Translate

Tuesday 31 January 2012

Nhân vụ Tiên Lãng bàn về công vụ

Hoàng Xuân Phú


Tiếng nổ ở Tiên Lãng ngày 5/1/2012 đã làm chấn động bốn phương, quá đủ để thức tỉnh những ai còn có thể thức tỉnh. Nó buộc những người có lương tri phải suy nghĩ, để trả lời câu hỏi: Vì sao lại có kết cục bi thảm như vậy? Sẽ còn bi thảm hơn nếu những người cầm quyền không rút ra bài học hợp lý để xử lý đúng vụ này.
Một số người đòi nghiêm khắc xử lý ông Đoàn Văn Vươn và những người liên quan về tội chống người thi hành công vụ. Nhiều người tin rằng gia đình ông Vươn là nạn nhân của cường hào ác bá thời nay, nhưng cũng nghĩ là họ không thể tránh khỏi bị trừng phạt vì đã chống người thi hành công vụ. Ngày 10/1/2012 Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hải Phòng đã phê chuẩn quyết định của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hải Phòng, khởi tố bị can đối với ông Đoàn Văn Vươn và 3 người thân về tội giết người, đồng thời khởi tố vợ và em dâu ông Vươn về tội chống người thi hành công vụ.
Hai tiếng "công vụ" cứ lặp lại, vang lên như tiếng chuông dồn dập trong buổi chiều tà, khi cái ác hoành hành, nhân danh công vụ để ức hiếp dân lành, khiến tâm hồn bất an, lương tri bứt rứt. Vì vậy tôi phải gạt bao việc cần kíp sang một bên để viết bài này.

Công vụ hay mạo danh công vụ?
Công vụ là gì? Bách khoa toàn thư mở Wikipedia viết rằng:
"Công vụ là một hoạt động do công chức nhân danh nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội." 
Nội dung này cũng phù hợp với cách giải nghĩa trong Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam.
Rõ ràng, công vụ phải là việc công, do công chức nhân danh nhà nước thực hiện. Nếu lợi dụng chức quyền để triển khai những việc nhằm trục lợi cho bản thân, không nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội, thì không thể ngụy biện là công vụ. Những kẻ nhân danh chính quyền để chiếm đất của dân rồi giao cho người khác để kiếm chác những khoản tiền tham nhũng, thì không còn đủ tư cách xưng danh công chức để ra lệnh hay thi hành công vụ.
Công vụ phải có lý do rõ ràng và minh bạch. Lấy đất của dân, lúc thì bảo là do hết hạn thuê, lúc thì viện cớ xây dựng sân bay, lúc lại ngụy biện là để đảm bảo công bằng. Mỗi lúc tung ra một lý do khác nhau, để che dấu cái mục đích xấu xa, thì chỉ thể hiện thói dối trá đã ăn sâu vào xương tủy, đã di căn từ đầu đến chân, chứ không thể biện hộ được lý do công vụ.
Công vụ thì phải chính danh, phải có những người đủ thẩm quyền ra lệnh, thi hành và chịu trách nhiệm. Phá nhà của dân, rồi trơ trẽn vu khống cho nhân dân bức xúc nên phá, thì không thể gọi là chính danh. Việc cho công chức giả danh dân thường hoặc huy động thành phần bất hảo để giải tán biểu tình, ngăn cản khiếu kiện hay đàn áp ai đó là không chính danh. Việc dùng một thông báo không ai dám ký làm bình phong để đàn áp người biểu tình yêu nước là không chính danh. Công an mặc thường phục để rình bắt những người vi phạm quy tắc giao thông cũng không chính danh. Đang lái xe trên đường, thấy người mặc thường phục rượt đuổi, thì lấy gì để đảm bảo rằng đấy không phải là cướp? Ngay cả trong trang phục công an còn khó phân biệt được kẻ xấu, người ngay, huống chi là mặc thường phục. Vậy mà lại bắn vào đùi người đi đường chỉ vì không chịu dừng xe (theo đòi hỏi của công an giả dân), thật là ngang ngược hết mức.
Thi hành công vụ thì phải thực hiện đúng mục tiêu. Quyết định thu hồi đất một nơi, lực lượng cưỡng chế lại tiến vào hành sự trên một mảnh đất khác, hoàn toàn không nằm trong khu vực bị thu hồi, và đập phá nhà dân trên diện tích ấy. Đó là xâm phạm và phá hoại tài sản hợp pháp của công dân. Không chỉ phá hoại, một khi người tham gia cưỡng chế đã vơ vét đồ đạc, Xã đội phó cuỗm cả cái ổn áp, thì phải gọi là cướp bóc. Chẳng nhẽ công vụ là vậy sao? Nếu người nhà ông Vươn đuổi theo vị Xã đội phó và giật lại cái ổn áp, thì sẽ bị buộc cho tội chống người thi hành công vụ chăng?

Điều tiên quyết là công vụ chỉ được thực hiện theo quy định của pháp luật. Về vụ Tiên Lãng, đã có rất nhiều bài viết chỉ ra việc chính quyền địa phương quyết định thu hồi đất và tiến hành cưỡng chế đối với gia đình ông  Đoàn Văn Vươn trái pháp luật. Đặc biệt, Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã đánh giá:

"Tôi đang theo dõi sát vụ việc này nên có thể khẳng định chính quyền sai từ xã đến huyện. Điểm sai đầu tiên là để sự việc kéo dài quá nhiều năm mà không xử lý đến nơi đến chốn và thấu tình đạt lý. Người làm được, làm tốt đáng lẽ phải động viên, tạo điều kiện nhưng lại cố thu hồi của người ta, đó là cái sai thứ hai. Việc thu hồi còn trái pháp luật là cái sai thứ ba. Cái sai thứ tư là chính quyền cố tình vi phạm luật pháp, dồn người dân vào chân tường, làm họ uất ức đến mức phải chống lại."

Thiết tưởng không cần phải bổ sung thêm gì nữa. Một hoạt động, cho dù của ai, cho dù ở cấp nào, mà vi phạm pháp luật, thì tự nó đã tước bỏ chính danh của công vụ.

Vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng vi phạm tất cả những tiêu chí kể trên, nên không thể xem là một công vụ theo nghĩa tử tế. Nó đẩy chính quyền đứng trước hai lựa chọn. Nếu coi nó là một công vụ thì sẽ phải trả lời cho nhân dân câu hỏi: Tại sao chính quyền này lại có loại công vụ tệ hại, ức hiếp người dân như vậy? Nếu không coi nó là một công vụ thì cũng không thể buộc cho ông Đoàn Văn Vươn và người thân vào tội chống người thi hành công vụ, mà phải nghiêm trị những kẻ mạo danh công vụ để trục lợi, hại dân và bôi nhọ công vụ.


Thi hành công vụ hay tòng phạm việc xấu?
Bình thường, đã là công chức thì phải thực hiện nhiệm vụ được lãnh đạo phân công. Là công an, bộ đội thì lại càng phải tuân theo mệnh lệnh của chỉ huy. Kỷ luật ấy là điều kiện cần thiết để một chính quyền có thể vận hành trôi chảy.
Nếu có thể yên tâm rằng mọi nhiệm vụ đều hợp lý, mọi mệnh lệnh đều đúng đắn, thì người thi hành chỉ còn phải lo hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhưng lấy đâu ra cái yên tâm ấy giữa thời buổi tham nhũng tràn lan, trở thành quốc nạn, việc lớn việc nhỏ bị chi phối bởi các nhóm lợi ích? Khi môi trường bị ô nhiễm trầm trọng thì không thể ngây ngô tin rằng mọi giọt nước từ trên trời rơi xuống đều trong sạch; ngược lại, phải ý thức rằng nước trời có thể chứa đầy độc tố. Khi trên đầu có cả "một bầy sâu" (theo cách nói của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang) thì công chức có thể phải tiếp nhận cả những nhiệm vụ xấu xa, những mệnh lệnh sai trái.
Với những người a dua, mong được theo đóm ăn tàn, hay những kẻ chờ dịp để thỏa máu côn đồ, vốn dĩ bị kìm nén bởi địa vị công tác, như kẻ đã đạp vào mặt người biểu tình yêu nước, thì chẳng có gì khiến họ phải lăn tăn. Nhưng với những công chức mẫn cán, những sĩ quan và chiến sĩ một mực trung thành, thì hoàn cảnh trớ trêu ấy đẩy họ rơi vào tình thế khó xử. Không tuân lệnh thì vi phạm kỷ luật và băn khoăn về trách nhiệm. Mà tuân lệnh thì lại bứt rứt lương tâm, nhất là khi phải tham gia làm hại người lành. Cuối cùng thì quyền lợi bản thân thường là trọng lượng quyết định làm lệch cán cân do dự. Liều thuốc an thần hay được dùng để tự an ủi là mình chỉ làm theo phận sự, buộc phải tuân lệnh, và nếu sai thì người ra lệnh phải chịu trách nhiệm chứ không phải người thi hành…

Tiếc rằng liều thuốc ấy không đủ để gột bỏ trách nhiệm của những người tham gia vào những việc sai trái. Khi người ta sai anh làm một việc xấu xa, ví dụ như việc dùng vòi cứu hỏa phun nước thải vào người dân để giải tỏa chợ, mà anh vẫn làm, thì anh sẽ bị nhân dân nguyền rủa và gia đình anh sẽ không biết trốn đi đâu để thoát khỏi nỗi nhục nhã.

