Translate

Friday 10 August 2012

Những người phụ nữ thời nay.

Từ ngày đầu rụt rè đứng trên sân vườn hoa Lê Nin, tôi còn cảm thấy ngượng ngùng khi thể hiện tình cảm của mình dù chỉ là một tiếng hô to, khiến người khác có thể chú ý tới. Thực sự tôi không thích thể hiện bản thân. Trong suốt bao nhiêu năm đi làm, tôi chẳng tham gia vào bất cứ tổ chức nào. Đi làm thì cứ nghiễm nhiên trở thành đoàn viên công đoàn thôi. Ngoài việc không thích thể hiện thì cơ bản là tôi thấy cứ phải nói và làm những điều giả dối là tôi rất không thích.
Khi đứng trên sân vườn hoa Lê Nin hôm ấy, thấy những người xung quanh bắt đầu hô : đả đảo Trung Quốc xâm lược! Hoàng Sa- Trường Sa – Việt Nam,  tôi định hô theo mà chả hiểu sao cổ họng lại nghẹn lại. Phút ban đầu tôi không thể hô ngay mà chỉ đứng khóc, nước mắt giàn giụa. Tiếng hô vang rền xung quanh khiến tôi bình tâm lại. Quệt nước mắt lia lịa cho mau khô, lần đầu tiên tôi giơ nắm đấm lên trời. Hòa mình vào những tiếng hô xung quanh, tôi hô váng lên to hết sức có thể. Từ giây phút đó, tôi đã thực sự bước qua sự ngại ngùng vốn có của mình.
Khi đi trong đoàn người, tôi thấy các cháu thanh niên hô bắt nhịp khản cả cổ. Tôi thương chúng lắm. Rồi thấy bác gái Trâm người “bé bằng cái nắm tay” cũng hộ bắt nhịp cho mọi người hô theo. Vậy là trong khoảng khắc người hô trước dừng lại để lấy hơi, tôi lập tức hô tiếp sức cho họ, thế là thành quen.
Trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ, đối tượng bị gây khó dễ chắc hẳn sẽ là các cháu thanh niên, khi mà người ta có thể tấn công vào những yếu điểm như công ăn việc làm hay nơi ăn chốn ở. Còn mình là phụ nữ, có tuổi nữa, công ăn việc làm ổn định, có nhà cửa đàng hoàng, chắc sẽ chẳng ai có thể làm gì được mình. Chính bởi thế tôi muốn chia sẻ và gánh đỡ cho chúng phần nào những khó khăn ấy.
Không chỉ riêng tôi, hẳn nhiều người vẫn nghĩ rằng, phụ nữ là đối tượng ít có khả năng bị “tấn công” nhất. Không chỉ vì họ chân yếu tay mềm, ít có khả năng đối kháng, mà về bản chất là họ không mấy khi xông xáo, tham gia gánh vác chuyện ngoài xã hội. Phần lớn họ chỉ tần tảo lo toan việc gia đình. Trong khi các ông chồng chiều chiều tụ tập uống bia nhậu nhẹt ở quán xá thì họ nháo nhào trở về từ công sở, lo trăm thứ bà rằn cho một gia đình dù lớn dù bé đến đâu.
