Translate

Thursday 30 October 2014

Độc lập và Giải phóng cho cả dân tộc này, hay chỉ cho một nhóm người?


Một lần tôi đến nhà cụ bà Lê Hiền Đức, tình cờ gặp một nhóm bà con dân oan Cần Thơ, tìm đến nhà bà để nhờ cậy việc khiếu kiện. Trong khi bà Đức bận việc, bà nhờ tôi nghe bà con kể, rồi sẽ tóm tắt lại cho bà nghe sau. Câu chuyện của họ là thế này:

Năm 1975, miền Bắc vào giải phóng miền Nam. Chưa đầy một năm sau, những người nông dân ở Cần Thơ (khu vực nông trường Sông Hậu bây giờ) thấy bộ đội (có người quen gọi là lính) vào “đuổi” dân ra khỏi khu vực đất canh tác của họ, nói là lấy đất để nuôi quân. Nếu ai không đi sẽ bắn bỏ! Tôi đoán đây là thời kỳ chiến tranh biên giới Tây Nam.

Đến năm 1979, tức là năm chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc,  “lính” bỏ đi, và đất của họ, sau 3 năm để cỏ dại mọc phủ đầy, đã có chủ mới là Nông trường Sông Hậu! Theo các tài liệu trên mạng, thì đất nông trường Sông Hậu là do ông Năm Hoàng và các cộng sự tổ chức “khai hoang”!
Cuộc khiếu kiện của những người nông dân Cần Thơ bắt đầu từ những ngày đó. Họ gọi cha con ông Năm Hoàng và bà Ba Sương là kẻ cướp. Mặc dù đất đai canh tác của họ trước đây đã được chính quyền VNCH cấp giấy tờ, nhưng không một cấp nào của chính quyền mới này có thể trả lại đất cho họ. Thậm chí, khi nông trường “phát canh thu tô” đất nông trường, họ xin được thuê lại đất của chính họ để canh tác nhưng cũng bị từ chối.

Năm 1993, một trong những nông dân đi khiếu kiện đã có được một văn bản của trung ương, yêu cầu trả đất cho bà con? Lập tức cả ngàn người kéo đến nông trường Sông Hậu để đòi đất. Có người “tư vấn” cho bà con kéo ra tập trung ở quốc lộ, thì “Trung ương” mới biết chuyện mà giải quyết. Cả ngàn người lại kéo ra quốc lộ, gây tắc ngẽn giao thông, và sau đó là công an đến, bắt hàng  trăm người mang đi, người nói con số bị bắt ba bốn trăm, người nói năm trăm. Mặc dù sau đó phần lớn những người bị bắt được thả dần dần, những cũng có người trong số đó đã bị kết án tù.

Tôi hỏi, trong những năm đó (từ 1976 tới nay – 2014), bà con làm gì để sống? Họ nói, thì đi làm thuê làm mướn, cực lắm! Họ cho tôi xem những tờ giấy do chính quyền địa phương mới xác nhận, rằng họ không hề có đất đai canh tác.

Thực chất, sau khi có văn bản từ trung ương chỉ đạo, nông trường đã có động tác là đền bù cho bà con nông dân, với giá 19 -20 giạ lúa cho 1 công đất, nghĩa là khoảng 2 triệu đồng cho 1000m2 đất. Có người nhận tiền đền bù theo kiểu vớt vát được chút nào hay chút đó, còn đa phần bà con không nhận. Trong quá trình đi khiếu kiện, nhiều người đã bị đi tù. Có nhà vợ ra tù thì chồng vô tù.

Nghe họ kể, một người bảo: thấy giống chuyện cổ tích không?

*   Thế là, giải phóng miền Nam đã khiến nhiều người từ không có đất, trở thành có đất và ngược lại, người có đất trở thành không còn một tấc đất.

*   Không chỉ ở Cần Thơ, mà cả Đồng Tháp, hay Văn Giang, Dương Nội và nhiều nơi trên khắp dải đất hình chữ S này cũng vậy. Tại sao người nông dân ngày nay lại đi đòi đúng cái quyền trước năm 45 đã đòi, là dân cày có ruộng?

