Translate

Saturday 28 April 2012

Câu chuyện cuối tuần

*    Hôm qua công an triệu tập Người Buôn Gió lên “làm việc”. Không biết là làm việc gì, nhưng bây giờ cứ vào đồn công an là chả lường trước được điều gì tiếp theo. Buổi chiều, Xuân Diện gửi cho tôi đoạn tin nhắn này:
XUÂN DIỆN ơi ! Có tin gì từ NGƯỜI BUÔN GIÓ chưa ? Nước mắt VĂN GIANG chưa khô lại muốn rơi vì thương TÍ HỚN ! cầu Trời phù hộ cho những con người như bố TÍ Hớn ! Chị mới chỉ gặp Hiếu một lần khi Hiếu đến toà soạn của chị cách đây vài năm ....nhưng từ mùa hè 2011 Thì hình ảnh của mọi người đã trở nên thân thiết và trái tim già yếu của chị lại cứ quặn đau khi Hoạn nạn cứ tiếp tục đến với những người chị YÊU Quí ! Hy vọng một ngày gần đây sẽ được đến thăm TÍ Hớn ! Hy vọng bố mẹ TÍ Hớn vẫn Bình an để đón TÍ Hớn mỗi buổi chiều và chơi cùng TÍ Hớn vào những ngày thứ bẩy ? TỰ DƯNG LẠI MUÓN KHÓC NGƯỜI DƯNG NHƯ BÍCH PHƯỢNG!

*    Bình thường thì chỉ người thân mới thỉnh thoảng hỏi thăm nhau, chứ công an khu vực mà hỏi thăm sức khỏe của dân thì chắc là có vấn đề. Thế nên mỗi khi anh công an khu vực hỏi thăm sức khỏe cụ nhà tôi, là tôi lại đoán anh ấy muốn hỏi thăm hoạt động xã hội của tôi là chính, vì mỗi lần như thế đều trùng vào những dịp mà trên mạng cứ đồn ầm lên là sẽ có biểu tình.
Thực lòng mà nói, đối với cá nhân tôi thì chính quyền địa phương ở đây chả có gì khúc mắc. Vì vậy tôi chủ động nói với anh công an khu vực là cụ tôi khỏe rồi, nên anh ấy không phải vào thăm nữa. Rồi những ngày nghỉ tôi chỉ ở nhà chăm sóc bố. Anh ấy có vẻ yên tâm, động viên tôi dăm ba câu. Tuy nhiên tôi cũng nói luôn:
-     Trước đây tôi có nói với anh là những vấn đề của dân oan là tôi không dính vào..
Mới nói đến đấy, anh ấy đã sốt sắng đồng ý:
-     Ừ đúng rồi đấy.
-     Tôi không dính vào không phải vì tôi không quan tâm, mà chỉ là tôi không kham nổi thôi. Nhưng vừa rồi xem mấy cái clip cưỡng chế trên mạng, công an đánh dân kinh quá thì tôi không chịu nổi...
-     Ở đâu hả chị?
-     Ở Văn Giang Hưng Yên ấy, anh không biết gì à?
-     À!
-     Tôi nói thật là nếu không mắc phải chăm sóc cụ nhà tôi, nếu tôi cùng cụ Lê Hiền Đức sang với bà con nông dân từ đêm trước hôm cưỡng chế, thì chắc chắn tôi sẽ quay được nhưng cảnh tượng trên. Kinh khủng quá. Giả sử anh thấy đồng đội của anh đánh dân thế, anh có lên tiếng không? Tôi mà có mặt ở đó, tôi mà quay được nhưng cảnh đó thì chính tôi sẽ là người đem cái đó lên gặp lãnh đạo công an các anh để tố cáo việc công an đánh dân, chứ không đến lượt các anh đi truy tìm người quay đâu.
Trong lúc xúc động, tôi không nhớ rõ mình còn nói những gì, nhưng tôi có nói nếu mình vô cảm với người khác thì khi mình gặp hoạn nạn, người ta cũng sẽ vô cảm với mình. Anh công an khu vực chỉ nghe và thế à với vâng, chứ chả biết nói gì thêm. Sau anh ấy có chốt câu mong tôi thông cảm, anh ấy cũng chỉ vì nhiệm vụ. Đương nhiên là tôi thông cảm chứ, thế nên tôi mới tự nguyện khai báo cuộc sống riêng tư của tôi thế chứ. Nếu không tôi cứ “hành tung bí ẩn” để cho các anh phát mệt mà đi theo dõi với rình rập tôi, thì các anh còn khổ.
Vừa kết thúc cuộc nói chuyện với anh công an khu vực xong thì bà phó bí thư chi bộ gõ cửa, vào đưa cho bố tôi cuốn tài hiệu hướng dẫn học tập nghị quyết 4. Tôi cười hức hức bảo: ôi giời đất ôi, ông già 90 tuổi đang tập đi trở lại như bố cháu còn học tập nghị quyết để làm gì thế ạ? Bố tôi cũng tủm tỉm, bảo phí phạm quá, báo cũng đã đăng cả rồi, vậy mà vẫn cứ in làm gì cho nó tốn kém thêm. Ờ! Nhưng mà có phải ai cũng có báo đọc miễn phí như bố đâu. Thế nên cứ in cho ăn chắc, đảm bảo đảng viên nào cũng được học tập đầy đủ!



Thursday 26 April 2012

Lại viết về nhân dân


Lời mở:
Nhà thơ Lê Hoài Nguyên (tác giả bài thơ này) tức nhà văn Thái Kế Toại, vốn dòng dõi Mạc tộc, hậu duệ vua Mạc Đăng Dung. Hồi tôi vào học năm thứ nhất khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội thì anh đang năm thứ ba, do công an cử đi học, nổi tiếng lắm, có nhiều thơ văn đăng trên báo văn nghệ trung ương và những báo khác. Sau này ra trường anh về lại công an, chuyên về an ninh văn hóa văn nghệ, lên tới chức đại tá. Anh rất nổi tiếng với công trình nghiên cứu và tư liệu về Nhân văn giai phẩm. Bài thơ Lại viết về nhân dân thể hiện rất đúng về con người và suy nghĩ của anh, như tôi vốn biết.

Tôi đi tìm anh
Nhà thơ
Đã gần nửa thế kỷ véo von
Véo von ca về nhân dân anh hùng
Véo von ca về khẩu AK, về màu máu đỏ
Đỏ hào quang cho những trang thơ.
Biết anh
Đẻ ra từ ổ rơm
Ăn khoai lang, ngô, sắn
Nhưng hôm nay nhà cao cửa rộng
Làm thơ trong buồng máy lạnh.
Đi thực tế ngủ trong khách sạn.

Bây giờ các anh ở đâu
Những nhà thơ từng tự nhận mình là con đẻ của nhân dân?

*****

Vẫn những câu thơ véo von
Véo von về ngực nở con gái dậy thì
Véo von về hơi thở cánh đồng
Véo von về cánh ong bay
Véo von về con đường hạnh phúc...

Trên các trang thơ chết lâm sàng
Các câu thơ véo von đầy mùi tử khí
Một cái thây đang thối rữa
Lạnh tanh khi dân bị cướp nhà, bị đánh chết
Lặng im khi trẻ em chết đuối tập thể
Bà mẹ già 30 năm hành khất ăn xin
Lặng im khi ngoại bang xông vào cướp biển bắn chết dân lành
Khi người biểu tình vì Hoàng Sa, Trường Sa mà bị bắt
Cười khẩy vì những bài thơ yêu nước thật
Đeo vòng hoa cho những bài thơ yêu nước giả
Lại về úp mặt vào sông quê
Hát mê man ký ức tuổi thơ...