Trong hoàn cảnh ô nhiễm, cần tỉnh táo suy xét, xem cái việc mình phải thực hiện có thể coi là công vụ chân chính hay không? Việc đó xuất phát từ lý do gì? Phục vụ ai và có hại cho ai? Điều đó có chính đáng hay không? Người thi hành công vụ trước hết phải là Người, tức là phải biết tư duy, biết phân biệt phải trái... Không thể hành động một cách mù quáng, với tư duy nô lệ, theo kiểu lính đánh thuê, rằng ai trả tiền cho tôi thì tôi tuân lệnh người đó. Nếu biết rõ là việc xấu mà vẫn làm thì là tòng phạm, không thể ngụy biện là thi hành công vụ.
Điều quan trọng là phải xét xem nhiệm vụ được giao có hợp pháp hay không. Khi phát hiện ra nhiệm vụ phải thực hiện hay mệnh lệnh phải tuân theo vi phạm Hiến pháp, pháp luật, thì mọi công dân có quyền không chấp hành và có trách nhiệm đấu tranh chống lại vi phạm ấy, theo đúng quy định trong Điều 12 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992:
"Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm, các vi phạm Hiến pháp và pháp luật."
Rõ ràng, nếu có quy định buộc một loại công dân nào đó (kể cả công chức, sĩ quan và chiến sĩ trong lực lượng công an hay quân đội) phải chấp hành cả những mệnh lệnh tiến hành công vụ vi phạm Hiến pháp, pháp luật, thì quy định ấy vi phạm Điều 12 của Hiến pháp hiện hành, và hiển nhiên nó phải bị hủy bỏ.
Tiếc rằng, có cả cán bộ, chiến sĩ quân đội tham gia cưỡng chế gia đình ông Đoàn Văn Vươn, trong khi Hiến pháp năm 1992 xác định nhiệm vụ của quân đội là bảo vệ Tổ quốc, chống ngoại xâm (Điều 46) và nhiệm vụ của công an mới là bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội… (Điều 47). Tức là các cán bộ, chiến sĩ ấy đã vượt khỏi khuôn khổ hoạt động của quân đội được quy định trong Hiến pháp hiện hành. Đây là một vi phạm Hiến pháp nghiêm trọng, mang tính nguyên tắc. Không thể biện hộ là do thiếu hiểu biết, vì đó là kiến thức pháp luật tối thiểu và Luật số 16/1999/QH10 về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã quy định là sĩ quan phải có trình độ về pháp luật (Điều 12). Một khi tham gia vào chuyện không được Hiến pháp cho phép thì không thể quan niệm là các sĩ quan và chiến sĩ quân đội đã thi hành công vụ, và nếu quả thật cuộc cưỡng chế gia đình ông Vươn là sai trái thì họ đã trở thành tòng phạm trong một vụ việc xấu. Khi đó, nếu có bị thương thì cũng nên ráng chịu, thay vì oán trách những người bị dồn vào bước đường cùng.
Kể cả trong trường hợp có vẻ như không vi phạm pháp luật hiện hành thì người công chức cũng nên thận trọng xem xét khía cạnh đạo lý của nhiệm vụ được giao. Đừng ỷ vào hai chữ "công vụ" và vị thế "thi hành mệnh lệnh" mà cho rằng chúng đủ để bảo vệ mình vĩnh viễn. Biết bao sĩ quan và binh sĩ của chế độ cũ đã bị giam vào trại cải tạo nhiều năm, mặc dù họ có thể biện minh rằng họ chỉ thi hành mệnh lệnh theo đúng nghĩa vụ của người lính và hành động của họ phù hợp với pháp luật của chế độ cũ.
Càng trung thành với chế độ thì càng phải ý thức rằng: Trong số những mệnh lệnh, nhiệm vụ mà mình tiếp nhận, có thể có những cái mà hệ quả của chúng là bôi nhọ và phá chế độ. Vụ cưỡng chế gia đình ông Đoàn Văn Vươn là một trong rất nhiều trường hợp như vậy. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhận định rằng:
"… rõ ràng vụ việc Tiên Lãng là một tổn thất chính trị lớn cho uy tín của các cấp ủy và chính quyền Hải Phòng và ảnh hưởng xấu đến cả nước."
Cho nên, nếu cứ mù quáng chấp hành mọi mệnh lệnh sai trái thì sẽ có tội với chính chế độ mà mình đang phụng sự.
Phán xét cuối cùng không phải lời vàng ý ngọc của lãnh đạo, cũng không phải là phán xử của tòa án, mà thuộc về nhân dân, thuộc về lịch sử. Nếu tham gia vào chuyện bất nghĩa, thất đức, thì vỏ bọc công vụ sẽ không đủ để che chở trước sự lên án của nhân dân và sự phán xét của lịch sử.

