Translate

Tuesday, 1 November 2011

Hồ Gươm liệu còn có thanh bình?

Tháng 10 ! Nhớ câu thơ của chàng tiến sĩ Hán nôm:
Không đi thì nhớ Bờ Hồ.
Không đi thì nhớ phát rồ! Lại đi.
Lúc đầu thì nghe buồn cười lắm. Buồn cười rồi lại thấy có cái gì đó nuối tiếc, cái gì đó ngậm ngùi ...
Và câu thơ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo:
Chủ nhật buồn xiêu xiêu
Không thấy người biểu tình yêu nước.
Đọc sao thấy lòng rưng rưng quá.
Khoan nói đến những gì to tát, lớn lao như đất nước không được yêu, hay đất nước bị phụ tình. Như kẻ đang yêu, một số người vẫn tìm về Hồ Gươm mỗi sáng chủ nhật, như muốn tìm lại một cái gì đó. Họ đi quanh Hồ Gươm, cứ mỗi khi nhìn thấy một gương mặt quen thuộc, họ lại mừng rỡ bắt tay, hỏi thăm nhau tíu tít như người quen lâu ngày lắm mới gặp nhau.
Trong số người vẫn tìm đến Hồ Gươm mỗi sáng chủ nhật có vợ chồng bác Khánh, Trâm. Trông hai bác cùng bé nhỏ, gầy gò như nhau nhưng rất nhiệt tình. Tôi thấy bác Khánh đang ngồi trên ghế đá, bèn đi đến chào bác, hỏi thăm về bác gái. Bác Khánh bảo:
-         Bà ấy nhà tôi đang đi dạo quanh đây thôi. Sáng nay, cả hai chúng tôi đều phải trèo tường mới ra được đây đấy.
-         Vâng, em có nghe chuyện có người lấy dây thép buộc bên ngoài cửa nhà bác. Thế làm sao mà bác lại ra được ạ?
Bác Khánh cười, hóa ra bác ấy kể chuyện rất duyên:
-         Ừ! Nhà tôi có hai lối ra. Một lối chung, một lối riêng. Lối đi riêng bị khóa ngoài thì chúng tôi thoát ra bằng lối đi chung. Nhưng hôm nay thì họ khóa béng cả lối đi chung, nhốt cả hơn chục hộ trong đấy. Tôi phải kê ghế, đủn bà ấy trèo qua tường. Buồn cười, bà ấy trèo lên ngồi vắt vẻo trên bờ tường, rồi nhảy đánh ùm 1 cái sang bên kia. Chẳng biết chân cẳng có làm sao không. May cái tường cũng thấp, chỉ cao hơn 1m. Còn tôi quay vào khóa cửa xong rồi cũng trèo tường theo bà ấy.
Lạ thật! Hai ông bà già trói gà không chặt như bác Khánh tự nhận thì có thể làm hại được ai, mà có người lại phải dùng đến biện pháp ngăn chặn thô sơ đến thế nhỉ? Tôi hỏi:
-         Thế bác đã báo công an chưa?
Bác ấy bảo thì cứ đi ra đây đã, về báo sau cũng được.
-         Mà Công an cũng đã vào nhà tôi khuyên không nên ra Hồ Gươm nữa, nhưng rốt cuộc lại bị bà ấy bắt ngồi nghe bà ấy tố về chuyện Vinashin, rồi chuyện boxit, chuyện cho thuê rừng ở biên giới, thế là mấy ông công an bảo: Thôi, thôi. Không nói chuyện với bà nữa, rồi kéo nhau đứng dậy đi về hết.
Tôi nghe bác ấy kể cứ cười rũ ra, phục bác gái quá cơ. Có khi thông tin về thời sự nước nhà, bác Trâm còn thông tỏ hơn cả mấy anh công an địa phương ấy chứ. Thế mà có mấy ông bà nào đó ấu trĩ, phát biểu trên truyền hình lại bảo, những người đi biểu tình chống Trung Quốc là do thiếu thông tin !!! Rõ thật nực cười.