*****

Chúng tôi - Nhân dân.
Đã no chán những bài hát câu thơ nhạt suông, trống rỗng
Ủ mùi lừa đảo
Đang thèm khát ánh sáng và sự thật
Thèm cơm ăn và áo mặc
Thèm cái miệng tự do...

Chúng tôi
Những cuộc cách mạng bị phản bội
Bị tước đoạt mảnh đất cắm dùi
Bị tước đoạt quyền suy nghĩ làm người

Cái gì
Biến những đứa con của chính chúng tôi
Những đứa con được chở che  trong hầm bí mật
Thành những con quỷ đỏ thời nay?
Chúng tôi có tội vì ảo tưởng
Đã hy sinh cả đời mình cho một lý tưởng
Đã bỏ  máu xương cho một bè lũ
Đóng thuế nuôi béo một lũ lừa mị, ma giáo, phản thùng...

*****

Hãy viết lại chúng tôi đi
Một nửa mặt địa cầu u tối
Một nửa mặt địa cầu đói rét
Hãy viết lại chúng tôi đi
Hèn nhát và sợ hãi
Tăm tối và u mê
Chúng tôi man rợ
Cắn xé lẫn nhau
Ăn thịt lẫn nhau
Đi làm đĩ điếm
Làm vợ những thằng đàn ông què quặt nước ngoài...
Kẻ bán thân cho cầm quyền
Kẻ tàn sát các cánh rừng
Quyết bắn chết con tê giác cuối cùng
Bị đẩy vào cuối con đường sống.

*****

Hãy đừng véo von
Hãy đừng tán gái bằng thơ
Hãy đừng vùi mặt vào bàn tiệc
Mà quên đi lũ trẻ đói ngoài đường

Hãy đừng ngợi ca
Những đứa con cầm dùi cui, súng AK bắn vào bố mẹ mình.
Những tên cướp đất dâng bọn có tiền.

Chúng tôi xin lỗi tổ tiên
Nhưng ai có tội với chúng tôi?
Khi tổ tiên giao cho họ
Vận mệnh của đất nước
Vận mệnh của chúng tôi.

Xin tổ tiên
Cho chúng con trở lại nguyên sơ
Cho chúng con viết lại từ những dòng đầu.
Các nhà thơ giúp chúng tôi viết lại những dòng đầu.

 Tháng bắt đầu nóng 2012
Lê Hoài Nguyên
(lấy lại từ blog của Nguyễn Thông )


Wednesday 25 April 2012

Lê Dũng: Tội ác khó tha thứ !

Lê Dũng: Tội ác khó tha thứ !

Nguyễn Thông: Lửa đã cháy cho niềm tin không tắt

Nguyễn Thông: Lửa đã cháy cho niềm tin không tắt

Chuyện trên Facebook - câu chuyện thứ 3


04/24/2012 - một cuộc đối thoại ngắn về tin trên VnExpress về cưỡng chế ở Văn Giang
 

  • Mình vừa unfriend thằng Nguyễn Hưng (tác giả bài báo trên VnExpress) trong danh sách bạn bè rồi.
  • Cũng khổ cho bọn bồi bút , vì miếng cơm , manh áo .
  • Thế anh em mình thì hít không khí à? Việc bọn báo chí viết sai sự thật hay bẻ cong sự thật còn khốn nạn hơn là chúng nó giả mù, giả điếc, giả câm.
  • Chúng nó chỉ có 2 lựa chọn khi vào nghề . Viết theo định hướng hoặc thôi việc .
  • Vậy chúng nó phải chấp nhận sự khinh bỉ của người khác vì lựa chọn của chúng nó.
  • Tuyêt!
  • Lúc này không chửi tục mới là không bằng con...gì đấy.
  • Làm cuộc khảo sát trên fb . Gần như 100% đều căm phẫn và văng 1 câu gì đó khi xem hình ảnh , clip về Văn giang . Các phóng viên tự do gây hiệu ứng thật mạnh mẽ . Như bác Nguyễn Thông hiền thế mà cũng phải văng ra .
  • Quá đúng ! từ hôm qua em hư mất
  • Mình cũng văng, nhưng chỉ dám ị ẹ hoặc đồng cỏ mênh mông
  • Bác Nguyễn Thông thì chửi thẳng toẹt luôn
  • Không, là vì em chửi đích danh "địt mẹ thằng nhà báo VnExpress".
Xin lỗi vì đăng lại nguyên văn. Nhưng mình đến giờ vẫn còn sốc và ngẩn ngơ về những gì đã xảy ra ở Văn Giang.

Sunday 22 April 2012

Hai đám tang tiễn người "dưng"


