Translate

Friday 31 August 2012

Chút tản mạn cuối tuần - Buồn!

Một ngày người ta có thể nạp vào đầu bao nhiêu thông tin? Và trong ngần ấy thông tin, có điều gì có thể khiến người ta vui, hạnh phúc vào thời buổi này?

Đi dạo trên mạng gần giống như đi vào siêu thị. Để thích ứng với quỹ thời gian eo hẹp của mình, người ta phải chọn cho mình một số trang tin tức phong phú, có độ tin cậy cao. Lướt qua mục điểm tin, thấy tin nào cũng muốn đọc. Đọc xong rồi lại bần thần cả người. Cuộc đời này dường như có quá ít niềm vui.

Sunday 26 August 2012

Thời nay làm sếp là phải biết nói không thấy ngượng mồm.?

Một lần nghe sếp cũ dạy dỗ trong cuộc họp, ở nhà có cha có mẹ, đến cơ quan thì có thủ trưởng....Mặc dù sếp bỏ lửng câu nói, nhưng ai cũng hiểu ý sếp là khi đến cơ quan, thủ trưởng bảo thì phải nghe như kiểu quan phụ mẫu bảo ban con dân ấy. Có lần tôi bảo, thời nay làm sếp là phải biết nói không thấy ngượng mồm.
Tôi cứ nghĩ không biết sếp có đoán biết được phần nào, rằng trong đầu cái đám nhân viên ấy nó nghĩ gì khi sếp nói vậy? Mấy sếp trước khi bị bắt thì sếp nào chả quyền hành nhất cơ quan, nói gì mà đám nhân viên không phải cung cúc tuân thủ? Có sai lè lè ra đó cũng chẳng đứa nào to gan lớn mật dám cãi lại sếp, nhưng đằng sau chắc chắn bọn họ cũng chửi rủa khinh bỉ sếp ra trò, nhất là loại sếp mua bằng tiền. Một lần tôi hỏi một tay đệ tử của sếp khi hắn đã cầm chắc trong tay thủ tục thuyên chuyển cơ quan
-     Tôi hỏi thật lòng, cậu thấy thế nào về “sếp”?
-     Em công nhận là ông ấy có tài, nhưng không có đức.
-     Không có đức thì đồng ý rồi, nhưng tài ở chỗ nào cậu nói tôi nghe, xem tôi có tâm phục khẩu phục không?

Saturday 25 August 2012

Bài học nghìn năm bắc thuộc còn đó - ơn nghĩa gì đâu?

Dạo này lại nghe một số người có vẻ hay nhắc đến chuyện ơn nghĩa với người anh em Trung Quốc, đã giúp đỡ Việt Nam mình trong thời kỳ chiến tranh như thế nào. Nói đến chuyện đó lại nhớ ngày xưa, có giai thoại thế này hẳn nhiều người từng nghe.
Sau khi chiến tranh ở Việt Nam kết thúc, hai ông anh Xô - Trung có vẻ muốn tính nợ với ông em. Ông em bí nhưng cũng không vừa, bèn cãi, rằng mình thay mặt cả phe xã hội chủ nghĩa, đóng vai trò tiền đồn ở  Đông Nam Á để chống lại phe tư bản chủ nghĩa. Các anh chỉ mất tiền của vũ khí, chứ chúng tôi còn mất cả sinh mạng cơ, cái đó tính thế nào được? Nói chung là cù nhầy rồi cũng hòa cả làng.
Nhưng cái chính là hai ông anh lại có vẻ chẳng muốn ông em “độc lập”, mà cứ mãi lệ thuộc vào sự viện trợ của họ để còn dễ bề thao túng. Vì ông em biết thế nên lẳng lặng làm một lèo “thống nhất hai miền” làm anh hai Trung nổi cáu, lấy cớ chuyện Campuchia để đánh ông em năm 79 cho hả giận. Là tôi hóng hớt nghe người lớn nói vậy.

Friday 24 August 2012

Tôi chỉ muốn đi tìm một lời giải đáp, cho cái giá trị tối thiểu của công lý.

Một lần tôi bảo, dân mình ít hiểu về luật quá! Thằng cháu tôi cười khùng khục: ai cũng biết luật thì sinh ra luật sư để làm gì ạ?
Kể cũng đúng thật. Song dù không biết luật, thì chí ít ra khi có chuyện gì cũng phải biết chạy đi tìm luật sư mà hỏi chứ. 
Ở các nước khác, khi gặp bất cứ chuyện gì lôi thôi với cảnh sát, điều đầu tiên là người ta yêu cầu ngay có luật sư. Một câu thoại mà rất nhiều người xem những serie phim điều tra, phá án Mỹ hay được nghe, là: "Từ giờ phút này, ông/bà có quyền im lặng cho tới khi luật sư tới. Mọi điều ông/bà nói ra lúc này có thể được dùng để buộc tội chính ông/bà". 

Đàn áp dân là tự làm yếu mình trước bành trướng, bá quyền Trung Quốc


Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chính phủ gồm nhiều bộ, trong đó có Bộ Công an và lực lượng công an. Nhiệm vụ chủ yếu của công an là bảo vệ chính quyền, giữ gìn trật tự xã hội, trấn áp tội phạm để bảo vệ cuộc sống yên bình của nhân dân, giúp đỡ dân khi cần thiết. Khi ấy tôi từng được thấy những hành động rất đẹp của người công an: dẫn cụ già qua đường, vào can đám đánh nhau, dỗ dành em bé lạc mẹ và giúp em tìm mẹ, bênh vực một người dân lương thiện bị côn đồ bắt nạt… Thật đúng “công an là bạn dân” như Bác Hồ dạy.
Ngày nay, nhìn đâu tôi cũng thấy nhiều điều ngược lại: công an tùy tiện bắt dân, muốn bắt ai thì bắt dù không có lệnh của Viện Kiểm sát, dù họ không phạm pháp quả tang; hàng nghìn công an viên đánh đập nông dân một cách tàn bạo, cưỡng chế lấy đất của nông dân để làm giàu cho các nhà đầu tư và người có chức quyền; đàn áp những người biểu tình yêu nước, gán ghép cho họ nào là “bị nước ngoài xúi giục”, “bị kẻ xấu kích động”, “gây rối trật trật tự cộng”, v.v.