Tội chống người thi hành công vụ
Chế độ nào cũng có trách nhiệm bảo vệ người thi hành công vụ. Chế độ này cũng rất tích cực trong việc ấy, thậm chí là trên cả mức hợp lý. Khi có va chạm, xung đột, thì tội của những người thuộc bộ máy chính quyền hay được nương nhẹ, thậm chí được bao che, còn tội của dân thường thì bị nghiêm trị, nhiều khi nghiêm hơn cả mức cần thiết. Kiểu cư xử không công bằng, quá nuông chiều người của chính quyền, đồng thời coi nhẹ dân thường, khiến nhiều công chức, công an ngày càng trở nên quá trớn, hay lợi dụng lý do công vụ để làm chuyện bất minh. Bức xúc dồn nén, dẫn đến hành động chống người thi hành công vụ ngày càng gia tăng, đó cũng là quy luật.
Khi công vụ được thi hành một cách đúng đắn thì người chống lại cần bị trừng phạt. Nhưng khi công vụ được thực hiện không đúng với quy định của pháp luật thì không thể đòi hỏi người dân phải im lặng chấp thuận, và không thể đơn giản kết tội chống đối nếu người dân có phản ứng tự vệ.
Bộ luật hình sự của nước Đức được ban hành vào năm 1871, với tội chống người thi hành công vụ được quy định ở Điều 113, trong đó viết rõ điều kiện áp dụng là công vụ được thực hiện đúng pháp luật (rechtmäßige Ausübung). Tức là không thể mặc nhiên kết tội này cho người chống lại nếu công vụ được thực hiện sai pháp luật. Điều kiện "thực hiện đúng pháp luật" được duy trì trong Điều 113 suốt 98 năm, "sống sót" qua 4 lần chỉnh sửa Bộ luật hình sự, kể cả lần chỉnh sửa vào năm 1943 dưới thời phát xít. Đó là một yếu tố pháp lý quan trọng để bảo vệ người dân trước khả năng lạm dụng quyền lực của bộ máy công quyền. Chưa yên tâm với điều kiện đó, năm 1970 các nhà lập pháp Cộng hòa Liên bang Đức đã thay nó bằng một điều khoản rõ ràng hơn, có tác dụng bảo vệ người dân triệt để hơn, đó là:
"Hành động (chống người thi hành công vụ) không thể bị xử phạt theo quy định này (tức là quy định trong Điều 113) nếu việc thực hiện công vụ không đúng pháp luật."
Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 1985 (trong đó tội chống người thi hành công vụ được quy định ở Điều 205) và được sửa đổi, bổ sung 4 lần trong các năm 1989, 1991, 19921997. Năm 1999 Quốc hội thông qua Bộ luật hình sự mới (trong đó tội chống người thi hành công vụ được quy định ở Điều 257) và nó đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2009. Trong cả hai lần ban hành và qua 5 lần chỉnh sửa Bộ luật hình sự, điều về tội chống người thi hành công vụ chỉ quy định một chiều về việc xử phạt đối với những người chống người thi hành công vụ, mà không nhắc đến điều kiện công vụ phải được "thực hiện đúng pháp luật", lại càng không có khoản nào để bảo vệ dân oan, buộc phải tự vệ trước hành động vi phạm pháp luật của người mang danh thi hành công vụ. Xét về phương diện này thì B lut hình s hin hành ca Vit Nam không bằng B lut hình s ca Đc ra đi cách đây 141 năm, chỉ 4 tháng sau khi Đế chế Đc (Deutsches Kaiserreich, 1871-1918) được thành lập.
Khiếm khuyết này của Bộ luật hình sự khiến các "con trời" càng dễ ngộ nhận và tùy tiện chụp lên đầu người dân tội chống người thi hành công vụ. Bị công an đánh mà giơ tay che chắn theo phản xạ tự nhiên cũng có thể bị ghép cho tội ấy. Một số công an không mặc quân phục, không xuất trình giấy tờ chứng minh tư cách công an, nhưng nếu người dân nghi ngờ và không tuân theo đòi hỏi của họ, thì họ cũng có thể nổi nóng, vu cho người dân tội chống đối. Trong vụ Tiên Lãng, khi xảy ra đụng độ, bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) và bà Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) đứng trên đê, từ xa nhìn lại. Vậy mà hai người phụ nữ yếu ớt ấy lại bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ.
Dù xã hội văn minh đến đâu thì cũng vẫn xảy ra việc người thi hành công vụ vô tình hay cố ý vi phạm pháp luật, khiến người dân phải tự vệ một cách chính đáng. Cho nên, những quy định pháp lý như trong Bộ luật hình sự của Đức để bảo vệ người dân trước khả năng công quyền bị lạm dụng là thực sự cần thiết. Ở Việt Nam, khi mà sự tha hóa và tham nhũng đã làm ô nhiễm bộ máy công quyền, công chức quá thiếu hiểu biết về pháp luật, tòa án hay xét xử tùy tiện, thì những quy định để bảo vệ dân oan lại càng bức thiết. Rõ ràng, các nhà lập pháp đang nợ nhân dân việc sửa đổi Điều 257 (về tội chống người thi hành công vụ) của Bộ luật hình sự hiện hành, để đáp ứng đòi hỏi cấp bách của cuộc sống.
Ngay cả với quy định hiện nay của Bộ luật hình sự thì cũng không thể đơn giản buộc cho những người trong gia đình họ Đoàn tội chống người thi hành công vụ, nếu không chứng minh được rằng việc cưỡng chế là một công vụ đúng đắn, được thi hành theo đúng quy định của pháp luật, và mọi người được huy động đều có đủ tư cách pháp lý để tham gia. Khi quyết định thu hồi đất là sai thì việc cưỡng chế cũng sai. Cho dù coi quyết định thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn là đúng, thì việc lực lượng cưỡng chế có trang bị vũ khí hiện đại tự tiện tiến vào khu đất không thuộc diện thu hồi và phá hủy ngôi nhà của ông Đoàn Văn Quý nằm trên mảnh đất đó là hoàn toàn sai.
Theo Quyết định thu hồi số 461/QĐ-UBNDQuyết đnh cưng chế s 3307/QĐ-UBND của UBND huyện Tiên Lãng thì phạm vi cưỡng chế chỉ là 19,3 ha đã được giao cho gia đình ông Vươn theo Quyết định số 220/QĐ-UBND. Những người họ Đoàn không hề có mặt trên diện tích 19,3 ha ấy, không cản đường vào khu vực ấy, nên không thể nói là họ chống lại lực lượng cưỡng chế, nếu lực lượng này chỉ tiến hành cưỡng chế theo đúng Quyết định số 3307/QĐ-UBND. Anh em họ Đoàn chỉ ở trong nhà của mình, trên mảnh đất hợp pháp của mình, vì vậy họ có quyền tự vệ nếu có người tấn công họ.
Mục tiêu thực sự của cuộc cưỡng chế ở Tiên Lãng ngày 5/1/2012 là gì? Hãy xem An ninh Thủ đô 5/1/2012 tường thuật:
"Trước đó vào lúc 7 giờ 30, đoàn công tác của UBND huyện Tiên Lãng gồm hơn 100 CBCS Công an, quân đội và Bộ đội Biên phòng và đại diện các ban ngành chức năng tổ chức cưỡng chế diện tích đất hơn 50 ha đầm nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả tại vùng bãi bồi ven của Đoàn Văn Vươn (SN 1960) đã đấu thầu nhiều năm nhưng đến nay đã hết hạn không chịu đóng thuế trong thời gian dài."
"Để đảm bảo an toàn cho đoàn công tác cưỡng chế, một tổ công tác bí mật tiếp cận ngôi nhà của Vươn xây dựng trên diện tích đất này thì bất ngờ một quả mìn tự chế phát nổ hất văng 2 CBSC công an huyện Tiên Lãng làm bất tỉnh tại chỗ nhưng rất may là không gây thương vong."
"... khi tổ công tác vừa áp sát ngôi nhà thì bất ngờ từ trong nhà Vươn cùng người nhà chĩa súng bắn đạn hoa cải liên tiếp nhả đạn vào lực lượng chức năng, làm 4 Cán bộ chiến sỹ Công an và một số cán bộ chiến sỹ quân đội bị thương."
Như vậy, ngay từ đầu người ta đã định cưỡng đoạt toàn bộ diện tích đất mà gia đình ông Đoàn Văn Vươn đang sử dụng (tức bao gồm cả 21 ha không có quyết định thu hồi). Điều này cũng được Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền đề cập trong cuộc họp báo chiều ngày 5/1/2012. Hơn nữa, lực lượng vũ trang đã chủ động tiếp cận ngôi nhà của ông Đoàn Văn Quý (mà An ninh Thủ đô gọi là "ngôi nhà của Vươn"), nằm trên diện tích 21 ha không thuộc diện thu hồi. Có nghĩa là ngôi nhà vô can và hợp pháp ấy đã bị xác định là mục tiêu tấn công, trước khi người nhà họ Đoàn có bất cứ biểu hiện chống đối nào. Chỉ khi lực lượng vũ trang tiếp cận ngôi nhà của ông Quý thì quả mìn mới phát nổ và sau đó, khi lực lượng ấy lại áp sát ngôi nhà thì đạn hoa cải mới bắn ra.
Làm sao có thể biện minh được việc huy động lực lượng công an và quân đội để tấn công vào nhà đất hợp pháp của công dân như vậy? Chuyện "không chịu đóng thuế trong thời gian dài" được đưa ra không chỉ để bổ sung thêm tội, mà có lẽ để biện hộ cho việc chiếm cả diện tích 21 ha chưa hết hạn cho thuê. Cái mẹo không chịu nhận tiền thuế của dân để sau này dễ bề "gây sự" đã trở thành kinh điển từ lâu. Có điều, dân đóng thuế thì không chịu nhận, rồi lại vu cho dân không chịu đóng thuế, thì quá vô liêm xỉ.
Nếu lực lượng cưỡng chế chỉ tới diện tích 19,3 ha ghi trong Quyết định thu hồi số 461/QĐ-UBND và Quyết định cưỡng chế số 3307/QĐ-UBND, không tùy tiện tiến vào khu vực 21 ha mà quyền quản lý và sử dụng hợp pháp hoàn toàn thuộc về anh em họ Đoàn, không tiếp cận ngôi nhà của ông Quý, thì mìn đã không nổ, súng đã không bắn và do đó không có ai bị thương cả. Vậy thì, nói cho cùng, ai mới là người phải chịu trách nhiệm về việc 4 cán bộ, chiến sĩ công an và 2 cán bộ quân đội bị thương? Nếu có tội giết người trong vụ này, thì ai mới là người phải chịu tội ấy?
Giả sử công vụ không vi phạm pháp luật hiện hành, thì khi phán xét về tội chống người thi hành công vụ cũng không thể bỏ qua khía cạnh đạo lý. Vâng, có một thứ cao hơn cả pháp luật, bền hơn cả chế độ, đó là đạo lý. Đất đã giao cho dân sử dụng bao nhiêu năm nay, dân đã đổ biết bao công sức và tiền của để cải tạo và gây dựng, bây giờ chính quyền thu hồi mà không bồi thường, rồi giao cho cá nhân khác, thì chẳng đạo lý nào chấp nhận được.
Trước khi lên án một hành động chống người thi hành công vụ thì nên lưu ý là tội này không phải là một phạm trù tuyệt đối, không phải là vĩnh cửu. Trên cương vị cầm quyền thì thấy hành động chống người thi hành công vụ rõ ràng là một tội cần bị trừng trị nghiêm khắc, không thể bàn cãi. Nhưng nếu chịu khó lục lại trí nhớ, quay về thuở còn đang tìm cách giành chính quyền bằng bạo lực, sẽ thấy thời ấy quân ta cũng đã từng chống người thi hành công vụgiết người thi hành công vụ của chế độ cũ.
Những tiếng nổ tuyệt vọng làm cộng đồng tỉnh giấc, nhưng cũng làm tan nát một đại gia đình. Giá mà mấy anh em họ Đoàn kiềm chế hơn… Nhưng liệu họ còn có cách hành động nào khác, để cứu thành quả lao động vất vả mấy chục năm và bao tỷ đồng còn vay nợ, hay không? Khiếu nại với chính quyền, với tòa án địa phương ư? Thì họ đã làm rồi. Không thu được kết quả cần thiết, mà lại còn bị lừa. Khiếu nại với chính quyền trung ương và tòa án cấp cao hơn ư? Bao dân oan kéo về thủ đô đã bị trả về địa phương với lý do không được khiếu kiện vượt cấp. Hơn nữa, kết quả của một số vụ xét xử gần đây cho người dân cảm giác rằng cấp nào xử cũng vậy. Gửi kiến nghị cho X, Y, Z ư? Ngay cả các bậc đại công thần gửi tâm thư cũng không nhận được hồi đáp, các trí thức có tên tuổi kiến nghị hay khởi kiện cũng không được trả lời tử tế, vậy thì những người như ông Vươn (đến cả cấp xã cũng coi là dân ngụ cư nên không cần quan tâm) có thể hy vọng gì? Có lẽ gia đình họ Đoàn cảm thấy mọi nẻo đường hợp pháp đều đã bị chặn đứng, nên đành liều tự xử. Trách nhiệm gây ra cảnh bất công cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn có thể thuộc về một số người trong bộ máy chính quyền ở Hải Phòng. Nhưng để cho người dân mất hết niềm tin, manh động trong tuyệt vọng, thì trách nhiệm chắc chắn không chỉ nằm ở cấp Hải Phòng.
Giá mà gia đình họ Đoàn kiên trì hơn, như bao người theo đòi công lý suốt hàng chục năm không nản… Nhưng cũng nên thông cảm với sự sốt ruột của những người chăn nuôi hải sản, không thể bỏ rơi đàn tôm cá hàng năm trời. Vả lại, khi trời chưa kịp yên, sóng chưa kịp lặng, mà những người mới tiếp quản đã vơ vét hàng chục tấn hải sản, thì làm sao có thể đòi hỏi những người chủ thực sự của khối tài sản ấy điềm tĩnh được. Hoàn cảnh của họ cũng giống như người mẹ nghe tiếng con trẻ khóc thét trong căn phòng kẹt khóa bị hỏa hoạn, hiển nhiên là cuống cuồng tìm mọi cách để phá cửa ngay lập tức.
Giá mà người nhà họ Đoàn không bắn vào lực lượng tham gia cưỡng chế, vì họ chỉ là những người thừa hành… Tiếc thay, không mấy khi kẻ cầm đầu ra trận. Cũng như trong các cuộc chiến tranh, cho dù mệnh lệnh sai trái được phát ra từ bộ máy đầu não xa xôi, thì đạn cũng chỉ nhằm vào những người lính đối phương đang lăn lộn trên chiến trường. Không nhằm vào đó thì biết nhằm vào đâu nữa?
*
*   *
Trên đây tôi chỉ trao đổi một số khía cạnh liên quan đến khái niệm "công vụ", "thi hành công vụ" "tội chống người thi hành công vụ". Hy vọng chúng sẽ có ích, không chỉ cho việc xem xét vụ Tiên Lãng.
Tiếng nổ đã phát ra, không thu lại được nữa. Vấn đề còn lại chỉ là đánh giá và xử lý như thế nào? Nếu cương quyết trừng trị bọn lộng hành, tham nhũng và trả lại công bằng cho người dân, thì mới hy vọng khôi phục được niềm tin của nhân dân và sự bình yên của xã hội. Nếu tiếp tục lấp liếm, xử lý một cách thiên vị cho phía công quyền và dồn tội lên đầu nạn nhân, thì sẽ góp phần đẩy đất nước vào một chu kỳ loạn lạc. Bức xúc dồn nén khắp nơi, có lẽ đã ở mức tới hạn của phản ứng dây chuyền.
Tiếng nổ ở Tiên Lãng ngày 5/1/2012 chỉ dừng lại ở vai trò cảnh tỉnh để phục hồi công bằng và luân lý, hay sẽ trở thành tiếng nổ khởi đầu cho loạt nổ lan rộng tiếp theo, điều đó phụ thuộc vào cách xử lý của những người cầm quyền đối với vụ Tiên Lãng.

Hà Nội, ngày 28/1/2012

Nguồn http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=NhanVuTienLangBanVeCongVu-20120128

Monday 30 January 2012

Chỉ ăn với ngủ thì khác gì loài thảo mộc?

