Translate

Saturday 29 December 2012

CHUYỆN XẢY RA TRONG NGÀY XỬ PHÚC THẨM CLB NBTD!!!!!!!!



Tôi thực sự đau buồn khi đọc những dòng tâm sự của cô gái này trên facebook.  Không biết nói gì hơn, chỉ xin đăng lên đây để những người nào chưa biết chuyện cùng chia sẻ, và tự suy ngẫm về thời cuộc....

bởi An Đổ Nguyễn vào 29 tháng 12 2012 lúc 16:17 ·

Vượt qua vòng vây của an ninh bao quanh nhà để ra phiên tòa đã khó. 
Cả đêm trước ngày diễn ra phiên tòa phúc thẩm không ngủ được vì chỉ sợ mình nhắm mắt sẽ ngủ quên đi mất. Đành nằm đợi trời sáng.
4h sáng, trong lòng cảm thấy bất an, bồn chồn, lo là chỗ mình đang trú bị lộ, an ninh sẽ chặn không thể đi được. Tiếng động ngoài cửa càng làm mình lo hơn.
Ngồi dậy bật đèn, mở máy lên đọc kinh và cầu nguyện. Cứ đọc đi đọc lại mãi Kinh hòa bình.
5h30 sáng, mở cửa bước ra ngoài thấy mọi thứ đều yên bình. Thế là diện bộ đồ thể dục vào, "tót" ra đường thôi.
Sau khi cà phê cà pháo xong, gần 8h sáng lượn qua tòa án thấy toàn phe an ninh, chẳng thấy phe ta đâu cả. Quyết định dừng chân 1 nơi gần đó để đi bộ từ từ lại.
Hơn 8h, tôi bước chân từ phía ngã tư Pasteur - Lý Tự Trọng qua công viên Cổ Đa đối diện Tòa án. Khi dừng chân ngay đối diện Tòa án, bao nhiêu ánh mắt đổ dồn, camera cũng chĩa dồn về phía tôi. Dường như chỉ có mình tôi lạc lỏng giữa đám đông xa lạ với những cặp mắt hình viên đạn đang nhìn về phía tôi. Mặc kệ! Tôi chọn cho mình một chỗ ngồi đối diện với Tòa án, một mình lẩm nhẩm bài Kinh hòa bình cầu nguyện cho những người đang bị xét xử bên trong Tòa án. Ngồi đó được 1 chút, công an đến đuổi tôi đi chỗ khác. Tôi bước chân qua phía bên kia Tòa án, ngồi ngay chỗ nhà chờ xe buýt. Có vài người cũng ngồi đấy vì không được vào phiên tòa, chúng tôi bắt đầu trò chuyện làm quen. Được 1 chút, công an lại đuổi chúng tôi đi chỗ khác. Tôi trở lại phía công viên, cũng vừa lúc Vũ Sỹ Hoàng (Fb Hành Nhân) và Bách Việt đi tới. Chúng tôi cùng bước vào trong công viên ngồi trò chuyện với nhau. Chỉ được 1 chút, đám đông đủ loại công an, an ninh, dân phòng, trật tự đô thị đi về phía 3 người chúng tôi. Linh cảm có điều không hay, chúng tôi quyết định đứng dậy rời khỏi công viên. Một viên công an lớn tuổi đi nhanh theo tôi nói:
- Đề nghị cô cho kiểm tra giấy tờ.
- Ơ! Đi dạo công viên mà cũng bị xét giấy tờ là sao?
- Tôi là công an, tôi có quyền kiểm tra giấy tờ của bất cứ ai.
- Đúng là anh có quyền kiểm tra giấy tờ của người dân nhưng sau 23h, tôi đi lang thang ngoài đường anh mới có quyền hỏi giấy tờ của tôi. Còn bây giờ là ban ngày, tôi đi dạo chơi công viên cũng bị kiểm tra giấy tờ là sao? Các anh muốn gì?
Họ lao nhanh về phía tôi và Hành Nhân hòng túm bắt chúng tôi. Tôi chạy ra ngay ngoài đường la to lên, họ nhanh chóng tống tôi lên chiếc xe đợi gần đó một cách thô bạo. Hành Nhân bị họ dí theo, túm lấy, đè cổ xuống đất, đấm rách môi và khiêng 2 tay 2 chân tống lên xe như khiêng heo khiến quần bị rách.
Trên xe, họ tiếp tục uy hiếp và đánh đập chúng tôi. Họ giật mất điện thoại của tôi. 
Tôi bị đưa đến đồn công an phường Nguyễn Cư Trinh, còn Hành Nhân sau đó bị đưa đi đâu thì tôi không rõ.
Họ tống tôi vào 1 căn phòng làm việc khuất phía trong đồn công an. Một tay an ninh khác hùng hổ, vô cớ đánh vào mặt, vào 2 cổ vai tôi rất đau như tôi và hắn có thù với nhau từ kiếp nào.
Đánh xong, hắn bỏ ra ngoài hội ý với đồng bọn, bỏ tôi với 1 anh công an phường đang loay hoay làm việc và 1 cô bé làm bên Đội an ninh Quận 1. Tôi quay sang hỏi chuyện cô bé:
- Em năm nay bao nhiêu tuổi?
- Dạ 21.
