Translate

Thursday, 15 September 2011

Vô đề

Hồi bé, tôi đọc một câu chuyện trong cuốn Văn nghệ quân đội hàng tuần, nói về cuộc gặp gỡ dọc đường Trường Sơn của một chiến sĩ lái xe với chị Võ Thị Tần, một trong 10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc.
Câu chuyện thời chiến như bao câu chuyện khác, chỉ giống như một trang hồi ký, kể lại chuyện bom rơi đạn nổ, chuyện con người miền Bắc Việt Nam ngày ấy sống như thế nào trong chiến tranh. Nhưng suốt cuốn truyện, tôi chỉ nhớ đau đáu một câu viết: “Chúng ta hãy sống với nhau như thế nào đây, để đến khi anh hay là tôi ngã xuống, chúng ta có thể khóc thương nhau một cách chân thành”
Bởi cuộc sống thời chiến nó khắc nghiệt quá, nên chẳng ai dám nói chuyện xa xôi là đến hết chiến tranh, người ta còn có thể gặp lại nhau, mà chỉ dám nói: đến khi anh hay là tôi ngã xuống…
Bây giờ hết chiến tranh rồi. Đi làm đến tuổi thì về hưu. Lúc đi làm thì có quyền lực, được thiên hạ nhờ cậy, có quân cán để mà hô hét. Khi về hưu rồi, trở thành dân. Không có cấp dưới thưa gửi, thì nay có nhu cầu giao lưu bạn bè, hàng xóm láng giềng. Quan to mấy cũng phải có hàng xóm láng giềng chứ, phải có tổ dân phố chứ. Tôi nghe bố tôi nói một ông bạn kể rằng, có một ông bộ trưởng khi về hưu, buổi sáng ra hồ đi dạo, dân tình chỉ trỏ, nói tướng lên cốt để cho ông ấy nghe thấy: trùm tham nhũng đấy! Từ hôm ấy tiệt không thấy ông ấy bén mảng ra hồ đi dạo nữa. Mọi người bảo nhau: chắc là sợ rồi! Khổ thật, đến đi dạo cũng không yên thân.
Ngay cả trong lớp các quan về hưu với nhau, khi giao lưu ở câu lạc bộ Ba Đình, có cụ lớp đàn anh bạo miệng chẳng kiêng nể gì, chửi vỗ mặt rằng: đ.mẹ cái thằng A… kia, mày không đội trôn thằng này thằng nọ mới ngoi được lên thứ trưởng… khiến người bị chửi cũng lặn một hơi, không tái xuất lần nào nữa.
Làm sao tôi lại nói đến những chuyện này thế nhỉ?
Chỉ tại vì tôi buồn quá. Tôi nghe thấy cháu Phương (người đọc tuyên cáo) nói về nguy cơ mất việc từ hôm 17/7. Sau này tình cờ biết được sếp tổng của Phương là bạn học cũ của tôi. Tôi mừng lắm, nghĩ thế là phen này có cơ hội ra tay nghĩa hiệp, “Giúp một người phúc đẳng hằng sa” mà. Nhưng Phương nói rằng hiện tại công ty vẫn chưa biết cháu đi biểu tình, khi nào cần cháu sẽ nhờ tôi nói giúp.
Bẵng đi một thời gian, đến hôm vừa rồi tôi nghe thấy người khác chứ không phải là Phương, nói với tôi rằng Phương sắp bị đuổi việc. Ngay lập tức tôi gọi cho anh bạn học cũ.
Chuyện tưởng đơn giản, chỉ cần cháu Phương viết giấy cam kết không đi biểu tình nữa là xong. Nay mai có khi nhà nước khuyến khích hô hào, giống như việc sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng thì cũng chả đi nữa – chán rồi.
Ngồi nói chuyện hơn tiếng đồng hồ, biết cháu Phương là phó phòng kinh doanh, làm việc tốt, được anh em quý mến. Anh bạn tôi bật loa điện thoại khi nói chuyện với cậu trưởng phòng của cháu Phương, để cho tôi cùng nghe.
Tôi không tranh luận với cậu bạn quan điểm về chuyện biểu tình, người ta là dân làm ăn, né tránh chuyện bị làm phiền phức là điều dễ hiểu. Nhưng tay giám đốc dưới quyền thì cứ khăng khăng là Phương vẫn có mặt trên facebook thì chứng tỏ cháu nó vẫn giao du với cái nhóm biểu tình. Ô hay, thế lý do chính của các ông là gì? Hay là còn cần thêm cả cái máy đọc ý nghĩ để cấm luôn thể?
Nhưng nói chung là cậu bạn tôi vẫn tỏ ý ủng hộ, người làm kinh doanh bao giờ cũng muốn sử dụng những người có năng lực. Tôi tin tưởng lắm, và cũng cảm thấy oách khi mình có một thằng bạn học làm to, có quyền này quyền nọ…
