Translate

Friday 28 October 2011

Sếp và bài học về tiết kiệm

- Mọi người đi họp nhé
Phân ban có hơn chục mống, tất cả quây quần trong phòng làm việc của giám đốc. Sếp ngồi chính giữa. Phần đầu là kiểm điểm công tác chuyên môn, chả liên quan gì đến tôi khiến tôi buồn ngủ rũ cả mắt. Phần sau là nói về công tác chung. Cái văn phòng bé tý xíu này thì chả có gì đáng nói. Mọi thứ để duy trì cho cái văn phòng này hoạt động, chỉ trừ có lương, và chi phí cho 2 cái xe ô tô biển xanh thì đều do nhà thầu lo hết. Thực ra cái văn phòng này của Tư vấn dự án là chính, nhưng với cái thế của Chủ đầu tư, Tư vấn vẫn phải bố trí cho cái gọi là Phân ban này ở chung.
- Các đồng chí phải hết sức tiết kiệm trong việc sử dụng giấy. Tôi thấy các đồng chí vẫn còn lãng phí quá, các đồng chí nên nhớ, mỗi khi các đồng chí tiết kiệm 1 tờ giấy thì các cháu nhỏ nghèo khó sẽ có thêm sách để đến trường…
Cái gì? Đang buồn ngủ mà tôi suýt sặc, hết cả mơ màng!
Trời ơi! Ngày xưa tôi nghe người ta kể có ông thủ trưởng dạy dỗ nhân viên rằng ở nhà thì có cha mẹ dạy bảo, đến cơ quan thì phải biết nghe lời thủ trưởng. Rồi phải biết giữ gìn cái ghế, cái bàn ở cơ quan như nó là của nhà mình vậy. Tôi tưởng đó chỉ là trên báo chí. Mà báo thì mọi người biết rồi đấy, có ít thì hay xít ra nhiều, có bé xé ra to hoặc ngược lại.
Bây giờ thì chính tai tôi nghe thấy rồi nhé, chứ chả phải nghe ai đó kể lại.
Ừ! Phải nói là Sếp nói đúng quá đi ấy chứ. Nhưng chỉ có điều, ai nói câu đó thì tôi tin, chứ là Sếp nói thì tôi quyết không tin.
Tôi biết Sếp từ hồi Sếp còn là chuyên viên thường, công tác tại phân ban phía Nam. Sau sáu bảy năm, vì có cái dự án lớn ở miền Trung nên Phân ban 2 được thành lập. Khi nào dự án kết thúc thì Phân ban 2 cũng sẽ giải thể. Vậy là Sếp được cử làm giám đốc phân ban!
Hồi ấy tôi đang ở ngoài ban. Vì công tác giải phóng mặt bằng ngoài hiện trường thiếu người, nên phải huy động cả cái loại bò sữa như tôi đi tăng cường. May là tôi chỉ phải đi gần, nhưng rồi cũng chán vì mãi chả thấy hết tăng cường. Một lần tôi sang Sở địa chính bổ sung hồ sơ, lúc ra về tình cờ gặp anh Phó giám đốc sở ở cầu thang, anh í quàng vai tôi kéo lại định thơm vào má khiến tôi hết hồn. Theo phản xạ, tôi đẩy anh í ra kêu:
- Ấy đừng
- Ấy đừng à?
Anh í cười nhìn tôi chòng chọc, còn tôi thì giả vờ liến thoắng nhờ cậy anh ấy về cái vụ sổ đỏ của nhà tôi. Anh í bảo:
- Khó đấy.
- Vâng, khó thì mới phải nhờ anh chứ. Hôm nào anh rảnh để em sang?
- Thì cứ sang đi.
Từ tầng 2 xuống nhà xe, gặp đám thanh niên đang ở lại chơi bóng bàn, tôi leo lẻo chào anh í rồi nhanh chân chuồn ra khỏi cổng. Hôm sau tôi viết đơn xin bố trí công tác khác. Tôi thực thà kể cho ông Chánh văn phòng nghe chuyện bị quấy rối, ông í cứ cười khùng khục.
Thế là tôi vào phân ban, làm thủ quỹ. Ôi giời, cái chân này thì trong đó ai kiêm nhiệm chả được. Nhưng tôi cần gì biết đến chuyện đó. Chả mấy khi có cơ hội được tung tẩy.
Vào trong này rồi, tôi mới thấy được một cuộc sống hoàn toàn khác. Tôi ngầm đặt biệt hiệu cho Sếp là: Lãnh chúa miền Trung!
Thoạt đầu tôi không nhận ra ngay nếp sinh hoạt và làm việc ở đây. Cho đến khi cô bé phiên dịch người miền Trung rụt rè hỏi tôi:
- Chị không sợ à?
Tôi tròn mắt hỏi lại:
- Sợ! Sợ cái gì?
- Thì đó, chị đi lại, cười nói rổn rảng…
Hóa ra ở đây có một sự phân biệt rất rõ rệt, giữa những người thuộc cơ quan Chủ đầu tư với Tư vấn nội, với những người địa phương làm việc theo hợp đồng có thời hạn như phiên dịch, tạp vụ, lái xe, bảo vệ, cấp dưỡng.
Ở đây to nhất, oai nhất là Sếp, mặc dù thực chất Sếp và chúng tôi là dân đi ở nhờ. Trong hợp đồng thì cái trụ sở này là nơi ở và làm việc của Tư vấn, gồm Tư vấn ngoại và Tư vấn nội. Lẽ ra Phân ban phải có trụ sở riêng, nhưng lấy thế Chủ đầu tư, bên Tư vấn phải đồng ý cho Phân ban sử dụng ké một phần. Thậm chí kẻ ở nhờ lại còn oai hơn cả ông chủ. Chắc thằng Tây nó tức lắm, nhưng ở Việt nam chúng tao nó thế đấy. Thậm chí thằng Tư vấn trưởng nào mà không cư xử khôn khéo, cái thằng ở nhờ ấy nó ton hót, xúi bẩy cấp trên đuổi bằng được. Thiếu gì lý do được đưa ra, cứ bảo là không hợp tác, cản trở tiến độ của dự án, thế là đuổi! Thằng khác vào, liệu cơm mà gắp mắm!
Đấy! Thằng Tư vấn nước ngoài mà còn thế, cái đám dân địa phương vào làm thuê ở đây thì là cái thá gì. Thảo nào mà họ cứ nem nép không khác gì con sen, thằng ở ngày xưa. Tôi có dịp đi đến một cái văn phòng trực thuộc ở địa điểm khác, thấy nói lái xe không được phép bén mảng vào khu văn phòng, mà chỉ được ở khu bảo vệ ngoài cổng. Tư vấn được ở nhà có máy điều hòa. Còn bảo vệ, lái xe tạp vụ thì đừng có mơ. Nhưng tôi choáng nhất là cái việc cấm lái xe vào khu văn phòng. Chả bù cho lái xe ở ngoài Ban, oai còn hơn cả chuyên viên.
Mọi người thấy tôi là nhân viên quèn nhất, mà cứ nhơn nhơn như không, đi lại hồn nhiên, cười nói hồn nhiên thì lạ lắm. Hồi mới vào, Sếp bảo:
- Cần về thăm nhà cứ bảo anh, anh bố trí cho đi công tác, đỡ tốn phép.
- Vâng! Nếu cần, em sẽ nhờ anh.
