Translate

Sunday 13 January 2013

Trời nào chứng?

MINH DIỆN


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo
giải quyết vụ Tiên Lãng 10/2/2012

-  Ăn cướp đất người ta, phá nhà người ta, rồi vu cho người ta giết người! Có trời nào chứng?

Người dân nói với nhau như vậy khi báo đăng tin Viện kiểm sát Tiên Lãng ra cáo trạng truy tố anh em anh Đoàn Văn Vươn tội giết người.
Người dân cả nước đang bất bình vì sự bất công này.
Nhưng hình như tiếng nói cùa dân không lọt tới trên cao? Và hình như cấp trên không ngó tới  dân oan, bỏ mặc sự lộng hành của cấp dưới?
Bất kỳ một vụ án nào đều phải xét nguyên nhân gây án, động cơ phạm tội, hành vi phạm tội, và cuối cùng là hậu quả của hành vi phạm tội đó.
Vụ án Tiên Lãng nguyên nhân do đâu?
Nguyên nhân đó bắt đầu từ việc Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng, cụ thể là Chủ tịch huyện Lê Văn Hiền được Bí thư  huyện ủy Bùi Thế Nghĩa đồng lõa, và cấp trên đồng thuận, ra quyết đinh thu hồi đất của anh Đoàn Văn Vươn. Nếu là một quyết định đúng, chắc chắn anh Đoàn Văn Vươn sẽ chấp hành, và như vậy không có chuyện gì xảy ra. Nhưng đây là một quyết đinh sai, vi phạm khoản 2, điều 174 Bộ luật hình sự (Lợi dụng chức vụ quyền hạn để giao đất, thu hồi đất…trái pháp luật).
Là một quân nhân phục viên, được học hành tử tế, anh Đoàn Văn Vươn thấy cái sai của chính quyền nên làm đơn khiếu nại. Khiếu nại không được anh kiện ra Tòa, hy vọng sự nghiêm minh của pháp luật phán quyết công bằng, như chính sách của đảng, nhà nước quy định.  Đoàn Văn Vươn đã thực hiện đúng quy trình pháp luật, với một thái độ bình tĩnh, nhún nhường cùa một nông dân chân chất.
Vì quen thói khinh dân, coi dân như rác, Lê văn Hiền, Bùi Thế Nghĩa và cấp trên của họ, không đoái hoài tới lời kêu oan và nỗi  bức xúc của dân. Cái công văn chấp thuận cho thu hồi đất của Chủ tịch thành phố Hải Phòng ký, là lá bùa hộ mệnh cho Hiền, Nghĩa. Tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng hùa theo, xử theo chỉ đạo của lãnh đạo, bẻ cong cán cân công lý. Đảng, chính quyền, tòa án từ trên xuống dưới kết bè tráo trở, đổi trắng thay đen lộng giả thành chân, vi phạm pháp luật, dẫm đạp lên dân.
Họ quen thói nhân danh đảng, nhà nước,  làm bất kỳ điều gì họ muốn!
Còn dân đã quen coi ý đảng là ý trời, sự nhẫn nhục cam chịu!
Đoàn Văn Vươn là người đầu tiên không còn đủ kiên nhẫn chịu đựng nữa.

