Translate

Tuesday, 15 April 2014

“Chuyện-Tử-Tế”, hãy đánh thức nó, đặt lên bàn thờ tổ tiên

Sưu tầm trên internet
Bài của Hồng Chuyên
Người 50 năm bán xôi: "Lấy rẻ âu cũng làm được một việc thiện"

Người 50 năm bán xôi: "Lấy rẻ âu cũng làm được một việc thiện"

“Hãy bền bỉ đánh thức nó (Chuyện tử tế - PV) đặt lên bàn thờ tổ tiên, hay lễ đài quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bậc, có chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn”
LTS: "Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó" - xin mượn lời của đạo diễn "Chuyện tử tế" Trần Văn Thủy để mở đầu cho chuyên đề của chúng tôi.
Gặp đạo diễn “Chuyện Tử Tế"
Sau nhiều cuộc hẹn, vì lý do riêng, tôi được gặp Đạo diễn Trần Văn Thủy, đạo diễn phim Chuyện Tử Tế nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam. Căn nhà rộng rãi nằm trên con ngõ nhỏ Làng Vĩnh Phúc (nay là phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội) vẫn giữ nguyên không gian truyền thống xưa.
Cuộc nói chuyện vừa bắt đầu thì cũng là lúc vợ ông đi có việc trở về. Từ trong nhà, đạo diễn Trần Văn Thủy reo lên: “Hằng ơi! Em chờ anh một chút anh ra đây”. Bên ngoài, tiếng vợ ông đáp lại: “Dạ vâng, anh mở cửa cho em”. Ông nhẹ nhàng dặn tôi ngồi đợi, rồi cầm chìa khóa ra mở cửa. Với cử chỉ ân cần, ông vừa dắt xe cho vợ vừa dặn dò: “Lần sau, dừng xe lại em phải về hết số, mình già lập cập, như thế mới an toàn”. Rồi vẫn sự ân cần ấy, ông lấy dép để bà thay khi bước vào nhà. Tôi thực sự xúc động được chứng kiến cuộc đối thoại “vợ chồng kính nhau như khách” của vị đạo diễn già đã vượt qua tuổi xưa nay hiếm (74 tuổi).
Để hiểu được con người ấy, cũng nên xem lại những bộ phim do đạo diễn Trần Văn Thủy làm, đọc lại những gì ông viết và bắt đầu từ câu chuyện về bộ phim “Chuyện tử tế”.
Cách đây 30 năm, trong hoàn cảnh rất khó khăn (mức sống người dân rất thấp, đất nước ta trong thời kỳ bao cấp, đời sống xã hội, đời sống vật chất, đặc biệt phim ảnh đầy thiếu thốn...), đạo diễn Trần Văn Thủy đã làm một bộ phim nhan đề “Chuyện tử tế”. Hành trình để “Chuyện Tử Tế” được hoàn thành, đến với công chúng không hề đơn giản, đã khiến báo chí trong và ngoài nước tốn không ít giấy mực để nói về nó.
Tuy nhiên, sau đó, ở  Liên hoan phim Quốc tế Leipzig (Cộng hòa Dân chủ Đức), bộ phim đã gây tiếng vang lớn, được trao giải Bồ câu bạc. Báo chí nước ngoài mệnh danh: “Quả bom đến từ Việt Nam nổ tung ở thành phố Leipzig". Bộ phim này đã được nhiều đài truyền hình nước ngoài mua bản quyền trình chiếu. Có thể nói đây là bộ phim được bán ra nước ngoài nhiều nhất
Đạo diễn nổi tiếng người Mỹ John Giavito đã tiến cử bộ phim này là 1 trong 10 bộ phim tài liệu hay nhất của mọi thời đại. Tính cho đến tận bây giờ, nền điện ảnh Việt Nam cũng hiếm có bộ phim nào được sự đánh giá cao của công chúng, cộng đồng quốc tế như vậy.
“Chuyện tử tế” là một ngoại lệ khi mà sau 30 năm xem lại mà vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự.
Mở đầu bộ phim, đạo diễn Trần Văn Thủy viết: “Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó đặt lên bàn thờ tổ tiên, hay lễ đài quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bậc, có chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn...”.
Bộ phim là chuỗi dài những câu hỏi để truy đến cùng sự tử tế mà đôi khi những câu hỏi, những sự kiện có phần đụng chạm đến nhiều người, trong bối cảnh thời gian đó.
Đạo diễn Trần Văn Thủy tâm sự, sau khi bộ phim “Chuyện Tử Tế” được nhiều người biết đến, nhiều hãng phim nước ngoài đặt ông làm phim. Năm 1992 đài truyền hình NHK Nhật Bản cũng đã tìm đến đặt hàng ông để làm bộ phim về điều mà người Nhật quan tâm. Ông nhận lời đề xuất làm bộ phim về làng quê Việt Nam - Làng nghề Phù Lãng (Hà Bắc - nay là Bắc Giang).
