồi bỏ đi. Hôm đó cũng là ngày đầu tiên tôi tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội. Nói thực khi ấy tôi hồi hộp lắm. Không hẳn vì sợ, mà vì chưa bao giờ tôi tham gia bất cứ một hoạt động xã hội nào, nên cứ thấy ngượng ngùng sao đó. Không khí ban đầu của cuộc biểu tình khiến tôi xúc động đến mức, đứng khóc ngon lành trên sân vườn hoa Lê Nin. Những tiếng hô hừng hực khí thế của những người xung quanh làm tôi trấn tĩnh lại. Và vượt qua sự e ngại, tôi bắt đầu giơ nắm đấm lên trời hô theo đám đông. Thực sự khi đã bước qua cái rào cản ban đầu rồi, sự ngại ngùng sẽ không còn nữa. Đi trong đoàn biểu tình, tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy người đàn bà đẹp ban nãy. Cái áo thụng màu đỏ tía ướt đẫm mồ hôi, và cô ta cũng đang hô thật là nhiệt tình. Khi nhận ra nhau, cả hai chúng tôi đều mỉm cười thay câu chào hỏi.
Cho đến chủ nhật lần thứ ba gặp nhau trong đoàn biểu tình, tôi với cô ấy mới thực sự bắt chuyện với nhau. Rồi sau lần cùng bị bắt ngày 17/7, cùng bị tống vào Hỏa Lò đợt bị bắt ngày 21/8, cô ấy và tôi có vẻ gắn bó với nhau hơn.
Người phụ nữ đẹp ấy là Bùi Thị Minh Hằng, một biểu tình viên nhiệt tình nhất trong những người tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc thời gian qua ở Hà Nội, người phụ nữ có nụ cười rạng rỡ như khuôn trăng trong câu thơ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo.
Thường thì thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng. Trong thời buổi bây giờ, những người dám nói thẳng đều chẳng được mấy người ưa. Tôi cũng chẳng được mấy người ưa vì cái tính thẳng thừng của mình. Nhưng tôi không có được cái dũng mãnh, cái gang thép như của Bùi Hằng. Trong khi tôi là một kẻ thụ động, chỉ sống bằng đồng lương còm trong cơ quan nhà nước thì Bùi Hằng lại vật lộn với cuộc sống bên ngoài từ rất sớm. Mọi đau khổ và hạnh phúc, thất bại và thành đạt trong kinh doanh, dường như cô ấy đều kinh qua cả. Mặc dù biết Bùi Hằng mới vài tháng gần đây, một thời gian quá ngắn ngủi để có thể hiểu hết một con người, nhưng tôi nghĩ  những kẻ tính khí bộc trực có lẽ dễ nhận biết và dễ gần nhau hơn
Theo như cái thông báo đăng trên mạng về việc giam giữ Bùi Hằng, mọi người đều thấy rất khó hiểu. Cô ấy sống ở Vũng Tàu, bị bắt giữ ở Sài Gòn, UBND TP Hà Nội ra quyết định bắt giữ, nơi giam giữ lại ở Vĩnh Phúc. Thông tin chỉ vẻn vẹn có cái thông báo rất mù mờ. Không ai nhìn thấy mặt mũi cái quyết định của UBND TP Hà Nội ấy nó ra sao, để còn biết lý do bắt giữ Bùi Hằng. Cái thông báo ấy không nói là bắt giam mà là cải tạo giáo dục. Chưa cần biết tính pháp lý của việc cải tạo giáo dục ấy như thế nào, nhưng cái cách người ta áp dụng biện pháp cải tạo, giáo dục đối với Bùi Hằng khiến cho nhiều người cảm thấy bị xúc phạm. Bởi vì nếu cái lý do bắt Bùi Hằng như tôi thử lý giải dưới đây, thì họ không chỉ phải giáo dục cải tạo riêng Bùi Hằng, mà cả những người đã từng tham gia biểu tình ở Hà Nội thời gian qua, trong đó có không ít các nhân sĩ trí thức.