Nhưng anh vẫn tôn trọng pháp luật. Anh làm đơn kháng án lên Tòa phúc thẩm đề nghị xem xét lại bản án Tòa án huyện Tiên Lãng đã tuyên. Đó là một bản án  oan sai rõ ràng, các thẩm phán đã phải kiểm điểm. Nếu công tâm, Tòa phúc thẩm phải tuyên hủy bản án sơ thẩm, đồng thời buộc Tòa sơ thẩm  bồi thường cho anh Đoàn Văn Vươn theo Nghị định 388 của Thủ tướng chính phủ.
Nhưng Tòa phúc thẩm lại dẫm chân lên lối mòn hành dân, mở phiên hòa giải, tạo điều kiện cho Chủ tịch huyện Tiên Lãng lừa dân. Trưởng phòng tài nguyên môi trường, đại diện Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng, hứa  tiếp tục cho anh Đoàn Văn Vươn thuê đất. Lời hứa của người đại diện chính quyền trước cơ quan pháp luật ai không tin? Anh Đoàn Văn Vươn đã rút đơn kháng án.  Thế là hòa giải thành!
Cái ý thức tôn trọng pháp luật và sự thật thà chân chất của anh Đoàn Văn Vươn luôn thể hiện một cách nhất quán.
Anh đâu ngờ phiên hòa giải là cái bẫy chính quyền giăng ra lừa mình? Anh Vươn chất phác, trung thực đâu có ngờ lời hứa ấy lại là của bọn lưu manh chính trị chui vào chính quyên fnhà nước!
Không ở đâu chính quyền lừa dân như thế?  Tráo trở với dân đến thế! Họ lật mặt dễ như trở bàn tay!  Khi tờ biên bản hòa giải thành chưa ráo mực, Lê Văn Hiền ký lệnh cưỡng chế .
Lê Văn Hiền biến bản án sơ thẩm oan sai, trái pháp luật thành một bản án có hiệu lực, biến tờ biên bản hòa giải thành lừa đảo thành cái mặt nạ che cho anh em y và Bùi Thế Nghĩa!
Với động cơ chiếm đoạt bằng được 20 hec-ta đất đầm nuôi trồng thủy sản của Đoàn Văn Vươn, Lê Văn Hiền và đồng bọn đã không từ bất cứ thủ đoạn nào để đạt được mục đích. Đó là nguyên nhân gây ra vụ án.
Động cơ gây án.
Chính quyền Tiên Lãng không thể cho rằng đây là việc làm vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng như họ đang ngụy tạo, ngụy lý. Cũng không thể vu khống anh Đoàn Văn Vươn trốn thuế, không có công tích gì như bí thư thành ủy Nguyễn Văn Thành rêu rao.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Giải quyết vụ án
đối với ông Vươn "bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Kiến nghị các cơ qua tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo do các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng".  
Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang: "các quyết định
thu hồi, cưỡng chế  đầm tôm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn
ở xã Vinh Quang đều trái luật và yêu cầu sớm khởi tố,
điều tra cán bộ đã chỉ đạo phá nhà ông Vươn
Mục đích thu hồi 41 hec-ta đất nhằm chia chác nhau lấy tiền bồi thường. Cái đầm này nếu thu hồi trót lọt, và nếu như cái dự án viển vông “Sân bay quốc tế” được thực hiện thì chỉ mang lại lợi ích cho anh em Lê Văn Hiền, Lê Thanh Liêm, Bủi Thế Nghĩa và phe nhóm. Vì lợi ích phe nhóm, họ liên kết chặt chẽ, bợ đỡ,  níu kéo nhau hành động trái pháp luật.
Ngược lại, Đoàn Văn Vươn luôn phải thụ động đối phó. Bằng văn bản khiếu nại, khiếu kiện không được, đành “liều mình như chẳng có” dùng biện pháp cuối cùng là chống đối.
Dù bất đắc dĩ phải dùng biện pháp âý, Đoàn Văn Vươn cũng chỉ muốn chính quyền dừng cuộc cưỡng chế bất hợp pháp lại. Hãy nghe lời nói như trăn trối của  Đoàn Văn Vươn, khi anh chắp hai tay vái chủ tịch huyện Lê Văn Liêm: “Cháu xin chú thương vợ con cháu dừng cuộc cưỡng chế lại, để cháu thu hoạch vụ tôm. Cả cơ nghiệp nhà cháu dồn vào đấy, nếu chú cứ làm như vậy thì đằng nào cũng chết, cháu sẽ liều, và sẽ có đổ máu cho chú coi!” .
