Tôi, một con người trưởng thành, nặng hơn năm muơi ký. Vậy mà không thể bảo vệ, cưu mang nổi một con mèo nhép không to hơn nắm tay, không hiểu do con mèo mẹ nhẫn tâm hay con người nhẫn tâm quẳng nó ra ngoài đường. Ngồi trong buồng, cứ mỗi lần nghe thấy tiếng con mèo con kêu buồn thảm ngoài cửa là lòng tôi lại thấy nặng trĩu. Tôi cứ cố nghĩ cách làm sao kiếm cho nó một nơi để trú ngụ và tồn tại.
Dạo này cứ sau bữa ăn tối, tôi lại ra công viên gần nhà đi dạo khoảng một tiếng. Một lần, khi đang bách bộ qua cái sân mờ tối giữa hai khu nhà tập thể, tôi nghe có tiếng mèo con kêu thảm thiết ở gần đâu đó. Tiếng kêu quen quen khiến tôi nhớn nhác nhìn quanh, không lẽ là con mèo hôm nọ!
Cách đây ít ra hơn một tuần, cũng ở quãng này, tôi nhìn thấy một con mèo nhép bé xíu chạy trên vỉa hè dãy nhà đối diện, vừa chạy vừa kêu nghèo nghèo. Tôi dừng lại nhìn quanh, xem nó có thể chạy ra từ cánh cửa nhà nào đó không. Nhưng tất cả các cánh cửa tầng một đều đóng im ỉm, và tiếng mèo con kêu côi cút không khiến bất cứ một ai ló đầu ra tìm hiểu xem có chuyện gì. Tôi đứng một lúc lâu, hy vọng sẽ gặp ai đó đi tìm con mèo lạc bởi vì chỉ cần nghe tiếng kêu là biết nó còn nhỏ lắm, còn chưa rời vú mẹ. Tôi vừa gọi meo meo vừa đi lại gần nó, nhưng con mèo con hoảng sợ chạy tọt vào cái gầm cầu thang tối om và càng kêu thảm thiết hơn. Gọi mãi không được, tôi đành lấy miếng cá hồng trong cái cặp lồng cơm đặt xuống đất và bỏ đi - Chả là dạo này, tôi hay lấy thức ăn thừa ở cơ quan cho lũ chó thường xuyên bị bỏ đói của mấy ông bảo vệ ở công viên. -Đi được vài bước, tôi dừng lại nghe ngóng. Chỉ khoảng một hai phút sau, không thấy nó kêu nữa, tiếp đó là tiếng ngau ngau của bọn mèo con khi ăn. Hy vọng miếng cá đủ làm nó có sức để tìm đường về nhà!
Sau một tiếng đồng hồ dạo quanh công viên, tôi lại đi qua quãng sân ban nãy để trở về nhà và có ý nghe ngóng xem con mèo con còn ở đó không. Có tiếng mèo con kêu phía trong một cánh cửa có ánh đèn, và tôi yên tâm là nó đã tìm được chủ. Thế mà bẵng đi một hai hôm, khi qua đó tôi lại thấy con mèo con đứng trước một cánh cửa khác tối om và vẫn kêu như lần trước. Chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì một bà to béo khoảng ngoài sáu mươi từ trong căn hộ cạnh đó chạy ra. Người đàn bà to béo nọ vừa dậm chân thình thịch vừa suỳ to làm con mèo con hết vía, chui tọt vào cái lỗ bên dưới cánh cửa sắt, bên trong nhà tối om! Tôi chẳng hiểu ra làm sao, vậy nhà nào là nhà của nó?
Có nghĩa là lần này là lần thứ 3 tôi gặp nó, nghĩa là từ hôm đó đến nay, chừng hơn một tuần rồi, nó vẫn lạc mẹ, vậy không hiểu làm sao nó vẫn còn sống được? Tôi ngó nghiêng mãi mới xác định được nó đang ở trên gờ cửa cao tít của một cửa hàng, ban ngày họ thuê làm hiệu may vá, cách nhà tôi chừng mươi mét. Trong bóng tối, cái bóng nhỏ xíu của nó cùng với tiếng kêu thương thấy mới thảm làm sao.
