Translate

Tuesday 25 October 2011

Ngày 20 tháng 10 buồn nhất trong cuộc đời

Tự dưng lăn quay ra sốt đùng đùng. Lúc đầu còn gan lì, tự chữa bệnh bằng cách uống paracetamon. Nhưng đến ngày thứ 10 thì không thi gan được nữa, cả ngày sốt 40 độ. Thế là đành phải bò đi viện. Bác sĩ kết luận: sốt vì viêm xoang!
Lạ nhỉ? Tôi xoang mãn tính từ bé. Những đận viêm nặng, cả vùng mặt cứ gọi là đau nhức, vậy mà cũng chả bao giờ sốt đến 40 độ. Nghe tôi thắc mắc, bà bệnh nhân bên cạnh bảo:
-     Tôi có đứa cháu bị quai bị, bác sĩ khám bảo viêm tai, cho vào nằm phòng tai mũi họng. Tôi lo quá bảo: xin bác sĩ xem lại, kẻo lây sang người khác. Bác sĩ khám lại xong thì chuyển cháu tôi sang phòng khác thật.
Tôi cũng chả cãi lại bác sĩ, mình làm gì có chuyên môn mà cãi. Nằm viện 4 ngày, vừa truyền vừa tiêm, hết sốt hẳn là tôi xin ra. Bá cáo bác sĩ, món viêm xoang thì em xin chữa trị sau, bây giờ thì em phải về đã, sốt ruột quá rồi.
Trước hôm ra viện, đám anh em biểu tình vào thăm, tôi trốn viện theo mọi người đến buổi chia tay một biểu tình viên mới là em Tuyết, Việt kiều Anh nhưng lại đang sống ở Úc với chồng. Chả gì cũng hơn hai tuần không được gặp nhau, nhớ chết đi được!
Ừ! Nói nhiều, cười nhiều nó cũng toát mồ hôi ra, thấy khỏe người thực. Thứ sáu tôi ra viện, sút thêm 2 ký.
Để chủ nhật có thể ra Bờ Hồ với anh chị em, tôi chịu khó ăn uống cho chóng lại người. Nhưng của đáng tội, sốt hơn 10 ngày giời như thế, nó tiêu diệt mất bao nhiêu là hồng cầu, bởi vậy chân tay người ngợm vẫn cứ run rẩy, bải hoải. Tôi nhắn tin cho Minh Hằng, rầu rĩ báo tin chủ nhật tôi vẫn chưa thể ra Bờ Hồ với mọi người được.
Theo kế hoạch, thứ hai tới -17/10 là bố tôi đi nghỉ an dưỡng 15 ngày. Tôi mừng lắm, định nhân dịp này bảo Minh Hằng về ở với tôi trong những ngày bố tôi đi vắng. Úi giời, vắng chúa nhà có khác, bọn tôi đã lên sẵn bao nhiêu là kế hoạch nấu nướng món này món nọ để đãi đám biểu tình viên.
Trưa chủ nhật, tôi vừa ăn cơm xong thì nhận được điện thoại của Đức xoăn, nó hỏi tôi đang ở đâu. Tôi tưởng mọi người không thấy tôi ở ngoài Bờ Hồ nên hỏi thăm. Mới thanh minh thanh nga vài câu thì Đức xoăn bảo:
-     Thôi cô ở nhà thế là tốt rồi, cô Hằng bị bắt rồi cô ạ.
Tôi không tin vào tai mình, bắt là bắt thế nào, vì lý do gì?
Tôi vội nhảy vào facebook xem tin tức, chỉ vài thông tin sơ sài kể lại việc Minh Hằng bị bắt. Dường như chưa mấy ai kịp thông tin lên mạng. Tôi ngồi ngẩn ngơ, cố hình dung ra điều gì đang xảy ra, Minh Hằng giờ đang ở đâu?
Sáng sớm thứ hai, bố tôi đã khăn gói quả mướp đi tụ tập với các chiến hữu U90. Lẽ ra giờ này, Minh Hằng đang ở nhà tôi, hai đứa tôi đang bàn xem sẽ đi chợ mua cái gì về để trổ tài nội trợ.
Tôi ngồi thường trực bên máy tính ngóng tin. Chắc chắn một điều là không ai có thể tin được Minh Hằng bị bắt chỉ vì viết những từ quen thuộc HS-TS-VN lên nón lá. Đâu phải chủ nhật này hắn mới làm vậy chứ. Để rồi xem lần này họ đưa ra lý do gì? Chắc chắn là không dễ trôi vì việc này có rất nhiều người chứng kiến, cộng thêm các video clip quay được đã lác đác tung lên mạng.