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, ngày hôm sau khi vào facebook, tôi đọc thấy thông tin cháu Phương vẫn sẽ bị thôi việc. Thế là thế nào?
Tôi nhắn một tin ngắn cho cậu bạn. Cậu ta trả lời hôm nay làm việc rất quyết liệt với các bộ phận. Hóa ra việc của cháu Phương phức tạp lắm, từ công an phường đến công an quận, thành phố suốt ngày làm việc với bên tổ chức, yêu cầu cung cấp thông tin về Phương hàng ngày, hàng giờ. Rồi đối thủ cạnh tranh sẽ nhân đó làm ảnh hưởng đến uy tín của công ty. Vì vậy cậu ta nói cứ để Phương nghỉ một thời gian rồi hãy quay lại làm.
Tôi hỏi cháu Phương sự thể thế nào. Cháu nói họ không đuổi việc, nhưng thuyết phục (hay ép cũng vậy thôi) cháu tự viết đơn xin thôi việc.
Tôi thấy xấu hổ quá, hóa ra cái oai của tôi là oai hão. Nhưng cái chính làm tôi buồn nhất là không giúp được cháu Phương. Nếu thâm tâm họ đã e ngại thì cố đấm ăn xôi cũng chẳng để làm gì, thế mà tôi cứ tưởng họ phải bảo vệ bằng được người mà họ cho là tốt.
Giống như ông tổ phó tổ dân phố chỗ tôi ở - người trả lời phỏng vấn của báo ANTĐ đòi kiên quyết nghiệm trị tôi, khi tôi bị bắt vì đi biểu tình chống TQ - trông thấy tôi cứ cười cầu hòa. Ông ấy bản chất thì tốt, trước chú cháu vẫn quý hóa nhau lắm. Chỉ mỗi tội ông ấy nhận thức không đầy đủ, cái gì cũng sợ, chỉ được mỗi cái nhiệt tình. Ông ấy vốn không có lương hưu, nên phần nào bà con cũng muốn bầu ông ấy vào tổ dân phố để tạo điều kiện cho ông ấy có chút thu nhập. Nhưng người ta vẫn bảo ngu dốt cộng với nhiệt tình thành ra phá hoại. Gặp tôi, ông ấy cứ loay hoay không biết nói thế nào, chỉ nói tôi hãy thông cảm cho ông ấy. Tôi chỉ bảo ông ấy nên nói đúng sự thật, nói đúng với lương tâm mình, chứ đừng nói để đẹp lòng ai đó. Tôi sẽ in bài thơ “Lời mẹ dặn” của cố nhà thơ Phùng Quán tặng ông ấy, hy vọng ông ấy hiểu được phần nào chủ ý của bài thơ.
Nghe tin những người biểu tình yêu nước lần lượt bị ép thôi việc, bị chủ nhà trọ từ chối không cho thuê, anh em, bạn bè đều hết sức phẫn nộ. Trước đó là Trịnh Hữu Long, Nguyễn Tiến Nam đều đã bị ép thôi việc và chuyển chỗ ở không biết đã mấy lần.
Trong khi chúng tôi, những người có công ăn việc làm, chỗ ở ổn định và chẳng có thế lực nào gây khó dễ được cho chúng tôi, bức xúc đùng đùng thì những chàng trai này lại tỏ ra thản nhiên. Họ nói cũng đã lường trước được sẽ bị mất việc làm khi tham gia biểu tình chống TQ, nhưng điều đó đã không thể cản trở họ làm cái điều mà họ cho là phải làm, theo lương tâm và trách nhiệm đối với đất nước.
Mỗi người rồi cũng đều sẽ đến lúc nghỉ ngơi, trở về với cuộc sống đời thường. Sẽ có lúc mọi người nhìn lại quãng đường mình đi, nhớ lại những gì mình đã làm. Chắc chắn rằng những điều tốt đẹp họ đã làm sẽ khiến lương tâm họ thanh thản, để phúc để đức lại cho muôn đời con cháu sau này… Còn bằng không thì ngược lại…
Thời chiến tranh, cái gần nhất là cái chết, cái xa xôi nhất là ngày trở về. Thời bình, cái người ta không tính đến trước mắt là cái chết. Trừ ốm đau bệnh tật, không thì phần lớn ai cũng còn một quãng đời dài vài chục năm để sống như một người bình thường, sau khi hết nghĩa vụ lao động (theo luật), đó là cái trước mắt.
Vậy thì chúng ta hãy sống với nhau thế nào đây, để đến khi tôi hay là anh lúc vô tình gặp lại nhau, vẫn còn có thể ngẩng mặt nhìn nhau mà không phải né tránh.
Phải sống thế nào để khi nhìn lại quãng đường đã đi của mình, không bị cắn rứt lương tâm vì đã ngoảnh mặt làm ngơ, không cứu giúp người gặp nạn, chứ đừng nói gì đến việc còn có dã tâm đẩy họ vào bước đường cùng.








