Translate

Tuesday 21 August 2012

TÔI ĐI BIỂU TÌNH 5-8-2012

Tường thuật và cảm nghĩ của một câu sinh viên năm thứ hai. Tôi xin nhường lại mọi lời bình cho người đọc. Cũng xin nói thêm là bố của cậu bé, anh Đào Tiến Thi, một trí thức từng xuống đường biểu tình chống Trung Quốc và từng bị bắt vào đồng công an Mỹ Đình ngày 17/7/2011 khi đi biểu tình . Cảm ơn những người cha như anh đã nuôi dạy nên những chàng trai như thế này.

Phần 1:
Vậy là tôi lại đi biểu tình. Hôm chủ nhật vừa rồi 5-8 là lần thứ ba tôi xuống đường để phản đối những hành động xâm phạm của Trung Quốc đối với chủ quyền trên biển Đông của nước ta, để đấu tranh đòi công lý và hòa bình cho dân tộc, để lên tiếng thức tỉnh triệu triệu người Việt Nam hãy quan tâm đến vận mệnh đất nước, và đơn giản là để được thể hiện lòng yêu nước. Ấy, nói thì hay thế chứ để được đi cũng chẳng dễ. Người ta (nhiều người lắm, lề phải, rồi bạn bè…) bảo mày đi thế là theo đuôi phản động, chống Nhà nước, mày chết. Ở nhà thì mẹ lo, lo sự an toàn, lo chuyện học hành, lo công việc sau này, những là đủ thứ lo khi thằng con cứ đi…yêu nước như thế. Thế nên hè năm ngoái sôi sung sục chuyện biển đảo nhưng đang ôn thi đại học, xin mãi mẹ cũng không cho đi. Năm nay mới được đi. 
Nhưng cái chuyện được đi đã lấy gì làm khó khăn so với khi xuống đường thực sự. Xuống đường mới lắm nỗi gian truân, và cả gian nguy: công an có thể đàn áp, bắt bớ bất cứ lúc nào, nhẹ thì bị giữ đến chiều, nặng thì vài ba ngày, có khi bị đánh, bị trấn lột tư trang, hơn nữa thì cho đi cải tạo vài ba tháng... Đi thì hào hứng mà thật ra cũng thấp thỏm chưa biết sẽ thế nào. Nhưng đến cuộc biểu tình vừa rồi thì tôi đã thực sự… nếm mùi đời. Lần đầu được biết thế nào là công an bắt (mà ở nước mình, đã nghe công an bắt thì người ta phải nghĩ ngay đến cái sự thể ghê gớm lắm, “phải thế nào người ta mới bắt chứ”, tuy rằng chẳng thế nào cả, thực tế là bị bắt cóc), sống gần một ngày trong trại công an, ăn cơm trong đó, và làm việc với công an khi họ nói mình…vi phạm (dù chẳng biết là phạm gì???).
Sáng chủ nhật ấy tôi dậy sớm hơn mọi ngày cả tiếng đồng hồ. Việc đầu tiên là lướt mạng xem “binh tình” thế nào. Tối trước đã hẹn trước với một chú quen trong cuộc biểu tình trước. Chú nhắc lại kinh nghiệm “tác chiến” : “ Không đi sớm quá. Chờ đúng giờ là ào vào luôn. Không cần đông. Thành đoàn là đi luôn”. Tôi hỏi “Tình hình căng không chú?”. “ Có vẻ căng, sẵn sang tinh thần bị bắt” (Mẹ tôi đang ngồi đấy, không dám kể cho mẹ biết, không là có nguy cơ…ở nhà). Chú thông báo lại địa điểm: trước cửa đền Ngọc Sơn chứ không phải tượng đài cụ Lý như lời kêu gọi trên mạng (đại ý chú bảo là để “ dương đông kích tây”, tôi cũng chả rõ). Vâng thì OK chú: 8h30 trước đền Ngọc Sơn (tượng đài Cảm Tử).
Đi tắm sáng cho mát rồi nấu mì tôm ăn. Bố rủ đi ăn phở cho có sức, nhưng mà thôi không thích. Định đập trứng nấu thì bố bảo cho hai quả vào. Lần nào cũng thế, bố mẹ tôi rất là quan tâm chuyện ăn uống, chỉ sợ mình thiếu. Nhưng chịu, một quả là no lắm rồi. Xong xuôi lúc 7h30, lên tìm áo mặc. Không định mặc áo cờ nữa. Phân vân mãi không biết mặc cái áo đen NoU FC hay là áo trắng cũng NoU vì thấy cái nào cũng đẹp, cũng muốn mặc (đi biểu tình cũng phải mặc đẹp chứ). Cuối cùng chọn cái trắng cho nó…tươi.
Bắt xe bus, ra đến bờ Hồ lúc 8h25. Đi thẳng ra tượng đài Cảm Tử. Ra chả thấy ai, quay về tượng đài cụ Lý. Đến đó thấy khá đông công an sắc phục và cả công an chìm (đã có kinh nghiệm mấy vụ trước nên nhìn là biết). Gặp những khuôn mặt quen quen, nhưng số này thì không biết. Đi thêm chút nữa mới gặp những gương mặt thân quen như cô Phương Bích, bác Nguyễn Tường Thụy, bác CCB Nguyễn Văn Dũng (tuy chưa hề nói chuyện với bác) và một vài cô chú anh chị nữa đã từng gặp lần trước nhưng không biết tên. Thấy một em áo NoU còn rất trẻ ngồi cạnh bờ Hồ (sau này biết là em Hà mới 15 tuổi, con cô Lan giáo viên dạy toán). Vui thật, đi “chiến đấu” mà gặp được đồng đội mới thấy ấm áp và vững tâm thêm bội phần. Đặc biệt là với cô Bích và bác Thụy, những biểu tình viên dày dạn và can trường, thì bố mình đã gọi điện gửi gắm mình từ tối trước (vì lần này bố không đi). 
Đứng bên này đường trông sang bên tượng đài LTT thấy hình như mọi người bên đó định mở màn (lúc đó là đúng 8h30). Thấy bên đó lẻ tẻ quá, mà lực lượng an ninh rất đông, đang sấn lên để dẹp. Tiếng loa lại eo éo vang lên. Tôi sốt ruột quá, định sang mấy lần nhưng thấy bên này còn chần chừ. Bác Thụy bảo từ từ xem thế nào. Mấy phút sau đã thấy tin chú Lê Dũng bị hốt lên xe bus (trước đó có hai xe số 24 đỗ bên mạn trái tượng đài). Bên này anh Trí Đức có vẻ cáu tiết vì trước cảnh đó mọi người cũng có vẻ hơi nản: “Bắt thì bắt, một người chứ mấy người cũng có gì. Quan trọng là mình”.
