bởi Nguyễn Hồng Kiên vào ngày 7 tháng 8 2012 lúc 11:09 sáng ·
Đó là CÂU HỎI của một đại uý công an Hà Nội, (sau khi biết nhà cháu đang cư ngụ tại 06 phố BÁo Khánh - Hà Nội) để TRẢ LỜI chất vấn của nhà cháu:
- Tôi muốn hỏi anh, tại sao tôi được/bị MỜI/BẮT về đây?
(Chú này rất thuộc bài “Hãy trả lời câu hỏi bằng 1 câu hỏi!)
Nhà cháu, với tất cả sự nghiêm túc có thể, đã tuyên bố DỖI, không thèm đi biểu tình nữa, để không cho bất cứ thế lực nào có thể lợi dụng.
Xe công an và văn bản phát thanh trong cuộc biểu tình phản đối TQ xâm lược ngày 22/7/2012
Rõ ràng nhà cháu đi biểu tình hôm Chủ nhật 22/7 được nghe loa phóng thanh trên xe công an OANG OANG VẠCH TỘI TRUNG QUỐC: “Thời gian qua phía Trung Quốc đã có nhiều hành động gây căng thẳng ngoại giao giữa 2 nước, vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam như: Phản đối Việt Nam thông qua luật Biển, thành lập thành phố Tam Sa bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mời thầu 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam v.v...
... Đồng bào tập trung tại khu vực để phản đối những hành động trên là thể hiện TÌNH CẢM YÊU NƯỚC CHÍNH ĐÁNG” (http://haydanhthoigian.net/2012/07/24/nha-chau-di-bieu-tinh-chong-tq-xam-luoc-ngay-2272012/)
(Nhà cháu vưỡn còn lưu các video có đủ hình và tiếng.)
VẬY MÀ rồi, truyền hình (và báo) của Hà Nội vưỡn đưa tin: “Tụ tập đông người trái phép”- http://www.youtube.com/watch?v=XzPLyNdIP_M&sns=fb
SAO LẠI CÓ NHỮNG NHÌN NHẬN NGƯỢC 18O ĐỘ VẬY ĐƯỢC CHỨ?
Vì vậy, sáng qua, thực sự là nhà cháu quyết định chỉ theo dõi, phản ảnh cho mọi người về cuộc biểu tình, nếu có, bất kỳ sự lợi dụng nào.
Từ nhà, nhà cháu lang thang thả bộ quanh hồ. Giữa đường, nhìn thấy bác Nguyễn Đình Toán đang vác máy ảnh ‘đi săn con nghệ thuật’ (?) ở ven hồ, nhưng chả gọi. Rồi bất ngờ gặp bác Vinh Anh-cựu đại tá QĐND Việt Nam, một người quen từ năm ngoái. Hai anh em ra quán cà phê vỉa hè, chếch cửa Nhà hát Lớn ngồi buôn chuyện.
Đến hơn 8g40, hai anh em đi về vườn hoa Cụ Lý.
Có chuyện rồi ! Dày đặc sắc phục và thường phục. Nhà cháu còn chụp được ảnh mấy bác “già cả tóc” nhưng tay cũng đeo băng đỏ, đứng dàn hàng ở vỉa hè. Bên phía bờ Đông của hồ Gươm cũng đông những người là người.
Rất nhiều tay máy đã và đang tác nghiệp. Có 2 thanh niên còn đặt cả chân máy cho cái máy quay bé xíu, quay xuôi quay ngược. Một lát, thấy một công an sắc phục đến sừng sộ bắt họ rời đi. Nhưng khi một thanh niên thò tay ra sau như sắp rút ví lấy giấy tờ, bỗng chú công an mặt giãn ra quay gót, bỏ đi. Thế là dư lào nhể?
Trên đường phố dài dặc mấy ‘xe bus/bắt’, và xe Coster chở cảnh sát cơ động và lực lượng thường phục có và không ‘băng đỏ’. Một chú thường phục không ‘băng đỏ’ quát rất to vào bộ đàm: - Cứ chạy ngược chiều đi, phó GĐ Sở cho phép rồi! (Ông Sở nào mà TO thế nhể?)
Nhà cháu cũng còn quay/chụp được rất chi tiết âm thanh và hình ảnh một chú ngồi trên một cái xe tải nhỏ (kiểu ‘xe đuổi chợ’) liên tục hét vào mic một câu KHÔNG THỂ BUỒN CƯỜI HƠN:
“- Yêu cầu mọi người KHÔNG CÓ NHIỆM VỤ, RỜI KHỎI BỜ HỒ !”
(Nhà cháu không thể đưa ảnh hay video lên đây, vì đã TRÌNH BÀY lý do từ hôm qua. Chắc chắn các chú an ninh Hoàn Kiếm sẽ có thể giúp đảm bảo nhà cháu không bịa ra các chi tiết trên, vì họ đang cầm cái thẻ nhớ máy ảnh của nhà cháu)
Không khí đầy căng thẳng, khiến trời nắng càng thêm nóng. Hôm trước nhà cháu đọc nhiều trang mạng đều dự báo: Ngày 5/8, nắng nóng gay gắt; Hà Nội: Nắng nóng, ngoài trời trên 37 độ C.
Quay đi quay lại, bác Vinh Anh đã đi đâu mất, nhà cháu lững thững ngang ngã ba Đinh Tiên Hoàng- Trần Nguyên Hãn.
Hành trình của cuộc biểu tình sáng 5/8/2012
Bỗng nhiên nghe giọng hô vang: Hoàng Sa-Trường Sa-Việt Nam... Đả đảo Trung Quốc xâm lược... Phản đối Trung Quốc xua tàu cá xuống Biển Đông...