Trong kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra thành phố Hải Phòng, không có bất kỳ tình tiết nào về việc anh em Đoàn Văn Vươn cố ý đồ giết người. Họ không hề bàn bạc với nhau giết ai? Làm thế nào để giết? Đây là một yếu tố bắt buộc cấu thành tội giết người có tổ chức như Viện kiểm sát nhân dân Tiên Lãng đã truy tố anh em Đoàn Văn Vươn. Anh em Đoàn văn Vươn chỉ bàn  nhau ngăn không cho cưỡng chế trái phép đất của họ. Họ rào nhà không cho lực lượng cưỡng chế vào. Họ báo trước cho lực lượng cưỡng chế biết nguy hiểm. Trước khi xảy ra vụ cưỡng chế Đoàn Văn Vươn lên huyện gặp Lê Văn Hiền, Bùi Thế Nghĩa van xin. Ngay trong ngày cưỡng chế  Đoàn Văn Vươn vẫn đội đơn lên thành phố van xin.  Không kẻ tội phạm giết người nào lại hành xử nhẫn nhịn thiện chí đến như vậy.
Lê Văn Hiền, Bùi Thế Nghĩa biết trái pháp luật vẫn ra quyết định thu hồi đất, chỉ đạo Tòa sơ thẩm  xử  oan sai, chủ động bày trò “hòa giải đểu” để lừa Đoàn Văn Vươn, ra lệnh  cưỡng chế “bừa”... Rõ ràng không còn là một tổ chức chính quyền, mà giống như  bọn cướp có tổ chức. 
Bọn cướp ấy đã được chủ nhà cảnh cáo là nếu cứ xông vào nhà người ta sẽ gặp nguy hiểm! Không ai có chủ đích giết người lại đi báo trước như vậy. Đây là thể hiện sự dấn thân liều mạng vì công lý, vì lẽ phải, vì quyền lợi thiết thân đã 20 năm cơ cực, gian nan với biết bao mồ hội nước mắt của mấy anh em họ Đoàn. Họ cùng rơi vào hoàn cảnh nguy cơ bị trắng tay, bị cướp không như những nông dân đồng Nọc Nạn (Bạc Liêu) năm xưa.
Nhẽ ra, đến phút ấy, dù đã mất hết lương tâm  với dân, Lê Văn Hiền phải tỉnh táo nghĩ đến hậu quả đối  với phe nhóm y và bản thân y trước sự chí quyết của người nông dân. Từng là nhà giáo, chả nhẽ Hiền không biết câu dân gian: “Thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân!”. Nhưng do mù quáng hay vì trên thúc ép, Lê Văn Hiền hung hăng đến mụ mị  như con thú say mồi! Bên cạnh Lê Văn Hiền là Bùi Thế Nghĩa, một thành ủy viên, một bí thư huyện ủy cũng không hơn. Và “yếu tố sức mạnh” trùm lên làm cho hắn vững bước dấn tới là những ý kiến và động thái che chở là cấp ủy, chính quyền, công an thành phố Hải Phòng.
Hành vi phạm tội.
Trên danh nghĩa Nguyễn Văn Khanh, phó chủ tịch huyện Tiên Lãng cầm đầu cuộc cưỡng chế, nhưng  thưc tế Lê Văn Hiền, chủ tịch huyện, Bùi Thế Nghĩa, bí thư huyện ủy và Đỗ Hữu Ca giám đốc công an thành phố Hải Phòng trực tiếp chỉ huy 102 cán bộ chiến sỹ công an, quân đội, trang bị đầy đủ vũ khí, khí tài và cả chó nghiệp vụ trong cuộc cưỡng chế bất hợp pháp.  Luật pháp không cho phép huy động lực lượng quân đội vào cưỡng chế, dẹp biểu tình cũng như các vụ việc dân sự tương tự. Lê Văn Hiền, Bùi Thế Nghĩa đã lạm dụng chức vụ quyền hạn làm trái luật từ đầu đến cuối.
Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Qúy và mấy anh em trong gia đình, rào nhà và sử dụng 2 kíp mìn, hai khầu súng hoa cải chống lại. Hai kíp mìn tự tạo và hai khẩu súng hoa cải của anh em Vươn không nằm trong danh mục vũ khí cấm sử dụng theo Nghị định 48/CP của Thủ tướng chính phủ ban hành ngày 12-8-1996. Không nằm trong danh mục quy định của Nghi định, nghiễm nhiên không thể quy trách nhiệm tàng trữ vũ khí trái phép, và chưa thể kết luận người ta sử dụng để giết người, khi thực tế không ai bị giết. Đó là một luận đề cơ bản trong phạm trù tội phạm học. Không hiểu sao trong  quyết định điều tra không đề cập đến tình tiết ấy, lại nhấn mạnh các danh từ “súng, mìn” làm nặng  thêm tội lỗi anh em Vươn?