Năm mới, một người bạn chúc tết, bảo năm nay mình bước sang tuổi 53 âm rồi đấy, nhớ cẩn thận nhé! Tôi hiểu ý người bạn, là người ấy muốn nói về chuyện tôi cứ hay quan tâm đến những chuyện xã hội đấy.
Dù sao tôi cũng cảm ơn và bảo: Yên tâm! Ở Việt Nam ta không ai bị bắt vì lý do bất đồng chính kiến đâu.
Nói về chuyện chính kiến thì phải kể chuyện này. Trước đây, nhiều lần thấy bố với các “chiến hữu” cứ say sưa nói chuyện “quốc gia”, tôi có ý kiến rằng bố với các bác chỉ nói với nhau như thế thì có tác dụng gì? Bố bảo: con người sống mà không quan tâm đến chuyện xung quanh mình, cứ ăn với ngủ thì khác gì loài thảo mộc?
Đến đận tôi đưa cho bố xem những bài viết của bác Tống Văn Công, bác Nguyễn Trung, Cù Huy Hà Vũ...bố thích lắm nhưng lại bảo: con say sưa chính trị vừa phải thôi. Nhân viên thường như con, quan tâm đến chuyện đấy ích gì?
Tôi nhắc lại lời của bố. Nếu chỉ biết ăn, ngủ, hưởng thụ ...thì khác gì giống cỏ cây? Cuộc sống có cái xấu cái đẹp, cái thiện cái ác, có cái nên làm và có cái không nên làm. Chuyện tốt khen xấu chê là lẽ thường ở đời. Mọi cái khen chê, yêu ghét nó phải rõ ràng, không thể nhờ nhờ ba phải được. Những cái đó có phải là chính trị không?
Tôi chẳng phải là ông to bà lớn gì, cũng chẳng phải người có trọng trách gì, nhưng hễ thấy ngang tai trái mắt thì cứ hay lên tiếng. Gặp người biết lắng nghe thì phúc. Gặp kẻ bất chấp lý lẽ thì mình thua, chứ có đánh đấm, chửi bới được ai đâu. Thích nhất câu nói của giáo sư Huệ Chi: “Chúng tôi viết để cho thấy 85 triệu người dân không phải là những con  bò”. Câu thơ của giáo sư viện sĩ Hoàng Xuân Phú: “Ta lên tiếng, họ biết ta là ai. Họ phản ứng, ta biết họ là ai”
Vĩ nhân hay chính trị gia suy nghĩ tầm của vĩ nhân, của chính trị gia. Thảo dân như tôi thì suy nghĩ tầm của thảo dân. Sống trong một xã hội mà cứ như kẻ đui mù sao được, dù chỉ là cái chuyện ở tầm “cướp, giết, hiếp”. Đã nghe, đã thấy thì tự dưng nó cứ phải nghĩ. Tôi lấy làm lạ, rằng nhiều người thấy những điều rõ ràng là sai, là xấu. Nhưng hễ cứ động đến lại một mực thở dài: không thay đổi được gì đâu. Nói cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Thằng cháu họ tốt nghiệp luận án tiến sĩ dược ở Paris, thuộc diện học bổng toàn phần cũng thở ra cái giọng điệu như thế. Sau khi cho nó thấy là cái thứ nó không phải là đối tượng để tôi tranh luận, tôi thắc mắc không biết có bao giờ nó tự hỏi: một tiến sĩ khoa học như nó mà bao nhiêu năm nay lương vẫn chưa nổi 4 triệu. Điều đó phải phản ánh lên điều gì chứ?
Ngán nhất là mỗi khi nói về những vấn nạn của xã hội, người ta lại bảo sao không nhìn vào những mặt tích cực của xã hội? Thế cứ tưởng các xã hội văn minh khác đã là tốt đẹp hơn à? Cũng đầy rẫy những tội ác và bất công đấy.
Chao ôi! Thế kỷ này là thế kỷ thứ bao nhiêu rồi? Chiến tranh cũng qua gần bốn chục năm rồi mà sao người ta vẫn bằng lòng với những gì ít ỏi đã đạt được thế? Tôi không tranh luận, chỉ lấy dẫn chứng bằng những con số cụ thể để đặt câu hỏi. Loanh quanh lại vẫn bảo: khó lắm! Không thay đổi được đâu. Thật tức chết đi được.
Một cậu là cán bộ công đoàn chuyên trách cấp trung ương, nghe tôi nhắc đến vụ Đoàn Văn Vươn thì a lên một tiếng bảo: À! Cái tay này hết thời hạn được giao đất từ lâu rồi nhưng không chịu giả cho nhà nước, chỉ vì tiếc số tiền đã đầu tư nên chống đối lại chính quyền đây mà. Tôi hỏi cậu lấy thông tin ấy ở đâu ra thì cậu ấy ra vẻ hiểu biết lắm: thì em  đọc báo mạng chứ đâu. Tôi hỏi cậu đọc báo nào? Thì báo Vnexpress, báo Dân trí. Tôi lại hỏi thế cậu có biết tại sao báo Thanh niên, báo Tuổi trẻ đều đã từng bị thay đổi Tổng biên tập vì lý do gì không? Cậu ấy không trả lời mà lại cao giọng hỏi lại: thế bác bảo em phải đọc báo nào bây giờ? Tôi cũng không trả lời mà chỉ bảo, thôi cậu cứ chờ xem rồi vụ này nó đến đâu rồi khắc biết. Tôi tin là trước sau rồi cậu ấy cũng sẽ biết. Dù muốn bưng bít đến đâu rồi cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải tòi ra.
Nghe tin trên mạng, thì cả những người đàn bà trong gia đình anh em nhà ông Vươn cũng bị đánh rất dã man (tôi nghe trên youtube), còn trong trại tạm giam, anh em nhà ông Vươn bị quản giáo đánh đập, nhục mạ mà căm giận quá. Sao lại có những kẻ hèn mạt đến thế. Những con người mà có tâm ác thì ở đâu cũng ác, khoác cái gì lên người cũng ác. Tôi nhớ hôm đi cùng Kim Tiến đi đến Bộ Công an ở phố Yết Kiêu, thấy Kim Tiến cầm bức ảnh tiến ông Tùng tiến đến trước cổng, cậu công an trẻ măng vội đi ra hỏi có việc gì. Tôi bảo cháu nó muốn hỏi tại sao vụ công an đánh chết bố nó mãi vẫn chưa xử thế, nhân tiện ta thán: dạo này công an đánh chết dân nhiều quá. Cậu công an trẻ không phản ứng gì về lời ta thán của tôi, chỉ hướng dẫn sang bên số 3 Nguyễn Thượng Hiền để khiếu nại. Bây giờ lại nghe bác Lê Hiền Đức khóc bảo: bây giờ công an đánh chết dân nhiều quá....đúng là cái thiện cúi đầu thì cái ác sẽ lên ngôi thôi.
Năm mới mà toàn nói chuyện buồn. Rét quá nên chẳng đi đâu ra khỏi nhà. Hôm qua ấm ấm trời mới đi uống rượu ốc với mấy anh chị em (mình không uống rượu, chỉ ăn ốc). Bác Gốc Sậy có tý hơi men vào, khật khừ bảo: thương mụ Hằng béo quá. Ừ! Mấy hôm rét tê tái, nhiều người vào facebook kêu rên thương Bùi Hằng. Có lẽ không chỉ thương Bùi Hằng, mà cả những con người khốn khổ đang ở đâu đó dù bên trong hay bên ngoài nhà tù nữa chứ.


Friday 27 January 2012

Tý nữa thì chết!

Xem ra vẫn không chữa được cái tật lớt phớt. Hôm nọ ngồi chè cháo, nhân nói về việc biểu tình, một vị nói:
-  Các cậu thật ngây thơ, lại đi biểu tình để ủng hộ ra luật biểu tình! Chẳng hóa ra các cậu biểu tình khi chưa có luật à? May cho các cậu là họ đàn áp đấy, nếu không là các cậu có tội với nhân dân đấy. Hiến pháp đã cho phép người dân có quyền biểu tình. Không có luật có nghĩa là cái quyền đó vẫn còn nguyên giá trị, vì làm gì có luật nào cao hơn Hiến pháp? Còn việc họ đàn áp, lịch sử sẽ phán xét!
Tôi cãi cối:
- Họ cũng biết thừa là chẳng phải người dân ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng đâu mà chỉ là mượn lời ông ta để khẳng định cái quyền biểu tình là chính thôi ạ.
- Thế nhưng người dân không ai có thì giờ để mà tìm hiểu cái đó. Họ chỉ biết: À! Mấy ông mấy bà ấy đi biểu tình ủng hộ thủ tướng đấy. Ủng hộ cái gì nhỉ? À! Ủng hộ ra Luật biểu tình! Chết mẹ không. Đòi ra một cái vốn đã có sẵn mới lạ chứ. Các vị thật là...
Thảo nào hôm 27/11 chả có vị nhân sĩ trí thức nào đi cả. Đến lúc thấy bị đàn áp, tôi còn thầm trách các bác ấy...Hóa ra các bác ấy rất tỉnh táo. Chỉ có mình là ngu quá. Hic! Đúng là nhiệt tình cộng với ngu dốt thành ra phá hoại. Nhưng có lẽ giời vẫn còn phù hộ, họ lại đàn áp chúng tôi. Nếu hôm đấy họ sốt sắng bảo: Được! Chúng tôi sẽ ra luật cho các vị ngay. Thế thì đúng là chúng tôi đắc tội mất rồi. Đúng là tý nữa thì chết.
Nhưng tôi vẫn thắc mắc, là ngay cả một số nước văn minh thì hình như biểu tình cũng phải xin phép đấy?
Không phải là xin phép mà là đăng ký - trong trường hợp biểu tình có người đứng ra tổ chức!
Đăng ký với xin phép là khác nhau đấy nhé. Ngay cả những cuộc biểu tình mang tính thời sự thì cũng không cần phải đăng ký, vì nếu thế nó sẽ mất tính thời sự đi.
Thực ra ngay từ hồi mọi người bàn tán xôn xao trên mạng về cái luật biểu tình, tôi đã có rất nhiều thắc mắc. Mới có biểu tình tự phát thế này mà các vị chính quyền đã cho người đến từng nhà vận động, đe dọa, gây đủ thứ sức ép từ việc ăn ở, học hành, việc làm (điều này càng chứng tỏ họ không có quyền cấm chứ nếu không họ mất thì giờ vận động, đe dọa...để làm gì). Bây giờ mà lại có người đứng ra tổ chức thì cái người ấy chắc khó mà bảo toàn. Thế nếu không có người đứng ra tổ chức thì đăng ký hay xin phép kiểu gì? Lũ lĩ cả trăm người cứ xếp hàng thì đến mùa quýt à? Chắc gì người còn sống đến lượt được phép biểu tình?
Tôi về đọc lại bài viết của bác Hoàng Xuân Phú. Mới được đoạn đầu đã thấy giật mình. Đúng là mình ngu thật. Lại thêm cái tội không đọc kỹ. Thế mà đã xoen xoét bảo thấy nó sáng rỡ như ban ngày, đùng đùng đi biểu tình ủng hộ ra luật biểu tình. May bác Phú không đọc, chứ không hẳn bác ấy cười chết. Xấu hổ quá đi thôi.

