Translate

Wednesday, 30 November 2011

Mệt và buồn quá. Thư giãn một tý

Tương tư mất rồi! Kể cho Thảo nghe, chẳng dấu giếm tý gì. Nó cứ cười lăn ra. Thôi chị ơi, người ta có vợ có con rồi mà. Chị để ý đến người khác đi.
Mặc! Có con thì mặc có con. Chị chỉ tương tư thôi, chứ có làm gì đâu mà em sợ cho người ấy thế? Hic! Có muốn cũng chẳng được ấy chứ em. Chị biết mình biết ta lắm, chứ chị đâu có ngông cuồng thế. Chỉ là chị muốn có một hình bóng nào đó mà chị ngưỡng mộ, tôn thờ trong tâm tưởng, chứ chị chẳng muốn bước vào cuộc sống thực tại đâu. Bởi thường thì thực tế nó trần trụi lắm. Chị không muốn phá hỏng giấc mơ của chị. Cứ để chị mơ mộng đôi chút đi em.
Chị mới chỉ tình cờ gặp người đó đôi lần, nói đôi ba câu, thế thôi! Chẳng biết gì hơn thế. Mãi sau này, chị mới nhận thấy mình hay nhớ về một nụ cười hiền, với cặp mắt cũng hiền nhưng ẩn giấu vẻ cương nghị trong đó. Em không tin rằng trên đời này lại có thứ tình cảm thuần túy đó ư? Rằng khi nó tồn tại trong ý nghĩ thì nó đẹp và quyến rũ. Nhưng thử bước ra ngoài mà xem, có khi nó sẽ làm ta đau khổ, làm ta bị tổn thương hoặc làm ta cả thất vọng nữa. Ừ! Chị sợ lắm. Chị là kẻ hèn nhát, không dám sống hết mình. Thế chẳng lẽ mơ mộng đôi chút cũng không được nữa sao hả em?
Em Thảo cười khinh khích. Ngay cả khi mình nói thật, nó cũng thấy mình hài hước là sao nhỉ? Bực thế đấy.

Đến lượt mình cũng toét miệng ra cười, nụ cười của chàng hề trong truyện của Aziz Nesin.

Tuesday, 29 November 2011

3 tháng chưa tìm thấy yếu tố bị thế lực thù địch lợi dụng...

Ngày 27 tháng 11, công an khu vực đưa giấy mời của công an quận Hoàn Kiếm cho tôi, về việc mời đến trụ sở công an quận để “giải quyết số đồ vật, tài sản đang tạm giữ tại công an quận”.
Vậy là sau hơn 3 tháng, tôi lại có dịp bước qua cái cổng sắt để vào khu vực thẩm vấn của công an quận Hoàn Kiếm. Họ trả đồ cho tôi trong khu vực thẩm vấn đấy.
Họ trả cho tôi máy tính xách tay, ổ cứng di động, máy ghi âm, loa pin và ba lô. Còn mấy cái khẩu hiệu của tôi và đơn từ của Bùi Hằng thì họ bảo còn phải xin ý kiến của lãnh đạo. Tôi chẳng hiểu tại sao một cái việc cỏn con ấy cũng phải xin ý kiến lãnh đạo. Và suốt 3 tháng điều tra cũng chưa ra nổi kết luận gì, chưa tìm thấy yếu tố bị thế lực thù địch lợi dụng gì ở mấy cái khẩu hiệu và mấy lá đơn. Thế này thì điều tra cái “thế lực thù địch” ấy nó chưa ra là phải, nó dại gì khơi khơi phơi mặt ra trước mặt bàn dân thiên hạ như chúng tôi.
Tôi thắc mắc thì họ bảo chị cứ việc tiếp tục làm đơn. Làm đơn thì làm đơn, khó gì! Nhưng cái chính nó cho thấy, hoặc là thủ tục của họ rườm rà nhiêu khê quá, hoặc là họ nghĩ lâu quá cho một vấn đề nhỏ quá, trong một xã hội còn quá nhiều những việc cần đầu tư vào đó sức người và trí tuệ của công tác điều tra. Họ giữ làm gì những lá đơn đã gửi đi rồi ấy nhỉ? Toàn đơn khiếu nại, tố cáo những sai trái trong việc đất đai nhà cửa gì đó thôi mà. Dù gì thì tất cả những cái đó cũng đã được scan và lưu trên mạng rồi, chẳng qua đòi là đòi cái công lý thôi. Khó cũng phải đòi chứ. Phát huy tình thần - khó khăn nào cũng vượt qua.
Đây cũng là một bài học để rút kinh nghiệm, khi nhận lại máy tính, tôi đã không cắm điện vào để kiểm tra xem máy còn hoạt động không. Về đến nhà, mở máy ra thì thấy màn hình đen thui. Chờ mỏi cả mắt, khởi động lại các kiểu nó cũng chả sáng lên cho. Cái câu: ngu thì chết chứ bệnh tật gì sao mà chí lý thế.

Cái giấy mời này tiết kiệm quá, chắc chỉ hơn 1/4 cái khổ giấy A4. 
Giá mà ở đời cái gì cũng tiết kiệm được như thế này thì tốt biết mấy.

Sunday, 27 November 2011

Trước giờ lên đường.

Không hiểu sao cứ thấy hồi hộp trong dạ. Tối qua cùng anh em bè bạn và Trang phu nhân, ngồi chờ Xuân Diện và Phạm Chính “bị mời” làm việc ở công an quận Hà Đông (An ninh thành phố triệu tập công dân quận Đống Đa, nhưng lại đưa tít vào Hà Đông để làm việc. Khiến anh em bạn bè đi đón cũng thêm phần vất vả, vì đường xá xa xôi quá).
Chính Phạm ra lúc hơn 5 giờ chiều. Còn Xuân Diện ra lúc gần 9 giờ tối. Nghe Xuân Diện kể, công an yêu cầu thuyết phục anh em bạn bè, ngày hôm nay không đi biểu tình (mọi người đều cười, cả Xuân Diện cũng cười). Trước đó, cô an ninh quen mình cũng nhắn tin: chị à, mai đừng đi biểu tình nhé. Mình hỏi: thế công an không ủng hộ thủ tướng à. Cô ấy cười: he he, nhưng không ủng hộ theo cách đó.
Thế nghĩa là công an vẫn không muốn dân biểu tình. Dù là biểu tình đòi thực hiện cái quyền cơ bản và hợp pháp của dân, đã được Hiến pháp bảo hộ là quyền biểu tình.
Có thể hôm nay sẽ có bắt bớ. Mình không dám nói với bố. Coi như đi Bờ Hồ như mọi chủ nhật thôi. Nhắn tin cho Hạnh: Nếu hôm nay chị bị bắt, nhờ em về báo cho bố chị và động viên cụ nhé. Chị tin vào tài thuyết phục của em đấy. Cô ấy trả lời ngay: Vâng, em sẽ đến gặp ngay bác. Nhưng chắc không sao đâu chị ạ. Cầu mong một ngày tốt lành.
Ừ! Cầu mong một ngày tốt lành.
Nghĩ vậy nhưng nước mắt mình lại trào ra. Con tim hết hồi hộp nhưng sao thấy đau vậy. Không biết những người khác lên đường hôm nay cảm giác thế nào?
Thôi, đi chọn xem hôm nay mình sẽ mặc áo dài hay váy đây? Áo dài thì phải đi guốc cao gót mà chân mình đau khớp quá, làm sao đi bộ quanh Hồ Gươm được.

Friday, 25 November 2011

Tản mạn - Lỗi nhịp mùa thu


Tim nàng thốt trở nên lỗi nhịp, nó đập thẳng thốt một cách lạ lẫm, nó khiến người nàng nóng bừng bừng - cái cảm giác tưởng như nàng đã lãng quên nó lâu lắm rồi.
Hồi lâu, nàng ngồi đọc đi đọc lại những dòng chữ, mỉm cười bâng quơ. Không ngờ chỉ có thế mà lại khiến nàng xao xuyến đến vậy. Chỉ là vài dòng phản hồi thôi mà. Nụ cười vẫn đọng lại trên môi nàng ngay cả khi nàng đã lướt sang trang web khác.
Dù bây giờ đã sang đông, nhưng với nàng nó vẫn là mùa thu. Chưa có gió heo may, chưa cần tới cả áo khoác. Nắng hanh vàng trên những ngọn cây cao. Bản Dạ khúc của Frank Schubert chơi bằng đàn ghi ta do một cậu trai trẻ nào đó post lên nghe sao mà êm đềm thế.
Đứa bạn hẹn nàng cà phê. Sau một hồi phóng xe máy qua những con phố lầm bụi vì các công trình đang xây dở, nàng chui vào một quán cà phê trong một phố nhỏ, yên tĩnh. Ai đó vừa phản hồi cái tản mạn mùa thu của nàng. Thật lỳ lạ, nàng vốn đa nghi còn hơn cả Tào Tháo, chưa bao giờ tin bất cứ một lời khen nào, thản nhiên trước mọi lời bóng gió, thế mà cái giọng ỡm ờ này lại làm nàng mỉm cười. Biết đâu đấy đến một ngày, nàng sẽ gặp chủ nhân của những dòng chữ này, gặp nhau rồi mới cười phá lên vì hóa ra là người quen. Giời ạ!

