Sau vụ giáo
sư Đặng Hùng Võ thừa nhận trong thời gian đương nhiệm, ông đã trình ký sai 02
văn bản liên quan đến việc thu hồi hơn 500 ha đất thuộc huyện Văn Giang, cũng
từ đó, giáo sư lại “hé lộ” thêm thông tin, rằng trong từ 8 đến 10 năm trở lại
đây, thực chất đã có tới trên dưới 3000 văn bản có những sai phạm tương tự như
vậy. Nguyên nhân chủ yếu, do người ta không làm theo “luật”, mà là theo “lệ”.
Chuyện thật nghe
tưởng như đùa, và không phải bấy lâu nay người ta không biết, nên cũng không
lấy thế làm giật mình cho lắm trong thời buổi này. Thực tế có biết cũng chả ai
dám thắc mắc, chả ai dám “cải cách” để đưa nó vào đúng quỹ đạo ban đầu của nó.
Nói như giáo sư Võ là từ cấp Bộ, từ Chính phủ bấy lâu nay người ta vẫn làm theo
thông lệ (nôm na gọi là Lệ) đấy chứ.
Tôi hóng hớt
nghe các bác chuyên gia về văn bản hành chính nói chuyện với nhau, rằng cái Cục quản lý
văn bản của Bộ Tư pháp sinh ra để làm gì vậy? Cái Ủy ban giám sát của Quốc hội
sinh ra để làm gì vậy?
Báo chí viết
hàng năm, Cục quản lý văn bản Bộ Tư pháp vẫn hô đã tuýt còi nhiều văn bản sai phạm của
các bộ ngành. Nhưng tuýt thì cứ tuýt, con voi vẫn cứ chui lọt lỗ kim, và chuyện
“Lệ” thay “Luật” vẫn cứ là bình thường.
Nói đến đây
tôi lại liên hệ đến chuyện ở cơ quan cũ. Thời kỳ những năm chín ba chín tư, mô
hình Ban QLDA bắt đầu hình thành. Ban tôi thuộc diện to nhất các Ban QLDA trực
thuộc Bộ, thay mặt Bộ làm Chủ đầu tư, thực hiện các dự án ODA – Oách lắm!
Mặc dù Ban
tôi là đơn vị hành chính sự nghiệp, nhưng ngoài số ít xe ô tô biển xanh, còn là
một đội ngũ khá xông xênh xe biển trắng xịn. Lái xe thì đông như “quân Nguyên”.
Việc xin xe đi lên Bộ làm việc không có gì là khó khăn. Hàng năm, các phòng đi
nghỉ mát đều được dùng xe của Ban cả.
Sau khi xảy
ra vụ lãnh đạo Ban QLDA 18 bị xử lý, vì tội cho các cá nhân và tổ chức ngoài cơ
quan mượn xe một cách tùy tiện, tôi để ý hỏi mới biết cụ tỷ nguồn gốc các xe
này ở đâu ra.
Thông
thường, xe công (biển xanh) do ngân sách cấp cho mỗi cơ quan, là phải tuân theo
các quy định rất ngặt nghèo của nhà nước, phụ thuộc vào tiêu chuẩn, đối tượng
sử dụng xe.... nên thường bị hạn chế. Thế nên số xe biển trắng này đều nằm
trong các hợp đồng tư vấn hay xây lắp của dự án, thuộc quyền quản lý và sử dụng
của Tư vấn và nhà thầu. Tuy nhiên, với thế của chủ đầu tư, các Ban QLDA đã ép
Tư vấn và Nhà thầu phải bớt một số lượng xe để cho Ban sử dụng. Việc sử dụng
theo kiểu chùa này, trong một thời gian dài đã không hề bị một cơ quan nào tuýt
còi.
