Translate

Wednesday, 27 March 2013

Cống Rộc và Nọc Nạng - chuyện xưa và chuyện nay.


Trước ngày xử những người trong gia đình Đoàn Văn Vươn, xin mọi người cùng ôn lại câu chuyện cách đây tròn 100 năm, xem "bọn" thực dân cướp nước xử án như thế nào. Xem giữa cái man rợ và văn minh nó khác nhau đến đâu.

Ngọn lửa Đồng Nọc Nạng

Đó là câu chuyện đầy bi tráng về những người nông dân đứng lên chống áp bức, bất công để giành lại mảnh đất mà họ đã đổ xương máu gầy dựng. Chiều sắp tắt. Trước cửa khu di tích lịch sử Nọc Nạng (xã Phong Thạnh A, huyện Giá Rai, Bạc Liêu), có ba người khách phương xa vừa đến xin vào thắp nhang, viếng đền. Họ là ba người của ba thế hệ: cụ Hai Long (83 tuổi), ông Lư Đình Một (45 tuổi, con rể cụ Hai Long) và em Lư Thanh Huệ (học sinh, 13 tuổi, con gái ông Một) ở thị trấn Hộ Phòng, huyện Giá Rai. "
"Ngày 16-2 là lễ giỗ của những người nông dân đã dám đứng lên chống áp bức bất công giành lại mảnh đất mà họ đã đổ xương máu gầy dựng. Dù không quen biết nhưng năm nào cha con, ông cháu tôi có bận cách mấy cũng đến bày tỏ lòng kính trọng đối với bậc tiền nhân" - cụ Hai Long tâm sự.
Ngày đẫm máu và "phiên tòa nhân ái"
Không chỉ có ba thế hệ trong gia đình cụ Hai Long, hôm nay tròn 84 năm ngày xảy ra vụ án bi thảm Đồng Nọc Nạng, ngọn lửa vùng lên đấu tranh giành lấy nguồn sống, giành lấy thành quả lao động từ mồ hôi nước mắt của người nông dân thời thuộc Pháp vẫn cháy mãi trong lòng người dân Bạc Liêu.

