Translate

Monday 26 December 2011

Sau Bùi Hằng sẽ là ai?

Từ những ngày đầu nghe tin Bùi Hằng vào đồn công an Bến Nghé rồi không trở về, cho đến lúc biết cô ấy bị giam giữ ở trại Thanh Hà với cái án không xét xử là 2 năm, bây giờ tôi mới thực sự có thời gian để suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này.
Ngay từ năm 2010, trong một bài báo đăng trên báo Pháp luật TPHCM với tiêu đề: Giáo dục, giáo dưỡng đang bị lợi dụng - đã làm dấy lên trong công luận một sự thật :
Qua việc “nhóm nghiên cứu của Vụ Pháp luật Hình sự-Hành chính (Bộ Tư pháp) đã khảo sát, đánh giá thực trạng việc áp dụng các biện pháp nói trên, chỉ rõ những bất cập của các quy định hiện hành”, trước mắt tôi quan tâm đến 3 vấn đề chủ yếu mà bài báo đã nêu là:
-     Báo cáo của nhóm nghiên cứu chỉ rõ: Việc lập hồ sơ đưa một người vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng do công an thực hiện, khi hồ sơ sang hội đồng tư vấn thì lãnh đạo cơ quan công an lại là chủ tịch hội đồng. Điều này chưa đảm bảo tính khách quan và chính xác vì công an dường như “độc diễn” trong quá trình này.
-    “hoạt động của hội đồng chủ yếu giới hạn ở việc xét duyệt hồ sơ, tài liệu do các cấp hành chính thu thập, không có thông tin đa chiều, không được nghe nội dung bào chữa, biện hộ từ phía người vi phạm…”
-     “Người bị áp dụng các biện pháp này không có quyền tham gia và phát biểu ý kiến, không được tranh tụng, không có luật sư tham gia…”
Qua ngần ấy thông tin trong bài báo trên, đủ cho thấy việc bắt giam Bùi Hằng thông qua hình thức giáo dục, cải tạo là có động cơ, rõ ràng là thiếu minh bạch của chính quyền thành phố Hà Nội. Ghép Bùi Hằng vào tội gây rối trật tự công cộng, cốt là để hợp thức hóa việc giam giữ và né tránh xét xử Bùi Hằng theo khía cạnh phản đối chính quyền bắt bớ người biểu tình.
Tôi nhớ lại hôm ở Bờ Hồ, tình cờ gặp giáo dân Thái Hà đi nộp đơn ở phòng tiếp dân 34 Lý Thái Tổ, và chứng kiến việc một số giáo dân bị bắt lên xe buýt khi họ đi bộ trên Bờ Hồ. Lúc đó tôi đứng cách đó khá xa, quan sát thấy cảnh bắt bớ đó lại nhớ những ngày mình đi biểu tình cũng từng bị bắt như thế. Rồi đột nhiên có 3  “thanh niên” đi qua vườn hoa, hướng đến chỗ tôi đứng. Bọn họ túm lấy một cậu thanh niên đang đứng cạnh tôi lôi đi, mặc cho cậu ấy bất bình la lên phản đối. Tôi đang bức xúc về cái chuyện, họ cứ ngang nhiên bắt người như thế này thì một viên công an đi đến nói rất to:
-     Ai không có nhiệm vụ giải tán ngay khỏi khu vực này. Không được tụ tập ở đây.
Mọi người xung quanh tôi chạy té đi. Tôi bực mình lắm, cứ đứng yên tại chỗ. Thấy thế, tay công an hất hàm:
-     Chị nữa, không có nhiệm vụ gì, yêu cầu chị giải tán...
-     Đây là vườn hoa. Thế nhiệm vụ gì thì được đứng ở đây?