Hồi nhà còn ở cạnh chợ, có lần tôi thấy bố đứng trầm ngâm bên ban công nhìn xuống đường. Tôi ra đứng cạnh, nhìn theo ánh mắt bố. Trong bóng tối nhập nhoạng, ánh đèn đường vàng vọt soi xuống dăm ba cái bóng đàn bà, đứng bên những chiếc xe thồ bày những nải chuối ế, hay đống rau dưa chưa bán hết. Người quét chợ đã khua những nhát chổi cuối ngày, khiến mấy người phụ nữ loay hoay tìm chỗ tránh. Chưa bán hết hàng, họ sẽ làm gì với đống chuối quá chín hay đám rau dưa héo đây?
Bố ngậm ngùi bảo, nhiều lần quan sát, thấy có đến 80% số người mưu sinh bằng nghề đi chợ là phụ nữ, trông họ lam lũ thật tội!
Cứ bảo thời phong kiến phụ nữ mới khổ. Rồi thời chiến đàn ông trai tráng ra trận, mọi gánh nặng dồn lên vai người phụ nữ. Đến tận bây giờ, người phụ nữ vẫn chưa hề thoát khỏi cảnh khổ. Bây giờ thời bình, đâu cần đánh đấm mà bảo đàn ông phải ra trận? Thế nhưng trên những cánh đồng, hay ngoài đường ngoài chợ vẫn chỉ thấy phụ nữ chiếm số đông. Ngay cả trong những cuộc tranh chấp miệng hay bằng vũ lực, người ta vẫn có xu hướng để phụ nữ lên hàng đầu như một cái khiên đỡ, vì mấy ai cãi nhau với đàn bà, hay mấy ai đánh đập đàn bà. Mà chả cần ai đẩy họ, theo bản năng là phụ nữ lại thường xông lên, che trở cho những người đàn ông dễ bị quy kết là bạo lực, chống đối....
Rốt cuộc tôi nhầm! Mọi người cũng đều nhầm hết. Bây giờ họ chả chừa ai cả. Phụ nữ họ cũng đánh, cũng đá thẳng vào ngực, đấm sưng cả mặt hay đánh gãy cả tay, vỡ cả sọ....
Thế nên tôi bắt đầu bỏ cái lối suy nghĩ cho rằng phụ nữ yếu ớt thì họ sẽ tha không vu khống, không bắt bớ, không đánh đập. Thay đổi cách suy nghĩ để mình không bị sốc và không ảo tưởng về sự tử tế của họ nữa. Thay đổi để mình sẵn sàng chấp nhận cái giá phải trả cho cách sống mình đã lựa chọn, là sống làm người chân thật như cố nhà thơ Phùng Quán đã viết trong bài thơ “Lời mẹ dặn”
Có lẽ đó là do cách nói thôi, rằng phụ nữ xưa nay là những người chỉ biết cam chịu. Thực ra họ đã “vùng lên” nhiều mà xã hội chẳng qua chưa quen với cách nhìn nhận ấy. Không chỉ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống đời thường, trong mỗi gia đình mà một số trong đó đã thành đạt nhiều trong kinh tế. Họ bắt đầu lộ diện trong cả lĩnh vực mà người ta gọi là “chính trị”, bằng những sự quan tâm đến các vấn đề xã hội như Huỳnh Thục Vy, Phan Thanh Nghiên, ĐỗThị Minh Hạnh. Có thể thể chế chính trị hiện nay chưa thừa nhận họ, nhưng tôi tin rồi có ngày họ sẽ được thừa nhận như một sự phát triển tất yếu của xã hội. Việt Nam mình cũng là một xã hội thu nhỏ của cả thế giới này, biết đâu có một ngày nước mình lại có một phụ nữ lên nắm quyền như Philipine, Srilanka, Pakistan, Thái Lan...