Thấy chúng tôi cười nói rôm rả, mấy anh công an đứng xa xa nghe chừng có vẻ bồn chồn lắm. Một tay mặc thường phục, nom rõ khả nghi đến ngồi lơ ngơ ở cái ghế đá gần đấy, nhưng có lẽ thấy những câu chuyện của chúng tôi chả có gì hấp dẫn nên chỉ ngồi có tý là bỏ đi.
Ngồi cùng bác Khánh lúc trước là một bác tên Thuận, là người mà tôi đang rất muốn gặp lại. Tôi muốn xác minh một điều mà nhiều người nói với tôi bác ta là công an, đóng giả là người biểu tình. Tôi bảo bác ấy:
-         Bác là ai em không quan tâm. Công an hay nhân dân đều cùng là người Việt Nam cả, miễn là đừng làm điều gì bất nhân để hại người lương thiện thôi bác ạ. Công an mà đi biểu tình cùng với mọi người lại càng tốt, lại càng có cơ hội để thấy rõ tấm lòng của người biểu tình chỉ một lòng chống Trung Quốc xâm lược thôi, đúng không bác?
Bác ấy cười hờ hờ bảo: rất nhiều người bảo tôi thế.
Sự nghi ngờ của nhiều người không hẳn là không có lý. Một cô bạn tôi bảo: bọn chị phải cẩn thận, em có thằng bạn làm công an cứ than thở, chủ nhật nào cũng phải đi theo bọn biểu tình dở hơi, hô hét khản cổ theo chúng nó. Tôi bảo: thế thì quý hóa quá còn gì. Có gì mà phải cẩn thận chứ?
Ông công an khu vực vừa rồi lại vào nhà tôi hỏi, chủ nhật tôi có ra Bờ Hồ không. Tôi bảo:
-         Thế này anh ạ, khi nào tôi không đi thì tôi sẽ báo cho anh. Còn không anh cứ báo cáo với cấp trên là chủ nhật nào tôi cũng ra Bờ Hồ.
-         Vâng, cảm ơn chị.
-         Nhưng tôi hỏi anh một điều nhé, tôi nghe thấy nói bảo việc tôi đi thế này làm ảnh hưởng đến Phường, đến Quận? Khoan nói đến việc tôi đi biểu tình vi phạm hay không vi phạm pháp luật, hơn 2 tháng nay không có biểu tình nữa. Thế bây giờ việc một người dân ra Bờ Hồ đi dạo mà lại bảo ảnh hưởng đến Phường đến Quận là sao hả anh? Anh khó trả lời đúng không?
Ông ấy chỉ cười. Lúc nào cũng chỉ cười. Tôi không hiểu ông ấy còn phải báo cáo tình hình đi đứng của tôi vào ngày chủ nhật đến bao giờ?
-         Tôi vừa đọc mạng, thấy nói vừa phát hiện có dầu mỏ ở ngoài biển, trong lãnh hải Việt Nam. Thế là lại sắp căng thẳng rồi đấy. Biết đâu sắp tới lại có biểu tình quốc doanh, không biết lúc ấy đám biểu tình phản động lúc trước như chúng tôi có được tham gia không nhỉ.
Ông ấy lại cười. Chán thật!
Thôi thì cứ mỗi sáng chủ nhật, tôi lại ra cuốc bộ hai vòng quanh Hồ Gươm. Vừa được ngắm cảnh, vừa được luyện cho chân cẳng dẻo dai. Mà biết đâu, tôi lại có cơ hội được nhìn thấy Cụ Rùa thì sao? Sống hơn năm mươi năm ở Thủ đô mà tôi chưa một lần được diện kiến Cụ. Biết đâu tôi lại gặp may ?
Chủ nhật cuối cùng của tháng 10 - Sao mà linh thế không biết. Hôm qua đang ước được một lần diện kiến Cụ Rùa, sáng nay, khi tôi cùng Phương tuyên cáo đi được trọn 1 vòng hồ, qua đài phun nước 1 tẹo thì thấy dăm bẩy người đang đứng bên bờ hồ chỉ trỏ. Hay là cụ Rùa nổi? 
Ôi trời ơi, thì ra cụ Rùa nổi thật. Cụ khoan thai lượn cách bờ chỉ chừng 5 mét, nghe chừng không lạ gì đám người vừa hiếu kỳ, vừa thành kính đứng trên bờ. Chỉ có điều cụ không nổi cao lắm, chỉ nhô tý phần đầu lên thở. Tôi chắp tay rì rầm khấn: Con lạy cụ! Con lạy cụ, xin cụ phù hộ độ trì cho con cháu chúng con.
