Translate

Monday 3 December 2012

Đối thoại thơ hay Đỗ Trung Quân và Ly Thuy Nguyen (I)

Đây là cảm nhận của một bạn còn rất trẻ. Bên cạnh những trăn trở về sự "hèn" của Võ Trung Hiếu trong bài "Chết" thì những suy nghĩ của hai nhà thơ và một khán giả là bạn trẻ này cũng khiến cho nhiều người "trăn trở" theo. Từ một hiện tượng trong xã hội, người viết hay người nghe đều gửi gắm tâm tư và có nhiều sự liên tưởng đến những vấn đề khác trong cuộc sống. Xin được chia sẻ cùng khách đến thăm nhà.
Gần đây, xuất hiện cuộc đối thoại/tranh luận bằng thơ về hiện tình văn hóa-xã hội đất nước, ban đầu diễn ra giữa Đỗ Trung Quân (ĐTQ) và Ly Thuy Nguyen (LTN), về sau có sự tham gia của một số người khác. Mọi chuyện bắt đầu từ bức ảnh một người hâm mộ K-pop được cho là đã khóc lóc ở sân bay khi đón thần tượng ( xem bên dưới), đã nhanh chóng trở thành đối tượng cho bài thơ “Hãy tiết kiệm thứ còn lại duy nhất” của ĐTQ (xem bên dưới) và sau đó, như một lời đối thoại thế hệ, LTN viết “nước mắt là thứ còn lại duy nhất – thì đất nước chúng ta chẳng còn gì” (xem bên dưới).
Thơ ca có đặc trưng là tính đa nghĩa, do đó, không phải là một hình thức phù hợp để biểu đạt một cách tường minh các quan điểm chính trị hoặc đạo đức, nhất là trong các tình huống đối thoại. Bài viết này là một cố gắng nắm bắt các ý tưởng của hai nhà thơ cho bản thân cùng một số người vốn không có năng khiếu cảm thụ thơ ca. May mắn thay, trong trường hợp này, vì hai bài thơ tương đối hiển ngôn nên không khó để rút ra những vấn đề chính mà cuộc đối thoại này bàn đến, như sau :

(1)               Khóc lóc khi đón thần tượng, có xấu không ?
(2)               Nếu xấu thì tại sao?
(3)               Ai gây nên cơ sự này?

Đỗ Trung Quân và thuyết công lợi

Với câu hỏi (1), dễ thấy ĐTQ trả lời là “Có” bằng cách diễn đạt :
“Tôi bảo các em lần này thôi nhé
Đừng làm xấu hổ thêm xứ sở mình”

Câu hỏi (2) khó trả lời hơn, “Tại sao việc khóc lóc ở sân bay đón thần tượng lại là xấu?”
ĐTQ đưa ra hai lý do, (i) thần tượng chỉ là “mấy đứa lạ hươ lạ hoắc”,  và (ii) các bạn không quan tâm đến đất nước lâm nguy nhưng lại đi quan tâm đến thần tượng, ("nước mắt ngày càng quý hiếm" sao lại đi khóc "những chuyện tào lao"  như thần tượng, nên để dành cho "điêu linh đất nước" )

Lý do (i) rõ ràng là không xác đáng. Thần tượng có thể “lạ huơ lạ hoắc” với ĐTQ nhưng dĩ nhiên không lạ với các bạn đã ra sân bay đón. Còn giả sử nếu nói các ca sĩ K-pop là người ngoại quốc nên xa lạ thì lại càng không phải. Cảm giác xa lạ hay thân quen không thể chỉ căn cứ trên khoảng cách địa lý. Những giáo dân Thiên Chúa giáo và Phật giáo Việt Nam đầu tiên ắt hẳn không bao giờ cảm thấy Jesus và Tất Đạt Đa là xa lạ với mình chỉ vì họ đều là người ngoại quốc.

Có lẽ lý do (ii) mới thực là điều ĐTQ muốn nói. Bởi lẽ, ngay từ đầu bài thơ, ĐTQ đã xác lập tư cách phê phán của mình bằng việc viện dẫn quá khứ chiến tranh của ông và bè bạn. Theo ông, đất nước (mà ông gọi là tổ quốc), gia đình và bè bạn là đáng khóc, còn thần tượng thì không. Ngay cả khi ông lờ đi khả năng người hâm mộ kia có thể vừa khóc cho thần tượng vừa đổ lệ cho đất nước, gia đình, bè bạn, thì  lập luận này của ông vẫn tiềm ẩn những nguy hiểm.