Monday 23 January 2012

Say

Say quá! Chỉ một ly rượu vang mà say đến thế! Ai bảo uống rượu một mình không thú vị nào? Chẳng phải giữ ý giữ tứ. Có thể cười một mình, có thể đi liêu xiêu trong nhà. Nhìn vào gương thấy má đỏ tưng bừng, trông quậy quá!
Mấy ngày tết quay cuồng suốt từ sáng sớm đến nửa đêm. Nhà có hai bố con mà sao lắm việc phải làm thế. Ngày chạy ra chợ dăm sáu bận. Trưa ba mươi, chợt nhớ trong nhà chỉ còn 2 nén hương vòng, thế là lại xách xe chạy vòng quanh. Hâm không thể tưởng được! Cứ tưởng vào siêu thị thì cái gì cũng có, chạy hộc tốc vào hỏi nhưng không có, tức mình ôm một bịch rượu vang Tây Ban Nha về. Gần đến nhà thì lại thấy bán hương vòng ngay đầu ngõ ! Tức chỉ muốn chửi thề.
Nhưng thôi, thế mới có rượu vang để uống chứ, để bây giờ chống chếnh say thế này chứ. Lúc này được chui vào chăn đánh một giấc đến chiều thì tuyệt. Nhưng ngày tết, người ta thường đến bất chợt, nhỡ mình say ngủ như chết, không có người ra mở cửa thì “dông” cả năm. Đành ngồi ngất ngư bên máy tính, vừa “tâm tư” lại vừa trông chừng nồi cháo cho bố.
Đầu năm dương lịch, bố đi gặp gỡ các chiến hữu. Lúc ra về, cụ mải nhìn ông bạn già nên tưởng đã xuống đến hết cầu thang. Vậy là cụ tiếp đất sai quy trình, dẫn đến gãy cổ xương đùi. Cả nhà xúm vào bàn bạc, thống nhất không mổ mà chữa bằng Đông y. Sau hơn 10 ngày đắp lá, cụ đã ngọ ngoạy được và không kêu đau nữa. Cụ nằm một chỗ, nghe con cái cháu chắt đến thăm ra “nghị quyết”, từ nay cụ không được đi đâu ra khỏi nhà. Cụ cười buồn bảo:
- Cái nhu cầu tinh thần nó quan trọng lắm. Cả năm không gặp nhau, nhớ nhau ghê lắm. Mà lứa tuổi của bố các cụ lần lượt rủ nhau đi cả rồi, nên còn đi được ngày nào là cố mà đi, có ai ngờ đã cẩn thận thế rồi mà vẫn...
Con cháu thì khó thông cảm cho người già, cứ biết là không muốn cho cụ đi đâu ra khỏi nhà để dễ bề coi sóc. Hic! Có biết đâu đã ngã thì ở trong nhà cũng ngã chứ cứ gì ra khỏi nhà. Bằng tuổi bố thì các con biết!
Cạo râu, gội đầu cho bố ăn tết. Bố mãn nguyện lắm, bảo từ ngày đẻ con ra đến giờ hơn năm mươi năm, đây là lần đầu tiên được con cạo râu cho. Gội đầu thì không khác gì ngoài hiệu, sướng quá! Niềm vui của tuổi già đơn giản thế đấy.
Các anh chị và các cháu vừa đến chúc tết, mừng tuổi bố. Cả nhà bỗng chốc ồn ào quá. Cười nói nhiều quá hết cả say. Mọi người đến rồi lại đi. Mình tỉnh rồi lại thích say thêm lần nữa. Mai định xuống vườn đào chơi, cảm nhận xem tâm trạng của người đi ngắm hoa trong giá rét nó ra sao.
Vườn đào chiều muộn ngày mồng 2 tết - vắng ngắt, đìu hiu trong gió rét





Vì chụp vườn đào qua hàng rào kẽm gai nên đào toàn mất ngọn, máy lại tậm tịt, trời cứ tối dần nên chẳng kịp ngắm nghía căn chỉnh nữa. Đành xem tạm vậy.




Kỷ niệm Tân Mão




Tặng những người đã lên tiếng
bảo vệ chủ quyền biển đảo,
bảo vệ ngư dân và
bảo vệ quyền công dân

Ta lên tiếng
Họ biết ta là ai
Họ phản ứng
Ta biết họ là ai
Qua thử thách
Ta biết ta là ai

Vẫn vấn vương
Lo nỗi lo mất mát biên cương
Nặng tình thương
Đau nỗi đau chơi vơi nơi biển cả
Chả chịu chìm
Trong đớn hèn, ích kỷ
Còn biết sĩ
Để không cúi rạp mình
Dám tư duy
Để nghĩ suy những điều phải trái

Tân Mão qua
Ta thanh thản
Mừng
Ta chưa mất ta

Hoàng Xuân Phú
Hà Nội, 22.1.2012
http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=differentwritings
Cuối năm bận bịu quá, mấy anh em đùa vui với nhau: sao chả thấy ai tổng kết thế nhỉ? May làm sao thấy bài thơ này của bác Phú, vội xin về nhà luôn. Chỉ một đôi lời ngắn ngủi đã thay mọi lời nói rồi. Cảm ơn bác Phú nhiều.

Tuesday 17 January 2012

Tội của em

Em ngốc nghếch
Xồn xồn yêu nước
Giữa cái thời người tỉnh táo làm thinh

Em ngây ngô
Tin quyền hiến định
Luật để thờ em lại ngỡ nghiêm minh

Em dại dột
Gọi tên Hoàng Sa
Tim lỡ đập những nhịp rung phạm húy

Em bị truy                
Bị bắt bị giam
Đời chỉ lặng khi tâm hồn vô cảm

Em nửa đời
Vẫn khờ vẫn dại
Anh cũng ngu – mong em mãi dại khờ

Mặc buốt lạnh
Ấm lòng em nhé
Anh muốn gửi cho em thêm chút lửa

Có cửa nào không bớt xén tình thương?
  
Hoàng Xuân Phú
Hà Nội, 5.1.2012

Xin man phép bác Phú được lấy bài thơ này của bác về nhà em. Đây sẽ là món quà quý giá dành cho Bùi Hằng trong chuyến đi thăm đầu xuân. Nếu họ không cho đem bài thơ vào trại giam, Bùi Nhân sẽ học thuộc lòng để đọc cho mẹ Bùi Hằng nghe. Rất cảm ơn bác Phú.

Sunday 15 January 2012

Nghìn bước chân, nghìn tiếng kêu liệu có thấu đến trời cao?

