Translate

Saturday, 8 September 2012

HỌ CÓ PHẢI CON CÁI CÁC ANH ĐÂU MÀ BẢO NÓI NHẸ KHÔNG NGHE...?

Sáng đi chợ muộn, về đến đầu đường Chùa Hà giáp bùng binh, thấy một anh công an áo xanh đang nói to, giọng rất hách dịch. Bên cạnh đó là mấy chú thanh niên nhỏ thó, ăn vận dáng người ngoại tỉnh, vẻ mặt rất thiểu não. Kế đến là cái xe tải cảnh sát to đùng, chắc chuyên để chở xe máy vi phạm. Tôi dừng lại lên tiếng:

- Ấy, sao nói với dân mà anh to tiếng thế, sao lại dữ dằn thế?
Anh công an ngạc nhiên quay lại nhìn tôi, hẳn thấy tôi có vẻ chả sợ hãi gì bèn đổi thái độ cười cười:
- Nói nhẹ không nghe thì phải nói nặng mới được.
- Không được! Họ có phải con cái mình đâu mà bảo nói nhẹ không nghe thế?
Anh công an lảng ra chỗ khác. Tôi quay ra hỏi 2 cậu thanh niên đang dúm dó chờ đến lượt, trong khi một người đàn ông dáng vẻ khá chững chạc cũng đang bị lập biên bản.
- Các cháu phạm lỗi gì?
- Dạ đi ngược chiều ạ
- Không biết đường à?
- Dạ đây là lần đầu chúng cháu đến đây, đi đưa gạch cho công trình.
- Khổ, chả cứ các cháu không biết đường đâu.
Đã thế mấy cậu thanh niên “nhà quê” này lại còn không đem theo giấy tờ. Bảo là đang làm việc, chủ kêu đi giao hàng là cứ thế phóng vội đi. Cửa hàng thì mãi tận Lạc Trung, cách hơn 10 cây số, đến tay công an nghe thấy còn lắc đầu ngán ngẩm nữa là.
Tôi không biết nói điêu, chỉ là ko có ý định ghi âm nên không có bằng chứng. Hai cậu thanh niên này bảo chỉ có 200 ngàn trong túi, hối lộ các anh ấy 200 nhưng các anh ấy đòi 400 cơ. Tôi hiểu quá đi ấy chứ. Hồi mới đến đây ở, tôi cũng bị một lần ở quãng này. Các anh ấy cũng viết biên bản, bảo lẽ ra phạt 600 ngàn, nhưng có chiếu cố nên phạt 400 thôi. Tính mình cả nể sao đó, thấy phạt xong lại không đưa biên lai thu tiền, cũng tần ngần định hỏi mà thấy ngại lại thôi – đúng là ngu quá đi mất.
Lần này tôi đứng lại xem họ có làm như lần trước không. Không rõ vì tôi đứng đó, hay vì các anh này làm nghiêm túc thật nên không thấy họ bắt nộp tiền phạt, chỉ xé tờ biên bản đưa cho người đàn ông kia.
Con người ta thật lạ, sao cứ phải xin xỏ làm gì chứ? Trông người đàn ông kia cũng đàng hoàng, thế mà cầm tờ giấy phạt rồi mà cứ nói gì đó vẻ năn nỉ. Tôi không muốn làm khó anh ta nên bỏ đi, trong lòng thấy bất nhẫn cả về hai phía.
Tính tôi một là một, hai là hai. Nếu mình vi phạm, chấp nhận nộp phạt để lần sau nhớ đời, đi đứng quan sát cho kỹ, chứ tôi ghét nhất cái trò xin xỏ. Nhưng với hai cậu thanh niên ngoại tỉnh này, trông họ nghèo khó và tội nghiệp, không lẽ không châm chước cho họ hay sao? Đành rằng luật là luật, nhưng ở cái đất nước này nói đến tính nghiêm minh của luật lại thấy hài hước, nên nghĩ có tha cho họ thì cũng chả làm tổn hại đến tình hình trật tự giao thông vào lúc vắng hoe vắng hoét người qua lại thế này.
Hôm trước ngồi với một tay phó giám đốc sở GTVT Hà Nội, tôi bảo người ta có quyền nghi ngờ ngành GTVT các anh, kết hợp với công an để chuyên đặt ra các loại biển bẫy dân nhằm moi tiền phạt. Ví dụ cái đoạn đường từ Liễu Giai rẽ vào Ngọc Khánh rất to nhưng lại không cho rẽ phải khi có đèn đỏ. Còn đường Phạm Ngọc Thạch rẽ vào đường Trường Chinh rõ bé thì lại cho rẽ phải.
Lẽ ra các anh làm trong ngành giao thông, phải nghiên cứu làm sao cho cái sự đi lại của người dân được thuận lợi hơn, chứ cứ máy móc nhiều khi đến mức vô lý như thế chỉ làm khổ dân. Mà nói thật, trước hết vì nhu cầu cuộc sống, người ta vẫn cứ tranh thủ được lúc nào hay lúc ấy. Sau đó là đến việc tiền phạt chắc gì đã nộp vào ngân sách, hay chỉ béo mấy tay công an giao thông? Còn mấy ông công an thì mở miệng ra là đổ cho dân ý thức kém. Gớm, các ông thì ý thức cao lắm đấy, nhận tiền nhanh như chảo chớp mà còn nói giọng đạo đức.
Tay phó giám đốc chỉ ngồi cười – cãi sao được?
Chỉ có đi ra ngoài có một chốc đã nghe thấy những điều nghịch nhĩ. Các vua ngày xưa cũng nhiều lần thực hiện các cuộc vi hành trong thiên hạ, nhằm tìm hiểu cuộc sống dân gian. Nếu các vị lãnh đạo của ta mà cũng làm như vua ta ngày xưa thôi thì hẳn dân sẽ đỡ khổ rất nhiều.
Chuyện vui trong thiên hạ - một người hỏi thăm một công an, bảo sao lại phải chuyển công tác sang phường khác? Cái phường đấy trật tự an ninh tốt thế còn gì?
Ôi giời! Đúng là chả hiểu biết gì! Tốt thì còn làm ăn được gì nữa? Hỏi thế mà cũng hỏi!