Wednesday 22 August 2012

Chuyện hàng ngày.


Trong cơn lốc thông tin hàng ngày, chuyện cơm áo gạo tiền là quan trọng, xong rồi hóng hớt đến chuyện xã hội, chuyện chính “chị” chính em.
Nào là chuyện đường Lê Văn Lương bỗng dưng sụt xuống toang hoác như sau cơn động đất!
Chuyện một tay nào đó hô hố trên facebook – Hà Nội lại lụt r...ồiiiiii! - Nhìn ra thấy nước ngập mênh mênh mang mang. Có kẻ nói đểu, bảo biển Đông sắp mất rồi thì ta phấn đấu biến thủ đô ngàn năm văn hiến thành biển, thay cho biển Đông để dân ta đỡ nhớ. Chuyện bây giờ mới biết là người dân đem lưới ra bắt cá trên đường Phạm Hùng, đoạn trước tòa nhà Kengnam là có thật.

Tuesday 21 August 2012

TÔI ĐI BIỂU TÌNH 5-8-2012

Tường thuật và cảm nghĩ của một câu sinh viên năm thứ hai. Tôi xin nhường lại mọi lời bình cho người đọc. Cũng xin nói thêm là bố của cậu bé, anh Đào Tiến Thi, một trí thức từng xuống đường biểu tình chống Trung Quốc và từng bị bắt vào đồng công an Mỹ Đình ngày 17/7/2011 khi đi biểu tình . Cảm ơn những người cha như anh đã nuôi dạy nên những chàng trai như thế này.

Phần 1:
Vậy là tôi lại đi biểu tình. Hôm chủ nhật vừa rồi 5-8 là lần thứ ba tôi xuống đường để phản đối những hành động xâm phạm của Trung Quốc đối với chủ quyền trên biển Đông của nước ta, để đấu tranh đòi công lý và hòa bình cho dân tộc, để lên tiếng thức tỉnh triệu triệu người Việt Nam hãy quan tâm đến vận mệnh đất nước, và đơn giản là để được thể hiện lòng yêu nước. Ấy, nói thì hay thế chứ để được đi cũng chẳng dễ. Người ta (nhiều người lắm, lề phải, rồi bạn bè…) bảo mày đi thế là theo đuôi phản động, chống Nhà nước, mày chết. Ở nhà thì mẹ lo, lo sự an toàn, lo chuyện học hành, lo công việc sau này, những là đủ thứ lo khi thằng con cứ đi…yêu nước như thế. Thế nên hè năm ngoái sôi sung sục chuyện biển đảo nhưng đang ôn thi đại học, xin mãi mẹ cũng không cho đi. Năm nay mới được đi. 

"Trời vào thu - Việt Nam buồn lắm em ơi"

Ngày đầu thu. Nắng vàng vọt. Lòng trống rỗng.

Hai năm trước, vào những ngày này, cũng vậy. Nắng chói chang, mây trời xanh ngăn ngắt, mà tôi chỉ thấy mệt mỏi và trống rỗng tận cùng. Lúc ấy, tôi mới thực hiểu tâm trạng của người viết câu thơ: “Tôi bước đi không thấy phố, không thấy nhà. Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”.

Chưa bao giờ tôi cảm nhận điều ấy rõ như thế: Thành phố quê hương tôi, bây giờ không còn là của tôi nữa.

Thành phố quê hương tôi, nơi mà tôi thuộc từng mảnh tường cũ gạch tróc vữa bong, từng góc phố lộn xộn hàng quán, từng khung cửa sổ thời Pháp, từng mảng bóng cây xà cừ xanh sẫm mỗi mùa đông để rồi sang xuân bừng sáng trở lại… Thành phố mà tôi và những bạn bè “Tây An Nam” của tôi gắn bó và nâng niu đến mức không muốn tàn hại dù chỉ một chiếc lá, một viên gạch lát đường, vì chúng tôi luôn cảm nhận Hà Nội và Việt Nam giống như một cơ thể đã quá mong manh lại còn đang bị băm nát thêm.

Tình cảm ấy có lẽ khó được gọi là niềm ái quốc, mà chúng tôi chỉ dám coi đó là sự gắn bó thôi. Chúng tôi đã quen thuộc với vẻ đẹp, sự đáng yêu, trong trẻo, và cả những cái chật chội, nhếch nhác của quê hương. Càng nhìn, càng chứng kiến, càng trải nghiệm, chỉ càng thấy thương hơn…

Friday 17 August 2012

Từ chuyện định nghĩa đến bằng chứng - điều quan trọng khi ra phán quyết

Có lần tôi đọc một cuốn truyện nước ngoài tựa đề “Người hay Thú”, kể về một nhóm các nhà khoa học phát hiện ra trong rừng sâu một loài khỉ, có nguồn gốc rất gần với con người. Báo chí rùm beng về phát hiện này. Nhưng chuyện chưa đâu đến đâu thì các nhà khoa học phát hiện một số kẻ bất lương đã bắt lũ khỉ về, nuôi nhốt và huấn luyện thành những lao động không công. Các nhà khoa học rất phẫn nộ, nhưng không có cơ sở pháp lý để kết tội những kẻ bất lương kia.
Để cứu lũ khỉ, một nhà khoa học trẻ trong nhóm đánh liều, chấp nhận cấy tinh trùng của mình cho một con khỉ cái. Khi con khỉ cái sinh nở. nhà khoa học bèn tiêm một liều thuốc độc cho con khỉ sơ sinh, đặt nó vào nôi rồi gọi điện cho bác sĩ, nói rằng anh ta vừa giết chết con mình. Anh ta nói trước khi thú tội với cảnh sát, đề nghị bác sĩ đến chứng tử cho đứa bé.