29 comments:

  1. Xin lỗi các bác, chả hiểu loay hoay thế nào mà tiêu mất các còm đã hiển thị. Tìm thì vẫn thấy ở trong, nhưng gia chủ không biết cách lôi nó ra. Hi hi, vì dốt môn vi tính nên nó thế đấy ạ.

    ReplyDelete
  2. Sửa có một từ mà đi tiêu mất toàn bộ các còm của bà con. Hi Hi, gia chủ chưa biết cách khôi phục lại. Rất rất xin lỗi ạ

    ReplyDelete
  3. PB có nhiều băn khoăn với cuộc sống , xã hội . Mọi suy tư, mọi diễn biến tâm trạng, đều thây như còn bế tắc, thôi thì cứ viết thật nhiều, biết đâu lại thấy nhẹ người. Viết Blog cũng có tác dụng gần giống “Xuống đường”, Khi người ta va chạm với nhiều bất công, nhiều bức xúc mà không biếtkêu hoặc xả vào đâu thì “Xuống đường” có cảm giác thanh thản và nhẹ nhõm còn khi nào cũng thấy trướng bụng đầy hơi thì cứ viết, cũng hay lắm chứ !
    Còn các chàng trai trẻ, mất việc là đương nhiên, hệ luỵ mà. Không sao nhiều khi mất việc lại hoá hay, tuổi trẻ còn nhiều cơ hội, mong sao các cậu ấy lạc quan, bình tĩnh, khoẻ mạnh và may mắn!

    ReplyDelete
  4. Người tốt thì dù đang làm việc hay đã về hưu, vẫn có thể ngẩng cao đầu và tham gia bất cứ cuộc gặp mặt nào không bị xái. Sướng.
    Người xấu thì đi đâu cũng lấm la lấm lét. Khi đặt đít ngồi xuống thì cả bàn người ta đứng lên. Nhục.
    Nhưng có những kẻ xấu "mặt trơ tán bóng", không biết xấu hổ là gì, đi đâu cũng ra vẻ ta đây, rao giảng đủ thứ. Ghét.

    ReplyDelete
  5. Tội này có vào Hỏa Lò 1 lần nữa cũng chưa hết tội!
    he he..

    ReplyDelete
  6. Chúc mừng Phượng có blog riêng. Rất thích đọc các bài viết của PB, có hồn lắm, lại chân thật nữa.
    Chúc bình an và mọi sự tốt đẹp nhất.
    Rất yêu quý và kính trọng PB.
    Một người bạn cùng đi BT.

    ReplyDelete
  7. Khi con người muốn sống cho riêng mình là lúc người ta muốn chối bỏ và loại trừ người khác.Nhưng khi họ càng muốn sống theo cách chỉ lo cho riêng mình,chiếm giữ cho riêng mình thì không những họ chối bỏ người khác mà họ cũng tự đánh mất bản thân mình.
    Có một nhận định cho rằng:Tình liên đới là điều thiết yếu cho sự thành toàn của bản thân chúng ta.
    Càng ra khỏi chính mình để sống cho người khác,chúng ta càng gặp lại bản thân mình,chúng ta càng lớn lên trong tình người.Đó là nghịch lý mà Chúa Giêsu đã nói"Ai mất mạng sống mình,người đó sẽ tìm gặp lại bản thân".
    Hạnh phúc của chúng ta chính là làm sao cho người khác được hạnh phúc.
    "...Sống là động nhưng trong lòng bất động
    Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương
    Sống hiên ngang danh lợi xem thường
    Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến"

    ReplyDelete
  8. Sao tôi cứ viết còm nào là lại bị xoá nhể?