12 comments:

  1. Gía mà bà chị làm Vua
    Vi hành để tóm lũ lừa đảo dân
    Thương cho đồng loại đã bần
    Còn bị kẻ cướp"sờ lần"chẳng tha...

    ReplyDelete
  2. Đúng quá. Lẽ ra phải hỏi: "Ơ . . thế, chứng minh thư của cháu không ghi tên anh công an khu vực à? Các cháu không sợ phải oan nghiệp ngồi tù những bốn năm à?". .

    ReplyDelete
  3. Blog xài tạm:
    http://ntuongthuy.blogspot.com/

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bên nhà bác Thụy và blog Tễu chúng đánh tơi tả, rất khó vào, đã vào rồi ra cũng dính web cấp tập phải tắt đèn làm lại...
      Cảm ơn bác cho cái "nhà tạm mới"

      Th

      Delete
  4. Người tuổi Thìn còn rất phong độ9 September 2012 at 03:43

    "Phuong Dang Bich thỏ thẻ với nhà văn Bảo Ninh.

    - Em là em sợ chiến tranh lắm, nhất là nỗi buồn chiến tranh.

    Nhà văn Bảo Ninh.

    - Thế em thích tình yêu không, anh cho một thân phận.

    Phương Bích cười tít mắt.

    - Nhớ nhé, hôm nào mát trời em đến cho em một thân phận tình yêu nhé."

