Có một câu nói trên facebook khá hay:
Trên đời “Có những
kẻ mà người lương thiện nên tránh xa”
Nhưng trộm nghĩ, lại có những kẻ mà người lương thiện
phải để mắt và ngăn chặn kịp thời mới phải.
Nhiều người Việt Nam trong đó có tôi, có
một quan điểm như thế này:
Trong một gia đình, hay trong một xã hội,
con người có thể có nhiều chính kiến khác nhau, có sở thích yêu ghét khác nhau.
Và không ai có thể ép buộc ai phải nghĩ theo mình, yêu ghét theo mình.
Nhưng khi đất nước bị đe dọa, thì không
phân biệt già trẻ gái trai, không phân biệt đảng phái, sở thích cá nhân, quan
điểm chính trị, thậm chí những người đang chịu án tù mà phải xung lính, ra trận
chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, thì tất cả họ đều phải được ghi nhận công lao. Thế
mới là đạo lý.
Nhưng ngót nửa thế kỷ sau chiến tranh Nam Bắc, nhiều người
người Việt Nam vẫn sống trong mối hận thù dai dẳng, thậm chí là điên cuồng.
Nghĩ đến chuyện này, tôi lại liên tưởng sang người Nhật, và người Mỹ.
* Cuộc nội chiến ở Mỹ kết thúc.
Người Mỹ xóa bỏ mọi hận thù Nam Bắc, để nắm tay nhau và trở thành cường quốc số
1 trên thế giới.
* Kết thúc cuộc chiến giữa các
quốc gia trong chiến tranh thế giới thứ hai, người Mỹ gác bỏ dư âm của trận chiến
Trân Châu Cảng, người Nhật gác bỏ hận thù về 2 quả bom nguyên tử, bắt tay với Mỹ
để rồi phát triển thành một nước đứng tốp đầu thế giới.
* Còn Việt Nam thì sao? Những
thanh niên sinh ra khi chiến tranh đã kết thúc, lại hận thù về quá khứ hơn cả
những người đã từng sống trong nó. Nguyên nhân nào dẫn đến kết quả này?
Không phải người dân Việt Nam nào cũng biết, năm 1974,
Trung Quốc đã dùng vũ lực để xâm lược Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của chính phủ
Việt Nam Cộng Hòa. Trong trận chiến này, 74 người Việt Nam đã hy sinh, khi thực
thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
* Sau khi nhà
báo Huy Đức và chương trình nhịp cầu Hoàng Sa kêu gọi quyên góp, để giúp vợ
trung tá Ngụy Văn Thà mua một căn hộ, Đài truyền hình VTC14 đã làm một chương
trình về việc trao tặng món quà tình nghĩa này. https://www.youtube.com/watch?v=gIZgc4bgElk
Người Việt Nam vốn coi trọng ngày cúng giỗ
người thân. Bởi thế việc tưởng nhớ về người mất luôn là một nghĩa cử không thể
thiếu trong cuộc sống. Trong một đất nước có hàng ngàn lễ hội, thu hút hàng triệu
triệu người tham gia. Nhưng những biến cố đau thương nhất trong lịch sử của đất
nước, dẫn đến việc đánh mất một phần giang sơn thì dường như bị cố tình quên
lãng một cách có chủ ý. Hàng năm, người ta rầm rộ kỷ niệm hết chiến thắng này đến
chiến thắng khác, nhưng lại không hề nghĩ đến ngày giỗ chạp đồng bào mình. Say
sưa với chiến thắng, quên đi thất bại chỉ là một sự ru ngủ đáng thương hại của
kẻ ngu muội.
Với chúng tôi, những người lính hy sinh
để bảo vệ Hoàng Sa, cũng giống như những người lính hy sinh để bảo vệ Gạc Ma, đều
là những người có công với đất nước. Nhưng hầu như chỉ những người lính hy sinh
trong trận Gạc Ma được người trong nước tưởng nhớ một cách “âm thầm”. Nhà nước
không tưởng nhớ thì chúng tôi tưởng nhớ. Thế nên ngày 19 tháng 1 năm nay, tôi
cùng bạn bè mang hoa đến vườn hoa Lý Thái Tổ để thắp hương cho những người đã
hy sinh trong trận chiến Hoàng Sa năm 1974.
Tôi đến trước, đợi bạn bè trên sân vườn
hoa. Một thanh niên đi tới, bảo tôi chụp cho cậu ta một kiểu ảnh, nhưng liền
sau đó cậu ta húc đầu vào ống kính máy ảnh của tôi, kèm theo những lời lẽ điên
cuồng, đe dọa sẽ chờ đánh những người mang hoa tưởng niệm “bọn ngụy bán nước”.
Tuy tôi có thể bằng, hoặc hơn tuổi mẹ cậu ta, nhưng tôi cũng bị bất ngờ về thái
độ côn đồ của cậu này, khi nó hung hãn đấm vào máy ảnh của tôi và.... nhổ nước
bọt vào mặt tôi!
Tôi có viết như thế này trên facebook: “Nước
bọt là gì? Suy ra nó chỉ là một dạng "Nước"! Nhưng cái chính nó được
sử dụng như thế nào? Và ai là người sử dụng nó? Sử dụng vào mục đích gì? (bổ
sung: nguyên nhân của hành động đó là gì?)
