Translate

Tuesday, 30 April 2013

Đôi khi để hòa giải, người ta không cần cả những lời xin lỗi hay tha thứ ?

Tôi tặng những dòng tâm tư này cho blogger AnhVu của Vũ Thị Phương Anh. Đọc những ký ức buồn của chị, tôi cảm thấy có chung một niềm đồng cảm sâu sắc với những người ở phía “Thua toàn tập”. Đó là nhân dân chứ chẳng phải một thế lực chính trị nào khác như có người từng nói. Và tôi, chị đều là những người thua cuộc.

 30/4 - Với tôi, từ rất lâu đó chỉ là ngày nghỉ. Không phải tôi lãng quên những người đã chết trong cuộc chiến tranh này, cho dù họ là người lính hay dân thường, miền Nam hay miền Bắc. Hồi còn bé, tôi đọc “Hội chợ phù hoa” và nhớ một đoạn văn đại ý nói rằng, trong một cuộc chiến, khi người lính này đâm lưỡi dao vào ngực đối phương, thì cũng đồng thời đâm lưỡi dao đó vào ngực một người mẹ ở bên kia chiến tuyến. Thế nên tôi sớm có cái nhìn khác về những người ở “phía bên kia”. Thực lòng tôi vui mừng khi người ta nói sẽ không có tắm máu.

Chiến tranh kết thúc không có nghĩa là đau khổ đã chấm dứt. Nó rẽ sang một ngả đau thương khác. Đúng là không có tắm máu. Nhưng người ta không chết ngay bởi súng đạn, mà là chết từ từ. Cái chết này còn kinh khủng hơn nhiều. Sau này khi cuốn “Bên thắng cuộc” của nhà báo Huy Đức ra đời, một người bạn trên facebook đọc đến chương “Thăm nuôi” thì nghẹn ngào thốt lên: Ui! Bao nhiêu kỷ niệm đau thương ùa về. Tiếng kêu của bạn tôi như một vết cứa vào lòng.

Tôi có đọc một vài cuốn truyện như “Người có trái tim chó” của Nga, “Sống chết ở Thượng Hải”, “Báu vật của đời” của Trung Quốc, “chuyện làng Cuội” của Việt Nam. Dường như cách hành xử của người công sản ở nước nào cũng giống nhau cả. Tôi không lạ, nhưng chắc chắn không biết được hết, cũng không thể cảm nhận được những gì mà con người vẫn còn phải chịu đựng sau chiến tranh. Không có cách gì lý giải được việc sau chiến tranh, lòng người còn tan hoang hơn cả đất nước bị tàn phá bởi bom đạn. Không chỉ người miền Nam tiếp tục rời bỏ quê hương, mà người miền Bắc cũng ra đi.

Tôi không có ý định kể lại chuyện quá khứ. Nhiều người cũng đã muốn khép lại nó. Người ta nói nhiều hơn đến hòa giải hận thù giữa bên “Thắng” và “Thua”. Nhưng thực khó khi cả hai bên vẫn còn không ít người chưa thực sự mở lòng. Bên “Thua” nhất định giương lá cờ 3 sọc, đòi xóa bỏ chế độ cộng sản đang thống trị,. Bên “Thắng” tệ hơn, cứ gần đến ngày 30/4 hàng năm là toàn bộ hệ thống truyền thông lại ra rả ca ngợi “chiến thắng”.

Có người bảo, tôi chả thích cả cờ đỏ sao vàng lẫn cờ vàng ba sọc. Cái chúng ta cần bây giờ là một lá cờ khác. Tôi cũng nghĩ như vậy, cần có một màu cờ khác để dung hòa hơn là cứ ngồi tranh cãi nhau cho đến chết. Việc kẻ đang khua chiêng gõ mõ chưa hẳn là để khoe mẽ mà có khi chỉ là che giấu nỗi sợ hãi nào đó ở bên trong.

Đôi khi để hòa giải, người ta không cần cả những lời xin lỗi hay tha thứ ?


3 comments:

  1. ♫ Nếu hòa giải là cây cầu tâm thức đưa đất nước và dân tộc này đến bến bờ hạnh phúc thì cũng chả quá lắm để mà mơ một cây cầu vĩnh cửu. Ác thay, không những muộn màng mà nó vẫn khoác trên mình một diện mạo thời chiến - dưới cái dạng tạm bợ theo cái cách người ta lắp ghép cầu phao. Khi thì nắn sửa và xê dịch chút ít, mục đích không phải cho cả dân tộc hòa hợp mà chỉ phục dịch cho những ý đồ chính trị và kinh tế của một nhóm người.

    Đôi lúc, lại dớ dẩn chạnh lòng nhớ đến lá quốc kì nào đó, một quốc gia nào đó trong trí nhớ của một kẻ ghen tị. Nghĩ mà thèm . .

    ReplyDelete
  2. Nguyệt Đồng Xoài30 April 2013 at 19:46

    Người ta bảo nước Việt Nam nghèo lạc hậu mất dân chủ là do nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân mà đa số đồng tình là Việt Nam bất hạnh khi có những kẻ mộng du thiếu sáng suốt (như ông Hồ Chí Minh, Lê Duẫn, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh v.v...) đem chủ thuyết Cộng sản/CNXH vào áp dụng mà không hề hỏi ý kiến nhân dân. Còn một trong những nguyên nhân nữa là chính sách giáo dục đào tạo sặc mùi chính trị của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam là loại trừ những người là con em con cháu "Ngụy quân, Ngụy Quyền" (xem bên dưới) ra khỏi chiếc ghế ấy. Con cháu "Ngụy quân Ngụy quyền" không vào được đại học cao đẳng trung học dạy nghề, nhưng con cháu các đồng chí lãnh đạo hay những tư bản đỏ làm những ngành có tham nhũng được thì với đồng lương "khiêm tốn" như họ nói thì tiền đâu họ có cho con họ du học (rất đắt đỏ) tại nước ngoài hay tại cứ con các đồng chí ấy "thông minh" bẩm sinh? 3 đứa con của đồng chí Nguyễn Tấn Dũng đều được du học ở nước ngoài như Mỹ, Anh quốc và Thụy Sĩ. Tiền đâu ra?

