Một lần nghe sếp cũ dạy dỗ trong cuộc họp, ở nhà có
cha có mẹ, đến cơ quan thì có thủ trưởng....Mặc dù sếp bỏ lửng câu nói, nhưng
ai cũng hiểu ý sếp là khi đến cơ quan, thủ trưởng bảo thì phải nghe như kiểu
quan phụ mẫu bảo ban con dân ấy. Có lần tôi bảo, thời nay làm sếp là phải biết
nói không thấy ngượng mồm.
Tôi cứ nghĩ không biết sếp có đoán biết được phần nào,
rằng trong đầu cái đám nhân viên ấy nó nghĩ gì khi sếp nói vậy? Mấy sếp trước
khi bị bắt thì sếp nào chả quyền hành nhất cơ quan, nói gì mà đám nhân viên
không phải cung cúc tuân thủ? Có sai lè lè ra đó cũng chẳng đứa nào to gan lớn
mật dám cãi lại sếp, nhưng đằng sau chắc chắn bọn họ cũng chửi rủa khinh bỉ sếp
ra trò, nhất là loại sếp mua bằng tiền. Một lần tôi hỏi một tay đệ tử của sếp
khi hắn đã cầm chắc trong tay thủ tục thuyên chuyển cơ quan
- Tôi hỏi
thật lòng, cậu thấy thế nào về “sếp”?
- Em công
nhận là ông ấy có tài, nhưng không có đức.
- Không có
đức thì đồng ý rồi, nhưng tài ở chỗ nào cậu nói tôi nghe, xem tôi có tâm phục
khẩu phục không?
- Chuyên môn
thì cũng thường thôi. Nhưng lạ là ông ấy cái gì cũng biết. Trong cơ quan này ai
thân với ai, ai cãi nhau với ai về cái gì ông ấy cũng biết. Chẳng có gì qua mắt
được ông ấy cả.
- Bố khỉ, cái
đó gọi là là tài đấy à? Cái đó gọi là nỗi sợ của những kẻ bất tài, đi dò la xem
có ai nói xấu gì mình không. Thêm nữa là bụng dạ hẹp hòi nhỏ nhen, mới để ý đến
ba cái chuyện tẹp nhẹp chổi cùn rế rách ấy.
Tôi là đàn bà thật, nhưng chúa ghét cái việc thì thà
thì thầm chuyện riêng tư của người này người khác. Thế nên chuyện của người
cùng phòng tôi, người các phòng khác biết cả mà tôi thì cứ như trên cung trăng
rơi xuống. Tôi mà là sếp, tôi chả mắng cho những đứa Nhicalai xun xoe về cái
tội ton hót những chuyện làm rác tai tôi ấy chứ. Sếp là phải lo những việc nhớn
nhá...
Nói thế lại nuối tiếc cái thời trước, đi đến đâu cũng
hãnh diện khi khoe mình là quân sếp T sếp Đ. Nở mặt nở mày khi nghe ai đó nhắc
đến tên sếp mình. Cho dù các sếp ấy cũng có chuyện ì xèo này nọ, nhưng nhân vô
thập toàn mà lị, họ đâu phải là thánh.
Tôi viết cái đoạn này lên facebook. Trong số người vào
nhận xét có một người nói thế này: “Bất kỳ việc gì
chính quyền làm là có đám người bới móc, suy diễn rồi tổng sỉ. Việc
tốt thì lờ tịt, việc dở thì thôi rồi... “
Tôi nghĩ mãi xem mình có bỏ sót
việc tốt nào mà không ca ngợi không. Thật lòng mà nói là tôi không thể ca ngợi
được. Thậm chí tôi thấy cả xã hội này như một cỗ xe bò leo lên dốc, mà người
đang gò lưng đẩy nó là nhân dân. Chính quyền đứng ở trên nhìn xuống dốc, hô hào
khuyến khích là xe bò đã leo lên khá cao, còn người dân ngẩng đầu lên thấy đỉnh
dốc vẫn xa vời vợi.
Ừ, cái "xe bò" nó có lên thật,
nhưng mà chậm quá thể. Một người khác lại còn so sánh bây giờ còn có thịt mà
ăn, hơn chán ngày xưa. Ôi ngày xưa, ngày xưa....
Nói gì
đến chuyện ngày xưa, cứ đọc mấy bài dưới đây thì rõ. Xin lỗi bà con vì hai bài
dài quá, nhưng đọc để biết cái "xe bò" nó đi được đến đâu
Chờ ánh điện cho đến lúc… chết
Riêng xã Bảo Ái, có ít nhất 200 hộ dân, cả nghìn
người, bao năm qua cứ đau đáu ước mơ sẽ có ngày thủy điện trả nợ mình,
tri ân với xiết bao hy sinh của mình và cha anh mình bằng cách... cho sử
dụng điện.
>> Tối đèn ở “trái tim thủy điện” Việt Nam
Mái nhà của người dân Nậm Ngòi không có các thiết bị điện như những ngôi nhà khác.
1 xã “lòng hồ” có 4 thôn đèn dầu
Anh Nguyễn Trung Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái - đi tìm mấy cái xe máy cho chúng tôi tự leo dốc cao, vượt đường bùn nhão để vào thăm các thôn bản hy sinh vì lòng hồ thủy điện 50 năm qua. Mất cả tiếng đồng hồ đánh vật với các cung đường rợn tóc gáy, chúng tôi nhìn thấy rất rất nhiều hòn đảo xanh soi gương xuống mặt nước hồ thủy điện Thác Bà.
