Sống hơn nửa đời người, tôi vẫn ngoan cố nghĩ rằng cái lý nó vẫn còn tồn tại trên đời. Hết bố mẹ dạy dỗ, lại đến thày cô. Nhưng khi rời khỏi gia đình, rời khỏi nhà trường, rời khỏi những cuốn sách vốn dạy cho mình những kiến thức cơ bản nhất, ra đến ngoài xã hội là dường như quá nhiều thứ nguyên lý bị đảo lộn hết cả. Ví dụ như kẻ cướp thì trở thành nạn nhân, hay đang ăn cướp mà lại cứ tưởng mình đang làm từ thiện chẳng hạn.
Nếu mọi thứ
trong xã hội đều tuân theo một trật tự nhất định, thì giống như một cỗ máy vận
hành trơn chu, chắc chắn nó sẽ phát triển tốt. Tôi chắc mấy cái thằng tư bản nó
giãy mãi không chết là vì nó máy móc tuân theo trật tự quá, chứ muốn chết sớm
thì nó phải học tập các nhà đầu tư của Việt Nam ta thì sẽ được toại nguyện
thôi?
Cái lý của kẻ
cướp, mặc dù được ngụy trang dưới một mục đích rất đẹp đẽ, nhưng nó vẫn không
thể giấu được sự trơ trẽn. Mặc cho dân mỏi mồm phản đối, họ cứ nhai nhải ca cái
bài ca thương dân. Trên đời này có chuyện nào nực cười hơn là kẻ được thương
lại cứ giãy đành đạch lên để từ chối như thế kia chứ.
Một tuần trôi
qua kể từ khi dân tôi dựng lều giữ đất 24/24 tiếng, động thái duy nhất từ phía
chính quyền là cái chỉ thị miệng của ông chủ tịch quận Ba Đình: ngừng thi công!
Mặc dù tôi
không tin tưởng lắm về việc họ sẽ “nghiêm túc” xử lý chủ đầu tư, nhưng đầu tuần
dân tôi kéo nhau lên ủy ban quận, nghe cậu cán bộ giúp việc của ông chủ tịch
nói về cái lệnh miệng đó thì ý nghĩ đầu tiên trong đầu tôi là: lần này dân tôi
sẽ lại phải ngồi giữ đất lâu đây? Cứ nghĩ đến 26 ngày giữ đất cách đây hai năm
mà tự thương dân tôi đến chảy nước mắt.
Chúng tôi bàn
nhau khóa béng cổng lại. Cái lý của dân tôi là thế này.
Trích thư gửi
ông chủ tịch quận Ba Đình:
“Nhà C1 nguy hiểm cần phải phá dỡ là đúng.
Nhưng phá dỡ xong rồi, không có nghĩa quyền sử dụng mảnh đất này của 110 hộ dân
chúng tôi đương nhiên chuyển sang cho chủ đầu tư. Chúng tôi khẳng định, hiện
nay về mặt pháp lý, quyền sử dụng đất nhà C1 vẫn thuộc về những hộ dân nhà C1.
Nếu đúng như chủ trương của thành phố về
việc bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, thì sau khi phá dỡ,
tính mạng và tài sản của người dân không còn bị đe dọa nữa. Vì vậy, dự án xây
dựng mới nhà C1 phải được tiến hành theo đúng trình tự là thỏa thuận việc bồi
thường, hỗ trợ, tái định cư xong, bàn
giao đầy đủ theo mọi thủ tục hành chính rồi mới được tiến hành thi công.
Khi thành phố có quyết định thu hồi đất (nếu
đúng), việc thu hồi cũng phải tiến hành theo trình tự. Phải có người giao,
người nhận, và phải có biên bản bàn giao hợp pháp, có đầy đủ chữ ký của các
bên.
Nhưng chủ đầu tư cũng như các cấp chính
quyền đã quá sốt sắng mà quên đi bước thủ tục hành chính rất quan trọng này.
Nhiều người nhầm tưởng đất này chưa được cấp sổ đỏ, và thuộc toàn quyền quản lý
của Tổng công ty công trình xây dựng giao thông 1. Nếu đã là đất của Tổng công ty công trình xây dựng giao thông 1
(CIENCO1), tại sao chính quyền lại phải làm một động tác rất thừa, nếu không
nói là cực kỳ vô lý, là thu hồi đất của CIENCO 1 để rồi giao lại cho chính họ?”
