Rút kinh
nghiệm từ những chuyện trước đây, bị “kẻ xấu cản phá” như buổi nói chuyện về
biển đảo của bác Nguyễn Nhã, buổi liên hoan mừng ngày 8/3, buổi đặt hoa tưởng
nhớ những đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh trong chiến tranh biên giới năm 1979,
mấy anh chị em chúng tôi lẳng lặng làm một chuyến ra biển thả hoa đăng, tưởng
nhớ 64 liệt sĩ hy sinh năm 1988 tại các đảo thuộc Trường Sa.
Đến việc tâm
linh cũng không dám công khai rủ nhau trên mạng, sợ hỏng việc. Lựa chán rồi mấy
anh chị em mới chọn Hải Phòng làm nơi thả hoa đăng., kết hợp thăm các gia đình
liệt sĩ. Có người biết việc làm của chúng tôi, nhưng bận không đi được đều đóng
góp ít nhiều. Mỗi người một việc, rốt cục chúng tôi cũng lên đường “Hải Phòng
tiến” vào chiều 13/3.
Để tránh sự
chú ý của những kẻ phá bĩnh, mọi người muốn khi nào làm lễ tưởng niệm mới mặc
áo phông, nhưng tôi cứ diện chiếc áo có in những dòng chữ, ghi dấu các địa danh
và sự kiện ngày 14/3 ngay từ đầu. Khi xe đã lăn bánh, mọi người mới tạm thở
phào nhẹ nhõm, cảm thấy hệt như mình đang đi ra trận vậy.
Mặc dù đã
chuẩn bị chu đáo thế, dọc đường xe vẫn phải dừng lại, để mấy vị đàn bà rẽ vào
chợ mua thêm ít đồ. Trong khi tôi cũng lượn lờ vào chợ, ngắm nghía hàng quán
thì bỗng một chị trong đoàn bảo:
- Này! Dân ở đây họ biết cả đấy. Chị nghe thấy
họ xôn xao bảo nhau: Hoàng Sa, Trường Sa
là của Việt Nam
đấy. Thế là chị hỏi: sao các bác biết? Họ chỉ, cái áo chị kia mặc áo in những
chữ Hoàng Sa, Trường Sa, Việt Nam
đấy còn gì?
Tất cả chúng
tôi cùng a lên thích thú, cảm thấy hân hoan và ấm lòng. Vậy là người dân ho đã biết
và không thờ ơ, dù chỉ với những dòng chữ trên một chếc áo phông bình thường
của khách qua đường.
Một cô còn lo
lắng hỏi:
- “Nó” sắp lấy hết đảo của mình chưa ạ?
Bà bên cạnh
gắt:
- Lấy là lấy thế nào?
Hay! “Nó”
lấy được hay không là do dân ta cả thôi. Chả cần tuyên truyền gì. Dân ta muôn
năm.
Xe lại tiếp
tục bon bon. Mọi việc khởi đầu có vẻ tốt đẹp. Đêm qua trời chợt đổ mưa khiến ai
nấy đều lo lắng. Sớm nay vẫn còn lất phất mưa bay. Vậy mà trời gần trưa bỗng
hửng nắng, hoàn toàn khô ráo và mát mẻ.
Đến Hải
Phòng là hơn 5 giờ chiều. Đã có đại diện hai gia đình liệt sĩ nhập vào đoàn .
Tất cả chúng tôi vào nghỉ ở khách sạn Xây dựng. Để tiết kiệm tối đa, đám đàn bà
còn mang theo lỉnh kỉnh đồ ăn, Xuống nhà hàng chỉ gọi cơm canh và thêm chút
thức ăn. Vậy mà khách sạn chẳng khó chịu gì, vẫn vui vẻ phục vụ. Sau đó, chúng
tôi mượn khách sạn một hội trường nhỏ, treo băng rôn đàng hoàng để làm lễ tưởng
niệm, tặng quà cho gia đình liệt sĩ. Cảm động nhất là giây phút Nguyễn Xuân
Diện đọc bài văn tế. Giọng Xuân Diện có lúc nghẹn ngào, run rẩy, những cặp mắt bỗng
đỏ hoe, đây đó tiếng sụt sịt của đám phụ nữ…
Trời về
khuya trở nên ẩm ướt vì sương đêm. Chúng tôi đi ra bến Nghiêng, nơi xuất phát của “Đoàn tàu không số” năm xưa để thả hoa
đăng. Khi xe chở vòng hoa tới, ai nấy đều trầm trồ vì nó quá to và đẹp. Vì đa
phần các anh đều hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nên vòng hoa kết toàn màu
trắng tinh khôi.