Mới cuối tháng trước, mình vừa đưa tiễn một người “dưng”. Một cuộc tiễn đưa của rất nhiều người dưng với một người, không ồn ào nhưng lại rất nhiều nước mắt tiếc thương.
Còn hôm nay, mình lại đi đưa tiễn một người “dưng” khác, người chưa một lần gặp mặt nhưng biết đến qua mạng – mẹ của Paul Lê Sơn, chàng thanh niên công giáo xứ Thanh, người từng nhiều lần lặn lội ra tận Hà Nội vào những ngày chủ nhật của mùa hè năm ngoái, chỉ để được tham gia vào những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn, người đã bị chính quyền bắt đưa đi biệt tích hơn nửa năm nay mà không ai biết lý do.
Trong đời mình chưa bao giờ chứng kiến một đám tang nào buồn đến thế. Mình và những người bạn ở Hà Nội đi từ 4 giờ sáng cho kịp giờ viếng. Vậy mà đến nơi, thấy ngỡ ngàng khi giữa một vùng làng mạc tương đối trù phú, cuộc đưa tiễn người đàn bà xấu số lại lặng lẽ một cách lạ thường. Chỉ vài chục người ra vào âm thầm, không có mấy tiếng khóc. Trong số vài chục người ấy, mình không biết ai là người thân, ai là người dưng. Chòm xóm yên ắng, ngay cả khi đưa người bạc mệnh ra nghĩa địa, có lẽ không đầy vài chục người đi sau quan tài.
Từ nhà ra nghĩa địa hơn một cây số. Mình đi guốc cao gót nên bàn chân bắt đầu sưng phồng lên, nhưng nhìn cái dúm người nhỏ nhoi đi sau quan tài, mình lại cố gắng bước theo. Chỉ có tiếng khóc thê lương của hai người em gái, vài đôi mắt đỏ hoe của những người thân khác. Dưới cái nắng gắt đầu mùa, em gái của người xấu số ngất lên ngất xuống vì khóc nhiều, mỗi lúc tỉnh lại giãy lên đành đạch gọi tên chị, đòi theo.
Lễ hạ huyệt kết thúc nhanh chóng. Mọi người tản mát ra về. Người nhà cảm ơn, mời khách ở lại dùng cơm. Khách cũng đáp tạ rồi xin kiếu từ. Làng xóm vẫn yên ắng. Xe lướt qua tấm biển đỏ treo trên đường làng, ghi dòng chữ” Thành công, thành công, đại thành công”...Mọi người trên xe tự hỏi: họ đã thành công cái gì thế nhỉ? Sự thờ ơ, lạnh lẽo của tình làng nghĩa xóm hay sự cô lập những người công giáo?
Nghe mọi người kể trước đây nơi này là một vùng thuần công giáo, người dân sống thành một cộng đồng gắn bó. Rồi trải qua những cuộc bể dâu, người công giáo còn lại không nhiều, bị cô lập và đối xử tệ bạc, luôn là cái gai trong mắt chính quyền.
Những người bạn công giáo kể, ở những vùng thuần công giáo, nếu đám tang của người đơn thân như mẹ Paul Lê Sơn, thì có đến cả làng sẽ đi đưa tiễn.
Nhưng mình lại day dứt với câu hỏi: Công giáo hay Phật giáo, hay người không theo đạo nào như mình có quan trọng gì không? Có người cũng đã hỏi, rằng tại sao mọi người chỉ lên tiếng đấu tranh về việc bắt giữ Bùi Hằng một cách trái pháp luật, mà không lên tiếng cho những thanh niên khác cũng bị bắt vì tham gia biểu tình? Mình cũng thấy xấu hổ và bất lực về điều này. Liệu có đúng là có yếu tố tôn giáo ở đây không?
Không! Mình có thể khẳng định được rằng mình không hề quan tâm và phân biệt người tham gia biểu tình là ai, theo tôn giáo nào, làm nghề gì, danh phận của họ là gì. Trước khi họ là ai đó, đơn giản họ là con người. Chỉ là mình chưa có thời gian để tìm hiểu và lên tiếng. Mình vẫn canh cánh bên lòng một điều, là mình sẽ viết về những cảm nhận chân thành nhất của mình, về những người bạn công giáo mà mình rất yêu mến và kính trọng họ. Có khi nó chẳng xa xôi và cao siêu gì, vì nó hiện hữu hàng ngày trong cuộc sống quanh mình đấy thôi. Mình cũng chẳng sợ cái từ “nhạy cảm” mà người ta hay dùng để đe dọa hoặc biên bạch cho nỗi sợ hãi của họ. Chỉ đơn giản là khi nói về những điều thuộc về lĩnh vực này, mình nên hiểu rõ và cẩn trọng để tránh xúc phạm đến tình cảm này mà thôi.
Điều đau xót và gây phẫn nộ nhất là hoàn cảnh thương tâm của mẹ con Paul Lê Sơn. Chỉ biết từ khi chàng trai này bị bắt đi một cách vô cớ, mẹ của cậu hoàn toàn cô độc trong suốt quá trình lâm bệnh nặng, rồi từ giã cõi đời mà không một lần được gặp lại con trai. Không ai biết lý do tại sao, con người ta lại có thể đối xử với nhau một cách tàn bạo đến vậy. Mình phải dùng từ tàn bạo thay vì tàn nhẫn vì điều không tưởng này.
Trên đường trở về, mình cứ nghĩ đến Paul Lê Sơn đang bị giam cầm ở đâu đó, liệu cậu ấy đã biết sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy mẹ nữa không? Nỗi đau này sẽ khiến cậu ấy trở thành con người như thế nào?
Trong đám tang Đinh Vũ Hoàng Nguyên có rất nhiều người chưa từng gặp mặt, chưa từng chuyện trò trên mạng vẫn lặn lội đến chia buồn và tiễn đưa. Vậy mà ở đây, những con người cả đời sống tắt lửa tối đèn cạnh nhau mà đến cái câu nghĩa tử là nghĩa tận cũng chả có ý nghĩa gì. Cái gì đã tạo nên đạo đức và văn hóa sống tồi tệ đến vậy?




Saturday 21 April 2012

AI ĐÃ TẠO RA NHỮNG “SẢN PHẨM” NHƯ THẾ NÀY


 
Ngày 18/4/2012, tại phòng tiếp dân của Thanh tra Chính phủ.
Một cô gái trẻ chừng 20 tuổi ngồi cạnh một nữ cán bộ tiếp dân. Cô ngồi rung đùi trông rất phản cảm.
Bỗng tôi giật mình bới câu nói của cô gái trẻ. Chẳng phải vì cô nói to làm tôi giật mình mà là vì cách dùng từ ngữ để chỉ những người nông dân lam lũ nhưng đáng tuổi ông bà, cha mẹ cô. Cô bảo người nữ cán bộ tiếp dân:
-    Chị ơi, bọn Phú Túc chúng nó về hết từ trưa rồi.
Tôi hiểu, “bọn Phú Túc” ở đây là những người nông dân xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên kéo đến Thanh tra Chính phủ nộp đơn kêu cứu.
Tôi đang ngứa mắt, bây giờ lại thêm ngứa tai nhưng vẫn phải kìm nén. Tôi ôn tồn hỏi:
-    Chị làm ơn cho biết quý danh. Chúng tôi cần biết rõ mình đang nói chuyện với ai?
Tôi là một bà già đã 81 tuổi còn cô ta ngang với lứa cháu gọi tôi bằng bà. Tuy vậy, câu trả lời của cô ta làm cho tôi thêm giật mình lần nữa:
-    Các người không có quyền hỏi tên tôi.
Mặc dù cô cố giữ bí mật về danh tính như thể sợ lộ bí mật quốc gia nhưng với nghiệp vụ học được trong những năm công tác ở ngành an ninh, việc biết được tên cô ta với tôi không phải là điều gì quá khó. Trong vòng mươi phút, câu hỏi của tôi, tôi đã tự giải đáp.
Cô ta có một cái tên rất đẹp: QUỲNH ANH, sinh viên năm cuối của Học viện hành chính quốc gia ở đường Nguyễn Chí Thanh, đang thực tập tại cơ quan Thanh tra Chính phủ.
Cô ấy là con ông cháu cha hay phải chạy bao nhiêu tiền để được thực tập ở đây, tôi không cần biết. Tôi lo lắng: Những con người như thế này, mới đi thực tập thôi mà đã coi thường người dân và thái độ tiếp dân như thế thì khi ra trường, làm việc chính thức ở một cơ quan nào đó rồi thì sẽ ra sao nhỉ? Nhất là khi đã có ít thâm niên công tác, thành cáo, thành tinh rồi thì cô ấy còn hống hách với dân. coi dân như cỏ rác, như giun dế đến thế nào nữa đây.
Đào tạo, cho ra “lò” những “sản phẩm” hỏng như thế này thì cơ quan nào, tổ chức nào, ngành nào phải chịu trách nhiệm?
 20/04/2012
LÊ HIỀN ĐỨC
Cụ LHĐ gửi cho NTT blog
 Nguồn: http://nguyentuongthuy.wordpress.com

Wednesday 18 April 2012

Thật bất công cho loài vật.

Con người thường dẫn ra một số loài động vật để phụ họa cho những trạng thái tình cảm của họ.
Thí dụ khi âu yếm, người ta hay nói: con cún con của mẹ, hay con voi còi của anh, hay con gì đó vân vân của em....
Còn khi bực bội khó chịu về sự ngu dốt của ai đó thì người ta hay dẫn ra loài cừu, loài bò, loài lợn...
Khi căm ghét thì dẫn ra loài chó, lợn.
Hôm nọ theo dõi một câu chuyện trên facebook, thấy một cậu chửi một kẻ là đồ con lợn, cậu khác bảo: khổ thân con lợn!
Rút kinh nghiệm, câu sau cậu kia chửi: đồ con chó! Cậu khác lại ngậm ngùi: Khổ thân con chó!
Mình nghe cười sặc, góp chuyện rằng một lần thấy sếp cũ của mình khuỳnh khoàng đi trên sân, một ông nhà thầu tỏ vẻ ngưỡng mộ nhìn theo: trông ông ấy như con hổ ấy nhỉ?
Chả là sếp to béo và ngắn choằn, mặt đen chũi, bụng phưỡn ra kềnh càng. Thằng ngồi bên bĩu môi, nguýt: hổ gì mà hổ? Trông như con lợn ấy!
Mình nghe kể lại cười gần chết, nhưng lại lườm cái thằng dám lôi con lợn ra để ví. Nhà mình thời bao cấp có nuôi lợn, mình yêu nó lắm và hay vỗ bồm bộp vào hai cái má phính của nó để nựng khiến nó khoái chí cứ kêu ư ử.
- Có mà giống hà mã thì có ấy!
Mình bảo vậy, nhưng cũng không quên đệm thêm: lại xin lỗi con hà mã!
Xem ra con người thật bất công khi cứ lôi bọn động vật ra để gắn vào những  thứ xấu xa, đê tiện của con người. Chả có giống loài nào trên trái đất này hơn loài người cả. Cái gì cũng nhất.