Bình thường, nếu một người nhổ nước bọt
vào mặt mình, hẳn bạn sẽ thấy đó là điều khủng khiếp. Nhưng nếu người nhổ vào mặt
bạn là một kẻ tâm thần, bệnh hoạn, thì bạn sẽ cảm thấy điều đó không tệ lắm.”
Một bạn bình luận: “nếu nó coi nước bọt là thứ dơ bẩn
dùng để hạ nhục người khác, thì chính nó là người phải nuốt cái thứ đó hàng
ngày ....”
Còn tôi thì cho đó là SỰ THẤT BẠI CỦA NỀN
GIÁO DỤC VIỆT NAM! Thất bại này không chỉ ở hành động của cậu thanh niên đáng
tuổi con tôi, mà là thái độ của những người xung quanh. Không một ai can thiệp,
hoặc phản đối hành động này.
Tôi không thể hành động như cậu thanh
niên kia, hoặc đánh cậu ta. Nó sẽ trở thành một cuộc ẩu đả. Mà như thế nó chỉ
không phù hợp với một phụ nữ như tôi, mà còn không đúng với tiêu chí bất bạo động
mà tôi vẫn ủng hộ. Tôi trình báo sự việc vừa xảy ra với viên công an Vũ Thế
Long, số hiệu 029-735 đang đứng trực bên cạnh chiếc xe trật tự của cảnh sát phường,
ngay cạnh vườn hoa. Nhưng ông ta không hề tìm hiểu sự việc ngay tại chỗ, mà nhất
mực mời tôi về phường. Nếu không phải đợi bạn bè cùng thắp hương, chắc chắn đến
phường trình báo là việc tôi phải làm.
Có những chi tiết vụn vặt mà tôi không
nhắc đến, kẻo câu chuyện trở nên thêm rườm rà. Nhưng khi chúng tôi đặt hoa và
thắp hương, cậu thanh niên ban nãy nhổ vào mặt tôi tiếp tục đến khiêu khích,
gây sự với những người đi thắp hương. Một gã đàn ông mang một vòng hoa của Cựu
chiến binh quận Hoàn Kiếm đem lên, đặt vòng hoa đè lên trên lẵng hoa của
chúng tôi. Khi mọi người đem lẵng hoa ra chỗ khác, gã này lại lẵng nhẵng vác
vòng hoa theo, hệt như một cuộc đuổi bắt hết sức khó hiểu. Ra mục đích của gã
này chỉ là dùng vòng hoa của mình, để che lẵng hoa của chúng tôi, chứ chả phải
“kính lễ” gì ai, nhân dịp gì.
Tất cả chúng tôi đã hết sức nhẫn nhịn.
Nhưng khi thằng thanh niên côn đồ kia giật đổ lẵng hoa của chúng tôi xuống đất,
và dẫm đạp lên nó, thì tất cả mọi người không thể nhịn được nữa. Chúng tôi xông
vào khống chế thằng khốn nạn này để lôi nó ra phường. Lẽ ra chỉ cần một người
đàn ông trong số chúng tôi, cũng dư sức để khống chế thằng khốn đó. Nhưng rốt cục
năm sáu người đàn ông đã không thể lôi nó ra đồn công an phường, vì có rất nhiều
kẻ trực sẵn quanh đó, đã xông vào ngăn cản chúng tôi, trong số đó có nữ công an
tên Minh (thuộc PA88- công an thành phố Hà Nội). Cô này trước đó không hề có
hành động can thiệp nào trước hành vi côn đồ của thằng thanh niên kia. Nhưng
khi chúng tôi khống chế nó thì cô ta chen vào chỉ để quay cảnh khống chế này,
thậm chí lấy người để che cho thằng thanh niên kia.
Khi thấy chúng tôi quyết tâm đưa thằng
côn đồ này về phường, một chiếc xe trật tự của công an đã xuất hiện “kịp thời”,
để đưa nó lên xe và phóng đi mất mà không cho chúng tôi đi cùng. (lưu ý là khi
xảy ra vụ việc, công an viên Vũ Thế Long và chiếc xe của công an đã biến mất một
cách khó hiểu, mặc cho tôi đã cảnh báo về nguy cơ sắp xảy ra).
Sau khi bà Lê Hiền Đức nghe tin, liền bắt
taxi ra vườn hoa Lý Thái Tổ, chúng tôi cùng bà ra công an phường Tràng Tiền để
trình báo sự việc. Nhưng ở đây, trực ban công an phường nói không hề có ai bị
đưa về phường. Tôi viết đơn trình báo sự việc, yêu cầu công an phường Tràng Tiền
tìm chiếc xe và thằng côn đồ kia để xử lý thích đáng, làm rõ trách nhiệm của
các lực lượng bảo vệ trật tự trên sân vườn hoa Lý Thái Tổ. Sau đó chúng tôi lên
sở công an thành phố Hà Nội, đồng trình báo lên ông giám đốc công an thành phố.
Tôi chỉ sợ dù công an điều tra của Việt
Nam thuộc diện giỏi nhất thế giới, nhưng họ sẽ không thể tìm ra chiếc xe nào đã
đưa thằng côn đồ kia đi tẩu thoát, cũng như không thể tìm ra thằng côn đồ kia
trong cái biển người ở thủ đô này, khi sự việc xảy ra quá bất ngờ, nên chúng
tôi không kịp ghi lại bằng chứng trong tay. Nhưng rất may, chính đồng bọn của
thằng thanh niên côn đồ kia, đã cung cấp một video không thể đầy đủ thông tin
xác thực hơn.