Hỏi con bé hiệu làm đầu bên cạnh vừa ló đầu ra. mới biết căn hộ tối om hôm nó chui vào khi bị bà già nọ đuổi. đã bốn năm nay không có người ở. Bấy giờ tôi mới hiểu rằng, bấy lâu nay chẳng hề có ai đi tìm nó cả, và hiện giờ nó đang đói khát. Tôi chạy về nhà, đổ thức ăn sẵn của con mèo nhà mình ra cái đĩa, bê theo cái ghế vẫn dùng để trèo lên thắp hương bàn thờ. Vậy mà tôi cố kiễng chân hết cỡ vẫn không thể với tới cái gờ cửa ấy. Thấy một người cao lớn đi qua, tôi nhờ họ để hộ đĩa thức ăn cùng bát nước lên đó.
Lúc đầu thấy người, con mèo sợ trốn vào sau tấm biển hiệu. Lát sau thấy yên ắng, nó mới lò dò chui ra. Thay vì tiếng kêu nghèo nghèo là tiếng ngau ngau, trong giây lát tôi thấy nhẹ cả lòng: nó đang ăn!
Hàng ngày, cứ bẩy giờ sáng là tôi phải đi làm. Mỗi lần dắt xe ra, tôi lại ngó nghiêng nghe ngóng xem con mèo con đang ở đâu. Giờ đây nó đã leo qua cái mái nhà tạm cạnh đó, để sang nóc nhà tầng một, đồng thời cũng là sân liền kề với hành lang trước cửa nhà tôi, chỉ cách có hàng lan can. Hôm đầu thấy nó xuất hiện, cả đống người trong đó có cả bà mẹ quí hoá của tôi, nhâu nhâu đổ ra đuổi con mèo đi, trong khi tôi cố dụ nó lại gần để cho nó ăn. Mọi người kêu gào bảo nó kêu điếc tai, không ngủ được.
Khốn nạn! nó kêu vì nó đói, vậy thôi! Mọi ngưòi muốn đuổi nó lắm, nhưng nó bé quá nên thoáng thấy bóng đám người thù địch, nó liền chui tọt vào dưới gầm mấy cái bể tôn chứa nước đặt ở đó, nên chẳng ai làm gì được. Yên ắng được một lát, nó lại chui ra kêu nghèo nghèo, bắt chấp mọi nguy hiểm rình rập. Đơn giản chỉ vì nó đói, nó khát! Sao đám người béo tốt kia lại không thể sẻ cho nó chút cơm thừa canh cặn, chỉ để nó có cơ hội sống sót? Mà một con mèo to không hơn nắm tay, mong manh như chiếc lá như nó nào có ăn nhiều, uống nhiều?
Mặc cho mọi người đuổi đánh nó, cứ thấy nó kêu là tôi lại chạy ra dử đĩa thức ăn cho nó. Nó khá khôn, thấy tôi nó không bỏ chạy mà mon men lại gần. Thậm chí nó còn dám bò qua cái khe dưới lan can để vào hành lang nhà tôi. Thấy tôi đứng yên, nó lại len lén bò vào nhà tôi qua cái cánh cửa mở rộng. Tôi vừa mừng vì nó đã tin cậy tôi, vừa lo lắng chờ đợi sự phản ứng của những người trong gia đình. Y như như rằng, nghe thấy tiếng con mèo con, mẹ tôi chạy ra kêu la ầm ỹ và tôi đành phải nhẹ nhàng bế nó ra thả xuống cái sân trước nhà. Mẹ tôi còn chưa vừa lòng, bắt tôi phải quẳng nó xuống đưòng. Thật không thể tưởng tượng được! Khó khăn lắm tôi mới dụ được nó lại gần, vậy mà ngay sau đó tôi lại nhẫn tâm quẳng nó ra khỏi nhà. Tôi cứ dằn vặt mãi vì hành động bất nhẫn ấy của mình. Trời trừng phạt tôi và sự độc ác của con người.