Tuesday 17 April 2012

Ông nói gà bà nói vịt


Hồi còn đi làm, nghe cô phiên dịch ấm ức về kể khi làm việc với mấy quan chức ngân hàng thế giới, quan phó tổng giám đốc nhà mình nghe hỏi một đường lại trả lời một nẻo. Khi cô phiên dịch bảo, họ có hỏi thế đâu ạ thì bị quan phó quát: cứ dịch đi.
Vẫn biết cái khó của quan phó, rằng trong khi Ngân hàng thế giới người ta quan tâm đến chính sách đối với cuộc sống của những người dân, sau khi bị thu hồi đất để làm đường như thế nào, thì chính sách của nhà nước mình chưa lúc nào thỏa mãn được yêu cầu của nhà tài trợ. Khổ thế, người dưng mà họ lo cho dân ta hơn cả người nhà mình. Quan phó bí nên cứ trả lời quách nó sang vấn đề khác, cho mày hỏi chán thì thôi.
Trong vụ Bùi Hằng gần đây cũng thế, mình và nhiều người chủ yếu thắc mắc về cái cách bắt người vào trại giáo dục và cải tạo, chả theo một quy tắc nào của chính quyền Hà Nội, thì thiên hạ cứ lờ tịt cái khoản này đi, cứ nhằm chuyện thân nhân Bùi Hằng mà say sưa bình loạn. Mặc dù mình cho là chính quyền cũng "bí" khi bị "quay" về cái cách bắt nên phải chĩa mũi dùi về lý do bắt thôi. Rồi lý do bắt cũng không ổn nên lại phải quay ra nói vì nội bộ nhà mày lủng củng quá nên tao bắt, lôi cả những chuyện từ xửa từ xưa ra cho nó thêm phần thuyết phục. Nhưng mình thú thực là mình chán cái kiểu ông nói gà bà nói vịt này lắm, đúng là phí thời giờ.
Một khách vào blog nhà mình, có nhã ý dẫn cho mình cái link vào một bài viết của một người tên Kami. Trước đây có nghe nói về người này, nhưng thú thực là mình tiếp thu chậm, nên chỉ đủ thời gian và hứng thú đọc thông tin trên một số blog. Lần này nể khách lắm mới thử vào đọc.
Ôi trời, mình vốn ít học, cứ thấy bài dài lê thê là mình sợ. Bởi vậy mình chỉ dám đọc lướt.
Lạ nhỉ! Nghe chừng nhà ông này có vẻ “gấu”, chửi tuốt cả chính quyền lẫn nạn nhân của họ. Ông ấy bảo: “trêu ai chứ trêu cái chính quyền Chí phèo này thì khó lường hết hậu quả vì họ đâu có dùng luật pháp” vì “Nhà nước này là nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa, có nghĩa là nhà nước vô luật pháp, luật là tao tao là luật. Trái ý là tao bắt bỏ tù, làm gì được tao?”, rồi thì là “cách hành xử thô bạo, bẩn thỉu vô luật pháp của các cơ quan bảo vệ pháp luật thành phố Phủ lý, tỉnh Hà Nam mấy ngày gần đây đối với biểu tình viên bà Trần Thị Nga trú tại tổ 8, phường Hai Bà Trưng, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam”...
Úi chà.Mình mới chỉ dám nghĩ trong đầu như thế chứ chưa bao giờ dám nói ra như vầy. Nhân vật này là ai mà anh hùng thế  nhỉ?
Mà hóa ra ông ta có nhắc đến cả mình nữa. Tuy không nêu đích danh, nhưng người mà ông ta bảo khóc hu hu rồi viết hồi ký thì đích thị là mình rồi. Mình vừa không lạ mà cũng vừa thấy lạ, chả hiểu ông ta là tuýp người gì. Khi người ta tống mình lên cái xe chở tù mình có khóc đâu nhỉ? Rồi người ta bập cái còng số 8 vào tay mình thì mình chỉ ngạc nhiên thôi. Những lúc mình khóc “hu hu” các anh các chị công an đều im lặng, mình chả thấy các anh các chị ấy tỏ vẻ khó chịu hay thương hại gì mình, là vì mình chỉ khóc khi kể chuyện Trường Sa cho các anh chị ấy nghe. Chả cứ ở trong đó mình mới “hu hu”, mà ngay bây giờ hễ nhắc đến “Hải chiến Trường Sa 1988” là mình cũng vẫn cứ “hu hu”. Hôm tiễn người “dưng” Đinh Vũ Hoàng Nguyên mình cũng lại “hu hu”. Thế mà nhà ông Kami kia cứ làm như mình “hu hu” là vì sợ hãi không bằng. Quả thực về già mình hay mau nước mắt quá. Điều đó có gì xấu không nhỉ?
Trong khi cái đám biểu tình từ năm ngoái bỗng trở thành bạn bè, quyến luyến nhau đến tận hôm nay, thì việc một người trong bọn bị giam cầm cách biệt hơn 3 tháng trời, mới được nghe thấy tiếng nhau (chứ chưa phải là nhìn thấy nhau) đâm ra xúc động đến mức cả hai bên cùng bật khóc là chuyện đương nhiên. Nước mắt ròng ròng trên gương mặt con bé Cải, hay nước mắt đàn ông của Chí Tuyến râu rậm, của bác Nguyễn Tường Thụy, của người tóc đã ngả màu thời gian như bác Ức trai và còn của những ai nữa tôi không biết có phải là khóc lóc vì yếu hèn không vậy? Ngần ấy người khóc mà cái nhà ông Kami kia lại chỉ nói mỗi về nước mắt Bùi Hằng là sao? Lạ là một người đàn ông có học (chí ít ra cũng hơn mình), lại đi bình luận về nước mắt đàn bà với một thái độ như vậy. Mình không phật ý, chỉ là thấy lạ thôi.
Xem chừng chuyện đời tư Bùi Hằng sẽ còn tốn kém nhiều thứ, từ tiền bạc ngân sách để báo đài làm phóng sự, đưa tin, đến nước miếng của đám đông thích tọc mạch. Ngay từ đầu mình đã chẳng có hứng thú lôi người nhà Bùi Hằng ra để bình luận. Đến người nổi tiếng như cô Kiều Trinh trên truyền hình ngày xưa từng ăn cắp khi đi công du nước ngoài (làm mất thể diện cấp quốc gia chứ không lèng tèng cấp gia đình), bây giờ vẫn lên ti vi rao giảng bài học về đạo đức cho thiên hạ, hay những lời ì xèo quanh chuyện cha con nhà ông nguyên tổng bí thư Nông Đức Mạnh từ nhau chỉ vì tiền bạc, mình cũng còn chẳng có hứng thú nữa là.
Thôi mình mặc kệ cho thiên hạ bình loạn. Trong khi chờ đợi ủy ban thành phố Hà Nội (từ nay ở nhà mình, mình sẽ bỏ quách cái từ nhân dân kèm theo) giải quyết cái khiếu nại của Bùi Hằng như họ nói, mình cứ làm cái công việc của mình là lẽo đẽo theo thằng Bùi Nhân đi thăm nuôi mẹ nó thôi.