Quay lại đã thấy khoảng gần chục cháu mặc áo xanh Thanh niên Tình nguyện dương cờ, biểu ngữ... hình thành nhóm đi đầu. Nối sau là các bác, các bà “già” hơn.
Đoàn biểu tình tự phát ĐI TRÊN VỈA HÈ BÊN HỒ của đường Đinh Tiên Hoàng, di chuyển qua cổng đền Ngọc Sơn (bên kia đường là khu tượng đài Cảm Tử), rồi qua ngã ba với đường Lò Sũ.
Các xe mô-tô của cảnh sát giao thông bắt đầu triển khai sát vỉa hè, bên cạnh đoàn BỘ HÀNH.
‘Đèn Xanh’ chăng ?
Nhà cháu đi hẳn lên trước, chỗ bến xe điện thăm quan phố cổ, chếch bên đường là nhà cũ nhà cháu ở, thuộc phố Cầu Gỗ. Một xe Coster đầy CSCĐ lao đến, dưới đường cũng đã đầy lực lượng thường phục. ‘Đỏ choét’ dồi !
Xe bus/bắt cũng trờ đến. Bắt đầu những cuộc MỜI lên xe.
”Bắt thằng cầm máy ảnh đỏ”, nghe giọng hơi quen, nhà cháu quay lại, vừa kịp nhận ra “ông cháu quen” là an ninh quận Hoàn Kiếm thì đã ĐƯỢC 5-6 chú ‘băng đỏ’ lực lưỡng quây quanh, xô đẩy, túm lôi về phía cửa xe bus/bắt gần đó. Chính ‘ông cháu’ tay giật cái máy ảnh (mạnh đến mức đứt cái dây đeo mà nhà cháu đã quấn vào cổ tay) miệng gầm lên: - Thằng này chụp ảnh từ nãy đến giờ.
(A, ha, ra là hôm nay ‘ông cháu đặc trách’ nhà cháu. Lần đầu tiên, sau hơn nửa thế kỷ đã tồn tại được ở cáí cõi Ta bà này, nhà cháu được 1 ông cháu gọi bằng THẰNG!)
Ông cháu quý hóa ấy đây (ảnh nhà cháu chụp từ hôm 22/7/2012)
Quá bất ngờ, nhà cháu kịp chỉ nói lớn với ‘ông cháu’ :
- “Mày không cướp được máy ảnh của chú đâu. Mai chú sẽ lên tận quận đòi đấy!”
Rồi bảo với mấy chú ‘băng đỏ’ buông ra để tự đi lên xe, nhưng nhà cháu vẫn bị kéo xềnh xệch, đập cả đầu gối vào bậc lên xuống đầu tiên của cái xe bus/bắt. Xung quanh cực kỳ hỗn loạn, bạo lực.
Giữa chốn công cộng, trước mặt lực lượng mặc cảnh phục, các chú ‘băng đỏ’ NHIỆT TÌNH lôi bắt bằng được những người ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH (bởi một số người mặc thường phục như ‘ông cháu’ quý hòa kia) lên xe. Có chuyện khá khôi hài, khi nhà cháu nghe quát: “- Nhầm rồi, thả nó ra!”
Một người đàn ông khá to lớn từ bên kia đường nhào sang, miệng la lớn: - Sao lại làm vậy?
Lập tức anh ta cũng bị quây quanh, cưỡng bắt lên xe. Một chú ‘băng đỏ’ chui lên xe, tóm chân kéo khiến anh kia suýt ngã nhào.
Nhà cháu bảo chú ‘băng đỏ’: - “Đừng quá đáng thế cháu, vào phim ảnh xấu mặt cả Hà Nội và Việt Nam đấy”. Chú ‘băng đỏ’ buông tay, nhà cháu nói với người đàn ông kia: “ - Thôi, LỠ thế rồi, anh đi lên đi, không LẠI được họ đâu!”
Nhóm ‘băng đỏ’ hoàn thành nhiệm vụ, rút. Nhà cháu thấy trên xe có khoảng hơn chục người, trẻ có, già có, trung trung có.
Một nhóm 5-6 CSCĐ nhào lên xe, chắn các cửa. Xe chuyển bánh. Mọi người ổn định chỗ ngồi.
Một thanh niên bỗng hỏi: - Ơ, đây có cái máy ảnh của anh không? Và cầm giơ lên.
Quái, đúng cái máy Sony màu Dunhill của nhà cháu (mà bạn bè hay trêu là màu hồng). Cả xe cười ồ vì ai cũng đã thấy nhà cháu KHOE cái dây máy lủng lẳng ở cổ tay lúc lên xe. Nhà cháu kiểm tra lại thấy cái máy vưỡn hoạt động tốt, NHƯNG CÁI THẺ NHỚ... ĐÃ BIẾN MẤT.
Chắc ‘ông cháu’ biết là nhà cháu sẽ đến đòi thật, nên ném trả lên lúc nào không ai để ý. Thế cũng là ‘tử tế’ chán ra rồi. Máy ảnh này là của một người bạn cho nhà cháu, nghe đâu giá cũng 2-3 triệu chứ đâu ít.
Bác phụ xe chạy lên hỏi một CSCĐ: - Đi đâu anh nói cho lái xe chứ?
Thấy ‘bộ đàm’ một lúc, chú CSCĐ mới ghé tai lái xe bảo gì đó. Một lúc thấy xe qua cầu, nhà cháu đoán chắc không phải về đồn Mỹ Đình như năm ngoái rồi (https://davangblog.wordpress.com/2011/07/19/t%C6%B0%E1%BB%9Dng-thu%E1%BA%ADt-c%E1%BB%A7a-blogger-g%E1%BB%91c-s%E1%BA%ADy-nao-minh-cung-len-xe-buyt/) .