Mọi người tập trung ở đó một lúc. Có chị bế con nhỏ qua, thấy đông người hỏi tôi có chuyện gì thế. Tôi bảo chị không biết à, biểu tình đấy, Trung Quốc nó vào cướp biển Đông mình rồi, nó xua tàu cá nó vào, nó mời thầu trên biển mình, rồi sau nó lấy nước mình chưa biết lúc nào. Chị ấy cười, đứng ngó một lúc rồi bảo: “Thôi chào chú nhá, mẹ con cháu đi dạo tiếp đây”. Rõ là nản, vâng thế chào chị.
Lát sau thấy mọi người hô “cụ Đức đến rồi, cụ Đức đến rồi”. Cụ đi bộ, đầu đội mũ tai bèo, một bên chú Lân Thắng, một bên chú T.B.K “hộ tống”. Hình như đến giờ phút này cụ đã trở thành một điểm tựa vững chắc, một niềm tin sáng suốt mà người ta thấy cần có để làm nên một ngọn đuốc chỉ đường, làm một tiếng gọi của hôm qua để hôm nay tiếp bước. Mọi người hô đi thôi, rồi cả đoàn êm ả chuyển động. Nói êm ả vì lúc đó đoàn đi không hô hào, không biểu ngữ, chỉ đi thôi. Ngay đó có người đẩy xe lăn ra mời cụ Đức lên. Và cũng ngay tại đó, chưa đi được mấy bước đã gặp ngay một ông cao gầy, đầu hơi hói, áo nâu sơ vin (nói thật trông cái mặt cũng không được tử tế cho lắm, gian gian kiểu gì) sấn ngay vào chỗ cụ Đức, làm gì thì tôi cũng không rõ vì đi đằng sau. Sau biết đấy là an ninh khu vực chỗ cụ Đức ở, cụ biết mặt, còn bảo: “Được, cho thằng này nó đi cùng. Càng vui”.
Nhưng mà không xong. Tay này quả nhiên rất đểu. Để chặn xe của cụ, hắn đứng quay lưng vào mặt cụ, trông rất phản cảm về lối ứng xử vô văn hóa đó. Lại một tốp thường phục nữa xông ra, không biết lực lượng nào mà bảo mời cụ vào làm việc (cũng chẳng rõ vào đâu). Mọi người phản đối ngay, chủ nhật không phải ngày làm việc. Và thế là hỗn loạn từ đó. Chúng xông vào lôi kéo xe cụ Đức, du đẩy giằng kéo rất dã man. Còn một chỗ hở ở tay đẩy, tôi cũng nắm vào để giữ mà thấy rung lắc dữ dội. Đám đông hét lên: “Cụ già mà đối xử như thế à?”. Nhưng không ăn thua. Một tốp công an sắc phục mũ bảo hiểm ập vào, và rất đông thường phục cũng vậy. Cánh sắc phục to như hộ pháp, vung tay, thổi còi loạn xạ. Thật nực cười khi một tên thường phục đang cố gạt mình ra ngoài lại bảo: “Bình tĩnh đi bạn, bình tình, không có gì đâu”. Không có gì thì sao anh phải làm thế? Anh hung hăng thế mà đòi tôi bình tĩnh à? Đúng là hết chỗ nói.
Mọi người hô to “Phản đối bắt người yêu nước”. Trong lúc hỗn loạn đó, tuy chỉ đứng cách đó mấy bước mà tôi không biết cụ Đức bị đưa lên ôtô lúc nào và như thế nào. Chỉ có sau đó là nhìn thấy công an đang cố nhét xe lăn của cụ vào đằng đuôi xe. Còn đang ngơ ngác thì đã thấy anh Trí Đức mặt đỏ gay, vẫn rất hăng hái: “ Kệ mẹ nó, bắt thì cho bắt. Cụ Đức bị bắt thì đã làm sao. Cứ đi thôi!”. 
Nhưng chưa kịp đi thì lôi kéo, bắt bớ xảy ra. Anh Trí Đức vừa đứng ngay đấy thôi mà tôi không biết bị bắt lúc nào. Đang loay hoay giữa rừng an ninh thì gặp một tên thường phục, dáng người nhỏ bé, áo kẻ sơ vin, đang sục sạo, mắt đảo liên láo bỗng chỉ tay vào tôi hô : “Cho thằng này lên”. Ngay lập tức hai tên cũng thường phục xông vào nắm tay tôi mà lôi ra xe bus. Kinh nghiệm học được là không phản kháng quá dữ dội để bảo vệ mình, nên tôi vừa đi vừa chùn lại và hô thật to: “Công an bắt người! Công an bắt người!”. Đến cửa xe bus, cứ mấy tên ở dưới ủn lên, mấy tên ở trên kéo vào. Lên trên đã thấy nhiều người bị bắt, có cả bác Thụy, cô Bích, anh Elnino (Thế Anh), anh Trí Đức, bác Lê Hùng (mãi sau này mới biết bác), bác CCB Dũng, bác Xuân (cũng sau này mới biết),… 
Vẫn “máu” nhất là anh Trí Đức, áo sơ mi dài lượt thượt, nhễ nhại mồ hôi, cúc trên cúc dưới bị bung vẫn nhoài đầu ra ngoài cửa sổ hô: “Phản đối công an bắt người” đến nỗi mỗi tên an ninh phải canh chừng một cửa sổ không có đóng cửa này anh ấy lại chạy sang cửa khác. Sau này lúc ở trại anh còn kể : “Lúc chúng nó kéo anh lên xe, nó cứ kéo lên anh lại dúi xuống, cứ thế mãi nó cũng không làm gì được. Sau bọn dưới đẩy lên, có thằng trên kéo chân mới bị lôi vào”. Khỏe thật! Nhưng cũng chưa hết, lúc xe đang chạy, mọi người còn đang nói chuyện bỗng thấy anh ấy quát thằng an ninh thường phục: “Mày đeo băng đỏ vào. Đeo vào anh mới biết mày là an ninh không anh biết mày là ai. Mày đeo vào không anh đánh mày giờ”. Tay này định bơ, trơ mặt ra. Thế là anh ấy xông ngay vào, một tay bóp cổ nó, quát: “Mày có đeo vào không?”. Tưởng đánh nhau to. Tên ấy phải thom thóm lấy băng ra đeo. Vui thật!