Chiều tối, vẫn chưa thấy họ thả Minh Hằng. Mấy anh em rủ nhau đến công an quận Hoàn Kiếm để hỏi tin tức. Thấy những gương mặt quen thuộc của đám biểu tình lác đác xuất hiện trước cổng trụ sở, mấy anh công an liền cảm thấy bất an, đi ra đi vào ngó nghiêng. Một lát thấy ông Cường, công an quận Hoàn Kiếm đi xe máy đến, chúng tôi lại gần hỏi lý do bắt Minh Hằng, hiện nay đang giữ hắn ở đâu? Ông Cường nói đã đưa Minh Hằng vào Hỏa Lò, còn lý do thì sau vài câu tranh luận, ông ấy nói công an thành phố bắt chứ không phải quận. Chúng tôi hiểu có hỏi thêm cũng chẳng biết được gì thêm bèn kéo nhau sang bên kia Bờ Hồ ngồi. Lúc này đám biểu tình đã tụ tập gần 30 người, ngồi rải rác ở vườn hoa. Chúng tôi ngồi chuyện trò, hẹn nhau chiều mai lại đến đây, chính thức đặt vấn đề với công an quận Hoàn Kiếm về lý do bắt giữ Minh Hằng. Trong khi đi bộ dọc đường Tràng Thi, qua cái cổng phụ của trụ sở công an quận, nơi họ thường đưa những người bị bắt ra bằng lối này, Phương tuyên cáo cứ vừa đi vừa gọi gióng lên:
-  Cô Hằng ơi, cô Hằng có nhà không?
Kim Tiến cũng gọi theo:
-  Cô Hằng ơi! Mẹ Hằng ơi!
Thằng Binh nhì thì trèo lên bám vào hàng rào sắt, ngó vào nơi cách đây gần 2 tháng, cả bọn vẫn còn đang bị câu lưu trong khu vực thẩm vấn.
Thứ ba ngày 18/10, cũng là ngày thứ ba Minh Hằng bị bắt. Cả ngày không làm được cái gì ngoài việc ngóng tin. Anh em bạn bè, những người có mặt tại Bờ Hồ hôm 16/10, trực tiếp chứng kiến toàn cảnh từ việc cướp nón, rồi đến bắt cóc Minh Hằng ngay trước thanh thiên bạch nhật, rủ nhau làm đơn yêu cầu thả Minh Hằng.
Theo đúng hẹn, anh chị em lại có mặt ở công an quận Hoàn Kiếm. Trong khi mọi người ngồi chờ ở bên Bờ Hồ, 8 người đại diện vào đưa đơn. Nghe mọi người kể lại, thấy anh em tiến vào, tay trực ban vội tháo biển tên đút vào túi áo. Tiếp đến cò cưa việc công an bảo không có trách nhiệm phải ký nhận đơn, anh em thì yêu cầu công an tiếp dân phải đúng nguyên tắc, có biển hiệu đàng hoàng. Rốt cuộc là cũng chỉ được mỗi cái việc đưa đơn rồi ra về, trước khi tuyên bố: không ký nhận đơn cũng được, chúng tôi ghi âm lại là được rồi khiến tay trực ban cứ thuỗn hết cả mặt ra.
Nhóm đại diện nhập bọn với các anh chị em đang ngồi chờ ở vườn hoa, tóm tắt lại cuộc làm việc với công an quận Hoàn Kiếm. Xa xa, công an giăng khá đông, ý trông chừng đám biểu tình chúng tôi. Mọi người bàn nhau, ngày mai tiếp tục gửi đơn lên công an thành phố.
Ngồi thêm chừng nửa tiếng, tất cả chúng tôi đứng dậy. Hẳn mấy tay công an tưởng chúng tôi ra về ngay, ai dè cả bọn chúng tôi lùi lũi đi bộ ngược về phía Thủy Tạ, mỗi người cầm một biểu ngữ khổ A3 in độc một dòng chữ: Yêu cầu trả tự do cho người yêu nước Bùi Hằng.