Hồ Thác Bà có tới 1.300 hòn đảo kỳ ảo như thế. Xã Bảo Ái có hơn 9.000 dân, là xã đông dân thứ nhì của huyện Yên Bình, chỉ thua thị trấn huyện. Cùng với 3 thôn tận khổ khác, Ngòi Ngần 100% số diện tích, số dân chịu cảnh... chưa bao giờ có điện.
Xã, huyện, tỉnh, trung ương, hình như chưa tính đưa điện vào. Với người dân, đường xa khoảng 5-6km từ đường nhựa vượt núi vào thôn, họ lấy đâu ra tiền mà mua cột điện, kéo dây?
Ngành điện thì họ chỉ lo kinh doanh và lại “độc quyền”, nên việc đầu tư hệ thống dẫn điện vào góc rừng đó thì có mà... lỗ tan thây. Thế là họ cứ bỏ mặc bà con.
Đường vào xã Bảo Ái.
“Cái này các anh phải về hỏi Sở Điện lực Yên Bái ấy” - ông Giang nói. Một lãnh đạo tỉnh Yên Bái thì khuyên nên gặp ông Thực - Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái - mà hỏi.
Ông Thực nói với tôi, đã và sẽ có dự án “thắp sáng” cho đồng bào đã hy sinh quá nhiều quyền lợi dâng hiến cho thủy điện Thác Bà năm xưa (!?).
Đói nghèo với tốc độ... truyền tải điện
Trong khi dự án cấp điện còn đang... hình thành và chuẩn bị thực thi với “tốc độ rùa bò”, thì đói nghèo và thất học cứ trùm lút nhiều vùng dân cư tội nghiệp kia với tốc độ... truyền tải điện! Với 110 hộ dân, với 565 khẩu, thôn Ngòi Ngần chiếm tới 90% dân số là người có nguồn gốc từ dưới đáy lòng hồ thủy điện Thác Bà “ngoi lên”. 90% số hộ “đạt chuẩn” đói nghèo. Bởi tại suốt mấy chục năm đằng đẵng “tăm tối”, nghèo đủ nhẽ, nên Ngòi Ngần tràn ngập bi kịch.
Trưởng thôn Lê Thế Vinh là người Tày, xốc vác lắm. Anh vốn là công an viên, ngay từ năm 1996, lúc mới “nhận chức”, thấy thanh niên rượu chè, đánh lộn quá mức, anh rà soát rồi vạm vỡ xông pha bắt, xử lý tất.
“Họ sợ tôi đến mức, có xô xát gì, chả ai dám báo với tôi nữa. Như thế lại không tốt cho công tác an ninh. Nhưng vì bắt nhiều người quá, tôi mới nhận ra hầu hết họ không biết chữ. Tôi bèn dạy họ cách vẽ tên mình to như quả trứng gà, gọi là ký biên bản. Có khi họ đánh vật khoảng 7 phút mới vẽ xong một cái chữ là tên của họ” - anh Vinh chua xót kể.
Hết ánh mặt trời là tăm tối bịt bùng, học trò chỉ còn biết đi ngủ từ lúc nhập nhoạng tối. Thế rồi dốt, chán, bỏ học sớm.
Lúc ban ngày thì nóng nực không tài nào làm được việc gì ngoài... phành phạch quạt nan. Đường sá gập ghềnh chín suối mười đèo mới ra đến ủy ban. Nhà mẫu giáo thôn thì hiện tại vẫn đang mượn tạm cái bếp bỏ hoang nhà ông Quang mà dạy và học. Cái vòng khó khăn, thiếu thốn, thất học, đói nghèo cứ luẩn quẩn chưa biết bao giờ mới thôi.
“Bà con thấy tôi làm công an viên quá nhiệt tình, họ bèn bầu luôn làm trưởng thôn” - anh Vinh kể tiếp, khi ngồi cạnh Phó Chủ tịch Nguyễn Trung Sơn tại nhà mình.
"Bao giờ thì Ngòi Ngần và nhiều vùng dân cư của Bảo Ái có điện? Không ai trả lời được. Chúng tôi cũng chỉ còn biết hứa với bà con là cố mà chờ đợi, hy vọng", anh Nguyễn Trung Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái - nói.
Chồng của bà Lương Thị Đánh, trước khi chết, chỉ đau đáu ước ao, giá mà thôn Ngòi Ngần của mình có điện thì tôi chết cũng nhắm được mắt.
Bà Lương Thị Săm - chị gái bà Đánh - ngoài 70 tuổi, từ khi theo mẹ di dân từ chỗ nay là đáy hồ lên miền rừng nay gọi là bản Ngòi Ngần để vỡ một mảnh ruộng giữa rừng hoang vẫn liên tục cầu trời cho quê mình có điện.
“Tôi thấy cách đây 10 năm người ta đã vào khảo sát, nói là sang năm làm đường điện vào Ngòi Ngần, nhưng càng chờ thì càng... mất hút. Chúng tôi đã kiến nghị lên tất cả các cấp rồi, nhưng tuyệt nhiên chưa một ai trả lời chúng tôi là bao giờ thì quê tôi có điện. Suy nghĩ thấy nó “tiêu cực” trong lòng quá” - bà Đánh đanh thép nói.