Nói vậy cho đỡ phụ tấm lòng thơm thảo của Sếp, chứ tôi chả bao giờ nghĩ đến chuyện xin xỏ. Phép của tôi hơi bị nhiều theo thâm niên làm việc của tôi, và nếu về thăm nhà thì tôi lại được thanh toán tiền tàu xe theo chế độ. Vậy thì sao lại cần phải nói dối là đi công tác? Cái chân thủ quỹ của tôi thì đi công tác kiểu gì? Cái đáng xin là chức vụ và tiền bạc tôi còn chả thiết nữa là.
Thật khó chịu nhất là ban ơn mà người ta không nhận. Dần dần tôi thấy Sếp khó chịu với tôi. Nhất là cái cách sống “hồn nhiên” của tôi làm phá vỡ cái uy nghiêm ở chỗ này. Thật là không ra làm sao cả. Trên phải ra trên, dưới phải ra dưới chứ. Cứ bằng vai phải lứa như thế này là không được! Cô bé phiên dịch cũng bị ghét lây vì thân với tôi, nó ngưỡng mộ cái mớ lý sự của tôi lắm, còn tôi thì lại ngưỡng mộ nó khi nghe nó kể về những công việc nó làm trước đây. Tôi bảo nó khi nó bảo nó là thư ký riêng cho giám đốc:
-  Ở ngoài em giỏi thế, sao vào đây em cứ như con giun con rế thế. Em phải nhớ làm việc  gì cũng phải có quy định, mà quy định lại phải dựa theo luật. Không phải ông to nào thích làm gì thì làm được. Phân ban tuyển em vào làm phiên dịch, kiêm thư ký cho Phân ban, chứ không phải cho riêng giám đốc nhé. Đến Phó tổng giám đốc ngoài kia còn không có tiêu chuẩn thư ký nữa là giám đốc phân ban.
Tôi không hỏi quan hệ trước đây giữa Sếp và cô bé phiên dịch như thế nào,.Nhưng từ khi cô bé thân thiết với tôi thì Sếp ghét nó ra mặt. Thậm chí có lần, nhân dịp đi nghỉ mát, cả phân ban vào nhà Sếp ở Sài Gòn chơi. Khi mọi người đứng dậy ra về, Sếp gọi giật cô phiên dịch lại bảo chờ tý, rồi Sếp quay vào nhà cầm ra một xấp phong bì đi phát cho từng người. Đến cô phiên dịch, Sếp thản nhiên đi qua để phát cho người bên cạnh. Khổ thân con bé, ngượng chín cả người. Nó tức tưởi kể cho tôi nghe làm tôi cũng máu nóng bốc lên đầu phừng phừng. Ra là Sếp cố tình gọi nó lại để chứng kiến màn trừng phạt nó đây. Khó có thể nói là Sếp vô tình. Dẫu nó có bé nhỏ mấy thì cũng là một con người đầy đủ hình hài trước mặt Sếp, thế mà Sếp nhớ phát phong bì cho cả người bên phải lẫn người bên trái mà bỏ qua người ở giữa thì nhất định là Sếp không vô tình. Vả lại chính Sếp gọi đích danh nó đứng lại chứ không phải là ai khác.
Cũng mừng là cô bé phiên dịch ngày nào bây giờ đã trở thành trưởng chi nhánh của một hãng bảo hiểm nước ngoài danh tiếng, lương gần 2 ngàn đô một tháng. Lúc này thì đúng là Trời có mắt.
Tôi có rất nhiều lý do để không tin Sếp là con người tiết kiệm như Sếp hô hào chúng tôi. Nhà Sếp ở Sài Gòn, chả mấy chủ nhật Sếp ở lại Phân ban. Cứ cuối tuần Sếp lại bay vào Sài Gòn. Những ngày nào Sếp ở lại Phân ban kể cả ngày thường, hết giờ làm việc mà hứng lên là Sếp đánh xe ô tô vào trung tâm thành phố, cách đó chừng hơn chục km để đánh tennis. Tôi ngẫm chỉ cần Sếp nổ máy, xe lăn bánh ra đến cổng là đã mất đứt 1 ram giấy rồi, chứ đừng nói 1 tờ giấy như Sếp nói. Mà cái nghề làm dự án thì chỉ tốn giấy là nhiều. Mỗi lần soạn văn bản, trình đi trình lại, có khi mỗi lần sửa chỉ là một dấu chấm, dấu phẩy. Vị chi để ban hành được một tờ văn bản thì có khi phải mất chục tờ giấy bỏ đi là ít. Thay vì hô hào tiết kiệm 1 tờ giấy như thế, sao Sếp không quy định trình bằng file để sửa ngay trên máy có hơn không? Nhưng như thế nó không oai thì phải.
Chuyện ngoài lề về chủ đề tiết kiệm. Hồi tôi mới vào, một lần ngày nghỉ, Sếp khao lòng lợn tại phòng ở của Sếp ở khu văn phòng. Trong khi chờ đợi các cô phục vụ bày ra đủ món ăn,  Sếp trưởng và sếp phó cụng bia với nhau. Một cậu sốt ruột bốc một miếng dồi. Lập tức Sếp quát lên:
- Thằng này láo, các cụ chưa ăn mà mày dám ăn trước à?
Cậu kia cười bảo:
- Các sếp uống, nhưng em không uống được thì em ăn.
- Láo toét!
Sếp vẫn buông một câu như vậy. Cậu kia đâm ra dở. Miếng dồi đã gắp lên đến miệng rồi, ăn vào thì chết, mà bỏ xuống thì nhục quá. Thấy vẻ mặt Sếp không có vẻ gì là đùa, thế là miếng dồi đành từ từ hạ cánh xuống đĩa. Trong đời tôi chưa từng chứng kiến những chuyện như thế bao giờ. Cứ tưởng chỉ có ở trong chuyện tiếu lâm.
Cái thằng đành bỏ miếng dồi ấy cũng đặc biệt lắm. Đang từ một thằng nghèo kiết xác, tính cái gì nó cũng quy ra thóc, chỉ qua cái dự án này nó trở thành giàu nứt đố đổ vách. Nó được Sếp phân cho phụ trách toàn bộ mảng đường nhánh, phụ trách gần trăm nhà thầu. Nghe nói có nhà thầu xách cả catap tiền đến phòng ở cho nó. Còn nó cũng chả giấu diếm khi bô bô nói với Sếp phó:
- Em chả hiểu tại sao, anh già hơn em, tiền anh cũng thể nhiều bằng em, thế mà sao gái nó cứ theo anh là thế nào?
Ngay cả khi đã giàu rồi, nó vẫn không bỏ hẳn được thói quen tính bằng thóc mới lạ chứ.
Sau gần chục năm, bây giờ Sếp đã thành Sếp tổng, còn cậu đành bỏ miếng dồi thì lên giám đốc Phân ban miền Nam. Tôi rời cơ quan đã lâu, nghe anh chị em ở cơ quan đang rên xiết rằng bây giờ đích danh Sếp phê duyệt cấp từng ram giấy một.
Khốn nạn rồi! Đã bảo là nghề dự án thì giấy và mực in là một trong những văn phòng phẩm thiết yếu nhất. Mỗi tháng phòng tôi xin phải sáu, bẩy ram mới gọi là tạm đủ. Bây giờ mà xin từng ram một thì cứ gọi là suốt ngày đi xin cũng đủ chết. Vì xin đâu có được ngay mà còn phải trình, phải xem xét, phải duyệt, rồi viết phiếu xuất kho, rồi lại trình ký…Hình như trong ký ức của Sếp có cái gì đó không vui liên quan đến giấy thì phải. Sao trong bao nhiêu thứ, Sếp cứ nhè giấy mà soi thế nhỉ?
Hu hu! Khổ thân bọn ở lại quá.
27/10/2011


Thursday 27 October 2011

Nhà có 3 mống


Nhà có 3 mống. Một bố, một con gái và một ả mèo. Cả 3 đều độc thân như nhau.