Sau khi bị tống lên xe một cách thô bạo được ít phút thì xe chạy. Tôi nhắn tin ngay về cho bố, bảo: “Con bị hốt lên xe bus rồi. Trên này cũng có cá bác, các chú. Con vẫn bình tĩnh. Bố bảo mẹ không lo đâu”. Biết bố mẹ thế nào cũng lo, nhất là mẹ nên phải bảo vậy. Nhớ lần trước bố bị bắt, báo tin cho mẹ xong là mặt mẹ nhìn thất thần rồi. Lẽ ra ở một xứ sở có kỉ cương, luật pháp đường hoàng thì những người dân phải thấy yên tâm và an toàn khi có lực lượng an ninh bên cạnh bởi họ chính là người bảo vệ nhân dân. Còn ở ta thì sao? Làm sao mà yên tâm được khi bao nhiêu tin về người vào đồn công an tử vong vì… tự tử hay va vào cái này cái nọ rồi sứt đầu mẻ trán, chết bất đắc kì tử?
Trên xe bus, ba an ninh sắc phục đứng chặn ở cửa lên. Một tên thường phục chặn cửa xuống (chính là tên bị anh Trí Đức “bắt nạt”). Một tên thường phục nữa ngồi phía trên. Ba tên nữa ngồi sau, trong đó một tên ngồi sau cùng với cô Bích, một tên luôn lăm lăm máy quay nhưng không chăm chỉ tác nghiệp cho lắm (chắc lên xe rồi nó cũng chả cần). Một anh sắc phục nữa đứng giữa. Tất thảy (nếu tôi không nhầm) thì là 9 an ninh với 12 người yêu nước trên xe.
Tôi nhận ra ngay vết thương trên cổ bác Nguyễn Văn Dũng. “Ôi bác bị thương rồi này. Bị chảy máu bác ạ”. Những vết xây xát, những vệt lằn đỏ và một vệt dài rớm máu mà tôi không thể hiểu nỗi chúng đã dùng tay mạnh đến mức nào mà gây ra như vậy. Mà với ai? Những thanh niên lực lưỡng đi lôi kéo, ấn cổ, thô bạo với một người mà trên mái đầu màu trắng đã nhiều hơn màu đen, đáng tuổi cha hoặc ông của họ, và lại trong trang phục một cựu chiến binh. Trên xe bác Thụy mấy lần nói “Chúng tao đây cầm súng chiến đấu lúc chúng mày còn chưa sinh ra”. Tôi lấy khăn mùi soa ra thấm mấy vết máu trên cổ bác mà trước đó bác Thụy đã chụp lại được. Hỏi bác có đau không, bác kêu rát. Không hiểu những kẻ được gọi là an ninh kia, họ ăn cái gì, học cái gì mà đối xử với người có tuổi tàn nhẫn thế? 
Xe chạy. Tôi chả để ý là đi đâu, sau qua cầu Chương Dương mới biết sang Gia Lâm. Cũng không rõ xe chạy thế nào mà lại thấy ở Đông Anh. Thấy mấy người bảo là xe đang thẳng tiến “Lộc Hà nhân phẩm phục hồi trại”.
Trên xe, tôi chạy xuống chỗ anh Thế Anh ngồi cho có bạn. Thấy anh công an đứng cạnh cầm cái tờ giấy của anh mà anh bảo là bùa hộ mệnh bạn tặng. Thấy anh nói gì lúc trước chẳng rõ, tưởng anh cho công an xem, gọi là gây thiện cảm. Nhưng mà tôi lầm, sau này anh kể mới biết là bị chấn. Rõ khổ anh. 
Ngồi ngay trước là một anh cũng rất trẻ. Hơi bị ấn tượng vì thấy anh mặc áo cờ búa liềm (búa mấy chẳng liềm, này thì yêu nước, bắt tuốt). Hỏi sao anh không mặc áo cờ Tổ quốc. Anh bảo đây là áo hôm học lớp cảm tình Đảng nên lấy ra mặc. Anh ấy mới học xong ở trong Thanh Hóa, giờ ra đây tìm việc. Thì ra rất nhiều người yêu nước đi biểu tình tôi gặp có hoàn cảnh vất vả trong cuộc sinh nhai hằng ngày. Người mới ra trường chưa tìm được việc, người thất nghiệp, người đang làm thì bị đuổi việc, người chỉ sống bằng đồng lương ít ỏi… Nhưng với tất cả họ, nỗi lo cơm áo gạo tiền làm sao sánh được với nỗi lo cho Tổ quốc, lo cho vận mệnh dân tộc đang từng ngày, từng giờ bị đe dọa. Cảm phục họ biết bao nhiêu, và xấu hổ biết bao nhiêu cho những kẻ lợi quyền không thiếu gì nhưng chỉ lo ki cóp cho bản thân, quên đi trách nhiệm với xã hội.
Lần đầu bị bắt kiểu này nên lúc đầu có hơi mất tinh thần (chỉ hơi thôi) dù trước đó đã chứng kiến rất nhiều những vụ bắt bớ thế này, dù đã được chuẩn bị rất kĩ về tinh thần khi bố tôi thường xuyên nhắc nhở là đã dấn thân thì phải chấp nhận (khiến tôi nhiều lúc không khỏi nhớ đến câu thơ “Đời cách mệnh từ đây tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề cổ, sung kề tai”). Nhưng tôi cũng nhanh chóng bình tĩnh lại được, thấy các cô chú anh chị cũng ở đây, lại có cái cảm giác vui vui rất khó tả. Lạ thật! Chỉ hiểu rằng tôi đang bị lực lượng an ninh cưỡng chế bất hợp pháp, bị bắt trong khi bản thân không phạm tội gì. Và lúc đó cũng chẳng muốn nghĩ gì, muốn tâm hồn thảnh thơi để chờ đón những giờ phút căng thẳng sắp phải đối mặt khi trước mặt đã thấy lù lù cánh cổng “Trung tâm lưu trú Lộc Hà”. 
Bỗng dưng nhớ lại câu thơ của cụ Phan Châu Trinh vừa đọc lại tối hôm trước:
“Quốc thổ trầm luân dân tộc tụy
Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn”
(Đất nước trầm luân, dân tộc đau khổ;
Làm trai nào sợ đến Côn Lôn)
“Nam nhi” tôi không “phạ Côn Lôn”, “nam nhi” tôi thẳng tiến vào trại Lộc Hà.