Hạt thóc bị bỏ quên trong đáy hòm
Không có điện, bà con nghĩ ra đủ cách để chung sống với bóng tối và cái nóng nực kinh khủng của mùa hè. Mỗi người một cái quạt làm bằng lá cọ. Nhà nào khá giả thì mua máy nổ, dăm bảy nhà chung một cái, song cứ hai tiếng chạy máy thì mất vài ba trăm nghìn đồng, ai cũng phát hoảng “bỏ máy chạy lấy người”. Có người dùng ắcquy nạp điện.
Xã Bảo Ái có tới 4 thôn chưa có điện lưới. Bà con đang có xu hướng dùng máy thủy điện nhỏ thả dưới suối để sản xuất điện cho từng gia đình. Nhưng “sáng tạo” này còn gặp bi kịch hơn. Suối Ngòi Ngần bao năm ào ạt trong xanh, từ ngày ai đó nghĩ ra chuyện thủy điện nhỏ, thì nước suối cạn trơ đáy. Người ở đầu nguồn nước chặn suối lại, tích nước hòng phát điện cho nhà mình. Toàn bộ hạ lưu của suối cạn trơ, các thủy điện nhỏ khác biến thành cục sắt gỉ vô dụng.
Có khi, nhà bà Hoàng Thị Đánh, nhà anh Lê Thế Vinh, vì ở cuối nguồn nước, nên cứ chờ đến 21h, nước trên nguồn được “thả” về, mới có thể... le lói phát ra ánh sáng phục vụ việc ngủ.
Có đợt, suốt mấy tháng trời không một giọt mưa, thủy điện nhỏ không thể hoạt động. Vì không có điện, nên ở Ngòi Ngần gần sáu trăm nhân khẩu, quá nhiều người mù chữ và mới chỉ có 1 người tốt nghiệp cấp 3.
“Mù chữ đi vay vốn ngân hàng khổ lắm, phải điểm chỉ. Nhưng khổ hơn là hơn nửa thế kỷ hy sinh cho thủy điện, lên rừng rú khai hoang, dựng bản làng nhà cửa, đến giờ 100% đất ở của người dân vẫn chưa hề có sổ đỏ. Không có sổ thì ngoài Ngân hàng Chính sách xã hội, họ không được thế chấp vay tiền ở bất kỳ ngân hàng nào khác. Trong khi đó, Ngòi Ngần có đến 90% số hộ thuộc diện đói nghèo. Cái vòng luẩn quẩn đó, đêm nằm, trót là trưởng thôn rồi, tôi càng không tài nào ngủ được” - anh Vinh giãi bày.
Ngoài Ngòi Ngần, chuyện buồn cũng diễn ra tương tự ở các thôn Ngòi Nhầu, Ngòi Mấy, Ngòi Kè, Vĩnh An... của xã Bảo Ái. Đến nay chỉ một hai thôn, lác đác có vài hộ tự bỏ tiền, mắc dây, “xin ké” chút ánh sáng điện từ nơi xa về. Điện ấy - như đã nói - yếu đến mức sờ vào không thèm giật.
Đúng như lời ông Hoàng Văn Các khóc nói với người dân cách đây 2 năm trước khi chết: “Chúng ta là hạt thóc bị bỏ quên trong đáy hòm ở góc bếp”. Tất cả các đoàn cán bộ có thể gặp được, người Ngòi Ngần đều đã gặp và kiến nghị chấm dứt những cái vô lý mà mình đang phải gánh chịu.
Phó Chủ tịch Nguyễn Trung Sơn buồn rầu: “Họ cứ hỏi mãi, chúng tôi thương và chia sẻ với bà con lắm, nhưng không biết trả lời thế nào, vì mình ở cấp cơ sở. Chúng tôi cũng đi hỏi, lên tận tỉnh, tận các đoàn cao cấp, chỉ một đau đáu mà bà con gửi gắm: Bao giờ thì Ngòi Ngần và nhiều vùng dân cư của Bảo Ái có điện? Không ai trả lời được. Chúng tôi cũng chỉ còn biết hứa bà con là cố mà chờ đợi, hy vọng”.
Dứt câu chuyện về lời hứa mấy mươi năm còn bỏ ngỏ, bố đẻ trưởng thôn Vinh là cụ Lê Thế Hưng - ngoài 70 tuổi - mới cất lời. Sức cụ đã yếu lắm, cụ đi khỏi quê cũ, sống lang thang trên thuyền bè, rồi định cư vào Ngòi Ngần phá núi lập thôn bản từ mấy mươi năm trước. Giờ gần đất xa trời, điện chưa về đến quê mình, ông cứ ngồi phe phẩy quạt lá cọ, ngắm cái đèn dầu đỏ đòng đọc mà đay đi đay lại: “Các cán bộ họ đã quên mất nhóm dân hy sinh vì thủy điện này rồi ư?”.
(Còn tiếp)
Theo Đỗ Doãn Hoàng
Lao động
Lao động
http://dantri.com.vn/c20/s20-630628/Cho-anh-dien-cho-den-luc-chet.htm
Thứ Tư, 15/08/2012 - 16:10
Thủy điện Thác Bà: 50 năm vẫn... lỗi hẹn
(Dân trí) - Hầu hết các bài phóng sự được viết
theo kiểu “ngậm ngải tìm trầm” rất “độc” của Đỗ Doãn Hoàng đều khiến
người đọc rưng rưng nước mắt, trái tim như bị vò xé, lương tâm bị dằn
vặt, tâm can nhức nhối bởi những chuyện không thể tưởng được vẫn có thật
trong đời.