Cả đoàn người chúng tôi tuy không đông, chỉ khoảng hơn 20 người, nhưng việc chúng tôi đi trong yên lặng, giương cao biểu ngữ trong tay lại khiến rất nhiều người chú ý. Vì chúng tôi đi ngược chiều, lại đúng vào giờ tan tầm nên những người tham gia giao thông ai cũng chăm chú nhìn. Nhiều người đi bộ trên bờ hồ xúm lại hỏi: Bùi Hằng là ai. Chúng tôi lại được dịp nói về chuyện Trung Quốc bắn giết bộ đội ta ở Gạc Ma, chuyện Trung quốc cướp bóc tài sản của ngư dân ta… và Bùi Hằng là một trong những người biểu tình chống Trung Quốc hăng hái nhất.
Nghe chuyện, có bác bảo: tôi ủng hộ! Rồi xin một tấm biểu ngữ đi cùng với chúng tôi. Các cháu học sinh cũng xin mấy tấm biểu ngữ. Nhưng rồi khi đoàn chúng tôi đi qua, mấy anh công an đến thu hết các tấm biểu ngữ của các cháu học sịnh. Tôi thấy thật là quái đản, không thể tự giải thích nổi.
Thứ tư ngày 19/10, các trang mạng tràn ngập thông tin về vụ Bùi Hằng bị cướp nón lá, rồi bị bắt cóc ngay tại Hồ Gươm. Các đài VOA, BBC, RFA, RFI cũng nhất loạt đưa tin. Tôi nghĩ thế là công an tự làm khó mình rồi. Đang yên đang lành, tự dưng khuấy lên để thiên hạ nhất loạt dòm vào. Cái việc Bùi Hằng đội cái nón lá đi dạo Hồ Gươm mãi rồi cũng chán, cũng quen, rồi có khi sắp tới cũng sẽ chẳng ai để ý đến nữa. Thế mà tự dung xông vào cướp, khiến cái cảnh ba bốn gã trai trẻ đeo băng đỏ thò tay giựt nón trở nên lố bịch quá, cái cảnh Mình Hằng ôm khư khư cái nón bẹp dúm trước ngực nó mới tang thương quá. Rồi sau đó bịt mồm, lôi Minh Hằng tống lên xe, áo thường phục dày đặc che chắn các loại ống kính khỏi cái cảnh bắt Minh Hằng. Tất cả những cái đó rốt cuộc để giải quyết được vấn đề gì? Sau này còn có tin, công an chỉ sợ Minh Hằng không chịu ra khỏi Hỏa Lò thì chết dở.
Ngày mai là ngày 20 tháng 10, là ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Thế mà đêm nay, một người phụ nữ Việt Nam vẫn đang ở trong nhà lao chỉ vì đội cái nón có ghi chữ HS-TS-VN đi trên bờ Hồ Gươm. Sao đời lại oái oăm đến thế!
Tôi chán không buồn nấu ăn, có một mình thì xuống phố làm bát phở cho nhanh gọn, rồi còn lên trực mạng. Đang mua cái thẻ cào để nạp điện thoại thì Nguyễn Vỹ gọi điện: chị Hằng ra rồi!
Tôi hét lên rầm rầm: Cái gì? Ra bao giờ? Ở đâu?
Mọi người xung quanh trố mắt nhìn tôi, tôi vừa giục bà bán thẻ vừa giải thích: công an bắt người biểu tình chống Trung Quốc, bây giờ phải thả, giờ tôi đi đón đây.
Tôi chạy lên nhà thay quần áo, gọi Phương tuyên cáo đến đón tôi. Tôi vẫn chưa thực sự hoàn hồn sau trận ốm, hơn nữa tôi chả biết đường đến Hỏa Lò.
Hai cô cháu tôi vất vả len qua dòng người đông đặc giờ tan tầm, lại còn dừng lại mua hoa để tặng Minh Hằng. Ờ họ khôn đấy, thả trước ngày 20/10 cho đỡ mang tiếng.
Đến lối rẽ vào Hỏa Lò là trời đã tối hẳn, vẻ ắng lặng khác thường khiến hai cô cháu phân vân những cũng vẫn đi vào. Trong bóng tối nhập nhoạng, tôi nhìn thấy bóng Minh Hằng đang ở trong quán nước ven đường, tôi hét:
- Kia rồi!
