Translate

Friday 9 March 2012

Chúng tôi đi tặng hoa cho Bùi Hằng


Theo đúng hẹn, sáng 8/3, bốn chị em cô cháu chúng tôi đi một xe lên Thanh Hà, mua một lẵng hoa to để tặng Bùi Hằng. Vì thằng Bùi Nhân vẫn ở trong Vũng Tàu nên chúng tôi không đem đồ tiếp tế cho Bùi Hằng được, mà chỉ có độc một lẵng hoa, vì vậy cũng không cần đi nhiều người.
Ngày hôm nay thiên hạ đi chơi hết hay sao ấy mà đường thông thoáng quá. Chúng tôi vẫn còn sung về cái vụ gặp gỡ tối mồng 7 tháng 3 ở nhà hàng Quốc Bảo, nên chuyện trò rôm rả suốt dọc đường, chả mấy chốc mà lên đến Thanh Hà. Xe lướt qua hàng rào, thoáng thấy có cái gì là lạ. Đến lúc xuống xe, mới thấy phía trong khuôn viên của trại là một hàng lưới đen sì được dựng lên chạy song song với hàng rào. Tôi cười phá lên, chỉ cho mọi người thấy:
-  Này nhìn kìa, che rồi kìa.
Chắc là rút kinh nghiệm để mọi người chụp được ảnh Bùi Hằng từ vụ thăm nuôi lần trước đây. Không chỉ thế, dọc bờ tường có treo một loạt biển đỏ như: Cấm tụ tập đông người, Cấm quay phim chụp ảnh...
Chúng tôi chả quan tâm, đàng hoàng xuống xe, gỡ lẵng hoa ra khỏi cốp, chỉnh trang lại ngay ngắn rồi thi nhau chụp ảnh bên lẵng hoa. Ông chủ quán ven đường thấy chúng tôi, bèn đi lại vui vẻ chào hỏi. Tôi hỏi ông ta:
-  Quán của anh có bị khó dễ gì không?
-  Không, tôi thì việc ai người nấy làm, tôi cũng chả quan tâm đến việc các chị ở đâu đến
-  Ồ thế thì tốt quá, tôi chỉ lo vì chúng tôi mà anh bị người ta gây khó dễ, Tốt rồi.
Lúc chúng tôi đến, cánh cửa trại còn mở, bên trong một nhóm trại viên nam đang lao động sát hàng rào. Chỉ sau vài phút, cánh cổng trại đã đóng lại, có khóa hẳn hoi, đám trại viên bên trong đã nhanh chóng giải tán. Chụp ảnh xong, chúng tôi mang lẵng hoa đến bên cánh cổng. Ngó cậu cảnh sát trẻ qua cánh cửa sắt, chúng tôi yêu cầu gặp trực ban của trại, cậu ta lúng búng bảo để vào báo cáo. Vài phút sau, cậu ta chạy ra bảo chúng tôi chờ.
-  Các anh phải mở cửa ra chứ tiếp đón dân qua cửa sắt thế này à? Chờ bao lâu, cả ngày chắc?
-  Dạ...
Trong khi cậu cảnh sát trẻ bối rối thì một tay sĩ quan đi ra – tay này lần trước quay phim chúng tôi, khi bị phản đối thì bảo đây là nhà của họ đấy. Anh ta vẫn đứng bên trong cổng sắt nói vọng ra – sợ gì nhỉ?
-  Chị cho kiểm ra giấy tờ.
-  Anh mở cổng ra chứ đón tiếp dân như thế này thật chẳng ra làm sao cả.
-  Chị thông cảm, chúng tôi đang sửa sang...
-  Vừa nãy chúng tôi đến, thấy cửa còn đang mở kia mà
-  Chị thông cảm
-  Thế xuất trình giấy tờ qua khe cửa thế này à?
-  Vâng, chị thông cảm
Không vấn đề gì! Tôi chỉ cần biết cái cung cách làm việc của công an ở đây như thế là đủ. Còn có cái để kể chứ. Tôi ra xe lấy chứng minh thư, đút qua khe cửa cho cậu cảnh sát trẻ ban đầu, cậu ấy cầm bằng cả hai tay rất lễ độ. Ngay lập tức tôi thấy có thiện cảm với cậu chiến sĩ trẻ này. Tay sĩ quan sau khi nghe tôi nêu yêu cầu, bắt đầu nhắc lại cái điệp khúc muôn thuở: các anh chị không phải là đối tượng thăm nuôi.
-  Xin lỗi anh, anh không cần phải nhắc lại thêm một lần nào nữa về cái quy định ấy đối với chúng tôi. Xin nói lại là chúng tôi không đến thăm nuôi! Không gửi bất cứ đồ tiếp tế nào cho chị Hằng! Hôm nay là ngày 8/3, chúng tôi chỉ gửi một bó hoa cho một người phụ nữ ở trong trại này, có thế thôi.