Hôm xử trung tá công an đánh gãy cổ ông Trịnh Xuân Tùng dẫn đến việc ông Tùng tử vong, tôi đến muộn vì mắc chút việc. Ngoài cổng tòa vắng hoe vắng hoét. Gọi điện hỏi bạn bè thì mọi người nói tất cả đang ở cà phê 52 Hai Bà Trưng vì không được vào. Ngay cả người có giấy mời đến muộn, họ cũng hoạnh họe gây khó dễ. Có lẽ vụ án xảy ra đã lâu, có lẽ bây giờ xã hội còn nhiều những mối bận tâm khác như vụ án Lê Văn Luyện ra tay sát hại cả nhà chủ tiệm vàng, vụ bắt nhà báo Hoàng Khương, vụ ông Vươn nổ súng vào công an và quân đội khi bị cưỡng chế tài sản, tất cả còn đang nóng hổi nên vụ xét xử kẻ đánh chết ông Tùng người ta đã lãng quên đi ít nhiều?
Ngồi uống cà phê thì ít, nói chuyện trên giời dưới bể thì nhiều. Buổi trưa thì kéo nhau ra cổng tòa chờ đợi gia đình Kim Tiến. Đến lúc tòa giải lao, nghe Kim Tiến thuật lại vắn tắt cho mọi người, chẳng ai còn lòng dạ nào nghĩ đến kết quả xử án. Bởi gần như đã dự đoán trước được kết quả phiên tòa nên ai nấy đều nghĩ đến chặng đường dài tiếp theo. Kim Tiến ấm ức nói tất cả những chứng cớ bổ sung đều không được đưa ra, mỗi lần luật sư bên nguyên lên tiếng đều bị tòa ngắt lời. Ừ! Đã bảo là chúng tôi chẳng còn khả năng ngạc nhiên nữa mà. Tôi nói với cô an ninh quen biết, rằng chắc chưa có nơi nào trong thế giới văn minh người ta lại xử án nhanh như ở ta. Tài thật hay là ngược lại?
Có người hỏi tôi quan hệ thế nào mà lại can dự đến việc xử vụ này. Tôi chỉ muốn kể rằng, khi gặp lại Trí Đức ở trước cổng tòa án, người đảng viên trung thành của đảng, người bị kết án vui là dám lấy mặt đạp vào giày công an Minh, người bị tôi kê kích trong một bài gần đây về cái sự “hồng và chuyên” của cậu ấy trông thấy tôi vẫn cười toe toét và hồn hậu: Em nói thật, lúc đầu ra đây không thấy ai, em nhất định về là em sẽ chửi um lên đấy. Bạn bè cần nhau là ở lúc này chứ lúc nào.
Đấy, đi biểu tình với nhau có hơn 10 bận, vậy mà những người xa lạ chúng tôi bây giờ trở nên nặng tình nặng nghĩa với nhau như thế đấy. Gạt bỏ mọi bất đồng cá nhân, bận mấy cũng phải đến hỗ trợ nhau về mặt tinh thần là chính. Tôi vỗ vỗ vào vai Trí Đức, cảm thấy rất thương mến con người to lớn kềnh càng như hộ pháp này:
-     Thực ra chị vẫn ngưỡng mộ em lắm. Năm 2007, khi đó chị vẫn còn chìm đắm trong báo chí “lề phải”, hoàn toàn không biết tý gì về chuyện thanh niên bọn em đã đi biểu tình phản đối Trung Quốc thành lập huyện đảo Tam Sa. Mà ngày ấy đi biểu tình còn nguy hiểm hơn bây giờ nhiều ấy chứ.
Mọi người nói chiều 2 giờ chắc tòa sẽ tuyên án luôn. Trong khi chờ đợi, chị Hiền Giang bảo nghe lỏm được mấy cậu cảnh sát trẻ nói chuyện với nhau:
-     Lúc nãy cho mấy đứa chúng nó vào, bị lãnh đạo phê bình đấy.
-     Mấy đứa chúng nó ấy là bọn mình đấy. Cảnh sát bây giờ láo thế. Mấy thằng ranh con chỉ bằng tuổi con mình, phải thằng con mình thì mình vả cho phải gãy mấy cái răng. Ai đời cảnh sát công an bây giờ với nhân dân toàn gọi nhau bằng “chúng nó”, cứ như là địch với ta ấy,
Tôi cười rũ, cứ hình dung một cậu cảnh sát trẻ bị mẹ vả gãy cả răng vì tội láo với mẹ “nhân dân”. Cười xong lại thấy buồn rười rượi.
Hơn 1 giờ chiều, chúng tôi theo gia đình Kim Tiến đi vào tòa. Không thấy ai đứng ra ngăn cản. Lần đầu tiên tôi ngồi trong một phòng xử án, thấy nó là lạ sao đó. Hay tôi quen nhìn thấy mấy cảnh trên phim ảnh nước ngoài rồi. Có lúc cảm thấy cảnh sát còn đông hơn cả người đến dự. Hơn 2 giờ, rồi 3 giờ, vẫn chẳng thấy có dấu hiệu làm việc của tòa. Bà cụ 90 tuổi, mẹ ông Tùng mệt mỏi quá bèn đi xuống cuối phòng, nằm còng queo ở cái ghế dài thiếp đi. Tôi ngồi cạnh chị Hiền Giang, chia sẻ về cái sự đau nhức của tuổi ngoại 50. Tôi còn bảo em tự tập Pháp Luân Công tại nhà đấy, mới có 5 buổi đã cảm thấy đỡ khá nhiều. Cái món này thằng Trung Quốc nó cấm vì sợ cái “Chân, Thiện, Nhẫn” của Pháp Luân Công. Em thì em cóc quan tâm, tao đau thì tao phải tập.
Thật buồn cười là ngay trong phòng xử án, trước cảnh kẻ nằm người ngồi ngổn ngang vì chờ đợi lâu quá, tôi đứng dậy biểu diễn cách tập mấy bài Pháp Luân Công cơ bản cho chị Hiền Giang xem. Mỗi khi dãn được các cơ bắp đang nhức mỏi, tôi lại nhăn nhó kêu lên nho nhỏ với vẻ khoái trá.
Khoảng 4 giờ chiều người ta mới đưa tay Ninh vào. Bà cụ 90 tuổi bắt đầu khóc ầm lên, gọi con trai ời ời. Tòa dọa nếu cụ không im lặng thì sẽ bị đưa ra ngoài. Dọa mấy lần bà cụ mới nín khóc được. Tôi lắng nghe bà chủ tọa đọc bản án, ngạc nhiên khi thấy tình tiết vụ án khác hẳn với những gì báo chí “lề phải” đã đăng trước đây. Chỉ có đọc thôi mà thấy bà chủ tọa cũng có lúc ngắc nga ngắc ngứ, cứ như vừa đọc vừa nghĩ vậy. Tuyên án xong thì mọi người lục tục ra về, bà mẹ già lại khóc hờ con trai, cứ một hai kêu ới ông đảng và chính phủ ơi...Mọi người mới ra khỏi phòng xử có một nửa thì đèn đóm đã tắt phụt khiến gian phòng tối om.
Ra khỏi cổng tòa, gia đình Kim Tiến đi bộ về nhà, trên tay ôm di ảnh của ông Tùng và những tờ giấy A4 in những lời tố cáo trung tá công an đánh chết người vì không đội mũ bảo hiểm. Kim Tiến vừa đi vừa nói to:
-     Một mạng người chỉ có 4 năm tù. Một mạng người chỉ có 4 năm tù....
Đoàn người đi bộ từ cổng tòa án về nhà Trịnh Kim Tiến. Chúng tôi chỉ định đi theo một quãng, nhưng rốt cục thấy gia đình họ đơn độc quá nên lại tiếp tục đi theo. Cứ mỗi bước chân Kim Tiến lại hô một câu duy nhất ở phia trên. Thoạt đầu tôi không để ý, chỉ mải miết đi theo, lòng dạ còn đang ngổn ngang lo nghĩ về ông bố già đang nằm một mình ở nhà từ sáng đến giờ. Rồi thấy cái tiếng kêu của Kim Tiến vẫn đều đặn vang lên, tôi bắt đầu hiểu cái ý định của nó. Lần đầu tiên tôi thấy thương con bé vô cùng. Tôi vốn hơi khắt khe với nó, luôn cho rằng 22 tuổi là không còn bé bỏng. Nhưng bây giờ nhìn cái gánh nặng trên vai nó, tôi mới thấy quả là nó còn quá trẻ để gánh vác. Trong khi bà nội quá già yếu, em gái còn nhỏ, mẹ thì chỉ là người đàn bà buôn bán nội trợ, cô gái mới 22 tuổi bỗng trở thành người đại diện duy nhất của gia đình. Tôi xót xa nhìn gương mặt xinh xắn đanh lại của Kim Tiến, nó ráo hoảnh không một giọt nước mắt trong khi cô em gái mếu máo khóc bố. Có lẽ lúc này, Kim Tiến cố phải trở nên mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho bà, cho mẹ và em, nên nó không cho phép mình khóc chăng?
Tôi tính quãng đường từ tòa án ở giữa phố Hai Bà Trưng, đi đến phố Tràng Thi, rồi phố Huế để về đến ngã tư Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt phải đến hàng nghìn bước chân. Mỗi bước chân là một tiếng kêu. Tiếng kêu có lúc khản đi, nhưng nó vẫn đều đặn vang lên không hề ngưng nghỉ. Tôi rưng rưng nước mắt nhìn hai chị em Kim Tiến đi bên nhau, trông chúng bé nhỏ và cô đơn quá trong dòng đời tấp nập đang hối hả trôi đi trên đường. Mặc dầu có nhiều người đứng lại hỏi han, bày tỏ và chia sẻ sự phẫn nộ, nhưng rồi ai sẽ lại trở về nhà nấy, ai nấy sẽ lại quên đi cái vụ án từ năm ngoái, vì bây giờ còn nhiều vụ án mới cứ ngày một nhiều lên.
Nước mắt chảy dài theo những bước chân. Tôi muốn dừng lại lắm mà không nỡ. Cùng với tôi là chị Hiền Giang, Thúy Hạnh, Trí Đức, bác Trâm (bà còng) vẫn đi theo sau gia đình Kim Tiến cho đến đầu đường Trần Khát Chân mới dừng bước. Tạm biệt Kim Tiến, chúng tôi ra về trong lúc trời đã nhập nhoạng tối. Trở về chỗ gửi xe thì thành phố đã lên đèn. Trong khi phóng như bay về nhà, tâm trí tôi vẫn văng vẳng tiếng kêu của Trịnh Kim Tiến. Nghìn bước chân, nghìn tiếng kêu! Liệu có thấu đến trời cao?

Saturday 14 January 2012

Những tiếng gọi bạn thống thiết dưới màn sương

Trong buổi sáng âm u của vùng sơn cước, tôi cầm ô đứng dưới làn mưa bụi dày đặc nhìn vào bên trong khu trại qua hàng rào sắt. Đằng xa bác Phan Trọng Khang cùng Ngô Duy Quyền đầu trần đang lững thững trong mưa đi bộ đến bên tôi. Cả ba chúng tôi đứng yên lặng bên nhau, cùng nhìn đau đáu vào bên trong, hy vọng dẫu chỉ một lần, được nhìn thấy Bùi Hằng từ xa. Chỉ sau dăm phút, nhác trông thấy ba bóng người đi qua khu nhà để xe, tôi và bác Khang căng mắt nhìn, đoán già đoán non không biết đó có phải là Bùi Hằng không. Rồi Quyền chợt kêu lên thảng thốt:
- Chị Bùi Hằng kia rồi!
Không biết có đúng hay không, nhưng tôi cũng bắt đầu kêu lên theo, tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực:
- Hằng ơi! Hằng ơi! Hằng ơi! Phượng đây! Bác Khang đây! Quyền đây! Hằng ơi!...
Cả bác Khang và Quyền cũng kêu lên gọi Bùi Hằng. Tôi thấy Bùi Hằng dừng lại, cúi xuống nhìn ra ngoài đường qua những tán cây. Cô ấy giơ cả hai tay lên. Chúng tôi gọi liên tục, không biết nói gì, chỉ gọi mỗi tên cô ấy. Mọi người đang đứng từ xa, thấy chúng tôi gọi tên Bùi Hằng liền tất tưởi chạy đến, nhưng họ đã đưa Bùi Hằng đi khuất vào bên trong rồi. Những người không được nhìn thấy Bùi Hằng đều vô cùng nuối tiếc, nhưng rồi lại tự an ủi rằng sẽ lại được nhìn thấy cô ấy khi trở ra.
Tôi không nhớ mình có khóc hay không, nhưng bác Khang nói thấy những giọt nước mắt trên mi tôi. Chỉ biết rằng giây phút được nhìn thấy Bùi Hằng dẫu có cách xa hàng trăm mét và bị ngăn cách bởi hàng rào sắt và những rặng cây, nhưng cũng đủ khiến cho tôi xúc động biết chừng nào. Trời Tam Đảo vẫn mù mịt sương giăng, chúng tôi hết đứng lại ngồi, đếm từng giọt thời gian trôi. Hơn 11 giờ, đoán chừng sắp hết giờ thăm nuôi, tất cả chúng tôi lại kéo nhau ra đứng bên hàng rào sắt ngóng đợi. Thấp thoáng thấy bóng người đi ra từ khu nhà thăm nuôi, chúng tôi bắt đầu lấy hết sức gọi thật to:
- Hằng ơi! Chị Hằng ơi! Cô Hằng ơi! Bác Trai đây, chị Hiền đây, T30 đây, Phương đây...
Những tiếng kêu, tiếng gọi như vỡ òa ra trong niềm sung sướng, sau ngần ấy ngày đằng đẵng cách biệt. Dường như Bùi Hằng dùng dằng không muốn đi tiếp, cứ cố nán lại và cúi xuống nhìn ra ngoài. Thế là họ không cho Bùi Hằng đi qua khu nhà xe nữa mà bắt lộn trở lại. Dẫu không nhìn thấy bóng dáng cô ấy nữa, nhưng chúng tôi vẫn không ngừng gọi tên cô ấy. Lân Thắng lấy hết sức gào to:
- Chị Hằng giữ gìn sức khỏe nhé.
- Ừ!
Cô ấy trả lời đấy! Mọi người sung sướng bảo nhau.
Trong mỗi trái tim bạn bè  đều thổn thức một niềm thương cảm khôn nguôi với người bạn đang bị giam hãm bên trong hàng rào sắt kia. Những cánh hoa đào đem đến cho Bùi Hằng bị trả lại dường như cũng héo úa. Trên chặng đường về, tôi mới có thời gian để nhớ lại giây phút khi nhìn thấy bóng dáng Bùi Hằng. Lúc này mới có thời gian để cho nước mắt rơi. Bùi Nhân nói thấy mẹ đang khóc khi bước vào nhà thăm nuôi. Có lẽ cũng như chúng tôi, sau ngần ấy ngày bị giam cầm, mới được nhìn thấy nhau, làm sao không khỏi rơi nước mắt? Tôi đoán đêm nay trong trại giam (chúng tôi gọi cái cơ sở giáo dục đó là trại giam), hẳn nước mắt Bùi Hằng vẫn chưa ngừng rơi.
Có lẽ trong lịch sử của cái trại giam này chưa từng có một cuộc thăm nuôi nào xúc động đến thế. Liệu những tiếng gọi bạn thống thiết qua hàng rào sắt kia có lay động được chút tình thương yêu đồng loại nào, trong tâm hồn những con người đang cai quản ở cái trại giam này hay không? Tôi gạt nước mắt nghĩ: ác gì mà ác thế? Chỉ có nhìn nhau thôi mà cũng không cho người ta nhìn nhau. Ác gì mà ác thế không biết!