>> Tối đèn ở “trái tim thủy điện” Việt Nam
Hàng ngày sống trên mặt hồ Thác Bà, người dân Ngòi Ngần chưa bao giờ được sử dụng điện lưới quốc gia (ảnh: Đỗ Doãn Hoàng)
Robinson trên hoang đảo thời nay
Phóng sự mới nhất có
tựa đề “Tối đèn ở “trái tim thủy điện” Việt Nam" của nhà báo “phiêu bạt
giang hồ” có mặt trên đường nhiều hơn ở nhà này, cũng không ngoài mạch
luôn gây ấn tượng mạnh bởi những số phận bi thương, thậm chí đến mức khó
tin giữa thế kỷ 21 hiện đại hôm nay.
Chỉ gián tiếp chứng
kiến bi kịch qua bài viết thôi, nhưng nhiều người trong số bạn đọc chắc
chắn cũng phần nào hiểu được cảm nhận đớn đau mà tác giả đã trải qua ,
để cùng chia sẻ nỗi lòng quặn thắt vì xót thương cho số phận của những con người tự ví mình như “hạt thóc rơi trong kẽ hòm cũ”:
“Nếu
tính mốc là năm 1962, từ đợt người dân bỏ nhà, bỏ cửa lên rừng hoang
núi thẳm chặt cây san đất đá xây dựng quê hương mới ấy, thì đến năm 2012
này, đúng vừa tròn nửa thế kỷ. 50 năm rồi, bây giờ, chúng tôi lại vẫn
run rẩy, chết lặng, rơi nước mắt nghe tâm sự của đồng bào ly hương “vì
dòng điện ngày mai của Tổ quốc… Trong số khoảng 5,3 vạn người ra đi năm
đó, giờ quá nhiều người đã chết. Nhiều cụ già tóc bạc da mồi ngồi khóc,
rồi quay ra bất bình: “Chúng tôi bị bỏ quên trong xó rừng này. Chúng tôi
như hạt thóc rơi trong kẽ cái hòm cũ”.
Mà những con người đó đâu phải ở quá xa xôi, cách biển cách cả vùng trời gì cho cam…Chỉ là “cách Hà Nội chừng 150km”, ở địa danh có 1 cái tên rất nổi tiếng: “Thủy
điện Thác Bà được xem như thành tựu vĩ đại của chúng ta, nhất là khi mà
nó được xây ngay trong thời kỳ bom Mỹ oanh tạc cực kỳ ác liệt. Nó là
một trong ba cái hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam, với chiều dài mặt nước
là 80km, chiều rộng khoảng 10-15km, tùy theo mùa”.
Bao nhiều phản hồi của
bạn đọc là bấy nhiêu sự bày tỏ nỗi day dứt, nỗi bức xúc và thậm chí cả
phẫn uất thay cho những phận đời gợi lên trong ta hình ảnh người mẹ
trong thơ Tố Hữu: “… Như bà mẹ sớm chiều gánh nặng/ Nhẫn nại nuôi con
suốt đời im lặng... Biết hy sinh nên chẳng nhiều lời”.
Đó là những con người
hiện lên bằng xương bằng thịt, là những người lẽ ra phải được công nhận
là “có công” với đất nước, với nhân dân. Nhưng trớ trêu thay đã sang
thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21 rồi mà họ vẫn phải sống trong cảnh
Robinxon trên hoang đảo như cách ví von của Nguyễn Thanh Hương thanhhuongnguyen61@yahoo.com.vn:
“Tôi được biết có người
dân ở đó đến tận bây giờ còn chưa biết gì đến các thông tin thời sự, họ
sống như Robinson trên hoang đảo vậy. Tôi đã trực tiếp chứng kiến
chuyện này”.
Cũng về vùng đất ấy với
những con người "bị bỏ quên" ấy, trước hết hãy nghe trải lòng rất có
tình, có lý của chính những người con nơi đây:
“Tôi không cầm được
nước mắt khi đọc vì bài viết phản ánh hiện thực cuộc sống của người dân
quê tôi - họ đã đợi chờ quá lâu trong mòn mỏi! Dẫu biết rằng tinh thần
hi sinh phục vụ Tổ quốc trong thời điểm lịch sử
trọng đại đồng thời cũng là trách nhiệm của công dân, nhưng 50 năm là
con số đủ lâu để mọi đóng góp hi sinh được ghi nhận, trước khi bụi thời
gian xóa nhòa các nhân chứng lịch sử.
