Translate

Thursday 20 September 2012

"Rẻo đất nhỏ của Thượng đế"

Chả hiểu từ bao giờ, tôi bắt đầu cảm thấy gần gũi với những người nông dân. Hay vì ghét chốn đô thị ồn ào bụi bặm mà đâm mê những là ruộng lúa nương ngô, những là vườn cây ao cá?
Hồi về Đường Lâm, nhìn một nàng bò tơ đỏm dáng và óng mượt, đủng đỉnh đi ngang qua cũng thấy mê tít. Kệ mùi hôi hôi của ả, tôi thích thú giơ chạm tay vào lớp lông mềm mại âm ấm, cảm thấy sự sống chảy giần giật dưới tay mình. Rồi chỉ nhìn đàn vịt túa đi như dòng sông đang chảy thôi cũng thấy phấn chấn lạ thường.
Tôi đọc sách báo, thấy trên thế giới người ta đang giành giật lại từng mảng mầu xanh quý giá đang ngày một biến mất. Nào là đô thị hóa, sa mạc hóa. Hiệu ứng nhà kính khiến trái đất nóng lên, băng ở hai đầu địa cầu đang tan chảy khiến mực nước biển dâng cao, nhiều vùng đất có nguy cơ bị chìm dưới nước...
Rồi ở nhiều nước trên thế giới, thủ đô của họ thường có rất nhiều công viên lớn đan xen, được xem như những lá phổi của thành phố. Vậy mà thủ đô mình có mỗi cái công viên Thống Nhất, gọi là to to một tý thì bị xà xẻo hết góc này góc nọ. Dăm ba lần đã thoát nạn bị xẻ thịt làm khách sạn hay khu vui chơi tổng hợp, nay lại lăm le bị cắt ra để xây bãi đỗ xe ô tô cho người giàu.
Trông người lại ngẫm đến ta. Đất nước mình nhỏ, nhưng cái gì cũng thích nhất, cũng thích sánh vai với các cường quốc năm châu. Nước bé, nhưng thủ đô lại muốn to vật vã, sát nhập các tỉnh liền kề vào cho nó hoành tráng, thế nên bây giờ dân thủ đô ta có thêm cả dân tộc thiểu số!
Trước đây không để ý, cứ nghĩ nông thôn nghĩa là kèm theo mùi phân trâu, phân gà, phân lợn. Đến lúc được bạn bè cho đi ké về miền quê, thấy ngô lúa xanh tươi bời bời, đường làng quang quẻ (tuy thỉnh thoảng cũng còn phân trâu, phân chó trên đường làng – phân chó thì ở đô thị cũng luôn phải dè chừng). 

Góc bình yên của làng quê
Rẻo đất nhỏ của Thượng đế


Tất nhiên đây là nông thôn khá gần với thành thị. Thế nên người ta quyết tâm chuyển đổi hẳn họ thành dân thành thị, bằng cách biến những cánh đồng thành sân gôn, hay những tòa nhà cao tầng của khu đô thị sinh thái. Tôi đã có dịp mục kích một phần khu đô thị này, và không một chút nào tin tưởng, rằng nó dành cho những cư dân thành thị mới chuyển đổi này.
Không thích cũng mặc, chính quyền cứ bảo đây là chủ trương phát triển lớn, nên đem cả quân đội và công an hỗ trợ cho chủ doanh nghiệp, đi thu hồi đất của nông dân. Chỉ một số ít người ngoan ngoãn chấp thuận, còn đa phần nông dân là kiên quyết không chịu mất ruộng vườn.
Sau cuộc cưỡng chế làm chấn động dư luận trong và ngoài nước về mức độ tàn bạo của nó, chính quyền có vẻ chùn bước, bỏ mặc doanh nghiệp “chiến đấu” với người dân. Đất đai thuộc diện đang tranh chấp đành để hoang. Người dân chỉ dám trồng trọt các loại rau ngắn ngày, để có bị máy vào ủi trộm cũng không thiệt hại lớn. Đã bốn năm tháng nay, kể từ cuộc cưỡng chế ngày 24/4 năm nay, người dân vẫn kiên trì đi gõ cửa các cấp chính quyền từ tỉnh cho đến trung ương, khiếu nại về việc cưỡng chế mà họ khẳng định là trái pháp luật.
Tôi mới chỉ biết về những cuộc biểu tình của những người nông dân Văn Giang, Dương Nội đi đòi đất qua tin tức trên mạng. Hôm qua mới lần đầu tiên ra xem bà con đi biểu tình như thế nào, chả gì cũng trăm nghe không bằng một thấy.
Đạp xe đạp ra 46 Tràng Thi, thấy bà con đứng ngồi đông đặc hai bên đường. Bà con Dương Nội mặc áo phông đỏ, bà con Văn Giang mặc áo thường. Tôi ước chừng từ 400 đến 500 người. Cổng số nhà 46 Tràng Thi đóng chặt, còn bà con thì ngồi kín vỉa hè. Trong khi tôi chụp ảnh, một tay mặc thường phục cứ nhìn tôi, bà con bảo: công an huyện Văn Giang đấy.