Tay công an ngớ người nhìn tôi. Hình như anh ta rất ngạc nhiên, khi có người không những không ù té chạy mà còn dám hỏi vặn lại công an. Anh ta không trả lời câu hỏi của tôi, chả lẽ lại bảo vườn hoa Bờ Hồ là nơi chỉ để công an và an ninh làm nhiệm vụ? Nếu khi ấy tôi không đứng đó, làm sao tận mắt chứng kiến sự việc. Chưa cần biết ai đúng sai thế nào, ít nhất là tôi có thể kể lại một cách trung thực khi cần làm chứng. Công an không muốn nhân dân nhìn thấy, nghe thấy là để một mình họ độc diễn chăng? Nếu họ làm đúng, tại sao họ không để cho nhân dân thấy rằng họ đang thực thi pháp luật một cách đúng đắn, và những kẻ gây rối kia đáng bị trừng trị thích đáng, cần được tuyên truyền rộng rãi bằng hình ảnh và clip video cụ thể để làm gương cho thiên hạ?
Viên công an không giải thích được thì trừng mắt nhìn tôi, gằn giọng:
-     Nhớ! Không được tụ tập ở đây nhớ! Đây là khu vực nhạy cảm nhớ!
Tôi cãi ngay:
-    Anh nói lạ nhỉ? Tôi đang đứng có một mình mà anh bảo tụ tập là thế nào? Cái gì nhạy cảm? Tôi chẳng hiểu cái gì gọi là nhạy cảm cả.
Anh ta rút bộ đàm ra, nghe chừng định gọi người đến bắt tôi chắc. Ngay lúc ấy một thanh niên đi đến lôi tay công an đi chỗ khác. Tôi tức giận quay ra nói với những người vừa chạy đi:
-     Làm sao mọi người phải chạy? Đây là vườn hoa, mình đứng giữa thanh niên bạch nhật thế này, phạm pháp cái gì mà phải chạy?
Về đọc tin trên mạng, thấy nói tất cả những người bị bắt lên xe buýt hôm đó đều bị ghép vào tội gây rối trật tự công cộng. Tôi thấy lạ là trong hàng trăm người đang đi trên Bờ Hồ lúc đó, họ lại chỉ bắt một số người? Nói như bản báo cáo của nhóm nghiên cứu Bộ Tư pháp thì đúng là công an hoàn toàn độc diễn trong việc này. Họ muốn lập hồ sơ về ai đó thì chỉ cần vài lần bắt lên xe buýt như thế này, chắc hẳn sau đó sẽ lập được ngay cái hồ sơ để tống bất cứ ai đó vào trại giáo dục và cải tạo.
Điều này khiến nhiều người thực sự lo ngại. Chính quyền có thể còn tiếp tục sử dụng cái chiêu bài đưa đi giáo dục cải tạo, để trấn áp những người tham gia biểu tình thời gian qua, hoặc bất cứ đối tượng nào chính quyền không “ưa” mà không bị một cơ quan nào tuýt còi. Những người biểu tình chúng tôi đùa vui: Nếu vậy, mỗi chúng ta đều là những trại viên dự bị mà Bùi Hằng là người đầu tiên hy sinh. Đùa thế nhưng trong lòng thấy cay đắng làm sao.
Hẳn ai cũng biết việc điều chỉnh hệ thống pháp lý cho phù hợp với cuộc sống ở nước ta là quá chậm chạp (ví dụ như luật biểu tình là 19 năm. Lạc đề đi một chút là 15 năm triển khai việc mua nhà theo nghị định 61 vẫn bế tắc sau nhiều lần gia hạn). Một tay công an nói với tôi: ai kiện cứ việc kiện...! Thật là một câu mang đầy thái độ thách thức, coi thường luật pháp.
Đời người quá ngắn ngủi để mà chờ đợi công lý được thực thi. Có bị tước đoạt tự do dẫu chỉ một ngày mới hiểu được phần nào giá trị của nó. Mặc dù vậy, chính quyền cũng thừa hiểu việc giam giữ dưới hình thức giáo dục, cải tạo này sẽ không bao giờ thay đổi được quan điểm và ý chí của Bùi Hằng.
Việc hôm nay với Bùi Hằng rất có thể sẽ xảy ra với bạn, với tôi hoặc ai đó trong nay mai. Sau Bùi Hằng sẽ còn những ai nữa, trở thành nạn nhân của hệ thống pháp lý mà vốn dĩ còn quá  nhiều sự vô lý, bất cập này?
Trong khi chờ đợi luật sư khiếu nại việc cưỡng bức Bùi Hằng vào trại cải tạo, tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều người lên tiếng đấu tranh cho việc trả tự do cho Bùi Hằng. Mong làm sao ngày được đón cô ấy trở về trong vòng tay người thân và bè bạn.
 