Phần 2:
Xe bus tiến vào trại Lộc Hà. Đến một sân nhỏ, hai bên hai dãy nhà cấp 4 thì xe dừng. Mấy an ninh định xuống trước thì anh Trí Đức nói gần như quát: “Ơ cứ thế mà xuống à? Không mời xuống à?”. Một công an nói: “Mời các chú, các anh xuống ạ”. Anh Trí Đức: “Ờ thằng này được. Cái gì cũng phải có trình tự hẳn hoi chứ”. (Đúng là kinh nghiệm bị bắt có khác).
Xuống sân đã thấy khá đông công an đứng chờ đó. Mọi người được dẫn vào trong một căn nhà rộng như cái hội trường, nhưng chẳng có đồ đạc gì. Vào trong đã thấy chú Lê Dũng tươi như hoa đi ra đón. Rồi thấy bác Trương Dũng và một chú nữa (sau này biết là chú Lê Thiện Nhân). Mọi người hỏi thăm nhau mừng mững rỡ rỡ. Không thể nghĩ là mình đang ở trong trại công an. 
Công an đứng dày đặc ở hai đầu cửa ra vào, dù cái cửa bé tí. Tôi lượn quanh một vòng trong căn nhà. Mé bên trái là một dãy những căn buồng hôi hám, mờ mịt chỉ được chiếu sáng bởi một hàng dài song sắt quấn chằng chịt dây thép gai ở mãi phía trên cao. Những căn buồng trông rất tồi tàn, cái có cửa, cái chỉ còn trơ bản lề đã hoen gỉ. Mỗi buồng kê bốn chiếc giường mà chiếc thì đã mất giát, chiếc không chiếu, chiếc sập sệ như muốn đổ (sau này khi ngồi vào một chiếc tôi đã suýt ngã ngửa vì nó đã thiếu mấy cái thang). 
Tôi đi ra gần cửa sổ, đến “nghía” cái bảng nội quy đỏ choét ở cuối phòng. Tôi không biết những bản nội quy như thế này được đặt ở tất cả các trại giam khác trên đất nước hay đây là “của độc” của trại này mà thấy đầy lỗi chính tả (lúc đó đọc sơ qua đếm được 5 lỗi, chưa kể các lỗi khác). Mãi sau tôi nói cái đó với chú Gốc Sậy, chú bảo mày chỉ dỗi hơi. Đúng là dỗi hơi mới đến chốn này mà tìm lỗi chính tả ở một cái nội quy của công an!
Chỉ lát sau thôi đã thấy một đoàn nữa đi vào. Thấy mấy bạn trẻ đã gặp lần biểu tình trước, có anh Aduku, chú Gốc Sậy. Đông vui quá. Mọi người rủ nhau ra sân chụp kiểu ảnh kỷ niệm. Xong rồi một nhóm lại vào trong nhà, tôi cùng nhóm khác ngồi lại trên bậc thềm căn nhà đối diện.
Bên ngoài nắng nóng quá, nhưng được cái thoáng. Mấy bạn trẻ vẫn rất bình thản, vui vẻ, hồn nhiên như cô tiên. Chị Hư Vô với chị Cát Bụi chạy ra chỗ mấy cái lồng chim để ngổn ngang ở góc sân, cẩm lên xem. Chú Gốc Sậy quát “Chúng mày đừng có nghịch chim công an. Bỏ xuống đi”. Mấy người ngồi đấy kêu ầm lên “Chim công an đấy, đừng nghịch của người ta”. Vui ghê cơ!
Chú Gốc Sậy trông buồn cười, cứ cầm mãi cái dép mòn gỉ không biết từ đời nào lên xem, sau mới biết là sửa dép. Nhìn cô Nga (cô cứ chị em với mình, nhưng gọi cô quen rồi) thấy thương thương cô. Lần trước thấy cô đi mà cứ chân đất hành quân khắp đường phố Hà Nội, lần này bụng bầu mà cũng bị lôi kéo về đây. Sau mọi người nói chuyện biết mẹ con cô mỗi người một nơi. Bé Phú đang ở ngoài cổng trại chờ mẹ ra. Rõ khổ! Nhưng mà rất phục cô. Cô tinh thần vẫn rất vừng vàng, vẫn hiên ngang quát mắng công an đã chia tách mẹ con cô, vẫn hăng hái đấu tranh quyết liệt để ra gặp con. Thấy tôi nóng quá, mồ hôi ròng ròng cô lại lấy quạt giấy ra quạt cho.
Ngồi mãi thế cũng mệt mỏi dưới cái nắng oi bức 37 độ. Mọi người vào trong một phòng nhỏ. Bỗng có một anh trẻ đi vào, nói chuyện gì với mấy bạn, cũng chả rõ nói gì vì tôi đang lúi húi vào cái ipad chú Gốc Sậy mới mượn được. Sau anh này đi ra thì một anh khác vào. Lần này tôi ra hóng cùng. Anh ta cứ nghênh mặt lên, chân bắt chữ ngũ, mặt cười khinh khỉnh, tay vân vê cái cằm nhẵn thín. Anh ấy hỏi các em đều là sinh viên à, anh thấy các em còn trẻ thế sao đã đi biểu tình. Anh khuyên mấy đứa hãy học thật giỏi, thế là yêu nước. Chả ai thèm bắt chuyện, có anh Tiến Từ Từ là lý luận lại, sau chú Gốc Sậy xoáy cho mấy câu nữa, thế là lảng biến. 
Lúc sau có mấy người vào gọi sinh viên đâu, sang bên kia làm việc. Tôi với 3 bạn nữa (anh Tiến, chị Giang, và em Hà) sang căn nhà lúc sáng đã vào. Thấy mọi người bên đó đã đi đâu hết, chắc là bị gọi đi làm việc. 4 đứa trẻ thôi mà không biết bao nhiêu an ninh. Tôi không đếm, nhưng ước chừng có 6,7 công an sắc phục, 4, 5 công an thường phục mà tất cả họ trông đều dữ dằn và nhìn chúng tôi với ánh mắt hình viên đạn. Lúc này tôi bỗng hiểu họ đưa chúng tôi vào đây với mục đích gì. Tôi hiểu chúng tôi đang bị đẩy vào tình thế lép vế và đơn độc mà tuổi trẻ chúng tôi chưa hề được trang bị để đối phó với những tình huống như thế này. Và tôi cũng hiểu ngay rằng tôi sẽ phải làm gì để vượt khỏi áp lực, tránh những sai phạm do chính sự yếu đuối của bản thân gây ra.
Họ bảo mấy đứa ngồi xuống ghế nhựa. Ngay lập tức, một anh cao to, áo cộc đen, kính đen cài trên ngực, quần đùi kẻ xanh, chân đi tông, ngồi ưỡn mãi ra đằng sau mà hất mặt về phía chúng tôi: “Giờ anh sẽ làm việc với các em. Các em đưa chứng minh thư (CMT) anh xem”. Tôi bảo: “Thưa anh, trước hết em muốn hỏi anh là ai đã mà đòi xem CMT của bọn em?”.
Anh ta nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên (chắc không ngờ bị bật) rồi dằn giọng: “Anh là công an. Anh phụ trách bên học sinh, sinh viên”.
- Anh bảo anh là công an? (nhìn từ trên xuống dưới). Anh lấy gì làm bằng mà bảo anh là công an? Anh không phải công an, em không làm việc với anh.
- Thế giờ em muốn anh làm gì để em tin anh là công an? (Hỏi thế có chết không?!)
- Anh phải mặc sắc phục, phải có biển tên, có thẻ công an.
Anh ta có vẻ đuối lý, không nói thế nào được vì tôi biết chắc anh ta không có những thứ đó ở đây. Một người thường phục khác ngồi kế bên đó, tay lăm lăm cái bút và một xấp giấy dày, chữa cháy: “Thái độ làm việc với công an của em như thế mà được à?”
- Anh bảo thái độ của em làm sao ạ?
- Em cãi công an nhem nhẻm thế mà được à?
- Anh bảo em cãi cái gì ạ? Em đang yêu cầu các anh chứng minh các anh là công an. Có thế em mới làm việc, không thì thôi.