Mọi người phỏng đoán tại sao UBND TP Hà Nội lại là cơ quan ra quyết định bắt giữ Bùi Hằng, trong khi cô ấy không hề sinh sống ở đây. Có lẽ thời gian qua, khi cô ấy ngừng tất cả công việc kinh doanh của mình ở Vũng Tàu, để về Hà Nội thuê luật sư trong vụ khiếu kiện đất đai ở Sơn Tây, cô ấy đã tham gia gần như tất cả các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội. Rồi trớ trêu nữa là văn phòng luật sư mà cô ấy thuê lại chính là văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ, ngay trước khi tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ bị bắt. Ngày xử phúc thẩm tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, trong số  những người đang đứng hô “Cù Huy Hà Vũ vô tội” trên vỉa hè thì chỉ có mỗi Bùi Hằng bị công an quận Hoàn Kiếm xông vào lôi lên xe, giữ tại trụ sở công an quận đến cuối ngày rồi thả. Rồi những vụ bắt giữ sau đó trong thời gian biểu tình, trong thời gian hết biểu tình rồi thì cô ấy đi dạo trên Hồ Gươm, với cái nón lá ghi những tên Hoàng Sa –Trường Sa – Việt Nam trên nón. Có lẽ tất cả chỉ có thế, và cái tội danh quen thuộc duy nhất mà chỉ có họ mới có quyền kết tội Bùi Hằng là gây rối trật tự công cộng. Để rồi từ đó UBND TP Hà Nội ra quyết định bắt Bùi Hằng, với ý định giáo dục và cải tạo lại con người cô ấy.
Tôi không rõ chính quyền muốn giáo dục cô ấy những gì, cải tạo cô ấy thành con người như thế nào?
Khi những người biểu tình và ủng hộ biểu tình cả trong và ngoài nước bình chọn cô ấy là hoa hậu và là người phụ nữ của năm, một số người lên tiếng chỉ trích cô ấy là một kẻ tục tĩu thô thiển. Nhưng những giải thích trên mạng về việc bình chọn này tôi cho là thuyết phục. Bởi lẽ cái sự tục tĩu mà người ta nói đến ấy, chỉ căn cứ vào những lời chửi rủa trong lúc giận dữ, mà Bùi Hằng chỉ nhằm vào những gã đàn ông chẳng rõ xuất xứ, chỉ cần đeo cái băng đỏ vào tay là có thể xông vào trấn áp thô bạo, thậm chí đánh đập người biểu tình, nhồi nhét họ lên xe buýt bất kể người già hay trẻ nhỏ. Ngay những cảnh sát cơ động trang bị đầy đủ, chỉ đứng nhìn cũng có người đã rưng rưng nước mắt trước cảnh nồi da xáo thịt đó.
Tuy nhiên ngay sau khi cơn giận dữ đã lắng xuống, sau khi có những bài báo chỉ trích cô ấy, Bùi Hằng không nói tục một lần nào, kể cả những khi bị công an mặc thường phục chửi bới cô ấy thô tục không kém ngay trong đồn. Có chăng cô ấy dám nói thẳng những gì mà chính quyền không ưa thôi. Nếu nói về chửi tục, ai dám nói trong đời mình chưa một lần chửi tục? Thậm chí công an khi còn đang mặc quân phục trên người, còn công khai chửi tục nữa là. Như vậy chính quyền cho rằng nếu được giáo dục, cải tạo, Bùi Hằng sẽ trở thành một công dân ngoan ngoãn, chỉ biết ngợi ca cuộc sống, hoặc không thì cũng phải hiền lành, nhẫn nại như một chú cừu chăng?
Sau khi phỏng đoán thế, rồi tìm hiểu cái hình thức cải tạo, giáo dục ấy, mặc dù chưa đầy đủ, nhưng cũng khiến cho mọi người ai nấy đều giật mình. Tức là chính quyền cho ai là kẻ gây rối trật tự công cộng, sẽ có quyền lôi kẻ đó vào trại cải tạo để giáo dục họ? Sẽ không có một phiên tòa nào hết, và kẻ bị cho là gây rối sẽ không có cơ hội để phản đối, chứng minh là mình vô tội. Vừa rồi tìm thấy trên mạng một bài đăng trên báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh ngày 14/12/2010  nói về vấn đề này (kèm theo link dưới đây). Đọc xong thấy hoang mang quá chừng. 