Bố thì gần 90 tuổi nhưng sống ly thân với vợ mấy chục năm nay vì không hợp tính, ngồi nói chuyện với nhau chỉ được dăm phút là ông cụ đứng lên bảo: bà nói tôi nghe ngứa tai lắm! Thế nên bố với con gái mới ở một nhà, còn mẹ với con giai ở một nhà. Cùng chung cư nhưng khác tầng.
Con gái đã ngoại 50, không muốn lấy chồng hoặc không lấy được chồng cũng thế. Cũng chẳng muốn kiếm đứa con ngoài giá thú để sau này nương tựa tuổi già. Con gái cứ trông gương bố mẹ mà phát hãi. Nghĩ nếu chỉ cần sống thọ bằng bố mẹ bây giờ thì một mình vẫn ổn, không phải nhờ vả ai. Các chị đi lấy chồng cả. Tuy cùng ở Hà Nội nhưng dăm thì mười họa mới ghé qua, không phải vì họ không quan tâm mà bố khó tính, không thích ồn ào và ngồi lâu một chút là ông đã mỏi, chỉ muốn đi nằm nghỉ.
Ả mèo được 5 tuổi bị triệt sản ngay từ lúc mới được 8 tháng. Thứ nhất vì lo ả đẻ nhiều không nuôi được, thứ hai vì sợ ả đi tìm bạn tình mà bị bọn bất lương bắt mất, thứ ba vì lo thế mà nuôi nhốt thì ngang bằng giết ả? Thế là vác ả đến trạm thú y cho ông bác sĩ giải phẫu. Lúc bê ả mê man ra ngoài, thấy mắt ả he hé bất động, lưỡi thè lè khiến tôi suýt khóc vì sợ ả chết. Giờ thì ả đã 5 tuổi và từ một nhách mèo bé xíu ngồi ton hỏn trên lòng bàn tay tôi, ả đã trở thành một ả mèo đỏm dáng mà ai cũng khen là đẹp, chỉ mỗi tội ả rất ghê gớm nên chẳng ai sờ được vào người ả, có lẽ nghe cái tiếng kêu của ả bọn chuột cũng biết ả ghê gớm nên cấm có con nào dám lai vãng.
Con gái đi làm cả ngày, nhà chỉ có 2 thầy trò với nhau nên quấn quýt nhau lắm. Nhiều lúc ả đang nằm ườn giữa nhà, thấy ông đi ngang qua, ả thò chân khều ông. May mà chân ả nhẹ như cái lông hồng chứ không ông chả ngã dập mặt vì chân ông bây giờ lẻo nga lẻo nghẻo, hơi tý là ngã. Thế nhưng cũng có lúc xung đột dữ dội xảy ra giữa hai thầy trò, ấy là do ả có một cái thú là tìm mọi cách để chui vào tủ quần áo của ông. Hễ ông mà sơ sểnh là thể nào ả cũng đã nằm trong tủ. Có bữa nghe thấy tiếng mèo kêu mà nhìn quanh không thấy đâu, chỉ đến khi mở tủ mới thấy ả vọt ra, thế là ông lập cập tháo dép ném túi bụi, hết dép thì ông vơ cả sách báo quăng vào ả mà chả cái nào trúng. Ả gào lên chạy trối chết, nhưng sau vẫn cứ chứng nào tật đấy. Ông thì tuổi già, lúc nhớ lúc quên. Thế là cứ thỉnh thoảng, hai thầy trò lại đuổi nhau chí chết. Con gái đi làm về, bố vừa thở vừa cười tố: nó láo quá!
Thi thoảng lắm bố mới đi nằm viện, hoặc chữa bệnh của tuổi già, hoặc đi an dưỡng ở nhà nghỉ Đại Lải nửa tháng theo tiêu chuẩn. Những ngày ấy chỉ mỗi mình ả mèo ở nhà canh miếu, ả buồn lắm. Sáng ra đi làm, tôi nhìn ánh mắt buồn rầu của ả, ánh mắt rất chịu đựng, tôi biết ả nhớ ông chủ. Có sáng đi làm, ra đến cửa quay lại, thấy cái bóng bé xíu của ả giữa căn phòng trống trải mới tội nghiệp làm sao, tôi rút điện thoại ra chớp 1 kiểu đem vào viện cho bố xem cho bố đỡ nhớ ả. Xong việc là tôi mau mau chóng chóng về với ả ngay, để ả bớt cô đơn. Buối tối tôi ngồi lướt mạng, ả mon men vào trong buồng nằm phía sau tôi. Thương ả cả ngày đã 1 mình giờ thèm hơi người, tôi không nỡ đuổi ả. Nhưng khi đi ngủ thì dứt khoát: a lê hấp! Ra ngoài! Ôi giời, ả mà chui vào tủ quần áo của tôi thì chỉ có nước chết, cái khoản cạy tủ của ả cực siêu.
Thi thoảng tôi kê lại đồ đạc, ả luôn làm nhiệm vụ ô tê ka (kiểm tra) các vị trí đó bằng cách nhảy lên nằm dù rộng hay chật hẹp, thậm chí cái cân sức khỏe ả cũng cố co cụm nằm trên đó cho dù chân cẳng có thò ra ngoài tý chút cũng mặc. Bố cười bảo: mày chịu khó đổi mới còn hơn cả đảng cộng sản!
Có lần tôi kêu ca mệt mỏi vì cứ phải đi xin xỉ về cho mèo đi vệ sinh, rồi phải đối phó với việc ả chui rúc vào tủ quần áo, mẹ tôi bảo: hay là thịt nó đi! Tôi nhìn mẹ tôi như người trên sao Hỏa rơi xuống. Về mách bố, bố bảo: có họa là cả nhà này chết đói cũng không bao giờ!
Tôi biết chuyện người ta vẫn thường ăn thịt mèo. Có lần đang đi đường, tôi nghe thấy tiếng mèo kêu thảm thiết đâu đó. Ngó ngược ngó xuôi, hóa ra ngay phía trước mặt là một chiếc xe máy chở cái lồng sắt lèn đầy chặt mèo. Những con ở phía trên cứ nghều ngào chen lấn. Những con ở phía dưới không cử động nổi, cứ gục mặt xuống đáy lồng. Tôi thổn thức suốt dọc đường đi. May mà có cái kính mũ bảo hiểm che, chứ không chả ai hiểu tại sao tôi lại khóc.
Đến cơ quan, tôi kể cho một chị bạn nghe, vẫn nước mắt ngắn nước mắt dài. Chị bạn chép miệng bảo: biết làm thế nào được.
Ừ! Tôi biết dù tôi có bỏ tiền ra phóng sinh cho tất cả lũ mèo, thì ngay sau đó sẽ có người đi bắt chúng lại. Đấy, báo chí đăng đầy chuyện nạn trộm chó hoành hành ở khắp các vùng thôn quê, đến mức xảy ra cả án mạng. Bọn trôm hung hãn đến mức đánh chết cả người truy đuổi. Còn người dân thì phẫn nộ đến mức tự xử những kẻ trộm chó bắt được. Đúng là loạn hết cả rồi.
