Translate

Monday 15 June 2015

"Ước gì một phần nước mắt đó dành cho biển, cho tổ quốc, cho đồng bào mình"

 Cười khi chiến thắng (một trận bóng)



Và khóc khi thua cuộc

 


Âu cũng là lẽ thường

Trong thể thao, trong nghệ thuật, khán giả có cảm xúc là điều đương nhiên. Thần tượng 1 ai cũng là điều bình thường. Nhưng đã là con người có cảm xúc, thì sao trước nỗi đau này thì thờ ơ, nỗ đau khác lại rưng rức? Nhìn cả một thế hệ thanh niên khóc mùi mẫn khi nhìn thấy thần tượng, khóc tức tưởi khi đội bóng VN thua, nhưng lại ko hề nhỏ một giọt nước mắt trước những cảnh đời bi thương, trước bất công sai trái của xã hội đã đẩy không ít đồng loại của mình vào đường cùng - điều đó là bình thường chăng ?
Nhạc sĩ Tuấn Khanh có lẽ là một trong những người hiếm hoi trong giới làm nghệ thuật, thường có những bài viết đau đáu về thời cuộc. Ông là nhạc sĩ, nhưng lại viết văn hay. Những điều ông viết rõ ràng, logic, rất dễ hiểu, dễ đi vào lòng người. Bài viết Tuần lễ nước mắt dưới đây của ông đã nói hộ suy nghĩ của rất nhiều người, trong đó có tôi.
Tuần lễ nước mắt

Chỉ trong một tuần, đã có thật nhiều nước mắt đổ xuống trên toàn cõi Việt Nam. Với nhiều lý do. Nước mắt tràn trên các trang báo, bi thương trong các lời mô tả.
Những giọt nước mắt ấy, rơi xuống vì lòng kiêu hãnh chung hoặc vì nỗi đau thầm lặng của từng số phận. Nhưng cũng có những giọt nước mắt cay đắng cho đất nước vào giai đoạn trầm kha, mà nhân dân chính là kẻ mãi mãi phải gánh chịu.
Đất nước hôm nay hoang tàn, như một cõi vàng mã sau cơn gió giật đã lộ ra rất nhiều thứ. Tất cả phiêu diêu không biết về chốn nào, giữa những lời tung hô và giả dối.
Hoang tàn như qua một cơn giông, người ta giật mình chợt biết rằng bao năm nay mình bị lừa dối, khi nhìn thấy những trụ điện bê-tông gãy đổ với chất lượng tệ hại đáng kinh ngạc. Ở ngay một nơi được xưng tụng là thủ đô, thì sự lừa dối cũng ở cấp độ thủ đô. Những con đường, cầu cống rơi mặt nạ, suy sụp và tàn tạ, cho thấy tiền thuế của nhân dân được quấy quá và vội vã tiêu pha như thế nào trong tay những quan lại luôn kêu gọi lòng yêu nước và trách nhiệm.
Trận giông ngày 13-6 được coi là kinh hoàng ở Việt Nam, với 2 người chết và 9 người bị thương, nhiều hệ thống giao thông hư hại. Nhưng bất ngờ là sau trận giông đó, ông Lê Thanh Hải, phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn cho biết chuyện này đã được biết trước và “cho cảnh báo nhưng thông tin không đến với người dân”. Một lần nữa, nhân dân vẫn là người có lỗi trong kiếp nạn của mình. Còn điều gì an nguy nữa cho cuộc sống con người và đất nước này mà “thông tin không đến với” người Việt Nam?
Ngày 14/6 tàu cá ở Quảng Nam, số 92642 bị một tàu hàng “lạ” cố tình đâm vào, khiến 1 người chết và 3 người bị thương. Tàu “lạ” đã sấn vào rất gần bờ Việt Nam, chỉ cách Đà Nẳng 40 hải lý.  Đã rất gần rồi, kẻ “lạ”. Đây là lần thứ hai trong tuần, kẻ “lạ” tấn công người đi biển. Một lần nữa, ngư dân Việt lại lặng lẽ góp thêm những linh hồn khốn khổ vào mộ gió. Đã bao lâu rồi, những con người chết oan ức đó, kể cả những người lính bộ đội chết ở Gạc Ma bị từ chối đưa xác về quê nhà, đã tìm thấy lời giải về số phận của mình, của tổ quốc mình lúc này? Biển của người Việt không còn bình yên nữa. Cái chết rình rập hàng ngày khiến ngư dân phải đi rất xa để kiếm sống, trôi dạt đến tận đảo quốc Palau để rồi 77 người bị bắt, 4 thuyền bị đốt, người đi biển Việt Nam bị kết tội là “kẻ cắp”. Bài học rừng vàng biển bạc trong sách giáo khoa là kẻ nói láo, vì hôm nay người Việt không còn gì nữa.
Palau chỉ có 20.000 dân, không có chỉ số về tiềm lực quân sự, nhưng với kẻ bước đến bờ biển của mình, bất kể là ai, họ đều gọi đó là kẻ cướp. Ở Việt Nam, quốc gia có 90 triệu dân, tiềm lực quân sự đứng hàng 25 trên thế giới, với những kẻ bước qua ranh giới biển của mình, chúng được gọi là bạn hoặc kẻ lạ.
Nước mắt lại rơi âm thầm, bên cạnh thềm nhà Quốc hội Việt Nam sang trọng, nơi các ông bà đại biểu sôi nổi bàn chuyện con dâu và tài sản nhà chồng để nâng cấp Bộ luật Dân sự. Quốc hội biết lo lắng về quyền phụ nữ trong cuộc sống, nhưng nhanh quay lưng về phía nỗi đau của chính đồng loại mình, thua cả bầy trâu bò ở Châu Phi biết cùng nhau chống lại thú dữ trên đường đi.
Tuần lễ nước mắt ngập những nỗi đau của ông chú, bà dì, bạn trẻ, anh chị… gào khóc vì đội tuyển của mình thất bại – như bao lần thất bại hiển nhiên khác từ nhiều thập niên nay. Nước mắt ngập khán đài như một sân khấu, nhiều cổ động viên đã khóc và bày tỏ nỗi đau rất cụ thể cho ống kính ghi hình. Những giọt nước mắt đó cuốn trôi và làm chìm lấp cả những điều hệ trọng khác mà người Việt cần rơi nước mắt lúc này.
Một người bạn trẻ trên facebook đã ghi rằng “vì sao họ có thể đau khổ đến vậy vì lý tưởng bóng đá, nhưng khi tổ quốc tụt hậu trăm năm so với các quốc gia khác, nợ công tràn ngập đến thế hệ mai sau, nạn tham nhũng đang siết cổ người dân từng ngày – thì thật khó mà tìm được ai lên tiếng hoặc nhíu mày”.
Thật ra, quyền đau thương trong một trò chơi là quyền tự do của cá nhân. Nhưng khi một tập thể cá nhân đó cùng tập hợp đau thương cho một trò chơi và lãng quên những điều nhức nhối khác, thì tổ quốc chỉ còn là quảng trường của lễ hội trụy lạc không màng trách nhiệm. Những giọt nước mắt thụ hưởng rất hiện đại đó dường như không còn thiết dành cho số phận dân tộc mình, mà chỉ nhân danh, để phô diễn sự ích kỷ và nông cạn trong một thực tế thắng bại sòng phẳng, đã rõ.
Ước gì một phần nước mắt đó dành cho biển, cho tổ quốc, cho đồng bào mình.
Ước gì một phần những bạn trẻ thích bày tỏ tình yêu tổ quốc, mặc áo đỏ sao vàng xếp hàng chụp ảnh nghiêm và buồn trước biển, trịnh trọng “tổ quốc gọi chúng tôi sẳn sàng” biết rõ và gọi tên kẻ thù trước biển là ai, lúc này.
Ước gì các đại biểu Quốc hội không ngủ gật hay chơi game trong Ipad, dành thì giờ tìm hiểu tên người ngư dân bị giết chết mới nhất là gì, cũng có thể họ tìm ra đó là một đồng hương.
Ước gì có một tuần lễ nước mắt mà người Việt tìm nhau chia sẻ, xiết chặt tay, hơn chỉ là những giọt nước mắt âm thầm của những cá nhân thương xót cho tổ quốc mình trong giông bão vô tình.
Ai đã gây ra thảm cảnh này cho dân tộc tôi?
———————————————————————————-
(15-06-2015)
CHÙM ẢNH TRÊN CÁC BÁO VỀ TIN MỚI NHẤT NGÀY 14/6/2015 - TÀU CÁ Ở QUẢNG NAM BỊ ĐÂM CHÌM CÁCH ĐÀ NẴNG 30 HẢI LÝ. 1 NGƯỜI CHẾT, 3 NGƯỜI BỊ THƯƠNG.