Ngày ấy, làng nghề Phù Lãng cực nghèo nhưng sống với nhau cực kỳ tử tế. Một làng nghề sống bằng nghề đất nung. Con người nghèo cực nghèo, nghề hàng nghìn năm vẫn làm như vậy. Nhưng họ sống yêu thương nhau, cha thương con, vợ thương chồng. Mẹ ghẻ thương con chồng, xây nhà dựng vợ,  gả chồng cho con chồng. Anh đùm bọc em, xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau...
Ông chia sẻ thêm: “Bản thân tôi lúc đó cũng không hiểu phim này có ý nghĩa như thế nào. Nhưng khi tôi sang Nhật làm hậu kỳ, họ có đề nghị xin dùng tên “Chuyện cổ tích đời nay” cho phim hoặc sẽ dùng tên này trên báo”.
Phía Nhật giải thích: “Ngày xưa người Nhật cũng nghèo như thế và cũng ăn ở với nhau tử tế như thế. Còn ngày nay, cuộc sống giàu có văn minh gấp bội, con người xa cách hơn, cha muốn thăm nhà con phải gọi điện thoại trước cả tuần. Hàng xóm cách vách 20cm không biết nhau”. Như vậy tình người đã bị chia cắt. Có một quy luật bất ngờ, những nước phát triển họ rút ra rằng: “Đời sống vật chất khá lên tình cảm con người bị chia cắt, đi xuống”. Đó là điều người Việt mình chưa trải nghiệm thấu đáo.
Con người sống với nhau tử tế, cần lắm, bức thiết lắm!
Trước những câu hỏi của chúng tôi về Chuyện - Tử - Tế ngày nay, như có một sự thôi thúc nào đó, ông đã trút bầu tâm sự. Dưới đây cuộc đối thoại giữa Đạo diễn Trần Văn Thủy và PV Infonet.
 Thưa ông, mong muốn được chia sẻ nhiều hơn nữa Chuyện tử tê, có nhiều hơn nữa những hành động tử tế trong cuộc sống, Infonet dự kiến mở chuyên đề về những câu chuyện như vậy. Là đạo diễn đã trăn trở với Chuyện - Tử - Tế từ nhiều năm trước, xin ông cho biết quan điểm của mình?
Điều đầu tiên, tôi tán thành với việc làm của các bạn. Theo tôi đây là việc làm cần thiết quý giá. Có lẽ không phải là những việc làm vì ý thích chủ quan của chúng ta mà đó là việc làm ích lợi cho xã hội, cho đồng bào và đất nước của chúng ta.
Điều này hết sức cần. Do điều kiện công việc, hoàn cảnh sống, tôi cũng tới lui nhiều nơi, tôi hiểu ra rằng vật chất thuần túy không cứu rỗi được con người mà nó phải có văn hóa, đạo đức, tôn giáo, truyền thống ngàn xưa để lại. Những điều bức thiết, những điều cần thiết cho cuộc sống là “đường ăn nhẽ ở” của con người. Nói thì dài, nhưng từ xưa các cụ thường dạy thế này: “Ở đời này, khôn dại giỏi dốt không biết, nhưng con phải chú ý đường ăn nhẽ ở”. Xét cho cùng “đường ăn nhẽ ở” là cái hồn vía, cái cốt cách của cuộc sống.
Nếu nói về chỉ số hạnh phúc người ta nói đến phương tiện đi lại, ăn ở, mức sống, môi trường... đều đúng cả. Nhưng, giàu có quá, tiện nghi quá, văn minh quá mà quan hệ giữa người với người nó xấu thì không thể tìm thấy hạnh phúc, tuyệt đối không có hạnh phúc.
Tôi cũng từng đến nhiều nước, tôi không thấy người Mỹ, người Nhật, người Úc, người Anh, người Pháp... tự nhận mình rất hạnh phúc. Nó phải do hoàn cảnh cụ thể con người đó trong mối quan hệ với các cá nhân khác, trong cộng đồng như thế nào. Do đó, con người sống với nhau tử tế, cần lắm, bức thiết lắm. Và đó là yếu tố quyết định quan trọng cho một cuộc sống hạnh phúc.
Theo ông, phải chăng chúng ta đã có thời nhầm lẫn về “Chuyện - Tử - Tế”?
Trong những thập kỷ qua, chúng ta đã quên đi một điều rất quan trọng: Trước khi trở thành “ông” thành “bà”, trước khi chúng ta làm những việc to lớn, chúng ta phải là con người đã, con người tử tế đã. Vì thế cho nên có lúc (giữa thế kỷ 20) giá trị đạo đức, gia phong, nền nếp một thời bị coi là tàn dư của xã hội phong kiến, không được coi trọng.
Có lẽ nhiều lĩnh vực, chúng ta phải nhìn nhận lại những gì trong quá vãng để thấy những điều tốt của xã hội của Việt Nam đã mất đi rất nhiều.
Nhân đây, cho phép tôi nhắc lại 1 đoạn lời bình ở phần đầu bộ phim Chuyện- Tử- Tế mà tôi cho rằng rất cần thiết: “...Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm ngườingười tử tế, trước khi mong muốn chăn dắt họ trở thành người có quyền hành, giỏi giang siêu phàm...’