May cho tôi là ả mèo nhà tôi thuộc diện khôn nhà dại chợ. Chính vì thế ả chẳng mấy khi dám ra khỏi nhà, chỉ ngồi trên bậu cửa sổ nhìn ngắm giời đất. Nhưng cũng có bữa ban đêm, ả trèo qua cửa sổ bếp ra hành lang đi chơi. Chẳng may chung cư thì nhà nào cũng giống nhà nào, ả không biết lối về. Sáng ngủ dậy, tôi thấy một điều bất thường là không thấy ả chầu chực ở cửa phòng tôi như mọi khi. Đến lúc tôi đi làm, tìm mọi ngóc nghách cũng không thấy ả đâu. Đến cơ quan, tôi gọi điện về cho bố, bảo bố đi các tầng xem nó có lạc ở đâu không. Ông lọ mọ đi xuống từng tầng, gọi meo meo. Ôi giời, nghe thấy tiếng ông, ả gào lên tức tưởi. Hóa ra ả đang nằm nép mình ở cầu thang bộ tầng 8. Còn ông thì nhìn thấy ả cũng mừng không kém. Về đến nhà, ông mắng ả:
- Trông xinh gái thế kia mà đần độn, đi chơi cũng không biết đường về!
Ông gọi điện đến cơ quan báo tin cho tôi mừng, ông bảo: nói thật! Nhìn thấy nó, bố mừng chảy nước mắt, cứ như được gặp lại người thân vậy.




Tuesday 25 October 2011

Tiền lẻ


Tôi vốn hay tích trữ tiền lẻ, để trả cho mấy bà bán thịt hay bán cá. Nhưng vốn dĩ đồng tiền nó phải quay vòng. Hôm nay ở trong tay bà bán cá, mai nó sẽ sang bà bán rau, ngày kia nó sang bà bán bún… Bởi thế dù tôi có tránh cũng chẳng được. Lâu lâu tôi lại phải ngồi sắp xếp lại cái mớ tiền lẻ cho nó ngăn nắp một tý. Của đáng tội, cái mùi từ mớ tiền lẻ ấy thật kinh khủng, nó hôi hám đến phát buồn nôn, và tôi kinh tởm nhón tay xếp những tờ 1 nghìn, 2 nghìn, 5 nghìn nhàu nhĩ và dính dấp lại thành 1 xấp dày. Khiếp quá, thế này thì bẩn hết cả ví. Tôi chợt nhớ đến những cái ví thơm nức chỉ để toàn thẻ, card visit, và những tờ tiền mệnh giá 200 nghìn, 500 nghìn hay thậm chí là những tờ tiền đô…
Để khỏi bẩn ví, tôi đem mớ tiền lẻ ấy ra cho vào chậu nước xà phòng để giặt. Sau khi giặt, những tờ tiền lẻ lại nhẵn nhụi và sạch sẽ. Trong khi rải chúng ra cái rổ nhựa để phơi, tôi ngồi ngắm nghía những đồng tiền lẻ đã được tẩy trần, trở nên mịn màng chứ không nhớp nhúa như trước. Chúng làm tôi nhớ đến một câu chyện cảm động tôi đọc trên báo, hay nghe trên truyền hình gì đó. Chuyện kể về một đứa trẻ tật nguyền tên là Kẹo bị mẹ bỏ rơi từ nhỏ. Vì đau buồn, bố Kẹo thường xuyên uống rượu, rồi đánh đập cậu bé. Khi được hỏi Kẹo có giận bố không, Kẹo nói: Không!
Bố Kẹo làm nghề đạp xích lô. Cuộc sống của 2 bố con hết sức khốn khó nơi phố cổ của Hà Nội. Kẹo muốn giúp bố lắm mà không được, vì Kẹo vốn dị tật bẩm sinh không đi được, đến ngồi cũng dặt dẹo. Một người hàng xóm tốt bụng chế tạo cho Kẹo một cái xe lăn hết sức đặc biệt, để Kẹo có thể đi bán báo phụ giúp bố. Có chiếc xe lăn, Kẹo đi khắp các phố phường để bán báo. Nhiều người thương, cho Kẹo tiền nhưng Kẹo nhất định không lấy. Vậy là người ta mua nhiều báo hơn để ủng hộ Kẹo. Hàng ngày khi Kẹo trở về nhà, móc túi ra những đồng tiền lẻ nhàu nhĩ, vuốt cho chúng phẳng ra một cách nâng niu rồi đưa cho bố.
Có lần ngày 8/3, Kẹo lấy tiền dành dụm được đem mua 1 lọ nước hoa nhỏ, đẩy xe lăn đến trước cửa nhà mẹ đẻ, nhờ người đem vào cho mẹ rồi đi về. Nhận được món quà, mẹ Kẹo lặng người. Biên tập viên hỏi mẹ Kẹo có thường về thăm con không, người đàn bà đáp có, nhưng thằng bé Kẹo thì đáp không. Biên tập viên lại hỏi Kẹo: có giận mẹ không? Thằng bé im lặng hồi lâu rồi gật đầu.
Câu chuyện trên thời đó đã lấy của tôi không biết bao nhiêu nước mắt. Bây giờ nhìn những đồng tiền lẻ, tôi lại nhớ đến vốc tiền lẻ nhàu nhĩ của thằng bé Kẹo tật nguyền, hay của những bà bán rau bán chuối, những bàn tay tấy đỏ trong giá rét của những bà bán thịt bán cá. Ừ, sự nhớp nhúa của những đồng tiền lẻ khiến tôi kinh tởm lại chính là sự chắt chiu khó nhọc của những con người lam lũ kia. Nói theo kiểu đạo đức thì nó chính là những đồng tiền sạch sẽ nhất trên đời.
Tôi xếp những tờ tiền lẻ đã được phơi khô cất vào một chỗ, với ý định sẽ để công đức khi đi vãn cảnh chùa.

Ngày 20 tháng 10 buồn nhất trong cuộc đời

Tự dưng lăn quay ra sốt đùng đùng. Lúc đầu còn gan lì, tự chữa bệnh bằng cách uống paracetamon. Nhưng đến ngày thứ 10 thì không thi gan được nữa, cả ngày sốt 40 độ. Thế là đành phải bò đi viện. Bác sĩ kết luận: sốt vì viêm xoang!
Lạ nhỉ? Tôi xoang mãn tính từ bé. Những đận viêm nặng, cả vùng mặt cứ gọi là đau nhức, vậy mà cũng chả bao giờ sốt đến 40 độ. Nghe tôi thắc mắc, bà bệnh nhân bên cạnh bảo:
-     Tôi có đứa cháu bị quai bị, bác sĩ khám bảo viêm tai, cho vào nằm phòng tai mũi họng. Tôi lo quá bảo: xin bác sĩ xem lại, kẻo lây sang người khác. Bác sĩ khám lại xong thì chuyển cháu tôi sang phòng khác thật.
Tôi cũng chả cãi lại bác sĩ, mình làm gì có chuyên môn mà cãi. Nằm viện 4 ngày, vừa truyền vừa tiêm, hết sốt hẳn là tôi xin ra. Bá cáo bác sĩ, món viêm xoang thì em xin chữa trị sau, bây giờ thì em phải về đã, sốt ruột quá rồi.
Trước hôm ra viện, đám anh em biểu tình vào thăm, tôi trốn viện theo mọi người đến buổi chia tay một biểu tình viên mới là em Tuyết, Việt kiều Anh nhưng lại đang sống ở Úc với chồng. Chả gì cũng hơn hai tuần không được gặp nhau, nhớ chết đi được!
Ừ! Nói nhiều, cười nhiều nó cũng toát mồ hôi ra, thấy khỏe người thực. Thứ sáu tôi ra viện, sút thêm 2 ký.
Để chủ nhật có thể ra Bờ Hồ với anh chị em, tôi chịu khó ăn uống cho chóng lại người. Nhưng của đáng tội, sốt hơn 10 ngày giời như thế, nó tiêu diệt mất bao nhiêu là hồng cầu, bởi vậy chân tay người ngợm vẫn cứ run rẩy, bải hoải. Tôi nhắn tin cho Minh Hằng, rầu rĩ báo tin chủ nhật tôi vẫn chưa thể ra Bờ Hồ với mọi người được.
