Translate

Sunday 11 September 2011

Giọt máu đào và ao nước lã


Tối thứ bảy, ngày 2/9, anh công an khu vực lại ghé qua nhà. Qua vài lần tiếp xúc, anh ấy cũng ít nhiều hiểu tính tôi nên hỏi luôn:
-     Mai chị có đi không?
Tôi trả lời là nếu có đi thì tôi sẽ chỉ đi uống cà phê cho đỡ nhớ Bờ Hồ, sẽ đèo chị tổ phó tổ dân phố đi cùng cho chị ấy chứng kiến là tôi không làm gì “gây rối”. Anh công an khu vực yên tâm lắm, tin tôi là kẻ nói sao làm vậy. Anh ấy ân cần bắt mạch cho cụ nhà tôi, khen cụ khỏe. Đang lúc thì điện thoại có tin nhắn, tôi nói với anh công an:
-     Chúng tôi đang rủ nhau đi Đường Lâm dã ngoại đây này, thế là không ra Bờ Hồ nữa, anh yên tâm chưa?
-     Ừ đúng rồi, chị đi Đường Lâm đi.
Tôi tủm tỉm cười:
-     Tôi nói thật nhé, vì anh rất tốt với gia đình tôi nên tôi mới nói chân thành thế này: làm sao mà chính quyền sợ dân chúng tôi đến thế? Chủ nhật trước có hơn 10 người uống cà phê ở Thủy Tạ, mà công an chìm nổi đông đặc cả trong lẫn ngoài nhà hàng, huy động cả xe cảnh sát lẫn sẽ thùng chờ sẵn dưới đường. Dân tình đi đường người ta chẳng hiểu gì, chính thế trông vào nó phản cảm lắm, người uống cà phê cũng thấy mất ngon.
Anh ấy cũng chỉ cười. Đương nhiên tôi biết anh ấy hỏi tôi là vì nhiệm vụ. Thế là anh yên tâm rồi nhé, mai chúng tôi đi thăm đất hai vua, nơi mà tôi mới chỉ được nghe kể lại.
Tin tưởng là nhau thế, vậy mà sáng chủ nhật, đang ngồi ăn bún cá ở gần Big C với cả nhóm “phượt”, anh công an khu vực lại gọi điện hỏi:
-     Chị đang ở đâu đấy?
Tôi không nhận ra anh ấy ngay vì không lưu số:
-     Đang ở cà phê.
-     Cà phê Bờ Hồ á?
-     Ơ ai đấy?
-     Tôi công an khu vực đây mà.
-     Ôi không, tôi đã bảo hôm nay tôi đi Đường Lâm, đang ăn sáng ở cà phê gần Big C đây.
-     Vâng vâng, thế thì chị đi đi.
Khổ thân anh ấy không. Sau này chị tổ phó tổ dân phố kể có gặp anh ấy, được anh ấy dặn, nếu có đi ra Bờ Hồ cùng tôi, thấy tôi hăng quá thì “chị phải kéo nó lại cho em nhé”. Quả là anh ấy tốt thật, bởi vì khi tôi ra đến Bờ Hồ rồi thì hình như anh ấy đã hết phận sự. Vậy mà anh ấy vẫn cứ lo cho tôi, và tôi tin là anh ấy thật lòng. Anh ấy lớn hơn tôi hai tuổi, nhưng nhất mực gọi chị xưng tôi, thái độ rất lịch sự và cả chân tình nữa. Thế thì tôi làm khó anh ấy làm gì?
Nhóm chúng tôi ban đầu có 12 người, đi 2 xe ô tô. Vì chùng chình chờ nhau hơi lâu nên hơn 9 giờ mới xuất phát. Thời tiết khá lý tưởng, mát dịu. Mới ra đến ngoại thành đã thấy mê mẩn vì không thấy bóng những tòa nhà cao tầng đâu, chỉ toàn là màu xanh ngăn ngắt của ngút ngàn những cây lá và ruộng vườn.
Đám chúng tôi đang phàn nàn rằng, bây giờ bọn biểu tình yêu nước không khéo bây giờ lại quay ra yêu lẫn nhau mất. Một tuần không được gặp nhau như mọi khi là thấy nhớ nhau lắm, cứ phải có cái cớ gì để mà được gặp nhau một tý. Chuyện trò trên xe như pháo rang nên chả mấy chốc xe đã đến nơi. Chờ một chốc thì Xuân Diện, bác Ức Trai, Trí Đức, Nguyễn Vỹ, Quách Đạt, Dũng Aduku, đến bằng xe máy, Minh Hằng và Lee Nguyễn đến bằng taxi. Cả bọn lần lượt chào hỏi bằng cách… ôm nhau cho đỡ nhớ. Gặp lại Dũng Aduku, tôi phải xin lỗi ngay lập tức vì đã hiểu nhầm thái độ rụt rè của cậu ấy khi ở trong Hỏa Lò. Dũng vẫn thế, cười hiền lành nhỏ nhẹ như mọi khi. Một chốc nữa thì có thêm cặp vợ chồng son Nguyễn Lân Thắng, đi xe máy từ Hà Nội đuổi theo đoàn.
Cả buổi sáng, chúng tôi đi thăm các di tích về hai vua Ngô Quyền và Phùng Hưng, thăm làng cổ Đường Lâm, nghe kể chuyện về cụ Thám hoa Giang Văn Minh đi “sứ” Tàu ngày xưa. Cảnh vùng bán sơn địa đẹp như trong tranh. Con đường dẫn vào làng Đường Lâm một bên là ao sen, một bên là ruộng lúa, tưởng đâu như đang trong mơ đối với đám dân thị thành, vốn quanh năm sống trong khói bụi công nghiệp và những bức tường bê tông. Điều ấn tượng nhất ở đây là các di tích đều rất giản dị, chưa bị thương mại hóa mấy.
Xuân Diện đóng vai hướng dẫn viên, thuyết minh tường tận, rất chuyên nghiệp cho cả đoàn nghe về lịch sử của các di tích.