Tôi dò hỏi một chuyên gia, về chính sách tiếp quản  đất đai ở miền Nam sau năm 1975. Ông ta không nói được điều gì, ngoài việc nói có thể khi có chính quyền mới, người dân phải tự đến kê khai ruộng đất, không kê khai, mất đất chính quyền không chịu trách nhiệm. Tôi rất kinh ngạc khi nghe ông ta nói vậy. Tôi hỏi ông ta,

-    Thế chính quyền không cần biết, trước khi “Giải phóng”, người nông dân làm gì để sống à? Không có đất sản xuất, người dân sống chết mặc bay à?

Vị chuyên gia không trả lời được câu hỏi này. Tôi thì không biết hỏi ai. Nhưng hiện thực về sự có mặt của hàng ngàn dân oan, đang diễn ra hàng ngày ở thủ đô, trước mắt tất cả bàn dân thiên hạ, chính là câu trả lời xác thực nhất. Nếu hình dung ra con đường đi khiếu kiện của họ từ cấp làng xã, tỉnh huyện rồi mới đến trung ương, thì chúng ta sẽ hiểu, đó là một quãng đường không hề ngắn, và cũng không biết bao giờ tới đích. Tôi đành nói với họ, oan thì kêu cứ kêu, nhưng còn chế độ này thì sẽ không ai giải quyết được cho các bác đâu. Cố chờ vậy!

Thực tế dân oan đã có từ rất lâu (có lẽ đã có ngay từ sau năm 54). Nhưng chỉ mới vài năm gần đây, nhiều người mới biết đến dân oan, qua những lời kêu cứu ghi ngay trên quần áo của họ. Bên cạnh việc công nhận đi khiếu nại là quyền bày tỏ ý kiến của người dân, ông chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ trích việc người dân oan đi khiếu kiện, mà mặc áo cờ đỏ sao vàng là làm xấu hình ảnh thủ đô. Tôi lại thấy họ đáng trách ở chỗ khác, là họ vẫn đặt nhầm niềm tin vào lá cờ đỏ sao vàng ấy, coi nó như một thứ bùa hộ mệnh để che trở và cứu vớt được họ.

Nếu chính quyền này kết tội lực lượng thù địch, xúi giục và cho tiền để tiếp tay cho dân oan, thì cách tốt nhất là hãy để cho lực lượng thù địch không có đất sống. Không có dân oan thì cái lực lượng thù địch ấy nó chả chết nhăn răng. Nếu tóm được lực lượng thù địch, cứ đưa nó ra tòa, xử công khai để làm gương cho thiên hạ. Thế mới là quang minh chính đại, chứ ai lại cứ lèm bèm nói đổng một mình thế?

Nói đi nói lại, lại ngẫm về 2 câu “Độc lập” và ”Giải phóng”. Độc lập và Giải phóng cho cả dân tộc này, hay chỉ cho một nhóm người?


7 comments:

  1. Trắng đầu đè cổ đã qua
    Đen đầu cưỡi cổ bằng ba ... trắng đầu!

    ReplyDelete
  2. Thế là cướp đất hợp pháp của người dân một cách trắng trợn, đẩy không biết bao con người vô tội vào đường cùng, trắng tay. Sao các người (ĐCS) độc ác thế?

    ReplyDelete
  3. │ Sẽ đến cái ngày người dân cả ba miền đi tìm lại ý nghĩa và mục đích của đời người. Khi ấy tư bổn hay CSCN cũng chả phải cái đích mà nợ công là bao nhiêu mỗi đầu người mới là điều đáng lưu tâm. Giả sử có tử tế và cái dễ tha thứ nhứt là mọi việc đã có thế hệ sau giải quyết thì cũng chả ai muốn nhắc đến dân oan làm gì!

    Yêu hay ghét, kiện hay cáo thì muôn đời vẫn vậy. Sắp tới các bác ấy lại kháo nhau xoay trục qua Hong Kong hỏi mua thêm ít đồ chơi mang về. Cái thứ dùi cui made in China, vụt sướng tay! Với công nghệ & vật liệu nano, tốc độ nhanh hơn và dễ bám vào da thịt hơn; vụt cho sướng!

    Mà nghĩ cũng phải. Thể theo phương châm 20 chữ: Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan, Dân oan tương tự! Sở dĩ phải dí thêm 4 chữ sau cùng cũng chỉ vì các "thế lực thù địch". Cứ nuốt chửng như thế thì đến khi nào đến được thiên đường, các bác ui!