Về nguyên
tắc, sau khi các hợp đồng kết thúc, Tư vấn và Nhà thầu sẽ phải bàn giao lại tất
cả tài sản cho Chủ đầu tư. Sau đó, Chủ đầu tư sẽ phải làm thủ tục (thanh lý hợp
đồng) để bàn giao lại cho nhà nước quản lý (thông qua Bộ Tài chính). Tuy nhiên,
hầu như Bộ Tài chính đã bỏ ngỏ vai trò quản lý ở mảng này, nên việc bàn giao
này gần như không được thực hiện. http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2009/09/3ba13d58/
Khi nắm
trong tay một lượng xe dư thừa như thế thì chuyện cho tổ chức hay cá nhân nào
đó mượn chả mất gì của “Bọ”. Vừa thiết lập được mối quan hệ thân tình, vừa đỡ
phải trông giữ. Thậm chí oách hơn, người ta lấy cả xe mới tinh để cho mượn, tùy
theo độ mật thiết của mối quan hệ. Ví dụ đối tượng mượn xe lại chính là cơ quan
công an. Ối giời! Thế thì an toàn quá còn gì.
Bình thường
nếu không có chuyện gì xảy ra thì có lẽ chả ai biết tình trạng ba vạ trên. Từ
vụ một ông Tổng giám đốc bị bắt vì tội cá độ, người ta đi tìm hiểu ông ta lấy
đâu ra tiền để cá độ tới cả triệu đô như thế. Lần theo sợi chỉ, người ta chỉ tìm
thấy mỗi mấy cái tội là cho mượn xe ô tô một cách tùy tiện, cho thuê văn phòng
lấy tiền không đúng chức năng, khai khống người lao động để tham ô tiền lương
v.v... nghĩa là toàn mấy cái tội vớ vẩn, chả thể đem lại lợi nhuận lên tới
triệu đô để phục vụ mỗi việc đánh bạc được.
Tuy nhiên,
việc đó cũng có tác dụng là khiến các Ban khác giựt mình. Hẳn là các Bộ chức
năng cũng bắt đầu rục rịch rà soát. Ban tôi phải trả lại rất nhiều xe. Nhưng
tình trạng một số xe cả ô tô lẫn xe máy nằm đắp bụi mấy năm trời trong các gầm
cầu thang và xó nhà xe, để rồi bán cả mớ theo kiểu đồng nát khiến tôi thấy kinh
sợ về sự thiếu trách nhiệm trong cách quản lý lỏng lẻo của các cơ quan nhà
nước. Một kiểu tội ác qua việc lãng phí tiền của xã hội mà không ai bị xử lý
cả.
3000 văn bản
ký không đúng Luật. Đấy mới là do giáo sư nói trong lĩnh vực đất đai. Còn các
lĩnh vực khác thì sao? Thực là kinh hoàng! Trong cuộc đối thoại với bà con Văn
Giang, giáo sư Võ cười cười bảo: chỉ sai có một chữ là giao...(đất) thôi. Nghĩa
là chỉ có thu hồi, chứ không được giao. Nhưng rốt cục lại vẫn giao.
Tôi ngạc
nhiên khi ông ấy nói có vẻ thản nhiên và dễ dàng đến thế. Vâng, chỉ sai một chữ
thôi cũng có thể biến không thành có, biến sống thành chết, biến tự do thành tù
tội....
Khi một quan
chức, lại là một nhà khoa học mà quan niệm thế thì làm sao các cấp thực thi lại
không thể mỗi người hiểu một kiểu được? Ngạn ngữ có câu vạn sự khởi đầu nan. Cái
sai ban đầu sẽ dẫn đến hàng loạt sai phạm khác, thế thì làm sao dân đen chả
chết! Có bao nhiêu cái sai như ở “Văn Giang” trên khắp đất nước này? Bao nhiêu
người dân đáng thương trở thành trắng tay sau hàng chục năm đi kiện, thậm chí
còn bị tù tội thưa giáo sư?
Thay vì lần
dở lại những sai phạm để khắc phục hậu quả, xử lý nghiêm minh những người làm
sai, là cơ sở cho việc giải quyết dứt điểm tình trang khiếu kiện, thì giáo sư
Võ lại có ý đề xuất Quốc hội hợp pháp hóa các văn bản này??? Tức thì nhớ ngay đến
mấy cái khẩu hiệu của dân đi khiếu kiện: Quốc hội ơi – cứu dân!
Ngẫm mà buồn
và đau. Cảm thấy tương lai mù mịt quá.
No comments:
Post a Comment