    ReplyDelete
  9. Ui tôi ko biết, trong hộp thư thì vẫn có mà sao nó chẳng hiện lên, để tui nhờ bác sĩ xem sao

    ReplyDelete
  10. Khi nào mới có được nhiều người như bác Nguyên Ngọc, bác Huệ Chi ,kết hợp với những người có tiềm lực kinh tế như bầu Kiên của Hà Nội ACB, khi đó thức tỉnh lòng yêu nước thông qua bóng đá, không có con đường nào đến với quần chúng dễ dàng như bóng đá, dù họ ở tầng lớp nào : trí thức hay công nhân, viên chức, bóng đá là liều thuốc tinh thần để giải tỏa căng thẳng.
    Nhưng đó e là điều không thể, bầu Kiên tuy dám chống VFF, nhưng không thể dám chống hơn, bởi khi đó sẽ có người "nhặt xương trong trứng gà", mà kinh tế thì gắn liền với chính trị => buồn

    ReplyDelete
  11. Nếu coi Blog là nhà thì các còm chính là vàng cất trong tủ đấy, đừng để mất còm nhé chị Phương Bích ơi

    ReplyDelete
  12. Thương chị Phương Bích quá, cái tâm chị lúc nào cũng nghĩ cho người khác và nghĩ tốt về người khác. Ngay cả khi chị ở chốn lao tù, cách nói của chị vẫn nhẹ nhàng và chân thật.

    Kẻ nào gây tổn thương cho những người như chị Phương Bích và các em yêu nước, Phương, Kim Tiến, Binh Nhì thì không đáng gọi là con người. Tôi thì tôi tin có quả báo và người trung nghĩa được đền đáp chị Bích ạ.

    ReplyDelete
  13. Phương Bích có phải người dẫn đâu hô khẩu hiệu ở cuộc biểu tình cuối tháng 8 ở HN không. Cám ơn em nhé

    ReplyDelete
  14. "Tìm thì vẫn thấy ở trong,nhưng gia chủ không biết cách lôi nó ra."
    Phương Bích hài hước thật!
    Mỗi việc lôi nó ra thôi mà đã lóng ngóng rồi.

    ReplyDelete
  15. Hết hồn! Điện đóm trong quán cứ chập chờn, làm tôi tưởng có "tàu lạ", ủa lộn, "khách lạ" ngưỡng mộ ghé thăm Phương Bích chủ nhân chứ!

    ReplyDelete
  16. Bạn Phương ạ, bạn thật là dũng cảm ! Cố lên bạn nhé!Bên cạnh bạn có trái tim của chúng tôi! Và chị Phương Bích ơi Cảm ơn chị đã đưa sự thật này đến cho chúng tôi. Đọc câu chuyện này tôi nhớ đến chuyện có thật 100%,câu chuyện xẩy ra tại phòng quản lý xuất nhập cảnh Tỉnh Hà Tĩnh.
    Lần đấy tôi đi đến phòng xuất nhập cảnh Hà Tĩnh để làm hộ chiếu,vừa đến nơi tôi đã nghe tiếng tranh cãi giữa một người cũng làm hộ chiếu như tôi và anh phụ trách làm hội chiếu,Câu chuyện xoay quanh vấn đề anh dân này không chịu bỏ ra mấy ngàn để thuê người viết tờ khai làm hộ chiếu với lời khẳng định "không phải tôi tiếc tiền nhưng tôi có đủ học vấn,có đủ hiểu biết để điền tờ khai này,nếu chỉ thế này mà phải thuê thì không những sỉ nhục tôi mà còn sỉ nhục cả những đồng tiền bố mẹ tôi chắt chiu để nuôi tôi ăn học". Và cái gì đến đã đến.Đến khi không còn gì để có thể hành nữa thì anh cán bộ nọ bắt anh dân đen này phải điền vào mục nghề nghiệp là "làm ruộng"
    - Tôi không làm ruộng thì tại sao lại bắt tôi phải ghi là làm ruộng.
    + Theo qui định phải như thế.
    - Qui định nào, số bao nhiêu,anh cho tôi biết có qui định nào của nhà nước bắt dân phải khai láo
    + .... Im lặng (nhưng cũng không thèm giải thích hay giải quyết )
    Đến lúc này anh dân đen nằng nặc gặp cán bộ cấp trên, nếu không giải quyết cho anh ta thì cũng không thể làm việc tiếp vì vấn đề của anh ta chưa giải quyết xong.Thấy anh ta gay gắt quá lúc bấy giờ mới thấy anh phó phòng từ trong đi ra,sau khi xem xét sự việc cán bộ phó phòng này mới thủng thẳng: "anh ta làm vậy là quá đáng nhưng trường hợp của anh chúng tôi chưa thể giải quyết vì ảnh ở Chứng minh nhân dân của anh hơi mờ,đề nghị anh làm lại chứng minh nhân dân rồi mang đến đây chúng tôi giải quyết"
    Trước khi ra về anh dân đen khẳng định với cả 2 cán bộ một câu mà đến tận bây giờ tôi không thể nào quên: Thưa các quan,các ông còn sống ở mảnh đất này,tôi cũng còn sống ở đây chúng ta sẽ còn gặp nhau,món nợ này tôi sẽ trả lại cho các ông cả vốn lẫn lời,tôi xin hứa với các ông rằng nếu chẳng may các ông có mệnh hệ gì trước ngày tôi trả nợ thì cũng không vì thế mà tôi trả cho con cháu các ông thiếu một ly một phân nào !