***
Để trường kỳ giữ
đất, dân tôi cắt cử 3 ca trực. Mỗi ca 3 người. Đêm thì đàn ông, ngày thì đàn
bà. Ca 1 từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Ca 2 từ 3 giờ chiều đến 11 giờ đêm. Ca
3 từ 11 giờ đêm đến 7 giờ sáng.
Sáng thứ hai
tôi và một số người lên quận để nghe được mỗi cái chỉ thị miệng của ông chủ
tịch qua cán bộ giúp việc của ông ấy. Chiều tôi trực ngày đầu tiên.
Ba mụ đàn bà
chúng tôi ngồi chuyện phiếm dưới trời nắng gắt. Gần 5 giờ, hai chị bảo tôi
tranh thủ về nhà cho bố ăn rồi lại ra trực tiếp. Tôi phóng xe như ma đuổi về
nhà. Vừa cắm được nồi cơm thì điện thoại réo. Nhìn số điện thoại của một chị
đang ngồi trực, tôi biết ngay có chuyện chẳng lành. Y như rằng, mở điện thoại
chỉ nghe thấy tiếng các chị chu chéo méo dừa, cộng với tiếng sắt thép va chạm
xủng xoảng. Tôi vớ ngay lấy đồ lề, tất tưởi chạy ra khỏi nhà, vừa chạy vừa gọi
mọi người:
- Xuống Thành Công ngay! Chúng nó đang phá
khóa nhà mình!
Bọn họ phá tôn và chui qua chỗ này |
Hàng xóm (cụ bà áo hoa) cũng sang chia sẻ |
Phi xe đến
nơi đã thấy bà con đông đặc, đang thi nhau xỉa xói vào mặt tay giám đốc dự án.
Tôi chen vào trước mặt tay này, xin phép được cắt lời một bác lớn tuổi:
-
Tôi nói cho anh nghe,
đất nào cũng phải có chủ. Một là của anh, hai là của tôi. Của anh thì không
phải rồi. Của tôi thì chắc chắn vì sổ đỏ vẫn nằm trong tay tôi đây. Mà đã là
đất của tôi, thì tôi không đồng ý cho anh ra vào nhà tôi một cách tự do như thế
được. Chỉ cần anh tìm được bất cứ một thứ giấy tờ nào chứng minh rằng, tôi đã
bàn giao mặt bằng cho anh thì tôi sẽ rút lui ngay tức khắc.
Anh bảo có quyết
định thu hồi đất hả? Cứ cho là thế đi, nhưng muốn thực hiện nó phải có người
giao và người nhận. Tôi đã giao cho anh đâu? Anh bảo gì? Rằng Sở tài nguyên môi
trường giao cho anh ấy à? Anh hiểu biết như thế thì quá là ngu dốt, mà ngu dốt
như thế thì đừng làm giám đốc nữa. Sổ đỏ vẫn trong tay tôi đây, Sở nào dám giao
nó cho anh là lừa đảo. Nhưng anh nghe thấy bà con nói gì rồi đấy, rằng anh mới
là kẻ lừa đảo. Nếu anh mà không lừa đảo thì tôi đố anh có được cái giấy phép
xây dựng ấy đấy. Chả thế khi tôi gặp thanh tra Sở, họ bảo: thế vẫn chưa đền bù
à? Công an phường cũng hỏi: thế chưa đền bù à?
Không những anh
là đồ lừa đảo, mà anh còn hèn hạ nữa. Ba ngày nay bà con ngồi đây anh không ló
mặt ra. Lợi dụng lúc chỉ có hai mụ đàn bà, anh ra phá khóa để ăn hiếp họ à?
Giám đốc gì anh hả? Người hiểu biết thì ít nhất cũng phải báo cáo chính quyền,
chứ lại cậy đông để phá khóa nhà người ta thế à?
Ôi trời, chưa bao giờ tôi giận điên người lên như thế. Cứ
nghĩ lúc chỉ còn hai người đàn bà đối diện với hơn chục gã đàn ông, tôi lại
muốn chửi thậm tệ hơn nữa. Tôi thì không văng tục, nhưng dân tôi thì thôi rồi.
