Translate

Thursday 31 May 2012

Các hình thức bảo vệ độc đáo


Một người trên mạng facebook đưa ra mấy câu tổng kết như sau:
-          Bảo vệ môi trường: người mẫu cởi truồng
-          Bảo vệ điện hạt nhân: thương binh tụt quần
-          Bảo vệ đất đai: phụ nữ khỏa thân
-          Sắp tới mình bảo vệ đồ án, không biết có nên... tụt gì không đây?
Chết sặc (cười) với những câu đúc kết này.

Tuesday 29 May 2012

Tin sớm nay trên facebook

Hôm nay, hơn 500 phụ nữ là tiểu thương mặc đồng phục màu đỏ, tới “quây” UBND quận Cầu Giấy, Hà Nội để phản đối dự án xây chợ Nghĩa Tân mới.

Những phụ nữ này có mặt tại khu vực UBND quận Cầu Giấy từ rất sớm và tất cả mặc áo màu đỏ, phía sau có in dòng chữ: “Bà con tiểu thương chợ Nghĩa Tân - Cầu Giấy kêu cứu”.

mai xuân dũng: VỤ CƯỠNG CHẾ Ở VĂN GIANG CƠ QUAN CÔNG QUYỀN ĐÃ VI PHẠM PHÁP LUẬT

mai xuân dũng: VỤ CƯỠNG CHẾ Ở VĂN GIANG CƠ QUAN CÔNG QUYỀN ĐÃ VI PHẠM PHÁP LUẬT

Sunday 27 May 2012

Dân cứu nhà báo, thế nhà báo có cứu dân không?


Một cô bạn vốn chẳng quan tâm gì đến chuyện xã hội, tự dưng lại hỏi mình về một chuyện không cũ lắm, là vụ hai nhà báo của VOV bị đánh nhầm, khi xuống hỗ trợ nhà cầm quyền đưa tin về cưỡng chế ở Văn Giang. Mình cười hức hức, bẩu đúng là nhiều chuyện dở khóc dở cười quanh vụ này. Lẽ ra họ sẽ chẳng bị đánh bầm dập như thế nếu phối hợp chặt chẽ với nhà cầm quyền. Hay là sợ nhà cầm quyền không tin tưởng, hoặc quá tự tin vào cái mác phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam của mình mà các anh cứ hiên ngang đứng đó, thậm chí còn dại dột hô lên: tôi là nhà báo đây?
Có người bảo: ngu cho chết! “Nó” đã không muốn nhà báo vào quay phim chụp ảnh (dù là báo nhà nước vì bây giờ chả tin bố con nhà nào) mà lại hô là nhà báo đây thì nó oánh cho là phải. Lẽ ra phải hô: Tôi là chủ đầu tư đây! Tôi là chủ đầu tư đây! Thì mới không bị ăn no đòn thế chứ.

Wednesday 23 May 2012

Xứ ta sáng đúng chiều sai sáng mai lại đúng


Ở xứ ta, một xã hội văn minh thì chuyện sáng đúng chiều sai sáng mai lại đúng bây giờ nó như cơm bữa, nó xảy ra trong mọi lĩnh vực, nó khiến cho dân ta cứ gọi là “tít mù”.
Trong giao thông thì ngã tư nay chắn mai gỡ, rẽ phải thì nay thả mai cấm
Xe máy hết cấm đăng ký nhiều cái rồi lại cho đăng ký thả phanh (miễn là cứ có tiền)
Đường một chiều bố trí không phải lúc nào, chỗ nào cũng hợp lý nên vừa đi vừa phải nghĩ tìm đường, không lại bỏ tiền nuôi các anh cảnh sát giao thông như chơi.
v.v...
Túm lại là cứ loạn cào cào lên. Báo chí cả “trái” lẫn “phải” nói nhiều, dân kêu nhiều, chỉ đọc không cũng đã thấy rức óc, rằng các nhà chức trách cứ lôi dân ra làm vật thí nghiệm mà rốt cục chả cải thiện được tình hình, chỉ thêm rắc rối phiền hà cho dân.
Chuyện cười (chắc chỉ ở xứ người) rằng một tờ báo nọ nhanh nhảu, hóng  hớt được ở đâu đó chuyện một làng nọ bị lũ quét trôi sạch, chết cả nghìn mạng. Thiên hạ xôn xao đi điều tra chuyện thương tâm xảy ra thế nào, Chả thấy gì sất. Trong khi các báo khác chưa kịp lên tiếng thì vẫn tờ báo nhanh nhẩu nọ nhanh chân hơn, ra ngay cái bố cáo, rằng hôm qua chúng tôi là người đầu tiên thông tin đến quý vị về... thì hôm nay chúng tôi cũng hân hạnh là người đầu tiên thông báo lại cho quý vị biết rằng thông tin kia không chính xác (chỉ là lời đồn?).
Dẫu là chuyện cười, nhưng lại có tính hiện thực cao ở xứ người. Còn xứ ta thì chuyện đính chính là chuyện xa xỉ, hoặc rỗi hơi...
Cụ tỷ như chuyện mấy ông thương binh trông rất ngầu, xông vào Viện Hán Nôm bữa nọ để chửi bới tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, bắt phải gỡ bỏ một bài viết trên trang blog của anh ta. Chuyện có thế mà khiến dư luận trong nước ngoài nước ồn ã. Sau đó điều làm người ta sửng sốt là trên hai báo điện tử lề “phải” có dính đến thương binh, là báo Cựu chiến binh và Quân đội nhân dân, xuất hiện 2 bài báo tường thuật lại diễn biến sự việc này một cách hoàn toàn khác với những gì mà những người hôm đó có mặt ở đó chứng kiến.
Mình có cái tật xấu là không thích đọc báo lề “phải”, cho dù chỉ để xem nó nói “láo cỡ nào”. Nhưng chỉ nghe thế là mình cũng hình dung ra được òi, vì cái trò đó nó trở thành quen mất òi. Tuy nhiên nói phét cũng phải có bài, điêu trắng trợn như thế thì nghĩa lộ quá. Ai mà chả biết đến công an còn chả dám dây vào mấy ông thương binh nữa là dân thường, lại là đám phụ nữ trẻ chuyên làm bàn giấy. Trong cái vidéo tuyệt nhiên chả nghe thấy tiếng chủ nhà là anh phó giám đốc lên tiếng (chắc sốc quá), mà chỉ thấy mấy ông thương binh hùng hổ đi lại, ngôn ngữ chợ giời văng ra mới khiếp. Công an hành sự thì xong việc rồi mới đến. Nói bậy như bắt gái điếm mà không kịp bắt quả tang bằng cách ghi lại hình, nó kéo quần lên xong là nó cãi biến, đâu, đâu? Bán dâm đâu nào?
Thông thường thì mọi việc nó phải có cái “lô dích” của nó. Nói điêu là dễ bị người nghe nghi ngờ lắm. Nghe đâu bài trên báo QĐND chỉ tồn tại có ngày (chết yểu quá). Bài trên báo CCB thì sống dai hơn tý nhưng sau cũng lặn không sủi tăm. Đến lúc bị chất vấn thì nghe đâu phóng viên họ lấy thông tin từ công an phường và mấy ông thương binh nọ. Hê hê, công an phường có mặt chứng kiến đâu mà hỏi họ. Còn mấy ông thương binh một khi đã cào mặt ăn vạ thì có mà công an cũng phải chạy mất dép, thế mà cũng tin. Làm báo mà chỉ nghe có một chiều rồi đưa tin thì chết yểu là phải, lại còn bị chửi ngược nữa ấy chứ. Chưa nói đến việc ai cũng có quyền xông vào nhà người khác đòi cấm đoán này nọ là thế nào? Loạn thật. Có người bảo ông Diện hiền quá, lẽ ra phải gọi 113 đến gô cổ những kẻ gây rối này ra đồn công an, ai cho các ông quyền cấm đoán thế hử? Hay để quần chúng tự phát thay mặt chính quyền điều hành trật tự xã hội cho rồi.
Nhưng mình buồn cười là cái sự nhanh nhảu đưa tin rồi lại nhanh nhẩu hạ bài mà im thin thít, cứ như kéo quần lên xong là hỏi đâu đâu, bằng chứng đâu?

