Translate

Thursday, 29 March 2012

Hai đứa trẻ

 
Vừa nghe bác Tường Thụy kể chuyện thằng bé Phú mới lên hai đã biết sợ bị công an bắt, tự nhiên một cách vô thức lại nhớ đến đứa bé trong truyện “Trần trụi giữa bầy sói” của Bruno Apitz.
Trong bối cảnh chiến tranh thế giới lần thứ hai, phát xít Đức tận diệt người Do Thái vì nhiều lý do như không chịu được ai thông minh hơn họ chẳng hạn...và tại trại tập trung khét tiếng Bukhenvan (Buchenwald), một đứa trẻ Do Thái được những tù nhân liều mình che trở đã sống sót cho đến ngày giải phóng. Xem lâu quá rồi, nhưng vẫn nhớ cái chi tiết khi đứa bé nghe nhắc đến hai từ SS thì bỗng im thin thít và chui vào trốn dưới đống quần áo...
Dù cho hai bối cảnh khác nhau, nhưng cùng là một nỗi sợ hãi bản năng của hai đứa trẻ còn chưa biết nói.
Thằng bé Phú hẳn nếm mùi sợ hãi đầu tiên từ cái ngày hai mẹ con bị xé lẻ ra trong ngày 10/7/2011. Hôm đấy tôi vừa bị “đuổi” ra khỏi đồn công an Mỹ Đình về thì Vũ Quốc Ngữ gọi điện, báo tin về một cô nào đó bị bắt đưa về Hà Nam, mặc cho cô ấy kêu khóc vì bị lạc mất đứa con nhỏ chưa đầy hai tuổi. Cái ấn tượng trong trí nhớ trẻ thơ đôi khi rất mạnh, thường là chúng sẽ rất hốt hoảng khi không thấy mẹ chúng ở bên cạnh. Sau này đọc lại bài của Nga Thuy viết mới biết, những kẻ phũ phàng lôi cô ấy lên xe cũng bị rối trí khi cô ấy khóc dữ quá vì bị lạc mất đứa con nhỏ. Rồi để rũ bỏ trách nhiệm, những kẻ vô lương tâm ấy đã tàn nhẫn đẩy người mẹ trẻ xuống xe, bỏ mặc cô bơ vơ trên đường quốc lộ.
Trong cuộc sống tiếp theo của hai mẹ con, chắc bé Phú còn nhiều lần chứng kiến việc hai mẹ con bé bị đe dọa. Tại sao với người này bé cười nói bi bô, người khác bé lại ngơ ngác nhìn với con mắt lo âu đến thế. Nghe Nga Thuy kể trong đêm cầu cứu những người bạn ở Hà Nội, như cảm thấy sự gì đó mà cả đêm Phú rất ngoan, không quấy mẹ và hầu như cũng thức cùng mẹ, cho đến khi các chú các bác từ xa tới với mẹ con Phú
Điều gì đang xảy ra vậy? Tôi nhớ đến bài thơ trong cuốn Tập đọc ngày xưa
.....
Chú đi tuần đêm nay
Nép mình dưới bóng hàng cây
Gió đông lạnh buốt đôi tay chú rồi !
Rét thì mặc rét cháu ơi !
Chú đi giữ mãi ấm nơi cháu nằm.
Mai các cháu học hành tiến bộ
Đời đẹp tươi khăn đỏ tung bay
Cháu ơi ! Ngủ nhé, cho say…

Tôi còn nhớ bức vẽ minh họa cho bài thơ là chú công an đứng bên cánh cửa sổ. Lớn lên, tôi vẫn còn yêu các chú công an, chú bộ đội lắm lắm.
Rồi thì ....trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Bây giờ người ta không hay gọi là anh công an, là chú công an nữa... mà là thằng, là nó. Cả công an cũng gọi dân là nó, gọi dân là mày xưng tao.
Ngày xưa người ta lấy mẹ mìn với ông ba bị ra để dọa bọn trẻ, bây giờ thì lấy chú công an ra để dọa chúng.
Đau thế!

12 comments:

  1. Ngày xưa, ông bà ta dọa trẻ nín bằng ông kẹ, ông ba bị. Thật xót xa khi ngày nay đến con nít cũng hãi công an, trong khi công an phải là ông thiện diệt trừ cái ác, cái xấu.
    Ngày xưa có chú công an,
    Ngày nay có lũ chó săn rập rình.
    Nghe tên con nít giật mình,
    Tưởng thằng Ba Bị nín thinh, nín tè.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chú công an ngày xưa đẹp lắm
      Lo cho Dân và rất mực thương Dân
      Chú công an ngày nay xấu tính
      Đối với Dân độc ác, bạo tàn!