Anh ban nãy xen vào: “Muốn biết anh là công an chứ gì? Thì đây”. Anh ta rút trong túi ra một cái ví căng phồng, tìm mãi mới lôi ra được cái thẻ. Tưởng thẻ công an, ai dè… Bà con biết là cái gì không? Là cái giấy phép lái xe. Trời ơi. 
- Đấy xem đi, xem có phải anh là công an không?”. Giấy lái xe chụp ảnh một ông đội mũ công an (cũng giống ông này), ghi tên, nghề nghiệp, chức vụ… 
- Được chưa, còn gì hỏi nữa không?
Thấy anh ta có vẻ muốn sừng sộ, tôi không muốn căng thẳng, nhưng vẫn kiên quyết: “Thôi được, em tạm chấp nhận cho anh là công an, em nói là tạm chấp nhận thôi nhá. Còn em không làm việc với anh. Anh xem tác phong làm việc của một công an như thế được không? Làm việc với dân mà anh ăn mặc thế à, anh nói năng thế à?”.
Từ nãy đến giờ, rất nhiều ánh mắt công an xoáy vào tôi. Một ông lùn béo, đầu hơi hói (có vẻ là xếp ở đấy) hung hăng xông vào hét: “Cậu Hiếu đâu, vào giải quyết trường hợp này cho tôi. (chỉ tay vào tôi) Lập riêng trường hợp này đặc biệt cho tôi. Thích làm việc với công an à? Công an đấy”.
Một ông sắc phục đi vào, bảo “Tôi sẽ làm việc với các anh các chị. Đây, biển tên đây, Hoàng Xuân Hiếu, 122-331. Còn đây là thẻ công an, được chưa?”. Tôi cầm xem, lật đi lật lại. Lần đầu được biết mặt cái thẻ công an, chắc là đồ thật.
- Nào bây giờ các anh các chị đưa CMT đây tôi kiểm tra. 
- Thưa chú, sao cháu lại phải đưa CMT cho chú xem? Cháu có phạm tội gì đâu mà tự dưng chú đòi kiểm tra.
- Tôi là công an, tôi có quyền kiểm tra. Các anh các chị vào đây thì phải chấp hành.
Trong mấy anh em chỉ có anh Tiến Từ Từ là đem CMT, còn mình, em Hà và chị Giang thì không. Ông Hiếu bảo:
- Các anh các chị đã vi phạm nghị định chính phủ khi không đem theo CMT.
Quái lạ! Nghị định nào buồn cười thế: 
- Thế giờ cháu sang nhà bạn , cháu đi thể dục cũng phải đem CMT đi à?
- Tất nhiên, luật pháp đã quy định thì phải chấp hành.
- Chú cho cháu xem cái nghị định đó ạ.
- Được, tôi sẽ cho các anh chị xem. Ngồi đấy chờ tôi.
Chừng năm phút sau ông ta quay lại với một tập các thứ nghị định về vi phạm hành chính. Ông ấy chỉ cho xem: “Đây, nghị định… (bẩy mấy gì đó tôi không nhớ), điều 12, khoản a, quy định ra đường phải đem theo CMT (nếu không bị phạt 6 chục thì phải). 
Tôi xem kĩ, lật đi lật lại xem có rơi vào trường hợp đặc biệt gì không thì không thấy. Đúng là bó tay cái nghị định này. Một chị công an ngồi cạnh từ nãy (khi trước đem theo một camera, thấy để lên bàn, ống kính chĩa về số chúng tôi, chắc bật quay tự động rồi) bảo: “Các em đã vi phạm còn chối cãi gì nữa”. Tôi bảo:
- Nước ta là nhà nước pháp quyền, người dân sống và làm theo pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Vậy chị cho em xem CMT của chị ạ.
Chị ta lúng túng ra mặt: “Chị có mang theo. Nhưng chị không để ở đây”. Ông Hiếu mắng át đi:
- Cậu là ai mà đòi kiểm tra chúng tôi. Chúng tôi mới có quyền. Các cô các cậu đừng nghĩ mình có ăn có học mà bắt bẻ này nọ. Các cậu học cao nhưng đầy kiến thức pháp luật các cậu không biết. 
Chết cười. Chỉ có đại học với lớp 10 mà kêu học cao. Cao với ai chả biết? 
- Tại sao chỉ có công an mới có quyền bắt người dân thế này thế nọ? Chúng cháu là công dân, chúng cháu có quyền kiểm tra lại chứ.
- Cậu không có quyền. Cậu ở trong đây thì phải chấp hành!
Em Hà quay sang tôi: “Ở đây là Việt Nam chứ không phải ở Mỹ anh ạ”. Hai anh em nhìn nhau cười, bó tay chấm com. 
- Giờ các anh các chị cho tôi biết thông tin họ tên, hộ khẩu, trường,…
Thấy không khí có vẻ căng thẳng nên tôi cũng không đôi co nữa, vì cái chuyện thông tin ấy cũng không quan trọng, cho cũng chẳng hại gì. Nhưng mỗi lần chịu lún như vậy tôi vẫn rất đau, vì tôi bị đưa vào đây trái phép, tôi chẳng phạm tội gì mà phải khai báo với họ thế. 
Mọi người lần lượt đọc cho ông ấy chép lại. Chép xong ông ấy bảo: “Tôi sẽ báo cho nhà trường của tất cả các anh các chị để trường đến đón. Chứ không cứ thích làm cái gì là làm được” rồi ông ấy bỏ đi luôn, sau không thấy quay lại nữa. Còn cái câu “Chứ không cứ thích làm cái gì là làm được” tôi cũng không hiểu ý tứ ra làm sao, không biết ai làm, làm cái gì nữa???
Nhớ lúc bị dẫn vào tra hỏi, nhìn mặt em Hà hơi tái, mắt nhìn ngơ ngác, tôi thấy thương quá. Trong số người bị bắt, em là nhỏ tuổi nhất. 15 tuôi đầu, chỉ vì thể hiện lòng yêu nước mà em bị công an trấn áp thô bạo về đây. Tôi vỗ vai em động viên: “Bình tĩnh em ạ, không sao đâu. Mình làm đúng, không có gì phải sợ”.
Tôi chợt nhớ lại tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán mà tôi đã đọc đi đọc lại 3, 4 lần. Nhớ lại cái lúc Lượm, người chiến sỹ nhỏ tuổi bị Pháp bắt giam, cảnh cậu bé 14 tuổi bị tên quan ba Sô-lê, tên Hai Điếu thẩm vấn, tra tấn, và mua chuộc. Nhưng người vệ quốc quân dũng cảm của “Đội thiếu niên trinh sát Trần Cao Vân” vẫn bình tĩnh và hiên ngang đối chọi với mọi thủ đoạn của kẻ thù. Sau tôi rất mừng khi thấy Hà bình tĩnh lại. Trong khoảnh khắc, tôi chợt nhận ra điều mà trước đây tôi chỉ thấy trên sách vở, ấy là tất cả cái hào hùng và bi tráng của mỗi người dân trong những giờ phút lâm nguy của Tổ quốc. Chỉ có điều đáng buồn là chúng tôi chẳng được vào nhà tù của kẻ thù, chúng tôi bị lôi vào ngay chính nhà tù của đất nước mình, chỉ vì lòng yêu nước!
Mấy anh em cứ ngồi chờ vậy cả tiếng đồng hồ. Rồi không biết sao em Hà và chị Giang bị một ông kéo ra một góc nói chuyện, rồi ra sân lúc nào tôi không rõ. Lúc em Hà bị kéo đi, tôi ngốc quá không dặn dò gì. Đến lúc chị Giang sắp đi ra ngoài, tôi mới dặn với theo: “Bình tĩnh chị nhé. Nhớ là đừng ký cái gì”.
Trong nhà chỉ còn lại tôi, anh Tiến, một chị công an và một anh thường phục. Họ ngồi đấy tán gẫu với nhau. Có người xách vào 3,4 túi cơm hộp to ú, ụ. Tôi nghĩ thầm: “Thôi, thế là ở lại trưa nay rồi”. Lúc ấy là khoảng 11g30.