Tái bút:
Hôm nọ mình kể trên facebook về chuyện có cô bạn cũ gọi điện, bảo vừa xem ti vi nói về Bùi Hằng. Mình hỏi cô ta có tin không? Cô ta bảo, ừ thì sau cái vụ 2 bao cao su của ông Cù Huy Hà Vũ, với cái vụ cắt xén câu nói của ông Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt thì cũng có thể hiểu độ chính xác của thông tin nhà đài đến đâu. Mình bảo thế thì được. Ít ra cũng nghe và nghĩ bằng chính cái đầu của mình.








Saturday 14 April 2012

Lại chuyện kể trên facebook - câu chuyện thứ 2


Hôm nay có một người hỏi mình:
-          Có biết Bùi Thị Minh Hằng là ai không.
Mình giả vờ không biết hỏi lại:
-          Sao lại hỏi thế?
Anh ta nói :
-          Vì thấy mấy hôm nay đài truyền hình Hà Nội liên tục nói về bà ấy. Tưởng anh chuyện gì cũng biết nên hỏi.
-          Thế truyền hình Hà Nội nói gì?
-           Đại khái là bà này bất hiếu , bất trung, bất nghĩa , gây rối trật tự công cộng, chửi bới ngoa ngoắt. Mà những người như thế bây giờ thiếu gì, đầy rẫy ngoài xã hội . Nhiều chuyện còn tày đình hơn thì chẳng nói. Đài truyền hình bây giờ chẳng còn chuyện gì để nói nữa hay sao ấy.
-          Sao lại nói thế? Đài truyền hình là công cụ tuyên truyền của đảng và nhà nước. Chắc phải có chuyện gì nghiêm trọng lắm nên mới đưa lên như thế. Một phút phát lên truyền hình mất hàng chục triệu chứ không phải ít đâu. Nếu cậu muốn biết Bùi Thị Minh Hằng là ai thì cứ lên mạng vào trang google gõ sẽ biết.
-          Em có cảm tưởng đài truyền hình Hà Nội với cái nhà bà kia giống như là 2 gái lấy chung 1 chồng í.
Phen này sẽ có nhiều người biết về Bùi Hằng đây. Đài truyền hình Hà Nội quả là đã quảng cáo không công cho Bùi Hằng.
 
Bình luận: tay này quả là bình tĩnh và khôn ngoan, chứ phải tôi chắc tôi sẽ lại ra sức giải thích, như thế chưa chắc đã hiệu quả và chưa chắc người khác đã tin. Cứ để họ tự nhận ra sự thật sẽ giá trị hơn.
 
 

Thursday 12 April 2012

Thì cũng phải đọc xem nó nói láo cỡ nào chứ


Vừa vào cho bố uống nước, bố giơ tờ báo in ra bảo mình:
- Nó viết về con Hằng gây rối ...
Mình gật đầu liền:
- Con biết rồi, thì cũng như nó bảo con là gây rối đấy.
Chợt nhớ ra bèn hoan hỉ bảo
- Bố biết không? Chúng con đi uống nước, đi bách bộ thôi mà camera quay, chụp tía lia các kiểu. Thế mà khi gán cho người ta tội gây rối lại chả dám đưa bất cứ một hình ảnh hay clip nào lên để chứng minh. Có gì đâu, đưa lên thì lộ bem hết đấy là người biểu tình, thế thì có mà bắt cả trăm người í à? Mà gây rối có bằng chứng là đi tù luôn ấy chứ chả phải giáo dục cải tạo đâu ạ.
Bố cười vẻ đồng tình. Lúc trước có tranh luận trên mạng, trót bảo những đối tượng còn đọc báo in phần lớn dân trí thấp. Thế ra bố mình cũng dân trí thấp à?
Ờ! Thế dân trí là gì nhỉ? Theo mình đó là khả năng nhận thức của mỗi người, chứ không phải ở mấy cái bằng cấp chuyên môn nào đó. Lắm ông bà bằng cấp đầy mình mà nhận thức thì cà dốt không chịu được.
Thực ra bố về hưu gần ba chục năm nay, lại có thói quen đọc báo in hơn nửa đời người rồi, lại có sẵn báo trong nhà (báo theo tiêu chuẩn của ông anh trai), chẳng phải mất xu nào thì cứ đọc thôi. Có lần mình bực dọc bảo, bố đọc mấy cái báo ấy làm gì, có sự thật nào trong đó đâu (cũng khá cực đoan nhỉ). Bố trả lời thì cũng đọc để biết nó nói láo cỡ nào chứ.
Hoan hô! Điểm này mình thua đứt bố. Lâu lắm rồi, mình không đủ kiên nhẫn cũng như thời gian để đọc báo in. Mình biết bố thích đọc báo mạng lắm. Nhưng mình cũng về hưu rồi, để tiết kiệm triệt để, mình chỉ in cho bố những bài thật đặc sắc cho bố đọc. Trước đây cái laptop còn dùng được thì mình bê máy ra bên cạnh đọc cho bố nghe, bây giờ thì chịu. Rõ ràng mấy thứ mình in ra cho bố đọc, bố chả thích mê tơi.
Vừa kể cho bố thông tin, thằng Nga nó ký kết khai thác dầu ở Biển Đông với Việt Nam khiến thằng Tàu nó đang phát cuồng lên, bố cười sung sướng lắm.

Báo đài lề phải - kịch bản cũ đang lặp lại.