      Delete
  2. Hic, thì ra còn có chuyện bé Phú bị lạc mẹ Nga lúc mẹ bị bắt bớ vì biểu tình. Tính ra thời điểm lúc đó bé Phú mới chưa đầy 16 tháng tuổi!

    Hic, rồi lại còn chuyện phũ phàng tống người mẹ đang hoảng hốt vì lạc con ấy xuống xe giữa đường quốc lộ!

    Bác Phó chủ tịch nước Nguyện Thị Doan ơi, bác cần phải biết thêm cả hai chuyện này!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hổ thấy trẻ con còn bảo vệ
      Công an VN tàn ác thế:
      Ác hơn cầm thú, lũ chó săn
      Ngăn mẹ tìm con 16 tháng tuổi lạc đường!

      Hỏi ông Trọng, ông Dũng, bà Đoan
      Các ông bà đã từng có con?
      Có thương xót khi con mình thất lạc?
      Nếu không đừng làm công bộc Dân

      Delete
  3. Người lớn bây chừ còn sợ công an, huống hồ mấy đứa trẻ không sợ mới lạ chị nờ ! Cụ Lê Hiền Đức còn sợ nữa là... Xúi quẩy mà bị bọn họ đánh thì chỉ có nước chết, chết không kịp ngáp chị ơi!

    ReplyDelete
  4. Nhìn ảnh bé Phú đứng khép nép một mình rất tôi nghiệp. Nhưng ảnh hai cô cháu thì đẹp lắm.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vậy cho nên bằng giá nào cũng phải bảo vệ nhau. Vào đồn thì không gẫy cổ, cũng vỡ đầu hoặc "yêu công an" quá thấy họ vất vả vì mình nên tự giác chết để "nhẹ nợ" cho họ.

      Delete
  5. Phương Bích không biết xuất xứ của bài thơ này. Nó "diễn tả" cảm xúc của chú bộ đội(hay công an) đối với các cháu miền Nam tập kết chứ các cháu miền Bắc nói chung không được như vậy đâu.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ồ có chứ ạ. Bài thơ lâu quá rồi nên Phương Bích chỉ nhớ mang máng, phải nhờ đến bác Gúc gồ để tìm lại bài thơ. Dẫu vậy những người đã từng đi học ngày đó ai không một lần đọc bài thơ này? AI không thấy hình ảnh chú công an ngày đó đáng tin cậy như thế nào?

      Delete
  6. Lần đầu ghé thăm nhà Phương Bích

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chào Nặc danh. Cảm ơn đã ghé thăm.

      Delete
  7. Chẳng phải tiên tri, hay thày tướng số gì tôi cũng biết cậu bé Phú này lớn lên sẽ trở thành một chàng thanh niên ưu tú và rất mực hữu dụng, vì cậu có ít nhất hai yếu tố để trở nên như vậy:

    Có một bà mẹ can trường, biết đấu tranh cho lẽ phải (luôn thấy cô ôm con đi trong đoàn người biểu tình chống trung cộng xâm lược, chống đàn áp ở giáo xứ Thái Hà), và lòng biết ơn đối với những gì tốt lành mà cuộc đời đã đem lại cho cô.

    Cậu bé từ nhỏ đã phải đối phó với những nghịch cảnh tiêu cực do một thế lực bất minh và bất công đem lại thì dù muốn hay không cậu cũng sẽ tự tạo cho mình một "sức đề kháng" cao độ ...lâu dần thành thói quen. Bé Phú chắc chắn phải trở nên già dặn và trưởng thành trước tuổi để làm người đàn ông cho mẹ bé và những người cô thân cô thế khác làm chỗ tựa.

    Đó là mẫu thanh thiếu niên mà bộ máy công an vô tình đang góp sức đào tạo ...để trở thành những người xét xử mình trong tương lai, hãy cẩn thận với những lời nói việc làm bất nhân mà các chú an ninh/CA ngựa non háu đá đang hăm hở làm đối với những người dân tay không tấc sắt như mẹ con bé Phú. Sống ở đời nếu trí thưa đức mỏng thì nên nhớ câu này :"Gieo nhân nào, gặt quả nấy", sẽ chẳng bao giờ sai hoặc thừa thãi đâu!

    ReplyDelete