Translate

Monday, 30 January 2012

Chỉ ăn với ngủ thì khác gì loài thảo mộc?

Năm mới, một người bạn chúc tết, bảo năm nay mình bước sang tuổi 53 âm rồi đấy, nhớ cẩn thận nhé! Tôi hiểu ý người bạn, là người ấy muốn nói về chuyện tôi cứ hay quan tâm đến những chuyện xã hội đấy.
Dù sao tôi cũng cảm ơn và bảo: Yên tâm! Ở Việt Nam ta không ai bị bắt vì lý do bất đồng chính kiến đâu.
Nói về chuyện chính kiến thì phải kể chuyện này. Trước đây, nhiều lần thấy bố với các “chiến hữu” cứ say sưa nói chuyện “quốc gia”, tôi có ý kiến rằng bố với các bác chỉ nói với nhau như thế thì có tác dụng gì? Bố bảo: con người sống mà không quan tâm đến chuyện xung quanh mình, cứ ăn với ngủ thì khác gì loài thảo mộc?
Đến đận tôi đưa cho bố xem những bài viết của bác Tống Văn Công, bác Nguyễn Trung, Cù Huy Hà Vũ...bố thích lắm nhưng lại bảo: con say sưa chính trị vừa phải thôi. Nhân viên thường như con, quan tâm đến chuyện đấy ích gì?
Tôi nhắc lại lời của bố. Nếu chỉ biết ăn, ngủ, hưởng thụ ...thì khác gì giống cỏ cây? Cuộc sống có cái xấu cái đẹp, cái thiện cái ác, có cái nên làm và có cái không nên làm. Chuyện tốt khen xấu chê là lẽ thường ở đời. Mọi cái khen chê, yêu ghét nó phải rõ ràng, không thể nhờ nhờ ba phải được. Những cái đó có phải là chính trị không?
Tôi chẳng phải là ông to bà lớn gì, cũng chẳng phải người có trọng trách gì, nhưng hễ thấy ngang tai trái mắt thì cứ hay lên tiếng. Gặp người biết lắng nghe thì phúc. Gặp kẻ bất chấp lý lẽ thì mình thua, chứ có đánh đấm, chửi bới được ai đâu. Thích nhất câu nói của giáo sư Huệ Chi: “Chúng tôi viết để cho thấy 85 triệu người dân không phải là những con  bò”. Câu thơ của giáo sư viện sĩ Hoàng Xuân Phú: “Ta lên tiếng, họ biết ta là ai. Họ phản ứng, ta biết họ là ai”
Vĩ nhân hay chính trị gia suy nghĩ tầm của vĩ nhân, của chính trị gia. Thảo dân như tôi thì suy nghĩ tầm của thảo dân. Sống trong một xã hội mà cứ như kẻ đui mù sao được, dù chỉ là cái chuyện ở tầm “cướp, giết, hiếp”. Đã nghe, đã thấy thì tự dưng nó cứ phải nghĩ. Tôi lấy làm lạ, rằng nhiều người thấy những điều rõ ràng là sai, là xấu. Nhưng hễ cứ động đến lại một mực thở dài: không thay đổi được gì đâu. Nói cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Thằng cháu họ tốt nghiệp luận án tiến sĩ dược ở Paris, thuộc diện học bổng toàn phần cũng thở ra cái giọng điệu như thế. Sau khi cho nó thấy là cái thứ nó không phải là đối tượng để tôi tranh luận, tôi thắc mắc không biết có bao giờ nó tự hỏi: một tiến sĩ khoa học như nó mà bao nhiêu năm nay lương vẫn chưa nổi 4 triệu. Điều đó phải phản ánh lên điều gì chứ?
Ngán nhất là mỗi khi nói về những vấn nạn của xã hội, người ta lại bảo sao không nhìn vào những mặt tích cực của xã hội? Thế cứ tưởng các xã hội văn minh khác đã là tốt đẹp hơn à? Cũng đầy rẫy những tội ác và bất công đấy.
Chao ôi! Thế kỷ này là thế kỷ thứ bao nhiêu rồi? Chiến tranh cũng qua gần bốn chục năm rồi mà sao người ta vẫn bằng lòng với những gì ít ỏi đã đạt được thế? Tôi không tranh luận, chỉ lấy dẫn chứng bằng những con số cụ thể để đặt câu hỏi. Loanh quanh lại vẫn bảo: khó lắm! Không thay đổi được đâu. Thật tức chết đi được.
Một cậu là cán bộ công đoàn chuyên trách cấp trung ương, nghe tôi nhắc đến vụ Đoàn Văn Vươn thì a lên một tiếng bảo: À! Cái tay này hết thời hạn được giao đất từ lâu rồi nhưng không chịu giả cho nhà nước, chỉ vì tiếc số tiền đã đầu tư nên chống đối lại chính quyền đây mà. Tôi hỏi cậu lấy thông tin ấy ở đâu ra thì cậu ấy ra vẻ hiểu biết lắm: thì em  đọc báo mạng chứ đâu. Tôi hỏi cậu đọc báo nào? Thì báo Vnexpress, báo Dân trí. Tôi lại hỏi thế cậu có biết tại sao báo Thanh niên, báo Tuổi trẻ đều đã từng bị thay đổi Tổng biên tập vì lý do gì không? Cậu ấy không trả lời mà lại cao giọng hỏi lại: thế bác bảo em phải đọc báo nào bây giờ? Tôi cũng không trả lời mà chỉ bảo, thôi cậu cứ chờ xem rồi vụ này nó đến đâu rồi khắc biết. Tôi tin là trước sau rồi cậu ấy cũng sẽ biết. Dù muốn bưng bít đến đâu rồi cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải tòi ra.
Nghe tin trên mạng, thì cả những người đàn bà trong gia đình anh em nhà ông Vươn cũng bị đánh rất dã man (tôi nghe trên youtube), còn trong trại tạm giam, anh em nhà ông Vươn bị quản giáo đánh đập, nhục mạ mà căm giận quá. Sao lại có những kẻ hèn mạt đến thế. Những con người mà có tâm ác thì ở đâu cũng ác, khoác cái gì lên người cũng ác. Tôi nhớ hôm đi cùng Kim Tiến đi đến Bộ Công an ở phố Yết Kiêu, thấy Kim Tiến cầm bức ảnh tiến ông Tùng tiến đến trước cổng, cậu công an trẻ măng vội đi ra hỏi có việc gì. Tôi bảo cháu nó muốn hỏi tại sao vụ công an đánh chết bố nó mãi vẫn chưa xử thế, nhân tiện ta thán: dạo này công an đánh chết dân nhiều quá. Cậu công an trẻ không phản ứng gì về lời ta thán của tôi, chỉ hướng dẫn sang bên số 3 Nguyễn Thượng Hiền để khiếu nại. Bây giờ lại nghe bác Lê Hiền Đức khóc bảo: bây giờ công an đánh chết dân nhiều quá....đúng là cái thiện cúi đầu thì cái ác sẽ lên ngôi thôi.
Năm mới mà toàn nói chuyện buồn. Rét quá nên chẳng đi đâu ra khỏi nhà. Hôm qua ấm ấm trời mới đi uống rượu ốc với mấy anh chị em (mình không uống rượu, chỉ ăn ốc). Bác Gốc Sậy có tý hơi men vào, khật khừ bảo: thương mụ Hằng béo quá. Ừ! Mấy hôm rét tê tái, nhiều người vào facebook kêu rên thương Bùi Hằng. Có lẽ không chỉ thương Bùi Hằng, mà cả những con người khốn khổ đang ở đâu đó dù bên trong hay bên ngoài nhà tù nữa chứ.