Cả bốn năm chục người , người nào cũng nổi cơn tam bành, chửi rủa không tiếc
lời. Gã giám đốc cố vớt vát thể diện trước đám quân, nhưng cứ hễ mở mồm lại bị
ăn chửi điếc cả ráy. Đám quân đứng đằng sau, nhìn dân chúng bừng bừng phẫn nộ,
không ai dám hó hé một lời. Mọi người mải chửi, quay đi quay lại chả thấy tay
giám đốc đâu. Có người bảo một bà kéo tay đó ra ngoài rồi.
Cơn giận dữ dần dần cũng nguôi. Mọi người lại hô khóa cửa
lại, nhớn nhác đi tìm khóa. Một chị bảo: đây, khóa đây rồi, còn cái xích đâu?
Lúc phá khóa bọn nó lấy cái xích đâu rồi? Đứa nào lấy xích của bà khôn hồn thì
đem trả ngay cho bà, không thì không xong với bà đâu nhé.
Mọi người cười rộ. Tay phó
giám đốc đi vào trong góc cái công tơ nơ dùng làm văn phòng, nhặt lấy sợi xích
đem ra, giọng rất lễ độ bảo: đây ạ!
Từ sau bữa đó, cứ tối đến là chúng tôi lại khóa cửa lại.
Nhưng dở một cái là chưa đuổi được mấy cái thằng thi công ra khỏi công trường,
thì dân tôi vẫn phải còn ngồi canh, đề phòng họ thi công trộm. Chính quyền đảm
bảo họ không thi công nữa, nhưng cho họ ở lại để trông coi tài sản của họ chứ!
Thế tài sản của các anh đáng giá hơn cái mạng của chúng tôi chắc?
Chả nên tin
bố con nhà nào. Cách đây hơn 2 năm họ cũng nói như thế. Vậy mà sểnh ra một cái
họ đã đổ được 3 cái cọc nữa. Có ai ngu gì mà cho người ngoài vào để đồ trong
nhà mình, rồi suốt ngày ngồi chầu hẫu canh cửa như thế này? Dân tôi tự bảo mình
ngu hết lần này đến lần khác mà vẫn chưa tỉnh, vẫn cứ bị lừa.
***
Trong khi chờ
chính quyền ra văn bản chính thức đình chỉ thi công, hôm sau thứ ba, chúng tôi lại lên thanh tra Sở Xây dựng, hỏi
về lý do lại sao cấp phép xây dựng khi chưa đền bù.
Cán bộ thanh
tra nói họ đã có văn bản yêu cầu Sở giải trình, nhưng Sở bảo Sở cấp phép đúng
quy định. Chúng tôi hỏi, đúng quy định nào? Dân đen chúng tôi cần cái cụ thể
chứ không thể nói chung chung như thế được. Và chả quy định nào bằng thực tế là
đang tranh chấp thì không được cấp phép!
Vâng! Đương
nhiên là chúng tôi sẽ có cách kiểm tra của chúng tôi, và thứ hai tới (tức là 6
ngày nữa) chúng tôi sẽ đưa vấn đề này ra giao ban!
Chao ôi! Thời
gian đối với họ dường như không có chút nghĩa lý gì. Đến giờ tôi mới thấm cái
cảnh dân oan khắp nơi, ăn chực nằm chờ một cách vô vọng trước cửa các cơ quan
công quyền. Những tờ giấy vô cảm, những trái tim vô cảm cứ truyền từ bàn này
qua bàn khác rồi hờ hững nằm đó trong khi ngoài kia, những phận người cứ dãi nắng
dầm mưa, cứ màn trời chiếu đất....
Mặc dù xác
định lần này vẫn phải ngồi canh giữ đất lâu, nhưng tôi cố thử vận may một lần. Theo
cái logic đơn giản nhất, lần trước UBND phường ra văn bản ngừng thi công vì
chưa đền bù. Bây giờ cũng vẫn chưa đền bù lại thi công, vậy sao phường vẫn
không ra văn bản tiếp???
Suốt một
tiếng đồng hồ ngồi đặt vấn đề với chủ tịch phường, nói khô cả họng mà vẫn không
“lái” được ông ta trả lời vào câu hỏi của mình. Ông ta cứ lải nhải liên tu bất
tận về sự quan tâm của chính quyền, đến mức tôi không còn lịch sự gì nữa;
- Xin lỗi anh, anh bảo chính quyền quan tâm
đến dân, còn dân chúng tôi bảo rằng chính quyền lừa dân thì đúng hơn.