4 comments:

  1. đảng và nhà nước chỉ cho phép nước mắt cho bóng đá ..còn nước mắt cho những điều nhức nhối khác là phản động ..nên chẳng ai dám....

    ReplyDelete
  2. Ông Đoàn Nguyên Đức, đại gia của Hoàng Anh Gia Lai, đã cùng gia đình lấy quốc tịch Singapore. Ngay cả các viên chức (Bà Phó Tổng Giám Đốc và Giám đốc Tài chánh mỗi người có 2 con ở Mỹ, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch có 2 con ở Úc, Phó phòng Kế hoạch có 2 con ở Singapore...) của một xí nghiệp nhỏ (XN Dược phẩm 2/9, TP.HCM) cũng đã cho con cái du học và đang tìm cách ở lại định cư. Nhân viên Lãnh sự quán Úc ở Saigon nhận định thành phần du học sinh ở miền nam đa số con cái gia đình doanh nghiệp, còn ở phía bắc đa số con cái quan chức, cán bộ, đảng viên (hình như có một chỉ thị ngầm của Úc không nhận du sinh ở các tỉnh như Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hoá... những nơi này du sinh đa số không học hành mà chỉ tìm cách ở lại). Mà con cái quan chức lại rất dễ được cấp visa du học, vì họ nhà giàu, Mỹ, Úc, Tây Âu rất thích cấp visa cho thành phần này vì ngoài việc dễ thu tiền còn có ý cho họ đến để thấy nền tự do, dân chủ, và cuộc chiến ý thức hệ sau này sẽ xảy ra chính trong nội bộ những gia đình con cái quan chức, cán bộ.

    ReplyDelete
  3. Khóc cho bóng đá vì sao vì thua độ cá cước,hy vọng một ngày mai những người này khóc cho ngư dân VN và cùng ngư dân đứng lên biu63 tình chống Tàu cộng

    ReplyDelete
  4. ĐIỀU KIỆN CẦN -ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT -VN CẦN PHẢI CÓ NGƯỜI ĐỘC TÀI MỚI THOÁT TRUNG
    ĐIỀU KIỆN ĐỦ-NGƯỜI ĐÓ PHẢI CÓ TÂM VÀ TẦM VỚI DÂN TỘC VÀ VN PHẢI CÓ HẠT NHÂN LÀM NỀN TẢNG RĂN ĐE
    vậy tại sao không ủng hộ thử 1 người chứ-dù chưa biết tốt hay xấu hơn, nhưng chắc chắn hiện nay vn là quá tệ rồi khó mà xấu hơn được nữa.

    ReplyDelete