Translate

Tuesday, 1 April 2014

KHÔNG CÒN SỨC PHẢN KHÁNG TỨC LÀ ĐÃ CHẾT LÂM SÀNG ?

Ban đầu tôi nghĩ, các cấp chính quyền ở trung ương bao giờ cũng văn minh hơn chính quyền địa phương. Văn minh ở đây không chỉ là cách hành xử, mà là cả cách suy nghĩ. Nhưng có lẽ tôi nhầm. Chỉ là một đằng thì gián tiếp (sạch tay), còn một đằng trực tiếp, chứ man rợ chả kém gì nhau. Tỷ dụ trong một vụ án, người ở trên thản nhiên ký cái roẹt, tống một con người vào tù. Kẻ ở dưới dùng nhục hình đày đọa, đẩy người tù sớm đến cái chết hơn, hỏi ai tàn bạo hơn ai? Như nhau cả thôi.

Cái tên Đinh Đăng Định và Bauxite Tây Nguyên tôi nghe thấy từ lâu, nhưng nó giống như một viên sỏi, ném vào dòng thác sự kiện của một xã hội, mà tôi nghĩ là đang ở hồi hỗn loạn. Đến thư của cụ Võ Nguyên Giáp và các cảnh báo của các nhà kinh tế và khoa học còn chả ăn ai, nữa là một thày giáo ở một tỉnh miền núi xa lắc. Trong khi các sự kiện cứ nối tiếp nhau cuốn đi, cuộc sống của những người tù gần như bị quên lãng trong sự đày đọa về thể xác và khủng bố về tinh thần.. Người ta có nhắc đến cũng chỉ biết chép miệng, hay buông lời cảm thán là xong. Chỉ khi tin về thày giáo Đinh Đăng Định bị ung thư, người ta bắt buộc phải đưa ông đi mổ mà vẫn còng ông, thì dự luận mới chú ý đến ông nhiều hơn.

Có lẽ phải cảm ơn những người bạn của thày giáo Đinh Đăng Định, bấy lâu nay vẫn bất chấp nguy hiểm, lặng lẽ và kiên trì giúp đỡ về vật chất, cũng như chia sẻ thông tin về hoàn cảnh khốn cùng của gia đình thày giáo lên mạng internet. Sau khi mổ, bất chấp bệnh tình của thày chưa bình phục, người ta lại đưa thày trở lại nhà tù ngay trong dịp tết. Điều này làm dấy lên sự căm phẫn trong dư luận, về sự vô nhân đạo của nhà cầm quyền. Mới đây, khi nhà cầm quyền trả thầy Đinh Đăng Định về cho gia đình, người ta hiểu rằng thời gian của thày không còn bao lâu nữa.

Vào một ngày gần cuối tháng 3, khi chúng tôi có dịp vào Nam, những người bạn ở Sài Gòn đã đưa chúng tôi về Đắk Nông. Trong cái nắng oi ả của ban trưa, chúng tôi bước vào căn nhà vách gỗ tuềnh toàng mà gia đình thày Đinh Đăng Định đã ở mười hai năm nay. Trong khi mọi người vây quanh người đàn ông gầy guộc nằm trên giường, tôi đứng im lặng quan sát, chỉ thấy trong lòng bâng khuâng một nỗi buồn khó tả… Tôi thơ thẩn xuống dưới bếp, như thấy lại cuộc sống nghèo khó của những người dân thời chiến tranh cách đây hơn bốn chục năm. Những cái xong bám đầy nhọ nồi, đen chũi treo trên vách gỗ. Con gái đầu tên Thảo, bảo mấy bữa nay bố khó thở nên không dám đun bằng củi, vừa mới mua bếp ga về để nấu ăn. Nó chỉ cái thùng nước đặt trên khung sắt, bảo chú Phạm Bá Hải về thăm, thấy nước nôi khó khăn quá mới mua cái thùng này, bắc nước cho mấy mẹ con dùng đỡ vất. làm xong rồi chú mới đi.

Khó khăn của gia đình những người tù thì kể sao cho xiết? Nếu không có sự giúp đỡ của bạn bè và những người ủng hộ họ cả ở trong và ngoài nước, chắc chắn cuộc sống của họ sẽ vô cùng quẫn bách.

Khi mọi người tản mát đi quanh nhà, chỉ còn Lưu Gia Lạc và chị Sông Quê (nick trên FB) bên cạnh người bệnh, tôi mới ngập ngừng bước tới, rụt rè nắm lấy tay thày Đinh Đăng Định. Tôi thực sự chẳng biết nói gì, tôi chỉ có thể nói, về tuổi đời thì thày thua tôi (thày kém tôi 3 tuổi), nhưng về sự dũng cảm thì tôi thua thày. Thày đã làm được điều mà chúng tôi không làm được.

Mặc dù tôi không muốn người ốm mệt thêm, nhưng người đàn ông kiên cường này vẫn cố gắng nói, rằng cuộc chiến này còn dài, vì vậy đừng hy sinh vô ích. Hãy ủng hộ và giúp đỡ những người đang tranh đấu.