Monday, 21 November 2011

Mai chị có ra Bờ Hồ không?

Đấy là câu hỏi anh công an khu vực thường hỏi tôi vào mỗi thứ bẩy.
Lúc đầu thì anh ấy còn vào tận nhà, bảo là đến chơi thôi. Chả biết nói chuyện gì, loanh quanh một lúc thì hỏi câu đó.
Khi tôi biết anh ấy vào cốt chỉ có mục đích vậy, để có cái về báo cáo với cấp trên, thì tôi chủ động trả lời luôn. Sau vài bận, để anh ấy khỏi phải mất công vào nhà tôi, tôi nói : Đi hay không tôi sẽ  nhắn tin cho – quân dân hợp tác với nhau thế còn gì.
Lúc đầu, nghe chừng anh ấy vẫn chưa tin, sáng Chủ nhật vẫn gọi điện hỏi, qua vài lần thì bắt đầu tin. Tôi vốn là người nói sao làm vậy, ghét dối trá. Giá hẳn như tôi là người hoạt động cách mạng như thời trước thì đã đành một nhẽ, đương nhiên tôi phải quan sát cẩn thận, nhìn trước ngó sau, che giấu hành tung của mình. Nhưng bây giờ thời bình, tôi lại chẳng buôn lậu hay trộm cắp, thì để ý trông chừng công an làm gì?
Ờ, mà có lần anh ấy hỏi tôi : Tại sao lại cứ phải ra Bờ Hồ?
Hứ! Tôi ra đó là để khẳng định cái quyền của tôi. Là trên cái đất nước này, tôi có quyền đến nơi nào tôi muốn đến mà không bị cấm. Có thế thôi.
Tuy nhiên, lâu lâu tôi bắt đầu thấy khó chịu. Ơ hay! Đường đường là một người dân lương thiện, sống trong một xã hội dân chủ gấp vạn lần dân chủ tư sản như bà phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói, lại cứ phải báo cáo công an là tôi đi đâu, bằng phương tiện gì, vào lúc mấy giờ? Thế chẳng hóa ra tôi đang bị quản thúc à?
Tôi bắt đầu cáu. Tôi nhắn tin cho anh công an khu vực là tốt nhất anh ấy đừng hỏi tôi, rằng tôi sẽ không trả lời đâu.
Lần đầu tiên ra Bờ Hồ, tôi không thấy bóng dáng công an cả chìm, cả nổi đâu cả. Lạ nhỉ? Dường như không tin, vừa đi tôi còn vừa xăm soi nhìn vào từng gương mặt, cố ý tìm xem có thấy vị nào “quen quen” không. Hoàn toàn không có!
Ôi chao ơi! Sao lòng tôi thấy nhẹ nhàng thanh thản là thế. Tôi ung dung bước đi, khoan khoái hít thở cái không khí trong lành của Hồ Gươm. Mùa Đông năm nay rét đến chậm. Sang tháng 11 rồi mà tiết trời vẫn man mát, thậm chí mọi người đi dạo chơi chỉ cần mặc áo cộc tay. Tôi gặp bác Khánh chồng bác Trâm cũng ra Bờ Hồ. Hai bác cháu ngồi trên ghế đá, vui vẻ chuyện trò. Hỏi thăm, biết hai vợ chống bác ấy vẫn phải làm một cuộc đào tẩu ra khỏi nhà mình từ hôm trước, để chủ nhật còn được ra Bờ Hồ gặp anh em bạn bè.
Tôi thắc mắc lắm. Nghe nói bác ấy đã từng đỗ tú tài toàn phần thời Pháp, thế có nghĩa là bác ấy có trình độ ghê đấy. Thế mà sao bây giờ lại chịu o ép một cách ngang nhiên thế. Gặp tôi vài lần, nghe chừng đã tin tưởng tôi, bác ấy mới kể sơ qua chuyện cuộc đời của bác ấy. Tôi ngồi lặng đi! Thực ra không bất ngờ tý nào. Chính vì không bất ngờ về số phận bi thảm của bác ấy cũng như bao nhiêu người cùng cảnh ngộ, tôi chỉ thấy thương cảm lẫn chua xót. Hiểu lý do tại sao bác ấy sống cam chịu thế. (Con người bé nhỏ khắc khổ này đã từng ngồi tù 12 năm không xét xử, từng chung trại giam với Vũ Thư Hiên- tác giả dịch thuật cuốn Bông hồng vàng của Pautopxki và người tù bị giam giữ lâu năm nhất Việt Nam- Tôn Thất Tần)
Có thêm một người mới đến ngồi cùng chúng tôi, một bác người ở Hàng Buồm, hình như cũng có tham gia biểu tình một vài lần. Chúng tôi quay sang nói chuyện thời sự, chuyện kinh tế đang khó khăn như thế nào. Chắc nghe tôi nói thế mọi người buồn cười lắm -dân đen mà lại cứ đi lo tranh việc của đảng và nhà nước.
Thây kệ chúng tôi! Đói ăn rồi, bây giờ lại đói cả thông tin nữa, thế thì dân đen chúng tôi khác gì…tùy mọi người ví von. Chỉ có điều khi cần đả thông chủ trương gì đó, lại đay nghiến trì chiết rằng dân mình dốt nát quá, ỷ lại quá nên nghèo đói là phải.
Đang vui vẻ chuyện trò, chợt nhìn thấy một khuôn mặt “quen quen” đi đến. Tôi kệ, cứ nói chuyện tiếp, thậm chí còn chủ ý nói to lên cho mọi người cùng nghe. Khuôn mặt “quen quen” ấy dừng lại cạnh tôi, vẻ cười cười. Để một lúc tôi mới quay sang lườm cho một cái:.
-     Từ sáng đến giờ không thấy bóng công an, thấy nhẹ  hết cả người. Ngồi chơi thấy thoải mái quá. Đấy, thế có phải hơn không? Làm gì mà cứ phải công an chìm công an nổi dày đặc quanh Bờ Hồ thế? Rồi có để làm gì đâu?
-     Ừ thì thoải mái, nhưng đi chơi thế này, cần gì phải ăn mặc…
Khuôn mặt “quen quen” nói lấp lửng
-     Ăn mặc làm sao? Cái áo No-U này ấy hả. Nó có phạm pháp không? Có bị cấm không?
-     Cấm thì không cấm, nhưng mà…
Lại lấp lửng.
-     Nhưng mà làm sao? Tôi nói cho cậu biết, nghe nói lần trước công an còn làm khó dễ cho một cậu làm hướng dẫn viên du lịch về cái áo No-U này đấy, thật chẳng ra làm sao cả. Tôi nói thật, tôi thấy rất tự hào khi mặc cái áo No-U này.
-     Ừ! Lên đến tận Lũng Cú còn gì.
-     Ơ! Hóa ra cũng đọc kia à?
Đúng là đàn bà! Dễ mềm lòng thế! Thấy công an cũng đọc báo lề trái – thì mới biết tôi lên Lũng Cú chứ - tôi trở nên vui vẻ, không có ý đối đầu nữa. Cái cậu có khuôn mặt “quen quen” ấy lập tức tranh thủ, giọng vẻ năn nỉ:
-     Thôi trưa rồi, chị về đi để anh em còn nghỉ.
-     Ô hay, thế ra vẫn chưa thôi à? Thế ra vẫn phải đi canh chúng tôi à?
-     Thì chị ngồi đây nên bọn em mới lại phải ra.
Chán thật! Thế mà cứ tưởng công an đã xác định là chúng tôi vô hại nên bỏ cuộc rồi, không canh chừng nữa rồi. Mọi cuộc tranh luận với công an có bao giờ nhận được câu trả lời đâu, không cười trừ thì cũng vòng vo tam quốc.
Thực ra thì tôi cũng đã chuẩn bị về, chả gì cũng đã hơn 11 giờ. May cho thái độ cậu ta không kẻ cả, không giở giọng khuyên bảo nên tôi cũng không có ý định phản kháng lại, chứ không có khi tôi còn ngồi đến chiều xem họ làm gì được tôi.
-     Chả bảo tôi cũng đang định về đây, đấy là tôi hợp tác đấy, chứ không...Thôi em chào các bác em về nhé.
-     Ơ chị đi đâu đấy?
-     Thì tôi đi một vòng, rồi ra bến xe buýt chứ còn đi đâu.
-     Thôi thôi chị đừng đi nữa. Đây có thằng em đây, để nó đèo chị ra bến xe buýt. Chị đi bến nào?
-     Không! Tôi không đi xe công an.
-     Ôi giời ơi, thì chị cứ coi em như là em của chị đi…
Úi giời! Có tin được không nhỉ? Nói thế thôi chứ tôi lạ gì bụng dạ các cậu. Nay mai có biểu tình chống Trung Quốc nữa, tôi lại đi thì thằng em này cũng hết là em chị luôn. Nhưng rõ ràng là đến bây giờ, họ chả có cớ gì để gây khó dễ cho tôi nên họ mới phải xuống nước thế.
Tôi cũng không phải là dạng hẹp hòi, giả vờ cự nự tý thế thôi. Chuyện đời lắm cái hài hước thật. Ba tháng trước, công an Hoàn Kiếm bắt tôi nhốt vô đồn, còng tay tôi. Bây giờ lại xung phong đèo tôi ra bến xe buýt, để tôi khỏi mặc áo No-U đi bộ trên phố.
Trước khi tôi trèo lên sau xe máy, cậu ta còn kịp hỏi tôi:
-     Thế hôm qua có ra Hà Đông không?
-     Có chứ!
Ý cậu ta hỏi cái vụ mấy người anh em biểu tình bị bắt ở công an Hà Đông hôm qua đấy.