Trong khi chưa tìm kiếm được bất cứ một lời giải đáp chính xác nào về việc bắt giữ Bùi Hằng. Tôi và bạn bè  rất lo lắng về chuyện gia đình và về bản thân cô ấy. Tôi hiểu con đường đi tìm ra sự thật còn rất chông gai. Có người nghi ngờ cô ấy nhận tiền của nước ngoài để phục vụ việc chống đối chính quyền. Việc nào ra việc ấy, nếu có bằng chứng thì người ta đã chả bỏ tù cô ấy ngay tắp lự, đâu cần phải giáo dục cải tạo gì.
Khi chính quyền không công bố rõ ràng những tội danh của những người như Bùi Hằng, hay Người Buôn Gió với những chứng cớ thuyết phục, thì đối với một người trần mắt thịt như tôi, họ vẫn là những người bạn tốt, có nghĩa khí và hơn hết, họ là những con người có tấm lòng nhân hậu, luôn đồng cảm với những kẻ khốn khó, bất hạnh. Trên đời thực tế vẫn có hai loại tòa án. Ngoài tòa án theo pháp luật thì còn có một loại tòa án khác nữa: đó là tòa án lương tâm!
Lạnh quá! Ngồi trong căn hộ kín bưng mà vẫn phải bật thêm cái lò sưởi mini, tôi lại nghĩ về một nơi xa tít đâu đó. Với một người chẳng mấy khi đi đâu xa như tôi thì nó xa xôi lắm, và hẳn là nơi ấy cũng lạnh hơn nhiều lắm. Thương bà bạn tôi biết chừng nào.

Hà Nội đêm 10/12/2011

Xin tham khảo về hình thức giáo dục cải tạo ở đây: 
www.baomoi.com/Home/PhapLuat/www.phapluattp.vn/Giao-duc-giao-duong-dang-bi-lam-dung/5370036.epi

Friday 9 December 2011

Con ong, thằng bé và cơn mưa

Tôi đọc bài này và nhớ đến bố con Người Buôn Gió. Không ngờ bên trong vẻ phong trần của người đàn ông này lại là một tâm hồn nhạy cảm và giàu lòng nhân ái đến thế.
 
Con ong lượn mấy hôm trong nhà. Tí Hớn dõi mắt theo con ong đang bay, mặt bợt ra vì sợ. Mỗi lần ong lượn sát xuống gần là Tí Hớn nháo nhào tìm chỗ nấp, Tí Hớn nhảy bổ vào lòng bà rồi nhào ra sau lưng bố, miệng lắp bắp:
 Ong đấy, sợ lắm, đốt đấy, sợ lắm.
 Ong lượn mấy hôm thì tìm được chỗ ưng ý làm tổ, ngay mép cửa sổ, nơi Tí Hớn hay đứng dòm xuống đường. Thì ra đó là một con ong mẹ đang làm tổ để đẻ. Ong rất chăm và nhanh. Mấy hôm đã được cái tổ xinh xinh bằng ngón tay cái người lớn. Cái tổ có 12 ngăn, trong mỗi ngăn có mẩu trắng bằng đầu que tăm, không biết có phải là trứng không. Hàng ngày buổi sớm ong bay đi, đến chiều lại bay về. Nhưng ong không bay đi cả buổi mất hút, mà nó bay đi một chốc lại tha cái gì về loay hoay bên tổ.
Tí Hớn nhìn ong có vẻ khiếp, nhưng mấy hôm không thấy ong làm gì mình. Tí Hớn mon men đến gần ngước mắt nhìn ong quát.
 - Ong, ong!
Con ong giật mình thì phải, nó rời cái tổ bay một vòng. Tí Hớn ba chân bốn cẳng bổ nhào tìm chỗ nấp, miệng la:
- Ong cắn, ong cắn rồi.
Mẹ Tí Hớn bảo bố Tí Hớn:
- Mình dứt cái tổ ong đi, có ngày nó đốt con đấy.