Lại thêm 1 lần nữa ngồi xe mà có xe cảnh sát chạy trước dẹp đường. Tất cả xe 2 chiều đều dạt sang nhường đường. Oách-xà-lách thế chứ lỵ ! Nhà cháu nhờ mấy cháu gái chạy lên chỗ bác tài ghi lại hình ảnh ‘hoàng tráng’ ấy.
Ô, máy lạnh trên xe mát ghê, đang là nắng nóng!
Thấy mấy chú CSCĐ vưỡn đứng sừng sững nên nhà cháu bảo: - “Còn đầy ghế sao không ngồi cho ‘phẻ’”? Mấy chú ngồi, vài chú vưỡn đứng. Nhà cháu bắt chuyện với hai chú ngồi gần: - “Các cháu nhìn thấy cảnh bạo lực lúc nãy chứ?” Một chú cởi cái mũ bảo hiểm, gãi đầu: - “Không phải bọn cháu !”
Nhà cháu cười bảo các chú khác: - “Ờ, sao không bỏ mũ ra cho nó mát, đội nhiều bị rụng tóc đấy!” Không ai hưởng ứng ngay, nhưng một lát sau nhiều chú cũng cởi mũ.
Nhà cháu lại hỏi chuyện: - “Các cháu có chuyên trách nội thành không? Có hay vào ngõ Phất Lộc ăn đêm không? “
(Hồi còn làm báo, 2-3g sáng nhà cháu hay ra đấy ăn trước khi về ngủ. Mấy em/cháu ở báo còn hẹn hò đá bóng với một nhóm gặp ở đó. Có chuyện thật 100% là mấy đứa cậy gần đi xe quên mũ bảo hiểm, bị tuýt lại. CSCĐ chưa kịp nói gì đã bị mấy nhà báo mắng: - Các ông ‘hẹn hò như phò ngoài ga’, hôm ấy sao không ra? CSCĐ xin lỗi vì cuối cùng chỉ huy không cho đá, lo lỡ chấn thương đêm không đi tuần được, rồi xua tay bảo đi đi)
Đem chuyện ấy ra hỏi, chú CSCĐ lại cười hiền: - “Không phải bọn cháu !”
Xe qua cầu Đuống, mấy cháu gái đua nhau “chứng tỏ” khi đọc làu làu bài “Bến kia sông Đuống” của bác Hoàng Cầm. Thế này thì là sang “Phục hồi nhân phẩm Lộc Hà” rồi. Xe đến nơi, nhà cháu thấy cái biển trên cổng ghi là “Trung tâm Lưu trú Lộc Hà”.
Xuống xe nhìn vào ‘hội trường’ đã thấy các lốc-gờ Nguyễn Tường Thuỵ, Phương Bích, Lê Dũng... chĩa máy ảnh từ trong chụp ra. Nhà cháu bật cười đi vào.
Nhưng những hành khách bất đắc dĩ cùng xe của nhà cháu được mời vào 1 phòng nhỏ hơn, cách phòng ‘hội trường’ 1 sân nhỏ. Các chú cảnh sát của trại xăng xái chạy đi lấy ghế, bật quạt tường, bê nước cho mọi người. Tận tình và có vẻ thân thiện. Có vẻ thôi, vì khi nhà cháu đi sang bên “hội trường” thì bị ngăn một cách cương quyết: - “Chú ở bên này thôi, không sang đó!”
Ngồi nghỉ, nhà cháu mới phát hiện ra đầu gối bị trầy xước 1 vệt, rớm máu, mồ hôi ra xót kinh. Cái dép bên chân phải sút cả quai hậu. Mà đôi dép này CHIẾN lắm, đã cùng nhà cháu đi điền dã khảo cổ khắp trong Nam, ngoài Bắc; nhà cháu lại vừa mới dán đế mới. Đau thế ! May có con dao díp nhỏ trong chùm chìa khoá nên nhà cháu đã sửa tạm đi được.
Tự nhiên trong phòng xuất hiện 1 thanh niên mặt mũi sáng sủa, ăn vận sạch sẽ, chứ không ‘nhếch nhác’ sau cuộc giằng co MỜI lên xe như mấy chú cháu, anh em. Chú ấy hỏi han loanh quanh, tự khoe nhiều tuổi hơn các cháu kia, rồi ra giọng thuyết giảng. Đại khái là còn đang tuổi ăn học, tập trung vào học, rồi hãy lo việc lớn. Bọn trẻ, đứa nghe như không nghe, đứa tranh luận quyết liệt. Cậy lớn, chú`kia già giọng dạy giỗ. Nhà cháu quay lại bảo: - “Chú 35 tuổi, anh hơn 5 “sọi”, chỉ nói với chú 3 câu: Một- các bạn trẻ đây đều là CÁNH TAY PHẢI CỦA ĐẢNG sao chú bảo chúng chỉ nên học? Hai- Nếu nguy cơ ngoại xâm ngày một rõ ràng mà cắm đầu học thì để làm gì? Ba- Nếu em thực sự nghĩ như vậy thì cần tự thay đổi đi !” Chú chàng u ơ rồi ‘lặn’. Lúc sau mới xác định chính xác chú í là an ninh.
Nhà cháu mượn được cái Ai-pát của lốc-gờ Lê Dũng để chuyển 1 stt lên FB vì sợ bạn bè lo lắng. Rõ nhà quê, chả gõ được có dấu. Chạy lên trả thì Lê Dũng đã được mời “làm việc”. Mấy chú cảnh sát ở trại bảo: - “Thôi chú cứ cầm. Đằng nào khi làm việc cũng không được nghe, dùng máy móc nào.”