Tư liệu tham khảo: những đoạn chữ đỏ in nghiêng được dùng để trích dẫn
(Bài đăng trên Báo pháp luật TP HCM - Giáo dục, giáo dưỡng đang bị lạm dụng)
Bộ Tư pháp đang nghiên cứu để tư pháp hóa thủ tục đưa người vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng.
Việc đưa người vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục… bằng quyết định hành chính ít nhiều liên quan đến quyền tự do cá nhân của người vi phạm pháp luật trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục cũng như việc tổ chức, thực hiện loại “quyết định hành chính khác” này còn nhiều bất cập.
Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam”, ngày 13 và 14-12, Bộ Tư pháp và Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo bàn hướng hoàn thiện pháp luật về các biện pháp xử lý hành chính này.
Xích mích gia đình: Đưa vào cơ sở giáo dục
Trước đó, nhóm nghiên cứu của Vụ Pháp luật Hình sự-Hành chính (Bộ Tư pháp) đã khảo sát, đánh giá thực trạng việc áp dụng các biện pháp nói trên, chỉ rõ những bất cập của các quy định hiện hành.
Theo quy định, chủ tịch UBND cấp huyện, tỉnh là người trực tiếp ban hành quyết định hành chính để đưa một người vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hay trường giáo dưỡng. Ngoài ra, một số chủ thể khác như công an, tư pháp, nhà trường, tổ dân phố… tham gia vào quá trình đề nghị, xác minh, lập hồ sơ, tư vấn giúp chủ tịch UBND ra quyết định.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu chỉ rõ: Việc lập hồ sơ đưa một người vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng do công an thực hiện, khi hồ sơ sang hội đồng tư vấn thì lãnh đạo cơ quan công an lại là chủ tịch hội đồng. Điều này chưa đảm bảo tính khách quan và chính xác vì công an dường như “độc diễn” trong quá trình này.
Đành rằng chủ tịch UBND là người quyết nhưng Hội đồng tư vấn có vai trò rất lớn, có thể nói là quan trọng nhất với việc có áp dụng biện pháp đưa người vi phạm vào trường, cơ sở hay không. Thế nhưng hoạt động của hội đồng chủ yếu giới hạn ở việc xét duyệt hồ sơ, tài liệu do các cấp hành chính thu thập, không có thông tin đa chiều, không được nghe nội dung bào chữa, biện hộ từ phía người vi phạm…
“Việc ra quyết định áp dụng biện pháp liên quan đến hạn chế tự do của đối tượng vi phạm theo pháp luật hiện hành chưa thật sự đảm bảo tuân theo nguyên tắc công khai, minh bạch và công bằng, tranh luận và biện hộ. Người bị áp dụng các biện pháp này không có quyền tham gia và phát biểu ý kiến, không được tranh tụng, không có luật sư tham gia…” - nhóm chuyên gia bình luận.
Vì những thủ tục “khép kín”, đôi khi áp đặt, chủ quan của cơ quan có thẩm quyền nên không ít người bị đưa vào trường, cơ sở chưa đúng theo quy định. Nhóm chuyên gia dẫn chứng, tại Cơ sở giáo dục Bến Giá (Trà Vinh) có 6% người được đưa vào đây do thực hiện các hành vi cãi nhau, đánh nhau giữa những người thân trong gia đình (không thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục).
Thời gian “cao su”