Khi đến giếng sữa, theo tương truyền thì những người phụ nữ sinh con bị tắc sữa, hoặc không có sữa, sau khi dâng lễ vật và uống nước ở giếng này đều có sữa hoặc thông được sữa. “Hướng dẫn viên” nói các nhà khoa học nước ngoài cũng rất làm lạ trước hiện tượng này, nên đã lấy các mẫu nước về nghiên cứu. Thì ra, nước ở vùng này có chứa một loại khoáng chất kích thích tuyến sữa. Hàm lượng khoáng chất này ở giếng sữa là cao nhất. Tuy nhiên riêng đối với dân ở trong vùng, do đã quá “quen” với khoáng chất quý giá này qua việc sử dụng nó hàng ngày, nên không còn hiệu nghiệm nữa.
Giếng sữa nằm cao hơn mặt ao bên dưới cách chừng hơn 1 mét. Miệng giếng rộng chừng hơn  40 cm, sâu khoảng hơn 1 mét. Trong khi nước dưới ao cạnh đó đục, thì nước giếng lại trong vắt, khi uống thấy thoang thoảng vị ngọt đậm (hay là cảm giác vì có khoáng chất thế không biết?).
Khuôn viên của giếng chỉ rộng chừng 4 mét vuông. Bên trên có bóng cây che phủ, bên cạnh là một miếu nhỏ để khách dâng lễ vật. Khi chúng tôi đến, thấy người ta mới đang xây bậc lên xuống cho khách, vữa xây còn chưa khô hẳn. Xuân Diện giơ tay trỏ, ý muốn tôi ngồi xuống bên cạnh, trên một cái bệ gạch, bảo muốn dành tặng tôi một bài hát văn.
Tôi đã biết tài hát văn của chàng tiến sĩ nên rất hào hứng. Ngoài giọng hát truyền cảm của “ca sĩ”, lời ca da diết của bài hát mỗi lúc lại khiến tôi cảm động hơn. Tất cả mọi người đứng xung quanh, yên lặng lắng nghe. Dư vị của những ngày bị giam giữ cách biệt vẫn còn chưa nguôi ngoai trong tất cả mỗi chúng tôi, kể cả kẻ ở trong lẫn người ở ngoài, nên sự thương cảm qua lời bài hát “…đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu….ru hời hời hỡi…ấy mấy ru tình ru…” làm tôi đang vui bỗng ứa nước mắt.
Người ta vẫn bảo, “một giọt máu đào còn hơn cả ao nước lã”, hay “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Ngày nay, trên các mặt báo nhan nhản những thông tin về chuyện cha con, vợ chồng, anh em ruột thịt tranh giành của cải, lừa lọc, đánh chửi, thậm chí giết nhau. Một cái nhìn bị cho là nhìn “đểu” cũng dẫn đến án mạng, một cái giẻ lau vắt lên tường rào giữa hai nhà chung vách cũng xảy ra án mạng, va chạm nhỏ ngoài đường cũng lao vào đánh nhau, người ngoài bu lại đứng nhìn, không một ai đứng ra can ngăn…Tất cả những cái đó được gọi là tình trạng xuống cấp trầm trọng về đạo đức xã hội.
Vậy mà khi tôi bước ra khỏi cái vỏ ốc của mình – vốn vì quá chán ngán cuộc sống bon chen, đầy ắp những muộn phiền về chuyện nhân tình thế thái – để tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, tôi như được thấy lại cái tình người nó vẫn còn chan chứa trong mỗi con người nơi đây. Không có ai vụ lợi, tranh giành kiếm chác cái gì ở chốn này. Chỉ là đổ những giọt mồ hôi, là đầu trần dưới nắng hè gay gắt, là đứng sát lại che trở cho nhau khi thấy hiểm nguy, là lăn xả vào để bảo vệ cho nhau…hình ảnh một ông bố quên cả bảo vệ 2 đứa con và chính bản thân mình, lao vào đám đông để giành lại đồng đội. Hoặc có người đã bị bắt lên xe buýt rồi, vẫn che trở cho nhau (sự kiện ngày 17/7) là một trong những minh chứng cho điều tôi muốn nói *.
Trong những ngày bị giam giữ, tôi không chút nghi ngờ khi nói với những người bạn tù, về sự tin tưởng rằng những người bạn của tôi ở bên ngoài đang hết lòng vì chúng tôi, dẫu đó chỉ là sự chờ đợi ngày chúng tôi trở về. Sau này về đọc trên mạng, tôi mới biết ngày nào một số anh chị em cũng chầu chực bên ngoài từ  công an Quận Hoàn Kiếm đến nhà tù Hỏa Lò để ngóng tin. Có người sau cuộc “săn lùng” tin tức không có kết quả, đến 2 giờ sáng mới trở về nhà,. Trong khi tôi lo lắng không biết làm sao báo tin cho bạn bè tôi biết về việc tôi được thả, thì họ đã chờ sẵn chúng tôi ở cửa trại giam trước hàng tiếng đồng hồ. Chẳng phải là “giọt máu đào”, chẳng phải là “láng giềng gần”, mà là ao nước lã đấy. Là ao nước lã!
”…Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu…”, câu hát bên giếng cổ, trong không gian xanh mướt và êm đềm, tĩnh lặng, đâu phải chỉ dành riêng cho một ai.
Ai đó bình luận rất hay khi tôi kể về lòng tốt của những người bạn tù: “bất cứ vị Thánh nào cũng có một quá khứ, và bất cứ người tù nào cũng có một tương lai”.