Mãi rồi cũng có người đến mời các hành khách đi xe cùng nhà cháu ‘làm việc’. Có phân loại hẳn hoi nhá. Đầu tiên hỏi mấy cháu sinh viên. Mấy cháu cô cháu khác trẻ măng ngồi im, nhà cháu hỏi, chúng nó bảo: - “Thì họ mời sinh viên, bọn cháu ra trường rồi !” Kinh !
Rồi bấy giờ mới biết là trước khi nhà cháu ra đến Bờ Hồ thì đã có 2-3 lần bắt/MỜI. Thế mới biết tinh thần chống xâm lược của các bạn trẻ cao thật, không hề sợ hãi. Đáng nể phục !
Mà mấy đứa con nhà ai mà ngoan KINH KHỦNG, toàn gọi nhà cháu bằng chú, xưng con. Trong đám đó, nhà cháu có biết cậu con trai của bác Đào Tiến Thi, người chung chuyến xe bus/bắt hôm 17/7/2011. Khổ, nhìn thằng cu nhễ nhại mồ hôi mà thương. Có đứa còn bảo sáng chưa được ăn sáng.
Có một bác gái tên là Xuân, rất CĂNG, không chịu 'làm việc'. Vì “Tự nhiên bắt tôi về đây, rồi bắt lấy lời khai là sao?”. Bác ấy khăng khăng bỏ ra, dù bị doạ là không ‘làm việc’ sẽ không được về. (Nhưng cuối cùng, chiều bác ấy cũng được ra về như mọi người)
Có bác ở ngoài nhắn cho Nga Thuý là đã mang thằng con trai lên đến cổng trại. (Nhà chị này còn đang mang bầu nên được bố trí một phòng, có quạt nằm nghỉ). Nga nói, nhưng mấy chú cảnh sát rất nguyên tắc, không cho ra đón con vào. Ồn ào ầm ĩ đến náo loạn. Nhà cháu bảo một chú cảnh sát: - “Sao chuyện đơn giản thế mà không mở cổng cho thằng cu vào với mẹ nó?” Chú ấy nhăn nhó phân trần là đưa 1 người vào/ra là cả một vấn đề, để phải báo cáo cấp trên. Một đại uý công an có mặt cũng bảo phải chờ xin ý kiến. Chờ mãi, rồi có một chú thường phục đến bảo Nga phải làm đơn. Trời đất! Sao lại phải phức tạp hoá một chuyện đơn giản thế? Chỉ là cho một thằng bé 3 thuổi vào với mẹ thôi mà? Mọi người đều nói nhưng quyết định là không thay đổi. Mãi, rồi lại có mấy cô thường phục vào bảo: - Em là em chị đây, thôi đi với em lên xe kia ra cổng đón thằng cu. Có 3 bước chân mà đi ôtô thì... cầu kỳ quá. Mà Nga thì không tin, vì đã từng bị lừa lên ôtô đưa về nhà nhưng lại thả giữa đường (???)
Nhãng đi một lúc, không thấy nhà chị ấy, hỏi thì mọi người bảo đã được cho ra ngoài với con. Ơ, hay thế nhể? Căng thì cực căng, thế rồi lại thả. Nga Thuý là người đầu tiên được ra khỏi trại, dù cũng chưa hề ‘làm việc’.
Mẹ con đã được gặp nhau
Mà rồi cái quy định ‘hành khách’ xe nào ở chỗ nấy cũng bỏ lúc nào không hay. Mọi người thoải mái đi lại, giao lưu. Nhà cháu đem trả cho lốc-gờ Lê Dũng cái Ai-pát, thấy nhà anh này đang sôi nổi nói với mấy chú cả cảnh sát trại lẫn công an từ Hà Nội lên, đại ý là khuyên các chú ấy phải chịu đọc để biết tình hình đất nước. Một chú trả nhời: “ - Chúng tôi không cần đọc, chỉ cần làm” (sic.- câu này thì nguyên văn luôn ạ!)
Anh chị em, bạn bè, người thân ngoài cổng, từ Hà Nội và Sài Gòn liên tục gọi điện nhắn tin hỏi tình hình. Mọi người hỏi: Đã đói chưa? Có gì ăn không để tiếp tế? Nhà cháu bấy giờ mới nhớ đã trưa từ lúc nào.
Nhà cháu đàm thoại hơi to, rằng: - “Thấy các chú cảnh sát mang cơm hộp để trên bàn, trong phòng; nhưng chả thấy mời nên không ai ăn”; nên tự nhiên thấy có một chú thường phục vào giữa phòng nói to mời mọi người dùng bữa. Có bác bảo tuyệt thực. Có bác bảo phải để công an ăn trước, nhỡ...
Y tế của trại phải băng cho bác thương binh Nguyễn Anh Dũng- (ảnh Internet)
Bác Dũng thương binh (người bị các chú “băng đỏ” MỜI lên xe mà rách xước một vệt dài ở sau gáy) còn kể chuyện vui là khi y tế của trại đến băng, bác ấy còn trêu liệu có cho thuốc ‘lú’ vào vết thương không làm cán bộ y tế phải thề là không có thế.
Khổ chưa, người dân bây giờ mất lòng tin với công an đến thế đấy!
Nhà cháu bảo: - Ai đói cứ ăn, chắc chắn không đến nỗi thế đâu.
Mọi người cười xoà. Bọn trẻ lại hiếu đễ, mang cơm cho từng bác lớn tuổi. Nhà cháu cũng bị dúi cho 1 hộp cơm-1 hộp thức ăn: - “Con mời chú !”
Thức ăn khá nhiều, lắm món: mấy miếng gan, mấy miếng thịt, đậu, lại có cả 1 miếng nem rán, rau muống xào. Nhưng cơm quá khô mà lại không có canh nên chả ai ăn hết xuất. Phần nữa là quá mệt.