Phần cuối
Tầm 12g, mọi người lục đục quay lại sau khi đã làm việc xong với công an. Căn nhà lại đông như lúc sáng mới vào, nhưng không khí không còn được sôi nổi như trước. Ai cũng mệt mỏi và có phần căng thẳng hơn. Tuy vậy mọi người vẫn rất vui vẻ. 
Buồn cười nhất là có mấy công an cứ bám theo chú Lê Dũng đòi chụp ảnh. Chú ấy hất kính lên đầu, nhắm mắt nhắm mũi lấy dáng, cười toét cái, bảo “Chụp thế này cũng được hả?”. Công an gật đầu. Rồi tạch, thở cái đánh phù. Cứ làm như là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khó khăn!
Bên ngoài trời vẫn nắng chang chang. Cô Nga bụng bầu thế vẫn đi đi lại lại dưới nắng đòi được gặp con, mà nghe đâu cô còn bị công an xô đẩy vào bụng. Cứ thế mãi rồi cô cũng được ra trước. Em Hà có mẹ đến đón cũng được về. 
Sau này lúc được thả tôi mới biết cô Nga và Hà đều chưa về. Nhiều người bên ngoài đến từ sáng, cũng chịu đựng nắng nóng, vất vả để chờ anh em bị giữ ở trong. Từ cu Phú mới vài tuổi đi theo mẹ, đến cụ Lê Hiền Đức hơn 80 tuổi bị công an lôi về nhà lại tìm cách đến đây. Thì ra tình yêu nước lớn lao có thể dung chứa tất cả mọi người, nó gắn kết những con người xa lạ từ mọi miền đất nước đến bên nhau thành những người đồng chí hoạn nạn có nhau. Tất cả đều xa lạ mà hóa thân thiết, và trong những cơn nguy biến như thế, dù vất vả đến mấy họ cũng không bỏ rơi nhau.
Lại chuyện trong trại giam Lộc Hà. Tôi tận dụng ngay cơ hội bắt chuyện với anh Aduku để học hỏi thêm, vì tôi biết anh là “dân chuyên nghiệp” trong chuyện đối phó với công an rồi. Hai anh em đứng nói chuyện mãi. Thú vị nhất là anh kể chuyện làm sao tạo không khí vui vẻ, ôn hòa với công an, tránh gây căng thẳng: “Họ làm thế nhiều khi vì lệnh cấp trên, vả lại nhiều điều họ cũng chưa hiểu ra.
Mình là người hiểu, mình đi trước nên chấp nhận khó khăn em ạ. Rồi tất cả xã hội sẽ hiểu ra thôi”. Anh kể lúc làm việc thì anh uống nước rồi lấy nước mời công an thế nào; làm việc xong lại mượn công an cái cắt móng tay, cắt xong gói móng tay cẩn thận vào tờ giấy đem bỏ sọt rác; rồi anh hỏi công an cho ngả lưng ra ghế cạnh đó nằm nghỉ… 
Mãi 1g chiều công an mới mời mọi người ăn cơm. Nóng, mệt, khát nước, mà cơm thì khô nên ai cũng ăn nhuếnh nhoáng cho xong. Tôi thì đói nhiều, và có mấy cái và là hết hộp cơm nhưng cũng ngán ngẩm không ăn hết được chỗ thức ăn vì khô quá. 
Có bác Xuân là không ăn vì lúc trước bác đã tuyên bố tuyệt thực. Tôi trông bác gầy mà lại có tuổi rồi nên cũng lo lo, nhưng chả biết khuyên bác thế nào. Bác luôn luôn phản đối công an, không làm việc với họ vì bác bảo bị đưa về đây trái phép thế thì không phải khai báo với họ cái gì cả.
Ăn xong, nghỉ ngơi được lúc, rồi chủ yếu cánh trẻ chúng tôi bị gọi đi làm việc vì các bác lớn tuổi đã làm việc ban sáng rồi. Lúc đó tôi mới biết là làm việc chính thức, còn ban sáng mới chỉ là màn dọa dẫm thôi. 
Tôi làm việc với anh tên Lê Tiến Đạt số 115-054. Anh này nhìn cao ráo, hiền lành, nói chuyện rất từ tốn, nhẹ nhàng, đến nỗi tôi phải bỏ thái độ lạnh lùng lúc mới đầu. 
Vừa ngồi xuống ghế tôi bảo ngay: “Em không ký gì đâu đấy. Anh hỏi gì thì em trả lời chứ em không ký gì hết”. Anh ấy gật đầu bảo OK, rồi ghi ghi chép chép cuộc nói chuyện vào tờ biên bản lời khai. Xong anh lôi ra tờ xử phạt vi phạm hành chính, tôi lại bảo em chả vi phạm gì cả, em chả ký đâu. Anh ấy lại “OK!”, cũng chả hỏi lằng nhằng gì nữa. Lúc trước tôi đã chuẩn bị tinh thần cuộc làm việc sẽ căng thẳng những cuối cùng cũng không đến nỗi. 
Đối diện với tôi là anh Bách và chú Gốc Sậy cũng đang làm việc. Tôi rất phục anh Bách vì trông anh hiền lành, da ngăm đen, ăn nói nhỏ nhẹ mà trả lời rất rắn rỏi và rành rọt. Nhìn chú Gốc Sậy mà tôi mấy lần phải phì cười vì cái vẻ tưng tửng rất chi là bất cần đời. Chú mồm thì trả lời công an mà tay thì cứ vân vê sửa cái dây máy ảnh, chân rung rung như là đắc chí cái gì lắm.