Thursday 16 August 2012

Tội “làm hỏng dân”

Liên quan đến vấn đề quan hệ Việt - Trung, xin giới thiệu (tiếp) một phần phân tích của Đại tá Quách Hải Lượng, nguyên tùy viên quân sự Việt Nam tại Trung Quốc, trong đó ông Lượng thể hiện sự tách bạch giữa những nhà lãnh đạo có tư tưởng bá quyền và nhân dân Trung Quốc thân thiện.
* * *
- Theo ông, Trung Quốc đối xử với tất cả các nước trong khu vực đều như với Việt Nam, hay mỗi nước mỗi khác?
- Tôi cho rằng họ đối xử với mỗi nước mỗi khác, rất khác biệt nhau. Với Philippines thì họ hơi chờn, nhất là từ khi Philippines trở thành đồng minh của Mỹ. Với một số nước khác như Myanmar, Indonesia, thì họ mua chuộc. Riêng đối với Việt Nam thì họ coi như đối tượng để bắt nạt, lợi dụng, và cũng không loại trừ khả năng mua chuộc. Trong quan hệ thương mại, ta nhập siêu của Trung Quốc gần đây tới hơn 12 tỷ USD, họ gạ, nếu các đồng chí thiếu ngoại tệ thì thanh toán bằng Nhân dân tệ cũng được. Họ còn gạ Việt Nam làm “một trục hai cánh”, “một hành lang hai vành đai”, thì cũng nhằm thâm nhập kinh tế Việt Nam, đưa Việt Nam vào tiểu vùng kinh tế của Trung Quốc, là Quảng Tây - Vân Nam, hai tỉnh lạc hậu nhất. Việt Nam vào đó thì hai tỉnh kia phát triển, còn mình thì sử dụng những thứ lạc hậu của họ.

Wednesday 15 August 2012

Đọc lại một bài viết 10 năm trước - "Tiếng vỗ tay trong một đám tang"

Hôm nay đọc một bài viết cũ trên mạng về đám tang cụ Trần Độ, tôi chợt nhớ đến cuộc gặp gỡ với cô con dâu út của cụ cách đây hơn tháng. Chúng tôi quen nhau thật tình cờ, qua một lá thư của Khánh Trâm gửi Bùi Hằng trên blog Xuân Diện. Hóa ra chúng tôi bằng tuổi nhau. Hai con “chuột” chênh nhau có vài tháng, cùng thuộc diện “cởi mở”, lại khá đồng quan điểm nên rất dễ làm quen với nhau.
Mấy tháng trước, Khánh Trâm nói có việc ra Hà Nội, muốn hẹn gặp tôi và Xuân Diện. Tôi nửa mừng nửa tò mò, không biết cô con dâu của vị tướng lừng danh ấy như thế nào. Tôi vốn tự ti, rất sợ kiểu thấy sang bắt quàng làm họ.
Trước hôm chúng tôi hẹn gặp nhau thì trong điện thoại của tôi có một tin nhắn từ một số lạ, hỏi thăm về cuộc gặp gỡ của chúng tôi. Thái độ của người nhắn không có ý gì với tôi, nhưng lại tỏ ra thiếu thiện cảm về việc Khánh Trâm đem phát hành một cuốn sách gì đó...Tôi rất ngạc nhiên vì có người lạ lại biết và quan tâm đến việc chúng tôi hẹn gặp nhau, biết việc Khánh Trâm đang làm trong khi chính tôi lại không biết gì. Tôi có hỏi lại Khánh Trâm chuyện đó là sao? Nếu không tiện gặp thì thôi cũng được.

Tuesday 14 August 2012

Thấy gì qua những bức ảnh này?

Trên facebook người ta đang hỏi, người nghệ sỹ này là ai, và ông ta đang làm gì thế?

65 năm một mùa thu...


Nhà tôi là một căn nhà nhỏ, không dám bê về nhà những cuốn sách hay, sợ bị "át vía" mất mình. Nhưng đôi lúc không đành lòng bỏ qua những bài viết tuy không đao to búa lớn, nhưng nó cứ khiến tôi ngẩn ngơ. Nói như một bạn còm, nên thay đổi chút cho đỡ nhàm , cho dù nó sẽ làm những bài kể chuyện của tôi trở thành tẻ nhạt hay không.

 

Hà Nội sắp vào thu. Trời rất xanh và nắng rất trong, không còn dấu vết gì của những ngày nóng 40 độ C vừa qua.
Người ta hay bảo mùa thu là mùa của thi sĩ, văn sĩ. Nhắm mắt lại cũng nhớ ra bao nhiêu câu thơ, câu văn, câu hát về mùa thu:
Em không nghe mùa thu
Lá thu rơi xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô” (Lưu Trọng Lư)

Ta biết ngươi buồn sáng hôm nay
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay” (Thâm Tâm)

“Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới” (Nguyễn Đình Thi)

Sunday 12 August 2012

Mẹ cha cái thằng Dư luận nhá!


Hôm nay chủ nhật chả có kêu gọi biểu tình, mình ở nhà khỏe re. Làm việc nhà xong là ngồi lướt mạng. Đến giờ nấu cơm thì một chị ngó qua cửa sổ hỏi:
-     Hôm nay ở nhà à?
-     Đúng là chả biết gì cả. Hôm nay không có biểu tình, chả ở nhà thì đi đâu?
Mở cửa cho chị ấy vào nhà. Chị ấy kể, hôm em bị chặn trên này ấy, mấy hàng nước dưới nhà kháo nhau là em bị công an khóa trái cửa nên không đi ra ngoài được – Kinh! Nghe cứ như đã ngăn chặn được một vụ đào tẩu rất nghiêm trọng ấy nhở!
Chưa hết nhớ. Hôm em trốn nhà ấy, họ bảo em đi được một quãng thì bị công an phát hiện ra. Xong rồi phát hiện ra thì làm gì lại không ai rõ.!!!!
Người Buôn Gió có lần chửi: tiên sư cái thằng Dư luận!

Friday 10 August 2012

Những người phụ nữ thời nay.