Bà Nguyễn Thị Lựa (53 tuổi, thế hệ thứ ba của những người nông dân đã làm nên sự kiện Đồng Nọc Nạng) bồi hồi kể lại câu chuyện mà bà đã nghe được từ chính người bà cô của mình là Nguyễn Thị Liễu (em thứ 12 của ông Mười Chức)...
Cách nay hơn trăm năm, vùng đất Phong Thạnh A vẫn còn hoang vu, hùm beo, rắn rết đầy rẫy. Những lưu dân hiếm hoi vào đây khai khẩn phải chặt cây tràm, cây đước làm nọc cắm xuống sình lầy rồi gác nạng lên để quây chòi ở tạm tránh dã thú tấn công. Địa danh Nọc Nạng ra đời từ đó.
Trong số những người dân tới đây khai hoang lập nghiệp đầu tiên đó có cụ tổ của bà là thân sinh ra hương chánh Nguyễn Thành Luông. Đến năm 1908, cha ông Luông mất, để lại cho các con khoảng 4ha đất. Anh em ông Luông cùng chung sức kế tục công cuộc khai hoang...
Tổng hợp nguồn tư liệu do những thế hệ con cháu kể lại, người ta biết rằng đến năm 1913, tổng diện tích đất khai hoang của hương chánh Nguyễn Thành Luông đã lên tới 73ha. Để xác lập chủ quyền, anh em ông Luông đã mời Viện trắc địa đến đo vẽ và được cấp bản đồ thửa. Hương chánh Luông qua đời, con trai cả là Nguyễn Văn Toại thừa kế chủ quyền.
Sự việc bi thảm khởi nguồn vào năm 1917, khi một Hoa kiều giàu có ở Bạc Liêu là Bang Tắc (còn có tên là Mã Ngân) vì lòng tham đã đứng ra mua lại phần đất giáp ranh ông Toại do bà Nguyễn Thị Dương đứng bán, nhưng trong giấy tờ mua bán đã gian lận ghi trùm luôn đất của ông Toại. Tranh chấp nổ ra. Qua nhiều cấp phân xử, do Bang Tắc đút lót cho nhà chức trách nên phần thua thiệt luôn về gia đình ông Toại.
Đỉnh điểm của bi kịch xảy ra ngày 16-2-1928, khi hai viên cò Pháp là Bauzou và Tournier cùng nhiều lính mã tà từ Bạc Liêu đến tịch thu lúa gia đình ông Toại vừa thu hoạch.
Trước sự cướp bóc trắng trợn thành quả lao động của gia đình, anh em nhà ông Toại đã chống trả kịch liệt và hậu quả là bốn người em ông Toại là ông Mười Chức, Nhẫn, Nhịn, và bà Nghĩa (vợ ông Mười Chức) đang mang thai đã tử thương.
Về phía những người "cưỡng chế", cò Tournier bị Mười Chức đâm thủng bụng khi y nã đạn vào ông, và viên cò đã chết sau đó.
Tòa đại hình Cần Thơ mở ngày thứ sáu 17-8-1928, do ông Dde Rozario ngồi ghế chánh thẩm đã tuyên một bản án mà theo tường thuật của nhà báo Lê Trung Nghĩa đăng trên Diễn đàn Đông Dương ngày 20-8-1928 và nhiều tờ báo bằng tiếng Pháp, bản tại Sài Gòn lúc đó là: "Tòa vào phòng để thảo luận bàn cãi rất lâu, sau đó trở ra tuyên một bản án mà không một bản án nào có thể công bằng và nhân ái hơn. Người đàn bà cao tuổi (vợ hương chánh Nguyễn Thành Luông) đứng lên từ hàng ghế ngồi mà bà đã ngồi từ thứ sáu để cảm ơn luật sư và các vị quan tòa người Pháp. Đôi mắt gần như mù lòa của bà ràn rụa nước mắt vì vui sướng. Những quy tắc ngặt nghèo về trật tự của tòa được bỏ qua, một đám đông dân chúng tràn vào phòng xử án trước sự ngạc nhiên của những người giữ trật tự".
Những nông dân bị giam giữ trong vụ việc được trả tự do, mọi sự khiếu nại của nguyên đơn được đáp ứng.
Phá án nhờ báo chí
Ông Nguyễn Minh Chánh, chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu, tâm sự: "Vụ án Đồng Nọc Nạng được đưa ra ánh sáng có công rất lớn của báo chí thời ấy, mà vai trò lớn nhất là của nhà báo Lê Trung Nghĩa".
Ông Nghĩa sinh tại Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, vào Sài Gòn học và tốt nghiệp Trường sư phạm Sài Gòn. Đi dạy ba năm, ông bất mãn chế độ cai trị của Pháp và chuyển sang viết báo bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Ông cộng tác với Đông Pháp thời báo, Diễn đàn Đông Dương, Đuốc Nhà Nam...
Khi xảy ra vụ án Đồng Nọc Nạng, ông Lê Trung Nghĩa đã về Bạc Liêu gặp gỡ các nhân chứng và có nhiều bài điều tra đăng trên các báo này, gây sự chú ý mạnh mẽ của công chúng và giới chức chính quyền.
Cách đây hơn hai năm, ông Nguyễn Minh Chánh cùng ông Nguyễn Trung Kiên (nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Bạc Liêu) trong quá trình tìm hiểu, bổ sung tư liệu về vụ án Đồng Nọc Nạng, đã may mắn được gặp bà Lê Liễu Sương (cháu gọi nhà báo Lê Trung Nghĩa là bác) cung cấp nhiều tư liệu quan trọng bằng tiếng Pháp được lưu trữ tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, trong đó có bài báo của ông Lê Trung Nghĩa tường thuật lại diễn biến phiên tòa xét xử vụ án do Tòa đại hình Cần Thơ tiến hành (đăng trên Diễn đàn Đông Dương, ra ngày 20-8-1928).
Các nguồn tin cũng nói rằng chính nhà báo Lê Trung Nghĩa đã tác động tới các luật sư để những người này hiểu rõ bản chất vụ việc và đứng ra bênh vực cho những người nông dân thấp cổ bé họng.
TẤN ĐỨC - CHÍ QUỐC - MINH QUỐC

1 comment:

  1. Cứ nghiêm túc mà nhận xét, dân oan cả nước là những cá nhân đóng góp nhiều nhất cho mặt Trái của xã hội nếu tính theo đơn vị vật chất đối xứng. Khổ nỗi, họ vẫn phải nằm đường vật vã, nếm chịu trong cái đói khát để đi tìm công lý mỗi ngày mà Luật pháp thì vẫn chưa thể phân biệt được giữa kẻ được và người mất! Chả có một chế độ nào mãi bền vững nếu nó cứ muốn mãi khác người, các anh ơi!

    ReplyDelete