Translate

Saturday, 21 July 2012

Tường thuật cho cuộc biểu tình ngày mai.

Tiểu phẩm
Khi đi biểu tình, tôi thường chọn phương tiện xe bus. Điều này dần dần thành thói quen kể từ khi tôi bị bắt vào đồn công an Mỹ Đình. Hôm ấy tôi đi xe máy. Khi được thả ra, người một nơi, xe một nơi, thế là lại phải vòng vèo về Trần Phú lấy xe chứ không đi thẳng về nhà được, thật là rách việc. Đi xe bus, rủi có bị bắt lên trại Lộc Hà đi chăng nữa thì cũng không cần phải quan tâm đến xe máy đang gửi ở đâu.
Lên xe, tôi đưa cho cậu bán vé mấy đồng lẻ đã chuẩn bị sẵn. Cậu ta chăm chăm nhìn vào cái áo phông có hình xóa đường lưỡi bò Trung Quốc tôi đang mặc, mỉm cười thân thiện:
-    Chú đi biểu tình phải không? Công ty cháu hôm nay có chủ trương không lấy vé của những người biểu tình yêu nước chú ạ. Coi như mời chú cốc trà đá thôi mà.
Không phải bỏ ra có ba nghìn thôi nhưng lòng tôi thật thư thái dễ chịu.
8h30, tôi có mặt ở Nhà hát Lớn Thành phố. Trời ơi, nghìn nghịt những người tôi không thể ước lượng được là bao nhiêu. Ngoài những gương mặt biểu tình quen thuộc, tôi thấy rất nhiều người mới đi lần đầu. Nhiều người tôi chưa gặp bao giờ nhưng trông rất quen như đã gặp ở đâu. Ồ, phải rồi, những gương mặt này tôi đã thấy khi xem ti vi tường thuật về các kỳ họp quốc hội hay họp chính phủ. Đúng rồi, không thể nhầm được. Các đại biểu quốc hội, các thành viên Chính phủ hôm nay đã xuống đường cùng những người yêu nước. Cả Bộ trưởng công an Trần Đại Quang, Giám đốc công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh nữa. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang đứng nói chuyện với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trên thềm Nhà hát Lớn. Nét mặt hai ông có vẻ căng thẳng.
Nhân sĩ trí thức cũng khá đông. Tất cả những người tôi biết rải rác trong những cuộc biểu tình trước đây hôm nay đều có mặt đầy đủ.
Ở một góc Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Xuân Diện đang nói chuyện với một phụ nữ chừng 40 tuổi. Tôi đến bắt tay họ. Xuân Diện giới thiệu: đây là chị Hương ở Sở Thông tin truyền thông Hà Nội. Thì ra đây là người từng nhiều lần làm việc với Nguyễn Xuân Diện về chuyện viết blog. Hôm nay, họ lại gặp nhau ở đây, trên cùng một chiến tuyến chống kẻ thù xâm lược. Mấy cậu an ninh thẩm vấn tôi vì can tội viết đơn gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước xin trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ, mấy cậu công an Thanh Trì bắt tôi hôm 7/3/2012 vì tội tổ chức cuộc họp mặt tôn vinh phụ nữ hôm nay cũng xuống đường.
Tôi đảo qua một vòng xung quanh các ngả đường dẫn đến Nhà hát Lớn. Không thấy các xe bus chực sắn, không có xe phá sóng, cũng không thấy các ca-mê-ra gắn ở các ngọn cây ven Bờ Hồ phía đối diện với Vườn hoa Lý Thái Tổ.
Lực lượng công an áo xanh không có. Chỉ thấy những bóng áo vàng của cảnh sát giao thông và áo xanh của các cháu thanh niên tình nguyện.
Đúng 9 h, đoàn biểu tình sắp thành đội ngũ và nhanh chóng khởi hành. Đi đầu vẫn là cụ Lê Hiền Đức ngồi xe lăn do Trương Ba Không đẩy. Hai bên là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Hai ông giăng tấm biểu ngữ “PHẢN ĐỐI TRUNG QUỐC GÂY HẤN TRÊN BIỂN ĐÔNG”.
Đoàn biểu tình đi theo hướng Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi nhằm Hoàng Diệu thẳng tiến.
Cảnh sát giao thông hôm nay làm việc khá vất vả. Các anh dẹp đường, dành hẳn nửa đường bên phải và vỉa hè cho đoàn biểu tình đi.
Tôi vượt lên đầu, quay ngược lại về phía đoàn hô:
-    Đả đảo Trung Quốc đem tàu đổ bộ đến Trường Sa!
-    Đả đảo Trung Quốc mời thầu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam!
-    Tổ quốc Việt Nam muôn năm!
Tiếng hưởng ứng vang dội như muốn vỡ cả một khu phố. Tôi để ý thấy Thủ tướng và Chủ tịch quốc hội cũng hô theo, vung cánh tay rất dứt khoát.
9h30, đang đi trên đường Tràng Thi thì điện thoại reo. Bùi Thị Minh Hằng cho biết, Sài Gòn cũng đang trên đường hướng tới Lãnh sự quán Trung Quốc. Đi đầu có Bí thư thành ủy Lê Thanh Hải  cùng nhiều nhân sĩ, trí thức khác.