    ReplyDelete
  4. đảng cướp, đảng cướp sạch

    ReplyDelete
  5. Lại Mạnh Cường1 November 2014 at 00:42

    Trời đất qủi thần ơi,

    Qua vụ này mới lòi ra cái gọi là Nông trường Sông Hậu của cha con Năm Hoàng và Ba Sương cũng thuộc loại cường hào ác bá đỏ, ăn cướp đất của dân lập nên cái gọi là Nông trường Sông Hậu, đã có thời kỳ kiện cáo lung tung với đám Ủy ban nhân rân thành phố Cần Thơ cách nay dễ cũng 3-4 năm rồi đó. Ba Sương cũng làm to chuyện và ăn vạ tùm lum.

    Tóm lại cá lớn hiếp cá bé, mạnh được yếu thua, cứ như trong rừng xanh vậy !

    ====

    02:11 ngày 21/10/2013

    Bà Ba Sương lại trở về làm 'sếp' nông trường Sông Hậu

    Trong thời gian vướng vào những rắc rối pháp luật, bà Trần Ngọc Sương (Ba Sương) - Anh hùng lao động thời đổi mới, nguyên giám đốc Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ) - vẫn âm thầm đi tìm con đường riêng cho mình, và đã thành công.

    “Năm năm qua là những tháng ngày trải nghiệm cực kỳ ý nghĩa đối với tôi. Tự tay tôi làm những hũ dưa kiệu, dưa hành, dưa món, dưa tai heo... đặc sản của miền Tây chào bán cho bạn bè, người dân Sài Gòn để tích cóp tiền chi tiêu và trả tiền thuê nhà trọ. Tôi đã mày mò nghiên cứu cho ra đời trên 20 sản phẩm từ trái cây, rau củ quả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu” - bà Sương mở đầu câu chuyện.
    Bà Ba Sương cho hay, ý định làm trái cây đã được bà ấp ủ từ lâu, nhưng phải đến tháng 11/2009, sau khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm (bị tòa tuyên 8 năm tù nhưng được tại ngoại vì lý do sức khỏe và bà Sương có đơn kháng án), bà mới từ giã bạn bè, bà con ở Cần Thơ lên TP.HCM thuê một căn nhà trọ nhỏ ở quận 10, vừa kháng án vừa thực hiện ấp ủ của mình (....)

    4 năm dông bão Bà Trần Ngọc Sương sinh năm 1949, công tác tại Nông trường Sông Hậu từ năm 1981, đến năm 2000 được bổ nhiệm giữ chức giám đốc nông trường. Cũng trong năm 2000, bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời đổi mới. - Tháng 4/2008: Công an thành phố Cần Thơ khởi tố vụ án “lập quỹ trái phép”, khởi tố bị can đối với bà Trần Ngọc Sương. - Tháng 8/2009: Tòa án Nhân dân huyện Cờ Đỏ xử phạt bà Sương 8 năm tù tội “lập quỹ trái phép”, buộc bồi thường thiệt hại cho nông trường hơn 4,3 tỷ đồng và phạt các đồng phạm khác từ 1 năm 6 tháng tù đến 6 năm tù. - Tháng 11/2009: Tòa án Nhân dân thành phố Cần Thơ xử phúc thẩm tuyên y án 8 năm tù với bà Sương. - Tháng 5/2010: Tòa án Nhân dân tối cao ra quyết định hủy bản án đã tuyên với bà Sương, yêu cầu điều tra lại. - Ngày 21/2/2011: Công an thành phố Cần Thơ hoàn tất kết luận điều tra mới về vụ án. - Ngày 19/1/2012: Viện kiểm sát Nhân dân Cần Thơ công bố quyết định đình chỉ vụ án “lập quỹ trái phép” ở Nông trường Sông Hậu. - Ngày 9/2/2012: Bà Sương được khôi phục sinh hoạt Đảng.

    Bài viết: http://news.zing.vn/Ba-Ba-Suong-lai-tro-ve-lam-sep-nong-truong-Song-Hau-post362023.html

    Nguồn Zing News

    ReplyDelete
  6. Chính quyền độc tài sau này cứ nhằm vào con cháu quan chức hiện nay cướp tài sản là đủ giàu có, lúc đó mấy tay này chết hết rồi làm sao cứu con cháu họ đây?

    ReplyDelete
  7. web bạn mình đọc rất hưu ích bên mình là dịch vụ trung tam day nghe toc mong được hợp tác với bên bạn

    ReplyDelete