Tuần này, tôi cứ phân vân không biết có nên tiếp tục ra Bờ Hồ không. Chả là mấy hôm trước, chị tổ phó tổ dân phố kể với tôi, lúc đi hái lá tre về làm giá đỗ, nghe thấy mấy cậu công an ngồi ỏ quán nước cạnh đó than thở:
-     Quận mình có 2 người đi biểu tình. Bây giờ chỉ còn 1, mà lại rơi vào đúng phường mình. Biết làm thế nào được, nói về quyền công dân thì bà ấy có quyền. Nhưng nếu bà ấy đi vào ngày thường thì còn đỡ, đằng này lại cứ nhè vào chủ nhật mà đi mới khổ.
Tôi bảo:
-     Bọn họ lại nhờ chị thuyết phục em chứ gì?
-     Ôi giời, họ biết thừa chả ai thuyết phục được em, là chị hái lá tre cạnh quán nước đấy nên mới nghe thấy chúng nó nói thế.
Tôi chắc qua lời chị ấy kể lại thì nhẹ đi, chứ cung cách nói chyện ngoài quán nước chè của công an thì không lịch sự như thế đâu. Nhưng tôi cũng thấy động lòng.
A! Thế ra là họ cũng phải thừa nhận chúng tôi có cái quyền ấy rồi đấy. Và rõ ràng việc người dân đi biểu tình chẳng phải là lỗi của công an, thế mà họ cứ bị mất thi đua vì việc để địa phương có người đi biểu tình (!) (làm sao mà cái thi đua rất hình thức ấy nó quan trọng với họ đến thế kia chứ). Rồi dù biết rõ chẳng đem lại kết quả gì, họ cứ bị xua ra để đi canh chừng chúng tôi. Thấy rắn không ăn thua, bây giờ lại phải quay ra mềm mỏng.
Lẽ ra họ cứ để mặc kệ thì tôi đi mãi rồi cũng chán. Nhưng chính cái sự muốn ngăn cấm lại khiến tôi càng muốn khẳng định cái quyền tự do của mình. Tôi đi thế này chả ai trả thêm lương thêm giờ cho tôi, lại tốn tiền đi lại. Còn công an thì họ được hưởng lương ngoài giờ. Cái tiền lương đó có phải trả bằng tiền túi của cái vị bắt họ đi canh chúng tôi đâu, tiền của dân đấy chứ. Họ không tiếc tiền của dân, nhưng tôi thì tôi tiếc.
Tôi phân vân mãi rồi quyết định nhắn tin cho anh công an khu vực, rằng ngày mai tôi không ra Bờ Hồ, rằng sau này nếu có đi thì tôi sẽ báo. Nhìn cái tin nhắn trả lời, tôi cảm thấy như có sự nhẹ nhõm trong đó: Ok! Cảm ơn chị.
Tôi quyết định sẽ không ra Bờ Hồ trong thời gian tới. Nhưng nếu có biểu tình chống Trung Quốc nữa, chắn chắn tôi sẽ đi. Dù quốc hội khóa này có không ra được luật biểu tình, nhưng rõ ràng khi không có một văn bản luật nào xóa bỏ cái quyền biểu tình trong hiến pháp, thì nó vẫn còn nguyên giá trị chứ.

22/11

Ồ! Có một chi tiết tôi kể không được rõ ràng lắm, nên có thể sẽ bị hiểu lầm. Chả thế có nhận xét rằng tôi bịa. Tôi nghĩ mãi, rà soát lại xem có chi tiết nào khiến tôi bị nghi ngờ không. Có lẽ chỉ có thể là chi tiết này:

Vốn là cậu công an (mặc thường phục) có đi cùng 1 cậu khác trẻ hơn, cũng mặc thường phục. Và người đèo tôi ra bến xe buýt là cậu trẻ hơn. Lúc cậu ta nói có thằng em đây là nói cậu kia. Và tiếp sau câu tôi nói tôi không đi xe công an thì cậu ấy mới bảo tôi cứ coi như cậu ấy là em...

Đấy, nguy hiểm thế! Lần sau tôi sẽ rút kinh nghiệm là phải kể đủ thành phần. Không nên tiết kiệm làm gì. Thành thật xin cả nhà thứ lỗi.







Tuesday, 15 November 2011

Bây giờ bắt giữ người dễ quá.

Bất ổn quá! Bất ổn quá!
Nghe chừng bây giờ, cái chuyện ai đó bị công an bắt có vẻ dễ như ăn kẹo vậy. Có khi mình đang đi trên đường, công an đến chặn lại bảo: nghi vấn vượt đèn đỏ ở ngã tư nào đó chẳng hạn! Hoặc có quần chúng tự phát tố giác gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy chẳng hạn!
Thế là “mời” về đồn công an để xác minh. Không về hả? Liệu hồn! Nếu không ăn dùi cui, hoặc vài cái chặt tay vô gáy thì cũng sẽ bị khiêng bốn chân bốn tay rồi quẳng lên xe thùng nhá.
Vào đến đồn rồi thì bắt buộc - nhẹ thì kiểm tra điện thoại, máy ảnh, laptop, nghiêm trọng hơn thì niêm phong, tạm thời thu giữ. Không mang theo hả? Khó gì! Có ngay một cái lệnh khám nhà là ra tất. Giống y như cái vụ bảo là tôi gây rối ở Bờ Hồ, nhưng lại đến nhà tôi ở tận Cầu Giấy (khoảng cách địa lý là gần 10 cây số) để khám nhà. Thu giữ cả máy tính của tôi lẫn những thứ chả liên quan gì đến việc gây rối như họ nói, kiểu như chuyện ngụ ngôn - sói muốn chén thịt cừu quá nên cứ kiếm cớ hoạnh họe cừu. Kiểu gì cũng không thoát, cái tao muốn là cái khác cơ. Như vụ Lã Việt Dũng mặc áo No-U đứng chụp ảnh trước tượng vua Lý Thái Tổ ấy, mấy anh dân phòng ra đuổi. Họ Lã cãi lại thì một anh hùng hổ hỏi: mày có biết mày mắc tội gì không? Đương nhiên họ Lã làm sao mà biết được. Thế là anh ấy bảo: mày mắc tội quay đít vào vua ??? Mặc dầu thấy vô lý quá, nhưng họ Lã đơn thương độc mã giữa một rừng dân phòng nên đành phải bỏ đi. Vì biết đâu đấy, nhỡ từ cái tội quay đít vào vua mà lại bị khám nhà, kiểm tra máy tính rồi thu giữ thì sao? Rắc rối lắm. Giá mà ghi âm được lời kết tội ấy thì hay biết mấy.
Rồi thì sau đó trong đồn, khổ chủ sẽ phải trả lời những câu hỏi giời ơi đất hỡi chẳng dính dáng gì đến giao thông. Rồi trong khi chờ cấp trên quyết định, cứ việc ngồi đấy bao lâu cũng được, vô tư đi.
Nghe mấy cái vụ đó trên báo mạng - cả trái lẫn phải - tôi cứ thấy sờ sợ là.
Trong khi tham gia giao thông trên đường, nhiều lần tôi thấy có người rất ngang nhiên vượt đèn đỏ, hay không đội mũ bảo hiểm, vậy mà các anh cảnh sát cứ như không nhìn thấy gì. Có lẽ có một thứ dấu hiệu đặc trưng nào đó, để các anh cảnh sát chừa ra thì phải. Trông hầm hố, xăm trổ đầy mình, đầu trọc hoặc tóc xanh đỏ tím vàng, xe xịn…? Động vào bọn lắm tiền, hay là bọn liều mạng ấy là rách việc lắm. Chỉ khổ những anh chị nào trông có vẻ chân chất thôi, chả bao giờ thoát. Thế mà cũng có lúc các anh nhầm, đụng vào thứ dữ như cậu giời, giang hồ hảo hớn, thậm chí là cảnh sát thứ thiệt, ầm ĩ trên báo chí một dạo rồi cũng chả thấy đưa tin hồi kết ra sao.
Thú thực nếu bị bắt theo kiểu gì thì tôi cũng chẳng dám chống đối đâu. Có gì là tôi sẽ khai tất, đưa tất cho công an (mà chả đưa thì ai cũng biết kết quả rồi đấy). Tôi đàn bà, chân yếu tay mềm, chỉ cần hẩy cho một cái là chả không ngã chổng kềnh bốn vó ra ấy à. Vậy thì dại gì mà để cho các anh ý phải khởi động tay chân, phải tốn sức la hét quát tháo. Đương nhiên chẳng tìm ra lý do gì (không có thì đến mùa quýt cũng chả tìm ra), thì các anh công an cũng phải thả tôi ra thôi. Giữ làm gì cho thiên hạ nhòm ngó, rồi biết đâu về tôi lại kể vung lên cho thiên hạ biết thì chả lợi lộc gì, đâm mang tiếng ra.
Trong cái vụ ngày 11/11/2011 vừa rồi, công an bắt giữ mấy người anh em quen biết của tôi rầm rĩ đến tận đài BBC cũng biết. Đấy! Cũng chỉ từ lý do nghi vấn gây tai nạn giao thông thôi đấy. Khi mấy anh em phản đối thì bị nghe nói bị oánh, riêng Lân Thắng bị bợp hay chặt gì đó vào gáy đến mức ngất xỉu, phải đưa đi viện. Hội còn lại bị giữ hơn 12 tiếng đồng hồ trong trụ sở công an Quận Hà Đông mới thả ra. Cả lệnh bắt lẫn lệnh tha bằng giấy đều không có, chỉ có mỗi cái lệnh bằng mồm! Mà các cụ thì đã bảo rồi, mồm với mồm bằng không, chứng cứ đâu?
Thế này thì bất ổn quá, thế này thì tôi phải hạn chế ra đường thôi. Hoặc là tôi bán cái xe máy ghẻ của tôi để đi xe đạp (cho đỡ bị nghi là gây tai nạn giao thông cho ai đó), hoặc là tôi đi xe buýt. Mà có đi xe buýt thì cũng không nên cầm theo túi, nhỡ lại bảo nghi là móc túi trên xe buýt, rồi lại dẫn đến việc khám túi, khám nhà, thu nốt cái máy tính để bàn của tôi thì tôi chỉ có nước treo cổ thôi. Chẳng lẽ cứ mỗi lần bị thu giữ máy tính lại đi mua một cái khác, thế thì có mà lấy vỏ hến ra để mua à? Mà bây giờ không có máy tính thì tôi không thể vào mạng được, không vào mạng được thì tôi thành mù thông tin, mà mù thông tin thì tôi sống cũng như chết rồi còn gì.
Trời ơi, đủ thứ lý do để mà tôi phải tính đến. Thế này thì tốt hơn hết là tôi đi bộ. Có tiền thì thì đi xe ôm, sang hơn thì đi taxi, không có thì ở nhà vậy. Ư hư! Thế này thì khó sống yên ổn quá.

