Sáng sớm nay, tôi có việc
đến vườn hoa Lý Tự Trọng. Một cách rất vô thức, tôi đưa mắt ngó quanh như muốn
tìm một cái gì đó. Kia rồi, những túp lều chằng đụp bằng ni lông, thấp lè tè
dưới gốc cây. Gọi là lều cho nó sang, cho nó ra dáng là nơi con người có thể
chui ra chui vào thôi. Xung quanh lều, đủ thứ chổi cùn giế rách tấp vào đó.
Gần đây tôi mới biết, chứ người
dân sống quanh đây chẳng lạ gì chuyện dân oan đi khiếu kiện, đến sống ở vườn hoa này mấy chục năm nay. Có người còn sinh con đẻ cái ở đây mới khiếp. Nếu theo
bức ảnh tôi chụp, thì phía sau căn lều như “ổ chó” của họ chỉ cách hơn trăm mét là
trụ sở của Văn phòng Chính phủ. Không biết họ chờ đợi gì ở phía sau đó?
Vẫn còn sớm, tôi lại gần
người đàn bà đang lúi húi cạnh đó, trỏ vào một cái “ổ” hỏi:
- Ở đây cũng có người ở hả
chị?
Người đàn bà gật đầu. Nhiều
người hỏi chị câu đó rồi. Cả “Tây” lẫn “Ta”, ai nấy đều kinh ngạc. “Nhà” đây ấy
hả? Hàng chục năm nay người ta cứ đến hỏi han như thế rồi lại đi. Sau đó mọi
thứ lại tiếp tục rơi vào quên lãng. Hết Xuân rồi sang Hạ, sang Thu, sang
Đông. Người ta cứ đến vui chơi, tập thể thao, nhảy nhót ca hát ở vườn hoa, như thể có hai thế giới đang cùng tồn tại, chỉ trong vòng cái khuôn viên chẳng lấy gì làm rộng lớn ấy.
Tôi nhìn quanh. Tuy chưa phải là thiên đường, nhưng vườn hoa thì
đương nhiên là đẹp rồi (so với Việt Nam thôi), nhất là nó lại nằm cạnh
Hồ Tây. Gần đó toàn là các cơ quan của Đảng và Chính phủ, như Ban Vật giá Chính
Phủ, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng trung ương Đảng...Thế mà sao ở một xó vườn
hoa này, vẫn tồn tại những căn lều “ổ chó” như thế?
Ừ! Họ đâu phải là ăn mày mà
hốt họ vào trại? Tống họ về địa phương ư? Làm gì còn nhà mà về?
Đừng có bịp bợm rằng tất cả
dân oan tham lam, rằng họ đã được đền bù nhưng không thỏa mãn. Tôi cũng là
người trong cuộc nên biết rõ lắm. Mang tiếng là đền bù, nhưng còn tệ hơn cả bố
thí. Thế nên đám quan chức làng xã mới có nhà lầu, xe hơi, còn sang hơn ối
người thành thị thế chứ.
Mới đây nghe nói ông Nguyễn
Sinh Hùng “than vãn”, rằng chuyện đút lót, tiêu cực có bắt, có xử được mấy đâu?
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130711/chu-tich-qh-nguyen-sinh-hung-dut-lot-tieu-cuc-co-bat-co-xu-duoc-may-dau.aspx
Nghe thật hài. Đến con nít cũng hiểu đút lót
thì phải có kẻ đưa, người nhận. Giống như cái chuyện bán dâm thì phải có đứa bán đứa
mua. Xử mỗi đứa bán dâm mà không xử đứa mua dâm ấy hả? Làm sao mà các ông
tự xử được chứ? Cứ thử để nhân dân làm
xem có xử được không? Những người nào từng đến nhà các ông, chạy chọt xin xỏ, đút lót bao nhiêu người ta nhớ
hết cả đấy.
Tôi bâng khuâng hết nhìn
những căn lều ổ chó, lại nhìn khắp vườn hoa. Nhớ câu nói với anh trưởng
công an phường lúc anh ý tiễn tôi ra cửa:
- Tôi mà làm lãnh đạo thì
các anh chết!
Nói vậy để hiểu không có cái gì
không thể làm được, mà chỉ là có muốn làm hay không thôi.
Rời khỏi vườn hoa, tôi cứ nghĩ vẩn vơ về khoảng cách từ túp lều dưới gốc cây này đến cánh cổng bên kia đường, không quá xa mà sao đi mãi vẫn không thấy tới?
Một nghịch cảnh ở Việt Nam. Những thiên thần phải sống trong địa ngục và lũ ác quỷ đang phởn phơ trên thiên đường. Buồn cho cái khẩu hiệu mỹ miều "NGƯỜI CÀY CÓ RUỘNG" ngày nào. Trước đây câu "dân cày đường nhựa" thường được dùng để ám chỉ những ai sống ở thành phố mới bước chân về nông thôn nhưng bây giờ câu này hoàn toàn chính xác cho những người nông dân thực thụ đang dần dần bị chiếm mất ruộng. Thay vì những cánh đồng đã mang lại cuộc sống, hạnh phúc cho bản thân, gia đình thì họ phải áp mắt nhìn vào những tòa nhà cao tầng, những con đường nhựa chạy trước cửa nhà, thậm chí chạy ngay trên nền nhà cũ của họ.
ReplyDelete• Sau nhiều năm lều bạt khiếu kiện. Hết lên Ủy ban rồi kéo nhau ra HN kêu cứu, người ta lại chỉ về địa phương, chờ giải quyết! Một anh nông dân Dương Nội đêm nằm trằn trọc khó ngủ, thắc mắc rồi chả biết sổ đỏ có còn giá trị bao lâu nữa? Thánh Allah thấy thương, bỗng hiện về, động viên: "Sẽ còn nhiều đêm nữa, con ơi . ."
ReplyDelete