Dù cánh cổng sắt không kín mít, nhưng mấy cái thanh sắt lại che đúng tầm mắt tôi, nên thấp như tôi cũng phải một là cúi xuống, hai là nghển cổ lên để nhìn vào mắt người đối thoại (cảnh tượng này hài hước đúng không ạ). Trong khi tôi nói, một sĩ quan khác từ trong trụ sở bước nhanh tới, bảo cậu cảnh sát trẻ:
-  Mở cửa ra
Thấy tay sĩ quan lúc trước nói gì đó, anh ta nhắc lại lần nữa, không hề cao giọng nhưng rõ ràng là ra lệnh
-  Tôi bảo mở cửa ra.
Viên sĩ quan đến sau nói anh ta là phụ trách ở Phân trại này, lắng nghe tôi trình bày mục đích của chúng tôi xong thì gật đầu đồng ý ngay. Tôi nhìn vào biển hiệu đeo trên ngực anh ta, thấy dòng chữ Trần Thái Hòa. Tôi cảm ơn anh ta và chẳng yêu cầu gì thêm. Khi bắt tay, lại một lần nữa, mối thiện cảm trong lòng tôi tăng lên. Tôi hay xét đoán cái tâm của con người qua cách bắt tay. Bàn tay anh ta ấm (chứng tỏ anh ta là con người tốt), cái bắt tay chặt (biểu hiện sự quyết đoán và chứng tỏ anh ta biết tôn trọng người khác), giữ hơi lâu một chút (đủ để tạo và lưu giữ mối thiện cảm). Trong khi bước ra, tôi nghe thấy tay sĩ quan trẻ ban đầu đang hùng hổ to tiếng với cháu Phương về việc chụp ảnh, tôi bèn quay lại nói với anh ta:
-  Đề nghị anh không to tiếng như thế. Anh thấy không? Lãnh đạo của anh còn từ tốn thế này..
-  Lãnh đạo khác, tôi khác, đấy là tính cách của tôi.
-  Anh không nói thế được! Anh nên nhớ anh đang làm nhiệm vụ, tức là phục vụ nhân dân. Trong khi làm nhiệm vụ, anh không được đặt cái tôi của anh lên trên như thế
Tay này không nói gì nữa, còn viên sĩ quan chỉ huy thì có vẻ dàn hòa cho nhanh. Chúng tôi bước ra khỏi cửa sau khi chào và cảm ơn viên chỉ huy một lần nữa.
Chúng tôi lên xe trở về Hà Nội ngay. Dọc đường sôi nổi bình luận xem họ có chuyển hoa cho Bùi Hằng không. Tôi đoán họ không dám thất hứa (vì chúng tôi có thể kiểm chứng trong lần thăm nuôi tới), nhưng chắc chắn họ sẽ gỡ cái băng rôn trên lẵng hoa ghi dòng chữ: Bùi Hằng - chúng tôi luôn bên cạnh chị.
Tôi nhớ trong lần đi thăm trước, có nghe thấy khi tranh luận, một tay công an nào đó ở trại Thanh Hà bảo đây là cơ quan an ninh quốc gia???
Không rõ định nghĩa thế nào là một cơ quan an ninh quốc gia, nhưng tôi cảm thấy tay kia nói như thế là tùy tiện. Riêng cái việc công an đứng ra quản lý trại giáo dục cải tạo đã thấy nó rất không hợp lý tẹo nào. Bây giờ lại xưng – liệt một cái trại giáo dục cải tạo trở thành cơ quan an ninh quốc gia thì có lẽ là mạo nhận, kỳ quặc quá. Trừ Bùi Hằng, việc quản lý mấy cái anh nghiện hút, chích choác, hay gay gổ côn đồ mà lại được xếp vào hàng an ninh quốc gia thì ngộ thật.
Một điều nữa là cái sự xuất hiện của hàng rào bằng lưới đen kia nó nói lên điều gì? Sự sợ hãi, sự căm ghét cái tình người?
Hẳn là có tin rất nhiều người sẽ lên thăm Bùi Hằng vào ngày 8/3 nên họ phải chăng lưới để không cho người ta nhìn thấy Bùi Hằng? Nhầm rồi các anh ơi, cái tình nó ở trong trái tim, trong trí óc con người chứ đâu phải bằng sự hiện hữu. Có bức tường nào ngăn cản được những ý nghĩ người ta dành cho nhau. Có loại băng keo nào chặn được âm thanh của những tiếng gọi nhau vang vọng qua không gian?