Bố Tí Hớn ậm ừ rồi lặng thinh. Mẹ Tí Hớn thấy mấy hôm cái tổ ong còn nguyên, gắt. Bố Tí Hớn nói:
- Ong nó đang nuôi con, dứt đi tội lắm.
- Để nó đốt con mình thì sao anh...
Bố Tí Hớn chẳng nói gì, ôm Tí Hớn vào lòng nói với con:
- Ong đấy, ong mẹ đang nuôi ong bé đấy Tí Hớn ạ.
Trời mưa, sấm sét ầm ĩ, bố Tí Hớn không thấy ong mẹ về. Bố mở toang cửa sổ nói để cho mát, bố nói thích hơi nước mưa phả vào nhà. Mọi người nghĩ bố lẩn thẩn. Bố ôm Tí Hớn ngồi trông mép cửa sổ. Mưa càng ngày càng ào ạt như thác đổ, sấm nổ rền khiến Tí Hớn rúc đầu vào ngực bố khép nép. Lát sau Tí Hớn ngủ ngon lành trong lòng bố.
 Bố Tí Hớn ngồi ôm con trong lòng, ngóng cửa sổ đợi ong mẹ về. Cơn mưa đã tạnh từ lâu. Bố gượng nhẹ tìm thế đứng dậy tay vẫn ôm con. Bố bế Tí Hớn sang phòng ngủ rồi quay lại, pha chè, châm thuốc hút. Ánh lửa lập loè soi thấp thoáng khuôn mặt đầy lo âu, trắc ẩn. Bố nhìn đăm đăm về mép cửa sổ, nhìn vào cái tổ ong có những con ong non như con sâu đang nằm thiêm thiếp ngủ. Nếu ong mẹ không về thì chúng ra sao, nghĩ đến đó bố Tí Hớn rùng mình.
 Bố Tí Hớn không phải là người lẩn thẩn mà tại vì bố đang nghĩ đến những cuộc đi, những con người đi mãi không về. Những con người có con nhỏ, có mẹ già, có vợ dại hay cả những con người chưa có gia đình, chưa một lần yêu. Bố thấy trong đêm mưa này, ngoài cửa sổ đằng kia là những ngọn đồi đất, trên ngọn đồi đó có những nấm mộ của những người sinh ra lớn lên dưới xuôi, họ lớn lên vào đời. Và giông tố cuộc đời đưa họ rời quê hương. Họ sống một cuộc đời cực khổ, tranh giành, đâm chém nhau vì một miếng thịt bằng hai ngón tay, một chỗ nằm gần cửa sổ, ốm đau, bệnh tật. Đủ thứ có ở đây đang dồn lại đưa con người ấy ra đi vĩnh viễn khỏi thế gian. Xác họ vùi trên đồi cằn trong chiếc quan tài bằng thứ gỗ tồi tệ, chẳng được bào cho nhẵn nhụi, cong vênh. Những ngọn đồi mãi nhấp nhô như nước mắt bà mẹ khóc con chảy trên đôi gò má nhăn nheo.
Sáng sau ong vẫn chưa về, bố tần ngần đứng nhìn tổ ong, Tí Hớn đã dậy đến bên bố. Nhìn theo bố một lúc, Tí Hớn hỏi bố:
 - Bố! Bố, ong đâu?
 Bố Tí Hớn đặt tay lên đầu con xoa nhẹ, bố nói với Tí Hớn mà như nói với mình:
 - Ong chưa về con ạ, ong mẹ không về thì ong con sẽ bị đói đấy, không được ti mẹ, ong con đói.
 Tí Hớn làm bộ khóc nhè, trễ miệng kêu:
- Ong con đói, ong con khóc è è!
 Đến chiều tối ong mẹ không về, bố Tí Hớn đã biết điều gì xảy ra. Cơn bão hôm qua đã giết chết ong mẹ. Chỉ có cái chết mới khiến ong mẹ không về được tổ với ong con. Bố Tí Hớn thôi không nhìn tổ ong nữa, bố ôm Tí Hớn vào lòng ru, tiếng ru của bố nghèn nghẹn như người đang ốm:
 - À ơi, con cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao
Ông ơi! ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con...