Từ ngày đầu rụt rè đứng trên sân vườn hoa Lê Nin, tôi còn cảm thấy ngượng ngùng khi thể hiện tình cảm của mình dù chỉ là một tiếng hô to, khiến người khác có thể chú ý tới. Thực sự tôi không thích thể hiện bản thân. Trong suốt bao nhiêu năm đi làm, tôi chẳng tham gia vào bất cứ tổ chức nào. Đi làm thì cứ nghiễm nhiên trở thành đoàn viên công đoàn thôi. Ngoài việc không thích thể hiện thì cơ bản là tôi thấy cứ phải nói và làm những điều giả dối là tôi rất không thích.
Khi đứng trên sân vườn hoa Lê Nin hôm ấy, thấy những người xung quanh bắt đầu hô : đả đảo Trung Quốc xâm lược! Hoàng Sa- Trường Sa – Việt Nam,  tôi định hô theo mà chả hiểu sao cổ họng lại nghẹn lại. Phút ban đầu tôi không thể hô ngay mà chỉ đứng khóc, nước mắt giàn giụa. Tiếng hô vang rền xung quanh khiến tôi bình tâm lại. Quệt nước mắt lia lịa cho mau khô, lần đầu tiên tôi giơ nắm đấm lên trời. Hòa mình vào những tiếng hô xung quanh, tôi hô váng lên to hết sức có thể. Từ giây phút đó, tôi đã thực sự bước qua sự ngại ngùng vốn có của mình.

Thursday 9 August 2012

Đói lay lắt trên miền núi cao

Đọc bài này và làm một phép so sánh với hàng trăm nhà chung cư xây xong để bỏ hoang ba bốn năm nay tôi nhìn thấy dọc đường Phạm Hùng. Còn đâu đó nhan nhản sự xa hoa lãng phí ở khắp đất nước này bên cạnh cái nghèo đói thê thiết của bao nhiêu phận người. Thế mà vẫn còn có những kẻ nhai nhải nói rằng xã hội ta đang rất ổn định, đường lối của đảng ta rất đúng đắn...Đói nghèo thế này thì khi có họa xâm lăng, lấy sức đâu ra mà đánh giặc?

http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/63950/doi-lay-lat-tren-mien-nui-cao.html

Đang là mùa đói tháng ba, các cụ xưa có câu "Tháng tám đói qua, tháng ba đói kiệt". Mùa này ở trên núi dư thừa nắng gió, sương mù và giá rét. Khổ nỗi, những thứ đó chẳng làm vơi đi cái đói đang quằn quại trên nhiều gương mặt người trong những ngôi nhà ẩm thấp và tăm tối trên khắp các miền núi cao, khiến cho tháng ba ở đây như dài vô tận…
Dân vùng cao xứ Thanh đề nghị cứu đói
Nhiều nông dân xứ Thanh lại đối mặt với cái đói. Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 12 huyện với 66.537 nhân khẩu đang thiếu lương thực. Ước tính, số gạo cần được cứu tế cho đồng bào thiếu đói là 1.522 tấn.

Nga Thuy - Chuyện tôi bị bắt vào trại Phục Hồi Nhân Phẩm

 

Hai mẹ con tôi đã rời nhà lên Hà nội sống lang thang đã mấy ngày, 8h05 phút sáng ngày 05/08/2012 có mặt tại bờ hồ trước tượng đài Lý Thái Tổ dạo loanh quanh bé Phú kết bạn được với một cô mặc áo cờ đỏ sao vàng và một chú mặc áo thanh niên tình nguyện.Mấy chị em ngồi nói chuyện tán gẫu. Cậu thanh niên hỏi một chú đi tập thể dục ngồi nghỉ bên cạnh:

-  Chú nghĩ thế nào về Biểu tình chống Trung Quốc xâm lược?

- Vì lý do cá nhân tôi không tham gia được nhưng tôi rất cảm phục những người Biểu tình.
8h30 thấy bên Tượng đài CA và thanh niên đeo băn đỏ bao vây  bắt người biểu tình lên xe bus, quay ra chụp được mấy kiểu ảnh quay lại thấy có thêm một thanh niên nữa.

- Cậu thanh niên này hỏi: chị ơi chưa Biểu tình được à?

- Tôi: vừa có mấy người đứng bên Tượng đài bị CA bắt lên xe bus đưa đi rồi.

- Cậu thanh niên: Trung quốc xâm chiếm biển đảo ngày một leo thang, chính quyền Việt nam mình ươn hèn không giám lên tiếng đấu tranh, người dân từ bắc chí nam đồng lòng xuống đường biểu tình phản đối lại bị chính quyền bắt bớ tàn bạo. Huế và Sài Gòn không biểu tình được rồi, giờ Hà nội mà chịu thua quân Hèn với Giặc, Ác với Dân thì nhục cho dân tộc VN quá chị ah!

- Tôi: ừ nhục qua đi chứ, nước mất thì nhà tan mà.

- Cậu thanh niên:  em có cờ rồi, em Cảm tử chị ghi hình nhé.

- Tôi: không cần cảm tử đâu, quanh đây vẫn còn nhiều bà con cùng trung ý chí căm phẫn sự xâm lược của Trung quốc mà.

   Tôi và cậu thanh niên đó cùng đi về phía tượng đài Cảm tử thì thấy có rất đông Công an, thanh niên đeo băng đỏ bắt bớ cụ Lê Hiền Đức và nhiều người khác.

   Đứng nghe được mấy thanh niên nói chuyện với nhau cùng bày tỏ sự phẫn nộ trước nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam bắt bớ người biểu tình phản đối Trung quốc thế là chúng tôi nhập hội cùng các em. Tất cả cùng đồng lòng dơ cao biểu ngữ Phản Đối Trung Quốc Xâm Lược, Tổ Quốc Lâm Nguy Xin Đừng Vô Cảm.....

 Khi tiếng hô đầu tiên vang lên đã có nhiều người nhập đoàn ủng hộ cùng hô vang những câu phản đối Trung quốc xâm lược, phản đối bắt người Biểu tình phản đối Trung quốc xâm lược.