Tôi cứ nhớ mãi cái dáng vẻ hèn mọn của nó khi len lén bò qua cánh cửa nhà tôi. Một con mèo bé tí, còn chưa rời vú mẹ, không có khả năng tự vệ đã biết xu nịnh để tồn tại, khiến tôi cảm thấy quá đỗi xót xa. Có gì đâu, chẳng qua vì nó quen bị xua đuổi nên mới thế, đến con người khi nghèo đói còn trở nên hèn mọn nữa là một sinh linh mong manh như nó. Đêm đến, tôi hình dung ra con mèo con côi cút run rẩy vì đói khát, vì hoảng sợ trong đêm tối dày đặc mênh mông đầy những bất trắc, và nhớ về quãng thời gian còn yên ấm trong lòng mẹ, được mẹ nó âu yếm, che trở…
Cho đến giờ tôi vẫn đang cố tìm cho nó một người chủ nhân hậu để cưu mang nó. Trong khi đó tôi mừng là nó đã tin cậy tôi, để tôi có thể cho nó ăn mặc dù những người khác vẫn tìm cách xua đuổi nó, đặc biệt là bà mẹ quí hoá của tôi. Tôi hết sức lo lắng nếu trong khi tôi đi làm vắng, bà mẹ tôi mà tóm được nó thì hết đời mèo con lạc mẹ. Mỗi buổi chiều đi làm về, tôi hy vọng nghe thấy tiếng kêu của nó vẫn còn đó, và vô cùng mừng rỡ khi nghe thấy cái tiếng nghèo nghèo của nó cất lên. Con mèo thật khôn, ăn no rồi thì không kêu nữa và đi kiếm chỗ ngủ. Sáng nay khi đi làm, nhìn thấy cái cơ thể bé bỏng còm cõi trơ cả xương sườn của nó, đang vô tư nhảy vờn bắt một con côn trùng sau khi đã no bụng, khiến tôi vừa buồn cười vừa thương xót. Nom nó giống hệt một đứa trẻ, còn chưa hề biết lo nghĩ …
A! Mọi người có thể sẽ nghĩ tôi vô công rồi nghề, thừa hơi lo cho một con mèo hoang. Bất cứ một sinh linh nào dù đó là con người hay con vật cũng đều do tạo hoá sinh ra, cũng là một cơ thể sống mà không một kẻ có chút lương tri nào có thể nhẫn tâm hành hạ, hay ngoảnh mặt làm ngơ trước sự bất hạnh của nó. Tôi biết ở đâu đó nhiều người còn đang đói khát cần được giúp đỡ. Nhưng làm được đến đâu, giúp được cái gì thì dù là một việc nhỏ nhất thì tôi luôn sẵn lòng. Tôi không thể để một sinh vật, dù chỉ là một con mèo bị bỏ rơi, phải chết vì đói khát.
Tôi đem câu chuyện này kể với bạn bè ở cơ quan, với bất cứ ai làm quen được khi đi dạo ở công viên, hy vọng có ai đó nhận nuôi con mèo con. Mặc dù nghe xong ai cũng thương xót mèo con như tôi, nhưng phần lớn người nào cũng đã nuôi ít nhất là một con trong nhà. Có cô bạn hứa sẽ hỏi hộ ông già bơm xe gần nhà, vì theo cô bạn, ông già quý súc vật lắm. Trong khi chờ cô bạn hỏi hộ, tôi cứ dặn trước bà mẹ tôi đừng đuổi nó vì có người nhận nuôi rồi. Nghe chừng con mèo con có nhiều cơ hội hơn, vì sáng ra khi nó kêu xin ăn, mẹ tôi không đuổi nó nữa, bà hàng xóm thậm chí còn cho nó ăn. Bất kể thứ gì từ cháo loãng đến cơm trộn thịt bò xào, nó ăn tất.