Thủ đô ơi, không biết
có ai tưởng tượng được đèn hoa rực rỡ của phố phường, những tiện nghi
chạy điện một phần cũng là được sản sinh từ đóng góp của những con người
dám hi sinh cả quê hương, mồ mả tổ tiên, tâm hồn, cơ nghiệp này
không? Vậy mà những con người đó đến giờ vẫn hàng ngày phải đối mặt với
bùn đất cùng nỗi ám ảnh, sự xót xa và những băn khoăn về sự tụt hậu
về mọi mặt…
Bao giờ dân quê tôi có
điện và các chính sách hỗ trợ góp phần bù đắp những thiệt thòi? Giá điện
nào là phù hợp với họ? Một vùng Phủ Bình đất đai màu mỡ giàu có về sản
vật, giàu có về mặt văn hóa, một vùng Chợ Ngọc mãi còn trong tâm tưởng
người dân Yên Bái…. Cảm ơn bài viết!” - Bảo Tân: Baotan87@gmail.com
“Tôi cũng là người con
của vùng hồ Thác Bà này, tổ tiên tôi bây giờ vẫn đang nằm dưới lòng hồ
ấy. Nghe bà tôi kể lại cái ngày cụ tôi gánh bà và các con lên rừng khai
hoang, nhường đất cho thủy điện mà tôi thấy thật bất công. Quê tôi giờ
vẫn nghèo lắm...” - Hà Nguyễn: thuha_8yb@yahoo.com
“Gia đình tôi cũng là
"nạn nhân" của nhà máy này. Đến nay chúng tôi đã có điện dùng nhưng phải
tự mua dây kéo điện từ trung tâm xã về khu xóm rồi chia nhau, chiều tối
phải thay bóng 110v mới đủ sáng, tiền điện thì không được thiếu một
xu... Người dân thấp cổ bé họng phải chịu thôi!” - Vo Vi: binh1271@yahoo.com
“Gia đình tôi cũng có
mộ cụ bà hiện đang nằm lại dưới lòng hồ tại Chợ Ngọc xưa. Ông cha chúng
tôi cũng khăn gói ra đi mà chẳng được ai đoái hoài gì, nay gia đình chỉ
có ước nguyện được đưa cụ lên. Nếu ai là dân Chợ Ngọc mà có thông tin gì
có thể giúp được chúng tôi thì hồi âm cho tôi nhé! Tôi xin chân thành
cảm ơn!” - Vũ Anh Tuấn: anhtuan2571@gmail.com
Và những lời “chứng
thực” nhói lòng của những con người ít nhiều đã trực tiếp chứng kiến
cảnh tái định cư cho thủy điện, mà cho tới tận hôm nay vẫn gây ra bao
lời ca thán:
“Mình ở trên Lai Châu,
đợt vừa rồi cũng tham gia di dân tái định cư cho thủy điện Sơn La. Cũng
thấy bà con tái định cư khổ quá!” – Nguyen Dinh Tuyen: tuyen.kntu@gmail.com
“Tôi cũng làm thủy
điện. Tôi đã được đi nhiều nơi. Thấy dân mình khổ quá. Các bác lên lòng
hồ thủy điện Hòa Bình mà xem. Thấy mà rớt nước mắt” - Ngoc Nguyen: thgiang_pecc1@yahoo.com
Ông
lão ngoài bảy mươi tuổi ở thôn Ngòi Ngần vẫn chưa một lần được sử dụng
điện lưới, cho dù đã hiến nhà cửa cho thuỷ điện Thác Bà
Sự thật “trần trụi”
Đúng là xưa nay vẫn
có chuyện nhiều sự việc được “tô hồng” lên để báo cáo thành tích. Tương
tự như vậy có những sự việc bị ỉm sự thật đi hoặc đơn giản chỉ là do
thấy quá khó khăn, rồi “để lâu…” và qua nhiều cấp chính quyền với bao
lần thay đổi nhân sự… cũng có chung số phận như những hạt thóc rơi trong
kẽ hòm cũ.
Bức xúc quá nên có thể
phản hồi của một số người dân có phần cực đoan, nhưng không thể vì thế
mà viện cớ này cớ khác để bỏ qua những sự thật dù có “trần trụi” đến
đâu.
“Sự thật luôn mất lòng!
Năm nào tôi cũng thấy báo cáo lên Quốc hội là công tác chăm lo cho đồng
bào thiểu số thực hiện tốt. Vài trăm tỷ, vài nghìn tỷ đã rót về đâu mà
ngân sách Quốc gia vẫn chi ra từ tiền thuế của nhân dân để lo cho cuộc
sống đồng bào các dân tộc thiểu
số anh em… Sự thật có đúng như vậy chăng? Năm 2008, tôi sống với người
Phù Lá, Phò Chài ở Mường Khương, Lào Cai, tận mắt thấy cuộc sống của
người dân nơi đây vẫn quá cực khổ. Đi bộ 5 - 10 km gùi về được vài lít
nước sạch để uống… Nước quá hiếm hoi khiến người ta không
dám tắm rửa nói gì tới đánh răng, súc miệng… Chúng tôi phải căng bạt ra
hứng nước mưa và sương để đánh răng và nấu ăn đấy. Nhớ lại ...Ôi, thật là kinh khủng!” - Nguyễn Xuân Thịnh: nguyenxuanthinh.545@gmail.com
“Thật quá bất bình, họ
đã hi sinh tất cả để đổi lại là 50 năm vẫn không được biết đến dòng
điện. Sự lơ là của cán bộ địa phương thật đáng trách trước tiên. Cũng
rất mong Đảng, Nhà nước ta sớm bù đắp những thiệt thòi đó cho người dân.
Cảm ơn Dân trí đưa tiếp thông tin. Cảm ơn PV báo Lao Động đã tìm đến
tận nơi và thông tin giúp người dân! Cảm ơn những con người đầy đức tính
hi sinh của Ngòi Ngần! Rất mong người dân Ngòi Ngần sớm có điện, sớm có
sơ sở vật chất xứng đáng với 50 năm và tất cả những điều họ đã hi sinh
vì dòng điện quốc gia” - Nguyễn Ngọc: gem_bichngoc@yahoo.com.vn
“Người dân huyện Yên Bình quả là có nghị lực phi thường. Họ hy sinh tất cả mong có được chút ánh sáng của điện
lưới quốc gia, nhưng hình như họ đã bị quên lãng??? 50 năm - nửa thế kỷ
trôi qua, họ đã chịu quá nhiều thiệt thòi, vậy mà họ đã được bù đắp
những gì? Sống ngay cạnh lòng hồ thuỷ điện Thác Bà mà vẫn ngọn đèn dầu
leo lét? Đường dân sinh thì lầy lội, cả thôn mới có một trường hợp tốt
nghiệp cấp 3?