Sunday 8 January 2012

Giáo dục hay trừng phạt?


Anh em bạn bè vừa theo Bùi Nhân lên tiếp tế cho Bùi Hằng về, nghe họ kể lại cho mọi người, ai nấy đều rất phẫn nộ. Tất cả các gói cháo, gói mỳ, gói bánh gói kẹo, nghĩa là tất cả những gì đóng gói trong bao bì đều bị họ cắt hết ra để kiểm tra. Bánh kẹo thì vài gói có thể buộc túm lại chứ cháo với mỳ ăn liền hàng mấy chục gói thế mà bị cắt hết ra thì bảo quản kiểu gì? Vì bị cắt hết ra như thế nên Bùi Hằng không nhận nữa. Nếu vậy thì lần trước không cho thằng con gặp Bùi Hằng, nhưng các vị ở trại vẫn nhận hết quà của chúng tôi gửi cho Bùi Hằng. Làm sao mà kiểm chứng được Bùi Hằng có nhận được tất cả những thứ đó hay không?
Mọi người ai nấy đều căm giận, chửi rủa cái quy định độc ác ấy hết lời. Ở đời thì ác giả ác báo. Quy định gì thì cũng phải có lý có tình, phải có lương tâm chứ. Đến tù tạm giam cũng không đến nỗi bị đối xử như thế. Tôi nhớ trong Hỏa Lò người ta cũng không kiểm soát đến nỗi gắt gao như vậy. Nếu họ sợ người nhà nhét cái gì đó vào trong thì sao không dùng cái máy soi đồ thay vì cắt vụn nó ra thế. Cả một cái trại trông khang trang như thế mà không mua nổi một cái máy như vậy sao?
Chúng tôi chả rõ thẩm quyền của công an đến đâu. Những cái quy định này là do công an họ tự đặt ra, không thông qua một sự giám sát của một cơ quan lập pháp nào. Nếu vậy thì làm sao có thể khẳng định được cái quy định đó là đúng? Là không vi phạm hiến pháp? Ngay việc giáo dục cưỡng chế một người vốn có nhà cửa đàng hoàng hợp pháp ở Vũng Tàu đưa ra tít tận Vĩnh Phúc, cách xa hàng nghìn cây số để giam giữ cải tạo là trái với chính quy định của họ, mà họ cứ cố tình lờ đi. Luật sư của Bùi Hằng gửi đơn khiếu nại gần tháng nay họ cứ im lặng. Vậy có thể hiểu là họ cố tình không?
Hơn một tháng nay, thằng con trai của Bùi Hằng bỏ cả nhà cả cửa ở Vũng Tàu để ra ngoài này nhờ cậy luật sư và tìm cách gặp mẹ. Lần gặp thứ hai vừa rồi, nó nói mẹ nó tay bị sưng tím, khắp người bắt đầu lở loét và hắc lào. Nó nói khi mẹ nó yêu cầu được chữa bệnh, cán bộ trại có tiêm thuốc nhưng không nói tên thuốc cũng như xuất xứ và công dụng, thế là Bùi Hằng không đồng ý tiếp tục chữa bệnh nữa. Cô ấy cảnh giác như thế là phải, bây giờ chuyện bệnh nhân chết trong bệnh viện không phải là hiếm, huống hồ trong cái trại giam đèo heo hút gió này thì mạng người nó lại càng rẻ rúng bao nhiêu. Hôm đọc cái đơn của Bùi Nhân có đoạn cảnh báo về hậu quả của việc giam giữ cải tạo mẹ nó, tay đội trưởng phân khu 3 có vẻ quở trách trong đơn dùng từ nặng quá, nhưng rồi vẫn rất dõng dạc nói không sao, ý nói nặng thế chứ nặng nữa cũng chả là cái cóc khô gì đối với họ. Không khéo ngày ra trại, tinh thần không lo hỏng chỉ lo hỏng người. Không khéo sau khi được giáo dục về, ích lợi đâu chả thấy, tiến bộ đâu chả thấy, chỉ thấy mang thêm bệnh vào người – món quà duy nhất thu hoạch được nhờ ơn chính quyền gia ân ban tặng.
Hãy chứng minh cho sự nghi ngờ của tôi, rằng đây là sự trả thù của chính quyền đối với Bùi Hằng là không đúng đi. Tôi chắc hẳn không một kẻ gây rối trật tự công cộng nào bị kiểm soát chặt chẽ và gắt gao đến vậy. Họ muốn giáo dục cái gì khi một đề nghị chẳng cao sang gì lắm là được ăn cháo sau 15 ngày tuyệt thực cũng không được. Giáo dục kiểu gì mà dã man thế?
Sau khi mục sở thị cái cung cách thăm nuôi trại viên, tôi tự hỏi chính quyền có nhằm giáo dục thực không hay đó chỉ là sự trừng phạt? Việc giáo dục thì phải có chuyên ngành sư phạm, vậy mà các cơ sở này hoàn toàn do công an trực tiếp cai quản thì có nên gọi nó là cơ sở giáo dục cải tạo không? Trong các cơ sở giáo dục ấy, thay vì gọi là học viên thì người ta gọi là trại viên (vậy sao không gọi béng là trại cho rồi). Rồi trại viên chỉ được gặp người nhà trong một gian buồng có vách ngăn bằng tấm kính mờ. Họ nhìn nhau, nói chuyện với nhau qua những ô cửa tò vò be bé không khác gì nhà tù.
Khi nói giáo dục ai đó thì thường là câu người ta dành cho những kẻ bề dưới. Ví dụ như cha mẹ giáo dục con cái, thầy cô giáo dục học sinh chứ có bao giờ người ta nói ngược lại. Đấy là cách nói chung về cái công việc giáo dục. Còn việc người nào, thành phần nào trong xã hội cần phải giáo dục thì người ta hiểu đó là những kẻ hư đốn. Nhưng ngay cả đến cái từ hư ấy người ta cũng chỉ dành cho bọn trẻ chứ ít khi dùng cho người lớn.
Thế nào là hư để bắt phải để xã hội giáo dục? Rồi ai là người đủ tư cách giáo dục ai lại là một câu hỏi có những đáp án không giống nhau khi ngày một nhiều quan chức phạm pháp, thiếu tư cách đạo đức bị phơi bày trên mặt báo. Ngày càng nhiều clip quay các vụ cảnh sát nhận hối lộ trưng lên trên mạng. Người ta có quyền nghi ngờ, đặt dấu hỏi về uy tín và tư cách của chính quyền, bởi trước khi bị bắt quả tang phạm tội thì họ chính là những người lớn tiếng giảng giải về bài học đạo đức cho xã hội nhất.
Cố lên Bùi Hằng ơi. Hãy dũng cảm chống đỡ lại bệnh tật. Hãy chứng minh cho họ thấy bà mạnh mẽ thế nào. Không một ai quên sự hy sinh của bà, và mọi người đang chờ đợi từng giây từng phút ngày được đón bà trở về.

Friday 6 January 2012

Đông qua Xuân lại tới...