12 comments:

  1. "Những người phụ nữ thời nay" như: cụ bà Lê Hiền Đức , Bùi Thị Minh Hằng,Trần Thị Nga, nhà báo tự do Dương Thị Xuân, nhà báo Đoan Trang... Phương Bích và nhiều người bà, người chị, người em nữa tôi không biết tên. Thời gian qua, Đã từng "vượt qua sợ hãi", dũng cảm xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa- Trường sa của Việt Nam. Họ biểu lộ ý chí cương cường "giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh" như những bậc liệt nữ xưa. Họ xứng danh con cháu Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Họ là những người phụ nữ YÊU NƯỚC- DŨNG CẢM. Tôi cảm phục và yêu mến họ! Một người yêu mến những nữ biểu tình viên Yêu nước- Dũng cảm.

    ReplyDelete
  2. "Rốt cuộc tôi nhầm! Mọi người cũng đều nhầm hết. Bây giờ họ chả chừa ai cả. Phụ nữ họ cũng đánh, cũng đá thẳng vào ngực, đấm sưng cả mặt hay đánh gãy cả tay, vỡ cả sọ...." (Phương Bích)

    Phương Bích lấy lòng quân tử mà đo dạ tiểu nhân nên mới thấy mình nhầm, nhưng ở vào thời đại mà nhà cầm quyền là những kẻ từ thuở ban sơ đã dùng mọi thủ đoạn dơ bẩn đề giành quyền lãnh đạo từ tay những đảng phái chân chính của người yêu nước, thì bây giờ bọn sai nha, sản phẩm chế độ cái gì mà chúng không làm? ai mà chúng chẳng dùng bạo lực để không chế? không chế không được thì vu vạ cáo gian ? Thủ đoạn của chúng theo thời gian càng tinh vi hơn, theo bài bản nhất định "quần chúng bức xúc" hay "bị côn đồ xã hội đen thanh toán" chứ ai biết chúng là người chỉ đạo từ trong bóng tối ?

    Tôi cảm phục những vị nữ lưu VN ngày nay đang gánh vác việc nước một cách tích cực và vô cùng hiệu quả, bằng lời nói hành động, bằng ngòi bút được trau chuốt ngày càng sắc sảo. Tôi biết không ai muốn lời khen lộ liễu, nhưng xin nói thế này: công lao và đóng của quý vị không nhỏ, không bị lãng quên đâu.

    ReplyDelete
  3. Bỏ qua vấn đề giữa phụ nữ và chính trị như trong bài này PB nói. Hôm nay tôi chỉ muốn nói lên nhận định của mình đã có từ lâu về người phụ nữ VN dưới con mắt của người đã sống và làm việc ở ngoại quốc 25 năm:
    Phải nói rằng đất nước Việt Nam nói chung và đàn ông Việt nói riêng, đã rất may mắn khi chúng ta có người phụ nữ Việt Nam . Họ là vô địch trong tất cả những phụ nữ trên thế giới (có thể hơi quá lời) ngày nay, về đức tính siêng năng, cần cù lo cho gia đình, nhẩn nhịn với chồng con.
    Tôi có rất nhiều điều để chứng minh cho điều này, sau bằng ấy năm sống ở ngoại quốc. Bất kể người phụ nữ đó là hạng người nào trong xã hội, kể cả những người làm những công việc bị xã hội lên án như: Bán dâm...Lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc chẳng hạn. Họ là những người đáng thương hơn là đáng nguyền rủa.

    ReplyDelete
  4. Nguyễn Phương11 August 2012 at 07:36

    Tôi cảm phục bạn ,Rất cảm phục

    ReplyDelete
  5. Phụ nữ mà lãnh đạo sẽ có những ưu điểm sau :
    Lập trường kiên định , khó bị mua chuộc
    Không bị sa ngã vào tệ nạn như gái , cờ bạc , rượu bia ....
    Quản lý sát sao , lo cho đời sống dân sinh ..
    HÃY ỦNG HỘ NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ TIẾN BỘ LÀM LÃNH ĐẠO TỪ NGAY CƠ SỞ TỪ NÔNG THÔN TỚI THÀNH THỊ
    CỨ AI LO CHO NHÂN DÂN , BẢO VỆ ĐỜI SỐNG ND LÀ ỦNG HỘ LÀM CÁN BỘ CỦA DÂN

    ReplyDelete
  6. "có đến 80% số người mưu sinh bằng nghề đi chợ là phụ nữ, trông họ lam lũ thật tội!" nhưng nào họ có được yên, vào chợ thì bị bọn "bảo kê" thu "phế", không vào chợ thì có thể bị CAP, dân phòng (rặt thất nghiệp, lưu manh) đuổi, dằng xé, tịch thu hết hàng hoá, dụng cụ hành nghề, thế là trắng tay, là đói. Em thì em không nhầm như chị và nhiều người khác, hàng ngày phải chứng kiến những người thuộc vào loại bần cùng của xã hội bị đối xử như vậy thì việc "Phụ nữ họ cũng đánh, cũng đá thẳng vào ngực, đấm sưng cả mặt hay đánh gãy cả tay, vỡ cả sọ...." cũng là điều dễ hiểu. Nói là dễ hiểu thôi chứ thực ra là không thể hiểu nổi.