    ReplyDelete
  17. Tôi vẫn ghé thăm đều đều ngày mấy bận, chờ bài mới của chị đấy, Phương Bích ơi.
    Sửa sang lại hình thức như thế này là rất tuyệt, sáng sủa dễ nhìn lắm chị ạ, nhất là với những bác con mắt kèm nhẻm kèm nhem U50 trở lên như tôi, hi hi. Hoan hô chủ quán!

    ReplyDelete
  18. Hi hi, tôi đoán gia chủ vẫn đang vất vả bận bịu tìm cách "lôi nó ra" (mấy cái còm ý). Theo tôi, có lẽ không phải do sửa một hai từ trong bài chủ đâu chị Phương Bích ạ, mà là do chị sắp xếp lại bố cục blog, tức là phân chia lại và đặt tên cho các "mục mẹ, mục con". Mỗi lần mình sắp lại bố cục hay đổi tên các mục thì hệ thống sẽ hiểu như là mình viết entry mới, vì đường link của các mục đã khác đi. Tôi oán vậy dựa theo kinh nghiệm làm blog thôi, chứ cũng chưa biết cách chữa thế nào.

    Mà xin chị cũng đừng bận tâm. He he, mỗi còm măng hay mỗi entry đều là "tấm lòng", mà như một câu hát của Trịnh Công Sơn, cứ "để gió cuốn đi". Không mất đi đâu cả, vì cái tình đồng bào của chúng ta đã qua đó mà lớn mạnh và thắm thiết lên rồi.

    Tiếp tục trông bài cũa chị. Nhưng chị nhớ giữ gìn sức khỏe, cứ từ từ, không đi đâu mà vội. Xin chị cho gởi lời kính thăm hai bác.

    ReplyDelete
  19. Thêm một góp ý nữa (hic, hôm nay tui ăn phải món chi mà nói nhiều thế lày!): đồng hồ trang blog của chị đang lấy theo giờ của... Mỹ. Hay là chị nhờ bác sĩ vặn giây thiều lại để chuyển sang giờ An Nam, cho nó máu! Hi hi.

    ReplyDelete
  20. Huhu Hale ơi, tôi có phải là con gà mái, mỗi ngày đẻ ra một quả trứng được đâu.

    Còn về chuyện sửa sang nhà cửa,do tay nghề kém nên loay hoay mãi mới thay được cái nền, còn giờ giấc cũng như nhiều chức năng khác vẫn chưa mò ra, để từ từ thôi vậy. Thông cảm nhé.

    ReplyDelete
  21. Chị cứ từ từ, nghỉ ngơi lại sức sau mấy ngày du lịch Hỏa Lò chứ! Viết còm là để lấy cớ thăm hỏi và ủng hộ tinh thần chị đó mà. Hi hi, đừng khóc nữa! "Tấm lòng chị có đất trời chứng minh"! (trích thơ bác Diện... cá ngão. Hi hi, chọc bác Diện tí vì bác Diện cũng đang khóc hu hu vì bị ai lấy cắp mất tình yêu rồi kìa!)

    ReplyDelete
  22. Về mặt nguyên tắc, nếu Phương không lạm dụng giờ của công ty để đi biểu tình thì công ty không có trách nhiệm gì trong việc giữa Phương và an ninh. Nếu công an nghi ngờ Phương có thể liên hệ với thế lực xấu trong giờ làm việc thì công an phải tự đến theo dõi Phương, công ty có thể sẵn lòng giúp đỡ chứ không có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin. Bây giờ nếu công ty chọn con đường cực đoan nhất là đuổi việc Phương để tránh phiền toái chứng tỏ công ty không có đủ bản lĩnh để bảo vệ nhân viên của mình. Nhất là với một nhân viên đã làm nhiều năm trong công ty. Công ty để tiền lệ này xảy ra thì sau này sẽ khó có thể có được những nhân viên một lòng trung thành với công ty, thực sự tận tâm làm việc cho công ty, vì họ biết khi họ gặp khó khăn họ sẽ không được công ty giúp đỡ bảo vệ.
    Mặt khác, lực lượng an ninh luôn lo sợ người dân bị lôi kéo bởi các thế lực thù địch. Nhưng nếu đúng lực lượng an ninh gây sức ép để những người biểu tình phải nghỉ việc, có khác gì chặn đường sinh sống của họ, và đó là con đường ngắn nhất để đẩy họ chống đối với mình.