Tí Hớn ngái ngủ, khi cơn ngủ sắp tới, Tí Hớn còn lải nhải theo bố câu cuối
- Au òng ò on, au òng ò on.
 Ngày 06.12.2007, 10:09 (GMT+7)
 Bùi Minh Huấn
 ------------------------------
 Bùi Minh Huấn là tên thật của Tí Hớn, bài viết này viết lúc Tí Hớn 3 tuổi đăng trên báo SGTT. Giờ Tí Hớn đã biết mở máy tính đánh tìm kiếm Nguoibuongio để đọc những bài bố viết.
 Hôm qua gọi điện cho Tí Hớn nói.
 - bác Hằng bị bắt đi tù rồi con ạ.
 Tí Hớn.
 - Sao lại bắt bác ý, bác ý có làm gì đâu, bác ý chỉ biểu tình nói Hoàng Sa- Trường Sa của Việt Nam thôi mà lại bắt bác ý.
 Trả lời con.
 - Bố cũng không biết nữa con à, con học ngoan, nhiều điểm 10 nhé, bố yêu con lắm.
 Tí Hớn.
 - Con được nhiều điểm 10 lắm, bố đừng đi biểu tình nhé, lại bị bắt như bác Hằng đấy. Con yêu bố.
 - Bố yêu con, con ở nhà ngoan, nghe lời mẹ nhé, rồi bố về mua xe đạp cho con.
 - Sang năm con tự đạp xe đến trường,không cần mẹ đưa nữa, các anh chị lớp 3 đến trường đi xe đạp đấy
 - Ừ thôi con ngủ đi, bố chào con nhé.

Nguồn: http://sgtt.vn/Nguyet-san/Chi-tiet/86202/Con-ong-thang-be-va-con-mua.html

Võ dọa bố

Đang ngồi trong buồng, tôi nghe thấy có tiếng rì rầm ngoài phòng khách. Lạ thật, giờ này làm gì có khách nào đến chơi nhỉ? Tôi ngó ra phòng khách, chả thấy ai ngoài bố đang nằm ngủ trưa trên võng, vừa ngủ vừa làu bàu nói gì đó. Đã định quay trở vào, nhưng đúng lúc ấy tôi bỗng nghe thấy bố nói rất rõ: giả rồi.
Chẳng hiểu sao tôi nghĩ ngay cái câu ấy nó liên quan đến tôi. Tôi bèn đứng lại, nhìn vào khuôn mặt bố. Bố đang nói chuyện thật, những tiếng nói trong cơn mơ ngủ không rõ ràng, hệt như người nói ngọng. Nét mặt bố thay đổi liên tục, lông mày nhướng lên, mi mắt hấp háy như cố mở ra. Trong những tiếng nói ú ớ không rõ ràng ấy, tôi lại nghe được câu: đời tôi với bà…
Hóa ra bố đang nói chuyện với mẹ! Bỗng mặt bố nhăn nhúm lại, miệng mếu xệch, rồi từ khóe mắt bố nước mắt ứa ra. Bố đang khóc!
Tôi quay vào buồng, ngồi nhìn trân trân vào màn hình máy tính. Tôi đoán bố nói với mẹ, rằng công an họ đã trả máy tính cho tôi rồi. Tôi đoán bố nghĩ đến chuyện tôi bị bắt, bị đi tù …
Hồi tôi còn bé, bố thường đi công tác biền biệt. Mỗi khi bố về là nhà như có hội. Buổi tối, năm chị em tôi quây quần bên bố, nghe bố kể chuyện gián điệp. Tôi là út ít, thường được ngồi trong lòng bố. Bố nghiêm lắm, cũng đánh con cái khi dạy dỗ. Nhưng bố là người rất chu đáo. Khi tôi đi học về, chỉ cần nhìn mâm cơm là tôi biết ai để phần, chỉ có bố mới để phần tươm tất như thế. Lúc lớn, đi chơi về muộn, bố đã mắc màn sẵn, dắt màn rất cẩn thận, tôi chỉ có việc chui vào ngủ thôi.