Qua bài này kính mong những doanh nghiệp làm nhiệm vụ công ích, các
cơ quan có thẩm quyền vào cuộc nhằm giảm bớt khó khăn cho thế hệ cháu
của những người đầu tiên đi khai hoang đã nhường đất cho thuỷ điện này” -
Lê Thị Duyên Hải: haiduyentnmt@gmail.com
“Theo tôi nghĩ, không
chỉ riêng phần điện dành cho dân, mà vấn đề ở đây là cả hệ thống: Điện -
Đường - Trường - Trạm. Người dân ở đây đã thiệt thòi đủ đường !!!! Ngân
sách tỉnh, huyện để làm gì? Làm sao có chuyện lãnh đạo tỉnh, huyện
không biết về việc này? Nếu trường hợp đã biết (vì người dân và UBND xã
đã trình vấn đề này lên tỉnh, huyện và các đoàn đại biểu Quốc hội) thì
vì sao không có hướng giải quyết mà để đến những nửa thế kỷ qua vẫn chưa
làm được??? Đọc bài viết xong thấy bực mình, bức xúc quá !!!! (nếu sự
thực là hoàn toàn như vậy)” - Trung Hiếu: hieunt.ho@gmail.com
“Mới đọc xong phần 1
của bài viết, mà không biết nước mắt mình đã rơi tự khi nào. Có lẽ bởi
tại một sự thật quá "trần trụi" đã và đang diễn ra trên đất nước là niềm
tự hào của bao thế hệ. Tại sao lại có thể như thế?” - Nguyễn Thị Thu Nga: thungakthb@yahoo.com.vn
Đường vào xã Bảo Ái thì như thế này đây
Thịt da ai cũng là người
Cũng là người con đất
Việt, ai có thể dửng dưng trước những cảnh đời quá đỗi cực khổ, thiệt
thòi một cách đầy oan uổng như vậy... “Thịt da ai chẳng là người”, lẽ
nào tiếng nói của những người dân nơi đây gần nửa thế kỷ qua vẫn chưa
vượt được chặng đường chỉ cách Thủ đô có trăm rưởi cây số đó để tới được
những địa chỉ cần thiết???
Từ phía dư luận, với tư
cách người dân thì cũng chẳng biết làm gì hơn là bày tỏ sự sẻ chia,
đồng thời góp thêm những tiếng nói với hy vọng sẽ “đẩy” vấn đề tới gần
hơn cánh cửa các bộ, ngành chức năng. Bởi như Ngô Thu Hương ngothuhuong2011@gmail.com
nêu rõ: “Tôi không thể tin vào sự thật phũ phàng này. Làm như vậy làm
sao dân còn có lòng tin vào chính sách được nữa chứ? Thật xót thương cho
người dân nơi đây, nhưng chúng ta có thể giúp họ được bằng cách nào
đây?”
Và tầm nghiêm trọng của sự việc qua nhận xét của nick Lại một lời hứa bị bỏ quên thanhnhcs@yahoo.com.vn xem ra cũng không phải là quá:
“Tôi nghĩ, nếu phải
kiểm điểm lại những lời hứa thì có lẽ đây là lời hứa cụ thể nhất và tệ
hại nhất. Và tôi nghĩ, có lẽ phải nói tới 2 từ "lừa dối" cũng không quá
chút nào. Thật tội nghiệp và đau xót cho những con người chỉ luôn biết
hy sinh thầm lặng thế này...”
Nhưng liệu rồi có được câu trả lời cho những câu hỏi dư luận nêu ra với vấn đề cũng rất nóng bỏng này không?
“Quá
bất công! Đáng lẽ ra những con người này phải là người đầu tiên được
dùng điện mới đúng, để bù đắp phần nào cho cho những hy sinh mà họ phải
từ bỏ nhà cửa, đất đai ra đi.....Vậy mà họ lại phải chịu khổ như thế này
sao?” - Ngân ngất: kimngan_12a2@yahoo.com.vn
“Nhìn thấy mà đau lòng
quá. Đây đâu phải là chuyện cái kim, con kiến mà người ta có thể lờ đi
trong suốt 50 năm được? Có lẽ nhiều người trong chúng ta hiện nay sống
cho bản thân mình nhiều quá, mà quên đi gốc rễ của những thứ ta đang có
hôm nay. Thật khó có thể hình dung được, có lẽ tôi phải dùng từ Lầm Than
để nói về họ. Tôi cảm thấy xót xa cho niềm tin của họ. Thế này thì còn
gì là truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây mà ta
vẫn nói, vẫn nghe từ thuở mới học vỡ lòng? Không thể hiểu nổi” - Xuyen: tongxuyen@yahoo.com.vn
“Nghị quyết 30a thực
hiện đến đâu rồi? Chương trình 34,35 của Chính phủ về xoá đói giảm nghèo
đã thực hiện ra sao? Vấn đề này không phải là do chế độ chính sách, vì
thực tế ai cũng hiểu là Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến đời sống của
nhân dân, nhưng cấp thực hiện còn nhiều sai sót quá. Để thực hiện tốt
NQTW4 khoá XI, mong các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, Bí thư Huyện uỷ
Yên Bình cũng cần xem xét lại xem các công bộc ở đây làm làm việc thế
nào mà để cho dân khổ đến vậy?” - Trương Quang Tuyến: quangtuyen686@gmail.com
“Tầm nhìn và qui hoạch
là của những người có trách nhiệm trong dự án thủy điện đầu tiên của cả
nước, nhưng họ đã quên lời hứa với những người dân nghèo vùng sơn cước.