    ReplyDelete
  23. Kính bác "Một bạn đọc" (3:25). Thú thực tôi nghe chuyện công ty đuổi việc bạn Phương, các chũ nhà đuổi 3 bạn biểu tình yêu nước khỏi chỗ trọ... tôi buồn làm mà nín thinh khôgn dám nói gì hết, sợ làm các bác ở Hà Nội buồn. Các bác là người dân gốc Bắc, gia đình hay chính bản thân từng là những bộ đội, hay đoàn viên, đảng viên, cán bộ công nhân viên chức Nhà nước mà còn bị lâm tình cảnh như thế, thì các bác biết bọn tôi ở trong Nam, nhà nào cũng dính dáng không ít thì nhiều đến "Mỹ Ngụy", chúng tôi sống ra sao!? Các bác còn dám lên tiếng phản đối, chứ bọn tôi bao nhiêu năm chỉ có nước im re không dám hó hé! Bạn bè tôi làm ăn kinh doanh trong Nam thường nói với nhau: "Sợ lắm! Họ muốn mình chết là mình chết. Họ cho mình sống mình mới sống!". Chả trách gì công ty nào cũng sợ ngành an ninh như sợ... cọp!

    Nói ra không phải để trách móc, không phải để chia rẽ. Tôi đã rất dè dặt không dám nói gì mấy ngày nay về vụ này là vì thế. Hoàn cảnh lịch sử nó thế. Sự chia rẽ, ly tán giữa đồng bào một Mẹ với nhau là nỗi đau chung cho oàn dân tộc. Bao nhiêu năm sống trong nước, tôi luôn tự nhủ thôi thì mình chịu đựng, mình hy sinh, mình chấp nhận tất không một lời than oán không một chút hận thù. Chĩ mong sớm đến ngày dân ta được hòa giải mà thương lấy nhau, đùm bọc kẫn nhau. Đất Mẹ tan hoang, con dân Mẹ lầm than sau hơn 20 năm khói lửa, thôi thì mỗi người ráng nhịn một chút, quảng đại băng bó vết thương lịch sử...

    Không hận thù! Tôi quyết không hận thù! Tôi yêu dân tộc tôi, đồng bào tôi!... Khi nào buồn quá tì tôi chỉ... khóc!

    ReplyDelete
  24. Hôm nay lỡ... "ăn ớt nói nhiều" rồi, thôi xin chị Phương Bích và các bác đại xá cho tôi nói thêm, cho bớt buồn rồi còn đi ngủ:

    Cách đây hơn 5 năm, đã ngưng hết mọi việc làm chờ ngày xuất cảnh, tôi tiếc vài cuốn sách quí sợ mang theo không được, bèn ra dịch vụ vi tính gần nhà cứ thể mệt mài gõ mà lưu lên mạng. Suốt 3 tháng tôi ngồi đó 8 tiếng mỗi ngày, mua ổ bánh mì theo gặm, nước uống thì mua luôn của chủ tiệm, thành ra tôi trở nên "khách ruột" và cô chủ dịch vụ luôn luôn niềm nở "vui lòng khách đến vừa lòng khách đi".

    Một hôm tôi giải lao bằng cách mở trang BBC ra xem. Bỗng cô chủ đến đàng sau hồi nào không hay, la lớn bằng giọng giận dữ: "Anh tắt cái đó đi ngay!". Tôi bất bình: "Đây là trang tin tức quốc tế mà, báo đài của mình vẫn dẫn tin hà rầm. Cái này đâu có cấm?". Cô chủ - tuổi còn nhỏ hơn đứa em út nhà tôi - nạt lại bằng một giọng... khinh bỉ và ánh mắt dữ tợn, làm như tôi là... phản động không bằng!: "Anh không tắt đi ngay tui kêu công an tới làm việc! Anh muốn phá nồi cơm của tui phải không?". Tôi buồn quá, đứng dậy trả tiền ra về và tự nhủ sẽ không bao giờ trở lại nữa.

    Nhưng còn buồn hơn, buồn đến ứa nước mắt, khi bước ra cửa nghe hai cậu choai choai đang chơi games nói với nhau: "Hi hi, chắc thằng chả mở phin sex!", và: "Đáng đời thằng chả! Già còn ham dzui!".

    Thiệt là khóc nấc lên được! Sao quê hương tôi lại ra nông nổi thế này?

    ReplyDelete
  25. Gửi Hale.
    Đừng sợ là bạn nói nhiều. Tôi thích nghe bạn nói đấy.

    ReplyDelete
  26. Bác Ha Le: Chuyện bác kể cũng là vấn đề bấy nhiêu lâu nay tôi trăn trở. Tôi đã đi nhiều nước, Âu có, Á cũng có, nhưng có lẽ chỉ duy nhất ở Việt Nam tôi thấy người ta luôn bị ám ảnh bởi hai từ "phản động". Và đừng nói chỉ riêng ở Việt Nam, người Việt ở nước ngoài cũng vậy, họ than phiền một điều gì đó về đất nước, đó là nhu cầu rất bình thường của một người bình thường, vậy mà đang nói họ chợt dừng lại dò hỏi xem tôi có phải là an ninh không, vì họ vẫn còn muốn trở về nước. Một người bạn của tôi vốn là gia đình cộng sản nòi, nhà có hai liệt sĩ, đã từng thốt lên: Suy cho cùng cả hai phía đều phải chịu tổn thất đau thương. Tại sao người Việt có thể bắt tay làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, nhưng không thể làm bạn với chính người mình.
    Nhưng tôi nghĩ bây giờ nước mình đã bị đặt trong guồng toàn cầu hóa thì không thể cứ giữ mãi tư duy đề phòng phản động như vậy. Tôi không phán xét cô chủ hàng internet của bác, cũng không phán xét những chủ nhà ép các bạn đi biểu tình phải chuyển nhà, vì có thể nhận thức của họ còn hạn chế nên không vượt qua được định kiến. Ở đây tôi chỉ muốn nói đến tầm một chủ công ty. Tôi thấy chính những công ty lớn, phát triển mạnh và lâu dài lại là những công ty có những chính sách giữ người rất tốt. Mục tiêu của họ là làm sao cho nhân viên có thể ở lại với họ lâu dài và đóng góp tâm huyết cho sự phát triển của công ty (chứ không phải làm đối phó để lĩnh đủ lương). Bởi vì tuyển được một người có năng lực đã khó, có tính cách tốt được lòng đồng nghiệp lại càng khó. Đuổi đi người đó sẽ chỉ để lại tâm lý bất an cho nhân viên, và tuyển người mới vào sẽ lại mất thời gian để người mới thích nghi được với công việc.
    Ngược lại nếu lần này công ty dám giữ Phương lại và giải thích cho an ninh hiểu lẽ phải , thì chính là góp phần thay đổi cái không khí "xung quanh đều thấy phản động kẻ thù" đang bóp nghẹt đất nước này. Uy tín của công ty sẽ càng tăng.
    Nếu không thì người biểu tình nên sang xin làm ở công ty 100% vốn nước ngoài, hoặc làm công ty của Tầu là chắc ăn nhất. Đọc báo thì thấy các nhà chức trách có dám lên tiếng với chính sách nhân sự của chủ Tầu đâu.

    ReplyDelete
  27. Cám ơn chị Phương Bích, đã mở quán cho chúng tôi được "ăn" mà lại còn được "nói" nữa, miễn phí, hi hi.

    Cơ mà khi nói ở đây hay nói bên bác Diện, tôi cũng run lắm chị ạ. Tôi ở xa, mấy bác an ninh chả thèm biết cái thèng Hà Lê là thèng nào. Tôi có nói tầm bậy cũng chả ai thèm làm gì tôi, nhưng chị hay bác Diện là những chủ quán thì lãnh đủ. Thành ra chị cho nói nhưng tôi phải uốn lưỡi đến bảy lần mới dám nói. Mà nói xong lên giường ngủ vẫn cứ lo lo, kêu thầm: chị Phượng ơi, bác Diện ôi, nếu tôi lỡ nói gì "phạm húy" thì cứ "tự ý đục bỏ" như kiểm duyệt báo ý. Đừng ngại gì sất. Nhất dịnh tôi không dám buồn trách tí nào!

    Hay là chị đặt chế độ duyệt bài trước khi cho hiển thị đi chị. Nhiều độc giả cũng ăn nói linh tinh lém. Mà rủi gặp khách "nói tiếng lạ" nữa thì e chủ quán tắt vô lum không kịp! Hic, làm người Việt sao khổ thế không biết!

    ReplyDelete
  28. "... Nếu không thì người biểu tình nên sang xin làm ở công ty 100% vốn nước ngoài, hoặc làm công ty của Tầu là chắc ăn nhất. Đọc báo thì thấy các nhà chức trách có dám lên tiếng với chính sách nhân sự của chủ Tầu đâu."

    Kính bác "Một bạn đọc": bác làm tôi khóc nữa bây giờ! Hồi còn ở Việt Nam, có thời gian tôi sống gần một Khu Chế Xuất, ngày ngày nhìn công nhân Việt làm ở công ty nước ngoài mà lắm khi nuốt cơm không xuống. Những công nhân nghành may đi vệ sinh nhiều lần trong giờ làm việc cũng bị mắng. Những quản đốc nước "lạ" bắt công nhân phơi nắng hay giở Thái Cực Đạo ra "giáo dục" công nhân. Những bạn công nhân nhập cư trẻ sống chen chúc trong căn trọ tồi tàn, làm đến rã rời chân tay, tối về bẻ gói mì chia nhau ăn sống vì tiết kiệm tiền mua nước sôi!; ngày nghỉ quí báu thì không biết và không thể đi đâu chơi, cứ "chầu rìa" quanh các đám cưới có văn nghệ mà coi ké hay ra xa lộ reo hò cổ vũ các anh hùng mô tô đua xe, cho qua tháng đoạn ngày!

