Translate

Thursday 23 May 2013

Gông xiềng hôm nay cho tự do ngày mai, hay là tự do hôm nay cho gông xiềng ngày mai?



Không biết cái từ phiên tòa ô nhục có từ bao giờ trong từ điển dân gian Việt Nam? Tôi đồ rằng nó bắt đầu được công khai sử dụng đến, từ sau phiên tòa bịt mồm linh mục Nguyễn Văn Lý, phiên tòa xử tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ... Cho đến nay, mật độ của những phiên tòa như thế mỗi lúc một nhiều hơn, đa dạng hơn và mức độ ngang nhiên thì trắng trợn hơn.

Lịch sử pháp đình Việt Nam có lẽ chưa bao giờ đen tối như thời kỳ này (không kể đến việc những người bị bắt không được vinh hạnh đưa ra chốn pháp đình). Giờ đây, nhà cầm quyền dường như chả buồn che dấu sự dối trá của mình, khi ngoài miệng nói xử công khai, nhưng bên ngoài lại tìm mọi cách để ngăn chặn mọi sự quan tâm của dư luận xã hội đến phiên tòa.

Theo cách suy luận thông thường nhất, một hành động mặc dù vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân, sự phẫn uất, ghê tởm của dư luận trong và ngoài nước mà vẫn cứ lặp đi lặp lại, thì nó thể hiện sự cùng quẫn, bế tắc, hoàn toàn mụ mị trong đầu những kẻ thực thi nó.

Tôi hỏi một người bình thường nhất:

-    Nếu con chị bị bắt và đưa ra tòa xử, chị có đi dự không?

-    Nếu chị nghĩ con chị vô tội, mà chính quyền cứ bảo con chị có tội, thì chị có lên tiếng bênh vực nó không?

Xét cả về bản năng và logic thì câu trả lời sẽ là có. Vậy mà ở Việt Nam, điều đó lại không được phép xảy ra, mặc dù nó không được ghi trong bất cứ một điều khoản nào của “Luật”.

Cho dù ai đó không quan tâm đến chuyện ngoài xã hội, nhưng nếu họ nhìn và nghe thấy những gì diễn ra quanh các phiên tòa gần đây, tôi chắc chắn một điều họ sẽ cảm thấy bất bình, nếu không muốn nói là ghê tởm.

Nhiều người già hẳn còn nhớ, vụ án xử ông Tạ Đình Đề hàng chục năm về trước. Người dân đến tham dự phiên tòa chật kín phòng xử án, chật kín khuôn viên của tòa và tràn ra cả lòng đường. Để phục vụ công chúng, tòa cho bắc cả loa ra ngoài đường. Dư luận trước phiên tòa cho thấy, người dân rất yêu mến ông Tạ Đình Đề, vậy mà chính quyền ngày đó đâu có sợ sệt gì? Khi tòa tuyên bố tha bổng, hàng nghìn người đã reo hò vang dội, nhà tòa cũng mát mặt vì đã xử công minh. Chợt nghĩ về câu hết thịnh lại suy, mới thấy thương dân Việt, chưa được hưởng thịnh ngày nào mà đã chịu chuỗi ngày suy… Ngay cả những vụ cứ tưởng là công minh lắm như Năm Cam, Khánh trắng, PMU18 cũng do nội bộ đánh nhau mà ra. Nếu không, có lý do gì mà nó có thể tác oai tác quái ngần ấy năm trời?

Cứ đà này, chắc chắn sẽ còn nhiều vụ án nữa. Gông xiềng tù ngục hay cả cái chết cũng không ngăn được khát vọng tự do của con người. Gông xiềng hôm nay cho tự do ngày mai, hay là tự do hôm nay cho gông xiềng ngày mai? Các vị cứ nhắm mắt làm bừa đi!

Hình ảnh đáng xấu hổ nhất trong một phiên tòa

CHÙM ẢNH QUANH PHIÊN TÒA CÔNG KHAI, XỬ 14 THANH NIÊN CÔNG GIÁO Ờ VINH HÔM NAY - 23/5/2013

Những nữ an ninh đang cưỡng bức mẹ một người tù, không cho bà dự phiên tòa xử con trai.

Lực lượng này có mặt ở khắp nơi

 
 
 

1 comment:

  1. • Khi mà tiếng xiềng xích tan dần vào khoảng không cũng là lúc gông cùm đã khép lại. Tôi vẫn thường tự hỏi tại sao đứa con non trẻ nhất của tư tưởng nhân loại lại hung dữ với dân tộc này đến thế? Không! Không ai có thể điều hành đất nước chỉ roi vọt nhưng rồi lại nghĩ; dù có bịt miệng, tra tấn, đàn áp, bỏ tù thì biên độ nào cũng có giới hạn của nó. Những kẻ chuyên chế bạo lực rồi cũng phải hiểu: Nếu quyền lực là sự tràn trề sức mạnh thì cũng chỉ là một sự trùng hợp giữa con vật và con người mà thôi!

    Vẫn biết sự căm phẫn đôi khi không phải chỗ vì thực ra tòa án, trại giam hay nhà tù có hãm hại, cầm tù những người con yêu nước đâu! Mấy chục năm tha hóa và biến chất xuất phát từ những lợi ich cá nhân, chúng ta đang bước vào một thời kì hưng thịnh của những cuộc thao diễn thành thục đến độ trâng tráo và coi thường dư luận. Tiền bạc thì trôi sông, trôi bể hoang phí. Có nỗi buồn nào hơn một nhà nước chỉ luôn toan tính dành đủ ngân sách cho nhà tù, trại giam mọc lên để bảo vệ những quyết sách mơ hồ trong tiên đoán và định hướng? Có nỗi đau nào hơn giờ đây đất nước đã thông nhất bỗng sinh thêm đoàn cừu! Cách mạng mang lại cuộc đổi đời chả khác nào con người giàu thêm tham nhũng là khi ta thấy cần nô lệ!

    Bao nhiêu năm nay, dân tộc này vẫn ngồi lau nước mắt. Người ta có thể tự vỗ ngực cho rằng mình hiểu quá khứ chứ tương lai thì chỉ có đảng; bất chấp tất cả những lẽ thường tình trong một bộ máy nhà nước khi mà cửa đóng thì phải có cửa mở. Những quyền hạn của con người dần một thu nhỏ lại. Nhiều khi, tôi ao ước muốn hiểu thêm tại sao một lý tưởng kia có cớ sự gì mà luôn tìm cách hãm hại một phần của nhân loại và đồng bào mình. Trưởng thành dưới họng súng trong cái giá rét trời Tây, phải chăng khi nó nhập cư về xứ nhiệt đới, mau sinh bệnh hay là; chúng ta đang chứng kiến tín hiệu của những sự kiện Mới đang bắt đầu?

    Rồi một ngày nào đó, chả biết đất nước sẽ ngồi nhớ những bóng tối thầm lặng chịu nhiều oan khuất kia hay những kẻ đã gây nên những nỗi đau cùng cực này. Muôn đời, nhân dân còn đó chứ chả thể chạy được đâu xa. Hay là, chỉ đến khi nào đất nước cạn kiệt tài nguyên thì họ mới nghĩ đến nhân dân?

    Xin đừng đợi cái ngày dân tộc này đóng cửa rồi ném qua cửa sổ, các anh ơi . .

    ReplyDelete