Wednesday, 9 November 2011

No-U đã đến cột cờ Lũng Cú

Không như mọi sáng chủ nhật, thay vì đi dạo ở Hồ Gươm, tôi lại đang ở thị xã Đồng Văn cùng nhóm bạn phượt kiểu U50. Nói là U50 nhưng họ mới chỉ ngoài 40 một tý. Lẽ ra bọn tôi lên đường đi Lũng Cú từ sớm, nhưng vì muốn đi chơi chợ vùng cao nên mới nấn ná ở lại. Hai tay thợ ảnh chuyên nghiệp nhất bọn thì đã dậy từ sớm để đi săn ảnh. Không khí se lạnh của miền núi đá khiến chúng tôi phải mặc thêm áo khoác rồi mới đi xuống phố.
Buổi sớm ở vùng cao bắt đầu muộn hơn dưới xuôi. Đằng sau những mái nhà trong phố là những dãy núi đá điệp trùng vẫn mơ màng trong sương. Cái gian chợ cũ bằng đá có lợp mái vắng hoe vắng hoét. Mấy cái cột đá vẫn còn ám khói đen xì, có lẽ trước đây từng là nơi đặt các chảo thắng cố. Hỏi ra mới biết người ta đã mở một cái chợ mới ở cách đó hơn 100 mét, cốt để tránh ô nhiễm môi trường cho thị xã.
Chúng tôi đi bộ sang chợ mới. Đấy là một bãi đất trống khá rộng, trên đó là một vài dãy lều tạm. Nhưng thú thực là tôi không hề thích thú chen chân trong đám đông một chút nào. Trong khi mấy vị trong đoàn len lỏi vào chợ ngó nghiêng chỗ này chỗ nọ, tôi đứng riêng ra một nơi quan sát người qua lại. Tiếc hùi hụi khi thấy một cô gái dân tộc xinh như mộng, mà không có một tay phó nháy nào cạnh đó để chớp lấy vài kiểu.
Phần lớn dân ở đây là người H’Mông. Tôi nhận thấy các thiếu nữ H’Mông có vẻ phổng phao trong khi cánh nam giới lại nhỏ thó. Thanh niên đa phần đến chợ là để đi chơi, mua sắm. Một người đàn ông dắt một con trâu mẹ đi trước, con nghé đã lớn lóc cóc theo sau. Một số người tiến tới, bu quanh hai mẹ con nhà trâu xem xét, hẳn đây là một vụ mua bán. Lẽ ra tôi nên đến hỏi xem giá hai mẹ con nhà trâu là bao nhiêu, nhưng đầu óc tôi lại cứ bận bịu về số phận những con vật bị chủ đem bán, cứ thương xót vẩn vơ một cách vô lý.
Người ta dắt qua dắt lại những con chó to nhỏ đủ kiểu, nhưng đều có cái chung là lông chúng xơ xác và khá bẩn. Chả biết con nào vừa được mua, con nào đem đi bán. Buồn cười nhất và cũng thương nhất là một con lợn lang chừng chục ký, kêu la thảm thiết khi bị kéo đi bằng một sợi dây buộc vòng qua nách. Con lợn tỏ ra “bất hợp tác” khi cứ trì hai chân sau cố cưỡng lại, nên gần như bị kéo lê đi trên mặt đất. Cái tiếng kêu eng éc của nó vang dội suốt dọc đường nó bị kéo qua. Thôi mày cố đi lợn con! Tý nữa về rồi người ta sẽ cho mày ăn, rồi mày sẽ dần quen với cuộc sống mới thôi.
Khi những hạt mưa bắt đầu lác đác rơi, đám thợ săn ảnh mới chịu rời chợ trong luyến tiếc. Chúng tôi rời thị trấn Đồng Văn trong làn mưa rơi nặng hạt. Suốt dọc đường, cả bọn kể chuyện rôm rả về chuyến khám phá phiên chợ vùng cao. Trong khi tôi lo lắng nhìn bầu trời xám xịt, không biết nếu đến Lũng Cú vẫn mưa thì có lên được cột cờ không, thì cánh thợ ảnh thì chỉ quan tâm đến việc nếu không có gió thì cờ sẽ không bay, không có nắng thì chụp sẽ không đẹp.
Thật kỳ diệu, khi xe chúng tôi vượt qua một khúc cua tay áo, cả bọn bỗng ồ lên vì một khoảng không gian trong vắt hiện ra bên này núi. Đi một chốc thì nắng lại hửng lên, không khí náo nức bao trùm cả nhóm. Chiếc xe dường như lao đi nhanh hơn.
Kia rồi! Cột cờ kia rồi. Cột cờ Lũng Cú kia rồi. Cả bọn chợt náo nức hẳn lên.
Hóa ra đường lên cột cờ đã được xây thành bậc thang nghiêm chỉnh, khá rộng và chủ yếu là chiều cao của mỗi bậc thang rất dễ đi, thậm chí hai bên còn có tay vịn bằng inox. Nói dễ đi thì dễ, chứ mới bước vào U60 như tôi cũng khá là vất khi leo hơn bảy trăm bậc thang để lên đến chân cột cờ, rồi lại thêm hơn trăm bậc nữa để lên đỉnh tháp. Trong khi mấy tay phó nháy đang mải mê chụp dưới chân cột cờ thì tôi và phu nhân Hoàng Cường túc tắc leo lên, vừa leo vừa “kéo bễ”. Tuy mệt nhưng không thể kìm được sự hưng phấn khi từ trên cao nhìn xuống, cảm giác nhẹ bẫng bởi không khí trong lành và màu xanh mướt mát của cây cối xung quanh.
Quả là giời phù hộ! Khi chúng tôi lên đến chân cột cờ thì nắng lúc trước đã có vẻ nhạt đi nay lại hửng lên, bầu trời trở nên trong xanh với những gợn mây nhẹ như những làn khói. Trên đầu chúng tôi, lá cờ đại đỏ thắm khoan thai bay thành những cuộn sóng oai hùng và ngạo nghễ. Tôi tin rằng tất cả những người đã lên đến đây, trong lòng đều mang một niềm thành kính và xúc động khi nhìn lá cờ tung bay lồng lộng trong gió, cảm thấy trong huyết quản trào dâng mãnh liệt về một lòng tự hào dân tộc sâu sắc, với những ký ức xa xưa của lịch sử cha ông đang vọng về đâu đây…
Sau phút say sưa chiêm ngưỡng cảnh quan, ai nấy đều thi nhau chụp ảnh, hòng ghi dấu mình đã từng đặt chân đến nơi đây. Tôi và Hoàng Cường thêm một hạnh phúc nữa là lập thành một đội No-U dưới chân cột cờ Lũng Cú, hạnh phúc khi gõ vào facebook những dòng chữ reo vui: No-U đã lên đến cột cờ Lũng Cú. Hẳn rằng anh chị em trong đội No-U sẽ có phần bất ngờ và ghen tỵ nữa, khi nhìn thấy ảnh của chúng tôi ở đó.
Quả thực Xuân Diện đã kêu ngay lên trách cứ tôi bí mật đi một mình, khi tấm hình đầu tiên tôi chụp ở cao nguyên đá Đồng Văn mới được post lên facebook. Rồi đến lượt anh chị em thi nhau tố tôi ăn mảnh, có người còn nghi tôi đi với “bồ”. Hoàng Cường thì giữ bí mật cho tới tận lúc về, vì gã đã bỏ lỡ trận đấu của đội bóng đá No-U vào chiều chủ nhật. Không khéo về anh em đội bóng “làm thịt” gã mất.
Thực ra mấy anh em bạn bè của vợ chồng Hoàng Cường, những người đam mê du lịch, đam mê chụp ảnh đã hẹn hò nhau từ lâu về chuyến đi này. Khi bố trí được lịch khớp nhau là họ đi ngay. May mà Hoàng Cường thấy tôi mê những bông hoa Tam giác mạch trên blog của gã nên mới rủ tôi đi cùng. Nếu không có lẽ còn rất lâu nữa, những bông hoa Tam giác mạch vẫn chỉ là trong giấc mơ của tôi mà thôi.
Thật thú vị khi được đi cùng những anh chàng mê du lịch, mê chụp ảnh và mê…ô tô. Ngoài tôi và vợ Cường thì bốn người kia đều là những tay lái khá cả. Suốt dọc đường, hai chị em tôi ngồi nghe họ nói về kỹ thuật chụp ảnh, về các đời xe như vịt nghe sấm. Khi nhìn thấy đội hình máy ảnh xịn của mấy anh chàng kia, tôi hết cả ân hận về cái máy chụp ảnh bé tý của mình bỗng dở chứng liệt. Thôi thì tôi cứ làm ngư ông đắc lợi, cứ để cho mấy anh chàng ấy chụp xong rồi về xin xỏ họ, đương nhiên là mỹ mãn hơn nhiều cái loại ấm ớ như tôi chụp.