Tuesday 22 May 2012

Nếu bạn bị xếp hạng '' phản động''




May 21, '12 5:10 AM
for everyone
Đây là câu chuyện được viết bằng ngôn ngữ Việt Nam, hình ảnh chỉ có tính chất minh hoạ. Không nhất thiết bạn đọc đủ cơ sở để đánh giá rằng nó xảy ra ở nước CHXHCNVN.
Nếu bạn bị liệt vào hạng phản động của nhà cầm quyền thì cuộc đời của bạn sẽ ra sao.?
Trước hết tiêu chí để xếp loại phản động là vô cùng phong phú. Ví dụ bạn chỉ trích một chính sách nào đó của nhà cầm quyền về giao thông, thuế, giáo dục....
Hay bạn phản đối nước láng giềng xâm lược, bắn giết đồng bào của bạn.
Hoặc bạn bày tỏ sự thông cảm với những người ''phản động'' khác bị xét xử, tù đày.
Như thế bạn sẽ là phản động với một cụm từ đầy ngôn ngữ luật như '' xâm hại an ninh quốc gia''
Tuy nhiên nếu bạn nợ hàng nghìn người nông dân hàng chục nghìn tỉ và trốn biệt ra nước ngoài bạn chỉ cùng lắm mang tội với nông dân như tội '' lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân''
Nếu bạn làm thiệt hại cho ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng, ngân sách của một đất nước khốn khổ mà học sinh đến trường bằng cách bơi qua sông, đu dây qua vách đá thì bạn chỉ bị kết tội '' thiếu tinh thần trách nhiệm''
Còn chức bạn to hơn nữa, gây thiệt hại hơn nữa thì sẽ bị kiểm điểm nội bộ.
Nếu bạn đánh chết người bằng dùi cui, dây điện, gậy, giầy đinh, bắn chết trẻ em bằng súng nhưng bạn là người nhà nước. Bạn nếu không may mắn sẽ bị kết tội là ''làm chết người khi thi công vụ''
Làm chết người, nghĩa là không phải bạn giết người. Làm chết người có thể là bạn sơ ý, cẩu thả để súng cướp cò, dui cui rơi vào sọ người khác khiến họ chết.
Nhưng nếu bạn phản đối một chính sách, bạn sẽ là kẻ trọng tội với đất nước, nhân dân. Bạn sẽ bị kết vào loại phản động, hại dân, hại nước. Sẽ có hàng loạt nhân dân đóng vai nhân chứng lên phản đối bạn ầm ĩ ở phường, ở trên báo chí, họ sẽ thảm thiết, giận giữ như chính bạn đã quỵt tiền họ trốn ra nước ngoài, giết chết người thân của họ, làm thất thoát ngân sách hàng ngìn tỉ đồng, và bạn chính là kẻ đã đẩy trẻ em phải đi học bằng đò qua sông dẫn đến chết đuối. Họ sẽ đòi hỏi phải nghiêm trị, trừng trị thích đáng...và họ hả hê khi thấy bạn bị kết án nhiều năm tù.
Và đó bạn là loại tội phạm '' xâm hại an ninh quốc gia''
Bạn có thể là trí thức, công nhân, cán bộ về hưu, cựu chiến binh.
Đôi khi bạn là kẻ vô học, tiền án, tiền sự và cuộc đời đầy những năm tháng đen tối trong vũng bùn của giới hạ lưu. Một ngày nào đó bạn được làm bố, bạn say sưa với sinh linh bé bỏng ấy quên cả tháng ngày, bỗng nhiên ngày nào đó gió mưa bạn ngồi ở nhà ngắm thấy nụ cười trên miệng con trai vừa đầy tháng, bởi óc tưởng tượng phong phú bạn hình dung con trai bạn hai mươi năm sau sẽ sống trong một xã hội thế nào. Bạn bắt đầu tìm hiểu xã hội.
Và con đường thành phản động của bạn bắt đầu được cơ quan an ninh ghi nhận, theo dõi và đưa ra cách xử lý.
Ngày nào đó công ty bạn đang làm bị công an đến hỏi về thuế, về nhân lực, về bảo hiểm, tiền lương, phòng cháy chữa cháy, về đăng ky kinh doanh...giám đốc của bạn nơm nớp lo sợ không biết chuyện gì. Vì người ta cứ đến từng tốp và lạnh lùng sát khí gườm gườm chất vấn. Đến lúc giám đốc bạn hoảng lắm rồi, người ta mới hỏi về bạn làm gì ở công ty, bạn được nhận vào thế nào, ngày nọ ngày kia bạn làm gì, công ty có bố trí đi đâu ....
Bạn sẽ làm tiếp để công ty hàng ngày có công an đến làm việc như thế chứ.?
Tất nhiên là không rồi. Bạn sẽ đi tìm việc khác.
Lần này bạn làm cho một nơi khác, ở đây tài chính sạch sẽ lắm. Nhưng giám đốc bạn vẫn có người tìm đến giới thiệu là an ninh cấp cao hỏi về bạn. Giám đốc bạn lần này là người mạnh mẽ, anh ta có thể thoái thác không hợp tác trả lời. Nhưng anh ta có thể mạnh mẽ, còn bố mẹ anh ta ở quê thì không sao mà yên tâm khi có người của nhà chức trách đến nhà tìm và thông báo con họ đang dung túng, tiếp tay cho một đối tượng ''phản động''. Rồi bố mẹ anh ta hoang mang, lo lắng liên tục hỏi anh ta, thậm chí họ thay phiên nhau từ quê lên thành phố để xem thằng phản động đang làm gì ảnh hưởng đến con mình.
Bạn lại thất nghiệp, giờ bạn hiểu đi tìm công việc ở nơi khác nữa là điều vô ích.
Bạn chọn công việc gì làm trong vài ngày, nhanh chóng, tiền trao cháo múc như việc đóng một cái tủ nhôm kính, hàn một cái chuồng cọp phơi quần áo, làm một tấm biển quảng cáo cho cửa hiệu mới mở hoặc viết một bài cho một cá nhân, công ty nào đó muốn quảng cáo. Kiếm chút tiền không nhiều, nhưng nhanh chóng vào túi khi những điều khác chưa đến.
Nhưng cuộc đời không hẳn đã đen tối với bạn. Có những người hiểu bạn, họ lặng lẽ  gửi bạn chút quà nuôi con. Những giúp đỡ đó làm bạn cầm cự được với cuộc sống khó khăn. Đôi khi bạn chẳng biết là ai giúp bạn nữa, vì họ sợ liên luỵ, sợ nhà chức trách nên không muốn ra mặt.
Các nhà chức trách thêm bạn tội nữa '' nhận tiền của các thế lực thù địch làm phương tiện hoạt động chống phá nhà nước nhân dân''.
Những món tiền nhỏ này thật sự bạn không bao giờ biết nó đến với bạn lúc nào, không bao giờ bạn biết nó còn đến nữa hay không. Bởi sự giúp đỡ là tự nguyện, bột phát. Không phải là trả lương, thế nên có người gửi bạn 1 triệu từ năm này, đến 3 năm sau họ gửi lần nữa, tuỳ theo khả năng của họ.
Nếu bạn muốn sắm một cái điều hoà, bạn không thể yêu cầu người ta cho bạn tiền để sắm một cái điều hoà. Vì họ không có trách nhiệm ràng buộc nào phải giúp bạn cả.
Một ngày nào đó, cuộc sống mở cho bạn một thay đổi, chẳng hạn một chính phủ nào đó vô tình biết được bạn có khả năng về văn hoá, nghệ thuật nào đó. Họ cho bạn một suất học bổng, khi học xong họ sẽ có việc làm cho bạn. Cuộc đời bạn bỗng nhiên tươi tắn như loài cây trên sa mạc gặp mưa. Bạn có kiến thức, có việc làm, một việc làm tốt như dịch sách, đồng lương đủ cho gia đình bạn sống tươm tất. Và hơn nữa bạn từ một thằng lưu manh ở đường phố trở thành một người làm văn hoá. Đó là ước mơ và đích đến là một cuộc mưu cầu hạnh phúc mà bất kỳ ai cũng muốn.
Nhưng nhà chức trách sẽ ngăn ước mơ của bạn lại. Bởi trong quan điểm của họ thì ước mơ của một kẻ có vấn đề về an ninh quốc gia thì kiểu gì cũng có vấn đề về an ninh quốc gia.
Bạn sẽ gào lên ư, đừng !. Hãy chấp nhận vui vẻ, điều quan trọng là đừng bao giờ buồn, lo, sợ vì những việc mà họ gây ra cho bạn. Bởi mục đích chính của họ là làm bạn đau khổ những thứ nhưnhà tù, công việc, cấm đi lại, hàng xóm hậm hực dòm ngó, bạn bè cũ xa lánh... tất cả những điều đó họ làm cốt để bạn phải đau khổ. Để họ chứng minh họ có quyền tước đoạt ước mơ, cuộc sống, huỷ hoại hay ban phát cho ai đó.
Đừng nghĩ họ nhân đạo không bỏ tù bạn. Chẳng qua vì cuộc sống của bạn bây giờ và nhà tù không khác nhau là mấy  về vật chất cũng như tinh thần. Nếu bạn là tiến sĩ, có nhà to, xe hơi, nhà cho thuê họ sẵn sàng quẳng những thứ rác rưởi để làm cớ bắt bạn, hay bạn đang có bệnh trong người họ mới giam cầm bạn. Còn khi bạn chả còn gì để mất, người ta làm mọi cách để tước đoạt tinh thần bạn, khiến bạn khiếp sợ, hãi hùng và ngày nào đó bạn lê lết đến van xin họ, cam đoan, cam kết, lạy lục thề thốt, khai báo lập công...lúc đó chưa chắc họ đã buông tha cho bạn.
Hãy gắng tìm những niềm vui ngay cả trong những lúc tồi tệ nhất. Hãy gắng đọc khi có thể những tác phẩm như Quần Đảo Ngục Tù, Lửa Yêu Thương Lửa Ngục Tù, Một Ngày Trong Đời Của I Van, Bá Tước Mông Tơ Crit To, Pa Pi Lon, Đêm Giữa Ban Ngày, Chuyện Kể Năm 200.
Hãy tìm lối thoát trong cuộc sống trắc trở ở ngay trái tim mình.
Nguồn:http://nguoibuongio1972.multiply.com