Khổ, mấy chú cảnh sát vưỡn cứ bắc ghế ngồi canh. Nhà cháu bảo: - “Thôi các cháu cũng đi ăn cơm đi!” Nhưng họ cũng không đi hết mà chia nhau thay ca. Nguyễn Chí Đức ‘lượn’ lúc nào chả biết, bảo: - Cơm mình còn ngon hơn !
Ăn xong, mọi người tụ thành từng nhóm gần các quạt ở tường, ở cột nói chuyện rôm rả.
Rồi cũng đến giờ ‘làm việc’ chiều. Những người chưa, được yêu cầu tập trung lại. Nhà cháu nghĩ lại ‘tháo khoán’ như hôm 17/7 năm ngoái ở đồn công an Mỹ Đình, nhưng không phải. Các chú công an ngắm nghía (như duyệt tiếp viên ở karaoke) rồi mỗi người chọn một ‘hành khách’ dẫn đi (như “đi cung” trong tù). Cuối cùng bị trơ khấc ra, nhà cháu phải hỏi: Ơ, tôi không phải “làm việc” a? Một chú công an trẻ, đeo lon thượng sỹ bảo: - “Chú đi với cháu !”
Hai chú cháu lên tầng hai toà nhà làm việc của trại, vào một phòng lớn có cái bàn to, chắc là phòng họp, vì có cả máy lạnh. Đã thấy có mấy ‘đôi’ đang ‘làm việc’. Chú thượng sỹ bảo: - “Chú có điện thoại thì đặt lên bàn, tắt đi”. Thấy nhà cháu móc cái Nokia “đời ơ kìa” ra, chú ấy lại hỏi còn nữa không và rút 2 cái điện thoại của mình ra, gương mẫu tắt trước. Nhà cháu cười bảo: - “Chú chỉ có mỗn cái này để gọi/nghe, nhắn/nhận tin, không có nhu cầu ‘2 tay 2 súng’ như cháu.”
Thấy chú thượng sỹ rút tờ giấy có in “Biên bản lời khai” ra, nhà cháu nói luôn: - “Chú không có gì phải khai. Và chú sẽ không ký bất cứ biên bản nào. Nếu muốn, chú sẽ viết đơn chất vấn về việc bị đưa về đây. Đừng ghi gì cho tốn giấy mực và mất thời gian”.
Chú thượng sỹ bảo nhà cháu thông cảm vì đây là thủ tục chú ấy phải báo cáo cấp trên về cuộc ‘làm việc’ và đề nghị cho biết tên, chỗ ở, nơi làm việc. Nhà cháu đưa luôn “Giấy chứng minh nhân dân”, chú ấy hí húi ghi rồi hỏi thêm về chỗ ở hiện tại, nghề nghiệp và cơ quan. Khi nghe nhà cháu nói là Ts Lịch sử chú ấy liếc nhanh nhà cháu ‘từ đầu đến chân’ với vẻ hơi bị bất ngờ. Chú ấy còn hỏi đi hỏi lại về cái tên Viện KHXH Việt Nam, chắc vì chưa nghe đến bao giờ.
Xong, xếp giấy tờ lại, chú thượng sỹ bảo chỉ muốn được biết chuyện sáng nay. Nhà cháu kể đầu đuôi (cả chuyện DỖI, dù Chủ nhật trước nữa và cả năm ngoái đều có đi biểu tình phản đối TQ), và hỏi lại về quan điểm của chú ấy về ‘chuyện MỜI bạo lực’. Lại được yêu cầu thông cảm, vì: - “Cháu không có mặt ở hiện trường. Việc của cháu là 'làm việc' vói mọi người ở đây”.
Cuối cùng, thượng sỹ hỏi: - “Chú có đề nghị gì không?” Nhà cháu kể lại chuyện hồi được/bị MỜI về đồn CA Mỹ Đình năm ngoái và bảo: - “Chú đã có ý kiến về chuyện ĐỐI XỬ GIỮA ĐỒNG BÀO VỚI NHAU, về chuyện QUYỀN biểu tình chống TQ gây hấn (nay đã là Xâm lược). Dầu đã đề nghị với người có cấp bậc cao hơn cháu, từ năm ngoái, nay chú vẫn đề nghị cháu chuyển lại tới cấp trên của cháu như vậy.
Thượng sỹ gấp giấy tờ, bảo: - “Để cháu đưa chú xuống !”
Đến chiếu nghỉ cầu thang, chú ấy lại bảo đưa vào chỗ chụp ảnh. Nhà cháu cương quyết phản đối. Đang đi tiếp thì có người gọi giật: ; “Sao đã xong rồi? Lên đây xem nào !” Thì lại lên.
Nhà cháu được đưa vào một phòng nhỏ hơn, chỉ có quạt trần. Tiếp nhà cháu là một đại uý công an, lại hỏi tên, chỗ ở, cơ quan. Nhà cháu lại rút CMT ra đưa và hỏi: - “Tôi muốn hỏi anh lý do tôi được/bị đưa về đây?” Đại uý sau khi xem cả giấy tờ chú thượng sỹ ghi, trả lời nhà cháu bằng một câu hỏi: - “NHÀ ANH Ở GẦN HỒ NHỈ, THẾ SÁNG NAY ANH RA BỜ HỒ ĐỂ LÀM GÌ?”
THỀ là cháu xuýt sặc cười ! Đại uý cao giọng: - “Anh bị đưa về đây cùng với nhóm người gây mất trật tự công cộng !” Nhà cháu không đồng ý, kể lại chuyện chỉ đi chụp ảnh, DỖI không biểu tình...