Nếu không bị hạn chế về thời gian, hẳn cả nhóm vẫn chưa chịu “hạ sơn”. Tôi nói giời phù hộ không ngoa vì khi chúng tôi chụp ảnh xong thì trời lại trở nên âm u, nắng gió trốn biệt, xuống đến chân núi thì bắt đầu mưa. Vậy là trong khoảng khắc đẹp nhất của ngày chủ nhật, chúng tôi đã kịp thời có mặt ở đây, thật quá bõ cái công đi hơn năm trăm cây số để đến được cột cờ Lũng Cú.
Sẽ không là hoàn hảo cho chuyến đi nếu không nói đến những bông hoa Tam giác mạch. Khi nhìn thấy một thảm hoa bạt ngàn những bông Tam giác mạch li ti mầu hồng, tím, pha lẫn trắng trên ảnh, tôi cứ ngỡ đó là cảnh chỉ có ở bên châu Âu. Có ngờ đâu đất nước mình đẹp thế, đẹp đến mức làm nao lòng những gã thợ ảnh, những kẻ yêu thích đi phượt vốn từng lang thang trên khắp các nẻo đường đất nước, để đem đến cho những người như tôi được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp đến say đắm lòng người.
Tôi đang ao ước một lần trong đời đến Hà Giang, chỉ để ngắm hoa Tam giác mạch thôi. Bởi vậy, khi nghe Hoàng Cường (anh em hay gọi là Cường bóng) hỏi tôi đã khỏe chưa, có muốn đi chơi không, mà lại đi ngắm hoa Tam giác mạch cơ đấy, thiếu điều tôi rú lên vì mừng. Có không khỏe thì tôi cũng phải bảo là khỏe, thực sự là cái bệnh khớp vẫn đang hành hạ tôi. Nhưng thây kệ, kiểu gì tôi cũng phải đi, dù đã được cảnh báo là phải trèo lên đỉnh núi, nơi có cột cờ Lũng Cú đấy.
Thoạt đầu chưa thấy hoa Tam giác mạch đâu, chỉ thấy toàn núi đá suốt dọc đường đi. Ừ thì kỹ vĩ đấy, nhưng nhìn mãi thì thấy chỗ nào cũng như chỗ nào. Lúc đầu thì còn trầm trồ, xuýt xoa, nhoài hết cả người ra để ngắm nghía. Xa xa vẫn là điệp trùng núi đá, những ngọn núi cao ngất, xanh rì khi thì mây như dải khăn cuốn ngang cổ, khi thì đỉnh núi vẫn chìm trong mây.
Đi hàng trăm cây số vẫn là núi đá như thế, sự phấn khích nguội dần. Cho tới khi những luống hoa Tam giác mạch đầu tiên xuất hiện, chúng tôi cũng mới chỉ tò mò quan sát vì nó thưa thớt quá. Vì thiếu sự chỉ dẫn nên chúng tôi mất khá nhiều thời gian chụp ảnh ở những ruộng hoa Tam giác mạch không lớn lắm, nhưng cũng khá rực rỡ. Cũng ồ à, cũng leo trèo vì những ruộng hoa Tam giác mạch thường ở dưới triền dốc bên vệ đường. Cánh nữ cố len vào giữa ruộng để làm dáng, riêng tôi thực sự vụng về trong việc làm “ảnh mẫu”, lúc này mà có Kim Tiến ở đây thì có mà chết với con bé.
Qua cột cờ Lũng Cú để đến thăm dinh cơ của nhà họ Vương một đoạn, nhất loạt chúng tôi đều ồ lên kinh ngạc. Một bức tranh ngoạn mục hiện ra trước mắt khiến chiếc xe khựng lại ngay tức khắc. Cả bọn chúng tôi nhảy vọt ra khỏi xe, tâm trạng cực kỳ phấn khích. Lớp lớp những thửa ruộng bậc thang từ vệ đường tới sát chân núi toàn một màu hoa Tam giác mạch. Điểm giữa những vạt ruộng là những cây thông thẳng tắp khiến cho khung cảnh mang màu sắc thật giống châu Âu. Đám phụ nữ chúng tôi cố gỡ gạc thêm mấy kiểu, chủ yếu là mấy tay phó nháy, chạy ngược chạy xuôi chụp ảnh. Mồ hôi chảy nhỏ giọt dưới cằm Tuấn, tay máy trẻ nhất đoàn. Cậu chàng mà bỏ lỡ một khoảng khắc nào đó là cứ xuýt xoa tiếc rẻ.
Sự may mắn vẫn luôn đến với chúng tôi vào những thời khắc quan trọng nhất. Suốt cả ngày, thời tiết như một cô nàng đỏng đảnh, cứ lúc mưa lúc nắng. Nhưng cứ đến những nơi không thể bỏ qua thì nắng lại hửng, trời lại trong. Cũng vì ham chụp ảnh mà chúng tôi lo đến nhà họ Vương muộn quá. Tạm biệt hoa Tam giác mạch, xe chúng tôi lao đi hối hả trong bóng chiều đang dần buông. Những kẻ trên xe cười nói hỉ hả, lòng đầy mãn nguyện. Xe đang lao nhanh thế, vèo qua 3 cô bé gái đang địu những gùi hoa Tam giác mạch sau lưng. Đã ra nghị quyết là không nấn ná thêm phút nào nữa, ấy vậy mà đi quá mất một quãng rồi mà chiếc xe vẫn khựng lại, các tay máy nhảy bổ xuống xe, chạy lúp xúp ngược trở lại, trước khi chạy đi vẫn không quên vốc lấy một vốc kẹo cho lũ trẻ. Tôi thật sự cảm động trước sự đam mê của những chàng trai vốn là kỹ sư xây dựng, kỹ sư giao thông này. Bởi bao nhiêu năm nay, tôi quá quen với cảnh đám viên chức nhà nước tối ngày không nhậu nhẹt, cờ bạc, thì lại chơi game. Đoàn thanh niên hay công đoàn thi thoảng có phát động phong trào nào đó cũng chỉ là hình thức, kinh phí chủ yếu là do xin được…
Phía sau xe đã xuất hiện 3 cô bé gùi hoa Tam giác mạch, bọn trẻ có vẻ bẽn lẽn trước những ống kính đang chĩa về phía chúng. Các tay máy vừa đi giật lùi, vừa khuyến khích các cô bé bước đi. Những gương mặt nhỏ nhắn, những thân hình bé nhỏ dễ thương với những chiếc gùi đầy hoa Tam giác mạch mới cắt tạo nên một khung cảnh thật tuyệt vời và khó quên. Trước khi lên xe, các chàng trai lại chia thêm kẹo cho lũ trẻ, luôn miệng cảm ơn và khen chúng ngoan. Tôi nghĩ các cô giáo dạy trẻ chưa chắc đã dịu dàng với trẻ em hơn những chàng trai này.
Chúng tôi đến dinh cơ nhà họ Vương khi trời đã xẩm tối. Mặc dù phải mua vé nhưng chẳng có ai làm hướng dẫn viên cả. Giờ này thì làm gì có ma nào đến tham quan như chúng tôi kia chứ.
Dinh cơ của vua Mèo đây ư? Trong bóng tối nhập nhoạng, chúng tôi bước vào khu nhà vắng tanh. Mặc dù không còn bé bỏng gì, nhưng đám phụ nữ chúng tôi vẫn sợ bóng tối và sự im lặng lạnh lẽo của khu nhà. Trong khi cánh đàn ông xông pha vào tít phía trong thì hai chị em tôi rúm ró lại vì sợ, vội vội vàng vàng chuồn ra cửa cho nhanh. Ra đến cửa rồi, tôi mới yên tâm quay lại quan sát bên ngoài khu dinh thự, hình dung ra một thời tấp nập kẻ ăn người ở, với lính tráng đi lại trong khu nhà này. Giá như chúng tôi đến sớm hơn, có hướng dẫn viên hẳn hoi thì chắc thú vị hơn nhiều.
Chúng tôi lên đường về Hà Nội vào lúc hơn 6 giờ tối. Đêm đen kịt bủa vây chiếc xe cô độc. Sau một ngày leo trèo, chụp ảnh đến mệt lử, bốn người đàn ông lại thay phiên nhau lái xe suốt đêm cho kịp về Hà Nội vào sáng thứ hai. Quả là một chuyến đi không thể nào quên.
Cảm ơn nhé Hoàng Cường! Cảm ơn những người bạn đồng hành đã cho tôi tham gia chuyến đi hạnh phúc này. Hy vọng một ngày nào đó, lại được rong ruổi cùng các bạn trên những nẻo đường khám phá kỳ thú khác.
Hà Nội 9/11/2011
Ghi chú: Những bức ảnh trên được Hoàng Cường đồng ý  lấy từ thanhvdgt1.blogspot.com