- Chị nói thế là ý kiến của riêng chị thôi
- Thế anh đã gặp dân lần nào chưa mà bảo rằng
đó là ý kiến của riêng tôi. Anh cứ gặp dân đi rồi sẽ biết dân nói gì.
Ông ta lại
xoay ra ca thán về việc dân tôi dán khẩu hiệu lên khắp hàng rào tôn, khiến ông
ta phải cho thanh niên đi bóc. Tôi bảo vì chủ đầu tư lừa đảo, khiến ai cũng
tưởng dân được đền bù rồi mà vẫn cản trở thi công. Thế nên dân tôi mới phải dán
khẩu hiệu để tố cáo trò lừa bịp đó cho thiên hạ biết chứ.
Ông ta lại
bảo dân tôi cho rằng đấy là đất, là nhà của dân tôi là không đúng. Tôi nói nếu
thế thì anh cho công an ra hốt hết dân tôi đi.
Đố dám! Nhưng
cứ nói lằng nhằng mãi chuyện không đâu, tôi cáu tiết bảo:
- Vậy tôi chỉ hỏi anh một điều: Nếu chủ đầu
tư đúng, tại sao ông chủ tịch quận lại chỉ thị dừng thi công?
Thay vì trả
lời, ông ta lại bắt đầu một trường ca mới chả liên quan gì đến câu hỏi của tôi. Ông ta cứ viện dẫn cái giấy phép mà Sở Xây dựng cấp cho chủ đầu tư. Tôi bảo cứ cho là cái giấy đó nó không có vấn đề gì, nhưng cái giấy phép nó có hai mặt, anh đã đọc mặt sau của nó chưa? Chủ đầu tư đã thực hiện những điều khoản ở mặt sau của nó chưa?
Chả lẽ tôi lại phải nhắc ông ta bài học sơ đẳng : đau bụng uống sâm - thì tắc tử!
Tôi thực sự ngắc đến tận cổ. Để những con người như thế này mà điều hành xã hội
thì thật là tai họa. Về lý thì cái lý càng nghe phải càng tỏ. Vậy mà cả tiếng đồng
hồ ngồi nói với vị công bộc cấp phường này lại cứ tối như hũ nút, chả thấy cái
lý nó ló ra được tẹo nào.
Thấy suốt từ
nãy đến giờ mình ngồi nói bã nước bọt ra uổng phí quá, nên tôi đứng dậy chào
ông ta trước khi nói thêm rằng, còn anh, còn tôi, để xem chủ đầu tư này có tiếp
tục làm được không.
Tôi quả thật
rất dễ nổi nóng khi nghĩ một việc nó rõ ràng như ban ngày như thế, vậy mà chỉ
có mỗi việc biến cái chỉ thị miệng ấy thành văn bản sao nó lại chậm chạp đến
thế? Ai cũng thừa hiểu đằng sau nó là cái gì. Không phải vô cớ mà chính quyền dung
túng cho chủ đầu tư làm liều, rồi chỉ đến khi nhờ dân phát hiện “hộ” thì họ mới
miễn cưỡng ra lệnh “ngừng”. Thế nên họ mới “cố tình” để dân chúng tôi phải ngồi
canh đất cho bõ tức đấy.
Khi về đến
chỗ bà con ngồi trực, mọi người nhao nhao hỏi thì tôi mệt mỏi lắc đầu. Có người
bảo phải “phong bì” vào. Giời ạ, dân mình nghèo, sao lại với doanh nghiệp dù có
là doanh nghiệp chết đói đi chăng nữa. Có mỗi cái nhà chung cư mà tới 4 doanh
nghiệp liên doanh với nhau, miếng bánh chia tư thì họ bóp cổ dân là phải.
Nhân có cậu
cảnh sát khu vực đang ngồi đó, tôi bảo chính quyền cấp phường bây giờ chỉ như
robot, ấn nút mới khởi động chứ chả có não trạng gì cả, cái gì cũng chờ chỉ thị
của quận. Trong một lần cử tri tiếp xúc với Hội đồng nhân dân quận Ba Đình tại
phường, nghe cử tri kêu ca về việc mất trật tự và vệ sinh tại công viên Hồ
Thành Công, ông phó chủ tịch quận bảo, trách nhiệm đó thuộc về phường chứ.