    ReplyDelete
  7. Thấy Em giữa đám biểu tình
    Đầm bông,nón trắng máy hình cầm tay
    Tác nghiệp có vẻ hăng say
    Mồ hôi nhễ nhại,mặt mày đỏ au...
    Biểu tình chống lũ giặc Tầu
    Thể hiện yêu nước chứ đâu...có gì
    Vậy mà họ bắt em đi
    Vô trại Lưu trú làm chi hở trời?

    Trong trại...em vẫn cười tươi
    Đầm bông,nón trắng rạng ngời...như hoa...

    ReplyDelete
  8. Thời đại này trên thế giới có rất nhiều phụ nữ dũng cảm tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền và nhiều người trong số họ đã phải hy sinh mạng sống. Tôi đã từng viết về một số phụ nữ dũng cảm đó trên Wikipedia tiếng Việt (dưới bút hiệu Việt Chi) như : Anna Politkovskaya, Anastasia Baburova, Natalia Estemirova, Natalya Radina, Nadira Isayeva, Irina Petrushova, Marie Colvin, Helen Suzman, May Chidiac vv... VN mình cũng có những phụ nữ dũng cảm ở những mức độ khác nhau như Tạ phong Tần, Trần thị Nga, Trịnh kim Tiến, Huỳnh thục Vy, Phương Bích, Bùi thị Minh Hằng và nhiều người khác nữa.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Quần hồng VN12 August 2012 at 22:04

      Bạn Nặc Danh @19:34 ơi,

      Sao lại bỏ sót mất U Trâm, bác Lê Hiền Đức của tôi ? Bắt đền bạn đấy ... Whoa.. whoa ..whoa :)

      Delete
  9. Cám ơn bạn Quần hồng VN đã nhắc. Quả thật tôi đã quên mất U Trâm, cụ Lê Hiền Đức, bà Đặng thị Kim Liêng (và chắc chắn còn nhiều người khác nữa). Thành thật xin lỗi. Nhân đây cũng xin nói thêm : Ngoài những phụ nữ hoạt động nhân quyền mà tôi đã nêu tên trên, tôi cũng viết về rất nhiều phụ nữ nổi bật trong các lãnh vực khác, kể cả những nhà khoa học đã đoạt giải Nobel. Xin mời bạn xem 5 trang liệt kê những bài viết của tôi ở Wikipedia tiếng Việt. (Trước hết, mời bạn vd. đọc bài Anastasia Baburova, bấm vào ô XEM LỊCH SỬ ở đầu trang bên phải, kéo xuống pía dưới,bấm vào tên Việt Chi (người viết bài), sẽ dẫn bạn tới trang này. Thân mến

    ReplyDelete
  10. Bản thân tôi là đàn ông và tôi vô cùng khâm phục, biết ơn phụ nữ Việt nam. Nếu như chúng ta có rất nhiều anh hùng nam giới, thì đó chính là do những bà mẹ Vn sinh ra, nuôi nấng, giáo dục họ. Nếu như có những đau thương mất mát mà dân tộc VN phải trải qua thì PNVN là những người phải chịu đựng sự đau thương mất mát hơn ai cả. Và nếu có những bất công xảy ra với nhân dân thì cũng chính PNVN là những người hứng chịu nhiều nhất.
    PNVN không cần sự vinh danh, vì không có sự vinh danh nào cho xứng. Họ cũng không cần đền bù, vì không sao có thể đền bù cho họ.
    Các mẹ, các chị, các em luôn ở trong tim cánh đàn ông vụng về chúng tôi.

    ReplyDelete
  11. người yêu hoa phượng15 August 2012 at 20:40

    Tôi kính trọng và yêu mến những người phụ nữ như cụ Lê Hiền Đức, Bùi Hằng,Phương Bích,Tạ Phong Tần,Trần thị Nga,Trịnh Kim Tiến,Huỳnh Thục Vy...,những người không chịu khuất phục trước mọi thủ đoạn hèn mọn của nhà cầm quyền,không vìlợi ích cá nhân đã nêu cao tinh thần yêu nước,lòng tự hào dân tộc,như những đốm sáng của những que diêm nhỏ bé góp phần xua đi những đêm buồn u tối,mang lại ngày mai tươi sáng cho quê hương Việt nam.

    ReplyDelete