Sau sơ thẩm tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ hồi tháng 4 năm 2011, báo đài “lề phải” hoàn toàn im thin thít trong khi “lề trái” thì bừng bừng phẫn nộ. Đương nhiên dư luận quốc tế cũng rất quan tâm đến vụ án nổi tiếng này. Sau một thời gian dài im lặng, một loạt tờ báo in và báo mạng thuộc “lề phải” cũng bắt đầu lên tiếng. Chỉ có điều trong khi “lề trái” xoáy vào những sai phạm trong thủ tục tố tụng, việc tòa chỉ có xử mà không xét, thì “lề phải” lại chỉ nói về chuyện đời tư của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, cứ như là tiến sĩ bị tuyên 7 năm tù chỉ vì chuyện đời tư không bằng.
Tương tự như vụ Bùi Thị Minh Hằng, trong khi dư luận đang đặt dấu hỏi về trình tự bắt giữ có dấu hiệu rõ ràng về sự vi phạm pháp luật, thì báo chí “lề phải” gần như im hơi lặng tiếng. Suốt hơn 4 tháng, người ta tìm mọi cách ngăn cản không cho Bùi Hằng tiếp xúc luật sư. Khó khăn lắm mới ký được cái giấy ủy quyền thì lại bị ngâm tôm mấy tháng nay không biết vì lý do gì. Một người bị bắt hơn 4 tháng mà không được tiếp xúc luật sư thì lạ quá. Văn minh kiểu gì vậy nhỉ?
Khi không chờ được sự im lặng có xu hướng kéo dài vô thời hạn, luật sư tư vấn cho Bùi Hằng khởi kiện ra tòa. Đến nước ấy thì còn tệ hơn là họ không cho Bùi Hằng ký đơn kiện!
Sao vậy chứ? Họ sợ gì mà không cho Bùi Hằng kiện? Tưởng họ thách Bùi Hằng kiện chứ  không cho kiện thì lộ liễu quá.
Trước khi có những cuộc biểu tình ở Hà Nội phản đối Trung Quốc gây hấn, nào ai biết ai với ai trong hàng trăm con người ấy? Rồi thì người biểu tình bị đàn áp, bắt bớ...Dư luận bắt đầu biết đến hình ảnh một người phụ nữ rất hăng hái và nhiệt tình trong đoàn biểu tình.
Nào ai quan tâm cô ấy là nông dân, công nhân hay trí thức? Ai quan tâm quá khứ cô ấy là con người như thế nào? Chỉ biết khi thấy đồng bào của mình bị ức hiếp, lòng tự tôn dân tộc của người Việt bị tổn thương, bất kể ai nói lên tiếng nói phẫn uất đều được hoan nghênh cả. Tôi nhớ người phụ nữ buôn ma túy to béo, bặm trợn trong nhà tù Hỏa Lò đã buột miệng chửi ngay tức thì, khi biết đi biểu tình chống Trung Quốc cũng bị bắt. Những cô gái điếm trong nhà tù Hỏa Lò cũng tròn mắt ngạc nhiên, khi biết đi biểu tình chống Trung Quốc mà cũng bị bắt. Thái độ của những con người thân phận nhỏ nhoi đó dẫu đang mặc áo tù, cũng khiến tôi trân trọng hơn bất cứ kẻ áo mão cân đai nào cam tâm cúi đầu, ngoảnh mặt chịu cái nỗi nhục quốc thể trước thái độ tàn bạo và láo xược của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Dù cho chính quyền Hà Nội có cố tình gán cho Bùi Hằng tội danh gì đi chăng nữa, thì nhiều người thừa hiểu đằng sau việc bắt giữ ấy là gì. Một trò đe nẹt, khủng bố tinh thần những người biểu tình chống Trung Quốc khác. Và gần đây, khi một số nhân sỹ , trí thức cùng các cử tri khác đã có thư đề nghị đối thoại với ông đại biểu quốc hội Phạm Quang Nghị, về việc thực thi quyền cơ bản của công dân trên địa bàn Hà Nội (vụ Bùi Thị Minh Hằng chỉ là một vấn đề trong yêu cầu đối thoại đó), thì báo đài Hà Nội lại bắt đầu chiến dịch moi móc đời tư của Bùi Hằng giống như đối với vụ Cù Huy Hà Vũ trước đây.
Cái thiếu đàng hoàng của một số báo đài “lề phải” là chuyên lợi dụng những mâu thuẫn gia đình để bôi nhọ nạn nhân, hòng lấp liếm việc làm sai trái của chính quyền. Người ta vẫn nói mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh để chỉ cái việc chẳng gia đình nào lại không có chuyện này chuyện nọ. Nhưng chuyện chõ mũi vào “bếp núc” của thiên hạ chỉ là thói của những kẻ vô công rồi nghề, quen ngồi lê đôi mách, bởi đem ra mổ xẻ chuyện bếp núc của chính bản thân họ thì chắc gì đã sạch sẽ thơm tho hơn ai.
Họ cứ xoen xoét rằng việc bắt giữ đưa Bùi Hằng vào trại cải tạo là đúng pháp luật. Tôi dám chắc là họ chưa một lần đọc cái quy định về đưa người vào trại cải tạo ấy, vì nếu đã đọc rồi thì một kẻ dốt nát nhất cũng hiểu ngay là chính quyền đã sai. Nếu không, sao không để cho Bùi Hằng kiện đàng hoàng đi, mà cứ tìm mọi cách ngăn chặn một cách phi lý thế? Sao không dám đứng ra đối thoại với cử tri mà cứ né tránh thế?
Tiếc rằng chúng tôi chả có cơ hội để tiếp xúc và đối chất với báo đài “lề phải” vì họ có cái lá chắn quá dày. Vụ kiện Đài truyền hình Hà Nội vu khống người biểu tình, bao lâu nay vẫn bị đá qua đá lại mà chẳng cấp nào dám đứng ra giải quyết. Tôi chỉ có thể cắt nghĩa điều đó là họ đang rất “bí”, nên cứ phải quanh quẩn né tránh thế. Hãy chờ xem họ sẽ né tránh đến bao giờ?


Monday 9 April 2012

Thầy giáo mà không học...thì cũng đưa ra công an ?


Đây là một câu chuyện trên facebook.
Sáng nay lên trường, đ/c tổ trưởng đưa cho mình tờ giấy bảo đăng kí đi. Ngó qua thấy “Đăng ký học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM” . Mình bảo :
-     Không đăng kí đâu.
Tổ trưởng tròn mắt hỏi :
 -    Sao không đăng kí?
Mình bảo mình không thể học tập và làm theo cụ được. Mình cứ sống và làm theo hiến pháp và pháp luật thôi. Các anh chị cứ học tập đi, rồi tôi học tập và làm theo tấm gương đạo đức các anh chị, vừa thực tế vừa sống động. Tổ trưởng nói:
-     Thôi cứ đăng kí đi. Đây là phong trào, cả nước người ta làm được tại sao mình lại không làm?
-     Làm sao chị biết cả nước làm? Chị đã đi điều tra chưa? Hay căn cứ vào đâu?
-     Thôi, xem có phẩm chất nào của bác học tập đươc thì đăng kí. Chẳng hạn như CẦN KIỆM, LIÊM CHÍNH , CHÍ CÔNG, VÔ TƯ này.
-     Oh! Những cái đó thì tôi có thừa rồi.
Tổ trưởng năn nỉ:
-     Thôi đăng kí đi. Cả nước có mỗi bác Hồ là tấm gương đạo đức mẫu mực ,
-     Chị có nhầm không đấy? Vậy còn những nhân vật như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Quang Trung, Chu Văn An, Nguyễn Trường Tộ… không đáng là những tấm gương để học tập sao?
-     Nhưng mà những người đấy chết lâu rồi
-     Chết lâu rồi thì quên luôn à? Thế thì tại sao không phát động học tập luôn bác Nguyễn Phú Trọng, Bác Nông Đức Mạnh, Bác Lê Khả Phiêu, Bác Đỗ Mười… vẫn đang còn sống. Đó chẳng phải là những tấm gương sống động đáng để học tập sao?
Có tiếng của 1 ai đó nói xen vào :
-     Nói ngang. Đưa mẹ nó ra công an.
-     Ối giời ơi !
Vừa lúc đó trống vào lớp. Hết chuyện
Vừa lên lớp tiết 5, tổ trưởng nhìn thấy lại bảo :
-     Đăng ký đi để nộp. cả tổ còn có mỗi mình mày.
Mình hỏi:
 -    Nếu tôi đăng ký nhưng không học tập và làm theo có được không?
Tổ trưởng bảo:
-     Cứ đăng ký đi, học hay không là ở mình.
Mình bảo thế là giả dối, đao đức của ông cụ í có giả dối như thế không?
Tổ trưởng ???????????? đi mất
Nghe xong chuyện này, Phương Bích tui cười hức hức bảo:
-   -  Ở cơ quan bạn tui là công an hẳn hoi còn có ông ương hơn cả cậu cơ. Ông ấy bảo ai cũng học theo ông Hồ thì thành xã hội người máy à? Tôi không học ai hết, tôi là tôi! Chấm hết!