Theo kế hoạch, thứ hai tới -17/10 là bố tôi đi nghỉ an dưỡng 15 ngày. Tôi mừng lắm, định nhân dịp này bảo Minh Hằng về ở với tôi trong những ngày bố tôi đi vắng. Úi giời, vắng chúa nhà có khác, bọn tôi đã lên sẵn bao nhiêu là kế hoạch nấu nướng món này món nọ để đãi đám biểu tình viên.
Trưa chủ nhật, tôi vừa ăn cơm xong thì nhận được điện thoại của Đức xoăn, nó hỏi tôi đang ở đâu. Tôi tưởng mọi người không thấy tôi ở ngoài Bờ Hồ nên hỏi thăm. Mới thanh minh thanh nga vài câu thì Đức xoăn bảo:
-     Thôi cô ở nhà thế là tốt rồi, cô Hằng bị bắt rồi cô ạ.
Tôi không tin vào tai mình, bắt là bắt thế nào, vì lý do gì?
Tôi vội nhảy vào facebook xem tin tức, chỉ vài thông tin sơ sài kể lại việc Minh Hằng bị bắt. Dường như chưa mấy ai kịp thông tin lên mạng. Tôi ngồi ngẩn ngơ, cố hình dung ra điều gì đang xảy ra, Minh Hằng giờ đang ở đâu?
Sáng sớm thứ hai, bố tôi đã khăn gói quả mướp đi tụ tập với các chiến hữu U90. Lẽ ra giờ này, Minh Hằng đang ở nhà tôi, hai đứa tôi đang bàn xem sẽ đi chợ mua cái gì về để trổ tài nội trợ.
Tôi ngồi thường trực bên máy tính ngóng tin. Chắc chắn một điều là không ai có thể tin được Minh Hằng bị bắt chỉ vì viết những từ quen thuộc HS-TS-VN lên nón lá. Đâu phải chủ nhật này hắn mới làm vậy chứ. Để rồi xem lần này họ đưa ra lý do gì? Chắc chắn là không dễ trôi vì việc này có rất nhiều người chứng kiến, cộng thêm các video clip quay được đã lác đác tung lên mạng.
Chiều tối, vẫn chưa thấy họ thả Minh Hằng. Mấy anh em rủ nhau đến công an quận Hoàn Kiếm để hỏi tin tức. Thấy những gương mặt quen thuộc của đám biểu tình lác đác xuất hiện trước cổng trụ sở, mấy anh công an liền cảm thấy bất an, đi ra đi vào ngó nghiêng. Một lát thấy ông Cường, công an quận Hoàn Kiếm đi xe máy đến, chúng tôi lại gần hỏi lý do bắt Minh Hằng, hiện nay đang giữ hắn ở đâu? Ông Cường nói đã đưa Minh Hằng vào Hỏa Lò, còn lý do thì sau vài câu tranh luận, ông ấy nói công an thành phố bắt chứ không phải quận. Chúng tôi hiểu có hỏi thêm cũng chẳng biết được gì thêm bèn kéo nhau sang bên kia Bờ Hồ ngồi. Lúc này đám biểu tình đã tụ tập gần 30 người, ngồi rải rác ở vườn hoa. Chúng tôi ngồi chuyện trò, hẹn nhau chiều mai lại đến đây, chính thức đặt vấn đề với công an quận Hoàn Kiếm về lý do bắt giữ Minh Hằng. Trong khi đi bộ dọc đường Tràng Thi, qua cái cổng phụ của trụ sở công an quận, nơi họ thường đưa những người bị bắt ra bằng lối này, Phương tuyên cáo cứ vừa đi vừa gọi gióng lên:
-  Cô Hằng ơi, cô Hằng có nhà không?
Kim Tiến cũng gọi theo:
-  Cô Hằng ơi! Mẹ Hằng ơi!
Thằng Binh nhì thì trèo lên bám vào hàng rào sắt, ngó vào nơi cách đây gần 2 tháng, cả bọn vẫn còn đang bị câu lưu trong khu vực thẩm vấn.
Thứ ba ngày 18/10, cũng là ngày thứ ba Minh Hằng bị bắt. Cả ngày không làm được cái gì ngoài việc ngóng tin. Anh em bạn bè, những người có mặt tại Bờ Hồ hôm 16/10, trực tiếp chứng kiến toàn cảnh từ việc cướp nón, rồi đến bắt cóc Minh Hằng ngay trước thanh thiên bạch nhật, rủ nhau làm đơn yêu cầu thả Minh Hằng.
Theo đúng hẹn, anh chị em lại có mặt ở công an quận Hoàn Kiếm. Trong khi mọi người ngồi chờ ở bên Bờ Hồ, 8 người đại diện vào đưa đơn. Nghe mọi người kể lại, thấy anh em tiến vào, tay trực ban vội tháo biển tên đút vào túi áo. Tiếp đến cò cưa việc công an bảo không có trách nhiệm phải ký nhận đơn, anh em thì yêu cầu công an tiếp dân phải đúng nguyên tắc, có biển hiệu đàng hoàng. Rốt cuộc là cũng chỉ được mỗi cái việc đưa đơn rồi ra về, trước khi tuyên bố: không ký nhận đơn cũng được, chúng tôi ghi âm lại là được rồi khiến tay trực ban cứ thuỗn hết cả mặt ra.
Nhóm đại diện nhập bọn với các anh chị em đang ngồi chờ ở vườn hoa, tóm tắt lại cuộc làm việc với công an quận Hoàn Kiếm. Xa xa, công an giăng khá đông, ý trông chừng đám biểu tình chúng tôi. Mọi người bàn nhau, ngày mai tiếp tục gửi đơn lên công an thành phố.
Ngồi thêm chừng nửa tiếng, tất cả chúng tôi đứng dậy. Hẳn mấy tay công an tưởng chúng tôi ra về ngay, ai dè cả bọn chúng tôi lùi lũi đi bộ ngược về phía Thủy Tạ, mỗi người cầm một biểu ngữ khổ A3 in độc một dòng chữ: Yêu cầu trả tự do cho người yêu nước Bùi Hằng.
Cả đoàn người chúng tôi tuy không đông, chỉ khoảng hơn 20 người, nhưng việc chúng tôi đi trong yên lặng, giương cao biểu ngữ trong tay lại khiến rất nhiều người chú ý. Vì chúng tôi đi ngược chiều, lại đúng vào giờ tan tầm nên những người tham gia giao thông ai cũng chăm chú nhìn. Nhiều người đi bộ trên bờ hồ xúm lại hỏi: Bùi Hằng là ai. Chúng tôi lại được dịp nói về chuyện Trung Quốc bắn giết bộ đội ta ở Gạc Ma, chuyện Trung quốc cướp bóc tài sản của ngư dân ta… và Bùi Hằng là một trong những người biểu tình chống Trung Quốc hăng hái nhất.
Nghe chuyện, có bác bảo: tôi ủng hộ! Rồi xin một tấm biểu ngữ đi cùng với chúng tôi. Các cháu học sinh cũng xin mấy tấm biểu ngữ. Nhưng rồi khi đoàn chúng tôi đi qua, mấy anh công an đến thu hết các tấm biểu ngữ của các cháu học sịnh. Tôi thấy thật là quái đản, không thể tự giải thích nổi.