Bức ảnh này là câu trả lời dành cho
Đọc, muốn phản biện 1 chút. 20 năm trước, chị là ai? Cuộc sống của chị thế nào? 20 năm trước, chị còn trẻ, chị ko hiểu gì về xã hội...! OK, ko sao cả. Sau 20 năm, chị thấy cuộc sống của chị thế nào? Có hơn trước ko? Xe máy, nhà cửa, điện thoại.... Chị cũng có thể phản biện "Nếu như sống ở chế độ khác, cuộc sống của chị sẽ ...". Có thể e ko còn trẻ nữa, kém chị một chút thôi. Ko quá ơn Đảng, ơn chính phủ. Nhưng thực sự chế độ này vẫn đang làm rất tốt việc của mình! Ổn định và phát triển. Hyax nhớ đến ngày xưa, ngày còn thèm miếng thịt.... Đùng bao giờ phủ định tất cả!

.

Sunday 20 May 2012

Lê Hiền Đức: Đảng viên Nguyễn Anh Bồng phản ánh về thu hoạch học NQTW 4.

Lê Hiền Đức: Đảng viên Nguyễn Anh Bồng phản ánh về thu hoạch học NQTW 4.

Nghìn cây Phượng vỹ bàng hoàng trổ bông

Lọ mọ vào một trang thư giãn, bắt gặp bài thơ hay hay, nói về loài hoa giống tên mình. Nhìn những bức ảnh lại gợi nhớ về một thuở xa xưa mà bao nhiêu năm nay mình đã quên lãng...


Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang

Vườn xanh,cỏ biếc trưa vàng
Nghìn cây phượng vĩ bàng hoàng trổ bông

Trên môi ta đỏ phượng hồng
Hôn em trời đất một lòng chứa chan
Tiếng cười đâu đó dòn tan
Nụ hôn ngày đó miên man một đời.

Hôm nay chợt nhớ thương người
Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh
Trưa vàng,cỏ biếc,vườn xanh
Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa.

 
TDT


Nguồn - http://thinhoi001-thinhoi001.blogspot.com 


Lấy từ bạn bè - chụp bằng Iphone

Ảnh trong bài Nghìn cây Phượng Vỹ bàng hoàng trổ bông


Ảnh trong bài Nghìn cây Phượng Vỹ bàng hoàng trổ bông
Lấy từ bạn bè - chụp bằng Iphone
Lấy từ bạn bè - chụp bằng Iphone
Ảnh trong bài Nghìn cây Phượng Vỹ bàng hoàng trổ bông

Ảnh trong bài Nghìn cây Phượng Vỹ bàng hoàng trổ bông
Lấy từ bạn bè - chụp bằng Iphone

Saturday 19 May 2012

Thấy lạ! Rồi thấy buồn cười! Rồi thấy buồn, đau!