Theo quy định, thời hạn người vi phạm ở trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh từ ba tháng đến hai năm. Tuy nhiên, thực tế khảo sát tại các cơ sở giáo dục tập trung, hầu hết người vi phạm đều bị áp dụng ở mức tối đa. Báo cáo của Cơ sở giáo dục Thanh Hà cho thấy trong năm năm (từ 2004 đến tháng 6-2008), chỉ có một người được áp dụng thời hạn tối thiểu. Đến tháng 9-2009, Trường Giáo dưỡng số 4 ở Đồng Nai có ba người được áp dụng thời hạn tối thiểu!
Để hạn chế “án cao su”, ngay từ Pháp lệnh Xử lý VPHC năm 1995, sau đó là pháp lệnh năm 2002 đều không quy định việc gia hạn thời hạn ở trường, cơ sở… Tuy nhiên, một số văn bản hướng dẫn (nghị định, thông tư) đã mở rộng quy định của pháp lệnh, cho phép trường hợp “… đã được giáo dục và bị kỷ luật nhiều lần, đến khi hết thời hạn giáo dục tại cơ sở giáo dục mà vẫn không chịu sửa chữa, không tiến bộ thì giám đốc cơ sở giáo dục lập hồ sơ báo cáo chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi cơ sở giáo dục đóng xem xét, quyết định việc đưa người đó vào cơ sở giáo dục…”. Quy định trên thực chất là kéo dài thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, trái với tinh thần của pháp lệnh.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu cho biết có 13 trường hợp ở Cơ sở giáo dục Xuân Hà (Hà Tĩnh), 16 trường hợp ở Cơ sở giáo dục Hoàn Cát (Quảng Trị) kéo dài thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục với thời hạn từ sáu tháng đến 24 tháng. Cá biệt, có người hết thời hạn 18 tháng ở trường giáo dưỡng tại Hà Nội lại tiếp tục bị đưa tiếp vào Cơ sở giáo dục Hoàn Cát (Quảng Trị) với thời hạn 24 tháng.
Sẽ “tư pháp hóa” thủ tục
Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo dự kiến bỏ biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh ra khỏi dự thảo luật.
Về biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, ban soạn thảo dự kiến xây dựng hai phương án xin ý kiến Quốc hội. Phương án một: Chuyển cho tòa xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục tố tụng. Phương án hai là vẫn giao cơ quan hành chính nhưng “mượn” một số thủ tục tư pháp như cho luật sư, người đại diện, giám hộ… giải thích, biện hộ với cơ quan áp dụng biện pháp hành chính khác.
+ Kiện vì không nghiện mà phải vào cơ sở chữa bệnh. Năm 2008, anh Nguyễn Văn Sơn (được về trước thời hạn ba năm) đã kiện UBND huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh) vì ra quyết định đưa anh vào cơ sở chữa bệnh hai năm trời, trong khi bản thân anh không sử dụng ma túy. Tại phiên sơ thẩm lần hai năm 2009, tòa buộc UBND huyện Châu Thành bồi thường vật chất, tinh thần cho anh Sơn trong thời gian bị đưa đi cai nghiện…
+ Tàn phế sau khi được đưa đi giáo dục. Cuối tháng 9-2009, thấy chồng là anh Nguyễn Minh Hà (ở Phú Thọ) hay rượu chè, đánh đập vợ con nên người vợ nộp đơn đề nghị công an đưa chồng đi cải tạo, giáo dục. Sau đó, anh Hà bị kiểm điểm tại UBND xã trước sự chứng kiến của làng xóm. Ba tháng sau, nghi ngờ con trai anh Hà ăn trộm, các cán bộ đã mời thằng bé và anh Hà đến trụ sở công an và anh bị giữ lại, đưa đến Cơ sở giáo dục Thanh Hà thuộc V26 - Bộ Công an. Bốn ngày sau, một công an đến nhà báo cho vợ anh là anh Hà bị cảm nặng, tới gặp ngay kẻo không kịp. Đến nơi, người vợ thấy chồng mê man, trên người đầy vết bầm. Hộp sọ bên trái của anh bị vỡ một miếng, gãy xương hông, xương cánh tay…
ĐỨC MINH