Trời về trưa nắng gắt hơn. Đoàn người mồ hôi nhễ nhại nhưng không ai tỏ ra mệt mỏi. Các cháu thanh niên tình nguyện chia nhau len lỏi vào đoàn biểu tình phát cho mọi người những chai nước và những que kem Tràng Tiền.
Các phóng viên, nhà báo đi theo đoàn để đưa tin rất đông. Báo Thanh Niên, Người cao tuổi, Sài Gòn tiếp thị, Vietnamnet đã đành; các báo An ninh thủ đô, Hà nội mới, Truyền hình Hà Nội cũng không chịu kém cạnh. Các báo, hãng tin nước ngoài như Roi-tơ, AP, BBC, VOA … cũng cử khá nhiều phóng viên đến. Họ lăng xăng, chạy ngược chạy xuôi tìm góc quay chụp. Tuyệt nhiên không có ống kính của an ninh.
Đến giao lộ Điện Biên Phủ, Trần Phú, đoàn không vấp phải hàng rào cảnh sát như hai cuộc biểu tình gần đây. Vậy là đường tiếp cận đến Hoàng Diệu vẫn thông thoáng. Hoàng Diệu không còn là địa chỉ cấm kỵ nữa. Đến cổng Đại sứ quán Trung Quốc thì đoàn dừng và dồn lại. Người biểu tình lúc này đã chật cứng hai bên đường Hoàng Diệu và Vườn hoa Lê Nin. Tôi cố len lỏi đến vị trí nóng bỏng nhất là khu vực cổng đại sứ quán TQ. Lúc này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã xuất hiện.
Tôi tiến đến chào Chủ tịch Trương Tấn Sang, giới thiệu danh tính. Chủ tịch hồ hởi:
-    Thì ra bác là blogger Nguyễn Tường Thụy? Thế mà tôi nghe cấp dưới nó nói bác phản động lắm.
Ông cười vui, chân tình:
-    Thú thực với các bác, chúng tôi nhiều khi quá bận nên không thể nắm hết được tình hình. Nhiều việc phải dựa vào báo cáo của cấp dưới. Cứ nghe nói cánh biểu tình và blogger nguy hiểm thế này thế khác, tôi không biết thế nào. Nhà nước cũng đã chi kha khá tiền vào việc theo dõi, canh giữ hay mời cà phê các bác. Vừa rồi tôi mới có điều kiện tìm hiểu về việc này. Tôi cũng dành thời gian đọc thêm blog của bác và nhiều blog khác nữa, thấy các bác viết rất thẳng thắn, trung thực. Giờ tôi mới hiểu ra, các bác và những người biểu tình đều là những người yêu nước chân chính chứ chẳng có thế lực thù địch nào nó kích động, xúi giục cả. Người luôn đau đáu với vận mệnh đất nước như các bác, ai mà mua chuộc nổi. Mấy đứa nó bảo các bác là phản động. Giá như 90 triệu người Việt Nam đều “phản động” như các bác thì lo gì mà không giữ được xã tắc.
Trước đây, tôi chỉ hình dung về Chủ tịch nước qua nét mặt khắc khổ, trầm ngâm. Bây giờ tôi mới biết ông cũng dí dỏm ra phết.
Tôi cảm động đến trào nước mắt. Tôi quên hết những lần chính quyền và công an sách nhiễu bắt bớ tôi. Tôi thầm ước, Đảng, Quốc hội khóa tới sẽ lại bầu các ông vào vị trí rường cột của đất nước.
Nhưng tôi chỉ cảm động thôi chứ không bày tỏ gì được nhiều. Câu chuyện giữa tôi và Chủ tịch nước chấm dứt khi ông nhanh nhẹn băng sang đường. Đến cổng đại sứ quán TQ, ông quay lại phía đoàn biểu tình, nói to và dõng dạc như đọc hiệu triệu:
“Hỡi đồng bào,
Chúng ta muốn hòa bình. Chúng ta đã nhân nhượng nhưng chúng ta càng nhân nhượng thì bọn bành trướng Trung Quốc càng lấn tời vì chúng quyết tâm đưa nước ta vào vòng Bắc thuộc một lần nữa.
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ….”.
Chủ tịch nước vừa dứt lời trong tiếng hô “Quyết tâm” của mọi người thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giơ nắm tay chĩa thẳng vào bên trong sứ quán TQ:
-    Phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc!
-    Đả đảo Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông!
Chúng tôi cuồng nộ, bắt chước Thủ tướng cũng chĩa thẳng nắm tay vào tòa đại sứ như muốn xông vào giết chúng nó đến nơi:
-    Đả đảo! Đả đảo! Đả đảo!
*
-    Ối, sao anh lại đánh em?
Thằng Thắng nằm cạnh tôi ôm mặt kêu lên. Thì ra tôi vừa tương vào mặt nó quả đấm khá mạnh khi hô đả đảo. Chả là hôm qua, 7 anh em chúng tôi “dạt vòm” tại một ngôi nhà trong hẻm sâu để tránh chính quyền và các cơ quan đoàn thể của mặt trận đến vận động hoặc an ninh canh nhà hay mời cà phê, đề phòng lỡ việc biểu tình.
Tôi mượn chủ nhà lọ dầu, xoa bóp cho nó:
-    Đau lắm không? Anh đang tưởng tượng ra chuyện biểu tình ngày mai ấy mà.