Chuyện thứ nhất:
Sáng hôm qua, lúc nghe điện thoại, bảo Xuân Diện đang bị một nhóm thương binh đến gây sự, đòi hành hung ở phòng làm việc, mình nghĩ ngay: lại chuyện đâm thuê chém mướn đây! Cứ đến xem sao chứ nào đã biết vì việc gì?
Thời buổi hiện đại có khác. Tinh thần đoàn kết có khác. Chỉ từ một cú điện thoại mà sau vài chục phút mọi người đã túa đến Viện Hán Nôm. Số người đến hỗ trợ mỗi lúc một đông, cụ bà Lê Hiền Đức và giáo sư Ngô Đức Thọ cũng tất tưởi đến ngay, đối với hai bậc cao niên đó thì mình nghĩ Xuân Diện chả khác gì con cưng, trò cưng cả. Cả cái cậu Trí Đức một dạo đả kích nhau ra trò trên mạng, thế mà nghe tin cũng phi ngay đến. Nhìn những gương mặt anh em quen có, không quen cũng có mình lại thấy xúc động, chả lúc nào hơn khi hoạn nạn lại có đông bạn bè đến chia sẻ thế này. Thời buổi này cứ thấy ai bị nguy khốn người ta lại hay lảng xa, sợ vạ lây...mới buồn.
Nói là hỗ trợ là hỗ trợ về mặt tinh thần và đấu lý thôi chứ làm sao chửi bới, đánh đấm gì được? Nghe xôn xao một hồi mới sáng ra được 1 tý. Ồ! Hóa ra mấy ông thương binh này quan tâm đến vấn đề điện hạt nhân!!!
Ối giời đất ơi, hồng phúc cho dân ta quá. Bây giờ đến mấy bác thương binh cũng quan tâm đến chuyện đại sự của nước nhà! Cái bài đăng trên blog của Xuân Diện mà các bác ấy hùng hổ đòi gỡ xuống mình cũng mới chỉ đọc qua loa. Bây giờ nhiều bài quá nên mình chả đọc hết được, nhưng thấy nói đến phát triển điện hạt nhân là mình thấy hãi rồi nên chả cần suy tính gì, cứ phản đối cái đã. Gớm, thiên hạ người ta đi trước hàng mấy chục năm rồi. Lợi hại thế nào không biết, chỉ biết khi người ta rút lui vì ăn đòn đủ rồi thì anh Việt Nam lại hăng hái nhảy bổ vào, tỏ ra ta đây không sợ bố con nhà nào, kiểu rất anh hùng rơm nhớ.
Nói lạ là cứ nghe thấy những vụ dân sự mà dính đến thương binh, là người ta nghĩ ngay đến chuyện thuê mướn không đâu à. Một người bạn tôi kể từ lâu rồi, một công ty đòi nợ đối tác mãi không được, được mách nước bèn thuê các bác thương binh. Ngày đầu các bác ấy điều 5 xe 3 bánh 27/7 đến dàn quân trước cổng Công ty đối tác, cả ngày chắn lối không cho xe ra xe vào. Ngày thứ hai thêm 5 xe nữa là 10 xe. Sang ngày thứ ba thì đối tác cung cúc đem tiền đến trả nợ. Đòi được tiền tỷ mà mất có mươi triệu quá là bèo.
Nhưng đấy là chuyện nợ nần tiền bạc giữa dân làm ăn với nhau, chứ chàng tiến sĩ Hán Nôm nhà ta nói chuyện điện hạt nhân thì liên quan gì đến nợ nần tiền bạc gì đâu nhỉ? Buồn cười nhất là có bác thương binh vào ngồi rất đường bệ trong phòng làm việc của Xuân Diện rồi, mới thong thả giở cái bài in từ blog của Xuân Diện ra đọc, vừa đọc vừa bình luận bằng những từ đệm rất dân dã. Đến một đoạn, bác ấy a lên: Đây này, gửi cả thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, gửi rồi đây này. À gửi Nguyễn Tấn Dũng thì kệ mẹ Dũng...
Thế ra đến đây rồi bác ý mới đọc và biết Xuân Diện viết gì. Tài không? Lại biết thêm được tình cảm của bác ý dành cho thủ tướng nữa.
Khiếp là các bác ấy đi lại nghênh ngang trong phòng làm việc của Xuân Diện, văng bạt mạng, đù mẹ đù cha loạn cả lên, hô bắt Xuân Diện đưa ra đồn công an nữa!
Kinh thật, cơ quan nhà nước mà các bác ấy xem ra như cái chợ. Hài nữa là chuyện ban đầu khá ầm ĩ mà chả thấy bóng dáng lực lượng chức năng đâu. Không phải là do quần chúng bức xúc phản ảnh, mà người của Viện gọi các anh mỏi mồm chả thấy các anh đâu. Đến lúc hạ màn, các bác thương binh thì về từ nãy, anh em bạn bè hỏi thăm nhau xong cũng kéo nhau ra cổng mới thấy hai ba anh đi xe máy đến. “Mạng” bảo vui, đến nhanh quá mà chưa có màn gay cấn thì kịch không thành mất.
Thôi thì nhà mạng tha hồ bàn tán. Một còm nói: “Hóa ra vì nhà nước thiếu điện, các bác thương binh này muốn xây dựng điện hạt nhân... xây hay không là do chính quyền chứ đâu phải do bác Diện quyết định mà đòi gặp bác hic hic hic, hài hước thật đó...”Blgogger Lê Dũng thì giật tít: Thương binh lo vấn đề năng lượng.

Chuyện thứ hai:
Một cô bạn vừa gọi điện, kể lể bảo bị nghi oan là an ninh, ức đến mất cả ngủ. Kể xong lại cười rúc lên bảo: lạ thế! Ngày xưa thì yêu quý các chú công an là thế, thế mà bây giờ mới bị nghi là công an thôi mà phẫn nộ cứ như là xúc phạm nhau ghê gớm lắm, ức đến mất ngủ mới buồn cười chứ.

Túm lại, nghe xong hai câu chuyện trên mới nói:

Thấy lạ!

Rồi thấy buồn cười!

Rồi thấy buồn, đau!




Thursday 17 May 2012

THÔI THÌ TÔI NÓI!