Tôi hay khóc trước những hoàn cảnh thương tâm, nhưng lần này tôi rất bình tĩnh. Thế nên tôi ngạc nhiên khi thấy giọng mình méo đi, thấy nước mắt mình rơi trên cánh tay. Lưu Gia Lạc nắm lấy bàn tay chị Sông Quê, đặt lên tay tôi và tay thầy Đinh Đăng Định. Bốn bàn tay chúng tôi chồng lên nhau trong im lặng, rất xúc động.

Người ta thường có một luận điệu, rằng những người phê phán chế độ là nhận tiền của nước ngoài để chống phá nhà nước này. Họ không bao giờ tự hỏi, tại sao những người dám đấu tranh lại chấp nhận tù đày, chấp nhận nghèo khó, thay vì ca ngợi chế độ để được hưởng ít nhất là sự bình yên cho bản thân? Xã hội không tự thân trở nên tốt hơn, nếu không có sự vận động của từng cá nhân. Một xã hội chỉ có những lời ca ngợi sáo rỗng và giả dối là một xã hội vô hồn và thực sự đang chết lâm sàng (không còn sức đề kháng).

*

Tính từ lúc dự án Bauxite được đăng tải trên trang của thầy Huệ Chi và thầy Phạm Toàn cho đến khi bị bắt, thày Đinh Đăng Định đã vận động được ba ngàn chữ ký của người dân Tây Nguyên để phản đối dự án này. Giá như có nhiều người như thày Đinh Đăng Định, biết đâu chúng ta đã tránh được thảm họa này?


Bếp nhà thày Định
Những chiếc nồi của thế kỷ trước
Nơi thày ĐỊnh dạy học tại nhà
Căn nhà đơn sơ của người tù 
Người tù bất khuất.

4 comments:

  1. Tôi kính phục anh Đinh Đăng Định.Tắm gương bất khất của anh sẽ được nhân dân ghi nhớ mãi

    ReplyDelete
  2. │ Hình như ngần ấy năm nắm trong tay quyền lực, người ta đã quen cái thói lạc quan tếu dẫu biết rằng còn khối người khốn khó, oan khuất trong tù tội. Bauxite có làm giàu - nghèo thêm cho đất nước không quan trọng miễn sao họ hoàn thiện 'chủ trướng lớn' là đủ rồi! Nơi Tây Nguyên hay Vườn hoa Dân oan nhẫn nhịn chờ từng can nước, hạt gạo tình thương từ những con người hảo tâm mang đến mà chả như nhau. Có đám người đeo lon, bồng súng nay lại hứng thú say viết về dân chủ, về quyền tự do ngôn luận mà quên khuấy đi những căn lều rách nát, nơi bệnh tật đang hoành hành trên thân thể người tù kia!

    Thầy Định đã về với gia đình! Thôi không còn bị còng tay trên giường bệnh, để làm gì? Thôi thế cũng còn tử tế chán! Có những lúc quang vinh lại nằm lọt thỏm trong sự vô nhân đạo cũng đành chấp nhận chứ biết sao. Nếu niềm lạc quan giả tạo là cái thứ ngôn ngữ của bọn ma lanh hoạt đầu, chả cần thiết cứ phải thấm thía những khổ đau để viết về niềm tin ngời sáng làm gì!

    Cửa mở là mọi vật sẽ rơi vỡ, người ta bảo thế. Thành thử mấy chục năm mang hơi thở đàn cừu cũng đã quen! Trong văn thư chính thống hay trên dòng báo chí truyền thông quốc doanh, 'Dân oan', tội tù, dân chủ, thường được phát âm và viết theo cái lối tự do bỏ trống. Thế nên, chúng ta vẫn tự hiểu như dấu lặng của nốt nhạc! Loài vật thì gầm lên trước lúc nuốt chửng miếng mồi chứ con người thường dùng đến ngôn ngữ mệnh lệnh. Sau đó mới dùi cui, nhà tù! Các chính trị gia ở nước ta gọi đó là: Sự ổn định chính trị. Chao ôi!

    Nếu đời người không có sự thật (the fact) thì khỏe biết mấy! Hắn ta sẽ không buồn và phẫn uất trước một xã hội được nhào nặn bởi cái thứ Nhà nước bội thực quyền lực đến độ vô tâm. Như thế, hắn sẽ chả còn phải nhờ đến những tờ báo biếu hay cái loa phường nói với mình nửa bên kia sự thực. Cuộc đời này hẳn không còn xa rời thực tiễn, đến đất đai và $iền, đến cái ghế là có thể quyết thấu mọi bề . .

    Nhưng chính những thứ đó đánh đu với sự khốn nạn chứ đâu!

    ReplyDelete
  3. Rồi lịch sử sẽ xem xét lại , xem những tù nhân lương tâm khi vào tay độc tài có bị tiêm chích thuốc gì không ? Mà sao nhiều người vào tay chúng hay bị mắc bệnh ung thư thế ?

    ReplyDelete
  4. tại sao không kêu gọi ủng hộ giúp đỡ thầy Định

    ReplyDelete