Ngày trước, bố được cấp một khẩu súng lục K54. Thỉnh thoảng tôi lại lấy trộm súng ra, thử đóng vai cảnh sát. Cũng nai nịt thắt lưng, lên đạn, chĩa súng vào gương, bóp cò tanh tách, ngắm mình oai thế nào. Một lần sơ sểnh, tôi quên không rút băng đạn ra, thế là xoạch một cái, viên đạn vàng chóe đã nằm trong ổ đạn. Tôi sợ điếng người, không dám nói với bất cứ ai, cứ canh chừng cái khẩu súng để trong tủ, chỉ sợ bố đi công tác lại lôi súng ra lau chùi…Hồi ấy tôi đã học lớp 10 rồi mà còn nghịch thế.
Đến giờ học quân sự, thấy thầy giáo dạy cách tháo đạn, tôi hỏi thầy tháo đạn súng lục có giống súng trường không. Thầy bảo giống, nhưng tôi không yên tâm. Tiết quân sự sau, tôi lén lấy khẩu súng của bố ra, cho vào cặp rồi đem đến lớp thầy nhờ tháo hộ. Thầy hốt hoảng khi nhìn thấy khẩu súng, bảo chưa bao giờ tháo loại súng này. Bọn con trai bu đến xem làm tôi ân hận là mình đã nhờ thầy. Thầy bảo để thầy đem xuống phòng giáo viên thử tháo xem. Lúc thầy đang loay hoay với khẩu súng thì cô hiệu phó đi qua trông thấy, thế là cô hiệu phó tịch thu luôn khẩu súng và báo công an. Sau đó tôi bị gọi lên phòng hiệu phó. Một chú công an trẻ, rất đẹp trai hỏi cung tôi, bắt tôi kê khai tên bạn bè, không tin là tôi không hề chơi với bọn con trai. Trong khi tôi ngồi viết, tôi liếc nhìn chú công an đang tháo đạn ra. Trời đất ơi, nó đơn giản thế mà sao tôi không biết chứ.
Thấy tôi nhìn trộm, chú công an tủm tỉm cười bảo: trước khi học bắn thì phải học cách tháo đạn đã, nữ xạ thủ nhé. Mặc dù đang sợ, tôi vẫn đứng tim trước nụ cười của chú ấy. Sao hồi ấy, tôi yêu các chú công an, các chú bộ đội đến thế.
Rốt cục họ không trả súng cho tôi, bảo về nói bố ra đồn công an nhận lại súng. Tôi đến cơ quan bố, kể lại sự việc với chú trưởng phòng hành chính xong rồi trốn luôn, không dám về nhà nữa.
Tôi đến nhà đứa bạn ngủ. Hôm sau tan học, tôi thấy bố đứng chờ ở cổng trường. Bố không mắng gì, chỉ bảo bố phần cơm rồi, về ăn đi. Thấy tôi đứng im, cúi gầm mặt xuống, bố nhẹ nhàng bảo: Cả đời bố đi làm cách mạng, cũng có khi phạm lỗi nhưng cách mạng cũng không xử bắn bố. Huống hồ là con, con có lỗi thì bố có thể bắn con hay sao mà phải trốn. Thôi về nhà đi, cơm nóng bố ủ trong chăn ấy.
Sau này bố không lần nào nhắc lại chuyện cũ. Tôi lân la hỏi chuyện về khẩu súng thì bố bảo bố đem trả rồi. Thời bình, không cần dùng súng nữa.
Bây giờ tôi không còn là cô gái mười bảy tuổi. Bố cũng đã 89 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời rồi, thế mà tôi đã làm bố khóc trong mơ. Có cái gì đó đau lắm trong tim tôi. Khi gõ những dòng chữ này, nước mắt tôi vẫn nhòe nhoẹt.
Lúc bố thức giấc, tôi thử thăm dò bằng cách bảo bố nói mê loạn xạ. Bố cười buồn, nói bố mơ một giấc mơ đau khổ quá, không muốn kể lại nữa. Sau đó bố bỏ đọc báo, cứ chắp tay trước bụng, ngồi trầm ngâm. Đến bữa bố ăn có lưng bát cơm. Buổi tối bố cũng không xem ti vi, cứ ngồi im lặng trên ghế. Tôi đến bên bố hỏi:
-     Bố sợ con bị bắt à? Thế bố có nghĩ con làm sai điều gì không?