  Những tiếng hô vang bầy tỏ tình yêu, trách nhiệm và nghĩa vụ với tổ quốc khi giặc Tầu xâm chiếm, đoàn đi được mấy trăm m thì bị Công an và thanh niên đeo băng đỏ được chính quyền CSVN chỉ đạo đến bắt, cưỡng chế lên xe bus. Dù bị bắt lên xe những tiếng hô vang Đả Đảo Trung Quốc Xâm Lược, Đả Đảo Chính Quyền Việt Nam Bắt Người Biểu Tình Phản Đối Trung Quốc Xâm Lược vẫn không ngưng. Xe bus được xe cảnh sát giao thông dẫn đường đem chúng tôi đi giam tại Trại Phục Hồi Nhân Phẩm ở Lộc Hà, Đông Anh.

 Khi bị bắt lên xe bus bé Phú con trai tôi bị CA gạt lại dưới đường được một cậu thanh niên bế hộ. Anh Nguyễn Hồng Kiên bị cướp thẻ nhớ máy ảnh, anh Lê Anh Hùng bị cướp điện thoại.

  Tới trại Lộc Hà đã thấy những người Biểu tình bị bắt lúc trước đang ở đây rồi. Cùng chung chí hướng lên không phân biệt tuổi tác, mọi người tay bắt mặt mừng cùng nhau răng biểu ngữ biểu tình ngay trong Trại.

  Trời nắng nóng CA bắt đầu tách hai đoàn giam riêng hai nơi, mọi người yêu cầu CA cung cấp nước uống và quạt bởi thời tiết quá nắng nóng.

  Thấy tôi mang bầu cứ ngồi vạ vật mấy anh CA trẻ xắp riêng cho tôi một phòng có giường nằm và một mình một quạt điện.

   Nằm ngả lưng một chút các anh CA gọi đi làm việc, vừa bước chân vào phòng một người mặc thường phục phủ đầu”

- Nghe nói chị đi siêu âm là con trai à? Chúc mừng chị nhé.

- tôi: heee sao anh biết giỏi vậy?

- Tên thường phụ: Chồng chị đâu?

- Tôi: Tôi không có nghĩa vụ khai báo chồng con với anh.

- Tên thường phục: Chúng tôi mời chị vào đây làm việc, yêu cầu chị bỏ điện thoại, máy ảnh, máy ghi âm lên bàn.

- Tôi: Tôi từ chối làm việc với các anh, bởi tôi là một công dân không hề vi phạm pháp luật, còn tài sản của tôi, tôi để đâu là quyền của tôi.

Lúc này người mặc sắc phục Công an lên tiếng:

- Tên mặc sắc phục: Đây là cơ quan Công an yêu cầu chị để điện thoại, máy ảnh, máy ghi âm lên bàn nếu không chúng tôi sẽ cưỡng chế.

- Tôi: Anh cho tôi biết tại sao các anh bắt cóc tôi về đây? Tài sản của tôi sử dụng hay để đâu là quyền của tôi. Các anh muốn cưỡng chế là quyền của anh. Quyền của tôi là bảo vệ tài sản của mình.

- Tên thường phục: Chị tên gì?

- Tôi: Anh là ai?

- Tên thường phục:  Tôi là ai Công an ở đây có trách nhiệm biết là được.

- Tôi: Xin hỏi anh CA mặc sắc phục, người này là ai mà giám vào phòng làm việc của CA quát mắng hạch sách tôi?

- Tên mặc sắc phục: Thôi chúng ta làm việc nhé, làm việc cho nhanh để chị còn về mà chúng tôi cũng không muốn phải làm việc thế này làm gì?

- Tôi: tôi nói rồi, tôi từ chối làm việc với các anh.

- Tên thường phục: Chúng tôi yêu cầu chị hợp tác, bỏ điện thoại máy ảnh, máy ghi âm lên bàn.

- Tôi: Mày là ai mà giám quát mắng tao ở đây?

- Tên thường phục: Tôi là Công An.

- Tôi: Quần áo quân phục, biển hiệu của mày đâu? Dân đóng thuế nuôi mày, may quần áo cho mày để làm gì?

  Nghe tôi hỏi thế hắn mở cửa đi ra.

- Tên mặc sắc phục: Chị Nga, tôi cho chị biết là người dân khi bị hại, hay người làm chứng, người biết việc CA có quyền mời đến làm việc, vì thế nghĩa vụ của chị là hợp tác khai báo và làm việc với CA.

- Tôi:  thứ nhất khi bị hại tôi tự đi đến đồn CA trình báo, thứ hai nếu tôi là người làm chứng là người biết việc như anh nói thì đưa giấy mời về nhà, khi xắp xếp được thời gian tôi sẽ làm việc với các anh. Còn đây không có giấy mời mà là tôi bị CA bắt cóc.

- Tên mặc sắc phục: Vậy chị có đề nghị gì?

- Tôi : đề nghị các anh trả tự do ngay lập tức cho tôi, bởi tôi không vi phạm pháp luật.

- Tên mặc sắc phục: vậy là chị không hợp tác làm việc?

- Tôi : đúng.

- Tên mặc sắc phục: vậy mời chị ra khỏi phòng làm việc.

Khi ra cửa hắn đưa về chỗ giam giữ cùng mọi người, nhìn qua khe cửa cổng trại tôi thấy bé Phú con trai tôi đã được nhiều anh chị em đưa lên tới nơi, vội rơ tay ra vẫy chào thì tên CA đó đã gạt tay tôi và đẩy thật nhanh, tôi bảo:

-  Con tôi ở ngoài cổng, tôi cần ra ngoài đón con tôi.

- Tên mặc sắc phục: Có việc gì thì cứ từ từ giải quyết, chị vẫy tay như thế phản cảm lắm.

- Tôi: anh có con chưa? Tôi bị CA bắt cóc chia rẽ mẹ con tôi, giờ thấy con ở ngoài cổng vẫy tay với con là phản cảm à?

 Hắn không nói gì mà đẩy tôi cho mấy viên CA khác đẩy về phòng giam lúc trước.

Về với anh em tôi vui mừng khoe đã nhìn thấy con ở ngoài cổng, mọi người vui mừng chung với tôi. Trời nắng nóng mà từ sáng đến trưa bé Phú không có mẹ là không chịu ăn, tôi nói với mấy viên CA đang canh giữ tôi rằng:

  - Từ lúc bị CA bắt cóc chia rẽ mẹ con tôi, giờ tôi thấy con đứng ngoài cổng trại, cháu mới 2 tuổi, tôi cần ra cổng đón con.