Hà Nội ngày 11/9/2011
Phương Bích
Xin dành những lời tâm sự trên cho tất cả những người dẫu quen hay chưa quen, đã gặp hay chưa gặp trong đời, nhưng ít nhiều có chung chí hướng.




20 comments:

  1. ”…Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu…”, câu hát bên giếng cổ, trong không gian xanh mướt và êm đềm, tĩnh lặng, đâu phải chỉ dành riêng cho một ai.

    Không! Dành riêng cho Phương Bích đó! hi hii

    ReplyDelete
  2. Giọng văn mộc mạc , cảm động quá chị gái . Chúc chị luôn luôn vui vẻ , trẻ , khỏe nhé !

    ReplyDelete
  3. Đọc những bài viết của chị em luôn thấy ẩn chứa một tấm lòng nhân hậu.Em nghĩ mọi người sẽ hiểu những người đi biểu tình, yêu quý họ hơn khi được tiếp xúc, hay chỉ qua những bài viết như thế này...nhẹ nhàng đi vào lòng người.

    Luôn yêu quý chị

    ReplyDelete
  4. đọc như nuốt từng lời.Cám ơn chị

    ReplyDelete
  5. chị lại em em cay sống mũi nhé . chị già nhé

    ReplyDelete
  6. Chào Phương Bích.
    Tôi là ông giáo già nghỉ hưu có cái biểu ngữ " Sơn hà nguy biến, xin đừng vô cảm " đây. Tôi tham gia BT 6 lần với các bạn. Ba chủ nhật vừa qua tôi vượt chặng đường 50 km bằng xe đạp để đến bờ hồ Hoàn Kiếm để ngắm xem " động thái " của nhà chức trách ra sao.Hôm nay mới " mò " ra Blog của chị. Tiếc là 3 chủ nhật qua, vì hoàn cảnh mà tôi không thể tham gia hoạt động cùng mọi người được.
    Mong sao có nhiều người " phản động " như chúng ta mà HTV1 quy kết chị nhỉ.