Nguy hiểm với tự do.

Trong ĐTQ có một tổ quốc, mà theo ông, đứng trên tất thảy các cá nhân. Chuyện thần tượng một ai đó thuộc về sở thích và tự do cá nhân, bởi vậy, có thể và cần phải được hy sinh lúc tổ quốc cần. Nói gọn hơn, tổ quốc là Chung, cá nhân là Riêng; Riêng bắt buộc phải hy sinh cho Chung lúc cần thiết. Chính lúc này, chúng ta  tìm thấy nơi ĐTQ  một người công lợi (utilitarian) nho nhỏ, hay đúng hơn, một người công lợi có hơi hướng dân tộc chủ nghĩa.

Chưa bàn đến việc khái niệm “tổ quốc” có thực hay không, chỉ riêng việc những phát ngôn “tổ quốc lâm nguy”, “tổ quốc trên hết” luôn đến từ các lực lượng chính trị cầm quyền và cũng chính họ thường xuyên nhân danh tổ quốc để hành động, cũng đã cho thấy nguy cơ to lớn từ việc lạm dụng khái niệm này.

Người ta đã nhân danh gì nếu không phải tổ quốc khi quy kết Hữu Loan là phản động lúc làm bài thơ khóc vợ “Màu tím hoa sim”.
Người ta đã nhân danh gì nếu không phải là tổ quốc khi kết án những thanh niên Hà Nội hát nhạc vàng năm 1971 từ 04 đến 15 năm tù giam.(vụ án Phan Thắng Toán và đồng bọn, 1971)
“Tổ quốc”, ít nhất trong trường hợp Việt Nam, luôn là tấm bùa của các lực lượng chính trị mỗi khi muốn tranh thủ đám đông quần chúng. Đám đông ấy, nói văn hoa là có “tình tự dân tộc”, mà nói thẳng ra là những tín đồ nhiệt thành của chủ nghĩa dân tộc.

Hiện tình quốc gia quả thực đang và sẽ còn đòi hỏi lòng yêu nước. Nhưng người ta chỉ yêu nước thực sự trong tự do – yêu nước như một hình thức của yêu tự do. Còn một khi bị ép buộc, dù là bởi chính quyền hay khái niệm “tổ quốc”, lòng yêu nước sẽ biến mất, và chỉ còn lại duy nhất sự phục tùng.

Và cũng từ đó, thần dân sẽ thế chỗ công dân.

*Lưu ý rằng bài viết này chỉ là một cách hiểu bài thơ trên của ĐTQ, đương nhiên không phủ nhận những cách hiểu khác – như đã nói, thơ ca luôn đa nghĩa. Bài viết tiếp theo sẽ là một nỗ lực nắm bắt quan điểm của Ly Thuy Nguyen, dự kiến có tựa đề là “Ly Thuy Nguyen và xu hướng mặt trận-hóa văn hóa”. Bên cạnh đó, bài viết cũng sẽ cố gắng phân tích những nhận xét mới đây của GS Cù Trọng Xoay về vấn đề này và tìm kiếm một vài kết luận khả dĩ hậu kỳ.