Các anh CA bảo chị không được ra để chúng tôi hỏi ý kiến lãnh đạo đã.

  Lúc này bé Phú ngó đầu qua song sắt cánh cổng trại giam nhìn vào tìm mẹ. Là người mẹ thấy con đứng ngoài cổng dưới trời nắng trang trang giữa trưa tôi lại yêu cầu CA phải để tôi ra đón con vào, những người CA không nghe mà ngăn cấm mẹ con tôi.

 Thấy cảnh CA giằng co xô đẩy không cho mẹ con tôi gặp nhau những anh chị em cả bị giam bên trong trại và anh chị em bên ngoài cổng trại đều cùng tôi đấu tranh với CA bởi tôi là một công dân không vi phạm pháp luật, con tôi mới 2 tuổi nó cần có mẹ mà CA không có quyền ngăn cấm tình mẫu tử của mẹ con tôi.

  Gần 2 tiếng đồng hồ tranh đấu CA cứ ép đi ép lại bắt tôi phải làm biên bản tường trình thì mới cho tôi gặp con. Vì quyền lợi của 2 mẹ con tôi đã từ chối tất cả những điều mà CA cưỡng ép.

  Hơn 12h trưa CA và một số người đàn ông mặc thường phục ép, cưỡng chế tôi lên xe ôtô biển số 90T -6969 để đưa đi đâu không rõ. Tôi đã kháng cự quyết liệt bởi con tôi còn đang đứng bên ngoài cánh cổng trại giam chờ tôi. Vừa vùng vẫy kháng cự vừa đi về phía phòng giam nơi giam giữ những người bạn.

  Qua song sắt cửa sổ anh Chí Đức nhìn thấy cảnh CA dùng bạo lực cưỡng chế tôi anh đã hô to:

- em Nga đang mang bầu, các anh không được dùng bạo lực với phụ nữ mang bầu.

  Nghe thế những người đàn ông đó bỏ tay ra chuyển sang là 3 người phụ nữ người nắm tay, người kéo đẩy. Cùng là phụ nữ lên tôi rễ ràng hơn để kháng cự và đi đến cửa phòng giam nơi có những người bạn. Anh Chí Đức đã nói qua song cửa với những người CA:

- Trong miền nam mẹ Liềng mới tự thiêu vì chính quyền chia cắt tình mẫu tử của mẹ với con gái là chị Tạ Phong Tần, giờ các anh lại muốn lặp lại chuyện đấy hay sao? Con của em Nga mới 2 tuổi đang đứng ngoài cổng chờ mẹ mà các anh lại muốn chia cắt à?

  Những người CA không nói gì nữa, một lúc sau họ lừa bảo tôi lên phòng làm việc rồi về với con. Nghe thế tôi đã đi với họ đến phòng làm việc họ lại tiếp tục giở trò bỉ ổi là ép làm biên bản, quay phim, chụp ảnh và ép lên xe ôtô. Sự chịu đựng của con người có hạn, tôi đã quyết liệt phản kháng những việc bỉ ổi vô nhân tính của CA. Cuối cùng một tên CA giới thiệu là CA quận Hoàn Kiếm tuyên bố:

 - Công an quận Hoàn kiếm cảnh cáo chị vì tội tụ tập đông người, gây rối trật tự nơi công cộng.

- Tôi: Tôi đi biểu tình phản đối Trung quốc xâm lược, tôi không tụ tập gây rối trật tự.

 Nghe tôi nói thế hắn quay ra bảo người gác cổng: Thôi mở cửa cho chị ta ra.

  Bước chân ra khỏi cánh cổng trại giam trá hình của chính quyền Cộng Sản là vòng tay thương yêu của con trai và biết bao nhiêu anh chị em đang đợi chờ.

    Mọi người vì mình, mình vì mọi người là lẽ đương nhiên. Khi ra khỏi cổng trại mẹ con tôi lại cùng những anh chị em khác ngồi ngay cổng trại đấu tranh đợi những người bạn của mình còn đang bị chính quyền Cộng Sản VN giam giữ trái phép trong trại giam trá hình.

  Điều đặc biệt làm tôi cảm phục là tinh thần của cụ Lê Hiền Đức, tuổi cao, sức yếu nhưng con tim với tình yêu thương mạnh mẽ mà người trẻ tuổi khó ai sánh kịp. Buổi sáng Cụ bị chìm nghỉm trong đống núc nhúc CA và thanh niên đeo băng đỏ bắt cóc, khi ra khỏi vòng kiềm toả của bè lũ ươn hèn cụ đã đi taxi đến trại Lộc Hà đón đợi những người con thương yêu của nước Việt.

     Lịch sử của nước Việt Nam từ trước tới nay vẫn lưu truyền Trong tất cả mọi thời đại, khi chính quyền khiếp nhược với quân xâm lược thì người dân sẽ đứng lên nắm tay nhau cùng đấu tranh chống lại quân thù và phế bỏ kẻ đang cầm quyền ươn hèn.

  Giờ đây đất nước Việt Nam trong cơn nguy biến, Đảng CS ươn hèn để quân Tầu bắt, giết ngư dân, biển đảo bị xâm chiếm. Người dân đứng lên đấu tranh phản đối quân thù lại bị Đảng Cộng Sản bắt gian gán cho tội Chống phá đảng và nhà nước. Điều đó đã chứng minh đảng cầm quyền Cộng sản hiện nay đang ươn hèn, khiếp nhược trước quân thù.

   Để giữ được toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ được người Việt tránh khỏi sự bách hại của quân thù, người dân Việt Nam phải tự đứng lên nắm chặt tay nhau trong tình đoàn kết để đấu tranh  bảo vệ Tổ quốc. “Bảo vệ tổ quốc là bảo vệ chính bản thân và gia đình mình”.