Tôi ngồi chờ anh Đạt ghi chép cái gì không rõ đến 30 phút rồi anh ấy dẫn tôi đến một phòng nhỏ mà lúc sau tôi mới biết là để chụp ảnh, lăn tay. Khi vào trong tôi bảo ngay “Em không lăn tay đâu, em có phạm tội đâu mà lăn tay”. Anh ta bảo:
- Chỉ để xác minh thôi mà. 
- Thông tin gì cần thiết em nói hết rồi, có gì mà xác minh nữa?
- Chỉ để chắc chắn đó đúng là em thôi.
Lúc đó tôi ngốc quá, chả ra làm sao. Thấy mấy anh vào trước cũng đang lăn tay thành ra tôi chẳng cãi gì nữa. Thế là chịu để người ta lăn tay. 
Sau này lúc về biết nhiều người không lăn tay họ cũng chẳng làm gì được. Phục nhất là mấy anh chị bé bé còi còi mà anh hùng ghê. Anh Gió Lang Thang bị họ bẻ cổ bẻ tay mà cứ lè lưỡi ra cười, họ cũng chịu. Chị Hư Vô nữa, chả lăn tay lăn tiếc gì cả, lại còn mắng cả công an khi thấy công an chửi dân (lúc đấy cứ nghĩ chị ít tuổi hơn mình nên càng phục tợn). Lần trước đi biểu tình thấy chị này với mấy bạn nữa hô hét suốt buổi sáng đã hãi rồi (tôi hô được lúc đã khàn tiếng). Lần này cũng thế, cả ngày mệt mỏi mà giọng chị nghe cứ lanh lảnh. Tôi nghĩ chị này đích thị là dòng dõi Bà Trưng, Bà Triệu chứ chẳng vừa! Càng nghĩ thế tôi càng giận tôi lắm, nghĩ mình chẳng to cao nhưng cũng kha khá, thế mà không bằng những Hư Vô, Cát Bụi, Gió Lang Thang... 
Dần dà mọi người đều làm việc xong. Ngồi nói chuyện với nhau cả tiếng đồng hồ thì công an họ tập trung tất cả lại và tuyên bố là chúng tôi “gây rối trật tự công cộng” nên bị xử phạt đưa về đây, giờ mọi người có thể giải tán. Tất cả nghe thế đều bừng bừng phẫn nộ và phản đối mạnh mẽ. Chưa ai kịp nói thì nhóm công an Hoàn Kiếm (những người trực tiếp làm việc với chúng tôi) đã nhanh chân chuồn mất, để cho công an Lộc Hà chặn chân chúng tôi lại. 
Mọi người thấy còn thiếu chú Ngoan là Việt kiều Thụy Sỹ chưa được thả nên tất cả nhất chí ở lại chờ chú ấy ra. Chờ mãi đến hơn 6g tối. Bố tôi ở ngoài nhắn tin vào: “Cứ phải chờ đủ mới ra nhé. Ở lại qua đêm cũng được”.
Gần 6g30 chú Ngoan được ra. Trông chú ấy mà thấy thương. Mọi người vỗ tay rầm rầm nhưng chú chỉ lặng lẽ đi ra, mặt bần thần có vẻ rất mệt mỏi. Hỏi thăm mới biết chú bị giữ suốt trưa, không được ăn gì, mà họ thì cứ hỏi lôi thôi, lại tịch thu của chú máy tính, điện thoại, máy ảnh. 
Cổng mở. Những người đi đón ùa vào. Bố tôi ôm lấy tôi, bảo: “Giỏi lắm, con trai của bố”. Rồi bố vội buông tôi để ôm những “bạn tù Mỹ Đình ” cũ của bố: bác Lê Hùng, bác Tường Thụy, chú Chí Đức,…
Những người vừa được thả được sự hỗ trợ từ những người đi đón nên lại thêm phần hăng hái, phấn chấn hẳn lên. Tất cả lại làm một cuộc biểu tình ngay trước cửa trại Lộc Hà, hô vang những khẩu hiệu chống Trung Quốc xâm lược khiến dân tình tò mò, mà công an cũng được phen mở mắt. Cuối cùng đến hơn 7g tối, mọi người mới quyết định ra về. Việc chú Ngoan họ đã buộc phải viết giấy biên nhận, mai chú sẽ đến công an Hoàn Kiếm nhận lại đồ đạc.
Mọi người ra về khi phố xá đã lên đèn. Một ngày vô cùng mệt mỏi nhưng cũng vô vàn niềm vui. Trong đầu tôi chợt nghĩ, bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu con người đã đi qua cuộc đời tôi, và bao nhiêu điều nữa sẽ đến, nhưng có những điều, có những con người mà tôi không thể quên được. Đó chính là ngày chủ nhật hôm ấy và những con người hôm ấy tôi đã gặp. Tôi thấy tôi trưởng thành hơn rất nhiều, tôi thấy tôi có thêm sức mạnh. Những người bạn cũ, và những người bạn mới. Những bài học. Những câu chuyện. Tôi không biết phải gọi ngày hôm đó là một cái may hay là không may đối với tôi. Tôi chỉ thấy lòng mình niềm vui man mác khó tả, thấy cái gì rất thân thiết, gần gũi mà lại rất thiêng liêng. 
Vậy là tôi đã kể lại một ngày đi biểu tình của tôi. Nhiều người kể rồi, tôi cũng kể. Tôi kể lại đây những điều, những con người bằng xương bằng thịt tôi tận mắt chứng kiến. Những câu chuyện giản dị thôi, nhưng là để lưu vào ký ức tôi một ngày đặc biệt, và để ghi một sự kiện nhỏ bé vào trang sử bi tráng chống ngoại xâm ngày hôm nay của dân tộc.

