Khi mạng lưới Blogger ra một bản tuyên bố phản đối
điều 258 của Bộ luật hình sự (gọi tắt là tuyên bố 258), tôi hào hứng ký ngay.
Và khi mạng lưới Blogger này gửi bản tuyên bố này đến chính phủ các nước, thông
qua các sứ quán, tôi cũng tán thành.
Một luật sư hỏi tôi:
- Các bà gửi tuyên bố 258 cho chính phủ các
nước khác, thế chính phủ nước các bà, thì các bà đã gửi chưa?
Một bạn đọc Blog của tôi cũng hỏi:
- Các bạn gửi kiến nghị điều chỉnh điều 258
đến cơ quan có thẩm quyền sửa đổi luật của Việt nam TRƯỚC hay là đến các cơ
quan nước ngoài TRƯỚC?
Tôi viết thư đến hộp thư điện tử mà tôi đã ký để hỏi, đồng thời nói suy nghĩ
của tôi như thế này:
- Hàng mấy chục năm qua, đơn thư khiếu nại,
kiến nghị của dân oan (trong đó có cả chính tôi) đã gửi không còn thiếu nơi
nào, nhưng không hề được đoái hoài tới. Nay thêm một cái tuyên bố của chúng tôi
cũng không có tác dụng gì, bởi họ đã tự cho mình được quyền im lặng. (Trước đây
tôi đã viết một bài, về việc dường như họ tự cho mình có quyền im lặng thì
phải)
- Nếu đòi phải gửi đúng trình tự, theo quy
định của luật pháp thì xin thưa, các quy định đó bị chính họ bỏ xó, mốc meo hết
cả rồi. Họ không tuân theo quy định của luật pháp, hà cớ gì bắt dân chúng tôi
tuân thủ?
Có lẽ quan điểm đó cũng trùng với quan điểm của các
bạn Admin. Điều đó giải thích tại sao họ chưa, hoặc có thể sẽ không gửi tuyên
bố 258 cho chính phủ Việt Nam.
Ý khác nữa mà bạn đọc trên có nói thế này:
- ... nơi đáng ra phải nhận kiến nghị đúng
thẩm quyền thì không các chị không gửi lại đem đến nơi chẳng có liên quan gì.
Chuyện này giống chuyện Trần Ích Tắc sang nhờ hàng xóm giúp đỡ, hay chuyện con
cái gọi đầu gấu về xử bố mẹ khi bất mãn về chia thừa kế.
Ra bây giờ, người ta nghĩ chính phủ là cha mẹ dân đấy. Nói thế là hơi bị láo
lếu, nếu không muốn nói là quá láo!
Ai tạo ra ai? Nhân dân có trước hay chính phủ có
trước? Có cái gì không từ nhân dân mà ra?
Đừng nói các blogger không phải là nhân dân nhé. Dân và chính phủ là hai
khái niệm hoàn toàn không liên quan đến tuổi tác, địa vị. Nên ví dụ của bạn này là ngược đời. Nói cho đúng thì phải là, bố mẹ già yếu mà đứa con hỗn láo, đối xử tệ bạc thì nhờ xã hội can thiệp là chuyện cực chẳng đã, nhưng vẫn phải làm.