 

Thứ ba, ngày 07 tháng tám năm 2012

http://mephu.blogspot.com/2012/08/chuyen-toi-bi-bat-vao-trai-phuc-hoi.html

Wednesday 8 August 2012

Chuyện biểu tình 5/8/2012 - Phần kết: Mời các bác....giải tán!

Vì rằng mỗi người một kiểu nên kết quả “làm việc” cũng rất đa dạng. Ấn tượng nhất là trường hợp chị Dương Thị Xuân. Chị ấy tuyên bố với công an là chị ấy tuyệt thực. Mà đã tuyệt thực thì không có gì để nói cả. Công an tức mình bảo:
-     Đã ăn gì đâu mà tuyệt thực?
-     Thì tôi đang phải ăn những lời anh đang nói đấy thôi. Vì tôi phản đối các anh bắt người trái phép nên tôi tuyên bố tuyệt thực từ giờ phút này. Đã tuyệt thực rồi thì có gì để mà nói.
Hỏi gì chị ấy cũng không ”cung cấp” thông tin. Thảo nào lúc đang chuyện trò với công an Châu, tôi nghe thấy tiếng tiếng phụ nữ nói rất to, và cả tiếng đàn ông cũng rất gay gắt, rằng thì là chị vào đây tôi phải biết chị là ai chứ.
Hóa ra hồ sơ về chị ấy họ biết rõ như lòng bàn tay từ đời tám hoánh nào rồi. Vì chị ấy là nhà báo tự do, và bị bắt như cơm bữa vì thường xuyên viết bài, vạch ra cái xấu của chính quyền rồi nên chị ấy chả sợ. Ngay cả hồ sơ về tôi chắc họ cũng đã có đầy đủ, nhưng họ cứ hỏi theo thủ tục rất máy móc.

“NHÀ ANH Ở GẦN HỒ NHỈ, THẾ SÁNG NAY ANH RA BỜ HỒ ĐỂ LÀM GÌ?”

bởi Nguyễn Hồng Kiên vào ngày 7 tháng 8 2012 lúc 11:09 sáng ·

 Đó là CÂU HỎI của một đại uý công an Hà Nội, (sau khi biết nhà cháu đang cư ngụ tại 06 phố BÁo Khánh - Hà Nội) để TRẢ LỜI chất vấn của nhà cháu:

 - Tôi muốn hỏi anh, tại sao tôi được/bị MỜI/BẮT về đây?
(Chú này rất thuộc bài “Hãy trả lời câu hỏi bằng 1 câu hỏi!)

Nhà cháu, với tất cả sự nghiêm túc có thể, đã tuyên bố DỖI, không thèm đi biểu tình nữa, để không cho bất cứ thế lực nào có thể lợi dụng.



Xe công an và văn bản phát thanh trong cuộc biểu tình phản đối TQ xâm lược ngày 22/7/2012

Tuesday 7 August 2012

Chuyện biểu tình ngày 5/8/2012Phần 3: Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần

Với tôi đây là lần đầu tiên vào Lộc Hà. Nói thật ngày xưa chỉ cần bị công an chặn lại đã thấy xấu hổ lắm, cứ như mình vừa bị bắt quả tang làm một việc xấu xa vậy. Vậy mà giờ đây năm lần bảy lượt, tôi bị họ bắt giữ mà trong lòng chỉ thấy phẫn nộ, khinh bỉ chứ chả thấy có điều gì khiến tôi phải cúi mặt hổ thẹn
Tôi tò mò nhìn cái trại đã nghe nói đến nhiều lần, đặc biệt nhất là những lần gần đây nhất trở thành nơi tạm giữ những người biểu tình dưới mọi hình thức như: biểu tình chống Trung Quốc, biểu tình đòi đất...
Dĩ nhiên tôi cũng biết trước đây báo chí cũng gọi đây là trại phục hồi nhân phẩm. Không biết từ khi nào nó đổi tên là trại lưu trú. Thực tế trong dân, người ta vẫn gọi nôm na là trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà. Cho dù họ có đưa tạm chúng tôi đến đây với lý do gì, thì cũng coi là một lần bước chân vào trại phục hồi nhân phẩm. Không biết ở đây ai mới thực sự có đủ tư cách để phục hồi nhân phẩm cho ai đây?

Monday 6 August 2012

Chuyện biểu tình ngày 5/8/2012: Phần 2 - Chẳng lẽ họ cứ diễn mãi cái tuồng làm mất trật tự công cộng, mà không thấy xấu hổ vì sự láo khoét, trơ trẽn đến thế à?

Sáng chủ nhật, tôi dậy sớm để đi bộ ra Hồ Gươm chứ không bắt xe buýt hay taxi. Một phần vừa để ngắm quanh cảnh phố phường quang đãng lúc đầu hôm, phần để gặm nhấm nỗi buồn về việc mình phải lẻn ra khỏi nhà, không phải vì trốn bố trốn mẹ để đi chơi như tuổi còn con nít, mà là đã quá tuổi trưởng thành như tôi vẫn còn phải đi trốn bởi những người chả có liên quan gì đến mình.

Chuyện biểu tình ngày 5/8/2012 : Phần 1 - Trốn khỏi nhà

Đêm trước biểu tình, tôi quyết định tắt máy tính và đi ngủ sớm. Không khí về đêm vẫn không mấy mát mẻ, báo hiệu một ngày sắp tới oi nồng – lại khổ người biểu tình đây!
11 giờ đêm! Mặc dù buồn ngủ, nhưng tôi vẫn thao thức nghĩ tới cuộc biểu tình ngày mai. Lần trước trên mạng không có lời kêu gọi biểu tình nào mà họ còn chặn tôi, thì chắn lần này họ sẽ cũng làm vậy. Tôi cũng muốn nhân dịp đó để nghỉ ngơi đôi chút. Thậm chí nói với một số bạn bè là chủ nhật này tôi sẽ không đi, mặc có người giận dữ chửi tôi là không đi thì đừng làm người khác nhụt chí. Nhưng rồi nghĩ đến những người từ xa họ còn lặn lội về đây, chỉ để được đi trên bờ Hồ Gươm, để hô lên những tiếng hô đả đảo quân xâm lược, để thét lên những tiếng thét kêu gọi hãy nghĩ về Hoàng Sa và Trường Sa – đừng bỏ rơi một phần máu thịt của Tổ quốc - thì lại không đành lòng.
Xin đừng nghĩ đây là những lời đao to búa lớn của những con dân bé mọn, chỉ lo cho ngày hai bữa chưa đủ no, hay chưa có nổi một chỗ trú thân yên ấm mà vẫn phải lang thang nay đây mai đó...mà hãy nghĩ tại sao bất chấp những khó khăn tứ bề, họ vẫn tìm về Hồ Gươm để được tham gia biểu tình. Nhiều người không có mạng internet thì tìm về Hồ Gươm theo một thói quen, không có biểu tình thì cũng là một cuộc dạo chơi – Hồ Gươm đâu chỉ để dành riêng cho một ai được quyền đến và độc quyền ngăm cấm, chiếm đoạt?