Hết
Đào Lê Tiến Sỹ

7 comments:

  1. chỉ cần chỉnh 1 tí xíu anh "Chí Đức" chứ không phải "Trí Đức" là chuẩn không cần chỉnh

    ReplyDelete
  2. Hay! Gian nan nơi đầu gió mà vẫn thẫm đẫm tư duy. Kinh nghiệm không chỉ còn là đau thương trong trí nhớ; thổi bùng lên đất đá HS-TS. Biển Đông ào về. I take my hat off to YOU.

    ReplyDelete
  3. Rõ là đồ rách việc!chắc là nhà cậu này dư dả có của ăn,của để,học thì dốt nên đi biểu tình để tìm cảm giác lạ.Bây giờ mà bảo cái thằng yêu nước này làm đơn tình nguyện nhập ngũ ra T.S canh giữ biển đảo thì chắc chắn là cả 2 bố con nhà nó rụt cổ,rụt chim lai ngay thôi!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cái câu ra Trường Sa mà canh giữ nghe quen thế.Nặc danh có biết là đến nhà báo muốn ra đảo tác nghiệp cũng phải lên danh sách, duyệt lên duyệt xuống mới được ra không? Dân tình nguyện ra sống ở đó để giữ đảo cũng phải duyệt lên duyệt xuống mà chưa chắc đã được toại nguyện không? Nặc danh thật ngây thơ quá đi.
      Còn cậu sinh viên này lại học giỏi đúng nghĩa chứ không giỏi hình thức đâu nhé. Nặc danh đừng có suy từ mình ra như thế. Có dốt mấy cũng đã từng đi học, cũng từng nghe dạy về Hịch tướng sĩ mà nhớ nằm lòng câu nói này: "thấy chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn". Nay thấy con dân lên tiếng phẫn uất phải thấy mừng thay vì quay là chửi bới nhau thì chỉ có thể là kẻ phản quốc, không thì cũng là kẻ xâm lược đội lốt người Việt mà thôi. Nếu nặc danh nào nhận xét mà không suy nghĩ, chỉ biết dùng từ thô lỗ bậy bạ, thằng này con kia thì không nên vào nhà tôi lần thứ hai.

      Delete
    2. Đến cái biểu tình chống Tàu mà còn dám không cho.
      Bảo vệ cái kiểu Gạc- Ma. "kiên quyết bảo vệ biển đảo nhưng không nổ súng"???
      Đưa súng cho bố con nhà này với câu " Thằng nào xâm chiếm biển đảo là bắn thoải mái" tin chắc bố con nhà này chịu ngay.Không chỉ bố con nhà này đâu còn nhiều người nữa.
      Các bác cứ bẩu dân biểu tình chống Tàu bằng cái mồm, đúng đấy bác nhưng ít ra nó còn dám chửi Tàu.
      Còn các bác chống Tàu bằng cách:
      -Bắt "dân chống Tàu bằng cái mồm" bỏ tù.
      -Làm lễ tri ơn Tàu, xây cung văn hóa Việt Tàu,
      -Hứa với Tàu là không để việc biểu tình chống Tàu xảy ra nữa.
      -Cho an ninh nội bô theo dõi nhưng blogger có khuynh hướng chống Tàu, theo dõi cả nhưng anh còm nữa (mới ghê)
      Cách chống lạ nhất thế giới chưa từng có tiền lệ????
      TB:
      Hay các bác có phương pháp tuyệt hay, không thể tiết lộ cho đám dân quèn này được, hỏng việc lớn...nếu thế xin bó tay.
      Xin nhấn mạnh với bác ,chống Tàu là vì nó đang xâm lược cướp biển cướp đảo của mình bác nhá. Còn nó đàng hoàng thì OK.

      Delete
  4. Tác giả (Sỹ) ơi, con tuy còn nhỏ tuổi, như chú chim non mới ra ràng mà đã tỏ ra bản lĩnh hơn người. Thật đúng là "con nhà tông không giống lông cũng giống cánh".Thật đáng khen.

    Chẳng những con đã làm cho cha mẹ, mọi người thân quen hãnh diện, mà người lạ như tôi cũng đem lòng mến phục, vì con là niềm tin và hy vọng cho một thế hệ trẻ VN có giáo dục, có văn hóa, có bản lĩnh, và trên hết là nhiệt huyết bừng bừng dành cho quê hương dân tộc.

    Hãy giữ vững lòng tin và khí thế, đừng bao giờ để cho bạo quyền làm chùng bước chân tiến tới của con trong thời gian sắp tới, cũng đừng bao giờ làm mất đi sự hồn hậu vô tư như của bản thân khi phải đối diện với mưu sâu kế độc của kẻ ác như đã tự mô tả về mình trong bản tường thuật này ...
    You rock, Sỹ. Proud of ya !

    ReplyDelete
  5. Cái bọn biểu tình vì tiền này mà cũng biết mấy câu trong Hịch tướng sĩ thì còn may chán, chứ xem mấy người biểu tình ở phường này, thường ngày thấy họp lại nhắc người nhà phải xem đã khóa xe chưa, của tum đã đóng cài chưa thì chán lắm, vậy nên mấy năm hò het mà mấy cái mặt mốc vần y nguyên.

    ReplyDelete