Nguyễn Thị Ngọc Trâm
Thời gian gần đây, các Blog và báo lề trái đang lên tiếng khá mạnh vào các sự vụ nổi cộm mang tính thời sự của Việt Nam, tạm thời có thể nói là đang rất mạnh dạn, công kích khá sâu vào tất cả các ngóc ngách, góc cạnh của các sự việc. Ở đây tôi không phân tích tính xác thực, các điểm đúng, sai trong nội dung các bài viết. Tôi chỉ buộc phải nói, vì tôi không chịu nổi cái sự im lặng, tránh né của hầu hết mọi người, của cả lề trái và lề phải, cả nhân dân và công quyền… Tôi dám chắc điều tôi nói, có trên 20 triệu dân Việt Nam đều biết, không nhiều thì ít, không lập luận chắc chắn thì cũng quy kết mơ hồ. Có điều là không có quá 20 người Điên để phân tích, để nói trắng ra và bây giờ tôi nhận mình là một trong số ít 20 người Điên đó. Bởi vì, điều cả hàng triệu người biết, không nói ra đó, khổ thay lại chính là nguyên nhân gốc rễ của hầu hết các mâu thuẫn phát sinh, các sự kiện bất thường, chi phối mạnh mọi phát ngôn, hành vi của các đối tượng liên quan… Không nói thẳng ra thì người ta cứ mơ hồ, lừa dối nhau mãi bằng quá nhiều từ hoa mỹ, kính gửi, kính thưa..…
Vì sao lại thế? Vì sĩ diện, vì sự né tránh cái gọi là “mãnh lực của đồng tiền”, vì sự dối trá, đạo đức giả, vì cả sự tế nhị, lịch sự và ngại ngùng….rất… Con Người.
THÔI THÌ TÔI NÓI!
Điều đó là gì? Là các cụm từ mỹ miều: “Lợi ích”, “Lợi ích cá nhân” hay “Nhóm lợi ích”…
Tôi thì xin nói thẳng là TIỀN! (vì cũng liên quan nhiều đến đối tượng nông dân nên tôi cứ nói rõ ra thế và tính hẳn ra vài con số cho bà con có đọc cũng dễ hình dung).
Cũng có không ít phát ngôn, không ít bài viết lấp lửng hay trực diện nhắc thẳng đến vấn đề này. Nhưng điều quan trọng còn thiếu là chưa ai tính sơ bộ ra là bao nhiêu TIỀN, để mọi người hình dung đối trọng của mỗi sự vụ, mức độ tạo ra những mâu thuẫn, đối kháng là như thế nào?
Có một tác giả đứng tên là TS Vũ Quang Việt trên Bauxite Việt Nam đã giả định tính ra con số lãi 1,6 tỷ USD trên doanh thu 2,5 tỷ USD cho nhà đầu tư Ecopark. Con số không có cơ sở xác thực nhưng nghe qua cũng có sự hấp dẫn để ai cũng nghĩ rằng vì đó mà nhiều người lao đầu vào, như cách nói trích dẫn lời của nhóm nhà triết học hay kinh tế học nào đó, rằng với giới tư bản, khi thấy có lợi nhuận 300% thì có giá treo cổ nó cũng chẳng từ…
Xin thưa với quý vị, tôi không xem đó là động lực của mọi sự xông xáo đáng ngạc nhiên, là nguyên nhân của những mâu thuẫn, đối kháng… đã và đang diễn ra.
Vì sao?
Rất đơn giản. Vì nếu sự xông xáo, những mâu thuẫn đó có động cơ từ tham nhũng, lợi ích; mà đã tham nhũng, lợi ích thì phải có công quyền… Mà đã công quyền, tham nhũng thì : phải có nhiệm kỳ, phải là tiền tươi, thóc thật, là “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”… Chẳng có vị nào dại dột chờ chia phần chiếc bánh lợi nhuận kếch xù được mô tả (công khai hoặc ngầm) trong các dự án đâu, dù đó có là cái bánh vẽ hay cái bánh thật còn to hơn cái bánh vẽ…
Vậy thì “đồng tiền đi trước” đó lấy ở đâu ra? Xin thưa đó là Chi phí giao dịch và Hoa hồng, lót tay hay nói trắng ra là Hối lộ mà hầu hết hoạt động kinh doanh nào trong cơ chế thị trường này đều phải có, thậm chí là đã định sẵn một tỷ lệ (công khai hoặc ngầm) ngay từ khi lập và duyệt dự án (có nhiều trường hợp bên A không hề biết hay đòi hỏi gì nhưng bên B cứ bắt phải nhận hoa hồng vì…sếp bên B đã duyệt và đưa vào hạch toán cả rồi…)
Số tiền này là bao nhiêu % với mỗi dự án thì xin lỗi, chỉ có Chúa mới biết (chứ ngay cả các đối tác trong cuộc đã thỏa thuận cũng chưa chắc chắn vì nhiều lúc còn phát sinh do… tình hình…). Và như thế, con số tôi giả định cũng không có căn cứ thực tế mà chỉ căn cứ vào lời thề độc trời tru đất diệt (để tự cam kết là không nói tùy hứng) của người Điên như tôi và sự đồng thuận, xác nhận ngầm của hơn 2 triệu người Việt Nam thuộc các giới có biết và liên quan đến giao dịch kinh doanh, từ các nhân viên bình thường cho đến Giám đốc, thuộc doanh nghiệp nhỏ cho đến Tập đoàn lớn….
Với các Hợp đồng, dự án giấy trắng mực đen rõ ràng và những con số cụ thể 2 lần 5 rõ 10, chi phí giao dịch và hoa hồng đã không nhỏ, nên với các dự án mà như chiếc bánh vẽ, lấp lửng bao nhiêu chuyện: diện tích, giá cả đền bù, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện…. như các dự án liên quan đến đất đai, bất động sản, công trình xây dựng lớn…thì tôi bảo đảm tổng hai loại Chi phí giao dịch và Hoa hồng này không thể nhỏ hơn 5%. (không biết Quý vị đã từng giao dịch kinh doanh có đồng tình với tôi con số này không?)
Bắt đầu từ bây giờ, tôi xin lấy ½ con số giả định tối thiểu 5% là 2.5 % để phân tích thôi nhé (lấy cả 5% thì tính ra con số khủng khiếp quá)!
Lấy dự án Ecopark – Văn Giang, một dự án có công khai tổng vốn đầu tư dự kiến làm ví dụ:
-         Tổngvốn đầu tư dự kiến : 8.2 tỷ USD  (tôi xin lấy con số tròn 8 tỷ cho đẹp)
-         Giao dịch + Hoa hồng:  2.5% VĐT = 200 triệu USD tương đương 4,000 tỷ VNĐ.
Vấn đề bây giờ là giả định số Nhân vật quan trọng có liên quan mà bên Nhà đầu tư phải tìm cách tiếp cận để thuyết phục nhận Hoa hồng (cách nói nhẹ của từ đi Hối lộ). Và bao nhiêu người trong số đó là có thể bị “thoái hóa, biến chất”, bị chi phối bởi mãnh lực đồng tiền để trở thành cá nhân lợi ích hay nhóm lợi ích? nhận tiền Hối lộ hay còn gọi là… Tham nhũng!
Một điều cần thông cảm là không phải người nào có liên quan trong nhóm lợi ích cũng là “thoái hóa, biến chất” ngay từ đầu đâu, một số không ít người thậm chí chưa từng có tiền lệ nhưng lần này chỉ là vô tình vì thân tình, nể mặt, vì đại diện Nhà đầu tư thuyết phục, nhiệt tình quá nên khó từ chối, để rồi sau đó thấy Nhà đầu tư gặp khó khăn cũng không nỡ khoanh tay đứng nhìn… Cứ thế rồi không còn rút chân ra được nữa. Bởi thế mới nói, mức độ nguy hiểm của giới tư bản thật là khó lường..
Bao nhiêu người là hợp lý với thực trạng ở Việt Nam bây giờ nhỉ? Thôi, tôi cứ xin giả định liều một khoảng khá rộng  cho chắc chắn đúng: 40 là tối thiểu và 400 là tối đa (có thể từ một nhân viên cấp thấp nhất cho đến các cán bộ cấp cao nhất mà – chỉ đạo của Sếp phía đầu tư luôn luôn là giao dịch hết cho công việc thuận lợi…).
Tất nhiên là theo vai trò quan trọng mà mỗi nhân vật sẽ được “chăm sóc” bằng một tỷ lệ nhất định, nhưng để dễ hình dung, cứ tính bình quân thì mỗi nhân vật sẽ được:
-         Với số người tối thiểu là 40 thì mỗi người sẽ có  100 tỷ VND/người
-         Với số người tối đa là 400 thì mỗi người sẽ có  10 tỷ VND/người
Thật ra thì số lượng Nhân vật là bao nhiêu cũng không ảnh hưởng gì nhiều lắm mà quan trọng là sức nặng của cái gói 200 triệu USD kia. Nếu ít nhân vật thì tất nhiên phải là những nhân vật tầm cỡ có vai trò và quyền uy để lướt hết tất cả; còn nếu đông quá, số tiền phân chia có nhỏ thì sức nặng lại chuyển sang số đông của nhóm lợi ích, kết nối thành mạng vài trăm người…
Bây giờ thì quý vị đã hiểu điều mà THÔI THÌ TÔI NÓI rồi đó.
SỨC NẶNG LÀ Ở CÁC CON SỐ ĐÓ!
Tôi không dám phân tích nhiều hơn nữa chỉ bằng các con số giả định nhưng tôi tin là đến đây quý vị đã hiểu: Nếu có ai đó đang sai thì họ đang bảo vệ điều gì? Vì cái gì? Và những ai đang đối đầu thì đối đầu với bao nhiêu người trong một nhóm lợi ích ngầm? với sức nặng là bao nhiêu?
Một bác Nông dân nào đó của Văn Giang ơi! Nếu Bác “may mắn” có tên trong danh sách nhóm lợi ích ngầm ấy, dù đứng cuối danh sách và chỉ được nhận phần nhỏ bé thì khoảng bao nhiêu nhỉ? Giả sử là 100 triệu VND thì liệu Bác có “thoái hóa, biến chất” để nhận không nhỉ? Có ngoảnh mặt quay lưng lại với bà con không nhỉ? Và nếu phần của Bác là 1 tỷ thì…Bác có tham gia….gì đó nữa không nhỉ?
Cũng tùy người phải không Bác? Tùy lương tâm và bản lĩnh của mỗi người phải không Bác? Đúng là vậy, cháu không kết luận điều gì, không chỉ danh ai, cháu chỉ giả định để tính, để Bác biết Bà con đang đối đầu với cái gì? đang gánh một khối nặng bao nhiêu mà lượng sức thôi, Bác nhé…! 4,000 tỷ là con số lớn hơn giá trị thành quả lao động chân chính của nhân dân 3 xã trong…10 năm đó Bác ạ! Nỗi khổ của người nông dân là đã chân lấm, tay bùn bao nhiêu năm, thu nhập thấp, cuộc sống thiếu thốn mà thỉnh thoảng lại còn bị rơi vào tình trạng đối đầu như “lấy trứng chọi đá” với các thế lực đồ sộ, “lấy thịt đè người” là thế!
Mà cũng xin nhắc lại để Bác và quý vị cũng đừng quên cái cụm từ “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, cho nên có những trường hợp đã lỡ “ứng” rồi, có khi còn “dùng hết” rồi nên dù có lỡ sai cũng không lùi được nữa, chỉ biết bất chấp càn tới, nên mới có vài chuyện mà mọi người vẫn bình luận là bất ngờ, là vô học, là hài hước... trong phát ngôn và hành vi…(thực ra là không phải họ như thế nhưng vì họ không biết phải nói gì, làm cách gì khác thôi).
Phân tích cho chặt chẽ, viết cho rõ ràng, đầy đủ có lẽ phải vài chục trang nhưng thôi, tôi xin dừng. Chừng này tôi đã sợ cái chữ làm hại cái thân lắm rồi, vì dù Điên, tôi cũng cảm nhận rất rõ mãnh lực của các con số trên.
Mong quý vị cùng bà con thông cảm và mong đọc ít, hiểu nhiều!
Ghi chú: Tác giả bài viết gửi cho tôi và cụ Lê Hiền Đức, xin được đăng nguyên văn