Miệng thuyết giảng về các loại nghị định, chân bước ra sát cửa sổ cho sáng, đại uý rút điện thoại ra chụp lại cái CMT của nhà cháu. Nghiêm giọng, nhà cháu nói: - “Anh vừa làm một việc rất không đúng. Tại sao anh chưa hỏi mà chụp lại CMT của tôi ? Yêu cầu anh xoá 2 file ảnh đó đi !” Đại uý trả lời: - “Tí nữa tôi sẽ nói cho anh biết tại sao tôi chụp” rồi bỏ đi ra. Ngồi một lúc, nhà cháu hỏi lại chú thượng sỹ: “- Sao 1 tý của đại uý lâu thế cháu? Chú đi được chưa?”. Thượng sỹ đang cắm cúi viết gì đó, trả lời: - “Xong rồi đấy chú. Nhưng chờ cháu viết xong chỗ này đã”. Sau đó hai chú cháu đi xuống. Nhà cháu vưỡn được/bị chú thượng sỹ áp giải đến tận cửa ‘hội trường’ mới quay lại.
Lại ngồi uống nước, hút thuốc vặt, chờ. May mà sáng đi cầm bao thuốc mới. Mọi người hết thuốc xin ghê quá. Thì cũng chả biết làm gì khác. Bác Phương Bích, Đoan Trang được mời ‘làm việc’ lần hai.
Lần lượt mọi người xuống, kể chuyện ‘làm việc’, vui như Tết. Nhiều chuyện hay lắm, nhưng là chuyện người khác, để họ tự kể, nhà cháu không nhớ hết chi tiết lại thành ‘mắm muối dấm ớt’ thì hỏng.
Nhưng có 1 chuyện PHẢI KỂ: Một cô cháu KHOE là tình cờ chứng kiến một đại uý cầm danh sách vào phòng, bảo: - “Mỗi người năm trăm...” Chú công an đang ‘làm việc’ với cô bé vội xuỵt xuỵt... Hỏi đi hỏi lại, cô bé khẳng định thật 100%.
Chuyện các chú công an được huy động làm việc ngày Chủ nhật, được tiền bồi dưỡng, cũng là... đúng quy định, chả có gì đáng nói cho lắm. Chỉ sợ không có biểu tình các chú í lại buồn vì bị thất thu.
Đến khoảng 16g30, các chú công an yêu cầu mọi người tập trung. Một đại uý, nhà cháu chỉ nhớ tên là Hiếu, đứng khoanh tay trước bụng, tuyên bố: - Mọi người bị đưa về đây vì sáng nay đã gây mất trật tự công cộng. Thay mặt công an quận Hoàn Kiếm, tôi cảnh cáo. Bây giờ đề nghị mọi người giải tán !
Mọi người đều bất bình, ồn ào phản đối. Bác thương binh tên là Nguyễn Anh Dũng yêu cầu công an đứng lại nghe ý kiến phản hồi, nhưng tất cả các chú ấy đồng loạt bỏ ra khỏi phòng, đi lên toà nhà làm việc. Cảnh sát trại đóng cửa sắt, không cho mọi người đi lên phía đó. Nhưng phía cửa kia mở toang để ai thích có thể tự ra về.
Tất cả đều không ai về, nhất là khi kiểm điểm lại, thấy thiếu mất anh Việt kiều tên là Ngoan, ở Thuỵ Sĩ về, người đã chạy vào ngăn cản chuyện bạo lực mà cũng bị đẩy lên xe. Sau đó, nhà cháu mới biết nhiều người cũng bị bắt vì đã làm vậy. Mấy bác cao tuổi ra cửa sắt yêu cầu các chú cảnh sát lên phản ánh hộ là mời công an Hoàn Kiếm xuống đối thoại và giải thích nguyên nhân anh Ngoan chưa được về, nếu không tất cả sẽ cùng ở lại chờ.
Có chú cảnh sát đi, nhưng quay lại chỉ nói mọi người thích thì chờ, chắc cũng sắp xong.
Tất cả tản mát ra ngoài sân, đi lại thoải mái, trừ việc đi lên toà nhà làm việc của trại. Phải sau mấy lần hỏi đi hỏi lại, anh Ngoan mới xuất hiện. Vẻ đầy mệt mỏi thất vọng, anh ấy thông báo bị giữ 1 số vật dụng (nhà cháu cũng thấy 1 chú công an bê 1 hộp giấy có niêm phong lên cái xe 12 chỗ đi ra cổng) và chìa ra 1 cái giấy hẹn làm việc vào sáng mai. Đó chỉ là 1 tờ giấy viết tay không tiêu đề, không ai ký đóng dấu gì cả. Thấy anh ấy quá mệt mỏi, nhà cháu và mọi người cùng đi ra cổng.
Bạn bè anh em đứng đầy bên ngoài, mọi người đứng chụp ảnh KỶ NIỆM, nhà cháu sang đường vẫy được taxi, đi về uống bia với 2 người bạn lên đón;
Rồi về nhà ngủ.
Hết 1 ngày Chủ nhật NHIỀU CHUYỆN.
Nhưng có một chuyện thật đáng giận là hôm sau nhà cháu có nghe, đọc và xem clip của TV Hà Nội về chuyện bắt quả tang bọn đi biểu tình chia tiền.
Một cách bôi nhọ không thể TỆ HẠI hơn của truyền thông chính thống.
Không chỉ thế, hôm qua nhà cháu còn được bạn bè chia sẻ trên FB. Xin trích dẫn một đoạn thế này:
- vừa ngồi với 1 ông chú làm ở TP, nói là có lấy lời khai của 1 ông đưa con ra Hà Nội học, tham gia đoàn biểu tình, và được nhận 300K. Không rõ đây là chuyện có thật, hay là được dựng lên thành chuyện thật để đài HTV đưa cái phóng sự đang bị ném đá kia...