Chẳng lẽ để quận đi lo dẹp mấy cái quần áo và giẻ rách phơi la liệt trên hàng
rào công viên nữa à.
Tròn 10 đêm
dân tôi trắng đêm dựng lều giữ đất. Đêm trước đang ngủ, chợt nghe trời đổ mưa
như trút, gió lạnh tràn về. Tôi nghĩ ngay về những người trực đêm đang nằm dưới
tấm bạt dứa mong manh, vừa đau xót vừa căm phẫn. Hôm sau nghe kể mấy người ướt
hết, cả đêm lo chống bạt để dốc nước kẻo nó kéo sụp lều. Vì hôm đầu dựng cấp
tốc nên chỉ tạm bợ thế, chứ lâu dài thì phải thuê người gia cố lại thôi.
Phơi chăn bị ướt vì trân mưa đêm - đi trực thì chỉ dùng đồ hành khất như thế này thôi. |
Lều dựng vội trong đêm nên quá sơ sài. - nào ai nghĩ họ là những kẻ không có tim mà lường. |
Tôi nghĩ sao
mà họ tham thế không biết. Trong khi dù họ có nhà lớn nhà bé vẫn chưa đủ, vẫn muốn
trèo lên đầu dân tôi. Còn dân tôi chỉ có mỗi một căn hộ hết sức khiêm nhường,
mà có một bác đã từng nói, nó là tài sản có giá trị duy nhất, chỉ đứng sau tính
mạng và gia đình mà thôi.
Giá họ đừng
thương dân tôi mà để dân tôi ở cái nhà xập xệ đó, thì giờ đây dân tôi vẫn ăn
ngon ngủ kỹ. Người không nắm rõ cứ tưởng nó lún cả mét như thế thì sập đến nơi,
chứ có biết nhà này là khung bê tông cốt thép, kéo đổ được nó đâu có dễ như nhà
lắp ghép bê tông tấm lớn. Ai có dịp đến các khu chung cư cũ nát thì sẽ thấy các
chung cư lắp ghép còn thê thảm hơn nhiều. Nhưng cái chính nhà nào ở trong ngõ
thì chả được chính quyền và doanh nghiệp “thương” như những nhà mặt tiền. Thiên
hạ chả có câu: nhà mặt phố, bố làm to là gì!
Cái lý của kẻ
cướp đi làm từ thiện là như thế đấy.
Đó là sự đốn mạt của một lũ cướp nhân danh công lý.
ReplyDeleteCái gì đè bẹp cái lý? Đồng tiền + sự ngu dốt + sự vô cảm.
ReplyDeleteTưởng chỉ có "một đồng chí x" thôi chứ thế này thì mệt đây. Hết các bác chủ đầu tư, quận rồi các Sở rồi lại quay về phường; sớm muộn đất nước này cũng tan hoang nát. May ra còn lại vài mảnh chăn chiếu dân tôi bám víu vào mà khiếu kiện. Đã chắc gì, đến như cả nửa tháng trời khẩn trương nghiêm túc, hàng trăm con người xúm vào còn chả đến đâu nữa là thân cô bẻ cổ kêu trời!
ReplyDeleteThôi đành thêm vài trái ớt đỏ, ăn vào, nấn ná hết mùa đông?
Không biết đồng chí "X" có biết chuyện này không nhỉ? Đồng chí ấy mà biết chắc sẽ nhắc nhở đồng chí Nguyễn Thế Thảo,rồi đ/c Thảo sẽ yêu cầu chủ tịch quận Ba đình đến tận nơi xem đúng,sai thế nào để khẩn trương giải quyết vụ việc cho bà con chung cư C1,vì lúc nào họ cũng nói chính quyền là VÌ DÂN mà!
ReplyDeleteRồi Đ/c chủ tịch quận chỉ thị cho chủ tịch phường xem xét, báo cáo lên quận, quận nghiên cứu báo cáo lên Phế Thải, rồi lại chuyển về quận, quận xem xét rồi chuyển về phường để nghiên cứu với chủ đầu tư...hóa ra mới kí nháy chưa có dấu má gì cả...Hề...hề
ReplyDeleteComment qúa tuyệt vời! Thế này thì PB và bà con chung cư C1 còn phải kiên trì chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng.
ReplyDeleteRất thích chị Phương viết, lời lẽ bình dị dễ đọc dễ hiểu, lập luận sắc sảo đầy tình người.
ReplyDelete