Không nên trách cán bộ xã, thôn địa phương, họ không thể làm được gì cả
đâu....” - Ngô Hoành: ngohoanh12@gmail.com
Vâng dẫu là sai sót ở
cấp nào và từ bao lâu, nhưng muộn mà có hành động tích cực ngay thì vẫn
còn hơn không rất nhiều. Trong khi hy vọng và trông chờ vào phản hồi của
các cấp chính quyền và ban ngành hữu quan, với truyền thống “lá lành
đùm lá rách” bạn đọc Dân trí một lần nữa kêu gọi tinh thần Nhân ái trong
cộng đồng:
“Trời! Sao mà bất
công quá vậy! Ở nơi gọi là hy sinh vì dòng điện quốc gia mà để người dân
chịu cảnh như vậy sao? Không lẽ họ bị bỏ rơi 1 cách đáng thương vậy
sao? Mong các cấp hữu quan xem bài báo này và có những hành động cụ thể
giúp đỡ họ càng sớm càng tốt. Nếu cần mong DÂN TRÍ hãy kêu sự giúp đỡ
của cả DÂN TỘC MÌNH!” - Vũ Lan: mamaoi66@zing.vn
http://dantri.com.vn/c673/s668-630384/thuy-dien-thac-ba-50-nam-van-loi-hen.htm
Đọc bài này của Phương Bích mới cảm nhận được nỗi thống khổ của nhân dân thấp cổ bé miệng. Các quan trên, quan dưới đều có nhà cửa hoành tráng, xe cộ sang trọng, tiền bạc rủng rỉnh (thậm chí nhiều quan còn có tài khoản ở nhà bank nước ngoài) mà đang tâm ngoảnh mặt làm ngơ trước cảnh khốn khổ của dân đen, phải hy sinh mọi thứ cho các quan hưởng thụ. Ôi thương quá đồng bào của tôi và cũng quá giận lũ quan quyền thống trị vô nhân tính.
ReplyDelete“Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo hơn hai thập kỷ qua, giống như một cỗ xe chưa hoàn thiện nhưng đang chạy với tốc độ nhanh, thành công nhiều mà khó khăn cũng lắm.” - (TTS-CTN). Mừng thế. Từ xe bò, nay đã vi vu, phơi phới. Cỗ máy lớn lên khung và bốn bánh đã tròn căng. Hố tử thần nay đã được san lấp. . Lạy giời, cho nó đừng cháy giữa đường, xót xa lắm!
ReplyDeleteQuan lai thoi nay Dung la 1 bon mat nguoi da thu
ReplyDeleteKhông còn gì chính xác hơn. Rất nhiều bài viết trên báo lề phải (cả những comments "người của họ" rải rác trong những bài viết của báo lề trái), lúc nào cũng một giọng điệu mị dân bằng cách hướng người dân suy nghĩ và so sánh với những năm của thế kỷ trước (cả hàng 50 năm), để cuối cùng chỉ ra rằng: Đảng, nhà nước ta đang đưa đất nước đi lên và minh chứng rằng ai ai trong bửa ăn cũng có thịt, cá đầy đủ hơn những năm về trước. Buồn thay, vậy mà nhiều người tin vào đó. Họ không hiểu rằng (Chính quyền thì cố lờ đi), hầu hết các quốc gia trên thế giới đã quan niệm cái ăn ngon, mặc đẹp là quyền vô cùng căn bản của người dân, không cần phải đề cập đến nữa. Có chăng là những nhu cầu tiện nghi, đầy đủ khác mà thôi. Ngoại trừ vài quốc gia còn theo CNCS hoặc Châu Phi.
ReplyDeleteChị ơi! Hôm trước nhà báo Mai Thanh Hải có ý định mở cafe "chửi sếp" đấy. Em thấy thương vụ này hiện nay ở Việt Nam là rất khả thi. Có lẽ những người như chị em mình nên liên hệ góp ít cổ phần nhỉ.
ReplyDeleteNhân đọc câu chuyện nói về xếp tôi lai nhớ lại câu chuyện của chính tôi cách đây đã hơn ba chục năm về trước,lúc đó tôi còn là một chú lính binh nhất...
ReplyDeleteHôm đó đại đội tôi được lệnh tập trung tại một sân kho của H.T.X nông nghiệp địa phương nơi đóng quân để nghe cán bộ tuyên huấn trung đoàn về nói chuyện và phát động phong trào thể dục,thể thao"theo gương Bác Hồ".
Thủ trưởng tuyên huấn cấp trên noí như cháo chảy về lợi ích của việc tập thể dục,thể thao của toàn dân nói chung,quân đội nói riêng lợi ích ra sao,lợi ích thế nào...bởi rất ít khi thủ trưởng phải nhìn vào tài liệu giáo án để trước mặt...đến phần dẫn chứng thì thủ trưởng nói như sau:"Nhờ có rèn luyện thể dục,thể thao thường xuyên nên Đại văn hào Nga Puskin luôn có một thể lực và trí tuệ sung mãn...minh mẫn tuyệt vời nhờ thế ông đã sáng tác cống hiến cho nhân loại những áng văn bất hủ...cả đến khi đã tám chục tuổi ông vẫn cưỡi ngựa leo núi bình thường...
