Translate

Thursday 27 October 2011

Nhà có 3 mống


Nhà có 3 mống. Một bố, một con gái và một ả mèo. Cả 3 đều độc thân như nhau.
Bố thì gần 90 tuổi nhưng sống ly thân với vợ mấy chục năm nay vì không hợp tính, ngồi nói chuyện với nhau chỉ được dăm phút là ông cụ đứng lên bảo: bà nói tôi nghe ngứa tai lắm! Thế nên bố với con gái mới ở một nhà, còn mẹ với con giai ở một nhà. Cùng chung cư nhưng khác tầng.
Con gái đã ngoại 50, không muốn lấy chồng hoặc không lấy được chồng cũng thế. Cũng chẳng muốn kiếm đứa con ngoài giá thú để sau này nương tựa tuổi già. Con gái cứ trông gương bố mẹ mà phát hãi. Nghĩ nếu chỉ cần sống thọ bằng bố mẹ bây giờ thì một mình vẫn ổn, không phải nhờ vả ai. Các chị đi lấy chồng cả. Tuy cùng ở Hà Nội nhưng dăm thì mười họa mới ghé qua, không phải vì họ không quan tâm mà bố khó tính, không thích ồn ào và ngồi lâu một chút là ông đã mỏi, chỉ muốn đi nằm nghỉ.
Ả mèo được 5 tuổi bị triệt sản ngay từ lúc mới được 8 tháng. Thứ nhất vì lo ả đẻ nhiều không nuôi được, thứ hai vì sợ ả đi tìm bạn tình mà bị bọn bất lương bắt mất, thứ ba vì lo thế mà nuôi nhốt thì ngang bằng giết ả? Thế là vác ả đến trạm thú y cho ông bác sĩ giải phẫu. Lúc bê ả mê man ra ngoài, thấy mắt ả he hé bất động, lưỡi thè lè khiến tôi suýt khóc vì sợ ả chết. Giờ thì ả đã 5 tuổi và từ một nhách mèo bé xíu ngồi ton hỏn trên lòng bàn tay tôi, ả đã trở thành một ả mèo đỏm dáng mà ai cũng khen là đẹp, chỉ mỗi tội ả rất ghê gớm nên chẳng ai sờ được vào người ả, có lẽ nghe cái tiếng kêu của ả bọn chuột cũng biết ả ghê gớm nên cấm có con nào dám lai vãng.
Con gái đi làm cả ngày, nhà chỉ có 2 thầy trò với nhau nên quấn quýt nhau lắm. Nhiều lúc ả đang nằm ườn giữa nhà, thấy ông đi ngang qua, ả thò chân khều ông. May mà chân ả nhẹ như cái lông hồng chứ không ông chả ngã dập mặt vì chân ông bây giờ lẻo nga lẻo nghẻo, hơi tý là ngã. Thế nhưng cũng có lúc xung đột dữ dội xảy ra giữa hai thầy trò, ấy là do ả có một cái thú là tìm mọi cách để chui vào tủ quần áo của ông. Hễ ông mà sơ sểnh là thể nào ả cũng đã nằm trong tủ. Có bữa nghe thấy tiếng mèo kêu mà nhìn quanh không thấy đâu, chỉ đến khi mở tủ mới thấy ả vọt ra, thế là ông lập cập tháo dép ném túi bụi, hết dép thì ông vơ cả sách báo quăng vào ả mà chả cái nào trúng. Ả gào lên chạy trối chết, nhưng sau vẫn cứ chứng nào tật đấy. Ông thì tuổi già, lúc nhớ lúc quên. Thế là cứ thỉnh thoảng, hai thầy trò lại đuổi nhau chí chết. Con gái đi làm về, bố vừa thở vừa cười tố: nó láo quá!
Thi thoảng lắm bố mới đi nằm viện, hoặc chữa bệnh của tuổi già, hoặc đi an dưỡng ở nhà nghỉ Đại Lải nửa tháng theo tiêu chuẩn. Những ngày ấy chỉ mỗi mình ả mèo ở nhà canh miếu, ả buồn lắm. Sáng ra đi làm, tôi nhìn ánh mắt buồn rầu của ả, ánh mắt rất chịu đựng, tôi biết ả nhớ ông chủ. Có sáng đi làm, ra đến cửa quay lại, thấy cái bóng bé xíu của ả giữa căn phòng trống trải mới tội nghiệp làm sao, tôi rút điện thoại ra chớp 1 kiểu đem vào viện cho bố xem cho bố đỡ nhớ ả. Xong việc là tôi mau mau chóng chóng về với ả ngay, để ả bớt cô đơn. Buối tối tôi ngồi lướt mạng, ả mon men vào trong buồng nằm phía sau tôi. Thương ả cả ngày đã 1 mình giờ thèm hơi người, tôi không nỡ đuổi ả. Nhưng khi đi ngủ thì dứt khoát: a lê hấp! Ra ngoài! Ôi giời, ả mà chui vào tủ quần áo của tôi thì chỉ có nước chết, cái khoản cạy tủ của ả cực siêu.