Tôi nhảy xuống xe, hai chúng tôi lại ôm chặt lấy nhau. Lần này chúng tôi có vẻ đã dạn dày hơn nên không khóc nữa, chỉ rơm rớm lệ. Xung quanh vẫn những gương mặt quen thuộc, luôn ở bên nhau trong những giây phút hoạn nạn, vui buồn nhất : Lê Dũng, Lân Thắng, Chí Đức, Hiếu gió, Thủy, Tiến Nam…Lát sau thì bác Ức Trai đến, bác ấy vẫn khóc giống như lần đón chúng tôi từ Hỏa Lò ra trước đây.
Ai mà ngờ được, chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, họ tống Minh Hằng vào Hỏa Lò hai lần! Có lẽ các cán bộ quản giáo cũng phải ngạc nhiên lắm. Tôi không hình dung ra được sự ngạc nhiên của họ, không biết họ nghĩ gì về cái đối tượng đặc biệt này?
Lại một đêm đám biểu tình quây quần, tụ họp bên nhau. Sau này tôi mới biết vợ chồng bác Tường Thụy lặn lội tít từ Văn Điển lên để hội ngộ Minh Hằng. Ngày 16/10, bác Thụy lần đầu tiên thuyết phục được bác gái ra Bờ Hồ đi dạo, lần đầu tiên gặp Minh Hằng để rồi chứng kiến ngay cảnh Minh Hằng bị cướp nón và bị bắt. Đối với bác Thụy gái chắc hẳn đó là một cú sốc, khiến cho bác ấy đang từ lưỡng lự trở thành fan hôm mộ đối với những người biểu tình, đặc biệt là với Minh Hằng.
Chia tay cuộc vui đoàn viên, tôi bảo Minh Hằng cùng cậu em Thủy về nhà tôi. Minh Hằng có vẻ lưỡng lự, bảo muốn tẩy trần cái mùi lao tù trước khi vào nhà tôi. Tôi gạt phắt đi, bảo lần trước thì tôi cũng từ nhà tù về thẳng nhà đó thôi. Trong khi mọi người thu xếp đồ đạc, cắm hoa cắm hoét vì hoa tặng Minh Hằng có đến bốn năm bó, tôi gọi điện cho ông công an khu vực, hỏi tôi có phải ra khai báo tạm trú cho hai người bạn biểu tình của tôi ngay đêm nay hay để sáng mai, ông ta bảo mai cũng đươc vì bây giờ khuya rồi.
Đêm ấy, chúng tôi chuyện trò đến gần 3 giờ sáng mới ngủ. Sáng dậy, tôi đưa hai chị em đi ăn sáng. Ông công an khu vực liên tục gọi điện nhắc tôi về vụ khai báo tạm trú. Tôi thật ngây thơ khi nghĩ rằng họ chả có lý gì gây khó dễ cho tôi trong vụ này, nhưng Minh Hằng thì dường như đã lường trước được hết cả.
Tôi hăm hở đem chứng minh thư của hai chị em ra công an phường, ngạc nhiên khi thấy ông ấy chả đưa tôi khai vào cái giấy tờ gì cả, nhưng lại yêu cầu về nói mẹ tôi viết tay là đồng ý cho hai người bạn tôi ở cùng. Tuy mẹ tôi là chủ hộ thật, nhưng hàng chục năm nay bà đâu có sống cùng bố con tôi. Có giấu cũng chả được, ai cũng biết bố mẹ tôi không hợp nhau, bởi thế tôi mới sống cùng bố một căn hộ, còn mẹ tôi ở cùng anh trai một căn hộ. Tuy nhiên tôi cũng tỏ ra hợp tác, chả vặn vẹo gì.
Tôi ngây thơ là ở chỗ ấy. Tôi có biết đâu là việc Minh Hằng ở nhà tôi đã khiến cho công an phường Dịch Vọng lo sốt vó lên. Họ không có cớ gì ngăn cản tôi thì họ gọi điện cho anh trai tôi, anh tôi lại gọi điện cho mẹ tôi. Tôi thì nghĩ nói chuyện với mẹ tôi muộn một tý cũng được. Để hai chị em Minh Hằng ở nhà, tôi ra ngân hàng rút tiền rồi quay về, thấy mẹ tôi đang đứng giữa nhà, nói những lời khiến tôi xấu hổ đến mức chỉ muốn chui xuống đất. Tôi gần như đẩy mẹ tôi ra khỏi nhà, để hai mẹ con tôi xuống dưới căn hộ của bà để nói chuyện. Hóa ra ở dưới nhà mẹ tôi đã có 3 ông công an phường đang ngồi ở đó chờ sẵn. Cơn giận của tôi bùng lên thật dữ dội. Tôi nói rất to, nói xối xả, tôi tuyên bố từ nay tôi bất hợp tác với công an, tôi sẽ không có trách nhiệm phải báo cáo về việc tôi đi đâu và làm gì ngày chủ nhật, và tôi sẽ lên tiếng về việc công an quấy rầy cuộc sống của tôi. Tôi nói việc làm của họ là gây mất đoàn kết trong gia đình tôi, rằng họ hay tôi ai cũng có bạn bè, cũng có quyền mời họ về nhà mình. Tại sao tôi chưa thu xếp xong việc nội bộ gia đình tôi thì họ lại can thiệp đằng sau lưng tôi như thế.
Trong suốt gần nửa tiếng đồng hồ, ba ông công an cứ kiên nhẫn ngồi nghe tôi trút cơn thịnh nộ. Họ cứ một mực nhũn nhặn khuyên tôi bình tĩnh và nói nhỏ, nhưng tôi nói tôi đang hết sức phẫn nộ, đến mức người tôi run bắn cả lên, và tôi không thể nói nhỏ được.
Sự nhũn nhặn và kiên nhẫn của họ ít nhiều có tác dụng, tôi dần dần nguôi giận sau khi đã xả ra gần hết. Tôi nói nếu mẹ tôi không đồng ý thì chắn chắn Minh Hằng cũng sẽ hiểu ý. Cô ấy đến ở với tôi là vì tình nghĩa bạn bè, chứ đâu phải vì không có chỗ ở. Nhưng cái cách họ làm sau lưng tôi như thế đã khiến tôi mất hết cả thiện cảm, khiến tôi trở thành kẻ bất nghĩa với bạn bè, và chính họ đã đẩy tôi vào thế bất hợp tác với họ.
Chẳng cần phải nói nhiều, trong khi tôi còn đang làm rầm rĩ lên ở dưới nhà mẹ tôi, thì hai chị em Minh Hằng đã thu xếp đồ đạc để lên đường. Khỏi phải nói tôi đau lòng thế nào khi nhìn thấy họ đã trong tư thế sẵn sàng lên đường. Minh Hằng bảo tôi không việc gì phải suy nghĩ nhiều, vì hoàn cảnh gia đình Minh Hằng cũng có điều tương tự nên Minh Hằng rất hiểu mẹ tôi, và hắn chẳng giận gì mẹ tôi cả. Hắn nói hắn thông cảm vì tôi vẫn còn bị ràng buộc bởi gia đình, chứ chưa thực sự làm chủ được cuộc sống của mình. Hắn biết tôi không thể bỏ ông bố già gần 90 tuổi của tôi được, chứ nếu không, hắn sẽ kiếm một chỗ ở cố định rồi đưa tôi đi cùng.
Tôi rầu rĩ đi theo hai chị em đến khách sạn. Hôm ấy là ngày 20 tháng 10, nhưng cả hai người phụ nữ chúng tôi đều đang đau buồn, về chuyện nhân tình thế thái liên tiếp xảy ra trong những ngày vừa qua. Đây cũng là ngày 20/10 đau buồn nhất trong cuộc đời tôi. Tôi không thể đối diện với anh trai và mẹ. Dường như họ biết nên hoàn toàn im lặng, không hề động chạm đến tôi. Không ai trong gia đình đả động đến việc này, vì họ biết cơn giận dữ của tôi sẽ lại bùng lên ngay lập tức.
Chị tổ phó tổ dân phố vừa mách tôi: bà bảo chị là thứ sáu vừa rồi nó lại đi biểu tình ở đài truyền hình Hà Nội đấy cô ạ.
Chẳng biết ai nói mà bà biết, hay lại là công an khu vực?
Chiều thứ bẩy, ông công an khu vực nhắn tin hỏi tôi khỏe chưa, chủ nhật có ra Bờ Hồ không. Tôi nhắn lại: không khỏe tôi cũng cố ra anh ạ. Nhờ các anh, mẹ con tôi giờ đây không nhìn mặt nhau nữa đấy ạ.
Không thấy ông ấy trả lời. Liệu ông ấy có thể nói gì?