- Còn trẻ vậy. Chắc mới ra trường thôi phải không?
Cô bé gật đầu. Tôi hỏi tiếp:
- Theo em, an ninh được quyền làm những việc pháp luật không cho phép không?
Cô bé chưa kịp trả lời thì anh công an cướp lời:
- Em cứ bình tĩnh! Em phải làm gì thì mới bị người ta đưa vào đây chứ. Sao ngoài đường bao nhiêu người họ không bắt mà lại bắt em? (Câu này quá quen thuộc luôn nè!)
- Em hỏi câu đó với thái độ rất nhỏ nhẹ và bình tĩnh đấy anh. Còn em cũng đang thắc mắc điều giống anh vậy đó. Tiện thể, anh đi mà hỏi họ giúp em luôn là tại sao bắt em vào đây.
Mọi người im lặng khi những người an ninh mặc thường phục bước vào phòng.
Một chị an ninh nói với tôi:
- Chúng tôi nghi ngờ em giấu tang vật phạm pháp trong người. Đề nghị em cho chúng tôi kiểm tra người.
Nghe đến đây, tôi thấy quen quen. Tôi chợt nghĩ đây là chiêu bài vu vạ ghép tội cho tôi đây mà. Thế là tôi nói luôn:
- Được! Nếu các người đã muốn vậy, hãy mang tôi ra trước sự chứng kiến khách quan của người dân, tôi sẽ tự lột đồ cho mọi người cùng chứng kiến.
- Em nói vậy sao được! Em là con gái, còn có danh dự và nhân phẩm. Mang ra đó, họ nhìn em thế nào?
- Đúng là với người phụ nữ, bao giờ danh dự và nhân phẩm của họ cũng rất quan trọng. Nhưng không vì thế mà tôi để mấy người tự ý vu vạ nhằm ghép tội tôi được.
Nói rồi, họ vẫn làm theo ý họ. Họ giữ người tôi lại, bắt đầu lột đồ tôi ra trong sự chứng kiến của những nam an ninh khác và điều đáng ngạc nhiên là họ còn ngang nhiên mang camera ra quay lại. Tôi đoán ra mục đích là họ muốn làm nhục tôi. Vừa chống cự, tôi vừa cảnh cáo họ:
- Mấy người lột đồ tôi đã khó nhưng mặc lại còn khó hơn đấy nhé.
Sau khi trên người chỉ còn bộ đồ lót, họ mới dừng lại. Camera vẫn tiếp tục chĩa về phía tôi. Tôi quay lại phía sau lưng là tấm gương, chỉnh sửa lại tóc tai rồi quay lại hướng camera với thái độ bình thản & điềm nhiên, tôi nói lớn:
- Quay đi! Quay xong nhớ up lên mạng cho tôi và mọi người thấy được sự đê tiện của các người nha!
Xong, họ lại bỏ ra ngoài hội ý. 
Tôi đau nhức và mệt mỏi vì bị đánh, vì bị làm nhục, vì cố gồng sức mà chống cự lại, tôi nằm xuống dưới nền đất nhắm mắt để suy nghĩ về sự dã man của họ. Lúc trước khi theo đạo Công giáo, tôi từng tuyên bố rằng tôi thà chết chứ không bao giờ để họ chà đạp nhân phẩm như vậy. Nếu là trước đây, chắc là tôi sẽ lao đầu vào tường chết mẹ cho rồi. Cơ thể bắt đầu cảm thấy lạnh và buồn nôn, tôi chạy vào nhà vệ sinh. Trong khi tôi đang nôn mửa như vậy mà có 1 chị phụ nữ nói là bên y tế Quận 1 đến hỏi tôi đã chồng con gì chưa rồi bắt tôi cởi quần lót ra cho chị ấy khám. Tôi hỏi lý do, chị ấy nói là nôn ói liên quan đến vấn đề tiêu hóa. Tôi bảo là chỗ ấy đâu liên quan đến tiêu hóa, chỉ liên quan đến tiết niệu thôi và từ chối không cho khám gì hết. Chị ấy thấy tôi đang trong tình trạng sức khỏe như vậy, chị ra ngoài kiếm cách từ chối yêu cầu của những người an ninh. Những người an ninh vẫn cố ép chị ấy làm. Tôi từ trong nhà vệ sinh đi ra khuyên chị là không nên làm những việc trái pháp luật và trái đạo đức lương tâm như vậy. Những người chỉ đạo kia sao họ không làm việc đó đi mà đẩy qua cho chị và chính họ đã dám lột đồ quay phim tôi thì việc gì mà họ không dám làm nữa. Chị ấy tháo bỏ găng tay đưa cho những người an ninh và ra ngoài. Phía an ninh lại bỏ ra ngoài. Tôi ngồi bệt xuống đất mà trong đầu chưa hết khỏi sự bàng hoàng. Tôi mong là họ đừng làm. Vì tôi sợ khi họ gây ra điều đó, tâm hồn tôi sẽ bị tổn thương nghiêm trọng và hận thù sẽ hiện diện trong tôi - có thể sẽ hủy diệt chính bản thân tôi và sau nữa mới đến họ. Tôi