21/7/2012
NGUYỄN TƯỜNG THỤY

6 comments:

  1. Nếu mà chuyện này có thật, sau này chắc dân chúng tôi hoàn toàn yên tâm là đảng và nhà nước đã lo thực sự. Dân chúng chỉ còn lo làm ăn thôi.

    ReplyDelete
  2. Cứ y như thật. Cảm ơn tác giả.

    ReplyDelete
  3. Bác Thụy tưởng tượng chẳng chuẩn tẹo nào rồi. Nếu mà có cả mấy ông Hùng Dũng Sang Trọng cùng xuống đường như bác tưởng...bở thì sao bác có thể đến gần được các ông ấy nhỉ? Sợ lúc đó ai đi biểu tình thì phải được phát "tích kê" mới được đi đấy. Lúc bấy giờ lãnh đạo các tập đoàn giống Vinashin, Vinaline,...và lãnh đạo các tỉnh như bí thư, chủ tịch và các bậu sậu ở các tỉnh lên hết Hà Nội biểu tinh thì bác đâu đến lượt. Nhưng hay nhất là sẽ có màn tường thuật trực tiếp của các...Đài truyên hinh. Eo ôi, Khiếp!

    ReplyDelete
  4. Nếu được như vậy ,thật tuyệt vời
    Đảng và nhà nước lo
    Sướng ai ơi
    Thế nhưng phải đâu
    Đấy là mộng
    Bác Tường Thụy ơi
    Chết tôi không !

    ReplyDelete
  5. Trần Việt Long22 July 2012 at 09:24

    Anh Thuỵ tưởng tượng phi phàm...
    Cho dân đen với quan tham kết đoàn
    Âm mưu bành trướng tiêu tan
    Trước toàn dân tộc Việt Nam anh hùng!
    Ngàn xưa tái hiện oai phong
    Thây lũ cướp nước đầy đồng đất ta...
    Nếu cần...một trận phong ba
    Để vững xã tắc sơn hà cũng nên...

    ReplyDelete
  6. Góp ý, lần sau đoàn biểu tình khi đi đến ngã tư Điện Biên Phủ thì không đi thẳng mà rẽ trái vào phố Cao bá Quát rồi vòng ra Hoàng Diệu, cho đám an ninh một phen chạy dáo dác.

    ReplyDelete