Các thế hệ trước đã để lại cho chúng ta nhiều lời răn dạy đạo đức và sự tử tế. Không cần mất nhiều thời gian, chúng ta sẽ thấy kho tàng đạo đức tiền nhân để lại cho chúng ta rất lớn qua ca dao tục ngữ, cách ngôn.... Bấy lâu nay, chúng ta đã hướng con người đi theo giá trị ảo. Chúng ta phải nhìn nhận một cách nghiêm túc về những giá trị đích thực, cốt lõi của đời sống. Đứng về phương diện lịch sử thì chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận một cách đầy đủ, đi tới cùng vấn đề. Ngay chuyên mục của các bạn, nếu làm những bài báo hay một chuyên mục chỉ để vừa lòng ông A bà B, có lẽ sẽ không cần thiết.
Vậy nói về Chuyện - Tử - Tế phải nói bằng cái tâm của mình đúng không, thưa ông?
Tất cả sẽ trở về cát bụi, không ai có thể sống mãi để răn đe người khác phải thực hiện ý nghĩ cá nhân của mình. Nếu chúng ta không đặt Tổ quốc, Dân tộc lên bàn thờ của mình, thì “mọi sự cố gắng đều là vớ vẩn”.
Cốt lõi của “Chuyện - Tử - Tế” “hành động tử tế” là gì thưa ông?
Muốn xã hội tốt lên, không thể không xem xét lại giá trị tinh thần, văn minh tiền nhân đã để lại. Đây là vấn đề khoa học, triết học chứ không phải là lập trường quan điểm, tư tưởng. Đó cũng là giá trị cốt lõi, là khởi nguồn của Chuyện - Tử - Tế, hành động tử tế.
Đầu thế kỷ 20 các cụ chỉ mong có độc lập, mặc dù dưới chế độ kìm kẹp của thực dân nhưng các cụ đã không khuất phục. Các cụ trăn trở lắm. Khẩu hiệu của cụ Phan Chu Chinh, “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Sau này chúng ta đã thấy nó rất đúng, cần ở bất cứ thời đại nào. Và có nó, đạo đức xã hội mới tốt lên. Ngày nay, vì đạo đức xã hội đi xuống nên bây giờ chúng ta thấy những chuyện không tử tế như:  bác sĩ ném xác bệnh nhân xuống sông, hôi của người gặp nạn trên đường… Có nơi nào như thế không?
Tệ hại hơn, bệnh nói dối, bệnh thành tích, tham nhũng, mua quan chức... đã ăn sâu trở thành ung nhọt. Từ đó nảy sinh ra bao nhiêu hệ lụy cho xã hội.
Trong thời buổi hiện nay, làm thế nào để có một xã hội tử tế, thưa ông?
Người ta thường nói: “Muốn xã hội trật tự, tử tế phải dựa vào 3 chân kiềng. Đó là Đạo đức, Pháp luật và đức tin tôn giáo. Những chuyện tử tế nó cần lắm, xảy vụ ném xác bệnh nhân, xảy ra vụ chui túi nilon qua suối, tình trạng cướp hoành hành ở đâu đó... bản thân những người điều hành phải thấy xấu hổ. Bản thân những người quản lý, điều hành phải chuẩn chỉ, không có chuyện người quản lý, người đứng đầu tham nhũng, bè phái mà những người dưới có thể răm rắp tuân theo. 
Để có được xã hội tử tế là trách nhiệm của tất cả chúng ta, trong đó có trách nhiệm của thông tin, truyền thông, các cơ quan nghiên cứu. Trách nhiệm đầu tiên phải nói đến người quản lý, điều hành xã hội. Có bao giờ, có khi nào, có sự việc nào mà người điều hành quản lý trực tiếp lên tiếng và chịu trách nhiệm về những sự việc bê bối của xã hội không? Ở một số quốc gia, người ta lập tức lên tiếng nhận trách nhiệm, bày tỏ thái độ hoặc từ chức. Không có sự nhận trách nhiệm như vậy làm sao có được sự tử tế? Xã hội tử tế cần có những tấm gương, tấm gương của những người điều hành, quản lý xã hội.
Vì vậy, tôi thực lòng mong muốn các bạn thành công trong đề tài này, để những phương tiện thông tin đại chúng khác cũng tham gia tích cực, những người có lương tri, những người có trách nhiệm sẽ ủng hộ các bạn hết lòng, để xã hội chúng ta, đất nước chúng ta có nhiều hơn những câu Chuyện - Tử - Tế.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: http://infonet.vn/chuyentute-hay-danh-thuc-no-dat-len-ban-tho-to-tien-post125117.info 


4 comments:

  1. Không thể đánh thức được nữa vì công an nhân dân đánh chết từ lâu rồi

    ReplyDelete
    Replies
    1. Không thể đánh thức được nữa vì bac ho chi minh đánh chết từ lâu rồi

      [noileo]

      Delete
  2. Ai cho tôi làm người tử tế ?

    ReplyDelete
  3. Từ ngày bác du nhập cái chủ thuyết vô nhân tính Mac-lê vào VN thì một số đông dân ta đã bị duy vật hóa cmnhr.

    ReplyDelete