Thứ tư ngày 19/10, các trang mạng tràn ngập thông tin về vụ Bùi Hằng bị cướp nón lá, rồi bị bắt cóc ngay tại Hồ Gươm. Các đài VOA, BBC, RFA, RFI cũng nhất loạt đưa tin. Tôi nghĩ thế là công an tự làm khó mình rồi. Đang yên đang lành, tự dưng khuấy lên để thiên hạ nhất loạt dòm vào. Cái việc Bùi Hằng đội cái nón lá đi dạo Hồ Gươm mãi rồi cũng chán, cũng quen, rồi có khi sắp tới cũng sẽ chẳng ai để ý đến nữa. Thế mà tự dung xông vào cướp, khiến cái cảnh ba bốn gã trai trẻ đeo băng đỏ thò tay giựt nón trở nên lố bịch quá, cái cảnh Mình Hằng ôm khư khư cái nón bẹp dúm trước ngực nó mới tang thương quá. Rồi sau đó bịt mồm, lôi Minh Hằng tống lên xe, áo thường phục dày đặc che chắn các loại ống kính khỏi cái cảnh bắt Minh Hằng. Tất cả những cái đó rốt cuộc để giải quyết được vấn đề gì? Sau này còn có tin, công an chỉ sợ Minh Hằng không chịu ra khỏi Hỏa Lò thì chết dở.
Ngày mai là ngày 20 tháng 10, là ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Thế mà đêm nay, một người phụ nữ Việt Nam vẫn đang ở trong nhà lao chỉ vì đội cái nón có ghi chữ HS-TS-VN đi trên bờ Hồ Gươm. Sao đời lại oái oăm đến thế!
Tôi chán không buồn nấu ăn, có một mình thì xuống phố làm bát phở cho nhanh gọn, rồi còn lên trực mạng. Đang mua cái thẻ cào để nạp điện thoại thì Nguyễn Vỹ gọi điện: chị Hằng ra rồi!
Tôi hét lên rầm rầm: Cái gì? Ra bao giờ? Ở đâu?
Mọi người xung quanh trố mắt nhìn tôi, tôi vừa giục bà bán thẻ vừa giải thích: công an bắt người biểu tình chống Trung Quốc, bây giờ phải thả, giờ tôi đi đón đây.
Tôi chạy lên nhà thay quần áo, gọi Phương tuyên cáo đến đón tôi. Tôi vẫn chưa thực sự hoàn hồn sau trận ốm, hơn nữa tôi chả biết đường đến Hỏa Lò.
Hai cô cháu tôi vất vả len qua dòng người đông đặc giờ tan tầm, lại còn dừng lại mua hoa để tặng Minh Hằng. Ờ họ khôn đấy, thả trước ngày 20/10 cho đỡ mang tiếng.
Đến lối rẽ vào Hỏa Lò là trời đã tối hẳn, vẻ ắng lặng khác thường khiến hai cô cháu phân vân những cũng vẫn đi vào. Trong bóng tối nhập nhoạng, tôi nhìn thấy bóng Minh Hằng đang ở trong quán nước ven đường, tôi hét:
- Kia rồi!
Tôi nhảy xuống xe, hai chúng tôi lại ôm chặt lấy nhau. Lần này chúng tôi có vẻ đã dạn dày hơn nên không khóc nữa, chỉ rơm rớm lệ. Xung quanh vẫn những gương mặt quen thuộc, luôn ở bên nhau trong những giây phút hoạn nạn, vui buồn nhất : Lê Dũng, Lân Thắng, Chí Đức, Hiếu gió, Thủy, Tiến Nam…Lát sau thì bác Ức Trai đến, bác ấy vẫn khóc giống như lần đón chúng tôi từ Hỏa Lò ra trước đây.
Ai mà ngờ được, chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, họ tống Minh Hằng vào Hỏa Lò hai lần! Có lẽ các cán bộ quản giáo cũng phải ngạc nhiên lắm. Tôi không hình dung ra được sự ngạc nhiên của họ, không biết họ nghĩ gì về cái đối tượng đặc biệt này?
Lại một đêm đám biểu tình quây quần, tụ họp bên nhau. Sau này tôi mới biết vợ chồng bác Tường Thụy lặn lội tít từ Văn Điển lên để hội ngộ Minh Hằng. Ngày 16/10, bác Thụy lần đầu tiên thuyết phục được bác gái ra Bờ Hồ đi dạo, lần đầu tiên gặp Minh Hằng để rồi chứng kiến ngay cảnh Minh Hằng bị cướp nón và bị bắt. Đối với bác Thụy gái chắc hẳn đó là một cú sốc, khiến cho bác ấy đang từ lưỡng lự trở thành fan hôm mộ đối với những người biểu tình, đặc biệt là với Minh Hằng.
Chia tay cuộc vui đoàn viên, tôi bảo Minh Hằng cùng cậu em Thủy về nhà tôi. Minh Hằng có vẻ lưỡng lự, bảo muốn tẩy trần cái mùi lao tù trước khi vào nhà tôi. Tôi gạt phắt đi, bảo lần trước thì tôi cũng từ nhà tù về thẳng nhà đó thôi. Trong khi mọi người thu xếp đồ đạc, cắm hoa cắm hoét vì hoa tặng Minh Hằng có đến bốn năm bó, tôi gọi điện cho ông công an khu vực, hỏi tôi có phải ra khai báo tạm trú cho hai người bạn biểu tình của tôi ngay đêm nay hay để sáng mai, ông ta bảo mai cũng đươc vì bây giờ khuya rồi.
Đêm ấy, chúng tôi chuyện trò đến gần 3 giờ sáng mới ngủ. Sáng dậy, tôi đưa hai chị em đi ăn sáng. Ông công an khu vực liên tục gọi điện nhắc tôi về vụ khai báo tạm trú. Tôi thật ngây thơ khi nghĩ rằng họ chả có lý gì gây khó dễ cho tôi trong vụ này, nhưng Minh Hằng thì dường như đã lường trước được hết cả.
Tôi hăm hở đem chứng minh thư của hai chị em ra công an phường, ngạc nhiên khi thấy ông ấy chả đưa tôi khai vào cái giấy tờ gì cả, nhưng lại yêu cầu về nói mẹ tôi viết tay là đồng ý cho hai người bạn tôi ở cùng. Tuy mẹ tôi là chủ hộ thật, nhưng hàng chục năm nay bà đâu có sống cùng bố con tôi. Có giấu cũng chả được, ai cũng biết bố mẹ tôi không hợp nhau, bởi thế tôi mới sống cùng bố một căn hộ, còn mẹ tôi ở cùng anh trai một căn hộ. Tuy nhiên tôi cũng tỏ ra hợp tác, chả vặn vẹo gì.
Tôi ngây thơ là ở chỗ ấy. Tôi có biết đâu là việc Minh Hằng ở nhà tôi đã khiến cho công an phường Dịch Vọng lo sốt vó lên. Họ không có cớ gì ngăn cản tôi thì họ gọi điện cho anh trai tôi, anh tôi lại gọi điện cho mẹ tôi. Tôi thì nghĩ nói chuyện với mẹ tôi muộn một tý cũng được. Để hai chị em Minh Hằng ở nhà, tôi ra ngân hàng rút tiền rồi quay về, thấy mẹ tôi đang đứng giữa nhà, nói những lời khiến tôi xấu hổ đến mức chỉ muốn chui xuống đất. Tôi gần như đẩy mẹ tôi ra khỏi nhà, để hai mẹ con tôi xuống dưới căn hộ của bà để nói chuyện. Hóa ra ở dưới nhà mẹ tôi đã có 3 ông công an phường đang ngồi ở đó chờ sẵn. Cơn giận của tôi bùng lên thật dữ dội. Tôi nói rất to, nói xối xả, tôi tuyên bố từ nay tôi bất hợp tác với công an, tôi sẽ không có trách nhiệm phải báo cáo về việc tôi đi đâu và làm gì ngày chủ nhật, và tôi sẽ lên tiếng về việc công an quấy rầy cuộc sống của tôi. Tôi nói việc làm của họ là gây mất đoàn kết trong gia đình tôi, rằng họ hay tôi ai cũng có bạn bè, cũng có quyền mời họ về nhà mình. Tại sao tôi chưa thu xếp xong việc nội bộ gia đình tôi thì họ lại can thiệp đằng sau lưng tôi như thế.
