Translate

Tuesday 25 October 2011

Tiền lẻ


Tôi vốn hay tích trữ tiền lẻ, để trả cho mấy bà bán thịt hay bán cá. Nhưng vốn dĩ đồng tiền nó phải quay vòng. Hôm nay ở trong tay bà bán cá, mai nó sẽ sang bà bán rau, ngày kia nó sang bà bán bún… Bởi thế dù tôi có tránh cũng chẳng được. Lâu lâu tôi lại phải ngồi sắp xếp lại cái mớ tiền lẻ cho nó ngăn nắp một tý. Của đáng tội, cái mùi từ mớ tiền lẻ ấy thật kinh khủng, nó hôi hám đến phát buồn nôn, và tôi kinh tởm nhón tay xếp những tờ 1 nghìn, 2 nghìn, 5 nghìn nhàu nhĩ và dính dấp lại thành 1 xấp dày. Khiếp quá, thế này thì bẩn hết cả ví. Tôi chợt nhớ đến những cái ví thơm nức chỉ để toàn thẻ, card visit, và những tờ tiền mệnh giá 200 nghìn, 500 nghìn hay thậm chí là những tờ tiền đô…
Để khỏi bẩn ví, tôi đem mớ tiền lẻ ấy ra cho vào chậu nước xà phòng để giặt. Sau khi giặt, những tờ tiền lẻ lại nhẵn nhụi và sạch sẽ. Trong khi rải chúng ra cái rổ nhựa để phơi, tôi ngồi ngắm nghía những đồng tiền lẻ đã được tẩy trần, trở nên mịn màng chứ không nhớp nhúa như trước. Chúng làm tôi nhớ đến một câu chyện cảm động tôi đọc trên báo, hay nghe trên truyền hình gì đó. Chuyện kể về một đứa trẻ tật nguyền tên là Kẹo bị mẹ bỏ rơi từ nhỏ. Vì đau buồn, bố Kẹo thường xuyên uống rượu, rồi đánh đập cậu bé. Khi được hỏi Kẹo có giận bố không, Kẹo nói: Không!
Bố Kẹo làm nghề đạp xích lô. Cuộc sống của 2 bố con hết sức khốn khó nơi phố cổ của Hà Nội. Kẹo muốn giúp bố lắm mà không được, vì Kẹo vốn dị tật bẩm sinh không đi được, đến ngồi cũng dặt dẹo. Một người hàng xóm tốt bụng chế tạo cho Kẹo một cái xe lăn hết sức đặc biệt, để Kẹo có thể đi bán báo phụ giúp bố. Có chiếc xe lăn, Kẹo đi khắp các phố phường để bán báo. Nhiều người thương, cho Kẹo tiền nhưng Kẹo nhất định không lấy. Vậy là người ta mua nhiều báo hơn để ủng hộ Kẹo. Hàng ngày khi Kẹo trở về nhà, móc túi ra những đồng tiền lẻ nhàu nhĩ, vuốt cho chúng phẳng ra một cách nâng niu rồi đưa cho bố.
Có lần ngày 8/3, Kẹo lấy tiền dành dụm được đem mua 1 lọ nước hoa nhỏ, đẩy xe lăn đến trước cửa nhà mẹ đẻ, nhờ người đem vào cho mẹ rồi đi về. Nhận được món quà, mẹ Kẹo lặng người. Biên tập viên hỏi mẹ Kẹo có thường về thăm con không, người đàn bà đáp có, nhưng thằng bé Kẹo thì đáp không. Biên tập viên lại hỏi Kẹo: có giận mẹ không? Thằng bé im lặng hồi lâu rồi gật đầu.
Câu chuyện trên thời đó đã lấy của tôi không biết bao nhiêu nước mắt. Bây giờ nhìn những đồng tiền lẻ, tôi lại nhớ đến vốc tiền lẻ nhàu nhĩ của thằng bé Kẹo tật nguyền, hay của những bà bán rau bán chuối, những bàn tay tấy đỏ trong giá rét của những bà bán thịt bán cá. Ừ, sự nhớp nhúa của những đồng tiền lẻ khiến tôi kinh tởm lại chính là sự chắt chiu khó nhọc của những con người lam lũ kia. Nói theo kiểu đạo đức thì nó chính là những đồng tiền sạch sẽ nhất trên đời.
Tôi xếp những tờ tiền lẻ đã được phơi khô cất vào một chỗ, với ý định sẽ để công đức khi đi vãn cảnh chùa.

5 comments:

  1. Căng thẳng quá chị, hãy vui luôn luôn chị nhé!

    ReplyDelete
  2. Bài viết cảm động quá, cảm ơn chị Phương Bích. Một người chăm đọc blog của chị ở HN

    ReplyDelete
  3. Cảm phục bạn về những việc bạn đã thể hiện.Đọc văn bạn viết thì lại thêm thán phục.Bạn viết chân thật mà hay.
    Chúc bạn sức khoẻ và nhiều niềm vui trong cuộc sống.

    ReplyDelete
  4. Cảm phục bạn về những việc bạn đã thể hiện.Đọc văn bạn viết thì lại thêm thán phục.Bạn viết chân thật mà hay
    chúc bạn sức khoẻ và nhiều niềm vui trong cuộc sống

    ReplyDelete
  5. Hì hì, đọc bài này xong thấy dịu hẳn cả người!

    Tâm hồn Phương Bích thật là đẹp! Cái đẹp rất... nữ tính!

    Chính cái Đẹp sẽ cứu độ thế giới đó Phương Bích à - văn hào Dostoievsky người Nga từng viết thế!

    ReplyDelete