    Những lời bác phân tích về chính sách nhân sự của các công ty là rất đúng. Tỗng Cty Việt Long ép bạn Phương nghỉ việc là hành động quá sai lầm dù chỉ xét về góc độ thuần túy kinh doanh. Nếu họ dám bênh vực Phương (họ có lý có tình chính đáng để làm thế mà) thì không những các nhân viên khác thêm gắn bó với họ mà kể cả nhờ thế họ sẽ chiếm thêm được cảm tình của một lượng đông đảo khách hàng mới. Nhưng ngay cả các cơ sở giáo dục Nhà nước chính danh, chả lo gì về kinh doanh, mà các Ban Giám hiệu còn nhẫn tâm dọa đuổi học sinh viên học sinh mình chỉ vì chúng yêu nước, thì mới biết cái "sợ phản động" vô lý của dân ta nó lớn tới mức nào!

    "Sống và làm việc theo Hiến Pháp và Pháp Luật", cái khẩu hiệu đó dân ta chưa dám sống. Chính vì nhiều người trong dân ta chưa dám thẳng thắn sống điều đó mà chúng ta vô tình tiếp tay làm hư hoại ngành an ninh của đất nước chúng ta!

    Tôi thấy nhiều độc giả phẫn nộ trước cách hành xử của ỗng Cty Việt Long hay của một vài nhà giáo, trường học. Theo tôi không phải họ ghét bỏ cá nhân các ban Tổng Giám đốc hay các Ban Giám hiệu đâu, chỉ vì họ nghĩ đến hiện tình bi đát của nước nhà mà cương quyết đòi hỏi một nền pháp chế minh bạch, công bằng, lành mạnh đó thôi.

    Chắc bác cũng ở hải ngoại như tôi. Bác ôi, cái sự "sợ phản động", thật đau lòng mà nói, cũng là cái bệnh không kém phổ biến nơi cộng đồng Việt ở nước ngoài, chỉ có đều nó ngược chiều! Bác có đồng ý với nhận xét đáng buồn đó của tôi không? Bên này có nhiều bác "nhìn đâu cũng thấy... Việt cộng"! Nghị quyết 36 tốt lành thời Cố Thù tướng Võ Văn Kiệt bi coi là nghị quyết lừa đảo, mà hể ai ủng hộ nó thì bị gán ngay cái tội... "phản động"! Tuy nhiên công bằng mà nói, ở ngoài nước thì vẫn đỡ hơn nhiều.

    Âu đó là căn bệnh ngặt nghèo của dân ta, cả trong lẫn ngoài! Cái bệnh này xuất phát từ hoàn cảnh ly tán, tình đoàn kết dân tộc bị tàn nhẫn xé toang. Ban đầu tôi nghĩ là từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh. Sau tôi băn khoăn ngược lên tới thời Thập Nhị Sứ Quân trước vua Đinh Bộ Lĩnh. Nhưng có ông bạn nói với tôi phải ngược lên tới thời Bố Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ nữa cơ: Sống với nhau trăm mặt con, tình ghĩa nặng như núi, thế mà một hôm bảo "Ta giống Rồng, nàng giống Tiên, ở với nhau không đặng!". Dân mình có cái... gien ly dị bác ạ!

    Bọn già chúng mình hãy gác bỏ hận thù, vượt qua "nỗi sợ phản động", nắm tay nhau đoàn kết đi các bác nhỉ, để thế hệ trẻ đáng yêu như Phương, như Kim Tiến... có một tương lai tươi sáng hơn!

    ReplyDelete
  29. Tôi thích câu này của Chị " Vậy thì chúng ta hãy sống với nhau thế nào đây, để đến khi tôi hay là anh lúc vô tình gặp lại nhau, vẫn còn có thể ngẩng mặt nhìn nhau mà không phải né tránh. "
    Tôi nghĩ , nếu Bác còn sống , Bác không phát động sống và làm theo tư tưởng Mác -Lenin đâu. Bác sẽ dạy đảng viên những lòi thực tế như vậy. Còn bây giờ , sách vở lý thuyết nghe cao siêu lắm. Nhưng toàn làm ngược không . Mất niềm tin lắm rồi

    ReplyDelete