Chiều qua đi làm về không nghe thấy tiếng kêu của con mèo. Tôi hỏi bà hàng xóm, bà ấy bảo chắc nó nằm ở dưới gầm bể nước. Cho đến tối mịt vẫn không thấy nó, tôi cảm thấy rất lo lắng. Thêm nữa trời lại đổ mưa to. Tôi ngó cái hộp xốp tôi để cạnh bể nước, để nếu nó lạnh không chừng nó sẽ chui vào đó, nhưng cái hộp trống trơn! Tôi rầu lòng không thể tưởng được. Khi mưa tạnh, tôi đi quanh đó thử gọi, nhưng không thấy tiếng kêu của nó đâu. Hy vọng sáng mai đói nó sẽ mò về! Nhưng sáng nay tôi dậy sớm, trộn sẵn cơm cho nó mà vẫn không thấy nó. Tôi sang hỏi có phải mẹ tôi đuổi nó không, mẹ tôi bảo không! Tôi rầu rĩ chờ nó cho đến giờ đi làm vẫn không thấy, lại nuôi hy vọng chiều về sẽ gặp nó. Con mèo con bé bỏng tội nghiệp, mày ở đâu được chứ.? Có ai đó gặp con mèo con có cái nơ đỏ buộc quanh cổ, có cái đầu chỉ nhỉnh hơn quả bóng bàn một chút kia không?
Kết thúc có hậu:
Giá như mọi câu chuyện bất hạnh, đều kết thúc có hậu như thế này. Tôi đã tìm được con mèo con. Chiều hôm ấy đi làm về, tôi xuống hỏi mấy nhà dưới tầng một. Hoá ra con mèo không trú dưói gầm bể nước, mà chui vào trú ngụ dưới cái mái nhà tạm của ông thợ mộc. Chắc sau khi bà hàng xóm cho nó ăn, nó chui vào đó ngủ nên ông thợ mộc tóm được. Phúc tổ bảy mươi đời con mèo con, có người xin nó về nuôi. Sau khi hỏi rõ ràng, tôi chạy một mạch lên tầng năm dãy nhà đối diện. Gõ cửa một căn hộ trông có vẻ sáng sủa nhất cái cầu thang tối om và sập xệ, một cô bé xinh xắn chừng mười bốn tuổi ra mở cửa. Tôi hỏi thăm và xin vào ngó con mèo cho thật yên tâm. Cô bé con dẫn tôi vào một căn phòng sạch sẽ, tôi nghe có nhiều tiếng mèo kêu nhưng em đây rồi, con mèo con có cái nơ đỏ buộc quanh cổ! Tôi sung sướng ngồi sụp xuống nền nhà, vuốt ve nó. Tuy nó gầy nhưng vẫn mềm mượt như bông, và không rõ con mèo con nhận ra tôi hay nó thèm được vuốt ve, nên trèo vào lòng tôi không chút e ngại. Tiếng kêu của nó giờ đây dường như không còn vẻ côi cút như trước nữa. Ở phía ngoài ban công còn xích một con mèo khác rất to, dù sao tôi cũng rất tin cậy vào những người chủ mới nhân hậu của con mèo con.
Bây giờ tôi không còn phải dậy sớm mỗi ngày, và chiều cũng không còn vội vã ra về để cho con mèo ăn nữa. Cái khoảng sân trước nhà dưòng như trở nên trống vắng hơn. Tuy nhiên điều may mắn chưa trọn vẹn, vì ở trong căn nhà đó, cả hai con mèo đều bị xích. Tôi là người yêu tự do nên không bao giờ xích ,dù là lũ chó hay mèo. Con mèo cái nhà tôi lúc 8 tháng tuổi đã đi triệt sản tại bệnh viện thú y. Lũ bạn tôi bảo tôi dã man. Nhưng tôi nghĩ còn dã man hơn, nếu để nó phải kêu gào hết đời trong vòng dây xích, vì không được tự do tìm bạn tình.