Nghe tới đây thì tôi biết thủ trưởng tôi bị lầm lẫn từ văn hào Lepxtontoi sang thi hào Puskin mất rồi.(bởi tôi vốn là con mọt sách,nhất lại là tủ sách kinh điển văn học Nga)
Nhìn các chú tân binh đang há hốc mồm nghe như nuốt từng lời của diễn giả tôi cảm thấy có lỗi với họ vì tôi biết mà không đính chính thì sẽ có biết bao người bị nhầm lẫn một cách ngớ ngẩn và tai hại.Còn ngược lại thì tôi phải xử sự sao đây?CHẮC CHẮN LÀ MỘT KẾT CỤC XẤU NẾU TÔI VẠCH RA THIẾU SÓT CỦA THỦ TRƯỞNG!
Đến phần góp ý kiến xây dựng phong trào thể dục,thể thao cho đơn vị tôi giơ tay xin phát biểu,được thủ trưởng cho phép tôi đứng vụt dậy nói một hơi thật nhanh vì sợ sẽ bị tước quyền phát biểu khi chưa diễn đạt hết sự việc.
Tôi nói"-Thưa thủ trưởng!Thủ trưởng đã nhầm lẫn giữa Lepxtontoi và Puskin ạ!nhà thơ Puskin đã chết từ lúc chưa tới 30 tuổi trong một cuộc đấu súng vì danh dự...và người cưỡi ngựa,leo núi khi 80 tuổi là Lepxtontoi đấy ạ!"anh em đồng ngũ của tôi cùng ồ lên ngạc nhiên...riêng thủ trưởng(diễn giả)nhìn tôi với đôi mắt hình viên đạn...ông ta hất tay ý bắt tôi ngồi xuống nói như quát"đồng chí đã lạc đề!giờ là phát biểu ý kiến để xây dựng phong trào thể dục,thể thao cho đơn vị..."Sau này tôi chuyển về ban thi đua trung đoàn thuộc quyền chỉ huy của diễn giả xưa,và phần tiếp theo thế nào thì chả cần khoe mọi người cũng biết...
Nhưng tôi không bao giờ hối tiếc về việc mình đã làm.Nếu như quay thời gian ngược lại tôi cũng vẫn sẽ làm như thế!không thể để các đồng đội tôi, những chàng trai trẻ sắp lao vào chỗ hiểm nguy vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và độc lập tự do cho tổ quốc mà lại mang trong đầu một sự nhầm lẫn không đáng có do những kẻ dốt nát gây nên dù chúng là thủ trưởng hay là xếp hoặc nhân danh một thứ gì chăng nữa...
Cám ơn cái entry rất đáng suy ngẫm của Phương Bích. Có lần tớ đọc ở đâu đó, có người bàn rằng một trong những vấn đề quan trọng cho Việt Nam là từ các vị lãnh đạo cao nhất, cùng tất cả các quan chức lớn nhỏ, cho đến mỗi người dân, cần phải biết phân biệt cho đúng và tách bạch rạch ròi hai khái niệm "chính khách" và "công chức".
ReplyDelete"Công chức" thực ra là "công bộc", thực sự là đầy tớ lo việc công, được dân trả lương bằng tiền đóng thuế. Nhiệm vụ của đầy tớ là thực thi ý muốn, ý chí (chứ không phải "ý nguyện" đâu nhé) của chủ. Nhiệm vụ không chu toàn thì xin mời về vườn làm chuyện khác.
Như thế, nội hàm của khái niệm "công chức" rất rộng: quân đội, cảnh sát, an ninh gì gì thì căn bản vẫn chỉ là công chức. Chẳng hạn ở miền Nam trước 1975, luật qui định là quân nhân không được tham gia vào các đảng phái chính trị bao lâu họ còn tại ngũ, cũng là vì sự phân biệt rạch ròi giữa "công chức" và "chính khách".
"Chính khách" thì có thể hiểu giản dị là những người dấn thân vào việc (hoặc có khả năng, uy tín và thành tích trong việc) vận động quần chúng về những vấn đề chính trị. Họ là những người không ăn lương từ tiền thuế, không làm việc trong các cơ quan công quyền (ngay hai chữ "công quyền" này cũng phải hiểu cho đúng) cho đến khi dân chúng chấp nhận họ và bầu họ vào những chức vụ mà ta gọi là "lãnh đạo".
Khi là lãnh đạo rồi thì ngoài cương vị chính khách, họ nghiễm nhiên cũng trở thành một "công bộc", tức phải làm tròn phận sự của mình cho đẹp lòng các "ông bà chủ" nhân dân, chứ không phải "làm cha thiên hạ".
Sự phân biệt tưởng như đơn giản này, nghe đâu lại là một trong những bài học căn bản trong các trường đào tạo cán bộ phục vụ quốc gia ở những nước tiền tiến trên thế giới. Tớ chưa được học giáo trình này bao giờ nên cũng chỉ trình bày theo hiểu biết hạn hẹp, học lóm của mình như thế.
Cái bậy của nước ta là cứ lộn tùng phèo giữa công chức và chính khách. Thành ra khi tuyển dụng công chức thì thay vì chọn những người được đào tạo tới nơi tới chốn về chuyên môn trong ngành mình sẽ phục vụ, chúng ta chỉ cần những ông bà tốt nghiệp... lý luận chính trị là xong! Thế nên rất nhiều công chức của chúng ta chả hiểu được mình chỉ là công bộc phục vụ dân, lại cứ tưởng mình như ông lãnh tụ con ở cơ quan mình, mở miệng ra là lời vàng thước ngọc và bọn "quần thần" phải răm rắp hoan hô mới chịu!