hãy tiết kiệm thứ còn lại duy nhất (Do Trung Quan)
Ngày ấy bọn tôi hai mươi tuổi
Ria lún phún
Mắt cận lòi
Dân Sài Gòn tiểu tư sản, đọc sách triết , tóc hippie
Được phong tặng “thanh niên chậm tiến “
Thôi thì biết thân phận mình, đứa đi làm công nhân , đứa đi làm rẫy. đứa thanh niên xung phong coi như trả món nợ dù chả vay ai thời tiền – hậu - chiến
Ngày Polpot tràn qua An Giang , Ba Chúc thảm sát đồng bào
Tổ quốc lâm nguy
Bọn tôi sôi sục ra biên giới
Ngày Trung Quốc tấn công Việt Nam
Tổ quốc lại lâm nguy
Có thằng em khai gian tuổi
Vác balo lên đường
Gác mọi tranh chấp ý thức hệ
vệ quốc trước đã
Ai không tử sĩ
Ai  không phế binh
Thì về
Đứa đạp xich lô. Đứa chạy xe ôm, đứa đi khuân vác
Bình thường.
Nói thật
Bọn tôi đàn ông cũng có khi rơi nước mắt
Khi nhìn xác đồng bào, ôm trong tay đồng đội.
 Sắt đá vẫn nghẹn ngào.
Nhưng các em ạ
Chúng tôi không bao giờ rơi lệ
Những chuyện tào lao
Chúng tôi không mất thì giờ nửa đêm run rẩy,gào thét trước cổng sân bay để đón đứa lạ hươ lạ hoắc
đến bố mẹ ở nhà cũng chả biết đi đâu
tôi  nghĩ đơn giản thế này
Bố tôi chết tôi mới khóc
Mẹ tôi chết tôi mới khóc
Bạn tôi chết tôi mới khóc
Đồng bào tôi mất tích ngoài biển đông tôi mới khóc
Nước mắt ngày càng quý hiếm lắm các em ạ
Hãy cố mà để dành
Mà nhỏ xuống cho điêu linh đất nước
Mà rưng rưng cho nỗi nhục bị cỡi cổ đè đầu
Làm nô lệ
Tôi bảo các em lần này thôi nhé
Đừng làm xấu hổ thêm xứ sở mình
Nhục
Biển Đông
Qúa
Đủ



nước mắt mà là thứ còn lại duy nhất - thì đất nước chúng ta chẳng còn gì  (Ly Thuy Nguyen)
Bây giờ chúng tôi mới vừa qua hai mươi tuổi
Chẳng phải dân Sài Gòn cũng chẳng phải dân Hà Nội, quan trọng gì thành phố
Đâu chẳng là đất nước mình
Là đất nước mình nhưng biết gì về văn hoá nước mình
Mỗi một lần bật tivi lên là HBO CNN ESPN
Là MTV là hàng trăm những kênh mà nhà đài kí hợp đồng với các “Cường quốc năm châu khác”
Mà tôi vẫn hay gọi đùa là quân cựu thực dân
Hôm nay xem cái ảnh rồi đọc bài thơ muốn hỏi chú Trung Quân
Chú có biết về tiến trình toàn cầu hoá
Xâm lấn của thực dân ngày nay chẳng còn lộ liễu như tên bay đạn nổ
(Đấy là tôi giả vờ không nói đến những cuộc chiến ở Trung Đông
Không muốn vội giải thích về sự nhúng tay của Mỹ tại cuộc chiến ở Israel với Palestine
Trong 4 ngày ở dải Gaza hơn 200 người chết
Hơn 50% là trẻ nhỏ
Tôi sẽ giả vờ không nói về điều này vậy
nó đòi hỏi cả luận văn của tôi)
Chú Quân này chú có biết không
những đứa trẻ chú cười chê là một phần của thế hệ tiếp theo tôi đấy
Là thế hệ sinh sau thời hậu chiến
Nói ngôn ngữ khác rồi, văn hoá cũng khác ngày xưa
Và họ - cũng như tôi – là nạn nhân của cái nền văn hoá tạp nham
Ngẩng đầu nhìn quanh báo đài lăng xê những tuổi tên của những đất nước nào xa lạ
Trước khi chú hỏi tại sao trẻ con khóc vì bọn nào lạ hoắc
Sao chú không hỏi nền giáo dục nào khiến trẻ con phát điên
Sao chú không hỏi xã hội thế nào người lớn đâm sau lưng nhau anh chị em giành nhau cái nhà cho bố mẹ ra ngoài đường ngủ
Sao chú không hỏi truyền thông thế nào toàn du nhập những văn hoá ngoại lai báo chí thì một điều Ngọc Trinh gái ngoan Mai Phương Thuý lộ hàng Hoàng Thuỳ Linh băng sếch
(Đấy là tôi ví dụ một vài - chẳng đổ lỗi cho những cô con gái; mà những kẻ nhân danh nhà báo viết những câu đến ngữ pháp còn sai; tin bài giật tít)
Sao chú không hỏi thế hệ nào đã nuôi dạy bọn trẻ con như thế
Những bài học về tình người ở đâu trong trường học
Khi thầy cô giáo nghèo vật chất đói tâm hồn?
Chú Quân này, tôi bảo, đổ lỗi cho trẻ con thì dễ thôi
Vì chú chẳng đứng trong gót giày của chúng tôi,
Trong mắt bọn trẻ con, thế giới còn cái gì mà mừng vui khám phá?
Cái cơ sở tồi tàn đổ nát, những tham nhũng, những bất công
Mười sáu năm học ra trường chạy chọt đủ đường mà không ai cho đi dạy học
Hơn tám mươi cô giáo ở Yên Bái bị đuổi ra biên chế vì lỗi của một vài ông to
Người dân mất đất lên Hà Nội kêu oan bị công an phường đến đuổi
Đâu đó ở Tiên Lãng Hải Phòng có một trận đánh đẹp,
Giữa quân-và-dân
Thì đồng ý không phải đứa trẻ nào cũng biết những điều tôi vừa chỉ ra
Nhưng tôi biết – và tôi đã từng là một trong bọn chúng
Chú Quân này, ai cũng có những nỗi buồn thế hệ
Thế hệ chúng tôi là cái thế hệ chẳng-còn-gì
Cái nhục của quốc gia này, nếu mà đổ lỗi
Cũng đừng đến lượt lũ trẻ con.
Mà cũng đừng chuyện bé xé ra to
Cái làm tôi xấu hổ chẳng phải mấy thằng bé khóc ở sân bay
Mà là cái nền văn hoá bị lụi tàn mà người lớn hay các nhà chức trách cũng đâu buồn giữ
Mà là cụ Hiền Đức bao nhiêu tuổi rồi vẫn phải cặm cụi ngược xuôi đi bảo vệ người dân mất đất
Mà là những người chỉ thích trách cứ trẻ con.
Tôi chẳng viết bài thơ này để trách chú đâu
Cũng chẳng phân bua vì những cái mà thế hệ trước chúng tôi nhìn chúng tôi mà trách cứ
Nhưng tôi viết điều này để cho chú hiểu
Dạy trẻ con chẳng dễ lắm đâu
Và nếu chỉ đem cái tuổi đời ra để mà nói với nhau
Thì thông điệp của chú dù đúng dù sai, bọn trẻ con sẽ chẳng bao giờ hiểu.