Chuyện thứ nhất:
Cách đây đúng chục năm, một anh bạn cho mình mượn một cuốn sách có nhan đề “Tử vì đạo”. Có lẽ cuốn sách này bị những người theo công giáo rất phẫn nộ vì cho là có ý phỉ báng các vị thánh. Mình đã có ý đi tìm lại cuốn sách này, trong những hiệu sách cũ mà vẫn chưa tìm được.
Cốt chuyện thực ra làm mình rất xúc động. Chuyện về một thanh niên lêu lổng, trộm cắp, lừa tình, lừa tiền, nghĩa là mọi thói hư tật xấu đều có cả. Sau một vụ lừa đảo bị đổ bể, gã bị bỏ tù. Ra tù, gia đình không chứa chấp, xã hội chối bỏ. Thất nghiệp, gã lang thang đi đó đây, mong kiếm được một công việc để kiếm sống. Mình nhớ mang máng tên gã là Raj hay là gì đó.
Một buổi trưa nọ, Raj dừng lại trong một ngôi đền bỏ hoang bên bờ sông để nghỉ. Gã ngủ thiếp vì đói khát và mệt nhọc. Lúc chợt tỉnh giấc, gã thấy một bác nông dân đang ngồi bên cạnh nhìn gã đăm đăm.
Họ ngồi bên cạnh nhau, nói dăm ba câu chuyện bâng quơ. Bác nông dân buồn bã than phiền về chuyện khúc mắc gia đình, Raj thì đưa ra lời khuyên vô thưởng vô phạt gọi là xã giao. Sau đó họ chia tay. Raj không đủ sức đi tiếp, gã định nghỉ lại tại ngôi đền dăm ba bữa nữa mới tính đi tiếp. Sáng hôm sau, bác nông dân lại ghé qua ngôi đền. Bác vui vẻ nói mọi chuyện trong nhà đã ổn thỏa. Raj nhận thấy trong cách nói của bác nông dân có vẻ gì đó cung kính, gã không hiểu nhưng rồi cũng mặc kệ. (Sau này gã mới đoán rằng do đói khát lâu ngày nên người gã gầy rộc đi, râu tóc dài ra nên hẳn nom gã giống một nhà truyền đạo. Gã quyết định không cắt râu tóc, kiếm thêm cái gậy, luôn nói lấp lửng để giống một nhà hiền triết…) Họ vẫn nói chuyện theo kiểu bâng quơ như thế. Lại nói về chuyện ông A xích mích với bà B, ừ thì gã cũng lại nhận xét thế này thế nọ. Bác nông dân im lặng lắng nghe, sau đó bác ra về không quên để lại cho Raj ít đồ ăn và hoa quả.
Hầu như ngày nào bác nông dân cũng ghé qua ngôi đền. Ngày nào bác cũng đem đến cho Raj một ít đồ ăn thức uống. Thỉnh thoảng bác lại đưa ra những tình huống khó xử của bác hay một ai đó trong làng và lắng nghe Raj phán. Lạy Chúa phù hộ, mọi việc đều xuôi chèo mát mái. Raj cảm thấy vận may đến với gã, gã chẳng phải làm gì mà vẫn có cái để sống. Gã quyết định ở lại ngôi đền một thời gian. Ngày lại ngày trôi qua, những người trong làng bắt đầu tìm đến ngôi đền. Chuyện gì họ cũng đem ra hỏi Raj, và may mắn vẫn chưa rời bỏ gã, chuyện gì cũng ổn thỏa một cách tình cờ, nhưng lại đem đến cho Raj danh tiếng bất ngờ. Chuyện 2 làng đánh nhau một mất một còn, họ nhờ đến Raj can thiệp. Raj lên tiếng theo kiểu ba phải, thế mà cũng dẹp được mối cừu hận. Tiếng lành đồn xa, người ở các vùng khác bắt đầu tìm đến. Thậm chí có người còn tình nguyện đến quét dọn ngôi đền, đồ ăn thức uống người ta đem đến đền ngày một dư dả. Thấy mọi người tốt với mình quá, nhiều lần Raj đã định thú thật về con người mình. Thực ra cũng có lần gã hỏi bóng gió với bác nông dân, người đầu tiên đến với gã. Bác quả quyết Chúa trời đã đưa gã đến với ngôi đền này, ngay từ lần đầu tiên bác nhìn thấy gã nằm ngủ ở đó. Gã thấy buồn cười, nhưng không nỡ làm bác nông dân buồn và thất vọng. Cứ thế việc thú nhận ngày càng trở nên khó khăn hơn vì sự kính trọng của dân làng với Raj mỗi ngày một lớn.
Một ngày kia bất hạnh ập xuống đầu Raj. Không biết Chúa trời trừng phạt sự lừa dối của gã hay thử thách gã thực sự. Hạn hạn kéo dài khiến mùa màng thất bát, dân đói kém. Tuy đói thế nhưng người dân vẫn không để cho Raj đói. Raj cảm thấy dân làng đang trông đợi một cái gì đó ở gã. Vốn sống được bởi lòng tốt của dân làng, gã cũng muốn làm một cái gì đó để đền đáp. Khi gã hỏi gã có thể giúp gì cho dân làng không, bác nông dân rụt rè nói: thầy là một vị thánh, nay nếu thầy tuyệt thực, may ra có thể lay động đến trời cao, mới khiến cho trời mưa được.
-     Đúng thật là điên rồ! Ai mà tuyệt thực lại có thể khiến trời mưa được?
Gã cười thầm trong bụng về niềm tin ngây ngô của bác nông dân. Nhưng rồi mỗi một ngày qua đi, Raj cảm thấy không ổn. Gã cảm thấy những ánh mắt đang nhìn gã chờ đợi một cách tuyệt vọng. Dân làng chưa một ngày để gã bị đói trong khi họ đói vàng mắt ra. Gã điên lắm. Kể ra nếu gã tuyệt thực dăm ba ngày mà khiến trời mưa được thì gã cũng chả xá gì. Nhưng gã biết thừa chẳng bao giờ có chuyện đó. Nếu gã tuyệt thực mà trời vẫn không mưa thì gã sẽ phải chết à? Không được! Gã bắt đầu tính đến bài chuồn khỏi ngôi đền, mặc xác dân làng với cái niềm tin chết tiệt của họ.
Nhưng ma xui quỷ khiến thế nào mà gã không thể cất bước đi trốn cho được. Gã cứ bồn chồn đi ra đi vào. Cho đến một ngày, gã quyết định lấy hết can đảm, kể cho bác nông dân nghe toàn bộ cuộc đời mình. Bác nông dân ngồi trầm tư nghe Raj nói. Kể cả khi Raj nói xong, liếc nhìn trộm bác, bác cũng chẳng thốt lên tiếng nào. Raj ngạc nhiên lắm, gã đã chuẩn bị tinh thần để nghe bác sỉ vả một cách thậm tệ nhất rồi tống cổ gã ra khỏi đền, thế mà bác ấy cứ ngồi thản nhiên nhìn ra bờ sông. Không chờ đợi được nữa, Raj  đành phải lên tiếng:
-     Bác thấy thế nào?
-     Chẳng thế nào cả. Thầy chính là thánh ở chỗ đó.
Nói rồi bác vươn vai đứng dậy, chào tạm biệt gã để trở về làng. Raj những muốn nổi xung lên. Cái gã chờ là những lời chửi rủa, thậm chí là bị đánh, rồi bị đuổi một cách hợp pháp ra khỏi ngôi đền. Như vậy gã mới rũ bỏ được sự hối hận, như thế mới còn con đường sống cho gã. Nhưng nếu họ nghĩ về gã như thế thì có nghĩa là họ ép gã vào con đường chết rồi còn gì. Gã giận điên cả người. Nếu gã trốn bây giờ, chắc sẽ chẳng có ai đuổi theo gã.
Gã nghĩ suốt cả đêm. Cả đời gã chưa bao giờ phải nghĩ nhiều đến thế. Mình không nhớ gã nghĩ trong bao nhiêu lâu, một đêm, một ngày, hay hai ngày? Chỉ nhớ sau cùng Raj đã nói với bác nông dân là gã đồng ý tuyệt thực. Tin lan ra nhanh chóng, hàng trăm nghìn người từ khắp nơi đổ về ngôi đền, chứng kiến “vị thánh sống” của họ tuyệt thực cầu mưa cứu dân. Đến mức chính quyền phải huy động hàng nghìn cảnh sát đến để giữ gìn trật tự an ninh cho cả trăm ngàn người ấy.
Raj đã tuyệt thực bao nhiêu ngày mình cũng không nhớ, chỉ biết khi gã kiệt sức thì trời vẫn không mưa. Người dân lấy khăn ướt thấm lên đôi môi khô nẻ của Raj. Đến ngày thứ….trước khi Raj mê đi, gã nhìn thấy trong ánh hào quang trước mắt gã có những giọt mưa đang rơi…Lạy Chúa tôi, mình không nhớ chính xác câu văn, nhưng đoạn kết không nói rõ là có mưa thật hay đó chỉ là ảo giác trước khi Raj gục xuống. Cũng không rõ con người dối trá ấy đã chấp nhận đánh đổi tính mạng của mình để đem lại niềm tin cho những người dân đã từng cứu mạng gã khỏi chết đói – có chết thật hay không. Thực lòng mình không muốn Raj chết.
Chuyện thứ hai
Khi phát xít Đức chiếm nước Pháp, trong một buổi tiệc, các cô gái điếm bị gọi đến để phục vụ đám sĩ quan. Một tên sĩ quan lên tiếng sỉ nhục các cô gái điếm, các cô yên lặng chịu đựng. Nhưng sau đó, viên sĩ quan tiếp tục tỏ ý khinh rẻ phụ nữ Pháp, cô điếm bé nhỏ đang ngồi trên lòng hắn bất ngờ dùng chiếc dĩa ăn bằng inox đâm mạnh vào ngực viên sĩ quan. Trong khi tất cả lặng đi, cô gái điếm nhảy qua cửa sổ trốn mất.
Suốt mấy ngày trời, lính Đức tổ chức truy lùng cô gái điếm nhưng không thể nào tìm ra. Viên sĩ quan bị đâm kia đã chết. Lính Đức yêu cầu cha cố phải kéo chuông khi chôn cất viên sĩ quan. Thoạt đầu cha cố nhất định không chịu, nhưng khi bọn lính đe dọa sẽ cho người xông lên gác chuông thì cha cố đành chấp nhận kéo chuông. Hóa ra vị cha cố đã giấu cô gái điếm kia trên gác chuông. Sau ngày nước Pháp được giải phóng, cô gái điếm nọ được tôn vinh như một vị anh hùng. Cô được một viên tướng lấy làm vợ và trở thành một phu nhân đáng kính.
Những câu chuyện trên thật hay không có lẽ không quan trọng lắm. Không phải cứ đi tu rồi sẽ thành chính quả. Người biết sửa mình, biết vì cái nghĩa ở đời mới là đáng quý. Cả hai câu chuyện khiến mình nhớ đến câu nói: bất cứ vị thánh nào cũng có một quá khứ…
Chuyện về một kẻ lừa đảo, một cô gái điếm, “hay một tên chuyên giết người khi ngộ ra sẵn sàng rạch bụng, moi tim gan nhờ nhà sư dâng lên Đức Phật – sự tích cá he” đều là sự hướng thiện trong cuộc sống này, còn hơn khối kẻ đạo đức giả mà những người xung quanh đều nhìn thấy, chỉ có mỗi họ là cố tình không thấy mà thôi