Translate

Sunday 12 February 2012

Đừng đuổi ân nhân

Những gánh hàng rong
Gánh cả nỗi đau nhà nông không đất
Những trai làng thờ thẫn đợi người thuê
Trôi dạt thị thành vẫn giữ nét quê
Nhoẻn miệng cười khi công an rượt đuổi

Đừng đuổi!
Xin đừng rượt đuổi!
Họ chỉ là nạn nhân
Đô thị mở rộng họ mất nơi cày cấy
Đô thị văn minh họ không chốn nương thân

Những mảnh đời lam lũ
Từng gánh gánh nặng chiến tranh
Nay gánh gánh nặng hòa bình
Sống thời nào cũng thiệt
Thiếu cả lời kêu than

Đừng thấy họ hiền mà bắt nạt
Đừng thấy họ nghèo mà khinh
Bao thứ hôm nay có được
Vốn từ họ mà ra
Họ chính là ân nhân!


Hoàng Xuân Phú
Hà Nội, 4.2.2012

3 comments:

  1. Phải công nhận bác Hoàng Xuân Phú là nhà khoa học mà con tim lại rất nhạy cảm và rất tình cảm! Lời thơ không cần "trau chuốt mượt mà" gì hết, nhưng bởi quá thực lòng, quá tận tình, làm tớ đọc mà lòng phải chùng hẳn xuống.

    Cả khi bác ấy viết những để tài góp ý nghiêm túc, lời lẽ cần chính xác, lý luận cần chặt chẽ, chứng cứ khoa học phải trưng ra đầy đủ mạch lạc (chẳng hạn loạt bài về Điện hạt nhân), dọc đã không thấy khô khan chút nào mà trái lại còn cảm dộng, vì rất dễ nhận ra tấm lòng của bác ấy trải ra trên từng dòng chữ.

    Vả cả khuôn mặt của bác ấy nhìn cũng rất nhân hậu, rất dễ mến. Bác ấy quả là một bậc hiền nhân, vừa có tài vừa có đức!

    ReplyDelete
  2. Nhân đọc bài thơ của Hoàng Xuân Phú tôi liên tưởng tới cái "chợ bán dày dép ban đêm tự phát" dọc theo đường Nguyễn Khánh Toàn (góc Bảo tàng Dân tộc học VN). Chợ hoạt động được một vài năm, toàn là sinh viên nghèo ban đêm tranh thủ bán dày, dép, quàn áo để kiếm thêm thu nhập lo cho việc học, ăn ở, đi lại, gánh bớt nỗi nhọc nhằn của bố mẹ nơi thôn quê. Gần đây đi ngang qua không thấy các quán sinh viên bán dày nữa, bị công an cấm bán, nhưng thay vào đó lại là các hàng quán ăn nhậu. Buồn và làm mấy vần thơ:

    Trên đoạn đường Nguyễn Khánh Toàn,
    (giáp với Viện Bảo tàng Dân tộc học)
    Đêm đêm các em sinh viên gầy rộc
    Bán dày dưới sương suốt dọc hè đường!
    Kiếm ít tiền lo cho việc học
    Kiếm ít tiền lo mặc, lo ăn
    Kiếm ít tiền giúp Cha Mẹ bớt khó khăn.

    Suốt 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông
    Đêm đêm trên đường về ngang qua tôi bắt gặp
    Bao cặp mắt chờ mong:
    Mong Khách qua đường dừng chân mua giúp
    Dù chỉ là đôi tấm lót dưới chân
    Dù chỉ là đôi tất giá rẻ…

    Rồi một ngày sao mà buồn thế
    Cả tuyến đường không một bóng sinh viên
    Không còn hàng bán dép, bán dày
    Hỏi các em đi đâu?
    - Công an cấm, các em bỏ chợ.

    Đi trên đường tôi nghĩ vẩn vơ
    Hỏi tại sao công an cấm?...
    Vẫn trên tuyến hè ấy
    Đêm nay quán ăn thay thế mọc lên:
    Quán nước, quán bia, quán phở, quán cơm…
    Bàn nghế ngổn ngang, mỹ quan ô hợp

    Phải chăng sinh viên nghèo không đủ tiền “lo lót”
    Nên công an đuổi đi
    Quán phở, quán bia đều đều cống nạp
    Công an khuyến khích bảo kê?

    Buồn, thương lẫn lộn khi ngang về
    Bao giờ chính quyền lo cho dân đỡ khổ
    Sinh viên “nguyên khí Quốc gia” là vậy đó
    Nghèo, không tiền – vì họ là con em của nông dân.

    ReplyDelete
  3. Khi và chỉ khi anh (chị) sống và đồng cảm (buồn, thương, giận, ghét...) với những mảnh đời khốn khó buôn thúng bán bưng Thì lúc đó mới xuất hiện trong ta con người tử tế.

    TH

    ReplyDelete