Ban đầu chúng
tôi chỉ định đốt nến rồi thả hoa và hoa đăng ngay trên bờ biển, nhưng rồi lại đổi
ý, thuê tàu ra xa bờ để thả. Trong khi còn “cò kè mặc cả”, một người mà chúng tôi
tưởng là nhà tàu hóa ra là an ninh thuộc đồn biên phòng Đồ Sơn. Điều khiến
chúng tôi ngạc nhiên là họ không hề có ý ngăn cản việc làm của chúng tôi mà còn
rất nhiệt tình giúp đỡ. Trong số tiền thuê tàu từ 1 triệu rưỡi xuống còn 1
triệu, nhân viên an ninh nói sẽ trả cho nhà tàu 500 ngàn, còn chúng tôi chỉ
phải trả 500 ngàn. Cậu an ninh còn nói, thủ trưởng của cháu giao cho cháu thu
xếp chỗ nghỉ cho đoàn, nếu các cô chú chưa kịp đặt khách sạn. Từ ngạc nhiên đi
đến cảm động. Từ nghi kỵ đi đến thân tình. Ban đầu khi cậu này lẵng nhẵng bám
theo đoàn, chúng tôi còn tưởng an ninh nên cứ đuổi quầy quậy. Hóa ra là an ninh
thật, nhưng là an ninh quân đội, và là an ninh tốt!
Sương mù mỗi
lúc một dày đặc. Chúng tôi đi trên tấm ván hẹp dẫn lên tàu (hoặc là ca nô).
Riêng chiếc vòng hoa to quá, chúng tôi không biết làm thế nào để đem lên theo.
Đang loay hoay thì cậu an ninh đồn biên phòng Đồ Sơn bảo: để cháu! Và cậu ta
đội chiếc vòng hoa lên đầu, băng băng chạy trên tấm ván hẹp. Vòng hoa được đặt
trên sàn tầng 2. Trong khi chúng tôi đốt nến, đặt hoa đăng lên xung quanh vòng
hoa, cậu an ninh bảo: hương đâu? Sao không có hương?
Ừ nhỉ. Chẳng
ai nghĩ ra. Làm gì có ai có kinh nghiệm trong chuyện này. Cậu an ninh lại bảo: để
cháu! Câu ta phóng lên bờ. Lát sau quay trở lại với đầy đủ tiền vàng, hương và …thuốc
lá.
Sáu mươi tư
liệt sĩ. Sáu mươi tư ngọn nến và hoa đăng đặt quanh vòng hoa đại, làm thành một
vòng tròn bất tử. Nguyễn Xuân Diện quỳ xuống sàn tàu, đọc lại bài văn tế. Mọi
người cùng quỳ quanh vòng hoa, chắp tay trước ngực. Sương đêm ướt đẫm, mịt mù. Nhà
tàu phải đưa đèn pin để một người soi cho Diện đọc. Con tàu tròng trành đi vào
trong làn sương dày đặc, mang theo khói hương nghi ngút và những ngọn nến lung
linh trong đêm, mang theo tiếng rì rầm cầu nguyện Nam mô a di đà Phật. Trong đoàn
chúng tôi có hai người theo đạo công giáo. Họ cũng quỳ xuống đọc kinh, tưởng
nhớ các liệt sĩ theo nghi thức bên công giáo.
Có lẽ không
mấy ai có dịp chứng kiến những giây phút như thế này trong đời. Ai nấy đều rưng
rưng trong lòng, như cảm nhận được anh linh các liệt sĩ đã phù hộ độ trì cho
chúng tôi được an lành đến với các anh.
Cậu an ninh
nói: thuốc lá cháy như thế này là các anh ấy về đấy.
Chúng tôi
nghẹn ngào: đúng rồi, các anh ấy về đấy. Nếu không làm sao chúng tôi gặp được
nhiều may mắn đến thế này.
Gió rất mạnh,
nhiều lần thổi tắt nến, nhưng hương và thuốc lá vẫn cháy nghi ngút. Chúng tôi thắp
cho các anh hai tuần thuốc lá xong, mới thả vòng hoa xuống biển. Con tàu quay
mũi, đưa chúng tôi vào bờ. Khi chúng tôi trả đủ môt triệu chứ không bớt như lúc
đầu mặc cả, cậu an ninh nhất định không chịu lấy, bảo không nói 2 lời.
