Translate

Friday 8 March 2013

Nghĩ về những người phụ nữ không có ngày mồng 8 tháng 3.


Sắp đến ngày 8/3. Nói thực là đối với tôi, ngày 8/3 hay 20/10 cũng chỉ như mọi ngày khác. Có chăng hồi còn đi làm, đó là ngày chị em được phát mấy trăm, được cơ quan cho đi thăm quan một ngày (có ăn), được anh em trong phòng tặng hoa. Nhìn những bó hoa hàng trăm nghìn, thấy tiếc đứt ruột. Sau này tôi nhất định bảo, các anh đừng tặng chúng tôi hoa. Cuộc sống bây giờ khó khăn, hoa hoét làm gì. Cứ quy ra tiền cho chúng tôi. (Hi hi)

Nói thế cũng thương cho những người bán hoa. Nhưng quả thật là phí phạm quá. Có tặng thì tặng một bông hồng là đủ. Nghĩ vậy lại chợt nhớ, có những người phụ nữ chưa bao giờ được tặng hoa dù chỉ là một bông, chưa bao giờ biết đến “mùi vị” của ngày mồng 8 tháng 3 hay 20/10 hàng năm. Báo chí cũng đã viết về họ, những người phụ nữ quanh năm đầu tắt mặt tối, buôn thúng bán mẹt khắp các hang cùng ngõ hẻm, đầu bờ cuối bãi…Thực ra ngày mồng 8/3 hay 20/10 không dành cho tất cả những ai là phụ nữ!
Từ mấy hôm trước, mấy chị em đã rủ nhau đến thăm vợ con Lê Quốc Quân. Rồi nghĩ sắp tới ngày 8/3, tuy cũng là phụ nữ, nhưng nghĩ đến 5 người phụ nữ trong gia đình Quân (mẹ, vợ và 3 cô con gái nhỏ), sẽ không nhận dược lời chúc mừng từ người đàn ông duy nhất trong gia đình vào ngày này, lại thấy cay cay nơi sống mũi. Thiên hạ chúc đã đành, nhưng chồng, cha, con họ lại đang bị cầm tù suốt hơn 3 tháng nay, chưa được một lần gặp mặt, nói gì đến chúc…
Tối ngày 7/3, mấy anh chị em chúng tôi rủ nhau đến nhà Quân. May quá, gặp được cả vợ Lê Quốc Quản và chồng của cô Oanh (bị bắt giam trong lúc đang mang thai) cũng đang ở  đó. Thôi, không có chồng họ tặng hoa cho họ, thì chúng tôi tặng hoa cho họ thêm chút ấm lòng. Bé gái nhỏ nhất của Quân đang ốm. Lạ là khi bác Tường Thụy giơ tay ra bế, con bé ngả người theo liền. Ôm đứa con bé bỏng của Quân trong tay, mặt mũi người lính già bỗng đỏ ửng, nhăn nhúm cả lại, thậm chí khi mọi người ngồi nói chuyện ngoài phòng khách, ông trốn vào buồng trong ngồi khóc.
Rất khó khăn cho một người vợ một mình nuôi 3 đứa con nhỏ. Rất khó khăn cho một người mẹ có 2 con trai cùng bị cầm tù. Rất khó khăn cho người vợ còn quá trẻ… Giá hẳn chồng con họ là những kẻ không ra gì lại là một nhẽ.
Người ta luôn cố tìm một cái gì đó để tự động viên mình trong lúc gian khó. Nhìn 3 cô con gái nhỏ của Quân, chúng tôi tự an ủi rằng may mà chúng còn nhỏ nên chưa cảm nhận được những gì đang xảy ra với cha chúng. Nếu có bất chợt nhìn thấy mẹ chúng khóc, có lẽ chúng cũng chả hiểu vì sao nữa.
Vợ Quân bế con tiễn chúng tôi ra thang máy. Người phụ nữ can đảm ấy nghẹn ngào giữa những lời cảm ơn, chỉ là sự cầu mong sức khỏe cho những người đàn ông trong gia đình đang bị giam cầm.
Tình cờ gặp 2 người hàng xóm của Quân trong thang máy, tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên và vui mừng khi thấy họ tỏ ý hiểu và ủng hộ Quân. Đúng thế! Một người tốt thì hàng xóm sẽ là những người đầu tiên nhận ra. Chả thế mới có câu, bán anh em xa mua láng giềng gần là vậy. Có ngạc nhiên và vui mừng, cũng chỉ vì thấy người dân đã không còn sợ sệt, hay xa lánh, kỳ thị những người mà nhà cầm quyền thường ra sức tuyên truyền là phản động nữa.
Ngày được cho là dành cho phụ nữ, chúng tôi lại nghĩ về những người đàn ông không cơ hội chúc mừng người phụ nữ của họ, về những người phụ nữ không có cơ hội nhận những lời chúc mừng của mọi người như Phương Uyên, Mỹ Hạnh, Tạ Phong Tần …
Những người anh em, chị em thân mến, không chỉ là ngày này, chúng tôi, những người yêu chuộng hòa bình và công lý, xin gửi mọi lời chúc tốt lành đến các anh các chị, các em các cháu đã vì nghĩa quên thân.
Quên máy ảnh nên chụp bằng điện thoai rẻ tiền - ảnh mờ quá

2 comments:

  1. Sao Phương Bích không chọn tấm ảnh có cả hình cháu An Hà, ảnh ấy đầy đủ hơn vì chỉ thiểu có một mình em (nhiếp ảnh gia) là không có hình trong ảnh.

    ReplyDelete
  2. Khách Còm đâu sạch rồi em?
    Để tui sốt ruột nên chen ngang vào
    Vài câu lục bát tầm phào
    Mua vui mà cũng bị"aox"ra ngoài?

    ReplyDelete