Xem ra bây giờ tự bà con nông dân cũng đã chụp ảnh, đưa lên mạng nhoay nhoáy nên họ cũng chả thể bưng bít được nữa. Còn trước đây ai mà giơ máy lên chụp là an ninh chìm nổi chả xô vào, không giât máy thì cũng chả“tịch thu” ngay thẻ nhớ ấy à.
Tôi nhìn số lượng người ngang bằng cuộc biểu tình chống Trung Quốc mấy tháng trước. Ờ! Đông người thế này mà không thấy công an Hoàn Kiếm bảo là tụ tập gây rối nhỉ. Người ta gọi là biểu tình đòi đất chứ ai lại nói là tụ tập đòi đất nhỉ?
Khi đại diện của người dân ra khỏi 46 Tràng Thi, bà con lục tục đứng dậy, hò nhau tiếp tục kéo sang 35 Ngô Quyền. Thấy tôi vừa dắt xe đạp, vừa giơ điện thoại quay cảnh bà con rùng rùng kéo nhau đi, một bác gái nom rất phúc hậu bảo:chị đưa em dắt xe cho mà chụp. Bà khác lại bảo: chụp xong nhớ đưa lên mạng nhá.
Tôi ngạc nhiên nhìn người phụ nữ lam lũ: Ồ! Đưa chứ.
-  Báo chí bây giờ ấy à, chuyện vợ chồng nhà người ta đánh nhau thì đưa lên ngay, còn dân đi    biểu tình thì cấm có thấy báo nào đưa một tiếng.
Cứ vừa đi vừa chuyện trò, qua những câu chuyện, mỗi lúc tôi lại một ngạc nhiên hơn về nhận thức của bà con nông dân. Tôi cam đoan rằng, nhận thức của bà con nông dân còn cao hơn ối chuyên viên ở cơ quan cũ của tôi.
Đến 35 Ngô Quyền, tôi đứng bên này đường, thấy khoảng chục người đã đứng trước cổng đang nói rất to. Tôi bèn đi sang xem họ nói cái gì. À, là bà con đang bức xúc về cái cái lời hứa nào đó, rằng sau 3 tháng sẽ giải quyết triệt để... thế mà bây giờ vẫn để bà con đi đi lại lại thế này mà chả giả nhời gì sất.
Ai bức xúc mà chả nói to, cứ gì nông dân? Cái nhà ông cao to mặc thường phục, bị bà con quây xung quanh nói xơi xơi thì nổi quạu, bảo các bà gào thét ở đây thì được cái gì?
Ô hay! Nhà ông này nói hay nhỉ? Gào thét thế còn chả ăn ai nữa là im thin thít. Có gào toáng lên thì may ra mới đánh thức các ông dậy được chứ.

Tôi trở về bên kia đường cùng với đa số bà con đang ngồi chờ. Xe công an bắt đầu vè vè tới. Các hàng rào sắt được kéo ra chăng kín lối vào cổng. Vỉa hè hai bên cổng thì để kín những xe máy và ô tô. Nhóm bà con bị nhốt bên trong hàng rào bức xúc đi lại, vung tay có vẻ giận dữ lắm. Nhóm bên ngoài thì bị loa cảnh sát đuổi, bảo yêu cầu lên vỉa hè đứng.
Ngộ thế! Vỉa hè đâu mà đứng? Mà chính các ông đang đứng đầy dưới lòng đường đấy thây.
Đến lúc bà con bức xúc ầm ầm kéo sang, giằng co to tiếng một hồi rồi thì xe cảnh sát cũng đi mất.