    ReplyDelete
  7. Chị viết rất hay và ý nghĩa, nhẹ nhàng nhưng thấm sâu, dễ đi vào lòng người.
    Chị Bích phát huy phong cách này nhé, vừa hay lại vừa đúng với con người của mình.

    ReplyDelete
  8. Em chào chị.chị bây jờ ko chỉ có người thân ở HN,mà chị có cả người thân ở khắp mảnh đất hình chữ S.cảm ơn chị nhiều.chúc chị mạnh khỏe và gia đình những lời chúc tốt đẹp nhất.

    ReplyDelete
  9. Đến là ghen tỵ với chị P. Bích này! Ông trời đã ban cho chị cái răng "sún" lại còn cho chị cả cái tài viết văn nữa!

    "Mai chị có đi không"?

    ReplyDelete
  10. Viết hay quá chị Phương Bích ơi, chúc chị luôn mạnh khỏe.

    ReplyDelete
  11. Bài chị mộc mạc mà rất hay.cảm ơn chị rất nhiều,Chúc chị sức khỏe vạn sự như ý...

    ReplyDelete
  12. Chúc mừng Chị Phương Bích có ngôi nhà blog mới. Nhà chắc sẽ đông khách. Chúc Chị luôn vui khỏe, bình an. Chị nhớ hướng dẫn Bà Cụ nhà chị viết com. thật " ác chiến " trên blog của con gái rượu và nhờ ông Anh an ninh hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ mình. Chị nhớ viết đều, rinh nhiều bài hay ở các blog khác về cho bà con đọc...cho đỡ buồn và chán đời...

    ReplyDelete
  13. Em ở Đà Nẵng đã nghe lời tâm tình của chị.

    ReplyDelete
  14. Tình yêu nước của các anh chị thật trong sáng và vô tư, tôi cũng đang sống ở HN nhưng chưa từng "dám" một lần xuống đường cùng các anh chị, thật xấu hổ quá. Nhưng cũng mong các anh chị tiếp tục giữ lửa nhé

    ReplyDelete
  15. Phương Bích yêu quý! Tự miền Trung xa xôi, em vẫn luôn dõi theo từng bước chân biểu tình của các anh chị, dõi theo mọi người đứng trước cửa nhà tù ngóng tin tức chị, chị Bùi Hằng… và những người bị bắt khác. Những đêm khuya, em vẫn ngồi với máy hết vào blog NXD lại qua anh BS, DLB để biết đâu có tin chúng thả các anh chị trong đêm… Vâng, “…đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu….”. Em cũng muốn nói thế đấy với chị và với những người đã vì yêu nước thương nòi mà phải chịu bao đau đớn cực hình cả thể xác lẫn tinh thần lâu nay, và sắp tới nữa. Nếu không có những con người can đảm như thế thì TQ đã ung dung đổ xác người Việt lấp biển trồng khoai cho dân nó rồi.
    Cho em ôm chị thật chặt nhé.

    ReplyDelete
  16. Thật cảm động khi đọc những dòng tâm sự mộc mạc chân thành của chị. Cảm ơn chị - người phụ nữ có trái tim nhân hậu và tấm lòng bao dung. Chúc chị có nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui và nghị lực để vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời còn nhiều nghiệt ngã bất công này.

    ReplyDelete
  17. Không ngờ chị cũng đủ các món nghề “cầm, kỳ, thi, họa”
    Tôi chúc chị vạn sự bình an. Thân ái

    ReplyDelete
  18. http://trungquocmuathu07.blogspot.com/


    GHI CHÉP TRONG NGÀY 16-9-2011


    http://quehuong-lmlthngngy.blogspot.com/


    ĐIỂM NHẤN NGÀY 16-9-2011

    ReplyDelete
  19. Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói, điều làm Ngài ngạc nhiên nhất ở nhân loại, là con người. Khi con người còn trẻ trung, khỏe mạnh, họ thường dồn hết thì giờ và sức khỏe để kiếm tiền. Đến khi già yếu, bệnh hoạn, họ lại gom góp hết của cải tiền bạc để mong có sức khỏe! Con người thường quá lo lắng tương lai mà quên mất hiện tại, cho nên họ luôn vật vờ giữa mộng và thực. Họ sống như không bao giờ bệnh, không bao giờ chết, cho tới khi thấp thoáng thấy cái chết mới biết là mình chưa từng sống!

    ReplyDelete