Về khách
sạn, chúng tôi ngồi lựa ảnh, post lên mạng. Tôi định viết bài, kể lể ngay,
nhưng nhiều khi cảm xúc tràn ngập quá cũng không viết nổi. Khi tôi đóng máy
tính lại là đã gần 3 giờ sáng ngày 14/3. Cứ để nguyên quần áo đi đường, đăt
lưng xuống là tôi chìm ngay vào giấc ngủ.
Ngày 14/3,
chúng tôi chọn đường về Hà Nội qua ngả Thái Bình, để thăm thêm 3 gia đình liệt
sĩ nữa. Mỗi một lần chủ khách chia tay là một lần bịn rịn, lưu luyến dù là lần
đầu gặp mặt. Hai mươi lăm năm qua, hẳn chẳng có mấy khách phương xa nào quan
tâm đến sự hy sinh của chồng, cha, con em họ. Hai mươi lăm năm qua, bao nhiêu
người trong gần 90 triệu người Việt Nam biết đến video clip, do quân Trung Quốc
quay cảnh bắn bộ đội ta ở Gạc Ma vào ngày 14/3/1988?
Ngay cả những
người trong gia đình anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông ở Thái Bình, là những
người có ít nhiều chức vị trong xã hội, cũng chưa một lần biết đến clip do lính
Trung Quốc quay và đưa lên mạng, khoe khoang về hành động man rợ của chúng. Họ
không thể hình dung ra người thân của họ đã ngã xuống như thế. Nhưng lệnh không
đươc nổ súng, ngay cả khi quân thù nã đạn vào con em họ thì nhiều người biết. Đau
đến nghẹn cả thở.
"Máu ai loang cả mạn tàu!
Máu ai hòa theo nước biển!
Xót
thay!
Nam
nhi hề, vai khoác chiến y,
Chiến sĩ hề, ai về đầu bạc?
Chuyện nhục vinh thì cứ luận bàn,
Đường sinh tử có ai không thác?
Luận anh hùng ai kể bại thành,
Xét
chí khí nên coi cao thấp.
Hôm
nay,
Thắp nén tâm hương ,
Tưởng người tiết liệt.
Gương hiếu trung mãi mãi chẳng
phai mờ,
Máu hào kiệt ngàn đời không đổi
sắc.
Hiếu với dân chẳng quản máu xương
rơi,
Trung
với nước đâu chờ bia đá tạc!
Ô hô! Có linh xin hưởng!"
(http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=15442)
Kể
thêm chuyện bên lề:
- Khi in băng rôn, chủ hiệu đã giảm giá từ
150 ngàn xuống còn 50 ngàn, khuyến mại thêm lời dặn: lần sau những gì liên quan
đến phản đối Trung Quốc thì cứ đem đến đây.
- Khi làm thủ tục trả phòng ở khách sạn Xây
dựng, do anh em trong đoàn “cẩu thả”, đem dép từ phòng này sang phòng khác, làm
nhân viên dọn phòng tưởng mất. Trong khi mọi người còn đang truy tìm, ông giám
đốc khách sạn biết chuyện bèn “quát” nhân viên không được hỏi, để yên cho “đoàn”
đi.
- Sau khi đoàn về Hà Nội rồi, cậu an ninh ở bến
Nghiêng - Đồ Sơn (thuộc đồn biên phòng Đồ Sơn) gọi điện cho một người trong
đoàn, thú nhận rằng cảm thấy rất xấu hổ về bản thân khi chứng kiến lễ tưởng
niệm này. Cậu nói mặc dù cũng là lính hải quân, có biết về Gạc Ma, nhưng lại
chưa hề biết về sự hy sinh của lớp “đồng đội” năm xưa như thế nào. Cậu đề nghị
lần sau nếu có những hoạt động như thế, thì cho cậu tham gia với.
- Ở đâu người ta cũng hỏi chúng tôi thuộc tổ
chức nào, đoàn thể nào. Xem ra vẫn còn thói quen của mấy chục năm, về một cuộc
sống mà cái gì cũng chịu sự quản lý và lãnh đạo của đảng và nhà nước, nên ngay
cả việc chia sẻ tình cảm cũng phải chờ chỉ đạo, theo kiểu khi nào nhà nước hô:
Khóc! Thế là nhất loạt mới được òa lên khóc, chứ không được khóc tùy tiện.