Trong suốt gần nửa tiếng đồng hồ, ba ông công an cứ kiên nhẫn ngồi nghe tôi trút cơn thịnh nộ. Họ cứ một mực nhũn nhặn khuyên tôi bình tĩnh và nói nhỏ, nhưng tôi nói tôi đang hết sức phẫn nộ, đến mức người tôi run bắn cả lên, và tôi không thể nói nhỏ được.
Sự nhũn nhặn và kiên nhẫn của họ ít nhiều có tác dụng, tôi dần dần nguôi giận sau khi đã xả ra gần hết. Tôi nói nếu mẹ tôi không đồng ý thì chắn chắn Minh Hằng cũng sẽ hiểu ý. Cô ấy đến ở với tôi là vì tình nghĩa bạn bè, chứ đâu phải vì không có chỗ ở. Nhưng cái cách họ làm sau lưng tôi như thế đã khiến tôi mất hết cả thiện cảm, khiến tôi trở thành kẻ bất nghĩa với bạn bè, và chính họ đã đẩy tôi vào thế bất hợp tác với họ.
Chẳng cần phải nói nhiều, trong khi tôi còn đang làm rầm rĩ lên ở dưới nhà mẹ tôi, thì hai chị em Minh Hằng đã thu xếp đồ đạc để lên đường. Khỏi phải nói tôi đau lòng thế nào khi nhìn thấy họ đã trong tư thế sẵn sàng lên đường. Minh Hằng bảo tôi không việc gì phải suy nghĩ nhiều, vì hoàn cảnh gia đình Minh Hằng cũng có điều tương tự nên Minh Hằng rất hiểu mẹ tôi, và hắn chẳng giận gì mẹ tôi cả. Hắn nói hắn thông cảm vì tôi vẫn còn bị ràng buộc bởi gia đình, chứ chưa thực sự làm chủ được cuộc sống của mình. Hắn biết tôi không thể bỏ ông bố già gần 90 tuổi của tôi được, chứ nếu không, hắn sẽ kiếm một chỗ ở cố định rồi đưa tôi đi cùng.
Tôi rầu rĩ đi theo hai chị em đến khách sạn. Hôm ấy là ngày 20 tháng 10, nhưng cả hai người phụ nữ chúng tôi đều đang đau buồn, về chuyện nhân tình thế thái liên tiếp xảy ra trong những ngày vừa qua. Đây cũng là ngày 20/10 đau buồn nhất trong cuộc đời tôi. Tôi không thể đối diện với anh trai và mẹ. Dường như họ biết nên hoàn toàn im lặng, không hề động chạm đến tôi. Không ai trong gia đình đả động đến việc này, vì họ biết cơn giận dữ của tôi sẽ lại bùng lên ngay lập tức.
Chị tổ phó tổ dân phố vừa mách tôi: bà bảo chị là thứ sáu vừa rồi nó lại đi biểu tình ở đài truyền hình Hà Nội đấy cô ạ.
Chẳng biết ai nói mà bà biết, hay lại là công an khu vực?
Chiều thứ bẩy, ông công an khu vực nhắn tin hỏi tôi khỏe chưa, chủ nhật có ra Bờ Hồ không. Tôi nhắn lại: không khỏe tôi cũng cố ra anh ạ. Nhờ các anh, mẹ con tôi giờ đây không nhìn mặt nhau nữa đấy ạ.
Không thấy ông ấy trả lời. Liệu ông ấy có thể nói gì?







Saturday 22 October 2011

Tiếng còi ủ

Ngày trước, chung cư tôi ở tương đối cách xa đường, nhưng lại đối diện ngay cổng chợ. Chỉ được cái tiện không ai bằng. Cần cái gì là chạy ù xuống mua, gi gỉ gì gi cái gì cũng có ngay. Chả bù những người ở phường khác, phải đi xe máy đến tận chợ này để mua đồ. Có khi tôi đang đứng trên ban công, thấy hàng chuối đi qua, ngại chạy xuống nên dòng dây xuống để câu chuối lên. Quá tiện!
Nhưng chả có cái gì là được hết cả. Trời còn tờ mờ, dân đi chợ đã huyên náo. Ngày trước còn có cả tiếng gà qué ngan vịt kêu quàng quạc. Từ sau dạo có dịch cúm gia cầm, người ta không cho giết mổ ở chợ nữa. Cũng nhờ vậy mà không còn cái mùi hôi rình từ đám gia cầm, khiến tôi phát khiếp lên được. Rồi vào chợ mới thấy kinh, cứ gọi ngập rác! Đường đi lúc nào cũng lép nhép bùn đất.
Tôi đi làm rồi, ở nhà bố tôi cứ than vãn: suốt ngày cái loa ở chợ cứ ông ổng gọi anh nọ, chị kia ở ban quản lý chợ về có người gặp. Rồi các loại loa của đám hàng rong quảng cáo thuốc chuột, rao mua đồ điện, loa bán báo. Thi thoảng lại giật nảy người lên vì cái loa phường treo trên cột điện ngay trước cửa nhà tôi, mở oang oang những bài hát cách mệnh, trước khi đọc một cái thông báo mới nào đó. Đấy là bố tôi còn điếc đấy.
Ở đấy ngót nghét ba chục năm, mọi cái rồi cũng quen. Căn hộ tôi ở tầng 2 mà chả có ruồi muỗi gì cả. Tôi đoán mọi thứ trong chợ nó đã thu hút hết cái đám ấy rồi.
Đùng một cái, nhân dịp có trận mưa to lịch sử năm 2008, trong cả cái khu tập thể ngập mênh mông nước, thành phố ưu tiên mỗi cái chung cư nhà tôi ở. Ngay trong đêm, khu nhà tôi ở náo loạn với cái lệnh sơ tán khẩn cấp, kẻo nhà nó đổ. Nói chung là một cuộc sơ tán dân ngoạn mục. Chỉ trong 3 ngày, hốt sạch hơn 100 hộ dân ra khỏi cái chung cư sát chợ. Sau này bình tĩnh lại, dân chúng mới nhận ra mình dại quá. Chỉ tại cái vị trí của nhà mình ở nó béo bở quá. Chỉ một khoảnh vỉa hè chừng mét rưỡi vuông, đủ để bày một chảo bánh rán nóng cũng phải thuê mất 800 nghìn/tháng từ hồi 2008. Còn mấy cái chung cư khuất nẻo bên trong, lại là nhà lắp ghép bê tông tấm lớn ấy à? Có mà rệu rã đến mấy, các mối nối bê tông cứ gọi là hở toang hoác, nhìn thấy phát ghê cũng chả ai thèm ngó ngàng tới.