không biết làm sao để ngăn điều đó đừng xảy ra. Tôi thừ người và bất chợt hát Kinh hòa bình và rồi tôi cầu nguyện. Họ quay lại với 2 cô y tế mới trong khi tôi vẫn đang hát lời Kinh hòa bình. Họ yêu cầu tôi ngoan ngoãn hợp tác nhưng bị tôi từ chối. Họ cưỡng chế, khiêng tôi đặt nằm trên bàn rồi bắt đầu khống chế tay chân để lột hết đồ trên người tôi. Tôi cố gắng dùng hết sức chống cự lại họ khiến có mấy lần họ bị tôi đá văng vào tường. Họ cũng có bị tôi cào cấu vào tay và bị tôi nắm tóc kéo nữa. Nhưng sức 1 người không thể nào làm lại 4 người họ, cuối cùng họ cũng lột sạch đồ trên người. Họ còn dùng tay chọc vào chỗ kín khiến tôi đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Xong, họ cưỡng chế để mặc đồ lại cho tôi. Tôi nhất định không chịu để cho họ mặc lại. Tôi nói:
- Cứ để y nguyên như vậy cho tôi đi về. Đã dám làm mà còn sợ sao? Tôi không ngại thì mấy người ngại điều gì?
Họ cố sức lắm mới mặc được quần lại cho tôi nhưng không mặc được áo, họ bèn lấy áo khoát của tôi trùm ngược vào người tôi rồi kéo dây kéo phía sau lại. Rồi họ bỏ ra ngoài. Có giọt nước mắt còn lăn trên mắt. Tôi nghĩ đến cái chết. Rồi tôi lại nghĩ về những lời trong Kinh hòa bình, tôi nghĩ đến cuộc đời khổ nạn của Chúa Jesus và tôi lại mỉm cười.
Trong lúc những con người đó tự viết, tự làm biên bản gì đó với nhau, tôi đã nghe cô bé an ninh nói: 
- Chú Hải bảo làm như vậy.
Chú Hải mà cô bé nói đến có phải chăng là Lê Minh Hải (an ninh TP) - người đã từng cho đàn em làm với chị Tạ Phong Tần như với tôi ngày hôm nay.
Khoảng 12h, họ quay lại cưỡng chế tôi về công an phường Phú Thạnh, Q. Tân Phú (nơi tôi cư ngụ). Trên xe tôi nhớ về những gì bạn tôi kể về sự tàn ác của Ai Cập trước ngày thay đổi, tâm cảm thấy rất bình an mà nói thẳng với tay an ninh rằng:
- Hôm nay tao rất vui vì đã 2 lần chiến thắng tụi bây. Thứ nhất là dù bọn bây cho rất nhiều người và tốn rất nhiều công sức để canh giữ hòng ngăn chặn tao từ nhà. Nhưng không, tao vẫn đi đến được nơi tao muốn đến. Thứ hai là bọn bây dùng những trò đê tiện này làm tổn thương tâm hồn tao để đánh vào tâm lý sợ hãi, khiến tao phải bỏ cuộc. Nhưng tao cũng nói cho bọn mày biết. Đúng là bạo lực và những trò đê tiện này có thể làm người ta đầu hàng trước bọn mày đấy, nhưng đó chỉ là những kẻ yếu đuối mà thôi, còn với những người như tao thì những trò đó chỉ làm ý chí và tinh thần mạnh mẽ lên mà thôi. Tụi bây cũng nên chuyển hết những lời này của tao đến những thằng nào chỉ đạo tụi bây làm những trò này và nhớ nói thêm rằng: Bản lĩnh của cả đám bọn mày kém lắm, thua cả 1 phụ nữ như tao nên mới dùng những thủ đoạn bỉ ổi này. Tao vui vì tụi bây đã làm như vậy. Bất cứ 1 cuộc vận động thay đổi xã hội nào cũng có những sự mất mát, hy sinh. Với những việc làm của bọn mày hôm nay chỉ cho tao thấy dấu hiệu của sự thay đổi thực sự đang đến rất gần. Chính bạo lực sẽ giết chết bọn bây!
Lúc đầu, khi tôi bắt đầu nói, họ đòi đánh tôi nhưng sau đó chỉ im lặng.
(Còn tiếp...)

2 comments:

  1. Vô cùng ngưỡng phục An Đỗ. Thật hỗ thẹn khi không làm đưọc gì cho những người dân thấp cổ bé miệng. Thành thật xin lỗi các bạn đang tranh đấu cho Dân Chủ, Sự Thật tại quê nhà.
    Thái Dương.
    USA

    ReplyDelete
  2. Nguyệt Đồng Xoài30 December 2012 at 23:17

    Những người công an và an ninh làm nhục blogger Hoàng Vi chỉ là những người thừa hành lệnh của cấp trên, và bao quát hơn là từ chánh quyền của họ. Họ không biết hành xử với dân một cách văn minh, chánh đại mà họ chỉ có biết hành xử với dân một cách man rợ.

    ReplyDelete