22 comments:

  1. "Những người biểu tình chúng tôi đùa vui: Nếu vậy, mỗi chúng ta đều là những trại viên dự bị mà Bùi Hằng là người đầu tiên hy sinh. Đùa thế nhưng trong lòng thấy cay đắng làm sao."
    ===
    Đắng cay quá chị nhỉ!

    ReplyDelete
  2. @ thanhvdgt1

    Ừ cay đắng! Nhưng chúng ta sẽ không sợ phải không?

    ReplyDelete
  3. Bây giờ mới thấm thía câu nói của Vũ Thư Hiên 'Mỗi một người dân VN là một người tù dự bị'

    ReplyDelete
  4. "Ừ cay đắng! Nhưng chúng ta sẽ không sợ phải không?"

    Tớ thừ người ra từ tối đến giờ. Không biết nói gì đây nữa! Tớ chẳng ngoan đạo bao nhiêu, nhưng các bạn đã làm tớ ăn ngủ không yên và cứ mãi cầu nguyện tha thiết!

    Chí thành thông thánh!
    Lòng thành của các bạn thấu đến trời cao!

    ReplyDelete
  5. Yêu nước thì có gì phải sợ, phải không Phương Bích?

    ReplyDelete
  6. Ủa, ông Tập Cận Bình kinh lý qua VN xong về rồi mà các vị vẫn chưa chịu thả chị Bùi Hằng ra à ???

    ReplyDelete
  7. Mọi người hôm nay đã đọc tin tức chưa?
    Lực lượng chuyên chính của chúng ta dẹp bọn phản động từ trong trứng nước cơ mà.Nôm na ra là phải đề phòng từ xa,nhỡ đâu hôm nay yêu nước rồi biến chất,thoái hóa ngày mai,ngày kia lại chống phá...thậm chí là bán nước thì sao?Bắt nhầm hơn là bỏ sót...mà người ta có bỏ tù đâu mà cứ lo hão làm gì chứ nhỉ?Người ta đưa đi học tập cải tạo cơ mà!Người xấu thì sau khi cải tạo sẽ bớt xấu đi(theo nghĩa đen thì tớ phải đưa vợ tớ đi cho nó đỡ xấu),người chưa tốt sau khi cải tạo sẽ trở thành người tốt,người tốt rồi thì sau khi cải tạo sẽ thành người cực kỳ tốt...Chà chà,cứ đà này thì thế giới Đại Đồng sẽ được nhân lên từ những nhân tố điển hình ở V.N ta.Sắp rồi bà con ơi!...THẾ GIỚI ĐẠI ĐỒNG!

    ReplyDelete
  8. Người lầm lỡ26 December 2011 at 23:04

    Tôi vẫn phân vân chẳng biết tương lai nước Việt,một quốc gia mà tôi đã đổ máu để chiến đấu,sẽ ra sao!nếu bọn độc tài,phản trá và khốn nạn này tiếp tục cầm quyền?

    ReplyDelete
  9. Hoi nhung nguoi tri thuc trong nuoc hay lam gi de cuu chi Bui Hang chu? Neu cu de nhu vay thi lan sau con ai dam dung ra bieu tinh, dau tranh cho tu do, dan chu? Hay doan ket lai , tuong than , tuong ai giup do anh chi em khi bi nan !!! Hay lam mot cai gi do de doi tha tu do cho chi Bui Hang !! Hay xuong duong bieu tinh chong doi bat nguoi vo can, hay chong lai viec bat giam giu nguoi phi phap !!! Hoi cac tri thuc VN hay suy nghi ky lai !!!

    ReplyDelete
  10. Ối ông Vũ Thư Hiên ơi !
    Tại sao ông lại ở Pháp vậy ? ở ta "...dân chủ gấp vạn lần...." bọn nó mà

    ReplyDelete
  11. @ XA mà GẦN:
    XA mà GẦN ơi! Ai là phản động còn trong trứng nước thế?

    ReplyDelete
  12. He,he!Coi VTV thấy các vị nghị gật gân cổ gào thét chống hút thuốc lá!Mà hút thuốc hay cấm thì cũng là một phần nhỏ trong quyền của con người mà thôi!Cái lớn nhìn không ra chỉ xăm soi vào cái...trôn kim và tự hào với sự cai trị của đỉnh cao trí tuệ!

    ReplyDelete
  13. Ở vụ BH tui thấy rõ có sự trả thù của công an Quân HK, vì BH đã từng nói nơi đó giống như sào huyệt của lũ MAFIA trá hình.

    Bạn đồng cảnh ngộ !

    ReplyDelete
  14. Đầu thế kỷ 19, Pháp cũng bắt bớ vô lý như thế. Nói chung thực dân Pháp làm sao thì ở Hà Nội làm giống vậy thì đã sao...
    Cho nên, cái gì cũng có quá trình phát triển. Sau Bùi Hằng bắt bớ nữa cũng chẳng sao, nó sẽ là "góp lửa" sau này đó. Theo mình đoán sau khi mùa xuân 2015 ăn mừng ngày thống nhất xong, thì ngày bão lửa đó nổ ra thôi...