Tuesday, 1 November 2011

TAM GIÁC MẠCH

Mùa hoa Tam Giác Mạch đến rồi, chưa đi được đến cao nguyên đá Đồng Văn, chưa đến được Mã Pì Lèng. Thấy nỗi nhớ cồn cào. Xin phép các bạn bên diễn đàn Phuot.com cho copy một số hình ảnh để viết entry này cho vơi nỗi nhớ. Cám ơn các bạn!

THÔNG BÁO: HÍT HÀ TRƯỚC KHI XEM ẢNH KẺO .... MẤT BÌNH TĨNH VÌ ĐẸP QUÁ!



Núi đôi - Tạo hóa thật tài tình

Thị trấn giữa cao nguyên đá

Tam giác mạch









Ruộng bậc thang Tam giác Mạch.


Chuyện kể rằng nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới, mày trấu mày ngô chẳng biết làm gì bèn đổ vào khe núi. Cây ngô, cây lúa lớn lên cho hạt. Người người lấy hạt về ăn. Khi ngô hạt lúa trong nhà đã cạn mà vụ sau vẫn chưa tới, cái đói về u ám bản làng, chiều đã buông dài nơi rừng cây mà vẫn chưa thấy ai nhóm bếp. Một hôm mọi người họp nhau lại rồi chia đi khắp núi rừng để tìm cái ăn. Nhiều ngày trôi qua, nhiều nơi đã đến, nhiều hang cùng góc núi đã lục tìm mà vẫn chưa thấy gì có thể làm no cái bụng. Một hôm, thoảng bay trong gió mùi hương là lạ, từ trước đến giờ chưa ai được ngửi. Mọi người cùng tìm đến khe núi, và ai nấy đều ngỡ ngàng, một rừng hoa li ti trải dài suốt từ núi bên này sang núi bên kia, nhìn kỹ mới thấy những cái lá có hình tam giác ẩn nấp khá kín ở dưới hoa. Khi kết hạt mọi người đem về ăn thử thấy ngon không kém gì ngô và gạo. Cái bụng đã ngủ yên không lóc óc đòi ăn nữa. Khói bếp lại bay lên mỗi chiều. Vì là họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa mày ngô, nên gọi là mạch, lá có hình tam giác, và thế là nó có tên “tam giác mạch” (theo truyện Tam Giác Mạch của nhà văn Nguyên Bình- Đồng văn )

Nguồn: Phuot.com

Copy từ thanhvdgt1.blogspot.com

Hồ Gươm liệu còn có thanh bình?