Monday 14 May 2012

Sửa Từ điển có khi dễ hơn....


Hôm qua Kim Tiến nhắn: ngày mai xử phúc thẩm...cô đến với con nhé.
Đến chứ sao không đến! Bạn biểu tình với nhau mà lị.
Sáng đến tòa phúc thẩm ở 262 Đội Cấn, mặc dù cổng mở toang hoang nhưng mình vẫn lịch sự rẽ vào phòng thường trực. Cái ô cửa kính đóng im ỉm, nhìn vào thấy ba chú cảnh sát cứ ngồi im trong đó ngó ra. Mình gõ cồng cộc vào miếng kính, ra ý bảo họ mở ra để mình còn hỏi, chứ đóng thế này thì nói ai nghe?
Chợt nhìn thấy một gương mặt quen quen quay ra. Ồ! Hóa ra anh T, chả biết là cảnh sát quận hay thành phố nữa. Biết nhau qua đận biểu tình năm ngoái. Anh ta cũng nhận ra mình, bèn nhoài người mở cửa kính. Chào hỏi một hai câu, rồi anh ta hỏi mình đến có việc gì thế. Thì đến với Kim Tiến chứ còn làm gì nữa. Anh ta bảo có được vào đâu mà đến. Mình ngạc nhiên:
- Ô hay! Sao bảo xử công khai?
- Thì công khai, nhưng mà phải có giấy mời. Đến nhà báo có giấy mời mà còn không được vào kia kìa.
Biết là cái công khai của ngành tư pháp nước ta nó là thế mà vẫn cứ thấy lạ. Lạ quá chứ không phải lạ vừa. Rõ là mồm các ông bảo thế nào thì nó ra thế ấy. Cũng khổ cái anh phải làm phát ngôn bất đắc dĩ, biết là nó trái lè lè ra đấy nhưng cứ phải nói trơn tuột đi, rằng chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ. Nhớ hôm xử phúc thẩm tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, cũng xử công khai nhưng vẫn bị chặn các ngả. Tôi hỏi vặn lại một anh cảnh sát là chỉ biết trả lời như cái máy thế à, thì anh ta chán ngán quay đi bảo: không là cái máy thì là cái gì? Nom vẻ mặt anh ta mệt mỏi lắm nên tôi cũng chả nỡ làm anh ta khổ thêm.
Không cho vào thì đứng ngoài. Tôi và một số anh em vừa đến cứ đi vào trong sân tòa. Hóa ra khá đông anh chị em đang đứng tránh nắng ở dãy nhà xe. Cả cái thằng hộ pháp Trí Đức cũng ở đó. Tôi lườm nó, bảo lần sau mà cậu còn vào blog của tôi chửi bới công giáo là tôi cho cậu ra de đấy. Cậu mà chửi công giáo là cậu chửi tôi, vì tôi không phải là công giáo, nhưng bạn tôi là người công giáo...Nó cười hềnh hệch phân bua này nọ. Tôi nghiêm giọng bảo, cậu có thể bất đồng quan điểm với bất cứ ai, nhưng đừng có gắn tín ngưỡng của họ vào đó. Chị Hiền Giang và một số người xung quanh cũng lên tiếng tỏ ý tán đồng.
Nói chung những lúc này, đơn giản chúng tôi lại là những người bạn từng xuống đường biểu tình dạo nào. Tạm gác mọi bất đồng sang một bên, chúng tôi lại chuyện trò vui vẻ. Lúc này Trí Đức lại trở nên dễ thương và hồn hậu như trước đây. Tôi học được một phần rất nhỏ của người công giáo là biết tha thứ. Nhưng tôi nghĩ đó là tình cảm thôi, chứ còn cái sai cái đúng vẫn phải cần đến luật pháp giải quyết chứ.
Trong khi chúng tôi chuyện trò, phát hiện ra mấy tay an ninh chuyên theo dõi biểu tình đứng lởn vởn quanh đó, có lúc còn trơ trẽn đứng lẩn vào trong đám bọn tôi. Khi anh em phát hiện ra mới chuồn đi chỗ khác. Nói thật là nếu mà cái nghề an ninh nó chỉ có hóng hớt, rình mò thế này thì tôi không thể làm được thật. Sao mà ngây ngô thế kia chứ, có gì bí mật thì không lẽ chúng tôi lại bô bô nói ở đây hay sao mà phải hóng với chả hớt.
Sáng nay trong cùng một phòng mà người ta xử cả mớ 4 vụ luôn. Mấy vụ kia ma túy tẹp nhẹp thì nhanh thôi. Đến vụ “nhà mình” thì cũng lại hoãn nốt vì vắng mặt nhân chứng, rồi người có trách nhiệm liên quan cũng vắng mặt. Nhìn hai chị em Kim Tiến mặc đồ tang, chít khăn xô đứng bên cạnh mẹ và bà nội thấy tội nghiệp quá, không biết bao giờ công lý mới đến với mấy mẹ con bà cháu họ đây.
Dọc đường về cứ ngẫm nghĩ về cái từ công khai mà báo chí xoen xoét nói không biết ngượng. Chẳng lẽ mình lại làm một cái đơn đề nghị Quốc hội sửa cái từ này trong Từ điển. Có lẽ sửa Từ điển còn dễ hơn là bắt báo chí và ngành tư pháp nước nhà thực hiện cái công khai theo đúng nghĩa của nó.
Ối giời! Nhưng nếu thế thì phải sửa nhiều từ lắm. Ví dụ thế nào là phản động này, thế nào là đàn áp này, thế nào là dân chủ này, thế nào là là... nghĩ thêm một loạt từ nhạy cảm nữa mà toát cả mồ hôi vì...mệt quá.