Sunday 8 April 2012

Chùm thơ của Triệu Nhan

Không biết sưu tầm những bài thơ này từ khi nào, ở đâu. Vốn dốt thơ nhưng những bài ngăn ngắn thể loại này lại thích, nhớ câu được câu chăng như: nhạt đêm, nhạt phố, nhạt cả nỗi nhớ về nhau...thôi thì cứ post lên đây để cho những ai cùng sở thích chia sẻ. Cũng cần thoát ra khỏi những chuyện buồn phiền một tý, để mà yêu văn yêu thơ yêu nhạc đôi chút, chứ không thì lòng mình trở nên cằn cỗi quá.


Tự cảm
Nhạt đêm
Nhạt phố
Nhạt cả những nỗi nhớ về nhau
Những cơn gió thổi qua tay em đã mang màu sắc khác
Trống rỗng thành hư vô
Bàn chân sưng phồng chạy mải miết tìm ai trên những con đường dẫn vào mùa thu xa lắc?...
Cay mắt chiều!
Những vì sao không mọc nơi ta nhìn thấy
Chẳng chờ cầu vồng sau cơn mưa!...
Lạc lõng giấc mơ trăng
Tiếng dương cầm thảng thốt
Chầm chậm áng mây giăng ngang miền kí ức
Chầm chậm hạt sống vỡ long lanh...
 

Tìm lại


Tìm lại con đường dẫn vào hoài niệm
Tìm lại những mùa hoa vàng đã vô tình lãng quên
Tìm lại chút lặng yên giữa mùa gió chướng
Tìm lại tiếng cơn mưa bay qua rừng trúc năm nào...

Tìm lại vạt nắng ai bỏ quên nơi bậu cửa
Tìm lại chút tinh khôi giữa những giả dối, lọc lừa
Tìm lại một nụ cười lẩn khuất lưng chừng núi
Tìm lại mình giữa những vội vã yêu thương...
 
Như chưa bao giờ
Như chưa bao giờ có nỗi nhớ về nhau
Như chưa bao giờ có những ánh nhìn chạm vào đêm... bối rối
Như chưa từng có nụ cười cháy lên như hoa gạo
Như chưa từng có mùa nhau!

Kí ức quẩn quanh Sài Gòn không siêu thoát, hư hao
Kỉ niệm lẩn khuất trong từng giọt café sóng sánh,
phản chiếu hoang hoải từ thẳm sâu đôi mắt
Phiêu diêu nụ cười!
Như chưa từng có bình yên...

Saturday 7 April 2012

Cập nhật bổ sung tiền ủng hộ chị Bùi Thị Minh Hằng

Hôm nay tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đã chuyển cho tôi  đợt 2 số tiền bà con ủng hộ chị Bùi Thị Minh Hằng gửi trực tiếp và qua tài khoản của Nguyễn Xuân Diện (đợt 1 là 4.500.000 đồng và 200 USD). Dưới đây là danh sách chi tiết để bà con theo dõi.


Số TT
Họ tên
Số tiền
109
NGUYEN THI HONG VAN
1,000,000
110
DO MINH THU
200,000
111
NGUYEN VU NHAN
250,000
112
Đào Tiến Thi (lần 2)
100,000
113
Lê Thị Minh: 100.000 đ cho Bùi Hằng
100,000
114
Đào Lê Tiến Sĩ: 100.000 đ cho Bùi Hằng
100,000
115
Cháu Thục Hà
200,000
116
Ông Phong: Bạn đọc NXD
500,000
117
PHAM LAM
300,000
118
Anh Thinh (Đức)
1,375,000
119
NGUYEN THI NUONG
500,000
120
Vũ Mạnh Hùng
100,000
121
Hoàng Khải
100,000
122
Nguyễn Ngọc Điệp (LB Đức), Tạ Thị Nụ (LB Đức)
1,000,000
123
KIEU YEN NHI. DUONG THI HOAI THU
500,000
124
Ông Thế Vinh (Hà Nội)
200,000

TỔNG CỘNG
6,525,000


Như vậy, tổng số tiền ủng hộ mẹ con chị Bùi Thị Minh Hăng đến này là hơn 177 triệu đồng.

Xin chân thành cảm ơn tất cả bà con  trong và ngoài nước trong thời gian qua đã hết lòng ủng hộ .

Friday 6 April 2012

Gặp anh Núp không khó


Sáng nay có việc đi qua chùa Hà, thấy một chú công an béo tròn đang nấp sau tấm biển đề “Trông giữ xe” khá to để trên vỉa hè. Tấm biển này để cách đầu đường chừng hơn chục mét. Buồn cười là chú còn nghển cổ, hé mắt nhìn qua phía trên tấm biển, xem phía trước có “con mồi” nào không. Cạnh đó là dăm ba chú dân phòng, cầm gậy giao thông như ai, đứng ngồi lẫn vào các hàng bán đồ lễ.
Thấy mình nhìn chòng chọc vào các chú, vừa cười vừa lắc đầu ngán ngẩm, thế là các chú đều ngoảnh mặt ngó lơ ra chỗ khác.
Chả là đường chùa Hà là đường một chiều, nhưng ở phía vòng xoay giáp đường Nguyễn Khánh Toàn có hai cái ngõ. Gần nhà xa ngõ, chỉ đi chừng hai ba chục thước là rẽ vào ngõ được rồi chứ không phải đi một vòng đến hơn nửa cây là ít. Vậy là nhiều người cứ tặc lưỡi, đi ngược chiều một tý là vào được ngõ nhà mình.
Các chú công an biết thóp điều này nên thỉnh thoảng lại phục kích. Nếu phục kích thường xuyên thì người ta lại cảnh giác, khó bắt được tội phạm. Thế nên các chú thỉnh thoảng mới ra lập lại trật tự, mới tóm được người vi phạm chứ. Đứng đầu đường thì người ta tránh hết, còn làm ăn được cái gì.
Có lần ngứa miệng bảo một ông công an lớn tuổi:
-    Sao các bác không đứng ở đầu đường mà lại đứng ở chỗ này thế? Như thế là các bác bẫy dân đấy. Mà tôi thấy cái biển cấm đường một chiều chỗ này vô lý lắm. Ở đây có hai cái ngõ lớn thế này, lại sát ngay đầu đường, vậy mà bắt người ta đi vòng xa thế.
-    Cái này không phải do chúng tôi mà là bên giao thông người ta đặt ..
-    Thì các bác thấy vô lý cũng nên đề xuất với họ thay đổi sao cho hợp lý chứ, cứ bẫy dân thế này chán quá.
Họ cứ ngó lơ đi chỗ khác, nghe chừng chỉ muốn mình biến cho sớm. Mình mà cứ đứng đấy ấy à, có khi lại soi sao phạt không viết giấy biên nhận chẳng hạn là rách việc.
Đi qua có dăm phút mà đã thấy mấy con cá mắc lưới. Mình vỗ bồm bộp vào yên xe một con cá bảo: lần sau nhớ các chú công an đứng sau tấm biển này nhé.
Không biết lần sau mình mang theo máy ảnh, các chú ấy có cho mình chụp cảnh các chú ấy đứng núp sau tấm biển đấy không nhỉ?