Tháng 10 ! Nhớ câu thơ của chàng tiến sĩ Hán nôm:
Không đi thì nhớ Bờ Hồ.
Không đi thì nhớ phát rồ! Lại đi.
Lúc đầu thì nghe buồn cười lắm. Buồn cười rồi lại thấy có cái gì đó nuối tiếc, cái gì đó ngậm ngùi ...
Và câu thơ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo:
Chủ nhật buồn xiêu xiêu
Không thấy người biểu tình yêu nước.
Đọc sao thấy lòng rưng rưng quá.
Khoan nói đến những gì to tát, lớn lao như đất nước không được yêu, hay đất nước bị phụ tình. Như kẻ đang yêu, một số người vẫn tìm về Hồ Gươm mỗi sáng chủ nhật, như muốn tìm lại một cái gì đó. Họ đi quanh Hồ Gươm, cứ mỗi khi nhìn thấy một gương mặt quen thuộc, họ lại mừng rỡ bắt tay, hỏi thăm nhau tíu tít như người quen lâu ngày lắm mới gặp nhau.
Trong số người vẫn tìm đến Hồ Gươm mỗi sáng chủ nhật có vợ chồng bác Khánh, Trâm. Trông hai bác cùng bé nhỏ, gầy gò như nhau nhưng rất nhiệt tình. Tôi thấy bác Khánh đang ngồi trên ghế đá, bèn đi đến chào bác, hỏi thăm về bác gái. Bác Khánh bảo:
-         Bà ấy nhà tôi đang đi dạo quanh đây thôi. Sáng nay, cả hai chúng tôi đều phải trèo tường mới ra được đây đấy.
-         Vâng, em có nghe chuyện có người lấy dây thép buộc bên ngoài cửa nhà bác. Thế làm sao mà bác lại ra được ạ?
Bác Khánh cười, hóa ra bác ấy kể chuyện rất duyên:
-         Ừ! Nhà tôi có hai lối ra. Một lối chung, một lối riêng. Lối đi riêng bị khóa ngoài thì chúng tôi thoát ra bằng lối đi chung. Nhưng hôm nay thì họ khóa béng cả lối đi chung, nhốt cả hơn chục hộ trong đấy. Tôi phải kê ghế, đủn bà ấy trèo qua tường. Buồn cười, bà ấy trèo lên ngồi vắt vẻo trên bờ tường, rồi nhảy đánh ùm 1 cái sang bên kia. Chẳng biết chân cẳng có làm sao không. May cái tường cũng thấp, chỉ cao hơn 1m. Còn tôi quay vào khóa cửa xong rồi cũng trèo tường theo bà ấy.
Lạ thật! Hai ông bà già trói gà không chặt như bác Khánh tự nhận thì có thể làm hại được ai, mà có người lại phải dùng đến biện pháp ngăn chặn thô sơ đến thế nhỉ? Tôi hỏi:
-         Thế bác đã báo công an chưa?
Bác ấy bảo thì cứ đi ra đây đã, về báo sau cũng được.
-         Mà Công an cũng đã vào nhà tôi khuyên không nên ra Hồ Gươm nữa, nhưng rốt cuộc lại bị bà ấy bắt ngồi nghe bà ấy tố về chuyện Vinashin, rồi chuyện boxit, chuyện cho thuê rừng ở biên giới, thế là mấy ông công an bảo: Thôi, thôi. Không nói chuyện với bà nữa, rồi kéo nhau đứng dậy đi về hết.
Tôi nghe bác ấy kể cứ cười rũ ra, phục bác gái quá cơ. Có khi thông tin về thời sự nước nhà, bác Trâm còn thông tỏ hơn cả mấy anh công an địa phương ấy chứ. Thế mà có mấy ông bà nào đó ấu trĩ, phát biểu trên truyền hình lại bảo, những người đi biểu tình chống Trung Quốc là do thiếu thông tin !!! Rõ thật nực cười.
Thấy chúng tôi cười nói rôm rả, mấy anh công an đứng xa xa nghe chừng có vẻ bồn chồn lắm. Một tay mặc thường phục, nom rõ khả nghi đến ngồi lơ ngơ ở cái ghế đá gần đấy, nhưng có lẽ thấy những câu chuyện của chúng tôi chả có gì hấp dẫn nên chỉ ngồi có tý là bỏ đi.
Ngồi cùng bác Khánh lúc trước là một bác tên Thuận, là người mà tôi đang rất muốn gặp lại. Tôi muốn xác minh một điều mà nhiều người nói với tôi bác ta là công an, đóng giả là người biểu tình. Tôi bảo bác ấy:
-         Bác là ai em không quan tâm. Công an hay nhân dân đều cùng là người Việt Nam cả, miễn là đừng làm điều gì bất nhân để hại người lương thiện thôi bác ạ. Công an mà đi biểu tình cùng với mọi người lại càng tốt, lại càng có cơ hội để thấy rõ tấm lòng của người biểu tình chỉ một lòng chống Trung Quốc xâm lược thôi, đúng không bác?
Bác ấy cười hờ hờ bảo: rất nhiều người bảo tôi thế.
Sự nghi ngờ của nhiều người không hẳn là không có lý. Một cô bạn tôi bảo: bọn chị phải cẩn thận, em có thằng bạn làm công an cứ than thở, chủ nhật nào cũng phải đi theo bọn biểu tình dở hơi, hô hét khản cổ theo chúng nó. Tôi bảo: thế thì quý hóa quá còn gì. Có gì mà phải cẩn thận chứ?
Ông công an khu vực vừa rồi lại vào nhà tôi hỏi, chủ nhật tôi có ra Bờ Hồ không. Tôi bảo:
-         Thế này anh ạ, khi nào tôi không đi thì tôi sẽ báo cho anh. Còn không anh cứ báo cáo với cấp trên là chủ nhật nào tôi cũng ra Bờ Hồ.
-         Vâng, cảm ơn chị.
-         Nhưng tôi hỏi anh một điều nhé, tôi nghe thấy nói bảo việc tôi đi thế này làm ảnh hưởng đến Phường, đến Quận? Khoan nói đến việc tôi đi biểu tình vi phạm hay không vi phạm pháp luật, hơn 2 tháng nay không có biểu tình nữa. Thế bây giờ việc một người dân ra Bờ Hồ đi dạo mà lại bảo ảnh hưởng đến Phường đến Quận là sao hả anh? Anh khó trả lời đúng không?
Ông ấy chỉ cười. Lúc nào cũng chỉ cười. Tôi không hiểu ông ấy còn phải báo cáo tình hình đi đứng của tôi vào ngày chủ nhật đến bao giờ?
-         Tôi vừa đọc mạng, thấy nói vừa phát hiện có dầu mỏ ở ngoài biển, trong lãnh hải Việt Nam. Thế là lại sắp căng thẳng rồi đấy. Biết đâu sắp tới lại có biểu tình quốc doanh, không biết lúc ấy đám biểu tình phản động lúc trước như chúng tôi có được tham gia không nhỉ.
Ông ấy lại cười. Chán thật!
Thôi thì cứ mỗi sáng chủ nhật, tôi lại ra cuốc bộ hai vòng quanh Hồ Gươm. Vừa được ngắm cảnh, vừa được luyện cho chân cẳng dẻo dai. Mà biết đâu, tôi lại có cơ hội được nhìn thấy Cụ Rùa thì sao? Sống hơn năm mươi năm ở Thủ đô mà tôi chưa một lần được diện kiến Cụ. Biết đâu tôi lại gặp may ?
Chủ nhật cuối cùng của tháng 10 - Sao mà linh thế không biết. Hôm qua đang ước được một lần diện kiến Cụ Rùa, sáng nay, khi tôi cùng Phương tuyên cáo đi được trọn 1 vòng hồ, qua đài phun nước 1 tẹo thì thấy dăm bẩy người đang đứng bên bờ hồ chỉ trỏ. Hay là cụ Rùa nổi? 
Ôi trời ơi, thì ra cụ Rùa nổi thật. Cụ khoan thai lượn cách bờ chỉ chừng 5 mét, nghe chừng không lạ gì đám người vừa hiếu kỳ, vừa thành kính đứng trên bờ. Chỉ có điều cụ không nổi cao lắm, chỉ nhô tý phần đầu lên thở. Tôi chắp tay rì rầm khấn: Con lạy cụ! Con lạy cụ, xin cụ phù hộ độ trì cho con cháu chúng con.
Trong khi mọi người đang kéo đến xem cụ Rùa nổi mỗi lúc một đông, tôi cùng Phương tuyên cáo sang quán 57 Đinh tiên Hoàng ngồi uống nước. Hai cô cháu vừa chuyện trò, vừa nhìn xem có gương mặt nào quen thuộc ngang qua không. Một chốc thì thấy anh Dũng đang dắt bác Trâm sang đường. Tôi mừng rơn, chạy ra ôm lấy bác ấy. Bác ấy bảo: bọn công an đang theo dõi tôi đấy. Tôi bảo: kệ họ! Chị em mình cứ ôm nhau cái đã.
Ban nãy, tôi có gọi điện cho cho bác Khánh, bác ấy bảo:
-         Cô Bích hả, tôi bị nhốt ở nhà rồi cô ạ.
-         Họ lại khóa cửa nhà bác ư?
-         Không, lần này họ dựng một cái xe máy chắn ngang cửa nhà tôi. Có 4 thằng nó ngồi canh ở đó, tôi đi ra thì nó đuổi tôi vào nhà. Nó bảo chúng tôi không cho ông đi đâu cả. Tôi bảo: sao lại vô lý thế? Nó trả lời: đời còn nhiều cái vô lý hơn thế cơ! Cô thấy chúng nó cùn không cơ chứ. Rồi tôi lại bảo: các anh có thấy cái chết của thằng Gaddafi không? Chúng nó bảo: thằng nào chết cứ chết, thằng nào sống cứ phải sống cái đã!
Bác ấy vừa kể vừa cười, cười vì cái sự vô lý nó diễn ra ngang nhiên đến mức không thể tưởng tượng nổi.
-         Thế còn bác gái đâu ạ?
-         Nhà tôi đi trốn từ tối hôm qua.Chẳng hiểu sáng nay có thoát không, hai là lại bị tóm rồi.
Nào tôi có biết vụ chủ nhật tuần trước, bác Trâm cũng ra Hồ Gươm, nhưng lại bị hốt lên xe đưa về phường Cầu Dền. May quá có bác Trâm đây rồi, tôi ngồi kể lại chyện bác giai đang bị nhốt ở nhà như thế nào, rồi hỏi chuyện tuần trước.
Hồ Gươm bé thế mà cũng thành rộng. Hóa ra tuần trước, khi tôi và Bùi Hằng cùng cả nhà Lã Việt Dũng ở đầu này thì bác Trâm lại ở đâu đó quanh hồ. Bác ấy đang ngồi một mình trên ghế đá, thì có mấy người đến, đòi lục túi của bác ấy, rồi hốt bác ấy lên xe đưa về phường Cầu Dền, khóa cửa đến hơn 11 giờ trưa mới cho bác ấy ra.
Khổ thân bà bác! Người bé nhỏ đến nỗi, nhiều người muốn tặng bác ấy một cái áo No-U mà không có cái nào vừa. Bác ấy bảo chỉ mặc vừa áo của trẻ em 12 tuổi thôi. Một bà già nặng 37 kg, chỉ mặc vừa áo trẻ em 12 tuổi làm sao có thể gây nguy hại được cho ai mà họ phải lo lắng, tìm mọi cách ngăn chặn bác ấy thế? Bác ấy bảo: chẳng hiểu sao lần trước tôi lại hiền thế chứ. Nhưng lần sau chúng nó mà bắt tôi, xin lỗi cả nhà, tôi là tôi sẽ tụt bố quần ra trước bàn dân thiên hạ cho chúng nó biết tay.
Hi hi! Bác ấy mà mặc cái quần không có chun, không có dải rút, chỉ kẹp một cái kẹp. Xô xát 1 tý là nó tuột ra ngay. Nếu thế không khéo họ lại phải bố trí một người, chuyên lo giữ quần cho bác ấy cũng nên. Càng nghĩ tôi càng thấy buồn cười.
Ngồi một tý thì Lê Dũng gọi điện la lối: chọn chỗ nào không ngồi, lại chọn có chỗ vừa đắt, lại vừa không có chỗ gửi xe. Sang cà phê Bonbon đi.
Cả 4 người chúng tôi lại kéo nhau sang Bonbon. Trong quán thì vắng, nhưng người Hà Nội hình như thích ngồi uống nước ở vỉa hè, có lẽ để kết hợp ngồi ngắm phố phường nữa. Tôi đã có lần nói rằng, vỉa hè dành cho người đi bộ ở Hà Nội là một điều xa xỉ mà lị. Bởi vậy thấy cái xe cảnh sát đỗ xịch trước quán, mấy anh dân phòng nhảy xuống bắt chủ quán dẹp hết bàn ghế trên vỉa hè, tôi đoán lại vì mấy người chúng tôi đây. Dù không cố tình để ý, nhưng chẳng khó gì nhận ra những kẻ cứ nhèo nhẽo đi theo chúng tôi. Tôi thực sự không hiểu họ làm thế để làm gì? Chẳng lẽ họ không thấy chán à?
Ông chủ quán là người lịch sự, mặc dù 5 người chúng tôi chỉ gọi có một ấm trà, một cốc cacao và ly cà phê sữa, thêm nữa lại vì bọn tôi mà xe cảnh sát đến đuổi khách trên vỉa hè, vậy mà ông ấy cứ bình thản như không, chả tỏ vẻ ngấm nguýt gì chúng tôi cả. Tôi cười bảo: bác đừng oán chúng tôi mà bác oán người nào làm chuyện này ấy. Ông ấy giãy nảy lên: ôi thôi thôi, tôi không có oán ai cả, tôi lạy các bác. Suốt từ lúc Lê Dũng trêu ông ấy lần sau bọn tôi sẽ kéo đến đông hơn, ông ấy cứ chắp tay vái lia lịa: tôi xin các cụ, các cụ tha cho tôi, xin các cụ tha cho tôi.
Có khi lần sau chúng tôi phải đem đồ uống đi theo, như khách du lịch ba lô cũng nên, vừa đỡ tốn kém, lại chẳng làm ảnh hưởng đến ai. Nghe tin có bác Hữu Vinh đang ở bên Thủy Tạ, chúng tôi lại kéo nhau sang đó, cũng là để giải phóng cho quán Bonbon luôn. Vào đến Thủy Tạ, chừng như nhân viên quán cũng chán nên chẳng ai hỏi chúng tôi uống gì. Thật may quá, vì lúc ấy chúng tôi ai cũng đã no một bụng nước cả rồi. Ngồi chuyện trò hơn nửa tiếng, rồi chúng tôi cũng đứng dậy chia tay nhau ra về. Tôi với Phương tuyên cáo còn được lãi quả sầu riêng thơm lừng của bác Hữu Vinh cho.
Chưa về đến nhà đã nghe tin, trên đường đưa bác Trâm đến chỗ gửi xe, Lê Dũng bị một bọn côn đồ chặn đường, tấn công, cướp và đập nát máy ảnh. Tim phổi tôi lại một phen nhộn nhạo.
Quả là Hà Nội không còn thanh bình nữa rồi, hoàn toàn không còn thanh bình nữa rồi. Người dân bị kẻ lạ đến ngang nhiên chặn cửa không cho ra khỏi nhà, bị cướp giật ngay giữa Hồ Gươm, nay thì lại bị tấn công giữa đường. Tôi tự hỏi, sắp tới Hà Nội sẽ thế nào đây? Người dân phải làm gì để tự bảo vệ khi pháp luật không bảo vệ được mình? Liệu ông Giám đốc công an thành phố, ông Chủ tịch Quốc hội, hay ông Thủ tướng có biết điều này không?