13 comments:

  1. Cả ngày hôm nay ra ngẩn vào ngơ ,khi hay tin dân Việt nam mình ,hiện đang còn kéo ...cày thay trâu bò.....ôi chao ôi ,có nơi nào khổ như đất nước của tôi không ?Ăn chén cơm mà cứ nghẹn ngang họng .Có phải đất nước tiến lên thiên đường XHCN là như thế này sao ? Đúng như nhà văn Dương thu Hương đã nói :thiên đường MÙ.
    Giá mà tôi là loại thảo mộc như P Bích nói thì hay biết mấy ,đằng này....

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng bác Hường ơi, không thấy thì thôi, thấy rồi thì lòng cứ nặng trĩu không yên.Cảm ơn bác giờ này vẫn ghé nhà em.

      Delete
    2. Hè hè, mấy tuần rồi cày túi bụi, bận tíu tít, và gồng hết cả mình lên để chống chỏi với cái lạnh, chả có thăm và chúc Tết Phương Bích, chị Hường và nhiều bác khác nữa được.

      Tuổi 50 trở lên cụ Khổng bảo là tuổi "tri thiên mệnh", cái tuổi mình biết những ngày tháng còn sống trên mặt đất này mình nên tập trung sức lực vào chuyện gì, phải không Phương Bích ạ?