Thursday 5 April 2012

CÔNG DÂN HÀ NỘI ĐỀ NGHỊ ĐỐI THOẠI VỚI BÍ THƯ THÀNH ỦY HN PHẠM QUANG NGHỊ



Thưa chư vị,
Sáng nay, những người biểu tình và ủng hộ biểu tình yêu nước, phản đối Trung Quốc gây hấn, xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông đã gửi văn bản ĐỀ NGHỊ ĐỐI THOẠI VỚI ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, BÍ THƯ THÀNH ỦY HÀ NỘI PHẠM QUANG NGHỊ VỀ VIỆC THỰC THI CÁC QUYỀN CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN TẠI ĐỊA BÀN HÀ NỘI. 

Văn thư đã được gửi qua bưu điện phát chuyển nhanh, có chữ ký của các vị lão thành cách mạng, nhân sĩ trí thức như: Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (nguyên UV TƯ Đảng, nguyên Đại sứ VN tại TQ), Cụ bà chống tham nhũng Lê Hiền Đức, các Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Ngô Đức Thọ, Chu Hảo, các Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Xuân Diện, Nhà văn Nguyên Ngọc, Luật sư Trần Vũ Hải, ông Phan Tất Thành (cựu thiếu sinh quân), bà Đặng Bích Phượng (Phương Bích), ...








Toàn văn văn bản:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
_________________________
Hà Nội, ngày  03   tháng  04  năm 2012

ĐỀ NGHỊ ĐỐI THOẠI VỚI BÍ THƯ THÀNH ỦY THÀNH PHỐ HÀ NỘI
V/v: Thực thi các quyền cơ bản của công dân tại địa bàn Hà Nội
Kính gửi: Đại biểu Quốc hội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị

Chúng tôi những công dân, cử tri cư trú trên địa bàn thành phố Hà Nội (Danh sách họ, tên và chữ ký kèm theo) xin gửi tới Quý Bí thư Thành ủy, Đại biểu Quốc hội khóa XIII lời chào trân trọng và đề nghị sau đây.

Chúng tôi đánh giá cao trách nhiệm của ông tại buổi gặp ngày 27/08/2011, tại trụ sở UBND thành phố Hà Nội do ông đứng đầu đại diện cho lãnh đạo Đảng, Chính quyền thành phố Hà Nội chủ động tổ chức để đối thoại với các công dân, cử tri mà có một số người ký tên trong danh sách dưới đây đã tham gia. Cuộc đối thoại hôm đó xoay quanh chủ đề quyền biểu tình của công dân, tính pháp lý của Thông báo yêu cầu chấm dứt biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam của UBND thành phố Hà Nội, và ý kiến phản đối việc đàn áp người biểu tình yêu nước…Cuộc gặp nói trên tuy chưa thỏa mãn được yêu cầu của hai bên, nhưng chúng tôi cho rằng nó được diễn ra với “tinh thần xây dựng và thẳng thắn”, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và người dân. Trong buổi gặp, ông còn nói (với ông Nguyễn Trọng Vĩnh): “Ngoài ra, có vấn đề gì cần trao đổi thêm, xin Bác cứ nói với anh em chúng tôi”.

Nhưng sau đó UBND thành phố Hà Nội lại có hành động đi ngược lại với tinh thần đối thoại ngày 27/08/2011 đối với công dân nói chung, và nói riêng là trường hợp bà Bùi Thị Minh Hằng, người tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đã bị bắt, đưa vào Trại giáo dục Thanh Hà ngày 27/11/2011 theo Quyết định số 5225/QĐ-UBND ngày 08/11/2011 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Ngày 18/12/2011, Bà Bùi Thị Minh Hằng đã ủy quyền cho luật sư gửi Đơn khiếu nại Quyết định số 5225/QĐ-UBND đến Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. Đến nay đã quá thời hạn giải quyết theo Luật khiếu nại, tố cáo (khoản 1, Điều 36 là 30 ngày) nhưng không có kết quả giải quyết. Chúng tôi ý thức rằng đây là vấn đề hệ trọng liên quan đến những quyền tự do cơ bản của công dân được Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001, quy định, đó là:

- Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; quyền được thông tin; quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật – Điều 69;

- Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm – Điều 71;

- Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật – Điều 72;

- Quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước, hoặc bất cứ cá nhân nào – Điều 74;

- Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân – Điều 77.

Việc các cơ quan chức năng của Thành phố tiếp tục gây khó khăn, ngăn cản các quyền công dân nói trên và việc áp dụng biện pháp đưa bà Bùi Thị Minh Hằng vào cơ sở giáo dục của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã gây nên làn sóng phẫn nộ trong xã hội, xúc phạm tình cảm yêu nước thiêng liêng của người Việt Nam, gây bất lợi cho thế trận toàn dân bảo vệ Tổ quốc trong khi chủ quyền quốc gia ở Biển Đông, tài sản, tính mạng của ngư dân hàng ngày bị xâm phạm, đe dọa.

Căn cứ Điều 53, Hiến pháp quy định:
“Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.”

Căn cứ Điều 51, Luật Tổ chức Quốc hội 2001, sửa đổi, bổ sung 2007, trích:
“Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và cơ quan nhà nước hữu quan.”

Nay chúng tôi đề nghị có buổi đối thoại với Quý ông trên cương vị là Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội, người đứng đầu tổ chức Đảng, hệ thống chính trị, bộ máy Nhà nước của thành phố Hà Nội, và là Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Nội dung buổi đối thoại: Những vấn đề liên quan đến việc thực thi các quyền cơ bản của công dân trên địa bàn thành phố Hà Nội và yêu cầu trả tự do cho bà Bùi Thị Minh Hằng;

Thời gian dự kiến: Vào tuần  trung tuần  tháng 4 năm  2012;
(từ ngày 10 tháng 4 đến 20 tháng 4 năm 2012)

Địa điểm: Do ông hoặc chúng tôi thu xếp;
(Đề  nghị Ông gửi giấy mời đầy đủ cho 25 người trong danh sách ký tên)

Chúng tôi, hy vọng tiếp tục nhận được thiện chí và sự quan tâm của Quý Bí thư thành ủy Hà Nội đối với tâm tư, nguyện vọng của cử tri, của người dân Thành phố./.

Đại diện liên hệ:
Bà Đặng Phương Bích (Đặng Bích Phượng)
Địa chỉ: P.1002, nhà No 6, đường Trần Đăng Ninh, Quận Cầu Giấy, Tp Hà Nội
Điện thoại:

Danh sách những người ký tên:
  1. Thiếu tướng Lão thành Cách mạng Nguyễn Trọng Vĩnh (97 tuổi)
  2. Công dân chống tham nhũng Lê Hiền Đức (82 tuổi)
  3. GS Nguyễn Huệ Chi
  4. GS. TS Chu Hảo
  5. Nhà văn Nguyên Ngọc
  6. GS. TS Ngô Đức Thọ
  7. TS. Nguyễn Quang A
  8. TS Nguyễn Văn Khải
  9. Cựu chiến binh Phan Tất Thành
  10. TS. Nguyễn Xuân Diện
  11. Đặng Bích Phượng (Phương Bích)
  12. Nguyễn Văn Phương
  13. Hồ Thanh Tâm
  14. Phạm Quỳnh Hương
  15. Cựu chiến binh, Thương binh Phan Trọng Khang
  16. Nguyễn Văn Viễn
  17. Luật sư Trần Vũ Hải
  18. Kỹ sư Lã Việt Dũng
  19. Kỹ sư xây dựng Nguyễn Hữu Vinh
  20. Họa sĩ Mai Xuân Dũng
  21. Kỹ sư điện Lê Dũng
  22. Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng
  23. Nghiêm Ngọc Trai
  24. Trương Văn Dũng
  25. Kỹ sư Viễn thông Phạm Văn Chính
Nguồn: xuandienhanhannom.blogspot.com