Sunday 13 May 2012

Văn Giang - sự trở lại của những cánh đồng


Lần trước rời Văn Giang trong tâm trạng nặng nề, u uất bao nhiêu, thì lần này tôi trở lại đó với tâm trạng phấn khích bấy nhiêu. Thậm chí 3 xe chúng tôi chả kịp chờ nhau, cứ bon bon nhằm hướng Văn Giang mà lướt tới. Tôi bỗng cảm thấy hồi hộp như con nít, khi nghĩ mình sắp được tham gia vào một ngày hội trồng cây thật đặc biệt trong đời.
Nghe tin bà con lại vác cuốc xẻng ra đồng từ mấy hôm trước, ai nấy đều háo hức lắm. Phải thế chứ! Dễ gì mà dập tắt được sự sống trên mảnh đất phì nhiêu màu mỡ, có được do mồ hôi và nước mắt từ bao đời nay rỏ xuống, thấm đẫm từng thớ đất như thế?
Xe lướt qua cây cầu bắc qua con sông Bắc Hưng Hải nổi tiếng, do bàn tay con người đào đắp nên khi tôi còn chưa sinh ra. Dòng nước trong xanh, đẹp như một dải lụa, lóng lánh dưới nắng chiều nhìn thật êm ả, như chưa từng biết đến sự đau thương của những con người sống nhờ nó, mà chết cũng vì nó....
Xe đến đầu dốc dẫn xuống làng, tôi hơi ngạc nhiên khi đón nhận những ánh mắt và nụ cười thân thiện của những người không quen biết hướng về xe chúng tôi. Rồi họ rậm rịch quay đầu, người xe đạp, người xe máy đi theo xe chúng tôi vào làng. Hóa ra bà con ra đón cụ Lê Hiền Đức! Do tôi đi ké, không biết nên mới ngạc nhiên thế.
Chả biết bà con hân hoan hay chúng tôi hân hoan! Lần đầu tiên được hòa mình trong dòng người đổ ra đồng với cuốc xẻng trên vai, tôi sung sướng toét miệng cười hết cỡ. Nhìn cụ bà Lê Hiền Đức nhỏ thó, vác cuốc đi trong dòng người, tôi xúc động khi bà khoe với tôi rằng phải lục tung đồ đạc lên, để tìm bằng được tấm áo nâu đã theo bà từ thời còn ở chiến khu – 60 năm rồi chứ ít gì. Cái áo nâu bà đang mặc đây có tuổi thọ còn hơn cả tuổi đời của tôi đấy.
Đồng đất Văn Giang đây rồi! Những trận mưa mấy hôm trước đã tạo nên một bức tranh loang lổ trên mặt đất. Cỏ dại đã kịp mọc lên. Trong các vũng nước đã kịp phủ đầy bèo tấm. Ừ! Dẫu có là cỏ dại, dẫu có là bèo bọt đấy, nhưng thế mới biết sức sống ở đây mạnh đến thế nào. Chẳng lẽ chịu chết đói khi đất màu để cho cỏ dại mọc thế ư? Đấy là tội ác đấy!
Ôi chao! Đông người quá! Vui quá!
Những cái nón lá lấp loáng, tiếng cười nói xôn xao vang vọng khắp cánh đồng. Có đến hàng trăm người chứ không ít, kể cả từ già trẻ lớn bé...Mới đây thôi còn là những gương mặt căm phẫn cùng cực, khi nhìn con em mình bị công an đánh đập không thương tiếc, nhìn máy xúc cào nát cây cối, ruộng vườn của họ.... nay thì đâu đâu cũng thấy những ánh mắt, những nụ cười rạng rỡ.
Trừ cụ Lê Hiền Đức đã sát cánh bên bà con trong trận”chống càn” đêm 23 rạng ngày 24/4, dân làng thi nhau kể, tố khổ những gì đã diễn ra cho chúng tôi nghe. Họ kể cả những khó nhọc đã bồi đắp lên trên cánh đồng này, để có tiền nuôi con em họ ăn học, để xây dựng nên làng mạc trù phú như ngày hôm nay. Họ bảo đất ở đây tốt lắm, tưới tiêu vô cùng thuận lợi nhờ con sông Bắc Hưng Hải liền kề đây. Họ kể nhiều lắm mà tôi chả nhớ hết được, bởi tâm trí tôi giờ như con ngựa hoang đang chạy khắp cánh đồng. Tôi ngó chỗ này, hóng chỗ kia, chào hỏi tíu tít những người không hề quen biết mà sao thấy gần gũi và thân thương làm vậy. Thương người nông dân lắm, họ mộc mạc, chân chất thế, chỉ biết giành giật lại đất đai của ông bà tổ tiên để lại theo bản năng. Nhưng gậy gộc, gỗ đá làm sao thắng được cường quyền trong một trận càn? Vẫn còn con em họ bị giam giữ giờ chưa được trở về, chỉ vì “chiến đấu” để giữ đất mà bị kết tội là “chống người thi hành công vụ”! Thương vụ chứ công vụ gì ở đây!
Bảo là về trồng cây cùng bà con mà tôi cứ mải chụp, mải hóng chuyện. Nhìn dân xúm xít quanh cụ Lê Hiền Đức, tôi cảm phục cụ quá. Dễ mấy ai được bà con tin yêu, cậy nhờ thế này. Chỉ buồn nỗi từ đám sức dài vai rộng đến trí thức đầy mình, mà bất lực trước nỗi bất hạnh của người dân, phải để một bà cụ 82 tuổi nhỏ bé thế này làm chỗ dựa tinh thần cho dân thì đau thật là đau.
Nhưng tôi không hề cảm thấy lo lắng khi thấy tinh thần của bà con quật cường lắm. Họ luôn khẳng định sẽ bám đất bằng bất cứ giá nào. Cần gì đợi ai phải làm giàu cho họ như mấy ông chính quyền vẫn lòe bịp. Khu du lịch sinh thái, hay sân gôn có chăng chỉ làm làm giàu cho mấy ông quan tỉnh chứ đám dân đen đừng có mà mơ....
Khi chúng tôi vào nghỉ trong nhà dân, bà con bê nước trà đóng chai, “bò húc” ra cho chúng tôi uống. Ngày thường tôi vốn kỹ tính thế mà bây giờ chả câu nệ gì, tôi chỉ xin cốc nước vối, lúc cậy nước đá rơi tung tóe trên nên nhà mà tôi cứ thế bốc lên bỏ đại vào cốc rồi tu một mạch, thế mà chả đau bụng đau bão gì.
Rồi nghe dân nói sẽ đi thăm hai ông nhà báo vì xuống với họ mà bị công an đánh dã man quá, tôi bảo thực ra hai ông ấy bị đánh là gậy ông đập lưng ông thôi chứ đâu phải vì dân. Rốt cuộc là các ông ấy cũng phải thú nhận là “chính nhân dân đã cứu tôi”, mặc dù vẫn khẳng định “cưỡng chế là đúng luật”. Các ông ấy chả biết chỉ vì bênh các ông ấy mà người dân cũng bị đánh đấy. Một chị trạc tuổi tôi kể bị họ túm lấy, quẳng chị ngã lộn nhào qua đống cát khi chị xông vào cứu nhà báo. Dân cứu nhà báo, vậy nhà báo có cứu dân không?
Chia tay bà con, chúng tôi thêm một lần nữa rưng rưng trong lòng, khi những người phụ nữ đã để sẵn hai bao tải ngô mới bẻ ngoài đồng để làm quà cho người thành thị. Cụ Lê Hiền Đức giãy nảy lên ngay lập tức khi nghe thấy nói biếu quà, dứt khoát không nhận. Nài nỉ, thuyết phục mãi không ăn thua. Nước mắt đôi bên đã bắt đầu chực rơi, phải nhờ đến Hiếu nhảy vào khuyên cụ Đức:
-     Thôi bà cứ nhận đi. Bà phải ăn cái bắp ngô được trồng chính trên mảnh đất này, mới cảm nhận được vị ngọt bùi chắt chiu được từ những giọt mồ hôi một nắng hai sương của bà con chứ...
Sao mà cái thằng cha này nói hay thế chứ. Mắt bà Đức đỏ hoe, mắt chị em người làng cũng đỏ hoe. Nào thì bê ngô lên xe! Cảm ơn nhé! Tạm biệt nhé! Hẹn gặp lại nhé! Kẻ đi người ở, đôi bên cứ thế ríu rít chào nhau đầy bịn rịn.
Dọc đường về, ai nấy đều day dứt về việc vẫn chưa giúp được gì cho bà con. Hôm nay mới chỉ là khởi đầu, dẫu còn nhiều gian khổ, nhưng tôi tin rồi sự sống sẽ trở lại từng ngày trên cánh đồng Văn Giang. Hy vọng tinh thần Văn Giang sẽ truyền lửa cho người nông dân mọi miền trong cuộc chiến giữ đất giữ làng này.