      Delete
    3. Chào bác tranthihuong!
      Chào Ha Le, thanhvdgt1, donghailongvuong, Phương Bích!
      Từ mồng 2 tết HG về quê ăn tết với mẹ già, không may mẹ lâm bệnh nặng, nên không có điều kiện vào mạng. Hôm nay tranh thủ một chút chỉ dám đọc nhanh các blog của bạn bè không có thời gian comment nhưng vào đến đây thấy toàn người quen, mừng quá nên không thể không...
      Ha Le! Có một comment rất dài cho bạn ở nhà Lê Dũng mà không thấy hiển thị, chắc bị lỗi mạng, tiếc quá...
      thanhvdgt1! Bữa đi TL không có em cũng tiếc.
      donghailongvuong! Nhớ em lắm.
      Phương Bích! Hôm nay không được đi Đền Gióng cùng mọi người tiếc lắm nhưng không làm sao được...Chắc vui lắm, đúng khôn?
      Bác tranthihuong! Điều bác dặn Nguyễn Xuân Diện nói với gia đình chị Thương khi gặp chị ấy, hôm chúng tôi đi TL tôi đã truyền đạt được cho chị Thương rồi, gia đình chị Thương rất cảm động trước tấm lòng của bác, bà cụ già mẹ anh Vươn cứ nghẹn ngào mãi.
      Thôi, HG chỉ viết vội được có vậy, mọi người thông cảm nha.

      Delete
    4. Chào chị HG,cảm ơn chị .Việc đó tôi luôn sẵn sàng ,nhưng chưa thấy ai trả lời ?
      Năm mới chúc gia đình chị vui vẻ ,hạnh phúc,kính chúc cụ nhà mau lành bệnh .

      Delete
  2. Ôi dào. Em thấy thương em quá chị ơi! Hu hu ...
    Nhưng thương thì thương em vưỡn phải xuống đường cho dù chỉ làm thêm cho 1 người hoặc không được 1 người hiểu rằng xã hội này còn lắm bất công, nhiều sâu mọt lắm lắm.
    Thương mình bao nhiêu đi chăng nữa em vưỡn xin để mọi người thương thêm những em bé vùng cao ...
    ---
    Nếu một ai đó chưa biết trang blog nhỏ "Mỗi ngày sẽ có thêm những việc làm yêu nước!" hãy bấm vào đây: http://thanhvdgt1.blogspot.com/2012/01/tiep-tuc-chuong-trinh-nuoc-sach-cho-xeo.html để ủng hộ chúng tôi - dù chỉ một lần bắt tay!

    ReplyDelete
  3. Tớ thực lòng cầu mong ngày càng có thêm nhiều người, cả trong lẫn ngoài nước, góp tay góp sức với bạn Thành.

    Thực ra ngay từ lúc còn ở VN cũng thế, mà qua Mỹ sống rồi cũng thế, tớ đã gặp, đã biết rất nhiều người thầm lặng đóng góp cho những chương trình thiện nguyện trong nước dù họ chẳng giàu có gì. Hầu hết những chương trình này là thông qua các hội đoàn tôn giáo. Ở Mỹ, tớ gặp những bác "đồng nghiệp" đã quá tuổi hưu, tức trên 65 hay 67t, có cả cụ đã trên 70t, làm việc tay chân, ca đêm, rất nặng nhọc. Lẽ ra họ đã có thể nghỉ ngơi và sống đủ với tiền hưu nhưng họ vẫn tiếp tục làm để có tiền đóng góp. Họ bảo lo xong việc gia đình rồi thì giờ còn phải trả nợ quê hương. Thời buồi kinh tế xuống dốc, người già bị sa thải, họ buồn rớt nước mắt khi nghĩ rằng từ nay không thể làm gì hơn được nữa cho VN. Hãng tớ cũng có một vị ni cô, sống thì ở chùa, ăn thì toàn đồ chay rất đạm bạc, nhưng đêm đến thì khoác cái áo lao công vệ sinh và cày hùng hục như ai, chỉ với mục đích kiếm tiền đóng góp vào những chương trình thiện nguyện tốt lành trong nước...

    Mỗi ngày hãy có thêm những việc làm yêu nước. Mỗi ngày hãy có thêm những tấm lòng yêu nước cách cụ thể, cách quảng đại, hy sinh. Chung quanh mình những người nghèo khổ còn quá nhiều!

    ReplyDelete
  4. Chị Phương Bích ơi !

    Có một "kinh nghiệm" mà sau khi chính em trải qua thì em mới hiểu, mình không có cái gì nho nhỏ là người tốt, công ích tại địa phương, cuộc sống nếu có sự vụ gì xảy ra thì ăn đòn đủ trong hệ thống chính trị, môi trường này.