Thi thoảng tôi kê lại đồ đạc, ả luôn làm nhiệm vụ ô tê ka (kiểm tra) các vị trí đó bằng cách nhảy lên nằm dù rộng hay chật hẹp, thậm chí cái cân sức khỏe ả cũng cố co cụm nằm trên đó cho dù chân cẳng có thò ra ngoài tý chút cũng mặc. Bố cười bảo: mày chịu khó đổi mới còn hơn cả đảng cộng sản!
Có lần tôi kêu ca mệt mỏi vì cứ phải đi xin xỉ về cho mèo đi vệ sinh, rồi phải đối phó với việc ả chui rúc vào tủ quần áo, mẹ tôi bảo: hay là thịt nó đi! Tôi nhìn mẹ tôi như người trên sao Hỏa rơi xuống. Về mách bố, bố bảo: có họa là cả nhà này chết đói cũng không bao giờ!
Tôi biết chuyện người ta vẫn thường ăn thịt mèo. Có lần đang đi đường, tôi nghe thấy tiếng mèo kêu thảm thiết đâu đó. Ngó ngược ngó xuôi, hóa ra ngay phía trước mặt là một chiếc xe máy chở cái lồng sắt lèn đầy chặt mèo. Những con ở phía trên cứ nghều ngào chen lấn. Những con ở phía dưới không cử động nổi, cứ gục mặt xuống đáy lồng. Tôi thổn thức suốt dọc đường đi. May mà có cái kính mũ bảo hiểm che, chứ không chả ai hiểu tại sao tôi lại khóc.
Đến cơ quan, tôi kể cho một chị bạn nghe, vẫn nước mắt ngắn nước mắt dài. Chị bạn chép miệng bảo: biết làm thế nào được.
Ừ! Tôi biết dù tôi có bỏ tiền ra phóng sinh cho tất cả lũ mèo, thì ngay sau đó sẽ có người đi bắt chúng lại. Đấy, báo chí đăng đầy chuyện nạn trộm chó hoành hành ở khắp các vùng thôn quê, đến mức xảy ra cả án mạng. Bọn trôm hung hãn đến mức đánh chết cả người truy đuổi. Còn người dân thì phẫn nộ đến mức tự xử những kẻ trộm chó bắt được. Đúng là loạn hết cả rồi.
May cho tôi là ả mèo nhà tôi thuộc diện khôn nhà dại chợ. Chính vì thế ả chẳng mấy khi dám ra khỏi nhà, chỉ ngồi trên bậu cửa sổ nhìn ngắm giời đất. Nhưng cũng có bữa ban đêm, ả trèo qua cửa sổ bếp ra hành lang đi chơi. Chẳng may chung cư thì nhà nào cũng giống nhà nào, ả không biết lối về. Sáng ngủ dậy, tôi thấy một điều bất thường là không thấy ả chầu chực ở cửa phòng tôi như mọi khi. Đến lúc tôi đi làm, tìm mọi ngóc nghách cũng không thấy ả đâu. Đến cơ quan, tôi gọi điện về cho bố, bảo bố đi các tầng xem nó có lạc ở đâu không. Ông lọ mọ đi xuống từng tầng, gọi meo meo. Ôi giời, nghe thấy tiếng ông, ả gào lên tức tưởi. Hóa ra ả đang nằm nép mình ở cầu thang bộ tầng 8. Còn ông thì nhìn thấy ả cũng mừng không kém. Về đến nhà, ông mắng ả:
- Trông xinh gái thế kia mà đần độn, đi chơi cũng không biết đường về!
Ông gọi điện đến cơ quan báo tin cho tôi mừng, ông bảo: nói thật! Nhìn thấy nó, bố mừng chảy nước mắt, cứ như được gặp lại người thân vậy.