- Nếu muốn thì bố trí được 1 cú trao nhận tiền chứ có khó gì đâu, quá đơn giản...
- Vấn đề là ai đưa tiền. Em có hỏi ông ấy là ai đưa 300K đó, ông ấy ỡm ờ không nói, bảo biết thế thôi :)
- Ý anh là nếu muốn thì dàn xếp một vụ như vậy quá đơn giản mà, kiểu như để bọn khiêu khích trà trộn vào đám đông ấy, nếu muốn giải tán hay đàn áp đám đông :).
- Cậu hỏi kỹ ông chú xem là ông ấy lấy lời khai của ông kia, hay người khác lấy lời khai rồi nói lại với ông ấy. Bố mẹ tớ đi họp tổ hưu cũng được phổ biến là người đi biểu tình được nhận tiền để đi đấy, mà tớ đi mấy lần chả được ai đưa xu nào cả, 30 ngàn cũng không chứ đừng nói 300. Tớ không có nhu càu điều tra làm gì, vì những người biểu tình tớ quen, tớ biết chắc họ cũng như tớ, không nhận xu nào, mà tớ đương nhiên tin những người như anh Nguyễn Hồng Kiên hơn là ông nào đó phiếm chỉ khuyết danh ở đâu đó đưa con ra HN học
- Mặc dù không đồng tình với việc biểu tình, nhưng những người mà mình biết, thì mình quý và tin lắm chứ. Chẳng mấy ai tin vào việc có người đưa tiền để đi biểu tình. Nhưng có cái fact trên HTV, lại thấy ông chú (thật ra là chú của thằng bạn) nói úp mở, mà ông ấy là ở thành phố, cũng có chức vụ gì đó, nên mình mới nghĩ, khéo có dàn cảnh thật, thì HTV mới dám to mồm như thế chứ. Đã định khai thác thêm, nhưng ông ấy bảo biết thế thôi, biết nhiều làm gì. Mà đáng buồn ở chỗ, khi đó có nhiều người ngồi xung quanh, đủ mọi thành phần, từ thanh niên, trí thức, đến tầm tuổi trung trung, nhưng chẳng ai biết thông tin gì. Ông chú kia ban đầu múa mép kinh lắm, bảo là toàn bọn nhận tiền đi biểu tình. Mấy người kia cứ ú ớ, có biểu tình á, sao lại biểu tình ....Mình cũng hơi dại, đi bênh vực người biểu tình, nói là vì họ bức xúc trước việc Trung Quốc gây hấn nên đi biểu tình để bày tỏ thái độ. Chắc ông kia nghe thế chột dạ, mình không khai thác thêm được, tiếc quá.
- Nói chung là các bác nhà mình toàn bậc thầy về truyền thông rồi. Ngay ở thành phố mà sự hiểu biết của dân tình cũng chỉ đến thế, thì thử hỏi 80% nông dân thì còn mù mờ thế nào.
- Nguyễn Hồng Kiên : Hèn hạ bẩn thỉu ! Định bôi nhọ nhưng rồi chắc TỰ THẤY CHUẾ không ngửi được nên NÍN, dù có quảng cáo là sẽ đưa video. Cái ông chú của bạn kia cũng là đồ khốn với cái trò úp mở ấy.
Nhưng ngoài chuyện cố tình dàn cảnh, có 1 chuyện mà họ có thể đã quay được và định TRƯNG ra, mà nhà cháu mới được biết, từ nhà bác Đặng Phương Bích :
" ... Trong lúc chuyện trò, tôi nhìn thấy ba mẹ con một người phụ nữ nhỏ bé, người miền trong mà tôi nhìn thấy nhiều lần ở khu vực Bờ Hồ. Nghe mọi người nói họ là dân oan, lếch thếch kéo nhau đi khiếu kiện bao nhiêu năm nay rồi. Tôi muốn giúp đỡ ba mẹ con họ lắm, nhưng những lần trước gặp họ tôi lại không mang nhiều tiền.
Lần này tôi cũng chỉ mang theo một tờ 200 ngàn trong túi. Tôi hỏi mọi người xung quanh xem có tiền lẻ không. Bác Nguyễn Anh Dũng đổi cho tôi 2 tờ 100 ngàn. Tôi tiến đến ba mẹ con đưa cho họ 100 ngàn.
Người mẹ còn đang mải trình bày hoàn cảnh gì đó với những người đang đứng xung quanh, chả để ý gì đến tờ 100 ngàn tôi chìa ra nên đứa con gái nhỏ đón lấy. Tôi phải nhắc người mẹ chú ý kẻo đứa bé làm rơi tiền rồi quay lại bên cạnh những người bạn.
Sau này nghe mọi người nói đài truyền hình Hà Nội nói rằng, các lực lượng an ninh đã bắt quả tang có người phát tiền cho người biểu tình.
Đầu tiên tôi chả để ý, sau thấy mọi người xôn xao thắc mắc quá nên tôi chợt nhớ ra, chuyện mình biếu ba mẹ con nhà nọ 100 ngàn.
Nếu đúng đài truyền hình Hà Nội nói về chuyện tôi giúp đỡ ba mẹ con người phụ nữ kia 100 ngàn thì tôi phải nói rằng đó là sự khốn nạn, ti tiện hết chỗ nói. Có lẽ bởi họ chưa từng bao giờ bỏ tiền ra giúp đỡ những người nghèo khó, nên không thể hiểu được một người với đồng lương hưu ít ỏi như tôi lại có thể biếu 3 mẹ con khốn khổ kia 100 ngàn thì phải. "
Cái 'bài' VU CÁO người biểu tình nhận tiền của đâu đó đã xuất hiện từ năm ngoái. Hầu hết các cuộc biểu tình nhà cháu đều tham gia, nên KHẲNG ĐỊNH ĐÓ LÀ BỊA ĐẶT.