    Chuyện hòa hợp hòa giải thì bên thắng cuộc tức Đảng và nhà nước ta chẳng bao giờ có thiện chí và sự thành thật. Chỉ một ví dụ nhỏ thôi về cách thức họ tuyển sinh đại học dựa vào lý lịch. Cái hậu quả chính sách giáo dục dựa vào lý lịch, tuyển lựa nhân tài đã đưa đất nước này thụt hậu so với Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, và Thái Lan mà trước năm 1975 những quốc gia này bằng hay thua kém VNCH miền Nam. Qua Thang Điểm hay Điểm Chuẩn Tuyển Sinh vào đại học, cao đẳng, dạy nghề của VN sau 30/4/1975 nhằm loại trừ con của “Ngụy quân Ngụy Quyền” ra khỏi chiếc ghế đại học, cao đẳng, dạy nghề dù họ có giỏi tới đâu khó chen chân vào đại học. Có được 1 điểm trong việc thi vào đại học, cao đẳng, dạy nghể ở CHXHCN VN “công bằng văn minh tiến bộ” là khó, không dễ dàng. Nhờ chính sách tuyển sinh này mà nước CHXHCN VN khi được xếp về mọi mặt thì Đội Sổ so với các quốc gia trên thế giới! Ví dụ điển hình là học sinh siêu giỏi Toán (gốc Quảng Nam) học trường chuyên toán Lê Hồng Phong ở tp HCM là anh Võ Đại Hoài Đức bị loại ra khỏi danh sách thi học sinh giỏi Toán quốc tế vì có thân nhân dính dáng đến “Ngụy Quân Ngụy Quyền” như người bác hay chú của anh Đức là “tên phản động” gốc Quảng Nam là ông Võ Đại Tôn (nhà văn, nhà thơ có bút hiệu là Hoàng Phong Linh). Người Công giáo cũng là đối tượng bị loại ra khi đi thi vào đại học, cao đẳng, dạy nghề của VN sau 30/4/1975. Mẹ của Nguyệt tôi kể lại cũng 1 anh học sinh siêu giỏi (gốc Quảng Nam) thi điểm rất cao vào trường Đại Học Bách Khoa Đà Nẵng hay Tp HCM gì đó trong thời bao cấp (thời kỳ nay người CS làm khổ dân VN rất nhiều) chỉ vì lý lịch gia đình có người làm trong chế độ VNCH mà anh này bị cấm cảm lên đến 3 lần nhập học trường Đại Học Bách Khoa. Nhạc sỉ tài danh Trầm Tử Thiêng (gốc Quảng Nam) cũng vì đi lính (chức vụ không cao lắm) mà sau 1975 Đảng và nhà nước ta làm khó dễ mang tính chất ti tiện tiểu nhạc sĩ gốc Quảng này rất nhiều đến nỗi nhạc sị Trầm Tử Thiêng phải đi vượt biên. Nhạc sĩ tài danh Trầm Tử Thiêng sáng tác rất nhiều ca khúc được các danh ca miền Nam VNCH hát như ca sĩ Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Thúy, Sỹ Phú, Duy Quang, Elvis Phương, Lê Uyên-Phương, Phương Đại, Thanh Phong Duy Mỹ, Thanh Lan v.v… trình bày.
    Thang Điểm hay Điểm Chuẩn Tuyển Sinh vào đại học, cao đẳng, dạy nghề của VN sau 30/4/1975 căn cú vào Lý Lịch Gia Đình thí sinh
    - Ưu tiên 1: điểm trúng tuyển đòi hỏi rất thấp. Những người thuộc diện này là con của liệt sỹ cách mạng chống Pháp, chống Mỹ.
    - Ưu tiên 2: điểm trúng tuyển cao hơn ưu tiên một 2 hay 3 điểm. Những người thuộc loại này là con của gia đình có công cách mạng.
    - Điểm chuẩn loại 3: con những người dân thường. Điểm của những người này bọ đòi hỏi cao hơn ưu tiên 1, ưu tiên 2 ít nhất khoảng 6 hay 7 điểm.
    - Điểm chuẩn loại 4: điểm chuẩn để trúng tuyển bị đòi hỏi rất cao hơn ưu tiên 1 đến ít nhất là 10 điểm nhằm để loại trừ họ ra khỏi đại học, cao đẳng, dạy nghề. Những người thuộc loại này là con của những người có dính dáng tới chế độ Sài Gòn cũ, VNCH, “Ngụy quân Ngụy Quyền”.

    ReplyDelete
  3. Thật tình mà nói, nhìn bức hình có người mặc quần áo bộ đội (?) và áo lính rằn ri quân đội VNCH tôi thấy có phần kịch tính trong đó bởi vì có là người ở trong miền Nam mới biết khi bộ đội giải phóng và bộ đội miền Bắc vào họ không mấy thân thiện và hoà đồng như thế đâu , thái độ đúng với tinh thần "được làm vua" còn người dân nhất là lính tráng chế độ cũ thì mang tâm trạng "thua làm giặc", sợ run như cầy sấy còn khuya mới dám khoác vai khoác vế bình thản tự tin như thế

    Khó thuyết phục lắm, chỉ cần nhìn vẻ mặt là biết họ là người thật hay kịch sĩ

    ReplyDelete