19 comments:

  1. Đọc bài của Phương Bích bài nào cũng mùi, nhất là loạt bài "Bước chân vào chốn ngục tù", phụ nữ có khác!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hic hic. mới đọc thoáng qua giật mình, tưởng bác bảo "có mùi" sợ quá ạ.

      Delete
    2. Ku này ít tuổi sinh năm 1976 mà nó nói chuyện cứ như ngang hàng ấy nhỉ?

      Delete
    3. Ồ, hóa ra sinh 1976 à? Hi hi tui sinh năm 1960.

      Delete
  2. "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài". PB viết bằng trái tim, bằng tình cảm nên bài nào cũng hay

    ReplyDelete
  3. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  4. Chăng lưới làm sao ngăn được lòng
    Khối óc, con tim ở phía trong?
    Tình cảm, tư duy đâu sờ mó
    Họ vẫn gần nhau bởi tiếng lòng!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hi hi...Chữ Sờ mó nó hơi thô thô. Đề nghị sửa lại, vì đây là trang của nữ sĩ.

      Delete
    2. Nhất trí với TẼO, có thể mượn từ của Phương Bích đồng nghĩa với sờ mó(được)là "hiện hữu"

      Tình cảm,tư duy đâu hiện hữu
      Họ vẫn gần nhau bởi tiếng lòng!

      Delete
  5. bài viết hay và tình cảm.

    ReplyDelete
  6. Biểu tình phản đối - tội sao em ?
    Bảy chín chưa quên lũ giặc hèn
    Bắn phá, đốt nhà biên giới cận
    Đâm thuyền, cắt cáp biển bờ ven
    Minh Hằng - trăng sáng lòng yêu nước
    Thế Thảo - cỏ mù dạ tối đen
    Lệnh bắt em vào trường phục phẩm
    Càng ngời phẩm giá nữ lưu thêm.
    Võ Việt Vinh

    ReplyDelete
  7. Mình chỉ biết Phương Bích là một biểu tình viên nổi tiếng và nhiều bài viết của bạn, nói chung là...nể. hôm nay biết thêm sinh 1960, tuổi tý. Phụ nữ tuổi tý nghe người ta nói vất vả và ghê gớm lắm? Hi hi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Phương Bích9 March 2012 at 18:53

      Hi hi, ghê gớm nhưng có đánh chửi được ai đâu. Thấp người nên chỉ dám dùng lý, gặp anh cùn thì chịu thua thôi ạ.Nhưng được cái không ai muốn tự nhận mình là cùn cả, vậy là họ phải chịu.
      Mà xin đừng nói là nổi tiếng mà tổn thọ ạ

      Delete
    2. À có lẽ giống như " Dù không cao nhưng cũng khiến cho nhiều người khác cũng phải ngước nhìn " - Bia Sài Gòn họ nói thế, nên dễ say. Xin lỗi nhé, đùa một chút cho vui.