Chụp trước khi lên tàu |
Tưởng niệm theo nghi thức công giáo |
Thả vòng hoa xuống biển. Người mặc áo hoa là an ninh thuộc đồn biên phòng Đồ Sơn. |
Xa dần |
Chúng tôi chọn thả hoa đăng ở bến Nghiêng - Đồ Sơn. Nơi người ta nói là địa điểm xuất phát của đoàn tàu khóng số. |
Mấy ngày trước biển Đồ Sơn sóng gió rất mạnh. Có lẽ nhờ ơn Trời đất Tổ tiên, lại được anh linh các anh về phù hộ giúp đỡ, đêm 13 sang ngày 14/3 biển êm ả lạ thường. Anh linh các anh đã về đây, để chứng kiến lòng thành kính của chúng tôi, tưởng nhớ những người con ưu tú của đất mẹ đã hi sinh để giữ gìn đất đai biển đảo cho đất nước này.
ReplyDeleteAi đó có thể quên, có thể bắt người khác phải quên, nhưng Tổ quốc và nhân dân sẽ không bao giờ quên các anh, những liệt sỹ đã nằm xuống trước họng súng của quân Trung Quốc xâm lược.
Tổ quốc và nhân dân cũng sẽ mãi nhớ đến những chiến sỹ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã ngã xuống năm 1974 ở Hoàng Sa, sẽ mãi nhờ đến bao người con đã ngã xuống để bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Tất cả chúng tôi, những người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, tưởng nhớ đến các anh, những người con yêu dấu đã xả thân mình cho đất mẹ Việt Nam.
chị Phương Bích ơi! tôi là một Đảng viên Cộng sản .tôi không cầm được nước mắt khi đọc bài này.
ReplyDeleteTôi cảm thấy xấu hổ khi không làm được những việc như các anh các chị đã làm ,đồng thời cũng xấu hổ và nhục nhã cho Đảng của tôi trước tình hình nghiêm trọng của đất nước hiện nay
Mẹ nó quanh năm lam lũ, cất công ngâm hai cái túi đá quí dưới cái bể nước mặn trước sân nhà. Trong đám hàng xóm luôn rình rập sang đánh trộm, có hai anh em nhà nọ lấy đi non nửa. Một ngày kia, máu những người con loang lổ thềm nhà chỉ vì nghe lời tự kiềm chế. Nhiều đứa xác ngâm dưới bể chết tức tưởi bởi cái hèn mạt oan nghiệt nó chỉ đạo. Thằng anh lớn kia không lâu sau dụ dỗ làm bản giao kèo, rằng từ đây no đói có nhau, quán triệt trên tinh thần tứ hảo và không bao giờ nhắc đến chuyện cũ nữa.
ReplyDeleteNhư lá bùa bản mệnh, từ đó nó á khẩu vào cả những dịp đại lễ tri ân, tưởng niệm . .
Thương gữi những đóa hồng đẹp nhất đến những người con xứng đáng của mẹ Việt Nam. Chế độ đứt khúc, nhưng Quốc Gia, Dân Tộc vẫn trường tồn nếu mọi người con của nước Việt đều cũng hành động như những người con đã có mặt hôm nay trong buổi tưởng niệm sáu mươi bốn chiến sĩ hải quân Việt Nam đã bị kẻ thù xâm lăng sát hại ở Trường Sa năm 1988.
ReplyDeleteHương Xa
Bài viết của Phương Bích rất cảm động! Rất cảm phục những quyết tâm của các bạn, cố vượt mọi khó khăn, trở ngại để thực hiện được những điều mà đáng lẽ ra, cả nước phải cùng làm, dưới sự điều động của nhà nước để vinh danh những chiến sỹ đã nằm xuống vì tổ quốc.
ReplyDeleteCảm ơn các bạn!
Thật là tủi hổ cho một dân tộc khi muốn tưởng niệm những người đã hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ đất nước mà phải lén lút như vậy. Trong khi chính những người thừa hưởng thành quả của sự hy sinh đó thì lại cố tình ngăn chặn và bắt bớ không cho người khác làm chuyện mà đáng lẽ họ phải làm ...
ReplyDelete