Thursday 10 May 2012

Bắt quả tang nhưng lại giấu chứng cớ kết tội mới lạ đời.


Hôm qua, ngày 9/5/2012, mình nhận được công văn của công an thành phố Hà Hội trả lời đơn kiến nghị khởi tố của mình. Lần thứ nhất mình gửi là từ ngày 21/9/2011, lần thứ ba mình gửi ngày 3/1/2012. Mình biết các vị ấy có nhiều việc quan trọng, nên mình cứ thỉnh thoảng gửi nhắc việc thôi, chứ chả dám thúc giục gì sất. Còn ối người gửi đơn thư hàng chục năm kia kìa, từ lúc tóc còn xanh xanh cho đến lúc ngả muối tiêu cơ. Có người bức xúc chờ đợi lâu quá hóa tâm thần, chứ mình may là vẫn còn tỉnh táo chán.
Đọc công văn trả lời rồi, do đại tá Phó thủ trưởng cơ quan điều tra ký hẳn hoi, mà mình thấy trả lời như các vị ấy thật đơn giản quá. Họ bảo họ “bắt quả tang” mình gây rối trật tự công cộng ở Bờ Hồ, rằng “hành vi gây rối của mình đã rõ ràng”.
Lạ thế chứ, họ nói cứ dễ như ăn kẹo vậy là sao nhỉ? Chẳng cần chứng cớ hay nhân chứng, cũng chẳng thèm tống đạt cho mình cái quyết định tạm giam, hay xử phạt hành chính như họ nói, mà cứ thế họ cùm tay mình, chở mình trên cái xe chở tù chuyên dụng rồi tống mình vào Hỏa Lò dễ như bắt gà bắt qué thế à? Cái thứ duy nhất mình cầm trên tay khi ra tù là cái giấy hủy bỏ quyết định tạm giữ (còn cái quyết định tống mình vào Hỏa Lò thì họ chả đưa cho mình 1 bản nào). Hơ hơ, họ bảo bắt quả tang mình mà lại giấu biệt chứng cớ. Bao nhiêu cái video clip họ chĩa vào mặt mình quay làm bằng chứng, chả nhẽ chỉ để họ ngắm với nhau à?
Nói thật là đến bây giờ mình cũng chẳng hiểu tại sao họ lại tống mình vào Hỏa Lò.  Giống như họ bắt Bùi Hằng rồi lại phải muối mặt thả ra. Theo mình họ chả được cái gì sất, lại chuốc thêm sự phiền hà cho chính họ, chứ như mình có khi lại được tiếp thêm dũng khí chưa biết chừng.
Theo lời khuyên của bạn bè, mình bắt đầu tìm đọc Bộ luật tố tụng dân sự để tìm hiểu xem mình nên làm gì tiếp theo. Mình là mình cứ sống và “hưu trí” theo Hiến pháp cho lành.