Trong khi mọi người đang kéo đến xem cụ Rùa nổi mỗi lúc một đông, tôi cùng Phương tuyên cáo sang quán 57 Đinh tiên Hoàng ngồi uống nước. Hai cô cháu vừa chuyện trò, vừa nhìn xem có gương mặt nào quen thuộc ngang qua không. Một chốc thì thấy anh Dũng đang dắt bác Trâm sang đường. Tôi mừng rơn, chạy ra ôm lấy bác ấy. Bác ấy bảo: bọn công an đang theo dõi tôi đấy. Tôi bảo: kệ họ! Chị em mình cứ ôm nhau cái đã.
Ban nãy, tôi có gọi điện cho cho bác Khánh, bác ấy bảo:
-         Cô Bích hả, tôi bị nhốt ở nhà rồi cô ạ.
-         Họ lại khóa cửa nhà bác ư?
-         Không, lần này họ dựng một cái xe máy chắn ngang cửa nhà tôi. Có 4 thằng nó ngồi canh ở đó, tôi đi ra thì nó đuổi tôi vào nhà. Nó bảo chúng tôi không cho ông đi đâu cả. Tôi bảo: sao lại vô lý thế? Nó trả lời: đời còn nhiều cái vô lý hơn thế cơ! Cô thấy chúng nó cùn không cơ chứ. Rồi tôi lại bảo: các anh có thấy cái chết của thằng Gaddafi không? Chúng nó bảo: thằng nào chết cứ chết, thằng nào sống cứ phải sống cái đã!
Bác ấy vừa kể vừa cười, cười vì cái sự vô lý nó diễn ra ngang nhiên đến mức không thể tưởng tượng nổi.
-         Thế còn bác gái đâu ạ?
-         Nhà tôi đi trốn từ tối hôm qua.Chẳng hiểu sáng nay có thoát không, hai là lại bị tóm rồi.
Nào tôi có biết vụ chủ nhật tuần trước, bác Trâm cũng ra Hồ Gươm, nhưng lại bị hốt lên xe đưa về phường Cầu Dền. May quá có bác Trâm đây rồi, tôi ngồi kể lại chyện bác giai đang bị nhốt ở nhà như thế nào, rồi hỏi chuyện tuần trước.
Hồ Gươm bé thế mà cũng thành rộng. Hóa ra tuần trước, khi tôi và Bùi Hằng cùng cả nhà Lã Việt Dũng ở đầu này thì bác Trâm lại ở đâu đó quanh hồ. Bác ấy đang ngồi một mình trên ghế đá, thì có mấy người đến, đòi lục túi của bác ấy, rồi hốt bác ấy lên xe đưa về phường Cầu Dền, khóa cửa đến hơn 11 giờ trưa mới cho bác ấy ra.
Khổ thân bà bác! Người bé nhỏ đến nỗi, nhiều người muốn tặng bác ấy một cái áo No-U mà không có cái nào vừa. Bác ấy bảo chỉ mặc vừa áo của trẻ em 12 tuổi thôi. Một bà già nặng 37 kg, chỉ mặc vừa áo trẻ em 12 tuổi làm sao có thể gây nguy hại được cho ai mà họ phải lo lắng, tìm mọi cách ngăn chặn bác ấy thế? Bác ấy bảo: chẳng hiểu sao lần trước tôi lại hiền thế chứ. Nhưng lần sau chúng nó mà bắt tôi, xin lỗi cả nhà, tôi là tôi sẽ tụt bố quần ra trước bàn dân thiên hạ cho chúng nó biết tay.
Hi hi! Bác ấy mà mặc cái quần không có chun, không có dải rút, chỉ kẹp một cái kẹp. Xô xát 1 tý là nó tuột ra ngay. Nếu thế không khéo họ lại phải bố trí một người, chuyên lo giữ quần cho bác ấy cũng nên. Càng nghĩ tôi càng thấy buồn cười.
Ngồi một tý thì Lê Dũng gọi điện la lối: chọn chỗ nào không ngồi, lại chọn có chỗ vừa đắt, lại vừa không có chỗ gửi xe. Sang cà phê Bonbon đi.