Saturday 4 August 2012

HÃY ĐỂ ANH ĐI

Nay anh không về, đừng buồn nhé nghe em
Hãy cứ coi như anh đi làm trả nợ
Nợ của Vua Hùng, nợ từ tiên tổ
Cho chúng mình non nước Việt hôm nay.

Có gì đâu, anh đi vắng một ngày
Hay thêm nữa, làm sao mà sợ hãi
Anh tắm gội, cạo râu, thay đồ mới
Nhỡ có bề gì, đỡ vất vả cho em.

Ở ngoài kia bao đồng đội thân quen
Anh ở nơi đâu, bạn cũng tìm ra được
Có kết tội, tội anh là yêu nước
Chẳng bạo tàn nào ngăn cản được em ơi.

Đừng cho anh nói gở, ngắt ngang lời
Thời buổi nhiễu nhương, điều chi mà không thể
Anh “về muộn” mấy lần, dẫu em lo như thế
Thêm một lần thì cũng có sao đâu.

Cả một thời tuổi trẻ đã qua mau
Lo trấn ải, quên rằng mình bạc tóc
Giờ lại lũ giặc quen từ phương Bắc
Hãy để anh đi, còn chút sức cuối cùng.
.
Viết trước khi đi biểu tình chống TQ 1/7/2012

TƯỜNG THỤY

Tuyên Ngôn Của Một Người Làm Thơ Cựu Chiến Binh

Quý vị muốn làm gì thì làm
Muốn mị dân muốn yêu nước muốn bán nước bằng mồm thây kệ
Tôi không thù người Tàu cũng chẳng ghét xứ Trung Hoa
Nhưng đứa nào xâm lược nước tôi là chết ngay tại chỗ

Quý vị cứ việc đi đêm cứ việc sửa lại bản đồ lịch sử
Cứ việc quên bẵng ải Nam Quan cho Nguyễn Trãi đội mồ
Nhưng đứa nào bứt của thân nhân tôi sợi tóc
Là tôi đập nát đầu chứ không đập bằng thơ

Quý vị cứ việc chơi gôn cứ việc sắm sửa phi cơ
Cứ đầu cơ địa ốc cứ kiếm tiền vi vút
Nhưng đứa nào bắt dân ngu cu đen thay quý vị ở tù
Là tôi đào mã ba đời quý vị lên trét cứt

Quý vị cứ chà đạp lên quyền làm người xuất sắc
Cứ hung hăng như Gaddafi trước khi rúc vô ống cống đê hèn
Quý vị cứ việc xem dân nghèo như rơm như rác
Nhưng lúc đường cùng đừng năn nỉ tôi nghen !

Quý vị cứ việc rửa tiền qua ngân hàng Thụy Sĩ cực êm
Cứ tậu nhà dưỡng lão ở Bắc Kinh, sắm điền trang ở Mỹ
Quý vị cứ thăng thiên cùng giá điện giá xăng
Bất chấp thôn nữ thiếu ăn phải bán thân làm đĩ

Quý vị phải như vậy mới là quý vị
Vô cảm vô lương vô đạo đức vô thần
Tôi rách rưới như một thằng thi sĩ
Nhưng hiểu thế nào là sức mạnh nhân dân !

Tháng 8-2012

Bùi Chí Vinh

Bài thơ này được đăng trên facebook.

Thursday 2 August 2012

“ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM được quyền im lặng”?


Ngay từ hôm các anh chị phường quận đến nhà mình từ chủ nhật tuần trước, một mực mong mình thông cảm, đừng đi ra khỏi nhà, để cho các anh các chị ấy còn hoàn thành nhiệm vụ với cấp trên, mình đã định là sau đó thể nào cũng phải viết một cái thư phản đối hành vi vi phạm pháp luật của chính quyền, khi ngăn cản cuộc sống bình thường của người dân như thế này.
Nói thực là lúc ấy mình chả thông cảm cũng chả được. Các anh các chị ấy đông như thế, gấp mấy chục lần mình, lại còn lớp trong lớp ngoài, mà mình thì không thích trong thời bình lại diễn ra cảnh đấu vật không cân xứng thế này. Dù gì thì các anh các chị ấy chỉ biết mỗi cái việc là bằng giá nào cũng không để mình ra khỏi nhà. Thế nên mình chấp nhận quay vào nhà, lo xong bữa trưa đã rồi mới vào máy tính, kể lể, mách bạn đọc. Sau đó thư thả đọc tin tức xem có ai được các ban ngành đoàn thể ở địa phương, gặp gỡ đề nghị thông cảm như mình không.

TRƯA THÁNG TÁM

Có một bài thơ thế này trên facebook

" Chín ngàn tàu cá Trung Quốc
Trưa nay đang tiến vào biển Đông ... "
Bạn có nghe gì không ?
Anh có biết gì không ?
Em có thấy gì không ?

Buổi trưa nắng tháng Tám giữa Sài Gòn
Tôi đọc tin và cố nuốt vội bữa trưa
Chợt nhìn thấy cả ngàn con tàu trồi lên từ miệng chén
Thấy trong phòng làm việc
Trên chiếc sofa tôi hay ngả lưng chợp mắt
Đâu đâu cũng lừng lững những con tàu
Đâm vào cả giấc mơ trưa tê dại nỗi đau ...