3 comments:

  1. Tem!
    Chúc chị luôn viết những bài viết đậm đà tình người, đậm đà tình cảm của những người bạn mới quen mà thân thương đã nhiều lắm lắm!

    ReplyDelete
  2. Buồn chị nhỉ ...???Sao chính quyền hành xử như bọn tiểu nhân nhỏ nhặt đến thế...cứ để hai chị em Bùi Hằng ở đó thì đã sao ....qua chuyện này thấy rằng chính quyền chẳng ra thể thống gì cả

    ReplyDelete
  3. Tôi vừa đi xa về. Hôm nay mới có thời gian đọc chậm rãi những bài Phương Bích chia sẻ.

    Giả như mẹ tôi và anh tôi ở trong hoàn cảnh như mẹ và anh trai của Phương Bích, chắc chắn hai vị cũng sẽ phản ứng như vậy, Phương Bích ạ. Thế nhưng không nhớ từ lúc nào, tôi không còn trách các vị ấy nữa, thương, rất thương là khác! Tôi lại cảm động và biết ơn cuộc đời: được sinh ra và lớn lên từ một cái nôi gia đình như thế, duyên cớ nào đã thúc đẩy mình bây giờ lại có nhận thức và hành động khác hẳn bậc sinh thành ra mình? Hạt giống nào đã gieo vào tâm hồn mình thời thơ ấu để đến nỗi giờ đây mình... "khác người" đến thế?

    Mà có phải chỉ gia đình, người thân mình thôi đâu? Cả dân tộc dường như đa phần vẫn còn đang ngái ngủ không nhận ra hiểm họa đang cận kề quê hương, vì đâu mà mình lại chợt tỉnh giấc và lo lắng bồn chồn?

    Số phận của những kẻ "dậy sớm" luôn là sự cô đơn và thường khi phải trả giá đắt vì dám quấy ầy giấc ngủ "bình yên" của mọi người. Nhưng mình vẫn biết ơn đời đã thức mình dậy sớm, và cũng đã ban tặng cho mình những người bạn đồng hành đồng chí hướng dù khá hiếm hoi.

    Phương Bích buồn vì ra như đến tuổi này rồi mà mình vẫn chưa hoàn toàn độc lập. Nhưng, có lẽ không ai trong chúng ta có thể hoàn toàn độc lập được cả, bạn ạ. Bài bạn viết làm tôi chực nhớ đến lời tâm sự của một anh bạn nào đó trên mạng, nếu tôi nhớ không lầm là vào tháng 12 năm 2007. Anh ấy ở Sài Gòn, lớn tuổi hơn chúng ta, là chủ một gia đình rồi đấy, nhưng cái đêm hôm trước ngày cuộc biểu tình phản đối TQ đầu tiên nổ ra trên giải đất dấu yêu này, anh ấy trằn trọc thao thức mãi, nhìn đám con đang ngủ yên mà lòng đau như cắt. Anh ấy biết chắc chắn nếu tham gia vào cuộc biểu tình, không chỉ mình anh mà cả nhà sẽ phải trả giá đắt. Anh ấy dằn vặt trong đau đớn rằng liệu mình có quyền đánh đổi sự bình yên của các con khi dấn mình theo tiếng gọi của lòng yêu nước? Anh ấy đã lên đường, và quả là cả nhà anh ấy đã phải trả giá: Mất việc, các con có nguy cơ phải đổi trường... Sau này tôi không thấy anh ấy lên tiếng trên mạng nữa. Nhưng bết đâu anh ấy cũng đang thầm lặng đọc những dòng này nhi?

    Tôi nghĩ có thời để mình được ngủ yên dưỡng sức, dù là ngủ trong tủi nhục nhọc nhằn; và có thời để mình thức dậy, dù là dậy sớm trong cô đơn và trong gian khó. Có những người đang còn cần ngủ, thôi thì đành vậy. Một mai kia tất cả đều sẽ phải dậy thôi! Sẽ không ai còn ngủ được nữa một khi nhà đã cháy! Nếu họ cần dưỡng sức lúc này, đành tôn trọng thôi!

    Nghe chuyện Phương Bích kể, càng thấy quí Minh Hằng nhỉ? "Mụ Hằng" nhà ta thật tế nhị và hào hiệp với bạn bè, ngay cả khi vừa mới bị trấn áp, bị giam tù khốn đốn! "Mụ" ấy... "được" quá nhỉ!?

    ReplyDelete