      Delete
  8. Chỉ biết hoan hô chị Phương Bích !

    ReplyDelete
  9. Ngày Phụ Nữ 8.3 năm nay, nhằm Âm lịch 16/2 cái đêm mà Chị Hằng Soi sáng nhất Thế gian, sự trùng hợp nầy, đúng là Thiên ý dành cho người đàn bà có tên Bùi Minh Hằng Với Khí phách hiên ngang, vượt qua nỗi sợ hãi can đảm chống lại phường gian ác, quân Ngụy tặc Hèn với giặc Ác với Dân. Hào quang Minh Hằng đang soi rọi trong Hang động con Cú Mèo.

    ReplyDelete
  10. rất xúc động

    ReplyDelete
  11. Ai cười cái dáng nghiêng nghiêng...
    Ô hay!cái núm đồng tiền rơi đâu?

    ReplyDelete
  12. Gửi Phương Bích.
    Không biết PB là bạn thân hay chỉ là những người "hâm mộ" BTMH mà ko hiểu rõ thực hư của con người này. xử sự như chí phèo. Chị ta sẵn sàng chửi hàng xóm với những ngôn từ của xã hội đen với tất cả những từ ngữ mà người có văn hóa ko thể nghe và đối chọi lại được. Nhà tôi ở VT, chỉ cách nhà chị ta chưa đầy 100 mét, tôi ko quan hệ thân quen với chị ta, nhưng cùng là dân Bắc vô nên cũng có để ý đến. Có lần, đã 23h13 phút, khi tôi đi ngang qua nhà chị ta thấy chị ta đang chửi mấy nhà hàng xóm với tất cả bộ phận của đàn ông, đàn bà được văng ra chỉ vì hàng xóm nhắc nhở chị ta mở loa thùng quá cỡ. Đấy là những gì tôi được chứng kiên. Còn việc PB cũng như 1 số người cho rằng BTMH là yêu nước! Xin lỗi nha! BTMH chỉ yêu TIỀN, ĐÀN ÔNG, và thích NỔI TIẾNG dù sự "nổi tiếng" ấy đội lốt là "yêu nước" được 1 số người như PB ngưỡng mộ. Yêu nước trước hết hãy yêu gia đình và nuôi dạy các con nên người trở thành công dân có ích cho đất nước đi. Yêu nước là quan tâm đối xử tốt với anh chị em trong gia đình, là xử sự tốt với hàng xóm đi. Yêu nước là biểu hiện cụ thể những gì có ích cho gia đình, quê hương, đất nước đi. BTMH không thế. Với gia đình, BTMH đã bỏ mặc cho con trai rơi vào vòng lao lý, con gái phải viết thư cầu cứu, với mẹ đẻ và chị em BTMH mang đến nỗi cay đắng của việc tranh chấp, với xã hội thì BTMH tranh chồng của người khác, rồi gây mâu thuẫn với hàng xóm nơi cư trú...
    Kể ra thì cũng nực cười! Những người lặng lẽ cống hiến cho quê hương đất nước thì ko được gọi là yêu nước. Những kẻ được thuê tiền, được kích động, thích nổi tiếng cùng sẵn máu côn đồ, lưu manh nhảy ra chỗ đông người hô vang mấy câu, thì những người như PB, như mấy ông "trí thứ" rởm vội tung hê họ và cảm thấy "lòng yêu nước" chảy rần rật trong huyết quản họ. Có thể ông Nguyên ngọc, nguyễn Quang A...kia ngây thơ thật, họ tưởng thế là yêu nước thật, vì họ không được thuê tiền và ko thích nổi tiếng, họ tưởng biểu tình thế thì TQ sợ và Nhà nước ta thấy lòng yêu nước của dân VN mình cao. Nhưng họ đâu ngờ loại người như BTMH nếu được ai cho tiền nhiều, để họ "xùy" chõ nào, BTMH sẵn sàng xả thân nhảy ngay vào chỗ đó, bất luận đối phương.
    PB ơi! đừng đánh đồng lòng yêu nước với những hành động vì tiền như vậy
    Kính!

    ReplyDelete