    ReplyDelete
  15. Dạ,thưa với bạn Hiền Giang!
    Gì...gì trứng nước còn đang hình thành
    "Quân ta"vốn phản ứng nhanh...
    Lệnh trên đã quyết...thi hành diệt luôn!

    ReplyDelete
  16. Bụt ở trên tòa...chẳng gà nào mổ mắt!

    ReplyDelete
  17. @ XA mà GẦN :
    Lệnh trên đã quyết là hành
    Đánh cho sâu mọt tan tành, te tua
    Sâu to, sâu nhỏ, sâu vừa
    Diệt luôn ắt trứng sẽ chưa hình thành

    Chào thân ái và quyết thắng!

    ReplyDelete
  18. A ha, bác Hiền Giang cũng xuất khẩu thành thơ rồi. Nhưng có lẽ em cho rằng ý của bác Xa mà gần lại có chiều giễu cợt cái sự cải tạo ấy chứ không có ý đe dọa đâu ạ, phải không bác Xa mà gần

    Còn bác Nặc danh: Bụt trên tòa...chẳng gà nào mổ mắt.

    Thiết nghĩ trước những Vinashin, PMU18,đánh bạc 5 tỷ một ván cờ, con dân nước Việt bị cướp bóc, đánh đập, giết hại khi mưu sinh trên biển, chiến sĩ ta bị xả súng giết hại khi trong tay không có vũ khí....hỏi Bụt nào bình thản ngồi yên?

    ReplyDelete
  19. Chào P.Bích ,chào cả nhà .
    Mấy hôm bận phục vụ Noel nên đến muộn ,thấy nhà P.Bích đông vui,ấm cúng hạnh phúc quá .
    Theo mình thì :
    Sau Bùi Hằng ,sẽ là không ai cả ,vì nghe ai đó nói:
    -Kỷ luật hết thì lấy ai làm lãnh đạo .
    -Bắt cải tạo hết ,thì lãnh đạo ai .
    Trước đây nơi mình ở ,có một lớp tiểu học ,sau nửa học kỳ con cháu họ không muốn đi học ,vì thế kết quả học tập thấp ,đặc biệt có một học sinh phải chuyển sang trường cá biệt .Hội phụ huynh đã họp phê bình gay gắt nhà trường ,nhất là cô giáo chủ nhiệm ,đã làm cho con cháu họ không có hứng thú học tập ,không thích đến trường ,dẫn đến kết quả ngày hôm nay ,và họ đòi đổi giáo viên chủ nhiệm .Sau này khi gặp lại những phụ huynh đó ,tôi có hỏi ,họ cười mãn nguyện lắm ,kết quả học tập của các cháu đã tốt ,cháu cá biệt kia cũng trở về trường cũ học với các bạn .
    Tôi mong lắm ,có một ngày nhà nước sẽ đối thoại cùng nhân dân một cách dân chủ về vấn đề chủ quyền của Tổ quốc ,với truyền thống yêu nước của dân tộc Việt nam ,tôi tin rằng nhân dân ta sẽ giúp cho nhà nước nhiều lắm (kể cả xương máu )sẽ không còn cảnh anh em trong nhà đạp vào mặt nhau ,không còn cảnh bắt bớ rình rập tù đầy nữa .Chúng ta hãy sống thanh bình hòa hợp ,yêu thương nhau trong vòng tay của MẸ VIỆT NAM ,để cùng chung tay bảo vệ và xây dựng tổ quốc Việt nam ngày một bền vững và tươi đẹp hơn.

    ReplyDelete
  20. Ờ ờ, cũng chưa hiểu được bác XA mà GẦN nói theo ý giễu cợt cái sự cải tạo hay có ý đe dọa nên mình cứ viết vậy cho chắc ăn.
    Với lại nghĩ cho cùng chị Bùi Hằng (rồi biết đâu lại đến lượt chúng mình nữa) bị cưỡng chế vào trại Thanh Hà thì cũng là từ bọn sâu mọt đó cả, không có bọn chúng thì đất nước ta tốt đẹp biết bao nhiêu.

    ReplyDelete
  21. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cố gắng suy nghĩ bằng cái đầu của mình nhé. Những loại nhận xét như thế này sẽ bị xóa ngay nên đừng phí công.

      Delete