Soi vào 4 yếu tố cấu thành tội phạm của nguyên tắc pháp luật, cơ sở luận tội: Về chủ quan: Sự phản ứng trước quyết định trái pháp luật đã được anh Vươn báo trước, đề xuất, thậm chí xin xỏ, khẩn thiết yêu cầu. Về khách quan: Việc quyết định sai trái, hưa mà không làm, cố tình chiếm đất, thẳng cánh cưỡng chế thu hồi bất chấp pháp luật của chính quyền huyện Tiên Lãng, dẫn tới chống cự, xô xát. Về chủ thể: Anh Vươn không cố tình hoặc sắp sẵn âm mưu từ trước để giết người, mà đã ra tuyên bố rằng nếu cứ cưỡng chế lấy đất thì anh ta buộc phải tự vệ. Về khách thể: Những tang vật thu được không phải là vũ khí cấm sử dụng, vì tác lực của nó yếu, ít gây hại, và nhất là trong vụ này không có ai chết. Cả 4 yếu tố cấu thành tội phạm như đã phân tích trên đây,  sao lại quy chụp tội giết người?
Đội quân cưỡng chế bất hợp pháp phạm thêm một tội nữa, là phá rào xông vào nhà anh Đoàn Văn Qúy. Nhà anh Đoàn Văn Qúy không thuộc quy hoạch giải tỏa, không có quyết định cưỡng chế tại sao lại xông vào, khi người ta không cho vào? Một đại tá giám đốc công an thành phố có mặt tại đó, mà để lính ngang nhiên vi phạm điều 46 và khỏan a, b điều 124 Bộ luật dân sự năm 2005, quy định về quyền bất khả xâm phạm tài sản, nhà ở của công dân?
Anh em Đoàn Văn Vươn cho nổ hai kíp mìn và bắn hai phát súng hoa cải là hành vi tự vệ, sự tỏ rõ thái độc hí quyết để chính quyền, công an qua đó phải xem lại vụ việc, chứ không phải  hành vi chống người thi hành công vụ, càng không phải là hành ví giết người.
Nếu phải truy cứu hành vi giết người, thì đối tượng chính là những kẻ ra lệnh cho công an, quân đội  xả súng bắn vào nhà anh Qúy. Họ dùng vũ khí quân dụng, tầm sát thương rất cao, mức nguy hiểm nặng bắn thẳng, với mục đích tiêu diệt chứ không phải bắn chỉ thiên cảnh cáo.
Phải chăng đấy cũng là  nguyên nhân làm  Lê Văn Hiền, Bùi Thế Nghĩa run sợ, nên ép Nguyễn Văn Khanh đập nhả anh Qúy để xóa dấu vết trên hiện trường?
Hậu quả vụ án Tiên Lãng  không  ai chết, có 6 người bị thương từ 1 đến 43 % (cái tỉ lệ này cũng cần xem lại, thường là vẫn có sự xen vào vì mục đích riêng làm sai thực chất, mất khách quan), toàn bộ nhà cửa của Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Qúy bị san bằng thành bình địa, 41 hec - ta đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình anh Đoàn Văn Vương biến thành hoang phế.
Một vụ án không có người chết mà gọi là một vụ án “giết người” thì quá gượng ép.
Theo luật sư Trần Đình Triển, trong vụ án này anh em anh Đoàn Văn Vươn phạm tôi tự vệ quá giới hạn, hoặc phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp; hậu quả đến đâu xử đến đó. Việc truy tố theo điểm d, khoản 1, điều 93 Bộ luật hình sự là không đúng tội.
Luật sư Nguyễn Viết Hùng cho rằng: “Kết luận điểu tra chưa lột tả được diễn biến sự việc. Tính tiết đội cưỡng chế đi vào khu đầm chưa được làm rõ, bởi lực lượng cưỡng chế đã phá rào đi qua nhà ông Qúy nằm ngoài khu vực giải tỏa, tất nhiên là không thể”.
Điều trớ trêu nữa, là Viện kiểm sát truy tố chị Thương, chị Hiền tội “Chống người thi hành công vụ”.