Tôi đứng cùng bà con đến hơn 11 rưỡi trưa, cho đến khi bà con lục tục kéo nhau về. Trời bắt đầu nổi gió, những hạt mưa lắc rắc rơi. Tôi không vội về ngay. Đằng nào cũng đã trưa rồi, thấy gánh bún riêu trên vỉa hè phố Ngô Quyền, ngay gần cái biển tuyến phố văn minh, cấm bán hàng trên vỉa hè, tôi ngồi bên cạnh những cô gái mặc đồng phục váy ngắn của ngân hàng quân đội, làm một bát bún riêu rồi mới đủng đỉnh lên xe đạp.
Trời bắt đầu mưa nặng hạt hơn. Tôi cứ đạp xe đi trong mưa, nghĩ miên man về những người dân Văn Giang, Dương Nội đang lầm lũi trở về nhà, nghĩ về hành trình đi đòi đất của họ không biết đến bao giờ. Nhưng tôi cũng thấy được thái độ của người nông dân kiên quyết lắm, kể từ cậu thanh niên trẻ cho đến những bà cụ già. Không dễ cướp đất của những con người này. Chắc chắn là như vậy!



9 comments:

  1. Thương đôi mắt chỉ biết nhìn xuống cống rãnh chờ mong. Những cảnh người lê la nơi hè phố, nghĩ mà tội. Tội với dân và tội cả với những ngón tay nghìn thu ghi chép. . Hỡi các vị công bộc của dân, sao không còn đồng cảm và tự vấn với lương tâm trước những cảnh đời ngang trái hôm nay?

    Nhưng ta cứ mơ về nơi thiên đường ấy . .

    ReplyDelete
  2. Trần Việt Long20 September 2012 at 21:18

    Dân ta ai chả yêu quê
    Gần,xa... nhiều,ít cũng về chẳng quên
    Quê hương là chốn bình yên
    Là nơi thờ phụng Tổ Tiên ông,bà
    Dù là quê mẹ,hay cha
    Nghèo hay trù phú cũng là quê hương!




    ReplyDelete
  3. Phuong Bich thiet la de thuong!

    ReplyDelete
  4. người yêu hoa phượng21 September 2012 at 16:28

    "Quê hương là chùm khế ngọt
    Cho con trèo hái mỗi ngày
    Quê hương là đường đi học
    Con về rợp bướm vàng bay
    Quê hương là con diều biếc
    Tuổi thơ con thả trên đồng
    Quê hương là con đò nhỏ
    Êm đềm khua nước ven sông..." Bài thơ của Đỗ Trung Quân làm mình nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu ở quê mình.Làng mình có con sông đào chảy ra sông Nhuệ,nước trong xanh.Mùa nước lên,nước sông Hồng đưa phù sa về,nước chuyển sang màu hồng nhưng rất sạch.Chiều hè,cả bọn bạn bè rủ nhau ra sông tắm,vì thế lứa mình,thời ấy đứa nào cũng biết bơi từ lúc rất nhỏ,không giống thanh niên bây giờ,như hai thằng con mình,tập mãi mà cũng chẳng nổi được.Mình hay theo các anh lớn hơn đi câu cá trộm ở ao hợp tác xã,tất nhiên chỉ làm chân loong toong;xách giỏ,xách mồi,đào giun...Mỗi lần cá cắn câu,giật được con giếc bé tí là sướng lắm. Những đêm trăng sáng,chơi đi trốn đi tìm,rồi thì vào vườn vặt trộm ổi xanh,chát ơi là chát,thế mà đứa nào cũng xuýt xoa khen ngon.Làng mình ngày xưa là làng dệt truyền thống,thấy bố mình kể làng Vạn phúc thì nổi tiếng về lụa,còn làng mình thì nổi tiếng về the.Bây giờ thì tất cả đã thành ký ức vì khi sát nhập vào Hà nội,người ta lấy hết đất nông nghiệp,các công ty có quan hệ tốt với tỉnh phân lô san nền bán cho người có tiền làm nhà và cả những người buôn nữa.Nông dân được đền bù 270.000đ một mét vuông,vào lúc bấy giờ có khi là giá cao nhất so với các vùng nông thôn khác.Các cụ nông dân đi họp phán đối,bảo rằng:"Ngày xưa,Cụ Hồ chia đất cho chúng tôi,bây giờ các ông cướp lại hết!",thế mà cán bộ địa phương và cán bộ dự án chỉ cười trừ.Hết đất trồng lúa,cả làng đi ăn gạo đong,làm đủ mọi nghề để kiếm kế sinh nhai.Nhận được một ít tiền đền bù,bộ mặt làng xóm cũng có phần thay đổi.Người ta sửa nhà sửa cửa...phá bỏ nhà cấp bốn để xây nhà mái bằng,thoáng nhìn có vẻ là giầu lên nhưng thực chất không phải là như vậy,thanh niên không có việc làm,"nhàn cư vi bất thiện" nên cũng nhiều tệ nạn xảy ra.Làng mình bây giờ thành phường,nhưng mình cứ thích làng mình vẫn là làng như ngày xưa,vì bây giờ tình làng nghĩa xóm đã vơi đi nhiều quá chứ không chỉ"bay đi ít nhiều" "hương đồng gió nội" như trong bài thơ "Chân quê" của Nguyễn Bính.Ngồi buồn,nghĩ mà tiếc ngày xưa!