    Đọc đến đây mình thấy thật buồn P. Bích ạ. Thật đấy.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tôi thực sự không muốn thanh minh, nhưng tôi chả hiểu điều này có gì khiến "Người tuổi Thìn còn rất phong độ" phải phiền lòng. Đây là lần đầu tiên tôi gặp nhà văn Bảo Ninh, nghe Xuân Diện giới thiệu mới biết. Có bày tỏ lòng ngưỡng mộ. CÒn đoạn hội thoại trên facebook là của Người Buôn Gió chọc ghẹo cho vui. "Thân phận tình yêu" là tên ban đầu của tác phẩm "Nỗi buồn chiến tranh" của nhà văn Bảo Ninh mà tôi đã đọc.
      Tôi nghĩ ngay cái nick Người tuổi Thìn còn rất phong độ đã có vẻ thiếu nghiêm túc rồi. Xin lỗi Người tuổi Thìn còn rất phong độ nhé, nếu lần sau bác còn lấy cái nick này, tôi sẽ không đăng nhận xét của bác nữa đâu.

      Delete
    2. "Người tuổi Thìn còn rất phong độ" buồn vì nghĩ là mình mất chị Phương Bích vào tay Bảo Ninh rồi chứ ko có gì đâu chị ạ, thông cảm cho anh ấy đi. Hihi

      Delete
    3. Thợ săn độc tài10 September 2012 at 04:26

      Người tuổi Thìn này sao lại "buồn" chuyện người khác nói đùa với nhau? dẩm dở và vô lý đến thế là cùng! Chắc ông này cũng không biết "Thân phận tình yêu" là tên ban đầu của tác phẩm. Đến chán, nên đổi tên là "Người tuổi Mùi đã hết phong độ"

      Delete
    4. Người tuổi Thìn còn rất phong độ17 September 2012 at 12:16

      Người tuổi Thìn còn rất phong độ23:53 Ngày 16 tháng 9 năm 2012

      "Người tuổi Thìn còn rất phong độ" thành thật xin lỗi Phương Bích về mấy câu đùa vui nhưng cũng không được tế nhị vừa qua. Tất cả cũng chỉ tại quá yêu mến và cảm phục tinh thần yêu nước của một người phụ nữ Hà Nội hiếu thảo với cha mẹ,dũng cảm đối mặt với bạo quyền.
      PB tha lỗi cho NTTCRPĐ nhé!Mình ân hận và thương PB trong lúc này lắm.
      Chúc PB và toàn gia đình bình an. Mọi người Việt Nam trên khắp thế giới sẽ bên cạnh PB.

      Delete
  5. Nói chung phải năm nỉ CA vì sợ nó giở chứng lại đưa mình vào đồn thì thôi rồi lụm ơi! mai người nhà tới nhận xác đưa về thi vất vả cho gai đình thêm nữa.

    ReplyDelete
  6. Chị Phương Bích tức làm gì, nói nhỏ chị nghe, cái ngữ "giống đực" ấy nhé, bao giờ cắt gân ở chân không còn máu mới hết cái "máu tuổi Mùi". Hồi xưa Hai Lúa bị chọn ghẹo thì chỉ có đỏ mặt mà ngồi im như thóc, bây giờ nhé, nói tới luôn, miễn đừng sờ "hiện vật" là được. Cao tay thì chị gửi luôn cái message này cho vợ của các ông tướng này đọc. Cứ vui như tết đi chị ơi.....
    Yêu chị.

    ReplyDelete
  7. Hôm nay sau bao ngày mới comment được ở nhà chị, mừng quá là mừng. Thời gian trước từ hôm đọc cái entry " tiếng vỗ tay trong một đám tang" đến giờ khi cứ click chuột vào phần nhận xét là nó chả hiện ra cái gì cả, hôm nay thì thấy phần nhận xét có sẵn cái khoảng trống cho mình comment, mừng húm hihi.

    P/s: Vào blog của chú Thụy không được, mà nó hiện ra cái bảng bắt mình phải log in, em đang thắc mắc thì may quá gặp chú Thụy có lời nhắn ở đây. Tưởng bắt buộc phải đăng ký mới vào được nhà của chú Thụy nữa chứ huhu. Hóa ra là gió to quá làm nhà của chú Thụy xiêu vẹo.

    ReplyDelete