Cả 4 người chúng tôi lại kéo nhau sang Bonbon. Trong quán thì vắng, nhưng người Hà Nội hình như thích ngồi uống nước ở vỉa hè, có lẽ để kết hợp ngồi ngắm phố phường nữa. Tôi đã có lần nói rằng, vỉa hè dành cho người đi bộ ở Hà Nội là một điều xa xỉ mà lị. Bởi vậy thấy cái xe cảnh sát đỗ xịch trước quán, mấy anh dân phòng nhảy xuống bắt chủ quán dẹp hết bàn ghế trên vỉa hè, tôi đoán lại vì mấy người chúng tôi đây. Dù không cố tình để ý, nhưng chẳng khó gì nhận ra những kẻ cứ nhèo nhẽo đi theo chúng tôi. Tôi thực sự không hiểu họ làm thế để làm gì? Chẳng lẽ họ không thấy chán à?
Ông chủ quán là người lịch sự, mặc dù 5 người chúng tôi chỉ gọi có một ấm trà, một cốc cacao và ly cà phê sữa, thêm nữa lại vì bọn tôi mà xe cảnh sát đến đuổi khách trên vỉa hè, vậy mà ông ấy cứ bình thản như không, chả tỏ vẻ ngấm nguýt gì chúng tôi cả. Tôi cười bảo: bác đừng oán chúng tôi mà bác oán người nào làm chuyện này ấy. Ông ấy giãy nảy lên: ôi thôi thôi, tôi không có oán ai cả, tôi lạy các bác. Suốt từ lúc Lê Dũng trêu ông ấy lần sau bọn tôi sẽ kéo đến đông hơn, ông ấy cứ chắp tay vái lia lịa: tôi xin các cụ, các cụ tha cho tôi, xin các cụ tha cho tôi.
Có khi lần sau chúng tôi phải đem đồ uống đi theo, như khách du lịch ba lô cũng nên, vừa đỡ tốn kém, lại chẳng làm ảnh hưởng đến ai. Nghe tin có bác Hữu Vinh đang ở bên Thủy Tạ, chúng tôi lại kéo nhau sang đó, cũng là để giải phóng cho quán Bonbon luôn. Vào đến Thủy Tạ, chừng như nhân viên quán cũng chán nên chẳng ai hỏi chúng tôi uống gì. Thật may quá, vì lúc ấy chúng tôi ai cũng đã no một bụng nước cả rồi. Ngồi chuyện trò hơn nửa tiếng, rồi chúng tôi cũng đứng dậy chia tay nhau ra về. Tôi với Phương tuyên cáo còn được lãi quả sầu riêng thơm lừng của bác Hữu Vinh cho.
Chưa về đến nhà đã nghe tin, trên đường đưa bác Trâm đến chỗ gửi xe, Lê Dũng bị một bọn côn đồ chặn đường, tấn công, cướp và đập nát máy ảnh. Tim phổi tôi lại một phen nhộn nhạo.
Quả là Hà Nội không còn thanh bình nữa rồi, hoàn toàn không còn thanh bình nữa rồi. Người dân bị kẻ lạ đến ngang nhiên chặn cửa không cho ra khỏi nhà, bị cướp giật ngay giữa Hồ Gươm, nay thì lại bị tấn công giữa đường. Tôi tự hỏi, sắp tới Hà Nội sẽ thế nào đây? Người dân phải làm gì để tự bảo vệ khi pháp luật không bảo vệ được mình? Liệu ông Giám đốc công an thành phố, ông Chủ tịch Quốc hội, hay ông Thủ tướng có biết điều này không?






3 comments:

  1. Đọc xong cứ buồn vẩn vơ....

    ReplyDelete
  2. Công An và luật pháp chỉ có nhiệm vụ bảo vệ "nhân dân". "nhân dân" như bác gì tiến sĩ, đại tá định nghĩa thôi!!!!

    ReplyDelete
  3. I'm now not certain the place you're getting your information, however good topic.
    I must spend some time learning more or working out more.
    Thank you for magnificent information I was in search of this information for my mission.
    Feel free to surf my website : epl transfer news chelsea

    ReplyDelete