    ReplyDelete
  5. Ko đấu tranh thì ra vỉ hè sống,có tranh đấu cũng ngồi vỉ hè, Chống đối thì vào tù,còn đường nào để chọn?
    Đoàn văn Vươn đả biết trước,chọn đúng đường ,nhưng bình gas súng hoa cải ko là chúng chùng bước lại mạnh tay cướp.
    Ước gì có nhiêù ĐVV ko phải bình gas,súng hoa cải, Mà là đồ thật và chính xác

    ReplyDelete
  6. Nước những người chưa bao giờ mất
    Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
    Những buổi ngày xưa vọng nói về
    Rất đáng khâm phục những người nông dân áo vải

    ReplyDelete
  7. người yêu hoa phượng26 September 2012 at 18:24

    " Các anh đi ngày ấy đã xa rồi
    Xóm làng tôi còn nhớ mãi
    Các anh đi Bao giờ trở lại?
    Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong.
    Làng tôi nghèo nho nhỏ bên sông,
    Gió bắc lạnh lùng thổi vào mái rạ.
    Làng tôi nghèo gió mưa tơi tả,
    Trai gái trong làng vất vả ngược xuôi.

    Các anh về mái ấm nhà vui
    Tiếng hát câu cười rộn ràng xóm nhỏ
    Các anh về tưng bừng trước ngõ
    Lớp lớp đàn em hớn hở theo sau.
    Mẹ già bịn rịn áo nâu
    Vui đàn con nhỏ rừng sâu mới về.
    Từ lưng đèo dốc núi mù che,
    Các anh về Xôn xao làng tôi bé nhỏ.
    Nhà lá đơn sơ, nhưng tấm lòng rộng mở.
    Nồi cơm nấu dở bát nước chè xanh
    Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau...". Đây là trích đoạn bài thơ " Bao giờ trở lại " của nhà thơ Hoàng Trung Thông;ca ngợi tình quân dân thắm thiết.Người nông dân một nắng,hai sương,suốt đời lam lũ nhưng tình yêu quê hương,đất nước của họ thì bao la vô cùng.Họ hy sinh quyền lợi cá nhân để đóng góp sức mình "thóc không thiếu một cân,quân không thiếu một người"cho cuộc chiến đấu giải phóng Tổ quốc.Nhưng những năm gần đây,cuộc sống của đại đa số nông dân là quá vất vả.Họ bị mất hết ruộng đất,thứ mà cả ngàn đời nay gắn liền với cuộc sống của người làm ra hạt thóc,củ khoai.Nhìn những người nông dân chân lấm tay bùn,bán lưng cho đất,bán mặt cho trời làm ra hạt gạo để nuôi sống toàn xã hội từ Văn giang,Dương nội và các vùng quê khác káo lên Hà nội mà thấy thương làm sao!Tại sao yêu cầu chính đáng của họ không được giải quyết?.Các ban ngành chức năng cứ hứa suông từ ngày này qua tháng khác,cứ xem họ như là người đi xin không bằng!Hình như cái tình của những người lãnh đạo đã cạn kiệt từ bao giờ,có lẽ họ không nghe thấy gì,không nhìn thấy gì nữa hay sao?.Họ đã quên những gì ngày xưa!

    ReplyDelete
  8. Nhìn những khúc xương người chơ vơ sau cưởng chế Văn Giang chợt nhớ lại những ngày đầu tháng 5/1975 ở miền Nam: cũng đào mồ cuốc mả, đốt sách, cưởng bức lao động, tịch thu nhà cửa, vàng bạc, ruộng đất, đẩy đi vùng kinh tế mới, cũng "tất cả vì đất nước giàu mạnh, vì ấm no hạnh phúc của nhân dân..."

    ReplyDelete
  9. người yêu hoa phượng12 October 2012 at 12:20

    PB cho mình sửa lại cái câu viết sai" bán lưng cho đất,bán mặt cho trời " thành "bán mặt cho đất,bán lưng cho trời" nhé!( Ở comment 18:24 ngày 26 tháng 9 năm 2012).Vào nhà người ta,viết sai thì phải sửa chứ,đúng không PB? Nhiều khi mình thấy trên báo "lề phải" họ viết sai mà chả thấy xin lỗi hay đính chính gì cả!

    ReplyDelete