    Khi các sự việc đã trải qua, chỉ có ta là còn phải sống với địa phương, nơi làm việc, huặc trường học (nếu là sinh viên) thì lúc này mới hiểu thế nào là lễ độ.

    Chuyện của cá nhân anh Vươn về lâu về dài, phải chính người dân ở địa phương, những người lãnh đạo tương lai (nếu có) cũng ngầm ủng hộ. Chứ nếu lớp lãnh đạo sau cũng kiểu như anh-em Hiền Liêm thì sẽ còn khổ suốt đời huặc bán sới đi nơi khác.

    Ở đâu thì âu đó, phép vua còn có lệ làng. Mình đang sống ở Việt Nam chứ không phải ở nước ngoài để có thể nói hay "như đúng rồi" được đâu chị ơi.

    ReplyDelete
  5. Chuyện buồn, chuyện vui, cay đắng, ngọt bùi
    Có người động lòng, có kẻ mừng vui.
    Cả xã hội đầy bất công ngang trái
    Nhiều người oan, vẫn có kẻ cười!

    Sống vô tâm có khác chi cỏ dại
    Biết bao giờ xã hội đổi thay?
    Đừng vô cảm để nỗi đau dài thêm mãi
    Đừng để cái ác lên ngôi, xin chặn lại ngay!

    ReplyDelete
  6. Ha Le mến thương, thấy cậu ghé thăm là mừng rồi. Biết cậu phải lo "cày cuốc" nơi xứ người mà lòng vẫn hướng về quê nhà, rất thương đấy.

    Thanhcdgt1 ơi, chị ghen tỵ và cảm phục em lắm. Muốn theo bước chân em đi lên rừng, xuống biển, chung tay giúp đỡ những mảnh đời khốn khó. Nhưng em may mắn có người vợ đảm lo hậu phương cho, chị thì hiềm nỗi một mình chăm bố già yếu, khó có điều kiện về cả thời gian lẫn vật chất để ghé một vai gánh vác với mọi người. Thôi thì mỗi người một cách đóng góp vậy. Ít ra là đừng vô cảm với những ngì mình nghe thấy, nhìn thấy phải không em?

    Đông Hải Long vương.
    Chị biết chứ em. Cái gì mà chẳng phải trả giá hả em? Nói một cách tổng quát như thế này, nếu như không có những con người như ông Vươn thì cái đầm lầy vẫn mãi hoang vu. Phải lăn lộn hàng chục năm, phải hy sinh mất bao mồ hôi và máu thì đầm lầy mới trở thành mảnh đất tươi tốt, cho ta trái ngọt được. Sự hy sinh của nhiều người hôm nay sẽ đem lại một xã hội mai này tốt đẹp hơn chứ em. Hồi còn đi làm, chị chấp nhận cái đồng lương còm cõi mà không màng tới những món bổng lộc mà nếu chị chịu khó nói lời hay ý đẹp, chạy chọt này nọ thì chắc cũng có đời sống dễ chịu hơn về vật chất. Nhưng cái được là sự thanh thản và không bao giờ phải cắn rứt lương tâm.

    Bác Thăng Long
    Một vài lời khó nói hết, xin cảm ơn và luôn trân trọng sự đồng hành của bác.

    ReplyDelete
  7. Nói Phương Bích là nói đến con người của nhân dân, biết trăn trở với nỗi đau của đồng loại. Chỉ cần thế thôi PB đã là người con yêu quý của dân tộc VN.
    Chức vụ, học hàm chỉ là thứ hư danh. Tư cách, bản chất của PB thật trong sáng thánh thiện mà con người chức vụ, học hàm không dễ gì bám gót !!!
    Chúc PB chào đón những mùa xuân đang sáng dần ánh dương !!! .

    ReplyDelete
  8. Chúng ta chỉ là những người dân thường, nghèo khó tảo tần, nhưng chúng ta biết thương yêu dùm bọc. Thôi hãy cứ cố làm như vậy để có được những thanh thản trong cuộc sống hư vô này.
    Muốn được to tát ư, điều đó phải hỏi những kẻ "đầy tớ" - con Trời tham lam vô độ kia cơ. Còn chúng ta hãy làm tiếp những công việc bé nhỏ như chúng ta đang làm, thế cũng là hạnh phúc!
    Cám ơn tất cả mọi người!

    ReplyDelete
  9. Bất công trong xã hội nào cũng có và trong xã hội chúng ta đang sống cũng đầy rẫy sự bất công
    Bài viết rất ý nghĩa, cám ơn bạn đã chia sẻ
    click xem thêm Trung tâm gia sư chất lượng cao uy tín nhất tại Biên Hòa

    ReplyDelete