Gần 3 năm qua, dân chúng tôi không thấy ai ỏ ê gì đến việc thỏa thuận, đền bù như thế nào. Rồi thấy tự nhiên người ta kéo đến, làm hơn sáu chục cái cọc khoan nhồi trên đất nhà mình, dân mới tá hỏa tam tinh kéo nhau xuống giữ đất. Ban đầu chủ đầu tư còn thách dân chúng tôi kiện. Đến lúc dân kéo xuống, tràn vào công trường đang thi công để dựng lều bạt thì họ gọi UBND phường, rồi công an phường ra. Hết dọa nạt rồi lại dùng kế điệu hổ ly sơn, mời bà con ra phường giải quyết. Dân chúng tôi chẳng mắc lừa lần nữa, cứ ngồi lỳ dưới lều, rồi kêu gọi báo chí đến quay phim chụp ảnh, đưa tin rầm rộ. Cảnh sát 113 quận cũng đến mới oách chứ. Nhưng nghe họ báo cáo lại với nhau xong thì ông chỉ huy gắt :  thế thì bảo thằng chủ đầu tư nó phải ra gặp dân đi chứ. Rồi ông ý kéo quân về. UBND phường cũng như công an phường cũng thu quân theo. Nhà thầu cũng ngừng thi công. Vậy là suốt 26 ngày sau đó, dân chúng tôi già trẻ lớn bé cứ căng lều ngồi canh, mặc nắng gắt mưa dầm. Tôi nghỉ phép để ngồi cùng mọi người. Sau 26 ngày, ai nấy đều đen nhẻm nhèm nhem. Nếu như sau đó, dân chúng tôi không kéo nhau lên tận UBND quận, yêu cầu phải ra bằng được cái văn bản yêu cầu ngừng thi công, thì hẳn chính quyền chẳng ngán gì mà không để dân chúng tôi phơi nắng có đến tận mùa quýt.
Đang từ cái nhà 5 tầng, bây giờ xây lên đến 17 tầng, mặt bằng lại rộng hơn. Thế mà họ áp cái hệ số đền bù diện tích là 1,3, giải thích đó là theo quy đinh của thành phố. Dân chúng tôi bảo, thế thì lên Sóc Sơn, Mê Linh mà xây. Chính quyền một đằng bảo đền bù theo giá thỏa thuận, nhưng lại kèm theo cái cơ chế chính sách đền bù, trong đó có cái hệ số 1,3 mà chẳng hiểu nó được xây dựng dựa trên cơ sở nào.
Dân gần 3 năm qua làm đơn gửi tứ tung, nhưng chẳng một cấp nào thèm trả lời. Bây giờ dân chúng tôi chán rồi, không gửi đơn nữa. Muốn gì thì gì, nếu không đền bù thỏa đáng thì đừng có mà động vào đất của chúng tôi. Một bác già nói rất thống nhiết: căn hộ là tài sản duy nhất có giá trị, chỉ đứng sau sinh mệnh và gia đình mà thôi. Ừ, đến bố tôi cả đời cống hiến cho cách mạng, tài sản duy nhất có được cũng chỉ là cái căn hộ sập xệ đó, để lại làm của thừa kế cho một kẻ làm công ăn lương kiết xác như tôi. Trời đất! Xã hội giàu có ở đâu ấy chứ. Cũng là người làm công ăn lương mà kẻ thì dăm bảy nhà, người thì có một nơi cư ngụ cũng khó.
Trong khi chờ đợi, dân chúng tôi cứ ở tạm cư. Cũng phải nói cái vị trí này khá đẹp, thế cho nên hồi đấy, dân chúng tôi mới dễ bị siêu lòng thế. Từ căn hộ tôi ở, nhìn ra ngoài khoảng không gian ngút tầm mắt cũng thấy vui vui. Không khí thoáng đãng, khô ráo nên bố tôi ít bị ho, khớp cũng đỡ đau hơn nhiều.
Tuy nhiên lúc đầu về đây cũng khó chịu lắm. Ngay cả khi đêm khuya cũng thỉnh thoảng lại rồ lên tiếng nẹt pô của tay đua xe máy nào đó. Tiếng xe tải về đêm chạy cứ rầm rầm. Gần đây tôi lại nhận ra thêm một điểm đặc trưng, đấy là tiếng còi ủ!
Phải nói là chả ngày nào không có tiếng còi rú lên như chọc tiết. Ngày thì dăm bận, ngày ít nhất cũng phải 1 lần. Lúc đầu nghe thấy tiếng còi, dân tình nhao hết cả ra ban công để xem chuyện gì xảy ra.
Hồi mới về, mấy lần cái chung cư tôi đang ở tạm xảy ra cháy điện. Vốn dĩ cái chung cư này là nhà tái định cư của một dự án di dân khác. Tuy nhiên có lẽ dân tái định cư của dự án này biết rõ chất lượng công trình nên chê, không chịu đến ở. Bây giờ khi xảy ra cháy, dân mới té ngửa ra là bên điện lực họ chưa hề nghiệm thu, họ bảo vì thành phố ra lệnh nên họ cứ phải đóng điện cho dân sử dụng thôi. Còn ngyên nhân cháy là do nhà thầu bớt xén, dùng dây bé quá nên khi sử dụng bị quá tải.
Cháy ở 1 tầng, các tầng khác chả biết gì. Đến khi còi cứu hỏa hú inh ỏi, chạy loạn lên trong khu mà chưa tìm thấy nhà, thì bảo vệ đã kịp dùng bình xịt dập tắt. Bấy giờ mọi người trong tòa nhà mới biết, cả làng đúng là được một phen thót tim. Từ bấy giờ, hễ có tiếng còi ủ là dân tình lại vểnh tai lên nghe ngóng, xem là còi gì để mà còn biết đường xử lý. Còi cứu hỏa, hay còi xe cảnh sát, hay còi xe cứu thương? Ở tầng cao thế này, nếu có chuyện gì xảy ra, chắc người già, trẻ em chạy không nổi. Mẹ tôi cho hết giấy tờ quan trọng vào một cái túi. Hễ có tiếng hô: cháy! là cụ vớ lấy cái túi, khóa cửa chạy. Người ta chạy xuống thì bà lại chạy lên. Mọi người hỏi: cụ chay đi đâu đấy? Mẹ tôi bảo: tôi lên gọi ông nhà tôi. Khi có cháy thì cả tòa nhà ngắt điện. Mẹ tôi lập cập leo lên tầng 10, gọi cửa ầm ầm mãi bố tôi mới ra mở. Đã thế khi mẹ tôi giục chạy, cụ chẳng những không chạy ngay mà còn quay vào bảo: để tôi còn đi tiểu đã!
Sau cái vụ cháy nhà 18 tầng ở Trung Hòa Nhân Chính, khiến hai mẹ con nhà nọ thiệt mạng, tôi đã tính tìm mua trên mạng cái thang dây thoát hiểm như kiểu dân leo núi ấy. Nhưng rồi sống trong cái thời buổi này, con người ta trở nên quen với mọi sự nguy hiểm, cứ thấy yên yên là lại đâu vào đấy. Ngay cả tiếng còi ủ cũng dần trở thành quen, chẳng còn ai giật mình thon thót khi nghe thấy nó rú lên nữa. Chắc cháy ở đâu đó, chắc lại tai nạn ở đâu đó, chắc là có việc gì quan trọng lắm đang xảy ra ở đâu đó, miễn là không liên quan tới mình. Và người ta dửng dưng, người ta thản nhiên khi nghe thấy tiếng còi. Thậm chí hôm nào mà không nghe thấy tiếng còi rú lên một vài lần, chắc hẳn một số người còn ngạc nhiên tự hỏi: Quái! Sao thủ đô ta hôm nay lại bình yên thế nhỉ?
Giời ạ! Trong khi tôi ngồi viết mới có nửa tiếng mà còi đã rú lên lần thứ 3 rồi đấy. Hình như là còi cứu thương thì phải, khiếp quá đi mất!