Hà Nội năm 2006
* Câu chuyện đưa lên vào thời gian này có vẻ không phù hợp.Nhưng vừa rồi đọc mấy bài viết về nạn cướp chó đang hoành hành ở các làng quê, thấy nhức nhối trong lòng quá. Sao giờ đây cái ác lại ngang nhiên đến như vậy? Liệu có phải vì đói kém không?
Chị Phương Bích hết sức thành thật. Chị là người rất chân thành và tôi nghĩ chính cái đó làm giọng văn của chị "có hồn" và cuốn hút. Giản dị, không màu mè hoa lá nhưng lay động con tim người ta!
ReplyDeleteThú thật với chị, đọc xong bài này, tôi mừng thầm vì đã không lầm khi giới thiệu blog của chị cho con gái tôi, 15 tuổi. Ở xứ người này, tìm được một trang blog tiếng Việt thích hợp và đáng tin cậy cho các cháu là điều không dễ.
Tôi mà có dịp về VN, thế nào cũng ra Hà Nội xin phép được chào thăm hai chị Phương Bích và Minh Hằng.
Vui vui tí: tôi mới đọc thông tin Minh Hằng gởi đơn yêu cầu khởi tố hình sự bên blog bác Diện. Thì ra Minh Hằng tuổi Thìn, Phương Bich tuổi Tý, nói theo "sách" thì hai cái tuổi này hạp nhau lắm đây. Hi hi, hèn nào mà Phương Bích có ần viết: "Minh Hằng ơi, tôi với bà không rời nhau được nữa rồi!".
Sao lại không phù hợp được? Tình thật mà nói thì dạo này cứ nao nao trong lòng về vụ việc biển đông, biểu tình, rồi bắt bớ của CA, tàu VN bị TQ bắn....v..v nên mục đích lên mạng là tìm đọc những tin tức đó. Nhưng món ăn nào ngon mà ăn hoài không ngán, trò chơi vui nào chơi hoài lại không chán. Nhiều khi những bài viết này lại có thể giảm bớt căng thẳng và đem lại chút thăng bằng trong cuộc sống Online.
ReplyDeleteCứ tiếp tục chị nhé.
Hay lắm chị gái à. Cám ơn chị!
ReplyDeleteMong chị sức khỏe và viết nhiều bài hay!
Còn bao nhiêu con mèo hoang đang hàng đêm đứng cạnh phố Phạm ngũ Lão, Phạm văn đồng... để kiếm cơm cá ăn. Thân phận những con mèo trên dưới 50 kg đó cũng đáng thương, đáng giận nữa chứ.
ReplyDeleteThân phận người đàn bà Việt nam : người yêu nước đi biểu tình thì bị cho vô Hỏa lò, gái xinh thì cởi hết ra để bọn tàu, đài loan, hàn vạch ra, chỉ trỏ xem, bình phẩm ngay trên Đất Mẹ, kẻ hết nhan sắc, không có việc làm thì ra đường với vai mèo hoang kiếm ăn.
Nhục cho một Dân tộc có lịch sử ngàn ngàn năm văn hiến !
Cam on Phuong Bich da cho moi nguoi doc nhung cau chuyen rat that, rat cam dong.
ReplyDeleteToi xin phep mach cho con trai toi doc PB nhe!
Chau dang hoc xa nha, rat nhay cam voi the su, va thich doc nhung chuyen the nay de do nho nha va hieu hon tinh canh xu so minh.
Chuc PB chan cung da men.
Chiu kho viet deu nhe. Ve tat ca (chi can chuyen that cua PB cung du roi).