bởi Nam Mô vào 3 tháng 12 2012 lúc 3:06 ·

http://www.facebook.com/notes/nam-m%C3%B4/%C4%91%E1%BB%91i-tho%E1%BA%A1i-th%C6%A1-hay-%C4%91%E1%BB%97-trung-qu%C3%A2n-v%C3%A0-ly-thuy-nguyen-i/445647372158120

2 comments:

  1. Chúng chưa chết nhưng chúng sống mòn
    Đang bám Mẹ,Cha như cây Tầm gửi
    Chúng học đòi thói hư khó ngửi...
    Khóc lóc mỗi khi thấy "tượng thần"...

    Chúng là Người mà chẳng có nhân
    Không mủi lòng tiếc thương đồng loại
    Đang đói,rét chìm trong băng hoại
    Chúng tồn tại như lũ thất thần

    Cảm ơn anh nhé...Đỗ Trung Quân!
    Đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh
    Lôi chúng ra khỏi trò lừa phỉnh...
    Dạy thiệt,hơn cho chúng nên Người

    Và các con...Lũ trẻ yêu ơi!
    Đây thật sự là lời Gan,Ruột
    Hãy cố gắng sống sao cho tốt
    Để mai sau không thẹn với Đời...

    ReplyDelete
  2. Nhà thơ Đỗ Trung Quân nói một đằng, nhiều bạn trẻ hiểu một nẻo. Vì chưa đủ lớn để hiểu!

    Nhưng là người làm cha làm mẹ nhìn thấy con mình, cháu mình đón thần tượng như thế, đau xót và xấu hổ quá.

    Chính tôi muốn đánh con khi cô ta, sinh viên Đạihoc đi xem đến gần 1h sáng mới về. Hôm ấy tôi không lo con bị cướp, không lo con gặp tai nạn, điều tôi trăn trở lớn hơn, đúng như nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết. Cám ơn anh Đỗ Trung Quân với bài thơ gan ruột, máu lửa!

    Tất nhiên là người trẻ không sai. Nhưng từ không sai đến đúng dắn và Đẹp thì bao giờ và cách nào để có được, các bạn trẻ ơi, con tôi ơi!
    Phạm Vĩnh Kiên

    ReplyDelete