Nhưng kể cả có đi nữa, thì có ai NGU đến mức đem tiền ra giữa giời, giữa bàn dân thiên hạ, trước một rừng camera của công an chìm nổi mà chia không?
Trẻ con nó cũng không tin, nếu đưa cái video ấy lên TV.
Mà nếu công an đã quay được sao không ập vào "bắt tận tay, day tận trán" luôn lúc ấy, thế mới là QUẢ TANG chứ nhỉ ?
Càng thấy là cái bọn "tham mưu" cực kỳ NGUy hiểm! THẾ MÀ CŨNG NGHĨ RA ĐƯỢC THÌ... HẾT NÓI.
Để kết thúc cái TƯỜNG TRÌNH này, nhà cháu chỉ muốn nói thêm, rằng:
- Nhà cháu quyết không đi biểu tình để BỊ BẤT KỲ THẾ LỰC NÀO LỢI DỤNG, nhưng nhà cháu sẽ vưỡn đi quan sát, phản ánh các chuyện xung quanh biểu tình.
- Ngày càng thấy rõ hơn, việc Biểu tình từ một Quyền Dân sự đã bị biến thành chuyện Hình sự. Bức xúc về chủ quyền đất nước đang bị chuyển đổi thành bức xúc cá nhân giữa những người biểu tình (và quan sát) với những người được giao nhiêm vụ DẸP biểu tình. Qua đối thoại, nhà cháu thấy thực ra các mâu thuẫn, bức xúc ấy đáng lẽ HOÀN TOÀN không xảy ra.
NGƯỜI BIỂU TÌNH ĐÃ TỰ PHÁT, ỨNG XỬ CỦA CHÍNH QUYỀN CŨNG RẤT BỘT PHÁT, THIẾU MỘT CHỦ TRƯƠNG ĐÚNG ĐẮN, THỐNG NHẤT. Người tham gia biểu tình lúc thì được đánh giá là yêu nước, lúc lại bị coi là bị ‘thế lực thù địch’ lợi dụng, thậm chí là phản động?
Tại sao công an và cả chính quyền Hà Nội CHƯA MỘT LẦN CỬ NGƯỜI ĐỦ TRÁCH NHIỆM/THẨM QUYỀN ĐẾN ĐỐI THOẠI THẲNG THẮN, giải toả bức xúc của người đi biểu tình về nguy cơ ngoại xâm, về chủ trương-hành động của nhà nước?
Nhà cháu được biết thiếu tướng Phạm Chuyên (nguyên giám đốc Sở Công an Hà Nội) đã khuyến nghị như vậy từ năm ngoái. Cách xúc/bắt/MỜI người đi biểu tình chống TQ gây hấn/xâm lược như hiện nay không thể giải quyết được vấn đề.
- Cùng là đồng bào mà trước nguy cơ ngoại xâm, người Việt đang bị chia rẽ. Cứ như thế này, nguy cơ mất nước là không nhỏ.
Tại sao cùng nó tiếng Việt mà lại KHÔNG THỂ HIỂU NHAU, không thể giãi bầy THỰC TÂM với nhau để đoàn kết. Mọi mâu thuẫn nội bộ hoàn toàn có thể gác bỏ để cùng đoàn kết chống nguy cơ ngoại xâm. Tổ tiên chúng ta từng làm được điều đó và đã chiến thắng giặc NGOẠI XÂM mạnh gấp nhiều lần.
Dau tranh doi quyen dan chu, quyen bieu tinh chong Trung quoc o Viet nam giai doan nay cu nhu Phong trao Dan chu 1936-1939 ay nhi.
ReplyDeleteKhổ , Nhục , Mất hết các quyền làm người là điều đang diễn ra ở VN
ReplyDeleteNhà cầm quyền hãy nhớ lấy ( CON GIUN XÉO LẮM CŨNG PHẢI QUOẰN )
Chí thức và Nhân Dân sẽ làm nên chiến thắng !
Xin chào"chí thức" Giang Sơn!
ReplyDeleteNếu ngài"chí"quá khỏi còm làm chi
"Ngắm"ngài khỏi"cốt"chỉ"bì"
Là chúng tôi biết giống gì...ngài ơi!
Chào các bạn.
ReplyDeleteTôi luôn theo dõi các bài viết về biểu tình chống TQ, nhận thấy vấn đề là các tư liệu hình ảnh thường được mọi người lưu trong thẻ nhớ, vì vậy khi bị đàn áp sẽ bị xóa (hoặc lấy) mất.
Tôi nghĩ mọi người nên dùng giải pháp này :
1. Sử dụng một điện thoại smartphone HDH Android (rất phổ biến LG, Samsung ...) hoặc Iphone sau đó cài đặt Viber (phần mềm gọi điện thoại, nhắn tin internet). Khi chụp ảnh bạn không sử dụng chụp thông thường mà dùng nhắn tin hình ảnh của Viber cho 1 máy điện thoại khác cũng dùng Viber (chọn Take photo), khi chụp xong hình ảnh được tự động gửi đễn máy ĐT kia (chú ý máy bạn phải có 3G).
2. Sử dụng tài khoản Youtube, trên các smartphone thường có sẵn youtube, bạn chỉ cần đăng ký 1 tài khoản. Khi quay phim bằng smartphone bạn sử dụng quay trực tiếp lên youtube, khi quay xong đoạn phim đã được gửi lên youtube.
Với hai cách này thì cho dù lực lượng đàn áp có thu giữ điện thoại thì hình ảnh, đoạn phim của bạn đã được gửi đi nơi khác, đồng thời tạo cơ hội chộp được những khoảng khắc bất ngờ với lực lượng đàn áp.
This comment has been removed by the author.
ReplyDelete