-     Bố không nói con sai, nhưng đối đầu với chính quyền khó lắm con ơi. Họ không bắt con, nhưng họ thiếu gì cách…bố chỉ muốn những năm cuối đời được sống thanh thản, cho đến lúc đi gặp ông bà tổ tiên thôi.
Trái với ý muốn, tôi bắt đầu gắt um lên:
-     Thế ngày xưa, khi bố và bác Tính (*) đi hoạt động cách mạng, nó biết thì nó giết cả nhà. Thế ngày ấy bố và bác Tính có nghĩ đến gia đình không? Bà có ngăn cản bố và bác Tính không? Bây giờ thời bình rồi, có phải kẻ thù đâu mà bố sợ thế. Bố biết con không làm gì sai, thấy họ bắt con trái phép, sao bố không chống gậy đến tận nơi mà hỏi tại sao họ bắt con. Bao nhiêu ý chí ngày xưa của bố đâu hết rồi. Bố bất bình về những gì bố nghe thấy, nhìn thấy ở ngoài xã hội nhưng bố cứ im lặng thì ai biết đấy là đâu, rồi người ta lại nói xã hội luôn có được sự đồng thuận cao. Ít ra yêu cái gì, ghét cái gì thì cũng phải nói chứ. Nếu bố sợ con làm ảnh hưởng đến bố thì để các chị về chăm bố. Bố cứ từ con đi, để con ra ngoài xã hội con tự kiếm sống.
-     Thôi, con nói thế thì bố chịu thua rồi, bố đầu hàng rồi.
Tôi bỏ vào buồng, muốn khóc mà không khóc được. Tôi sẽ phải ân hận suốt đời vì đã dọa bố thế. Làm sao tôi có thể đòi hỏi dũng khí ở một ông già gần 90 tuổi như bố chứ. Không có bố, liệu đời tôi có được như ngày hôm nay không? Cả cuộc đời bố đã lo cho vợ cho con. Bây giờ bố già rồi, không tự lực được nữa thì tôi lại dọa bỏ bố mà đi.
Mặc dù cái cách tôi làm là tàn nhẫn, nhưng nó cũng giống như  một liều thuốc, khiến bố vượt qua được phút yếu đuối của tuổi già. Ngày hôm sau bố còn dậy sớm hơn thường lệ, quét nhà, tưới cây rồi tập thể dục. Bố bảo tôi về Thành Công thay pin đồng hồ cho bố, thái độ vui vẻ như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Nhân tiện đi làm thủ tục về hưu, tôi mua một con vịt luộc về, hái lá húng tự trồng trong chậu, pha nước chấm bố ưa thích rồi đứng gỡ thịt cho bố ăn. Hai bố con vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả về đủ thứ chuyện trên đời. Thấy bố khen thịt mềm và ngọt, tôi vui lắm. Hai bố con còn tự thưởng một chai bia về sự “can đảm” của mình.
Cuộc sống trở lại bình thường. Tôi vừa in bài của giáo sư Nguyễn Minh Thuyết phát biểu trước quốc hội, truy trách nhiệm của chính phủ về vụ Vinashin cho bố đọc, bố khoái ghê lắm. Nhưng tôi cũng thầm hứa, sẽ cố gắng không tận dụng cái món võ dọa ấy nữa. Thực ra bố luôn ủng hộ tôi đấy chứ, chỉ tại nhè lúc tôi đi vắng, mấy ông công an cứ dùng cái võ to nhỏ tỉ tê thế này thế nọ khiến bố nao núng tý chút thôi. Nhưng cái võ của họ đã không thắng được cái võ của tôi. Đời nào bố nghe họ mà bỏ con gái út ít chấy rận của bố chứ. (Hic! Chấy rận U60 đấy).
(*) Tên anh ruột bố, năm 1946 là bí thư tỉnh ủy tỉnh Hải Dương …