7 comments:

  1. Trời ơi !
    Biểu tình viên kiêm nhà văn viết hay quá !
    Nhà tôi cũng có một ả như vậy. Thương thương là...

    ReplyDelete
  2. Cô share lên facebook đi cô :) Hay thế

    ReplyDelete
  3. He he, cảm ơn cả hai còm viên.

    ReplyDelete
  4. Chị di chuột bôi xanh trang blog muốn đưa về blog Phương Bích, nhấn chuột phải chọn copy, nhấn chuột trái. Mở trang viết bài mới ở blog Phương Bích, nhấp chuột phải, chọn past, nhấn chuột trái, bài viết trên blog của Lê Dũng sẽ hiện lên. Công việc tiếp theo như khi đăng bài mới. Chúc chị thành công.
    Tôi cũng học lóm và làm nhiều lần nên đã quen tay, nhưng trình bày không được rõ ràng lắm,

    ReplyDelete
  5. Những ngày hè, thu lịch sử!
    Tuyệt vời đúng không bạn? Mình biết bạn từ đó, và mình cũng mến bạn từ đó bởi mình cũng là người yêu nước giống bạn!
    Với mình, "Những Người Biểu Tình Yêu Nước Dũng Cảm"(tên mình đặt cho những người yêu nước xuống đường mùa hè, thu ở Hà Nội, Sài Gòn đấy) luôn là tấm gương sáng đáng học tập và noi theo...
    Giờ thì mọi người đã trở nên thân thiết(qua báo, ảnh thôi đấy nhé!) với gia đình mình lắm rồi! Bọn mình đã thuộc từng gương mặt, từng tên người và còn mất ăn, mất ngủ khi có chuyện gì xảy ra với những người yêu nước.(thậm chí nhìn bạn đi chân đất trong bức ảnh biểu tình trước Đài PT&TH Hà Nội cũng lo, sao lại thế!?.)
    Giờ đây, những buồn vui của mọi người cũng là những buồn vui của chúng mình, chắc chắn là thế.
    Hữu Xạ Tự Nhiên Hương bạn nhỉ!
    Chúc Phương Bích và Những Người Biểu Tình Yêu Nước Dũng Cảm tiếp tục vững bước trên con đường mình đã đi.(mình chúc bạn nhiều lần rồi, tìm đọc nhé, hihi)
    Lên Xe Đi Mọi Người Ơi!
    (câu nói của em nào đó, gọi mọi người hôm ở Bờ Hồ, chỉ được nghe qua Clips cứ ám ảnh mình mãi)
    Chúc Mọi Người Chân Cứng, Đá Mềm!
    Mọi Người Ơi! Chúng Tôi Yêu Mọi Người! (câu này của mình, hehe)
    (Muathuhanoi)

    ReplyDelete
  6. Hi hi, ông cụ của Phương Bích và cả Phương Bích rất là hóm hỉnh với cuộc đời! Cái khả năng nhìn cuộc sống cách vừa khôi hài ý nhị vừa hết mực ân cần này thật là rất quí!

    Nhà có ba mống, có mỗi cái mống ả mèo là ngây ngô và khờ khạo quá thể, hi hi, nhưng mà cũng đáng yêu!

    ReplyDelete
  7. Tuyệt quá chị Phương Bich, em đọc mà liên tưởng đến truyện ngắn Con Mướp của cô Xuân Quỳnh trong cuốn Ngọn nến nhỏ viết cho thiếu nhi (cuốn ấy bây giờ không thể tìm thấy nữa). Mua sách cho con gái nhỏ 8 tuổi, mà đọc xong 2 mẹ con cùng khóc và ấn tượng cho tới mãi sau này. Cám ơn chị.
    Em sẽ gửi bài này của chị cho con gái.

    ReplyDelete