Những mẩu vụn - Lê Dũng


Ngày 29 tháng 10 năm 2011

Sáng dắt xe ra ngõ, qua chỗ cổng nhà ông trưởng khu thì gặp hai con chó to, một con vàng nhà ông lang Hành, một con đen chả rõ của nhà ai đang làm tình.
Lẩm bẩm bảo mình : dân gian nói " ra ngõ gặp chó .ẹo nhau", chỉ nói thế thì vế sau không biết là thế nào. Thì hôm nay thử xem mình gặp hên hay xui. Ừ cứ thử xem ra sao, gặp thì gặp chứ có gì mà phải bồn chồn, hồi hộp ?
Ra quán cà phê thì gặp anh Thiều nhà văn đồng hương Ứng hòa, một anh nữa tóc dài xoăn, đeo cái kính có hai mắt tròn, hay nói chuyện về Tam quốc, Thủy hử. Mình cũng không chào vì có lần cách đây vài tháng, nghe anh ấy nói về mấy thằng đi biểu tình trong đó có cả "bọn Nguyên bạc", anh ấy bảo : thanh niên bây giờ chưa vỡ bụng cứt đã đòi bay bổng. Chắc anh ta chừa mình ra vì mình ngồi bàn cạnh, và anh ấy biết rõ mình qua cái thư mình gửi cho Nhân sỹ Hà tây hôm 17.7 lịch sử.
Mở máy điện thoại ra thì bọn Facebook đưa đầy link về con cháu tên Trinh gì đấy cởi áo, cởi quần, khoe đồ trên trang VTC, vào thì thấy VTC lại dẫn từ VNN. Các cháu giờ mạnh bạo quá, sáng tạo quá, nổi tiếng chỉ trong chốc lát, cởi ra cái là Vua mặt, Chúa biết tên. Mình và bà con đi biểu tình ở bờ hồ mất mấy tháng mới được nhà nước biết đến, công an Hà nội biết mặt.
Nhớ lại tối qua, sang nhà anh bạn gần nhà chuyên buôn đồ cũ, gặp một bác đang mân mê cái đầu video HQ 88 từ thời đổi được hai trăm mét đất Hà đông, bác ăn vận lịch sự, tóc vuốt giống bác Mạnh bí thư ngày xưa, áo sơ mi cộc là ly cứng. Mình biết bác cũng đã già nhưng khen một câu để bác mua cho anh bạn cái đầu cũ cho được giá.
Gớm, con nhìn bác mà ngưỡng mộ quá, hình như ông Chu Hảo có họ với bác hay sao mà  phong độ giống nhau thế ạ ?
- Á à, tôi ngoài bảy mươi đấy anh ạ, mà ông Chu Hảo trước làm thứ trưởng Bộ khoa học công nghệ chứ gì ?  giỏi lắm đấy nhưng mà vừa dính cái phốt nặng .
 - Thế ạ, mà phốt gì vậy bác ? mình hỏi ra vẻ quan tâm gắt gao.
Thì ông ta đi biểu tình chống Trung quốc.  Ôi giời, làm sao lại đi biểu tình chống Trung quốc nhỉ ? mình hỏi thêm nhưng bác thôi không nói chuyện mà chỉ quan tâm đến cái đầu video cũ. Bác bảo trước bác làm bên tòa án, nghỉ hơn chục năm rồi, con cái đi tây cả, chỉ bác ở nhà và bà vợ già nên buồn, cứ đi sưu tầm đồ cũ chơi để giải tỏa. Nghĩ cũng thương bác một tí, bác quả đáng thương thật.
Quay lại cái VTC xem thêm ảnh con cháu tên Trinh xem đẹp đến mức nào, cũng không có gì ghê gớm quá. Mấy cái ảnh không có áo, cái thì quần chip đỏ bằng cái lá cải nhỏ, cái thì nằm trên ghế mà không mặc gì cũng thường, so với cháu Thùy Linh dạo trước thì cũng chỉ như  bì phấn với vôi.
Nghĩ mãi cũng chưa biết các cháu muốn chuyển tải thông điệp gì cho mọi người. Không vì môi trường, không vì biển đảo như hôm Lê Minh Sơn làm ở nhà hát lớn mình xem rồi, không vì chống lạm phát, chống tham nhũng, vậy hay là vì chuyện tình như hai con chó làm sáng nay mình gặp ?
Hôm qua chở một anh họa sỹ mỹ thuật đi thăm người nhà, anh bảo : cái cối giã gạo nó cũng gợi tình lắm chứ. Này nhé : tôi kể ông xem ngày xưa chắc ông cũng từng đi giã gạo bằng cối này rồi. Tất nhiên, mình bảo, ai mà chả giã gạo đêm, thời đó làm gì đã có máy xay xát như bây giờ.
Ông cứ thử nhắm mắt vào nhớ lại xem, cái cối giã thì hai người đứng giã, gái thường đứng trước, trai đứng sau. Mỗi nhịp dẫm chân vào cần để nhún thì mông cô gái cong lên, chàng trai đứng sau chắc không sao khi chạm vào những nơi nóng như thế chắc?
Hơi thở của chàng trai phả vào gáy cô gái nóng hổi không phải vì giã gạo nó quá vất vả đâu. Đến nỗi mà những nhà có con gái cho đi giã gạo đêm thường về muộn, gạo giã thường trắng hơn nhà cho con trai đi giã.
Bao nhiêu đôi trai gái nó quen nhau, yêu nhau và lên vợ lên chồng qua cái cối giã gạo đấy, tôi đang sưu tầm để làm một cái bảo tàng nông cụ, chắc cuối đời thì cũng tương đối đủ. Tôi ủng hộ bác, có  cái riu tép bên trái nhà ở quê để tôi về tìm nếu còn thì biếu bác.
Nó đẹp lắm, nhìn như đôi hài của Hoàng hậu mà dáng hình tam giác mang tính mỹ thuật cao, chứ không đẹp theo kiểu Mỹ thuật Mác đâu bác ạ.
Viết xong những mẩu vụ này thì thở hắt ra vì chỉ viết trong vòng 10 phút. Đấy, chắc bị tẩu hỏa nhập ma vì sáng ra ngõ gặp chó ...làm tình ?
PS : Cho cháu xin lỗi Bác Chu Hảo vì đã mang tên của Bác vào nhật ký của nhà cháu khi chưa xin phép ạ.
Nguồn: http://quehuongcualua.blogspot.com/2011/10/nhung-mau-vun.html