Một quyết định thu hồi đất sai, một bản án sai, một quyết định cưỡng chế sai, một đội cưỡng chế xâm phạm tư gia bất hợp pháp, các thẩm phán  bị kiểm điểm, chủ tịch xã, huyện bị khởi tố - Một việc làm  sai tuốt tuột từ đầu đến cuối, từ trong ra ngoài, đã bị Thủ tướng chính phủ kết luận, thì công vụ cái quái gì mà kết tội người ta chống người thi hành công vụ?
Một người dân Tiên Lãng đã Comment vào trang Blog BVB: “Các vị từ thành ủy đến UBND, Công an thành phố Hải Phòng, đều lớn tiếng ngụy lý, ngụy giải đổ vấy cho dân oan Đoàn Văn Vươn, đồng thời cố tình tranh đúng, đoạt phải, bênh che cho cán bộ huyện, xã, kéo dài rồi xử nhẹ vụ án phá nhà anh Vươn, nay lại ép anh Vươn vào tội giết người Làm như thế có trời nào chứng!”.
Đúng, làm thế trời nào chứng !
Vụ án Tiên Lãng bây giờ khộng còn của riêng huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Đoàn Văn Vươn bây giờ không còn là số phận của bản thân  anh.
Tiên Lãng đã và đang là tiêu điểm để cả nước và bên ngoài nhìn vào. Số phận Đoàn Văn Vươn là số phân của hàng ngàn dân oan. Luận tội, xét xử thế nào không đơn thuần chỉ khoang lại vụ việc mà sẽ là tiếng vang thể hiện bản chất chế độ XHCN ở nước ta hiện nay, bản chất về quyền làm chủ của nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò của Nhà nước từ gần 70 năm đã mang danh “của dân, do dân, vì dân”!
Vì dân, vì uy tín chế độ chính trị hay vì một nhóm tham quan?
Đó là một câu hỏi rất bức xúc.
Nguyễn Trãi nói thuật trị nước không được mất lòng dân, mà phải làm cho “Trong thôn cùng, xóm vắng không có tiếng hờn giận oán sầu”. Nhân nghĩa của Ức Trai chỉ có một lẽ duy nhất mà thôi, lẽ đó xuyên suốt, rộng khắp trong mọi lúc, mọi nơi với mục đích duy nhất: Vì dân. "Nhân nghĩa thì giữ cho thế nước được yên" (Nguyễn Trãi, toàn tập, Nxb KHXH, in lần thứ hai, Hà Nội, 1976, tr.290); "... thế nào cho thuận lòng dân, ngõ hầu có thể không đến nỗi lấy điều muốn của một người mà ép nghìn muôn người không muốn phải theo, để làm phép hay của một đời" (sách đã dẫn, tr. 195);
Ông thẳng thắn khuyên các vị làm quan, giữ nền chín trị, kỷ cương chính pháp: "Hòa thuận tôn thân, nhớ giữ một lòng hữu ái, thương yêu dân chúng, nghĩ làm những việc khoan nhân. Chớ thưởng bậy vì tư ân. Chớ phạt bừa vì tư nộ… (cần biết) nghe can gián, ra một chính sách, một mệnh lệnh, phát một lời nói, một việc làm, đều giữ chính trung làm theo thường điển ngõ hầu trên có thể đáp thiên tâm, dưới có thể thỏa nhân vọng, thì quốc gia mới được yên vững lâu dài" (sách đã dẫn, tr. 203).
M.D   
 http://bvbong.blogspot.com/2013/01/troi-nao-chung.html

2 comments:

  1. Nào đã hết đâu, đoàn quân ấy còn trâng tráo kiện cáo, đòi bồi thường . . Sau cùng cũng để thấy ai mạnh hơn ai! Anh Vươn ơi, từ nay xin đừng nhắc đến công lý, cho tôi đỡ khát thèm. Nhắc đến pháp luật làm chi, còn sống cũng ngậm hờn. Nghĩ đến Tự do làm gì, tôi chết cũng mang theo . .

    ReplyDelete
  2. Tôi không bi quan bởi hiện thực xã hội hiện nay , vì xét một cách khoa học bộ máy lãnh đạo nhà nước bây giờ không chống nổi tham nhũng , không vực được nền kinh tế suy thoái,dân tình không tin tưởng ... Mặt khác không thiếu những người có tài , có tâm họ đã và đang làm tất cả những gì có thể để tình hình sẽ khác đi và hơn tất cả là từng ngươì dân bằng khả năng và bằng cách của mình hãy chiến đấu với những bất công ,cái xấu cái ác .

    ReplyDelete